Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và những ca khúc bất tử: Trộm Nhìn Nhau, Bài Hương Ca Vô Tận, Kinh Khổ…

Trầm Tử Thiêng là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của dòng nhạc vàng trước năm 1975 với rất nhiều sáng tác được công chúng yêu thích suốt gần 60 năm qua, tiêu biểu là các bài Đưa Em Vào Hạ, Trộm Nhìn Nhau, Bài Hương Ca Vô Tận, Lời Của Mẹ…

Không chỉ được yêu thích với những ca khúc nhạc vàng phổ thông, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng còn nổi tiếng với thể loại nhạc tình ca êm đềm, những ca khúc như Mây Hạ, Mộng Sầu, Một Thời Để Nhớ, Một Thời Uyên Ương, Tưởng Niệm, Kinh Khổ… vẫn còn sống mãi cùng năm tháng.

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và ca nhạc sĩ Duy Khánh, người đã trình bày thành công nhiều ca khúc Trầm Tử Thiêng

Nhắc đến ca khúc Kinh Khổ, một bài hát nổi tiếng được nhạc sĩ viết chủ yếu chỉ bằng 4 nốt nhạc là Re, Fa, Sol, La (nếu không kể nốt Do xuất hiện 1 lần ở cuối bài hát). Có thể nói trong lịch sử tân nhạc, đó là lần duy nhất có một ca khúc nổi tiếng chỉ được xây dựng cơ bản ở trên 4 nốt nhạc. Cũng vì vậy mà nhịp bài hát đều đều giống như một lời kinh cầu, lời cầu nguyện cho quê hương bị tan hoang vì lửa binh.

Đầu thập niên 1970, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng cũng tham gia phong trào du ca và đã phát hành băng nhạc mang tựa đề Tình Ca Dọc Đường để giới thiệu những ca khúc thể loại này với tiếng hát Thanh Lan.

Có thể nói dòng nhạc đa dạng của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đã chinh phục được mọi giới và tầng lớp khán giả, từ bình dân đại chúng cho đến giới trí thức.

Không chỉ có vậy, cùng với nhạc sĩ Anh Bằng thì Trầm Tử Thiêng là 1 trong 2 nhạc sĩ có sức sáng tác mạnh mẽ nhất vào thời kỳ sau năm 1975. Trong vòng 15 năm kể từ khi rời quê hương năm 1985, ông đã sáng tác thêm hàng trăm ca khúc, tiêu biểu nhất là Bài Tình Ca Mùa Đông, Đêm Nhớ Về Sài Gòn, Mười Năm Yêu Em, Gửi Em Hành Lý, Đò Dọc, Tưởng Không Còn Nhìn Thấy Nhau, Người Ở Lại Đưa Đò…

Cho đến lúc gần cuối đời, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng vẫn cùng với một nhạc sĩ thế hệ sau này là Trúc Hồ hợp soạn nên nhiều bài nhạc trẻ như Cơn Mưa Hạ, Đã Qua Thời Mong Chờ…

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng nói rằng hầu hết những bài hát của ông, chủ yếu là viết về tình yêu, thân phận, có xuất phát từ cuộc sống tình cảm riêng tư của ông đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm.

Cố nhạc sĩ nhạc sĩ Anh Bằng cũng đã chia sẻ: “Trầm Tử Thiêng có một khả năng đặc biệt, đó là khả năng nhậy bén của một nhạc sĩ viết được những ca khúc giá trị cho chiến dịch. Trầm Tử Thiêng không chỉ là kẻ viết sử bằng âm nhạc, mà còn chính là nhân chứng của từng giai đoạn lịch sử đa đoan, hàm hỗn của đất nước.”

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng có tên thật là Nguyễn Văn Lợi, sinh năm 1937 tại Quảng Nam (trên giấy tờ ghi năm 1940). Ông bắt đầu ca hát từ năm lên 10 ở các thôn quê miền Nam Việt Nam từ 1945 đến 1949, sau đó theo gia đình lên Sài Gòn học trung học. Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đã bắt đầu sáng tác từ khi còn đi học, khoảng năm 1955-1956, nhưng thuở đó không có cơ hội được phổ biến tác phẩm, phải chờ đến 10 năm sau đó, ông mới có dịp trình làng ca khúc đầu tiên là Lời Của Mẹ (Có tên khác là Rồi Hai Mươi Năm Sau, viết năm 1957 cùng với Tấn An). Ca khúc này còn có phần 2 là Lời Của Con, nhưng đã bị tuyệt bản.

Năm 1958, Trầm Tử Thiêng tốt nghiệp trường Sư phạm và bắt đầu đi dạy học. Năm 1966, ông gia nhập quân ngũ, phục vụ ngành tâm lý ᴄhιến, bắt đầu sáng tác nhiều ca khúc về đời lính như Mưa Trên Poncho, Quân Trường Vang Tiếng Gọi…

Từ năm 1970, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng làm việc cho chương trình Phát Thanh Học Đường chung với các nghệ sĩ, nhạc sĩ lừng danh là Lê Thương, Hùng Lân, Vĩnh Bảo, Tống Ngọc Hạp, Xuân Điềm, Đắc Đăng…

Cũng vào lúc này, ông đã trải qua một câu chuyện tình trắc trở trong một thời gian rất dài. Người phụ nữ duy nhất gắn với cuộc đời ông là bà Đỗ Thái Tần, là một tiểu thư con nhà giàu. Họ yêu nhau từ thời trẻ, nhưng sự môn đăng hộ đối đã nhiều lần ngăn cản họ đến với nhau. Đến năm 1970, khi nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đã 33 tuổi thì họ mới chính thức chung sống với nhau, nhưng lúc này bà Tần đã có 2 con với người chồng trước. Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng vẫn chấp nhận và thương như con ruột của mình.

Hạnh phúc chỉ được vài năm thì biến cố 1975 ập đến, lần này là thời cuộc chia lìa đôi người, bà Tần di tản, Trầm nhạc sĩ ở lại, lặng lẽ tiễn chân vợ và hai con chia phôi biền biệt, cách một đại dương. Cuộc tình lại đi vào ngõ cụt, người ở lại nhớ nhung dày vò, tưởng chừng bị chìm đuối. Sau đó, vì những nỗ lực vượt biển nên có một thời gian nhạc sĩ bị ở tù. Đến năm 1985 được tự do, ông đã sáng tác ca khúc Mười Năm Yêu Em để nói về cuộc tình trắc trở của mình để kỷ niệm tròn 10 năm xa vợ:

“Mười năm gian nan, ta ngỡ mình sắp đuối”

Cùng trong năm 1985, đến cuối cùng thì họ cũng được gặp lại sau tròn 10 năm chia ly. Lúc đó nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng được ca sĩ Thanh Thúy bảo lãnh sang Hoa Kỳ. Nhưng cuộc đời thật trớ trêu, 10 năm dâu bể trôi qua, ở trên đất khách, người xưa đã không thể chờ đợi và đã tìm được một tổ ấm yên vui khác.

Họ gặp lại nhau với tư cách là người cũ, và nhạc sĩ đã sáng tác Bài Tình Ca Mùa Đông như là để từ biệt mối tình tuyệt vọng. Từ đó trở về sau, ông không bao giờ còn tay trong tay với bất kỳ bóng hồng nào nữa…

Để rồi sắp gặp nhau, mới biết em không đợi nữa
Trời lại thêm mùa đông, cho tuyết than trên đầu non
Kỷ niệm giăng ngập đêm nay trong mưa
anh hứng nốt những giọt cuối mùa.

Sau khi sang tới Mỹ, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng trở lại sáng tác mạnh mẽ, cộng tác với nhiều trung tâm băng đĩa, đặc biệt là gắn bó chặt chẽ với trung tâm Asia cho tận đến khi qua đời năm 2000, hưởng thọ 63 tuổi.

Sau đây mời các bạn nghe lại những sáng tác tiêu biểu nhất của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng:

Đưa Em Vào Hạ

Bài hát Đưa Em Vào Hạ được nhạc sĩ viết theo một hình thức tương đối khác biệt so với những ca khúc nhạc vàng khác, đó giống như là một câu chuyện kể hành trình, một cuộc du hành trong tâm tưởng. Tác giả dùng 2 nhân vật “anh” và “em” để dẫn dắt người nghe nhạc đi dọc non sông.


Click để nghe Duy Khánh hát Đưa Em Vào Hạ trước 1975

Mùa Hè năm nay anh sẽ đưa em vòng khắp cả hý trường.
Nghe người ca bài ca lời thương lời nhớ.
Chén tiễn chén đưa cho rã rời một đêm hẹn ước.
Rứt áo tìm vui nơi chiến trường có bạn có thù.

7000 Đêm Góp Lại

Bài hát 7000 Đêm Góp Lại, có nội dung ca ngợi tuổi đôi mươi của những người trẻ đã lớn lên trong thời ly loạn:

Bảy ngàn đêm góp lại thành lời tường tận tình đời.
Qua bảy ngàn đêm, những người trai thành sử rạng ngời.
Những người em thấm ngọt son môi.

Vì sao là 7000 đêm? Vì qua 7000 đêm cũng là gần tròn 20 năm, để những người trai thành sử rạng ngời và những người em thấm ngọt son môi. Qua 7000 đêm, những chàng trai cô gái sẽ trưởng thành và gánh vác thế hệ. Nhưng cũng qua hai mươi năm đó, những suy tư thời cuộc đương thời cũng làm cho họ có những sự già dặn trong suy nghĩ, với những trăn trở khôn nguôi.


Click để nghe Phương Dung hát 7000 Đêm Góp Lại trước 1975

Trong lời đề tựa cho bài hát, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng ghi: 7000 đêm, gần hai mươi năm. Thời gian đó đủ cho ta sự trường thành, đủ cho ta sự… già nua…

Lời Của Mẹ (Rồi Hai Mươi Năm Sau)

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng viết nhạc từ rất sớm, từ khi còn ở trường trung học, nhưng thuở đó không có cơ hội được phổ biến tác phẩm. Phải chờ đến 10 năm sau đó, ông mới có dịp trình làng ca khúc đầu tiên là Lời Của Mẹ (Có tên khác là Rồi Hai Mươi Năm Sau, viết năm 1957 cùng với Tấn An). Ca khúc này còn có phần 2 là Lời Của Con, nhưng đã bị tuyệt bản.

Bài hát được diễn tả như là lời ru của một người mẹ tuổi đời 20, sinh con trong lời loạn, vợ xa chồng, con xa cha. Qua lời hát ru của người mẹ,

Con ơi à ơi
Đây là giấc ngủ ban đầu
Mẹ ru con, bên ngoài gió thổi năm non
Hai mươi tuổi đời, mẹ sinh con yêu dấu à ơi…


Click để nghe Thanh Tuyền hát Lời Của Mẹ trước 1975

Bài Hương Ca Vô Tận

Trước nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, hình như chưa từng có ai sử dụng chữ Hương Ca trong tên bài hát Bài Hương Ca Vô Tận để nói về những lời hát quê hương. Đó không phải là một bài hương ca thông thường, mà là một bài hương ca vô tận.

Bài Hương Ca Vô Tận đã từng được nhiều danh ca nhạc vàng cất lên tiếng hát, điển hình là Duy Khánh, Hoàng Oanh, hay Thanh Tuyền, nhưng nó được yêu thích nhất bởi một danh ca khác nữa, một đệ nhất danh ca, đó là Thái Thanh. Bà đã từng nói về bài hát này như sau:

“Khi nói chuyện với nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng tôi mới biết ý của ông trong những lời ca. Trong bài có những câu như “Hát nữa đi hương…”, nhiều khán giả tưởng “hương” là tên một người con gái, nhưng có nói chuyện với ông mới biết chữ “hương” là ông muốn nói đến Quê Hương”.


Click để nghe Thái Thanh hát Bài Hương Ca Vô Tận trước 1975

Hát nữa đi Hương hát điệu nhạc buồn điệu nhạc quê hương.
Hát nữa đi Hương hát lại bài ca tiễn anh lên đường.
Ngày đao binh chưa biết còn bao lâu,
cuộc phân ly may lắm thì qua mau
Hát nữa đi Hương hát để đợi chờ.

Trộm Nhìn Nhau

Ca khúc Trộm Nhìn Nhau được chia làm 3 phần, để cho ca sĩ “nhìn trộm” 3 người khác nhau. Đó là nhìn trộm em, nhìn trộm anh, và nhìn trộm mẹ.

Vì sao phải nhìn trộm? Có lẽ vì như vậy thì mới thấy được người yêu thương của mình trong một hình tượng tự nhiên nhất, không hoa mỹ, không hào nhoáng.

Đôi khi trộm nhìn em
Xem dung nhan đó bây giờ ra sao


Click để nghe Hoàng Oanh & Thanh Phong hát Trộm Nhìn Nhau trước 1975

Trong dòng nhạc rất đa dạng về thể loại và chủ đề của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, không thể không nhắc đến nhạc viết về mùa Xuân với 2 ca khúc tiêu biểu là Ta Đã Gặp Mùa Xuân (viết chung với Nhật Ngân) và Mùa Xuân Trên Cao:

Anh đã thấy mùa xuân trong lòng chị
Tôi đã gặp mùa xuân trong mắt em
Chị hân hoan say đêm dài mộng mị
Em cười vui thơm khói pháo bên thềm


Click để nghe Sơn Ca hát Ta Đã Gặp Mùa Xuân trước 1975

Trời bây giờ trời đã sang Xuân
Anh và mai ngủ bên bìa rừng
Trở giấc ba mươi mộng ảo
Ngày thơ vẫn đẹp vô cùng
Nếu xuân này môi em còn hồng.


Click để nghe Dạ Hương hát Mùa Xuân Trên Cao trước 1975

Sau biến cố tang thương năm 1968 tại Huế, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đã tiên phong viết về cuộc đời và phận người tại vùng đất cố đô, đó là Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy và Những Con Đường Trắng (thơ Tô kiều Ngân).

Ngày nào cầu đã đưa anh qua phố tìm em
Cầu đã đưa ta sang chỗ hẹn nhau
Cầu tha thiết khuyên anh giữ trọn tình đầu
Nước dưới cầu vẫn trong veo
Như cuộc tình duyên nghèo…


Click để nghe Hoàng Oanh hát Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy trước 1975


Click để nghe Hương Lan hát Những Con Đường Trắng trước 1975

Tôn Nữ Còn Buồn

Bài hát được nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng viết cho xứ Huế nhân một mùa ngập lụt:

Lụt về làm sạch nương ta
Ai đi ngăn nổi gió mưa của trời
Ðường mô Tôn Nữ sang chơi
áo trắng quên cười nát dạ sông Hương…

Có thể thấy dù sáng tác mang một đề tài mang tính thời sự, nhưng bài hát vẫn có nét lãng mạn ca ngợi người Tôn Nữ, người con gái Huế thướt tha vương buồn.


Click để nghe Hương Lan hát Tôn Nữ Còn Buồn trước 1975

Con Quốc Việt Nam

Bài hát Con Quốc Việt Nam có thể xem là tiêu biểu nhất trong thể loại ca khúc viết về đất nước trong một giai đoạn đau đớn vì thời cuộc.

Con quốc Việt Nam ca bài sông núi hờn căm
Từ khi từ khi quốc kêu điêu tàn, thương người ở tận biên ngàn…


Click để nghe Hà Thanh hát Con Quốc Việt Nam trước 1975

Cách Biệt

Ý nghĩa của bài hát này nghĩa là cách biệt thế hệ giữa 2 nhân vật trong bài hát: Người 16, kẻ 30, một bài hát nói về tình yêu, nghĩa đồng bào, là tâm sự của 1 ngươi di cư gửi đến cô thiếu nữ bản xứ.

Em với ta đâu thành hai thế hệ
Dù em tròn mười sáu, ta ba mươi
Em với ta nếu là hai thế hệ
Sao cùng đang sống giữa nước non này


Click để nghe Duy Khánh hát Cách Biệt trước 1975

Vùng Trước Mặt

Một ca khúc viết về đời lính


Click để nghe Duy Khánh hát Vùng Trước Mặt trước 1975

Ngày Xưa Lên 5 Lên 3

Với nhiều người yêu nhạc vàng, ca khúc “Ngày Xưa Lên 5 Lên 3” đã gắn với một thời kỷ niệm xa xưa. Bài hát có những hình ảnh gợi về thời quá khứ, về tuổi ấu thơ tươi đẹp lúc còn yêu trăng yêu hoa với những kỷ niệm ngọc ngà. Bài hát này được 2 nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và Duy Khánh hợp soạn.


Click để nghe Duy Khánh & Thanh Lan hát Ngày Xưa Lên 5 Lên 3 trước 1975

Ngày xưa lên năm lên ba
Tuổi thơ yêu trăng yêu hoa
Giữa đêm mơ hoa mơ trăng vào nhà
Mình thường hay chơi quanh cây đa
Có em em là Hằng Nga, có anh anh là Cuội già

Trong Cơn Hy Vọng

Tôi vẫn tin rằng em còn đó chứ đi đâu
Dù với cuộc đời bao bể cả
biển nương dâu đoạn trường qua cầu

Tôi vẫn tin mãnh liệt của ngày mai
Thái bình tôi về đây với em
trọn mộng giấc dài

Một ca khúc hay nhưng không nhiều người biết đến, và cũng có ít người hát lại. Cùng nghe lại phiên bản thu âm trước 1975 của Thái Châu và Phương Dung:


Click để nghe Thái Châu và Phương Dung hát Trong Cơn Hy Vọng trước 1975

– – –

Ngoài những ca khúc nhạc vàng nổi tiếng này, ngay từ trước năm 1975 nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đã sáng tác nhiều ca khúc thuộc thể loại nhạc tình ca không phải là nhạc đại chúng:

Tưởng Niệm

Trầm Tử Thiêng viết Tưởng Niệm năm 1972, năm của Mùa Hè Đỏ Lửa kinh hoàng. Những phận người ngã xuống như rơm như rạ. Những ai oán, xót xa thống thiết trên phận người, trên tình người và cả trong tình yêu đã được người nhạc sĩ 35 tuổi nén lại, dồn chặt trong nội tâm sâu thẳm “khép kín” của mình, không thể chia sẻ, không thể kêu gào, chỉ có thể bùng nổ trong âm nhạc.

Đúng như tên gọi của ca khúc, “Tưởng Niệm” là dành để tưởng niệm. Nhưng không chỉ để tưởng nhớ người nằm xuống mà để tưởng niệm đời sống, tưởng niệm tình yêu đã mất đi, thứ của cải vô giá mà con người vừa chợt nhận ra trong những giây phút cuối cùng hiện diện trên đời sống. Toàn bộ ca khúc giống như một thước phim quay chậm, soi rọi tâm tư thầm kín của những số phận con người trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời.


Click để nghe Thanh Lan hát Tưởng Niệm trước 1975

Ta nghiêng tai nghe lại cuộc đời,
thì hãi hùng hoàng hôn trờ tới
Ta nghiêng vai soi lại tình người,
thì bóng chiều chìm xuống đôi môi 

Kinh Khổ

Bài hát được sáng tác chủ yếu chỉ bằng 4 nốt nhạc là Re, Fa, Sol, La (nếu không kể nốt Do xuất hiện 1 lần ở cuối bài hát). Có thể nói trong lịch sử tân nhạc, đó là lần duy nhất có một ca khúc nổi tiếng chỉ được xây dựng cơ bản ở trên 4 nốt nhạc. Cũng vì vậy mà nhịp bài hát đều đều giống như một lời kinh cầu, lời cầu nguyện cho quê hương bị tan hoang vì lửa binh:

Mẹ ngồi nguyện cầu hằng bao đêm
Lời kinh vọng xa thật êm đềm
Mẹ cầu cho con vượt qua ngày tròn
Mẹ cầu cho em tuổi trời xanh còn nguyên đừng biến mất


Click để nghe Khánh Ly hát Kinh Khổ trước 1975

Tình Cuối Tình Đầu

Một bài hát mang đầy tâm trạng lúc đêm về:

Đêm lắng sâu cho hồn rơi vỡ từng cơn mưa
Tình yêu đó phải chăng người
Từ đêm nay sao bơ vơ lạ đời…


Click để nghe Khánh Ly hát Tình Cuối Tình Đầu trước 1975

Mộng Sầu

Tình mình bây giờ như mưa trên sông
Mưa đầu sông, mưa cuối sông
Tình mình bây giờ như cơn gió đông,
Gió đầu đông, gió cuối đông


Click để nghe Thanh Lan hát Mộng Sầu trước 1975

Hối Tiếc

Còn gì nữa đâu mà bảo nhau đợi chờ
Tình em hút sâu cho đến muôn đời sau
Còn gì nữa đâu mà khuyên nhau hẹn hò
Tình như vó câu một bước trăm ngàn sầu


Click để nghe Lệ Thu hát Hối Tiếc trước 1975

Bài: Đông Kha
chuyenxua.net

Viết một bình luận