Lịch sử hình thành và hình ảnh ngày xưa của Đà Nẵng

Đà Nẵng có thể xem là thành phố lớn và quan trọng bậc nhất của miền Trung Việt Nam, nơi có cửa biển giao thương tấp nập từ lâu đời. Đà Nẵng có lịch sử lâu đời, xuyên suốt trong lịch sử triều đình nhà Nguyễn, cảng biển ở Đà Nẵng thuộc dạng quan trọng bậc nhất, có thời điểm nó trở thành nơi duy nhất của nước Đại Nam mà tàu thuyền của các nước Phương Tây được quyền đến.

Mời các bạn xem lại những hình ảnh Đà Nẵng trong thời gian thập niên 1960 sau đây:

Hình ảnh bên bờ sông Hàn ở Đà Nẵng:

Cầu chữ T sông Hàn trước Tòa Thị chính Đà Nẵng

Cầu chữ T sông Hàn trước Tòa Thị chính Đà Nẵng

Tòa thị chính Đà Nẵng (nay là UBND Đà Nẵng)

Hình ảnh nội thành Đà Nẵng xưa:

Khách sạn Grand

Đây là khách sạn Grand thời Pháp, mang ten là Hôtel Morin Frères, là khách sạn đầu tiên của Đà Nẵng

Tiệm may Saigon đường Độc Lập Hình chụp từ ngã tư Độc Lập – Thành Thái (nay là đường Trần Phú – Trần Quốc Toản). Cổng phía bên phải là của khu vực nhà thờ lớn Đà Nẵng

Tòa nhà nằm tại góc ngã ba Bạch Đằng – Phan Đình Phùng, Đà Nẵng

Đường Trần Hưng Đạo, nay là đường Nguyễn Thái Học

Đường Đồng Khánh năm 1965

Đường Đồng Khánh

Bảo tàng Chăm

Những cây cầu ở Đà Nẵng:

Cầu Cẩm Lệ năm 1967

Cầu Cẩm Lệ trên QL1 đi vào Đà Nẵng

Cầu Trịnh Minh Thế

Cầu Nam Ô từ Đà Nẵng đi Huế

Cầu Nam Ô từ Đà Nẵng đi Huế

Cầu Nam Ô từ Đà Nẵng đi Huế

Những tà áo dài thướt tha ở Đà Nẵng:

Buôn thúng bán bưng cũng mặc áo dài

Hình ảnh ngoại ô Đà Nẵng:

núi Ngũ Hành Sơn

Đà Nẵng năm 1967

Lịch sử vùng đất Đà Nẵng kể từ khi thuộc về người Việt vào đầu thế kỷ 14

Lãnh thổ của Đà Nẵng xưa thuộc về nước Chiêm Thành, nó chỉ thuộc về quản lý của người Việt từ năm 1306, khi 2 châu Ô và Lý được vua Chiêm là Chế Mân dâng cho Thượng hoàng Trần Nhân Tông để làm sính lễ trong lễ cưới với công chúa Huyền Trân.

Sau đó vua Trần Anh Tông đổi châu Ô thành Thuận Châu (ngày nay là vùng đất thuộc các huyện Triệu Phong, Hải Lăng của Quảng Trị và Quảng Điền, Hương Trà của Thừa Thiên Huế), đổi châu Lý thành Hóa Châu (sau này là các vùng thuộc huyện Phú Vang, Phú Lộc của Thừa Thiên Huế, và Hòa Vang, Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên của Quảng Nam). Khi đó miền đất nhỏ bé giáp biển là Đà Nẵng ngày nay thuộc về địa phận của Điện Bàn – Hóa Châu.

Đầu thế kỷ 15, nhà Trần suy tàn, Hồ Quý Ly lên ngôi nhưng để mất nước vào tay nhà Minh. Dưới thời thuộc Minh, Thuận Châu và Hóa Châu nhập lại thành Thuận Hóa.

Năm 1428, Lê Lợi giành được độc lập từ nhà Minh, lập ra triều đại Hậu Lê. Đời vua Lê Thánh Tông, lãnh thổ Đại Việt được mở rộng thêm về phía Nam, lập thêm Thừa tuyên Quảng Nam (sau này đổi tên gọi thành trấn Quảng Nam).

Năm 1558, thời Lê trung hưng, nghe theo Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ vùng đất Thuận Hóa và cùng con cháu các đời xây dựng nơi này thành một vương quốc Nguyễn ở xứ Đàng Trong, về sau kéo dài xuống tận mũi Cà Mau.

Năm 1604, chúa Nguyễn Hoàng đã cắt huyện Điện Bàn thuộc trấn Thuận Hóa, nâng lên thành phủ, sáp nhập vào trấn Quảng Nam. Khi đó thì vùng đất Đà Nẵng trực thuộc huyện Hòa Vang của trấn Quảng Nam, không còn thuộc Thuận Hóa.

Thời gian sau đó, trong 2 thế kỷ 17 và 18, Đà Nẵng bắt đầu được tiếp xúc nhiều với Tây Phương. Cũng trong thời gian này, các giáo sĩ Công Giáo đầu tiên bắt đầu hành trình truyền đạo của mình ở Việt Nam, khởi đầu chính là ở vùng đất Đà Nẵng. Từ đó, chữ quốc ngữ cũng được hình thành những nét đầu tiên cũng bắt nguồn từ vùng đất này.

Những người Âu Châu đầu tiên đến Đà Nẵng là Bồ Đào Nha từ khoảng giữa thế kỷ 16, tuy nhiên người Bồ không thành lập cơ sở thương mại tại đây mà chỉ giao thương mang tính chất trao đổi hàng hóa theo mùa. Đến 100 năm sau, người Anh mới bắt đầu đến Đà Nẵng giao thương, sau đó là Nhật, Hòa Lan, rồi mới đến người Pháp từ năm 1744.

Thời gian sau đó, từ giữa thế kỷ 18 trở về sau, Đà Nẵng trở thành một trong những diễn trường chính của cuộc tranh chấp quyền lực khốc liệt giữa những người Việt với nhau, kết thúc với phần thắng thuộc về chúa Nguyễn Ánh và lên ngôi vua Gia Long từ đầu thế kỷ 19.

Hình vẽ Đà Nẵng năm 1829

Từ thời gian này trở đi, Tây phương giảm dần sự chú ý đến thương cảng sầm uất Hội An để dồn hết sự quan tâm về Đà Nẵng, và nơi này cũng đã trở thành trung tâm tiếp xúc giữa Phương Tây và đế quốc Đại Nam của triều đình nhà Nguyễn.

Sau khi vua Gia Long băng hà, Đại Nam kết thúc thời kỳ giao hảo với người Pháp, vua Minh Mạng lên ngôi và bắt đầu thực hiện chính sách ngoại giao không mấy thân thiện với Phương Tây, lúc nào cũng dè chừng nên bế môn tỏa cảng, chỉ cho phép tàu thuyền phương Tây đến duy nhất cảng biển Đà Nẵng, và người nước ngoài phải tuân theo luật lệ bản xứ, chỉ được buôn bán trao đổi hàng hóa và không được lập cơ sở trên đất liền.

Vịnh Đà Nẵng

Suốt thời kỳ triều vua Minh Mạng, sau đó là Thiệu Trị, Tự Đức, đã có vài chục chuyến đi sứ của các đại diện cho nước Mỹ, Anh, Pháp đến Đà Nẵng xin gặp triều đình và trao quốc thư để thiết lập bang giao, nhưng đều bị các vua Nguyễn từ chối gặp mặt, không nhận thư, chỉ sai quan ra đón tiếp chu đáo và nói khéo để họ trở về.

Đến năm 1858, người Pháp đã chọn Đà Nẵng để khai hỏa xâm chiếm Đại Nam, sau đó tấn công xuống Gia Định, mở ra thời kỳ đặt ách đô hộ lên nước An Nam dài gần 100 năm.

Năm 1862, Pháp chiếm 3 tỉnh Nam kỳ. Năm 1867, Pháp chiếm luôn 3 tỉnh còn lại ở Nam kỳ, từ đó Nam kỳ lục tỉnh đều trở thành thuộc địa của Pháp, triều đình Huế chỉ còn lại Bắc kỳ và Trung kỳ. Thời gian sau đó, Pháp lần lượt tấn công Hà Nội và kinh đô Huế, buộc triều đình phải nhiều lần ký hòa ước nhượng bộ, đặc biệt là Hòa ước Giáp Thân năm 1884. Năm 1885, kinh đô Huế thất thủ, năm 1888, vua Đồng Khánh ký một đạo dụ để nhượng đứt chủ quyền các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng cho Pháp. Từ lúc này, tên gọi chính thức của Đà Nẵng là Tourane, tồn tại suốt thời kỳ Pháp thuộc.

Các tên gọi của Đà Nẵng

Trong lịch sử, Đà Nẵng có 3 tên gọi chính thức, đó là Đà Nẵng, Hàn và Tourane.

Về tên gọi Đà Nẵng, đa số nhà nghiên cứu lịch sử đều thừa nhận rằng cái tên này xuất phát từ tiếng của người Chăm nước Chiêm Thành, đó là Hang Danak, trong đó Hang nghĩa là dải đất do biển rút cạn để lộ ra, còn Danak nghĩa là cửa sông tiếp giáp biển.

Có câu hỏi đặt ra là tên gọi Đà Nẵng được sử dụng từ khi nào? Thật khó để biết được thời gian chính xác. Tài liệu xưa nhất được ghi nhận nhắc tới đích danh Đà Nẵng là Ô Châu Cận Lục của tác giả Dương Văn An – quan thời nhà Mạc, viết vào giữa thế kỷ 16. Trong Ô Châu Cận Lục, nghĩa là viết về chuyện ở Ô Châu, ông Dương Văn An kể về chuyện vua Lê đánh Chiêm Thành từ năm 1470, vì vậy có thể ước đoán tên gọi Đà Nẵng đã có trước thời điểm này.

Tên gọi thông dụng thứ 2 của Đà Nẵng, nhất là dưới thời Pháp thuộc, đó là Hàn. Nếu như người Pháp và người Việt theo Tây học thường gọi Đà Nẵng với cái tên Tây là Tourane, thì đại đa số người khác gọi là Hàn. Chữ Hàn này nhiều khả năng cũng từ tên gọi của người Chiêm là Hang Danak để chỉ vùng đất này.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Võ Văn Dật thì cái tên này xuất phát từ cách người Hoa gọi tên vùng đất Đà Nẵng là Hành Càng hoặc Hàn Càng.

Nhà người Hoa ở Đà Nẵng

Người Hoa đã có mặt ở Đà Nẵng trước cả khi vùng đất này thuộc về Đại Việt, họ cùng với người Chiêm sinh sống lâu đời với nhau tại đây. Người Hoa thường không gọi Đà Nẵng bằng cái tên Đà Nẵng, mà gọi bằng cái tên của riêng họ là Hiện Cảng, trong đó, Hiện là Con hến, Cảng là cửa biển.

Theo giải thích của những người Hoa ngày xưa, họ truyền đời nhau câu chuyện rằng khi đi buôn bằng đường biển về phương Nam, muốn đến xứ Quảng Nam bằng Hiện Cảng thì cứ men theo bờ biển, khi nào trông thấy chỗ nào có hòn đảo giống hình con hến là theo cửa biển đó là vào tới Hiện Cảng. Hòn đảo đó, theo khảo sát, rất có thể là hòn Sơn Chà (Sơn Trà hiện nay). Đó là nguồn gốc của tên gọi Hiện Cảng. Từ tên Hiện Cảng, người Hoa gốc Hải Nam vốn sinh sống nhiều ở Đà Nẵng đã phát âm thành Hàn Càng, và người Việt nói gọn thành Hàn.

Về tên gọi Tourane, có nhiều giả thuyết khác nhau được đưa ra, nhưng giả thuyết được đồng thuận cao nhất là cũng xuất phát từ cách người Hoa gốc Hải Nam phiên âm tên gọi Đà Nẵng (chữ của người Việt) thành Tu-rang, từ đó người Pháp phiên âm Tu-rang thành Tourane.

Cũng từ chữ Tu-rang này, suốt trong thế kỷ 16,17, những người Phương Tây khác đã gọi (và viết tên) Đà Nẵng bằng nhiều cái tên tương tự, như là Turan, Turam, Turam, Turao, Turon, Touron, Turone…

Cho đến khi người Pháp đô hộ Việt Nam kể từ nửa sau thế kỷ 19, cái tên Tourane do họ phiên âm trở thành tên hành chính chính thức của Đà Nẵng, kéo dài đến tận năm 1950.

Ngày 24 tháng 5 năm 1889, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập thành phố Tourane thuộc tỉnh Quảng Nam. Tourane là thành phố loại 2, chịu sự cai quản trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương.

Ngày 19 tháng 9 năm 1905, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định tách Tourane khỏi tỉnh Quảng Nam để trở thành một đơn vị hành chính độc lập. Kể từ sau đó, người Pháp đã xây dựng Tourane thành một đô thị theo kiểu Tây phương, với cơ sở hạ tầng xã hội, kỹ thuật sản xuất được đầu tư bài bản. Sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến hàng xuất khẩu, sửa chữa tàu thuyền, kinh doanh dịch vụ được hình thành và phát triển. Cùng với Hải Phòng và Sài Gòn, Tourane trở thành trung tâm thương mại quan trọng, cảng Đà Nẵng đã tương đối hoàn chỉnh và đi vào hoạt động từ giai đoạn 1933-1935. Sân bay dân dụng cũng được nhà cầm quyền sớm xây dựng vào năm 1926. Hầu hết các công ty lớn nhất hoạt động ở Đông Dương đều hiện diện ở Đà Nẵng trong thời gian này.

Một số hình ảnh Tourane thời thuộc Pháp:

Chợ ở Tourane

Đường Verdun, nay là Trần Hưng Đạo

Đường từ Huế ra Tourane

Ngã 3 Sài Gòn – Hà Nội, nay là ngã 3 Bạch Đằng – Hùng Vương

Gare de Tourane – Ga xe lửa Đà Nẵng

Đường xe lửa dọc bến Courbet, nay là đường Bạch Đằng dọc theo sông Hàn

Đường Quảng Nam, nay là đường Trưng Nữ Vương

Bến Courbet, nay là đường Bạch Đằng

Trụ sở Liên hiệp Thương mại Đông Dương và Phi Châu
Đường dọc sông Hàn

Nhắc đến Đà Nẵng, không thể không nhắc đến Bảo Tàng Chăm được xây dựng từ hơn 100 năm trước.

Từ cuối thế kỷ 19, công sứ tỉnh Quảng Nam là Charles Lemire đã tiến hành công tác khảo cổ các di tích văn hóa Chăm và đem các di vật tìm được về trưng bày tại Đà Nẵng. Sau đó, năm 1900, Trường Viễn Đông Bác cổ tiến hành khai quật khảo cổ ở quy mô lớn hơn, từ đó phát sinh nhu cầu xây dựng một nhà bảo tàng tại Tourane – Đà Nẵng cho các cổ vật Chăm.

Năm 1902, Henri Parmentier của Trường Viễn Đông Bác cổ chính thức đề cử dự án kiến thiết rồi được hai kiến trúc sư người Pháp là Delaval và Auclair thực hiện. Kết quả dự án là một tòa nhà được xây dựng, có một số nét kiến trúc Chăm. Công trình mà hiện nay là Bảo tàng Chàm được Trường Viễn Đông Bác cổ cho khởi công xây dựng năm 1915, đến năm 1919 thì hoàn tất. Mời các bạn xem các hình ảnh xưa của bảo tàng:

Ngày 2/2/1950, Pháp ký hiệp định với chính quyền Quốc Gia Việt Nam (thuộc liên hiệp Pháp) của quốc trưởng Bảo Đại, trao trả Đà Nẵng về cho Việt Nam. Từ lúc này, về mặt giấy tờ thì tên gọi Tourane đã được thay thế bằng tên Đà Nẵng, nhưng vì thói quen nên cái tên này vẫn được sử dụng cho đến đầu thập niên 1960 mới phai dần. Còn với cái tên Hàn thì lúc này hầu như đã biến mất, không còn ai nhắc tới, chỉ còn cái tên Sông Hàn, Chợ Hàn là tồn tại đến tận ngày nay.

Tòa nhà Shell và Tòa Thị chính Đà Nẵng thập niên 1950

Tòa thị chính

Bên trái là ga Đà Nẵng

Vào thời gian đầu của đệ nhất cộng hòa, Đà Nẵng lại trở lại trực thuộc tỉnh Quảng Nam. Đến năm 1962, tỉnh Quảng Nam được tách thành hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Tín, còn Đà Nẵng trực thuộc trung ương.

Tháng 3 năm 1965, quân đội Mỹ chọn Đà Nẵng là nơi đến đầu tiên khi quyết định đổ bộ vào Việt Nam, sau đó xây dựng căn cứ quân sự hỗn hợp rất lớn tại đây.

Tàu tuần duyên của Mỹ trên vịnh Đà Nẵng năm 1965

Dưới thời VNCH, Đà Nẵng là thành phố lớn thứ 2 của miền Nam, chỉ sau Sài Gòn.

Sau 1975, Đà Nẵng là thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.

Ngày 1 tháng 1 năm 1997, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng tách thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng chính thức trực thuộc trung ương, sau 8 năm kiến nghị với trung ương.

Đông Kha – chuyenxua.net biên soạn
Hình ảnh: manhhai flickr

 

Viết một bình luận