Ý nghĩa của câu ca dao “Gió đưa cây cải về trời” và sự xuyên tạc về vua Gia Long

Từ nhiều năm qua, ở Côn Đảo (thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) có truyền thống thờ và làm lễ giỗ một người tên là Hoàng Phi Yến.

Theo hồ sơ di sản được công bố trước đây về bà Phi Yến, bà tên thật là Lê Thị Răm, thứ phi chúa Nguyễn Ánh (sau là hoàng đế Gia Long), hiện thờ tại An Sơn Miếu. Năm 1783, chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, chạy ra Côn Đảo, bà Phi Yến cùng chạy theo. Vì ngăn Nguyễn Ánh cầu viện Pháp, bà bị chồng giam giữ trong hang đá trên hòn đảo hoang vắng, phía tây nam của đảo chính. Con trai bà Phi Yến và chúa Nguyễn Ánh là hoàng tử Hội An (hoàng tử Cải) khóc đòi mẹ, bị chúa ném xuống biển, xác trôi vào làng Cỏ Ống, được dân làng mang chôn và lập miếu thờ.

Cũng theo hồ sơ di sản, năm 1785, bà Phi Yến được dân làng rước về. Tại đây, bà bị người làng là Biện Thi xâm phạm danh tiết nên tự vẫn. Bà mất ngày 18/10 âm lịch, năm 1785. Để tỏ lòng thương tiếc, dân làng xây ngôi miếu để thờ bà. Sang thế kỷ XIX, năm 1861, Pháp chiếm Côn Đảo, lập nhà tù và di dời toàn bộ dân về đất liền nên ngôi miếu không được chăm sóc, dần hư hỏng, sụp đổ.

Miếu thờ bà Phi Yến ở Côn Đảo

Đến năm 1958, Trưởng ty ngân khố tỉnh Côn Sơn là ông Nguyễn Kim Sáu đã xem lại sử lược, nhận thấy người phụ nữ trung trinh tiết liệt nên cho xây lại ngôi miếu nhỏ trên nền ngôi đền ngày xưa, thờ bà Phi Yến, đặt tên An Sơn Miếu. Để tưởng nhớ, ngày 17-18/10 âm lịch hàng năm, dân làng An Hải tổ chức lễ giỗ bà Phi Yến”.

Từ câu chuyện truyền thuyết này, và dựa theo tên của mẹ con bà Phi Yến là Răm và Cải, dân gian có câu ca dao:

 “Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay”

Hình vẽ bà Phi Yến

Tuy nhiên, theo các nhà sử học, nhà nghiên cứu về triều Nguyễn, thì câu chuyện về bà Phi Yến này hoàn toàn không có thực. Nguyễn Phúc tộc thế phả và Đại Nam liệt truyện không ghi chép ai là thứ phi vua Gia Long tên Lê Thị Răm và có tên thụy Phi Yến. Gia phả hoàng tộc cũng không ghi chép tên hoàng tử Cải là con vua Gia Long. Kết quả khảo cứu sử sách triều Nguyễn cho thấy, chúa Nguyễn Ánh chưa từng đến Côn Đảo. Sự kiện chúa Nguyễn Ánh đến tá túc tại Côn Đảo chỉ là được nghe kể chép lại, và có một số nhầm lẫn trong quá trình chuyển đổi chữ Koh Kong sang Hán tự. Đó là tên của hòn đảo Cổ Long nằm ở phía biển Campuchia gần vùng Hà Tiên – Phú Quốc mà chúa Nguyễn Ánh đã ra chạy nạn, chứ không phải là ở đảo Côn Lôn (Côn Đảo).

Thêm vào đó, thuyền của Nguyễn Ánh không thể nào to lớn, đủ sức chạy ra Côn Đảo mà tránh khỏi thuyền Tây Sơn đang ruồng bố khắp biển Đông,

Theo báo VnExpress, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thanh Lợi nhận định truyền thuyết bà Phi Yến khởi nguồn từ tín ngưỡng thờ Thiên Y Ana ở miền Trung, vào đến Nam Bộ đã tích hợp với tín ngưỡng thờ Thủy Long thần nữ, biến thành tục thờ ba cậu, một hóa thân khác của Thiên Y Ana. Về sau, truyền thuyết được dã sử hóa qua hình tượng bà Phi Yến, gắn kết với hành trình của chúa Nguyễn Ánh những ngày bôn tẩu.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, truyền thuyết về bà Phi Yến ở Côn Đảo bắt nguồn từ một vở cải lương trong dân gian và được người dân thờ phụng. Bản thân câu chuyện này không có thật. Điều này đã được các sử gia chứng minh, làm rõ từ lâu.

Mặc dù vậy, vào đầu năm 2022, lễ giỗ bà Hoàng Phi Yến ở huyện Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lại được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trước đó, vào ngày 25/10/2021, sở VHTTDL tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có tờ trình số 197 gửi Cục Di sản văn hóa về việc đề nghị công nhận Lễ giỗ bà Hoàng Phi Yến tại huyện Côn Đảo vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày 21/01/2022, Cục Di sản văn hóa đã tổ chức xin ý kiến Hội đồng thẩm định di sản văn hóa phi vật thể làm cơ sở đề nghị Bộ trưởng đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến ngày 26/1/2022, Cục Di sản văn hóa đã trình Bộ trưởng xem xét, quyết định đưa di sản này vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (QĐ số 773/QĐ BVHTTDL).

Để phản đối việc này, vào ngày 26/4/2022, Hội đồng Nguyễn Phước tộc Việt Nam (còn gọi là Hội đồng Nguyễn Phúc tộc, con cháu các vua triều Nguyễn) gửi văn bản đến Thủ tướng, đề nghị thu hồi quyết định công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với lễ giỗ bà Hoàng Phi Yến.

Sau khi tổ chức tọa đàm khoa học, Hội đồng Nguyễn Phước tộc Việt Nam khẳng định “thứ phi Hoàng Phi Yến chỉ là nhân vật hư cấu”. Triều đại nhà Nguyễn để lại những văn bản ghi chép rõ ràng, đảm bảo cho lai lịch, hành trạng, công nghiệp của các vị hoàng đế.

Ghi nhận kiến nghị này của Hội đồng Nguyễn Phước tộc Việt Nam, vào cuối tháng 5 năm 2022, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo xử lý kiến nghị của Hội đồng Nguyễn Phước tộc Việt Nam về việc công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với lễ giỗ bà Phi Yến.

Thực hiện chỉ đạo của phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã chủ trì, phối hợp với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia tổ chức Đoàn công tác làm việc với Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngày 16/6/ 2022, Bộ VHTTDL tiếp tục phối hợp với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Hội đồng Thẩm định hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể làm việc.

Từ kết quả làm việc, nghiên cứu hồ sơ, tư liệu liên quan, đến ngày 20/6/2022, Bộ VHTTDL đề nghị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đổi tên di sản quốc gia lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến để tránh hiểu nhầm về một nhân vật lịch sử.

Trong văn bản gửi UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bộ VHTTDL giải thích việc đổi tên nhằm “đảm bảo nguyên tắc tôn trọng cộng đồng chủ thể của di sản, tránh gây hiểu nhầm về lịch sử, hoặc gây xung đột giữa các cộng đồng trong khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam”.

Bộ VHTTDL cũng cho rằng việc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề xuất gọi tên di sản là lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến, cùng một số chi tiết trong hồ sơ đề cập tới truyền thuyết của bà “có thể gây hiểu nhầm về một nhân vật lịch sử”.

Có một chi tiết đặc biệt quan trọng mà nhiều nhà nghiên cứu, nhà sử học đã đặt ra nghi vấn là An Sơn Miếu thực ra ban đầu là thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu (giống Chùa Bà ở Bình Dương), rồi sau này (có thể là sau 1975) người ta mới nghĩ ra một truyền thuyết không có thật về bà Phi Yến để thờ tại ngôi miếu này. Vì sao có thể khẳng định như vậy? Sau đây là bài phân tích của nhà báo Hồ Tường – Giảng viên Đại học Bình Dương đăng trên báo Người Đô Thị:

Khảo sát kỹ càng hơn ở An Sơn Miếu, chúng tôi còn thấy trong cùng bàn thờ của bà Phi Yến là một trang thờ bằng gỗ sơn đỏ hơi cũ, trên cao, giữa tran trang trí hình tượng “lưỡng long tranh châu” (hai rồng giành quả châu) màu vàng cũ kỹ.

Hai bên trái, phải của tran thờ này có cặp câu đối chữ Hán màu đen, viết giữa các ô hình tròn vàng, trên nền gỗ sơn màu đỏ, nội dung như sau:

聖德配天安海國

母儀稱后蔭崑邦

THÁNH đức phối THIÊN an Hải quốc

MẪU nghi xứng HẬU ấm Côn bang

Tạm dịch:

THÁNH đức sánh THIÊN yên lành Hải quốc

MẪU nghi xứng HẬU ơn giúp Côn bang

(Cao Vĩnh phiên âm, dịch nghĩa)

Hai câu đối, về hình thức, là một cặp câu đối rất chỉnh ở cả đối thanh lẫn đối ý. Trong đó, hai từ “Hải quốc” và “Côn bang” đã xác định cụ thể cặp câu đối này ý chỉ vùng đất Côn Đảo.

Tuy nhiên, thú vị hơn cả là, trong hai câu đối đã có hai từ “Thánh”, “Mẫu” ở đầu câu mà giới chuyên môn gọi là quán thủ 串首, cùng với hai tử “Thiên”, “Hậu” ở chữ thứ tư của câu một và câu hai mà giới chuyên môn gọi là quán tâm 串心. Từ đó, chúng ta thấy rằng hai câu đối này đề cao công đức của “Thánh Mẫu Thiên Hậu” vốn là một vị thần biển trong tín ngưỡng của cộng đồng dân cư ở Nam Trung Hoa đã mang theo khi di dân đến định cư ở Nam bộ và giao lưu văn hóa với người Việt, bởi vì xưa nay nội dung của cặp câu đối hai bên trái phải của bàn thờ bao giờ cũng là “bản sử kể lại sự tích, công lao của đối tượng được thờ”.

Ảnh chụp bàn thờ bà Phi Yến với tượng đặt trong hộp kính (giữa). Trong cùng là trang thờ bằng gỗ sơn đỏ, có hai câu đối viết chữ đen trên nền vàng nội dung tôn thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu

Vấn đề cặp câu đối hai bên bàn thờ đề cao đối tượng thờ người ta có thể bắt gặp ở rất nhiều nơi thờ cúng khác. Chẳng hạn như tại chánh điện của Thiên Hậu Cung ở số 4, đường Nguyễn Du (thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) có cặp câu đối hơi giống với cặp câu đối tại trang thờ trong chánh điện An Sơn Miếu ở Côn Đảo, như sau:

聖德配天海國慈航普濟

母儀稱后桑楡俎豆重光

THÁNH đức phối THIÊN hải quốc từ hàng phổ tế

MẪU nghi xưng HẬU tang du trở đậu trùng quang

Tạm dịch:

Thánh đức sánh Trời, đất mới bè từ nâng đỡ hết

Mẫu nghi rõ Hậu, làng xưa cúng tế ấm nồng thêm

(Cao Vĩnh phiên âm và dịch nghĩa)

(Hải quốc: người Trung Hoa di cư bằng đường biển nên gọi chỗ đến như vậy

Từ hàng: chiếc bè của tinh thương- chữ của nhà Phật

Tang du: hai loài cây tượng trưng cho quê hương)

Một ví dụ khác là cặp đối thờ Quan Thánh Đế Quân ở Hiệp Thiên Cung tại số 29, đường Hàm Nghi (phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ), như sau:

聖德無疆沾萬古,

帝恩靡極頌千秋

THÁNH đức vô cương triêm vạn cổ,

ĐẾ ân mĩ cực tụng thiên thu.

Tạm dịch:

Đức Thánh vô cùng thấm nhuần muôn thuở,

Ơn Vua tột bậc ca tụng ngàn thu.

Tóm lại, trang thờ ở giữa của An Sơn Miếu ở Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), nơi mà hiện nay thờ tượng bà Phi Yến, trước kia, chính là thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu (một vị hải thần), bởi “cư dân đến Côn Đảo từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng khi đến đây, đa số họ đều gắn với nghề biển vì các rẻo đất ven núi chật hẹp, lại phụ thuộc hai mùa mưa nắng nên rất khó bám nghề nông”.

Như vậy, phải chăng tục thờ bà Phi Yến tại An Sơn Miếu ở Côn Đảo là lớp văn hóa tín ngưỡng có sau, đã thờ chồng lên tín ngưỡng tôn thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu có từ trước?

chuyenxua.net biên soạn

1 bình luận về “Ý nghĩa của câu ca dao “Gió đưa cây cải về trời” và sự xuyên tạc về vua Gia Long”

  1. Xin cảm ơn chuyện xưa đã có bài viết về 1 công nhận gây tranh cãi. Tuy hơi muộn nhưng cũng là tia sáng thắp lên niềm hy vọng cho thế hệ hôm nay về nhận thức LỊCH sử nước nhà. Nhất là thời Nguyễn. Chúng ta không tỉnh táo để nhận thức khách quan về các bậc tiền nhân có công với tổ quốc này là ta đã bị bọn thực dân pháp nhất là các tay sử gia truyền giáo. Họ bôi nhọ Vua Gia Long. Đề cao công ơn của người pháp… để thế hệ con cháu chúng ta tự trách tổ tiên của mình mà quyên đi sự thật bọn thực dân pháp độc ác xấu xa …LỊCH sử phải được nhìn nhận khách quan.Không thiên kiến.định kiến.và phải đa chiều. và tất nhiên công là công.tội là tội. Công cho ta biết ơn và sống với tổ quốc xứng hơn. Tội cho ta bài học để tránh.Dù gì thì VUA GIA LONG LÀ NHÂN VẬT LỊCH SỬ CỦA VIỆT NAM. NGƯỜI ĐẶT TÊN NƯỚC CHO ĐẾN BÂY GIỜ VÀ NHIỀU THỨ KHÁC… Nhưng tôi thấy có những người họ ăn nói thiếu tôn trọng và xúc phạm ngài…

    Trả lời

Viết một bình luận