Bàn về vị trí của nhạc vàng và giai điệu bolero trong tân nhạc Việt Nam

Gần đây trong làng tân nhạc Việt Nam thường hay nhắc đến những từ “nhạc sến”, “nhạc sang”. Người ta có thể nôm na hiểu rằng “nhạc sến” là loại nhạc phổ thông mang tính cách quần chúng. Có người cho rằng “nhạc sến” là nhạc quê hương, nhạc lính hoặc nhạc tình cảm ướt át, ủy mị viết theo thể điệu Bolero, Rumba. Có người tàn nhẫn hơn cho là nhạc rẻ tiền, không có giá trị nghệ thuật, chỉ giới bình dân mới nghe.

Nếu như chúng ta dùng từ nhạc “sến” để phân biệt nhạc Bolero, Rumba với các loại nhạc khác, tự bản thân chữ sến không có ý nghĩa miệt thị, xem thường. Nhưng ở đây, với tư cách của một khán giả say mê âm nhạc, xin được phép trình bày ý kiến riêng của mình về giá trị nghệ thuật của những tác phẩm mà nhiều người đã tàn nhẫn cho là “nhạc sến”.

Trong một chương trình Thúy Nga – Paris By Night, ca sĩ Minh Tuyết trình bày ca khúc “Lạnh Trọn Đêm Mưa” của nhạc sĩ Huỳnh Anh, và đã nhận được nhiều sự khen ngợi từ khán giả. Điều đáng nói là, lần đầu tiên Minh Tuyết hát nhạc phẩm mà nhiều người cho là “sến”. Theo tôi, đây là nhạc phẩm mà Minh Tuyết hát truyền cảm nhất từ trước đến nay, hay hơn những ca khúc thời trang trẻ mà cô đã hát bao nhiêu năm qua:

Mưa buồn ơi thôi ngừng tiếng
Mưa cho phố nhỏ càng buồn thêm
Mưa rơi gác xưa thêm lạnh vắng
Phòng côi lắng tiêu điều
Đường thưa vắng đìu hiu…

Nhạc phẩm “Lạnh Trọn Đêm Mưa” trong vỏn vẹn 3 câu đầu, người nghe đã dễ dàng cảm nhận được không gian, thời gian với tất cả những nét chấm phá cô đọng của cảm giác. Không gian là căn gác nhỏ trong lòng con phố vắng đang chìm dưới một cơn mưa dai dẳng, thời gian là màn đêm, nhân vật đang gởi gắm tâm tư vào sự yên tĩnh của màn đêm của cơn mưa. Tình cảm tuy có ướt át và có thể ủy mị nhưng trong khía cạnh văn chương, bài nhạc đã thành công về mặt cú pháp, văn phạm.

Về nghệ thuật, lời lẽ rất hòa hợp với âm điệu ngũ cung, tuy đơn giản mà rất thành thật và dễ dàng cho người nghe sử dụng trí tưởng tượng để hòa tâm hồn vào cảnh vật và nhân vật.

Trong ca khúc “24 Giờ Phép”, nhạc sĩ Trúc Phương đã vẽ ra một chuyện tình thời chiến lồng trong bối cảnh hết sức mộc mạc, chân chất mà vô cùng lắng đọng.

Từ xa tôi về phép
24 giờ tìm người thương trông người thương
Chân nghe quen từng viên sỏi đường nhà
Chiều nghiêng nghiêng nắng đổ
Và người yêu đứng chờ ngoài đầu ngõ bao giờ

Chàng lính trẻ chỉ có vỏn vẹn 24 giờ phép. Thời đó làm gì có điện thoại, internet, email, chỉ liên lạc với nhau bằng thư từ có khi phải gởi đi cả tháng trước. Nhưng hình ảnh “người thương trông người thương” trong một buổi chiều nắng đổ đã vẽ ra một bức tranh lung linh màu sắc. Chàng bước đi trên con đường quen thuộc đến nỗi bàn chân nghe quen từng viên sỏi nhỏ. Lối nhân cách hóa của Trúc Phương trác tuyệt. Và càng trác tuyệt hơn khi ông viết “và người yêu đứng chờ ngoài đầu ngõ bao giờ”.

Có lẽ nàng đã đứng đợi chàng từ lâu lắm rồi? Có thể 1 tiếng, 2 tiếng hay nàng đã đợi chờ chàng từ sáng sớm? Giờ đây sống giữa thế kỷ tân tiến với sự phổ thông của cellular phone, nghe lại câu hát trên mới thấy cái tội nghiệp thật dễ thương của những người con gái Việt thời chinh chiến. Cuộc tình trong 24 giờ phép của Trúc Phương thật quá tình tứ, quá lãng mạn mà vô cùng trong sáng.

Nghe Thanh Thúy hay Hoàng Oanh hát nhạc phẩm này mới thưởng thức trọn vẹn nét tuyệt diệu của nhạc phẩm “24 Giờ Phép”. Ở giọng ca Thanh Thúy, tình cảm lắng đọng đến mức độ không gian và thời gian dường như ngừng lại. Ở Hoàng Oanh, người nghe cảm nhận được điều đẹp đẽ nhất của tình yêu đến từ những điều bình dị nhất. Thanh Thúy đưa tình yêu về một cõi trời mây nào đó thoát tục mà con người không biết đến. Hoàng Oanh vỗ về tình yêu một cách nhẹ nhàng như cơn gió thoảng đưa hương thơm của những cành hoa ngoài đầu ngõ làm khoan khoái cõi lòng.

Nhạc Trúc Phương hầu hết là nhạc viết theo thể điệu Bolero, với các tác phẩm đã được thử thách với thời gian như Đò Chiều, Chiều Cuối Tuần, Đêm Tâm Sự, Bóng Nhỏ Đường Chiều, Trên Bốn Vùng Chiến Thuật, Mưa Nửa Đêm, Tàu Đêm Năm Cũ,… Danh ca Lệ Thu cũng đã từng trình bày ca khúc Đò Chiều của Trúc Phương rất tuyệt vời.

Nhạc sĩ Lam Phương đã có rất nhiều các ca khúc viết theo thể điệu Rumba, Belero rất nổi tiếng như Nghẹn Ngào, Trăm Nhớ Nghìn Thương, Chuyến Đò Vỹ Tuyến… Tác phẩm “Thành Phố Buồn” bất tử tiêu biểu trong hàng trăm ca khúc để đời khác của ông:

“Thành phố nào nhớ không em
Nơi chúng mình tìm phút êm đềm
Thành phố nào vừa đi đã mỏi
Đường quanh co quyện gốc thông già

Chiều đan tay nghe nắng chan hòa
Nắng hôn nhẹ làm hồng môi em…”

Không ai trong chúng ta khi nghe bài hát này mà không hình dung đến thành phố Đà Lạt với nét đẹp nên thơ và những chuyện tình thật đẹp. Và cuộc tình đẹp thường là những chuyện tình thật buồn. Nghe Chế Linh hát “Thành Phố Buồn”, người ta như chìm đắm trong một câu chuyện tình lãng mạn với nỗi buồn nhè nhẹ thấm vào da thịt như buổi chiều của thành phố cao nguyên.

Tác phẩm Thành Phố Buồn đã trở thành một trong những bài hát phổ thông. Người lớn cũng thích nghe Thành Phố Buồn, tuổi trẻ lớn lên ở Việt Nam hay hải ngoại cũng thích nghe Thành Phố Buồn. Sinh viên, trí thức hay người bình dân vẫn thấy cõi lòng rung động với dòng nhạc du dương, với những lời ca mang nhiều hình ảnh, màu sắc thật đậm đà của Thành phố buồn.

Trong một chương trình nhạc chủ đề Nhạc Lam Phương, ca sĩ Ý Lan đã trình bày một số tác phẩm của ông trong đó có nhạc phẩm “Đèn Khuya” viết theo thể điệu Bolero. Nghe Ý Lan vừa hát, vừa diễn xuất mới cảm nhận được rằng những dòng nhạc bất tử luôn vượt qua biên giới của định kiến.

Không biết đêm nay vì sao tôi buồn,
buồn vì trời mưa hay bão trong tim…

Lời lẽ giản dị nhưng thấm sâu vào tim ta những cảm giác ngọt ngào, đậm đà tình thiêng liêng của quê hương và của lòng mẹ.

Nhạc sĩ Hoàng Trọng – tác giả nổi tiếng chuyên viết nhạc Tango cũng đã viết tác phẩm Bolero rất hay là Cánh Hoa Yêu. Nhạc sĩ Trường Sa tác giả của những bài như Một Mai Em Đi, Xin Còn Gọi Tên Nhau, Rồi Mai Tôi Đưa Em đã rất thành công với các ca khúc Một Lần Xa Bến, Hành Trang Giã Từ theo thể điệu Belero, Rumba. Nhạc sĩ Tuấn Khanh, tác giả Hoa Soan Bên Thềm Cũ, Chiếc Lá Cuối Cùng cũng có nhiều bài nhạc Belero xuất sắc như Quán Nửa Khuya, Mùa Xuân Đầu Tiên, Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi.

Ngay cả nhạc sĩ Phạm Duy cũng có bài Ngày Em 20 Tuổi – một tác phẩm tuyệt vời đã được nhiều ca sĩ hát theo thể điệu Bolero.

Một nhà văn nào đó đã viết: “Không có tác phẩm nào là sến mà chỉ có phong cách trình diễn là sến mà thôi”. Điều đó không có nghĩa là bài nhạc Bolero, Rumba nào cũng hay. Nhưng nếu đánh giá hay vơ đũa cả nắm là dòng nhạc này “sến”, nhạc đại chúng không có giá trị cao về nghệ thuật, quả là hẹp hòi, nông cạn nếu không nói là sai lầm.

Thời gian trôi qua, sẽ có một lúc nào đó người ta sẽ không còn nhớ đến tác giả mà chỉ nhớ đến tác phẩm. Âm nhạc cũng sẽ không ngừng thay đổi theo thời gian. Những gì có giá trị thật sự sẽ mãi mãi tồn tại cho dù người ta có đánh giá những tác phẩm đó một cách nhất thời. Một đêm nào đó thật xa hiện tại sẽ có những cặp tình nhân dìu nhau trên đường phố hát ngêu ngao những câu hát thật tình tứ như:

“Những đêm trời trăng thanh
Quán bên đường vắng tanh
Chỉ còn em với anh.”

Họ sẽ không biết đó là tác phẩm bất tử “Con Đường Xưa Em Đi” của Châu Kỳ. Nhưng người ta vẫn sẽ hát và sẽ còn lưu truyền những dòng nhạc thi vị đó như ca dao, tục ngữ được truyền tụng đời này qua đời khác. Còn hình ảnh nào đẹp hơn bằng hình ảnh rất tiêu biểu của những con đường Saigon về khuya, quán xá vắng tanh, chỉ còn có đôi tình nhân và ánh trăng thanh treo trên đầu con phố.

Hãy đến với âm nhạc bằng tấm lòng cởi mở để thưởng thức trọn vẹn những tác phẩm đã một thời làm rung động hàng triệu con tim Việt Nam qua những giai đoạn thăng trầm của đất nước. Các ca sĩ trẻ nên chọn những bài nhạc hay, hợp với giọng hát đừng để bức rào định kiến nhạc sang, nhạc sến làm cản trở sự thăng tiến trong nghề nghiệp. Người ta không thể nói một dĩa thịt bò steak ngon hơn một trái bắp nướng mỡ hành. Đôi khi trong những đêm mưa, trái bắp nướng sẽ là một món ăn tuyệt hảo hơn cả một dĩa thịt bò hầm khoai tây…

Đêm nay trong giá lạnh của một ngày Đông, sau khi viết xong bài viết này, tôi nagr mình trên giường nệm ấm trong căn phòng vắng lặng. Tôi chợt thèm nghe tiếng hát Thanh Thúy và dòng nhạc Trúc Phương, nhạc phẩm Mưa Nửa Đêm đưa hồn tôi về lại con phố cũ của Sài Gòn năm xưa với những đêm chưa ngủ nằm nghe tiếng mưa rơi:

Tôi thiếp đi trong niềm vui và đêm rớt những giọt mưa cuối cùng…

(Trích và biên tập lại từ bài viết của tác giả Duy Tâm. Tiêu đề do nhacxua.vn đặt)

Viết một bình luận