Vĩnh biệt nghệ sĩ Thanh Tú của “Bên Cầu Dệt Lụa”

Nghệ sĩ Thanh Tú – người vào vai Nhuận Điền trong tuồng cải lương kinh điển “Bên Cầu Dệt Lụa” – đã qua đời vào sáng 23/2 vì bạo bệnh, thọ 83 tuổi, sau gần 14 năm bị đột quỵ liệt nửa người.

Khán giả Sài Gòn trước 1975 rất quen thuộc với nghệ sĩ Thanh Tú trong rất nhiều vở cải lương kinh điển của Miền Nam xưa, là người từng diễn chung với những nữ nghệ sĩ cải lương tài danh nhất là Thanh Nga, Ngọc Giàu, Ngọc Nuôi, Mộng Tuyền, Bạch Tuyết, Phượng Liên… Ngoài ra Thanh Tú còn là một tài tử điện ảnh nổi tiếng.

Nghệ sĩ Thanh Tú tên thật là Mai Văn Tú, sinh năm 1939, gốc ở Cà Mau, gia đình không có ai theo nghệ thuật. Vì mê hát, mặc cho cha phản đối, ngăn cản, ông vẫn đi học hát, trở thành học trò của nhạc sĩ Út Trong. Ông đi hát cho một số đoàn nhỏ ở tỉnh, trong đó có đoàn Tân Hương Hoa…, trước khi được gia nhập đoàn cải lương Thanh Minh Thanh Nga năm 1961.

Trước đó, kép chính đóng cặp cùng Thanh Nga tại đoàn này thường là nghệ sĩ Thành Được. Nhưng sau đó Thành Được kết hôn với Út Bạch Lan rồi rời đoàn thì các vai kép tại đoàn Thanh Minh – Thanh Nga đều giao lại cho Thanh Tú.

Năm 1963, ông đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm qua vai Lưu Kiến Xuân trong tuồng Khói sóng Tiêu Tương.

Sở hữu vóc dáng lực lưỡng, khuôn mặt chữ điền cùng chất giọng truyền cảm, Thanh Tú nhanh chóng trở thành kép chánh, sánh vai nhiều tên tuổi hàng đầu đương thời. Ông cùng cố nghệ sĩ Thanh Nga diễn đôi trong các tuồng Nửa Đời Hương Phấn, Đôi Mắt Người Xưa, Ngã Rẽ Tâm Tình… Sau vở Khói Sóng Tiêu Tương, ông được các đoàn làm phim để mắt đến, rồi được bầu Xuân mời về đoàn Dạ Lý Hương khi đôi Hùng Cường – Bạch Tuyết rời đoàn.

Thời gian này đoàn Dạ Lý Hương cũng đã đầu tư sản xuất cuốn phim mang tên Tình Lan & Điệp, vai nam chính là Điệp được giao cho Thanh Tú, bên cạnh nữ chính là “nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga.

Trước đó, từ năm 1969 nghệ sĩ Thanh Tú đã đóng chung với minh tinh Thẩm Thúy Hằng trong phim Chiều Kỷ Niệm, cùng với các diễn viên phụ là Tùng Lâm, Trang Thanh Lan, Giang Tử… Đây là phim đầu tay của hãng phim mang tên là Việt Nam do Thẩm Thúy Hằng cùng một số bạn hữu thành lập. Ngoài Thanh Tú thì phim Chiều Kỷ Niệm còn có sự tham gia diễn xuất của nhiều nghệ sĩ cải lương gạo cội là Năm Châu, Kim Cúc, bà Bảy Ngọc, Phùng Há, Việt Hùng, Ngọc Nuôi…

Thanh Tú và Thẩm Thúy Hằng

Ngoài ra Thanh Tú còn đóng vai chính trong các phim khác là Trống Mái, Phận Má Hồng, Con Ma Nhà Họ Hứa… Đây là một điều đặc biệt, vì ngoài Thanh Tú và Hùng Cường, hiếm có nam nghệ sĩ cải lương nào thành công và được yêu thích trong lĩnh vực điện ảnh.

Vai diễn được nhớ đến nhiều nhất của nghệ sĩ Thanh Tú là Nhuận Điền trong tuồng Bên Cầu Dệt Lụa công diễn lần đầu năm 1976, diễn cùng với hai nghệ sĩ Thanh Nga và Thanh Sang.


Xme trích đoạn Bên Cầu Dệt Lụa, Thanh Tú và Thanh Sang

Ngoài cải lương và điện ảnh, Thanh Tú còn diễn kịch, những vở nổi tiếng và vẫn còn được khán giả nhớ đến là Giọt sầu đóng với Thẩm Thúy Hằng, Phi vụ cuối cùng với Túy Hồng…

Năm 1969, Thanh Tú cùng đoàn Thanh Minh Thanh Nga sang Pháp, “đem chuông đi đánh xứ người”, biểu diễn cho kiều bào tại đây thưởng thức.

Thanh Tú và Thanh Nga tại Pháp năm 1969

Đầu những năm thập niên 1970 tại đoàn Dạ Lý Hương, cặp đào kép Thanh Tú – Trang Bích Liễu trên sân khấu cải lương được công chúng miền Nam đón nhận như một hiện tượng mới. Thanh Tú đẹp trai và vóc dáng cao lớn, giọng ca truyền cảm, lại là tài tử điện ảnh được yêu mến. Đứng bên cạnh là Trang Bích Liễu một thời từng được giới trẻ thập niên 1970 xem là biểu tượng thời trang qua tạo hình các nhân vật trong những vở tuồng cải lương tâm lý xã hội. Thời đó, bất kỳ mẫu thời trang nào nhân vật của bà mặc, lập tức trở thành mốt của số đông khán giả nữ.

Trang Bích Liễu thuở đôi mươi

Giọng ca của Trang Bích Liễu buồn mà không rã rời, buồn mà không thất vọng, được nghệ sĩ Lệ Thủy nhận xét là “Trong cách ca luôn ánh lên sự lãng mạn, hy vọng vươn tới đỉnh thương yêu”.

Không chỉ là cặp đôi trên sân khấu, ngoài đời Thanh Tú và Trang Bích Liễu vợ chồng với cuộc tình thủy chung. Cùng với Thanh Điền và Thanh Kim Huệ thì Thanh Tú – Trang Bích Liễu là 2 đôi vợ chồng nghệ sĩ của lĩnh vực sân khấu cải lương đã ở bên nhau trọn đời.

Tuy nhiên vào thời ban đầu, chuyện tình Thanh Tú – Trang Bích Liễu gặp vô số những trở ngại. Trước khi họ bắt đầu yêu nhau từ năm 1974, Thanh Tú đã có đến ba đời vợ và 3 người con riêng, còn Trang Bích Liễu mới 23 tuổi. Vì vậy mà khi chuyện tình mới chớm nở, gia đình Trang Bích Liễu ra sức phản đối. Dù tìm mọi cách để ngăn cản nhưng họ vẫn lén lút gặp nhau, một lần giận quá người mẹ nói Trang Bích Liễu chỉ được chọn 1, giữa gia đình và người yêu, và nữ nghệ sĩ đã đáp lại rằng không thể sống nếu bị chia cắt.

Người mẹ nghe vậy liền ngất xỉu vì quá tức giận.

Sau đó gia đình họ hàng khuyên nhủ, Trang Bích Liễu ngậm nước mắt xin lỗi mẹ, hứa sẽ cắt đứt quan hệ với người yêu.

Tuy nhiên mối tình vụng trộm vẫn diễn ra trong bí mật trong suốt thời gian 7 năm. Mỗi lần đi hát, họ không dám trò chuyện trong hậu trường, chỉ âm thầm chuyền tay nhau các mẩu thư.Càng bị cản trở, tình yêu của Thanh Tú – Trang Bích Liễu càng thắm thiết và mong sớm về chung một nhà. Năm 1981, bà quyết định nhờ vài người dì thưa chuyện với mẹ. Đến lúc này, thấy cả hai thương nhau thật lòng, con gái đã ở tuổi 30, người mẹ gật đầu. Trang Bích Liễu đạp xe gần chục cây số để báo tin vui cho người yêu, đám cưới được tổ chức một tháng sau đó.

Sau năm 1975, Thanh Tú đóng phim trở lại, xuất hiện trong các phim truyền hình Biệt Động Sài Gòn, Ông Cố Vấn, Phi Vụ Phượng Hoàng…

Thanh Tú vai Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Liên trong phim Biệt Động Sài Gòn

Cũng trong thời gian này, Thanh Tú – Trang Bích Liễu tham gia lần lượt các đoàn Thanh Minh Thanh Nga, Trần Hữu Trang, Sống Chung, trước khi tách ra lập gánh hát riêng mang tên Thanh Tú – Trang Bích Liễu và được khán giả miền Tây đón nhận. Tuy nhiên đến đầu thập niên 1990 thì cải lương thất thế trước tân nhạc và các loại hình nghệ thuật đa dạng khác. Đoàn hát vắng khách, thua lỗ đến vỡ nợ năm 1993, Thanh Tú – Trang Bích Liễu trở về Sài Gòn khi trong túi còn không một đồng.

Trang Bích Liễu kể: “Chúng tôi còn không đủ tiền để mua một manh chiếu. Nhờ ân nhân giúp đỡ, tặng 3.000 USD, chúng tôi mới mở quán ăn, làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng”.

Còn Thanh Tú thì cũng tâm sự về thời điểm đó như sau:

“Đời đi hát, mấy ai biết cho thân phận nghệ sĩ. 53 tuổi, tóc lấm tấm bạc, con còn nhỏ, về tá túc trong căn nhà bên vợ, nợ nần chồng chất. Tôi và vợ con nằm ngủ trên nền gạch, chẳng có đến chiếc xe đạp mà đi. May nhờ vợ chồng võ sư Hồ Hoa Huệ giúp vốn mở quán nghệ sĩ. Vợ lo bếp núc còn tôi tiếp bạn bè. Nhờ thế mà kinh tế khá dần lên, trả được nợ, 10 năm dành dụm mới mua được căn nhà này”.

Đó là thời điểm họ phải rời xa sân khấu, mở quán bia vọng cổ lấy tên là Bên Cầu Dệt Lụa ở đường Kinh Dương Vương gần bến xe miền Tây. Lúc đó hình thức vừa uống bia, vừa nghe cải lương còn mới lạ, quán của họ lập tức nổi tiếng, được khán giả đến ủng hộ.

Tuy nhiên không được bao lâu thì cả hai lao lực vì thức đêm trông coi quán, đổ bệnh, khan tiếng do phải uống bia cùng khán giả. Quán dần mất khách, kinh doanh thua lỗ và đóng cửa. Thời gian sau đó đôi vợ chồng nghệ sĩ thỉnh thoảng được mời đi hát lại ở tỉnh. Đến năm 2008, một tai nạn ập tới khi Thanh Tú bị đột quỵ, liệt nửa người, Trang Bích Liễu cũng nghỉ hát từ đó, dùng toàn bộ thời gian để chăm sóc chồng. Họ ở chung với vợ chồng người con trai độc nhất, không theo nghề cha mẹ mà làm về du lịch.

Thanh Tú sau khi bị bạo bệnh, 2 bên là con trai Thanh Tiến và nghệ sĩ Lệ Thủy

Đến đầu năm 2022, Thanh Tú qua đời sau gần 14 năm bạo bệnh.

Đông Kha biên soạn

Viết một bình luận