Tìm hiểu ý nghĩa 2 ca khúc “Đóa Hoa Vô Thường” và “Đêm, Thấy Ta Là Thác Đổ” (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn)

Trong những chủ đề sáng tác quen thuộc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Tình yêu, quê hương, và thân phận, chúng ta có thể nhận ra có nhiều ca khúc của ông chứa đựng những triết lý nhân sinh, phảng phất tinh thần của đạo Phật, đậm nét nhất trong số đó phải kể đến 2 ca khúc Đóa Hoa Vô ThườngĐêm Thấy Ta Là Thác Đổ.

Việc tìm hiểu ý nghĩa một ca khúc thông thường của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vốn đã không hề dễ dàng, nên đối với 2 ca khúc phần nhiều là chứa đựng những ca từ mang tính trừu tượng như “Đóa Hoa Vô Thường” và “Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ”, công việc đó càng khó hơn nhiều lần. Vì vậy bài viết sau đây chỉ là cảm nhận mang tính cá nhân của người viết bài, nên có thể là sẽ không đúng theo cảm nhận của những người nghe nhạc khác, nhưng hy vọng là sẽ cung cấp được một góc nhìn để độc giả cảm thấy thú vị hơn khi nghe lại 2 bài hát vốn đã rất quen thuộc này.

Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ

Trong các nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ca khúc Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ được xem như là một đoá tường vi tinh khôi, thanh khiết với lời ca đẹp đến ngỡ ngàng. Nhà phê bình văn học nổi tiếng Hoàng Ngọc Hiến từng viết: “Ca từ của bài này (tách khỏi nhạc) hoàn toàn đứng được như một bài thơ. Một bài thơ hay”. Không chỉ hết lời khen ngợi, Hoàng Ngọc Hiến khi được mời tham gia hội đồng bầu chọn những bài thơ tình hay nhất thế kỷ đã không ngần ngại đề cử cho ngôn từ của ca khúc Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ. 


Click để nghe Tuấn Ngọc hát

Thực ra, cái tên này nếu để thêm một dấu phẩy thì sẽ dễ hiểu hơn, dễ tiếp cận hơn: Đêm, Thấy Ta Là Thác Đổ. Nghĩa là vào một đêm (hoặc đã nhiều đêm rồi), thấy ta như là dòng thác đổ.

Đúng như tên gọi, toàn bộ ca khúc là những dòng thác cảm xúc đổ xuống, ầm ào, chấn động cả khoảng không rộng lớn, với những ca từ huyền hoặc, mê đắm. Những hình ảnh ẩn dụ vừa nhẹ nhàng vừa bí ẩn, tựa như những làn nước trong vắt như pha lê đổ xuống từ đỉnh núi, tung bọt trắng xoá, phủ lên không gian xung quanh nó một làn bụi mưa tươi mát, thuần khiết, tưới mát tâm hồn người nghe, mà dư âm để lại trong trẻo, quyến luyến như dòng nước quanh co, xanh biếc, hiền hoà dưới chân thác.

Ngay từ đầu ca khúc, những lời ca mê đắm cất lên từng chữ từng chữ bung ra, rớt xuống, đi sâu vào tâm thức người nghe:

Một đêm bước chân về gác nhỏ
Chợt nhớ đóa hoa Tường Vi

Trong đêm khuya, phố vắng, nghe như có tiếng bước chân đơn lẻ, cô độc, lặng lẽ rải bước. Những bước chân chậm rãi, nặng trĩu tâm tư, không hề vội vã. Có lẽ bởi, trên căn gác nhỏ hiu quạnh kia, chẳng có người nào đang đón đợi. Sau những cuộc vui râm ran cùng bè bạn, người lại trở về với căn gác nhỏ mỗi đêm với bốn bức tường chật hẹp, đối diện với nỗi cô đơn, hoang lạnh.

Không gian, thời gian đó, những bước chân lặng lẽ, cô độc đó dường như đã trở đi trở lại rất nhiều lần, rất nhiều đêm chứ không phải “một đêm”. Bởi những “đoá hoa tường vi” kia chẳng phải vô tình mà “chợt nhớ”. Hình ảnh hoa tường vi dù là sắc màu nào luôn gợi nhớ đến những mối tình, và trong bài hát này  một cuộc tình sâu kín:

Bàn tay ngắt hoa từ phố nọ
Giờ đây đã quên vườn xưa

Loáng thoáng trong lời hát, ta hình dung bàn tay một người tình vừa xuất hiện. Bàn tay đã “ngắt” đi “đoá hoa tường vi”, “ngắt” đi cuộc tình duyên bí ẩn và rồi giờ đây đã quên luôn khu vườn tình yêu khi xưa. Hóa ra đó là một cuộc tình dở dang, vì người đã quay gót bỏ đi, không còn nhớ nhung, hoài niệm gì, bỏ một người ở lại, vẫn hoài đứng đó, mãi nhớ nhung “đoá hoa tường vi” xưa cũ. Hãy nghe tiếp những dòng tâm sự của “người ở lại”:

Một hôm bước qua thành phố lạ
Thành phố đã đi ngủ trưa
Đời ta có khi tựa lá cỏ
Ngồi hát ca rất tự do

Người tình đã ra đi, đã “ngắt” đi “đoá hoa tường vi” mỏng manh, thuần khiết vừa bung nở. Thành phố quen bỗng hoá lạ, vui tươi nhộn nhịp bỗng hoá trưa vắng buồn tênh. Bước chân lãng du của “người ở lại” rời xa thực tại, chìm trôi trong không gian, thời gian của dòng tâm trạng sầu buồn, mất mát.

Giữa cái im lìm, tĩnh lặng của không gian, tâm hồn người bỗng co rút lại, nhỏ bé tựa như “lá cỏ”. Một lá cỏ vô danh, không hương, không sắc, lạc lõng giữa cuộc đời, “ngồi hát ca rất tự do”. Một thứ tự do đơn độc, sầu buồn, lạc lõng, chứ không phải thứ tự do hân hoan, ngập tràn hạnh phúc, đáng mơ ước.

Nhiều khi bỗng như trẻ nhớ nhà
Từ những phố kia tôi về
Ngày xuân bước chân người rất nhẹ
Mùa xuân đã qua bao giờ.

Sự mất mát dường như khiến lòng người trở nên hoang mang, vô định. Dòng cảm xúc, tâm trạng cũng theo đó mà nhảy cóc từ trạng thái này sang trạng thái khác. Từ một người lữ khách lang thang, cô độc, bỗng chốc đã hoá thành “trẻ nhớ nhà”.

Có lẽ lần đầu tiên trong âm nhạc, nỗi hoài nhớ tình yêu lại được ví von như “trẻ nhớ nhà”. Đó là nỗi nhớ cuồng quay, bơ vơ, thiếu đói tình thương, mong nhớ đến gào thét một nơi nơi chốn an yên, quen thuộc. Tình yêu xưa, mối tình xưa tựa như một ngôi nhà yên vui, ve vuốt, sưởi ấm tâm hồn người lữ khách. Một nỗi nhớ rất chân thực, rất gần gũi, mà ai đi xa nhà cũng từng trải qua. Một nhà thơ từng viết về nỗi nhớ nhà vô cùng giản dị, được rất nhiều người yêu thích và đồng cảm:

Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà. (Bài Giang Hồ của Phạm Hữu Quang)

Qua 3 đoạn hát, ta bắt gặp đến 3 hình ảnh “phố” khác nhau: “phố nọ”, “phố lạ” và ở đoạn hát này là “phố kia”. Mỗi “phố” là một ngăn kéo cảm xúc khác nhau. Ở câu hát “bàn tay ngắt hoa từ phố nọ”, “phố nọ” đây hẳn là ngăn kéo của niềm hạnh phúc. Còn ở câu hát “Một hôm bước qua thành phố lạ”, thì “phố lạ” là ngăn kéo của những cảm xúc bơ vơ, lạc lõng; và “phố kia” trong đoạn hát “Từ những phố kia tôi về” có lẽ là ngăn kéo của những sầu bi, mong nhớ về mối tình lỡ dở. Từng ngăn kéo cảm xúc, từng cái từng cái một được nhạc sĩ khéo léo kéo ra, rồi tỏ bày dưới những ngôn từ mềm mại, ma mị mà mê đắm.

Trong dòng cảm xúc nhớ mong, thiếu đói tình yêu, những tháng ngày yêu đương êm đềm xưa cũ dần được hồi tưởng lại. Đó là những “ngày xuân” tươi vui, rộn rã, thắm thiết, say mê. Nhưng thật kỳ lạ, nhạc sĩ viết “ngày xuân bước chân người rất nhẹ”. Người ở đây là ai? Là người ở lại hay người quay lưng đi? Trong toàn bộ ca khúc, người ở lại luôn xưng “tôi” và “ta”, vậy “người” ở đây hẳn là người ra đi rồi. Và “bước chân người” trong những “ngày xuân” tình yêu ấy lại “rất nhẹ”, không hề rộn rã, hân hoan, cuồng quay, say đắm như bước chân của những người đang yêu.

Dựa vào hai hình ảnh “bàn tay ngắt hoa” ở đoạn đầu và “bước chân người rất nhẹ” ở đoạn hát này, có thể lờ mờ đoán ra một mối tình đơn phương ẩn giấu sau lời hát. Tình yêu dường như chưa bao giờ được đón nhận từ phía người đi. Những “ngày xuân” hay “mùa xuân” có lẽ chỉ là những cảm xúc hân hoan, nồng đượm từ một phía, cho đến khi “đoá hoa tường vi” bị “ngắt” xuống.

“Mùa xuân đã qua bao giờ”, câu hát ập đến, trầm buồn và hụt hẫng. Người đã đi mang theo mùa xuân, mang theo cả tình yêu của người ở lại, chẳng thể níu giữ, chẳng thể mong cầu.

Nhiều đêm, thấy ta là thác đổ
Tỉnh ra có khi còn nghe
Một hôm bước chân về giữa chợ
Chợt thấy vui như trẻ thơ.

Chẳng cần dài dòng văn tự, chỉ bằng một câu hát giản dị: “Nhiều đêm, thấy ta là thác đổ”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã khiến người nghe rơi vào mê cung của những dòng cảm xúc, của những rúng động sâu thẳm trong tâm hồn. “Thác đổ” là một thứ cảm xúc không thể chống đỡ, không thể hoá giải, không thể vùng vẫy đào thoát. Từ đỉnh cao muôn trượng, nó ập xuống, thả rơi tự do vào lòng vực thẳm, cuồn cuộn, trắng xoá, náo động một vùng trời. Trước dòng cảm xúc như thác đổ, người ta chỉ có thể chìm trôi trong đó, phó mặc tất cả, bởi sự dữ dội đến ám ảnh, không chỉ dằn vặt thân xác và tâm hồn trong những giấc mơ đêm mệt mỏi, choáng váng, mà “tỉnh ra có khi còn nghe”.

Câu hát tiếp theo thoáng nghe qua tưởng như chẳng có sự liên hệ gì với dòng “thác đổ” náo động vừa qua: “Một hôm bước chân về giữa chợ, chợt thấy vui như trẻ thơ” – Niềm vui trẻ thơ là thứ niềm vui háo hức, giản dị, vô định vô cùng dễ thương, thuần khiết mà tất cả những ai không còn trẻ thơ nữa cũng mong một lần được trở lại trong đời. Nhưng với một người đang vụn vỡ trong nỗi đau tình thì lại khác. Sau những cơn chấn động mạnh về tinh thần, người ta dễ rơi vào một trạng thái tinh thần gần như “xoá trắng” – nói theo ngôn ngữ kỹ thuật thì là “reset lại từ đầu” – giống như một sự chối bỏ đối với hiện thực nghiệt ngã, một sự thanh lọc để đào thoát của tâm hồn. Câu hát thả xuống, chẳng có lời nào oán thán, sầu bi mà nghe xót xa, thương cảm vô cùng.

Nếu Xuân Diệu từng viết: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt. Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”, thì đây, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có vẻ cũng rất đồng tình:

Đời ta có khi là đốm lửa
Một hôm nhóm trong vườn khuya
Vườn khuya đóa hoa nào mới nở
Đời tôi có ai vừa qua

Cuộc đời mỗi người là một đốm lửa. Một đốm lửa nhỏ bé hoặc le lói suốt trăm năm hoặc vụt cháy sáng rực rỡ một lần rồi tàn lụi mãi trăm năm. Người ở lại có vẻ đã thấu rõ điều đó trong câu hát “Đời ta có khi là đốm lửa” và vì thấu rõ nên đã chọn lựa. Dẫu biết là “vườn khuya”, đêm tối, dẫu biết cuộc tình là vô vọng, đơn phương, vẫn quyết “nhóm” lên một ngọn lửa hy vọng, nguyện dâng hiến tâm hồn mình cho tình yêu rực sáng, cho “đoá hoa” tình yêu bung nở, dẫu chỉ một lần duy nhất trong đời. Câu hát “đời tôi có ai vừa qua” dẫu buồn man mác, vẫn cất lên nhẹ nhàng chứ không hề u ám, sầu bi bởi kết cục đã được đoán định, đã được chấp nhận, không hề bất ngờ.

Nhiều khi thấy trăm nghìn nấm mộ
Tôi nghĩ quanh đây hồ như
Đời ta hết mang điều mới lạ
Tôi đã sống rất ơ hờ

“Nhiều khi thấy trăm nghìn nấm mộ, tôi nghĩ quanh đây hồ như”… hồ như có nấm mộ nào đó dành cho mối tình vô vọng? Trên trần đời này, chắc chẳng có nỗi đau nào đau hơn nỗi đau tự mình đào mồ chôn sống những thứ mình yêu quý, trân trọng, gìn giữ, coi như lẽ sống ở đời. Xuyên suốt toàn bộ ca khúc không có bất kỳ tia hy vọng nào được thắp lên, đến câu hát này thì hoàn toàn tuyệt vọng. Tình yêu đã mất, mối tình xưa đành chôn chặt nơi hầm mộ và cuộc đời người từ đây cũng “hết mang điều mới lạ”, cũng trở nên băng giá, ơ hờ. Tâm trạng đó, cảm xúc đó có khác gì người nằm dưới mộ?

Lòng tôi có đôi lần khép cửa
Rồi bên vết thương tôi quỳ
Vì em đã mang lời khấn nhỏ
Bỏ tôi đứng bên đời kia.

Cho đến tận những câu hát cuối cùng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn giăng ra một ma trận những ngôn từ đầy ẩn dụ, huyền hoặc mà nếu không cẩn thận, người nghe dễ lạc bước vào những con đường vòng vèo, không thể thấy lối ra. Nhưng cũng ở đây, bức màn cuối cùng che chắn cho cuộc tình ẩn mật kia cũng được nhạc sĩ khéo léo vén lên: “Vì em đã mang lời khấn nhỏ, bỏ tôi đứng bên đời kia”.

Câu hát cuối cùng này đã hoá giải mọi ngóc ngách của ngôn từ trong “bàn tay ngắt hoa từ phố nọ, giờ đây đã quên vườn xưa” hay “mùa xuân bước chân người rất nhẹ”. Bởi người quay lưng đi đã “mang lời khấn nhỏ” của người tu đạo, chẳng hề vương vấn, lưu luyến, đoái hoài chi tới những ái tình phù phiếm nơi trần thế.

Và người bị bỏ lại, thi thoảng trong lòng cũng nhen nhúm một ý định tương tự người ra đi: “Lòng tôi có đôi lần khép cửa, rồi bên vết thương tôi quỳ”. Dù đôi lần cố gắng “khép cửa” lòng, phong kín những cảm xúc yêu đương, quên hết những giấc mộng trần đời, để nối gót theo người đi “mang lời khấn nhỏ”, nhưng chẳng thể thực hiện, bởi “vết thương” tình kia vẫn cứ còn đó vĩnh viễn, hiển hiện, đau đớn:

Vì em đã mang lời khấn nhỏ
Bỏ tôi đứng bên đời kia.

Những lời hát giống như một sợi định mệnh, quấn vít quanh người ở lại, vương vấn mãi trong tai người thưởng nhạc.


Click để nghe Khánh Ly hát trước 1975

Toàn bộ ca khúc là 7 đoạn hát mở ra 7 cánh cửa với 7 không gian, 7 cung bậc cảm xúc và rất nhiều hình ảnh khác nhau. Tất cả những ngôn từ, những phép so sánh, ẩn dụ, liên tưởng trong 7 đoạn hát không có một chút gì trùng lặp, đều mê hoặc, dẫn dụ người nghe vào thế giới âm nhạc riêng biệt, không lẫn lộn của ca khúc. Đó chính là tài năng, thần thái khác biệt của người phù thuỷ âm nhạc mang tên Trịnh Công Sơn.

Đóa Hoa Vô Thường

Trong gia tài âm nhạc của Trịnh Công Sơn, bài Đoá Hoa Vô Thường là trường hợp khá đặc biệt. Đây có thể xem là ca khúc có thời lượng dài nhất của tân nhạc (nếu không tính các bản trường ca). Nội dung của Đoá Hoa Vô Thường cũng tách khỏi hoàn toàn ba chủ đề chính trong nhạc Trịnh là Tình Yêu, Quê Hương và Thân Phận. Thoạt nghe qua những lời hát, nhiều người có thể nhầm lẫn đây là một nhạc phẩm mang chủ đề về Tình Yêu bởi những ca từ bay bổng, lãng mạn, thấp thoáng hình ảnh của những đôi trai gái. Tuy nhiên, vượt thoát ra ngoài khuôn khổ của tình yêu, cuộc hành trình của nhạc sĩ họ Trịnh tựa như hành trình đi tìm “chân kinh”. Đó không phải là hành trình dặm trường gió bụi, mà là hành trình tìm kiếm, luận giải và ngộ ra từ trong chính tâm thức của nhạc sĩ.


Click để nghe Khánh Ly hát Đóa Hoa Vô Thường

Bài hát này thật sự không dễ để hiểu nếu chỉ nghe một vài lần thoáng qua. Tuy nhiên người yêu nhạc có thể dễ dàng cảm thấy bị cuốn hút vào những lời hát mênh mông, bay bổng, lãng đãng và xa xăm như những bản du ca kỳ bí và mê hoặc:

Tìm em tôi tìm mình hạc xương mai
Tìm trên non ngàn một cành hoa khô
Nụ cười mong manh, một hồn yếu đuối
Một bờ môi thơm, một hồn giấy mới 

Em là ai? Như thường lệ những bóng hồng trong âm nhạc Trịnh bao giờ cũng được khắc hoạ sơ sài bằng vài ba nét vẽ lớt phớt: mình hạc sương mai, nụ cười mong manh, bờ môi thơm,… Không tên tuổi, không gương mặt, không vóc dáng, không có bất kỳ đặc điểm nhân dạng nào để tìm kiếm. Tất cả chỉ là một hình bóng vu vơ, hư thực. Và Em ở đâu? Nhạc sĩ không biết. Không ai biết cả. Nhưng chắc chắn một điều, hành trình tìm kiếm kia chẳng phải là hành trình đi tìm Tình Yêu, thứ cảm xúc hữu hình với những bản thể hữu hình.

Nhạc sĩ họ Trịnh kia chỉ mượn hình ảnh Em như một phép ẩn dụ để kể về một cuộc hành trình rất khác. Hành trình của những kẻ đi tầm Đạo.

Tìm em tôi tìm, nhủ lòng tôi ơi
Tìm đêm chưa từng, tìm ngày tinh khôi
Tìm chim trong đàn ngậm hạt sương bay
Tìm lại trên sông những dấu hài 

Tìm em xa gần, đất trời rộn ràng
Tìm trong sương hồng, trong chiều bạc mệnh
Trăng tàn nguyệt tận
Chưa từng tuyệt vọng đâu em 

Nhưng cuộc tìm kiếm nào có dễ dàng, rất nhiều lúc mù mịt, khó khăn đến không tưởng: Tìm đêm chưa từng, tìm ngày tinh khôi, tìm chim trong đàn ngậm hạt sương bay, tìm lại trên sông những dấu hài,…

Theo triết lý Đạo Phật, con đường tu đạo là con đường mà mỗi người phải tự mình khai phá, tự mình khai mở trí tuệ, tự mình giác ngộ, không ai có thể cầm tay, dắt đi. Hai câu hát: “Tìm chim trong đàn ngậm hạt sương bay/ Tìm lại trên sông những dấu hài” chính là nói về quan niệm này. Những dấu hài trên dòng sông dù là sông băng rồi cũng sẽ tan đi chẳng thể nhìn thấy, những con chim ngậm hạt sương bay không thể nào thấy được bằng mắt thường, chỉ có thể tìm và thấy bằng một trí tuệ minh mẫn, những trải nghiệm và sự kiên trì:

Tìm trong vô thường có đôi dòng kinh, sấm bay rền vang
Bỗng tôi thấy em dưới chân cội nguồn 

Rồi một ngày, giữa những biến thiên của đời sống vô thường, Tôi đã tìm được Em. Tôi chợt nhận ra, Em nào có ở đâu xa, mà ngay ở “dưới chân cội nguồn”. Những dòng kinh kệ, triết thuyết của những bậc tiền nhân giống như một thứ phương tiện, nhưng mỗi người phải tự học cách để sử dụng những phương tiện đó. Khi một người đã đủ trí tuệ, đủ sự sáng suốt thì những lời kinh kệ đó mới thực sự hữu dụng, mới trở thành tiếng “sấm bay rền vang”, chấn động thân tâm, khai mở trí huệ:

Tôi mời em về đêm gội mưa trong
Em ngồi bốn bề thơm ngát hương trầm
Trong vườn mưa tạnh, tiếng nhạc hân hoan
Trăng vàng khai hội một đóa hoa quỳnh 

Xin được mượn lời tác giả Minh Tuệ Đỗ Minh (trong một bài đăng trên trang Thư Viện Hoa Sen) đã có những diễn giải rất hay về đoạn nhạc này:

“Trong biến thiên không ngừng thay đổi của vạn pháp hữu vi gọi là vô thường, tôi đã thấy được những lời kinh vang lên tiếng vọng sấm sét của người xưa. Giữa những lời kinh đó, tôi đã bất ngờ rung cảm được một đôi dòng chỉ thẳng về phía cội nguồn: “trực chỉ chân tâm”. Tôi thấy em, tôi đã thấy tôi chân thật của chính mình. Tôi trân trọng đảnh lễ cái suối nguồn xưa tinh khôi ấy, như nước mưa cam lồ gội rửa bụi trần, làm trong mát tâm tôi giữa mùi hương trầm bốn phương thơm ngát”.

Thì ra Em chính là cái “chân tâm”, là “Phật tính” ban sơ, thuần khiết, trinh nguyên ở trong Tôi mà Tôi đã lãng quên, đã bỏ bê tự bao giờ:

Từ nay tôi đã có người
Có em đi đứng bên đời líu lo
Từ nay tôi đã có tình
Có em yêu dấu lẫy lừng nói thưa 

Từ em tôi đã đắp bồi
Có tôi trong dáng em ngồi trước sân 

Những lời ca hân hoan, reo ca, đầy xúc động giữa cung nhạc véo von đẩy người nghe vào một trạng thái bay bổng, lâng lâng khó tả. Bao nhiêu năm tháng, Tôi ngụp lặn trong đời sống với những ham mê, vọng tưởng, tranh đua, sầu khổ. Tôi quên mất Em nhưng giờ Tôi đã lại thấy Em, giống như một người bạn cũ lâu ngày gặp lại, tâm hồn Tôi được hồi sinh, tình yêu trong Tôi được hồi sinh. Tôi hân hoan đón nhận, reo ca rộn rã, thẳng thớm đứng lên “bên đời líu lo”, “lẫy lừng nói thưa”, và lại miệt mài vun xới, “đắp bồi” để Tôi có thể trở lại là Em, trở lại với suối nguồn trinh nguyên và ban sơ của chính Tôi.

Để rồi, một ngày, Tôi và Em, tuy hai mà một, hoà hợp cùng nhau, thẳng tiến trên một hành trình duy nhất. Hành trình của những kẻ du ca, rao giảng những lời kinh:

Mùa đông cho em nỗi buồn
Chiều em ra đứng hát kinh đầu sông
Tàn đông con nước kéo lên
Chút tình mới chớm đã viên thành 

Từ nay anh đã có người
Biết ơn sông núi đáp đền tiếng ca
Mùa xuân trên những mái nhà
Có con chim hót tên là ái ân 

Sen hồng một nụ, em ngồi một thuở
Một thuở yêu nhau có vui cùng sầu
Từ rạng đông cao đến đêm ngọt ngào 

Sen hồng một độ, em hồng một thuở xuân xanh
Sen buồn một mình
Em buồn đền trọn mối tình 

Một chiều em đứng cuối sông
Gió mùa Thu rất ân cần
Chở lời kinh đến núi non
Những lời tình em trối trăng

Một thời yêu dấu đã qua
Gót hồng em muốn quay về
Dù trần gian có xót xa
Cũng đành về với quê nhà 

Hành trình du ca của người nghệ sĩ mang “chân tâm”, mang những tâm nguyện hướng thiện không bắt đầu từ mùa Xuân mà bắt đầu từ một mùa Đông buồn, nghiệt ngã và lạnh lẽo. Vòng quay thời gian chậm rãi rời đi từ Đông sang Xuân, từ Xuân sang Hạ, rồi đến Thu. Trạng thái cơ thể và tinh thần, không gian, thời gian cũng theo đó mà chuyển đổi không ngừng: đứng rồi ngồi, vui rồi sầu, đầu sông, cuối sông, viên thành rồi lại trối trăn, quay về,…

Toàn bộ đoạn hát là những ca từ bay bổng, lãng đãng, vừa ẩn mật, vừa mơ hồ như sương như khói thật khó để lý giải cặn kẽ nhưng vẫn cuốn hút, mê hoặc, truyền cảm đến kỳ lạ. Một chút buồn, một chút tâm tư, một chút xót xa, bịn rịn khi chia ly, khi trối trăng nhưng không hề sầu muộn, bi luỵ mà an nhiên, tĩnh tại đến lạ kỳ. Có lẽ bởi người nhạc sĩ đã hiểu, đã chấp nhận sự vô thường của đời sống, chấp nhận Đến và Đi, Hội Ngộ và Chia Ly như một lẽ thường? Chấp nhận và chuẩn bị cho những sự hoán đổi khác vào đời sống:

Từ đó trong vườn khuya
Ôi áo xưa em là
Một chút mây phù du
Đã thoáng qua đời ta 

Từ đó trong hồn ta
Ôi tiếng chuông não nề
Ngựa hí vang rừng xa
Vọng suốt đất trời kia 

Từ đó ta ngồi mê
Để thấy trên đường xa
Một chuyến xe tựa như
Vừa đến nơi chia lìa 

Từ đó ta nằm đau
Ôi núi cũng như đèo
Một chút vô thường theo
Từng phút cao giờ sâu 

Từ đó hoa là em
Một sớm kia rất hồng
Nở hết trong hoàng hôn
Đợi gió vô thường lên 

Từ đó em là sương
Rụng mát trong bình minh
Từ đó ta là đêm
Nở đóa hoa vô thường… 


Click để nghe Hồng Nhung hát Đóa Hoa Vô Thường

Thiền sư Thích Minh Niệm (tác giả cuốn sách Hiểu Về Trái Tim) đã có những lời dẫn giải giúp người nghe hiểu rõ hơn về ca khúc Đóa Hoa Vô Thường như sau:

“Đóa hoa nào rồi cũng sẽ tàn phai theo lẽ tự nhiên vô thường của trời đất. Em cũng vậy, em cũng vô thường, hình hài, ý niệm, cảm xúc, vết thương và cả linh hồn của em nữa, đâu có cái gì là giữ nguyên một trạng thái cố định ở trong trời đất này đâu. Và chính tôi cũng vậy, cái thấy của tôi về em cũng không thể nào là bất di bất dịch. Nhưng mà đóa hoa vô thường thì nó sẽ tái sinh, làm thân, làm lá, làm nụ, làm hoa cho kiếp mới, còn em, em vô thường rồi em sẽ đi về đâu? Em tan vào tôi, em tan vào tất cả mọi người. Em tan vào vạn sự vạn vật xung quanh em, tan từ trong quá khứ, tan trong từng khoảnh khắc của hiện tại, và cả trong tương lai nữa. Cho nên nếu như em có thể chấp nhận được, thân mạng của em không chỉ gói gọn trong hình hài, trong linh hồn bé nhỏ này, mà nó còn là tất cả những gì ở ngoài kia đang không ngừng diễn ra và nuôi dưỡng em, thì em sẽ vượt thoát được vô thường, em sẽ không còn sợ vô thường nữa. Em sẽ thấy mình luôn có mặt khắp muôn nơi, và đó chính là pháp thân của em, là bản thể chân thật của em. Vậy thì tìm em, tôi nên tìm một đóa hoa vô thường, hay tôi nên đi tìm một đóa hoa chân thường?” 

Trong một bài phỏng vấn lúc gần cuối đời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói:

“Tôi đang cố gắng quên Phật Giáo như một tôn giáo. Tôi muốn đó là thứ triết học siêu thoát mà ai cũng cần phải học, ngay cả những người thuộc tôn giáo khác. Mỗi người phải nỗ lực để xây dựng cho bằng được một ngôi chùa tĩnh lặng trong lòng mình và nuôi lớn Phật tính trong chính bản thân thành một tượng đài vững chắc. Nó sẽ giúp cho ta nhìn thế giới khác đi, nhìn cuộc sống khác đi. Với tôi, Phật Giáo là một triết học làm cho ta yêu đời hơn chứ không phải làm cho ta lãng quên cuộc sống.”

Đoá Hoa Vô Thường cũng là một nhạc phẩm như vậy, dù nghiêng nhiều về triết lý thiền môn, nhưng nội dung không hề “lánh đời”, “ẩn dật” mà lộng lồng những ý niệm hài hoà với đời sống. Một đời sống vô thường nhưng đầy sắc màu và cung bậc, tràn ngập tình yêu thương.

Bài của Niệm Quân
chuyenxua.net

Viết một bình luận