Hoàn cảnh sáng tác “Con Đường Xưa Em Đi” và câu chuyện tình sắt son của vợ chồng nhạc sĩ Châu Kỳ

Ca khúc Con Đường Xưa Em Đi của nhạc sĩ Châu Kỳ và Hồ Đình Phương là một trong những bài nhạc vàng nổi tiếng nhất suốt 60 năm qua. Bài hát đại chúng này phổ biến đến nổi có nhiều biến thể được dân gian chế lời, và như thông lệ, bài hát nào càng được chế lời nhiều nhất là chứng tỏ giai điệu bài hát đó càng nổi tiếng.

Bài hát này được một thi sĩ nổi tiếng là Hồ Đình Phương viết lời, nên bài hát có ca từ rất đẹp và bay bổng không khác gì bài thơ.


Click để nghe Mỹ Thể hát Con Đường Xưa Em Đi trước 1975

Con đường xưa em đi trong bài hát cũng là con đường đã in dấu bước chân xưa của đôi tình nhân, đã từng khắc ghi câu chuyện tình thật đẹp và ngọt ngào trong bao lần hẹn hò nhau. Nay vì người trai đã đi xa rồi nên nỗi buồn đã vàng võ lên cả mái tóc thề người con gái, dâng lên ngõ hồn tái tê…

Con đường xưa em đi,
vàng lên mái tóc thề,
ngõ hồn dâng tái tê

Anh làm thơ vu quy,
khách qua đường lắng
nghe chuyện tình ta đã ghi

Những mùa trăng vu quy,
vì mưa gió không về
Chiến trường anh bước đi

Có nàng hoen đôi mi,
ngóng theo đường vắng hoe
Hỏi còn ai cố tri…

Ở đoạn nhạc tiếp theo, bài hát cho biết lý do của sự xa cách tình nhân, đó là “chιến tɾườпg anh bước đi”, ra đi về miền biên địa đã mấy mùa mưa gió không hẹn ngày về, để lỡ làng cho “những mùa trăng vu quy” cùng người con gái với đôi mi hoen ướt cứ đứng ngóng hoài nơi đường xưa lối cũ.

Sau năm 1975, khi một số bài nhạc vàng bắt đầu được hát lại ở trong nước từ đầu thập niên 1990, để tránh nhắc tới yếu tố “nhạy cảm”, phần lời bài hát này được đổi lại thành “lối mòn anh bước đi” và “nơi đây thao thức canh dài”, làm cho bài hát không còn không khí vắng xa nhau của đôi tình nhân vào thuở loạn ly ngày cũ.

Em ơi nhìn gió lên khơi,
lòng có trông vời một người xa cuối trời?
Nơi đây phiên gác canh dài,
e ấp đôi lời mình còn nhớ thương hoài.

Em ơi màu áo phong sương,
mình ước huy hoàng
được bàn tay chính nàng

Dâng hoa, dâng hết ân tình
Tình đến bao giờ
Hỏi đường xưa mà nhớ…
Con đường xưa em đi

Thời gian có quên gì
Đá mòn kia vẫn ghi,
ghi một đêm trăng thanh
Quán bên đường vắng tênh
Chỉ còn em với anh.

Nếu như ở đoạn đầu là tâm sự của người ở lại, thì ở đoạn sau đó là những suy tư của người trai ở nơi đầu tuyến. Lính trận miền xa đôi lúc băn khoăn không biết người ở quê cũ có còn trông vời một người xa cuối trời. Chàng luôn có một niềm mơ ước giản dị, nhưng cũng thật là “huy hoàng”, đó là mong một ngày mai người trai được rũ bỏ áo phong sương trở về, tìm lại con đường xưa và đôi uyên ương được dâng cho nhau hết cả những ân tình.

Cũng con đường xưa và quán bên đường quen thuộc, cũng vào một đêm trăng thanh như năm cũ, nhưng ở một khoảng thời gian khác, đôi người sẽ lại được dìu nhau đi, nối lại ân tình sau những ngày dài xa cách.


Click để nghe song ca Chế Linh – Thanh Tuyền hát trước 1975

Về hoàn cảnh sá ên cảm hứng cho nhạc sĩ cùng người bạn thân của mình là nhà thơ Hồ Đình Phương viết thành ca khúc “Con Đường Xưa Em Đi” là con một con đường đất nhỏ nằm sau Nhà máy giấy Cogivina (nay là Tân Mai) thuộc tỉnh Biên Hoà vào thập niên 1960 (nay là tỉnh Đồng Nai).


Click để nghe Chế Linh và Thanh Tuyền hát trong dĩa nhựa năm 1969

Bà Kha Thị Đàng kể lại: “Ngày đó tôi làm kế toán ở nhà máy giấy Tân Mai, anh Hồ Đình Phương cũng đang làm phó giám đốc hành chính ở đây. Phía sau nhà máy có dãy nhà tập thể cho công nhân nghỉ ngơi và nối tới nhà máy là con đường mòn xuyên qua một cánh đồng lúa. Chúng tôi thường qua lại trên con đường đó. Cứ mỗi lần thấy tôi đi qua anh Hồ Đình Phương lại nói vui với tôi câu “Con đường xưa em đi”. Một thời gian sau thì bài hát “Con đường xưa em đi” ra đời. Vì chồng tôi thường có thói quen đàn để sáng tác những giai điệu nhạc hay còn anh Hồ Đình Phương hay tìm lời cho những giai điệu đó. Hai người đã sáng tác chung như thế cả vài chục ca khúc theo cách như thế nên tôi nghĩ bài “Con đường xưa em đi” là bài hát chồng tôi và anh Hồ Đình Phương lấy cảm hứng từ con đường mòn đó”.

Nhà máy giấy Tân Mai trong câu chuyện mà bà Đàng kể được thành lập từ năm 1958 thuộc ấp Tân Mai, xã Bình Trước, tỉnh Biên Hòa (nay là phường Thống Nhất, Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), ban đầu mang tên chính thức là Công ty Kỹ nghệ Giấy Việt Nam (COGIVINA). Vào khoảng thời gian những năm 1958 – 1960, hàng loạt các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất giấy và bột giấy rất phát triển ở miền Nam, và nhà máy giấy Tân Mai một trong những doanh nghiệp có nhà máy quy mô lớn, là đơn vị sản xuất giấy in báo duy nhất ở Miền Nam. Bên cạnh giấy in báo, giấy bao gói xi-măng của Cogivina cũng là sản phẩm nội địa duy nhất có chất lượng ngang hàng với sản phẩm của Nhật Bản trong những năm 1970.

Trước khi gặp và thành hôn với Kha Thị Đàng, nhạc sĩ Châu Kỳ đã có một đời vợ là danh ca Mộc Lan, họ từng được xem là đôi trai tài gái sắc nổi tiếng của tân nhạc Việt Nam. Danh ca Mộc Lan là người hiếm hoi hội tụ đủ cả thanh và sắc trong số các nữ ca sĩ thời kỳ thập niên 1950, bà từng là người trong mộng của nhiều người, trong đó có cả chàng nhạc sĩ tài hoa phong lưu là Đoàn Chuẩn. Châu Kỳ – Mộc Lan là vợ chồng được 3 năm (1949-1952) thì cuộc tình nghệ sĩ tan vỡ.

Đến năm 1955, nhạc sĩ Châu Kỳ lập gia đình với bà Kha Thị Đàng lúc đó mới 16-17 tuổi (nhỏ hơn chồng đến 15 tuổi).

Ca sĩ Phương Dung từng nói về cuộc hôn nhân của họ như sau:

Phía sau sự thành công của Châu Kỳ chính là Kha Thị Đàng. Có với nhau 4 người con, người phụ nữ này bằng lòng sống “chung cái nghèo” với người chồng nhạc sĩ đến tận cùng cuộc đời. Cô ấy cũng chính là người khán giả theo suốt cuộc đời người nhạc sĩ.

Những người nghệ sĩ nói chung và nhạc sĩ nói riêng, luôn được xem là những người sống phóng túng, đa tình, thường nhạy cảm và dễ rung động trước cái đẹp, có như thế thì họ mới viết thành những bài ca bất hủ để lại cho đời. Vì vậy những người bạn đời của các nhạc sĩ luôn có tấm lòng bao dung và nhẫn nại lớn, nếu muốn gia đình được ấm êm, hạnh phúc. Ngoài vai trò là vợ nhạc sĩ, họ còn là tri âm, tri kỷ để có thể đồng hành cùng người bạn đời trong suốt hành trình nghệ thuật.

Nói về sự đào hoa và tính nghệ sĩ của chồng, bà Kha Thị Đàng từng cho biết:

“Những chuyện tình của Châu Kỳ đau khổ, trắc trở nhưng mối tình của Châu Kỳ cùng những sáng tác của ông sẽ sống mãi trong lòng khán giả. Cuộc đời ông có nhiều bóng hồng, tôi làm vợ phải thông cảm cho chồng vì nhờ đó mới có nhiều ca khúc hay tặng đời”.

Trước năm 1975, nhạc sĩ Châu Kỳ là một trong những người tiên phong sáng tác tân nhạc và nhạc vàng miền Nam. Ông cũng là người chủ trương của ban nhạc Tiếng Thùy Dương nổi tiếng một thời. Tên ông đã được ghi trang trọng trong hành trình phát triển của nền tân nhạc Việt Nam một thời rực rỡ.

Tuy nhiên, ngay sau năm 75, cùng chung với số phận của hàng trăm nhạc sĩ miền Nam khác, cuộc đời của gia đình nhạc sĩ Châu Kỳ – Kha Thị Đàng bước sang một trang mới đầy khó khăn, thử thách. Bài viết sau đây của nhà báo Trần Quốc Bảo mô tả cuộc sống của họ vào giai đoạn đó:

Sau 1975, nhạc sĩ Châu Kỳ phải đi tập trung cải tạo. Bà Kha Thị Đàng nhớ lại: “Đó mới là quãng thời gian vất vả cực nhọc nhất của tôi bởi tôi vừa phải một mình nuôi các con vừa phải kiếm tiền để đi thăm nuôi anh ấy trong hoàn cảnh kinh tế chung của của đất nước rất khó khăn”.

Khi ấy bà làm công nhân nhà máy giấy Tân Mai ở Đồng Nai lương chỉ có 300 đồng nhưng mỗi tháng phải đi thăm nuôi ông tiêu tốn hết những 1000 đồng, chưa kể tiền nuôi các con ăn học. Để trang trải tất cả những khoản tiền ấy, ngoài công việc chính là làm kế toán phát lương ở nhà máy giấy Tân Mai, bà còn phải thức khuya dậy sớm đi làm thêm ở ngoài để cải thiện thu nhập.

“Khi ấy, chồng con tôi là những người quan trọng nhất nên tôi làm tất cả vì họ tôi. Tôi chỉ buồn một chuyện là do thời điểm ấy khó khăn quá nên việc học hành của các con tôi lỡ dở” – Bà Đàng tâm sự.

Người nghệ sĩ giống như con tằm, rút ruột để trả nợ cho đời những tác phẩm nghệ thuật, điều hạnh phúc nhất đối với họ hẳn là có những người tri âm tri kỷ có thể hiểu được những sáng tạo của họ. Đối với nhạc sĩ Châu Kỳ, có lẽ bà Kha Thị Đàng ngoài vai trò một người vợ thì còn là một người tri âm, tri kỷ. Có lẽ bởi vậy nên họ đã có những tháng ngày hạnh phúc dù cuộc sống còn nhiều vất vả.

Những năm cuối đời, nhạc sĩ Châu Kỳ phải nằm một chỗ mất gần 4 tháng. Bà kể lại, ông không có bệnh gì nhưng do cơ thể đã lão hóa nên mọi thứ ngưng hoạt động hết. Mỗi ngày phải truyền 3 chai nước biển, một chai muối, một chai đường, một chai đạm để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể. Khi ấy, bà khóc và nói với ông rằng: “Anh ơi, em hết tiền rồi. Khi nào anh trăm tuổi thì anh nằm lại Sài Gòn nhé”. Nhạc sĩ Châu Kỳ đáp: “Em phải đưa anh về Huế. Em đừng có lo, bạn anh lo hết”.

Khi nhạc sĩ Châu Kỳ mất, bạn bè tập trung lại rất đông lo tang lễ và đưa ông trở về cố hương – đất Huế Thần Kinh thương nhớ mà bao nhiêu năm ông đã gửi vào những ca khúc bolero đậm chất quê hương của mình như Cố Đô Yêu Dấu, Hương Giang Còn Tôi Chờ, Miền Trung Thương Nhớ, Thần Kinh Thương Nhớ, Nén Hương Yêu…

Cố thi sĩ – soạn giả Kiên Giang đã nói về bà Kha Thị Đàng: “Châu Kỳ trở thành một nhạc sĩ tài danh trong thập niên 1960 là một người đào hoa, hào phóng, sống hết lòng với bạn bè. Sự nghiệp thành công của anh có công rất lớn của người vợ chịu thương chịu khó để cho chồng toàn tâm toàn ý sống với nghệ thuật mà anh đã chọn. Bà đúng là một người vợ của nghệ sĩ”.

Bà Kha Thị Đàng hiện nay

Không phải là một nghệ sĩ nhưng hơn 50 năm sống cuộc đời du ca cùng chồng, trải qua không biết bao nhiêu ngọt bùi cay đắng như một người nghệ sĩ thực thụ, cuộc hôn nhân định mệnh của bà Kha Thị Đàng và nhạc sĩ Châu Kỳ là một câu chuyện tình đẹp và hiếm hoi trong giới nghệ sĩ.

Đó đích thực là tình yêu bởi trong cuộc đời mình, bà chưa bao giờ nói lời ân hận và luôn hãnh diện bởi bà đã cùng chồng sống một cuộc đời say mê, hết mình cho nghệ thuật. Cuộc tình ấy, cuộc đời ấy dù không sung túc nhưng xứng đáng để bà có thể kiêu hãnh với cuộc sống này.

Tổng hợp

Viết một bình luận