Bài viết xưa năm 1934 – Bảo tồn lễ Tết cổ truyền

Bài viết sau đây đã được viết vào 90 năm trước, nói về một vấn đề mà cả thế kỷ qua cứ được người ta nhắc đi nhắc lại mỗi khi Tết đến Xuân về, đó là việc bảo tồn Tết cổ truyền, là việc có nên bỏ Tết Nguyên Đán hay không.

Có người đã viện vì lẽ xa xỉ, mất thì giờ mà bảo nên bỏ cái lễ Tết Nguyên Đán. Vậy ý kiến ấy nên theo hay không? Nên là vì lẽ gì? Không nên là vì lẽ gì?

Tết Nguyên Đán là một lệ cổ mà nước Việt Nam ta gìn giữ kể đã mấy ngàn năm rồi.

Gần đây, có người thấy ngày Tết người ta ăn tiêu xa xỉ quá thì cho là ngày vô ích, bảo nên bỏ đi. Bỏ đi cũng phải, vì ngày Tết cũng như bao nhiêu ngày khác trong năm, mà làm gì cho mọi người nô nức tiệc tùng, rượu chè linh đình, biết bao là tốn công của, đời là đời cạnh tranh, người kiệm của hiếm, nào có dư dụ đâu như đời cổ mà cũng “ăn Tết” cho nghèo dân, nghèo nước. Giữ Tết cũng không ích gì cho non sông đất nước, mà bỏ Tết nghĩ cũng không hại gì cho non sông đất nước.

Giữ lại hay bỏ đi thì non sông đất nước cũng vẫn là non sông đất nước này. Tết nó không đủ làm cho hơn thua được gì đâu, mà bỏ đi thì người ta khỏi phải một lần ăn tiêu quá độ “gánh vàng đem đổ sông Ngô”, chẳng hay là dư? Nếu Tết nó chỉ có ngần ấy chuyện thì cũng nên bỏ phăng nó đi chớ còn tiếc thương làm gì nữa! Nhưng nói ra rồi nghĩ lại, Tết chẳng phải chỉ có cái hình thức ấy mà thôi, Tết nó còn là cái tinh thần của nó.

Không! Tết nào phải là ngày vô nghĩa, ngày Tết nào phải là ngày để ăn tiêu xa xỉ, chơi bời quá độ. Ngày Tết đối với dân tộc Việt Nam là một ngày đầm ấm vui vầy, có hàm một cái ý nghĩa rất là thâm trầm cao thượng. Dùng sức óc tưởng tượng một chút thì thấy cuộc đời là một cuộc lữ hành, nếu cuộc lữ hành ấy mà vô cùng vô tận “chân trời góc bể, biết đâu là nhà”, mà phải cái tình cảnh “lỡ độ đường” thì tất sinh biết bao nhiêu lòng thất vọng. Ở đời mà đã đến thất vọng thì còn gì là sinh thú nữa. “Đã không biết sống làm vui. Tấm thân nào biết thiệt thòi là thương!” thì đời cũng không còn gì là đời nữa. Nên cổ nhân mới đặt ra một năm có một lần Tết. Một lần Tết tức là một “độ đường” để người đi trong cuộc đời, dần dần một độ qua một độ, cho khỏi sinh buồn chán. Ngày Tết tức là ngày để ghi cho biết rằng cuộc đời người ta đã đi khỏi được một độ trong con đường dài vô hạn vô cùng. Hết một độ đường cũ, qua một độ đường mới, đường dẫu dài mà hy vọng không cùng; khách lữ hành vẫn vui bước, bước lên quãng đường cảnh mới…

Ngày Tết lại là ngày cúng giỗ, phụng sự tổ tiên để kẻ con cháu nhớ lại cái công đức “cây cội nước nguồn”. Có người vì mưu lấy hạnh phúc cho cuộc đời phải xa cách quê hương, nếu không có ngày Tết, này nặng nghĩa tôn giáo gia tộc khiến cho lòng khắc khoải vì tiếng thiêng liêng của hồn nòi giống gọi về, về cho cha con, anh em, họ hàng sum họp vui vầy để thoả tấm lòng du tử, thì đời người còn gì là thú vị nữa.

Một ngày đã có ý nghĩa hay như thế mà lại nỡ huỷ đi hay sao? Xét về hình thức thì nên bỏ, bỏ đi là phải, nhưng xét về tinh thần thì lại nên bảo tồn lắm. Tết, nó có điều dở là tự mình làm cho nó dở, chơi bời quá độ, ăn tiêu xa xỉ là tự mình, chứ Tết nào bảo ta như thế!

Bỏ hình thức mà giữ tinh thần, Tết há không phải là một cái tệ hay đáng nên bảo tồn lắm ru? Bỏ Tết là huỷ đi mất một cái phong vị rất hay riêng của nước Việt Nam, trừ nước Việt Nam ta, không có nước nào có cái phong vị ấy, cái phong vị khiến cho quả tim người và quả tim trời đất như đập cùng một nhịp.

Tác giả: T.M
Đã đăng trong tập Lời Hoa do Đông Hồ nhuận sắc, Tri Đức học xã xuất bản năm 1934

1 bình luận về “Bài viết xưa năm 1934 – Bảo tồn lễ Tết cổ truyền”

Viết một bình luận