Tiểu sử ca sĩ Vũ Khanh – Giọng hát trầm ấm và ngọt ngào của dòng nhạc trữ tình

Trong làng nhạc hải ngoại, dòng nhạc tình ca, ca khúc trữ tình, rất hiếm các nam ca sĩ thành công. Không như dòng nhạc vàng đại chúng với số lượng ca sĩ khá nhiều tại hải ngoại (Tuấn Vũ, Trường Vũ, Mạnh Đình…), thì dòng nhạc “thính phòng” này vốn ít nam ca sĩ, trong số đó hầu hết là đã nổi tiếng từ trước 1975, như Sĩ Phú, Duy Trác, Anh Ngọc, riêng Tuấn Ngọc được biết đến nhiều nhất kể từ khi sang đến hải ngoại, nhưng cũng đã đi hát từ thập niên 1960 ở Sài Gòn. Hiếm hoi có một trường hợp nam ca sĩ xuất hiện từ thập niên 1980 và nổi tiếng ngay, đó là ca sĩ Vũ Khanh, đã tạo được một chỗ đứng riêng biệt trong lòng người yêu nhạc,. Cho đến nay, nhắc đến Vũ Khanh, ai cũng nhớ đến giọng ca trầm ấm, khoẻ khoắn gắn liền với những tình khúc vượt thời gian.

Ca sĩ Vũ Khanh tên thật là Vũ Công Khanh, sinh năm 1954 tại Hà Nội trong một gia đình công giáo. Lúc mới hơn 1 tuổi, Vũ Khanh đã theo gia đình di cư vào Sài Gòn, vì vậy cậu bé Công Khanh hầu như không có bất kỳ ký ức gì về quê nhà Hà Nội của minhg. Tại Sài Gòn, gia đình Vũ Khanh có một đại lý xe máy khu ngã 4 Ông Tạ, trên đường Thoại Ngọc Hầu (nay là đường Phạm Văn Hai), nơi tập trung đông đúc các gia đình di cư cùng thời điểm.

Lúc nhỏ, Vũ Khanh theo học tại trường công giáo trung tiểu học Thánh Thomas ở số 190 đường Trương Minh Ký tỉnh Gia Định, nằm bên cạnh giáo xứ Đa Minh. Ngày nay, trường này mang tên THPT Hàn Thuyên trên đường Lê Văn Sĩ.

Bên trái hình là trường Thánh Thomas ngày xưa, bên phải là giáo xứ Đa Minh (Ba Chuông)

Khi vào trung học, Vũ Khanh được cho theo học tại trường Nguyễn Bá Tòng, đây cũng là một trường tư thục công giáo nổi tiếng ở Sài Gòn thời đó nằm trên đường Bùi Chu. Sau 1975, tên đường và tên trường cùng được đổi thành Bùi Thị Xuân.

Trong đại gia đình đông đúc với tận 11 người con, Vũ Khanh là con út và cũng là người duy nhất trong gia đình đam mê nghệ thuật. Sau khi tốt nghiệp trung học, Vũ Khanh theo học khoá đầu tiên ngành Kịch Nghệ tại trường Quốc Gia Âm Nhạc & Kịch Nghệ Sài Gòn, cùng khoá với nữ ca sĩ Sơn Ca, tuy nhiên, Sơn Ca chỉ học nửa chừng rồi chuyển qua học Âm nhạc Tây Phương, còn Vũ Khanh dù đam mê âm nhạc nhưng phần vì kinh tế khó khăn, phần vì không được sự ủng hộ của gia đình, vẫn tiếp tục theo học Kịch Nghệ và tốt nghiệp xuất sắc với bằng thủ khoa.

Sau năm 1975, Vũ Khanh cùng cha rời quê hương, tìm đường sang Mỹ. Việc đầu tiên của ông trên xứ người là đăng ký các lớp học bổ túc, thi vào học tại nghành Điện Toán trường Đại học San Jose. Ngoài thời gian học, Vũ Khanh tích cực tham gia hoạt động ca hát. Thời gian đầu, ông đi hát tại các tiệm ăn, quán cafe,… Có khi Vũ Khanh vừa hát, vừa làm MC, vừa phụ bưng bê bàn ghế, điều chỉnh âm thanh, làm nhiều việc lặt vặt phụ chủ tiệm. Năm 1978, lần đầu tiên Vũ Khanh có dịp trình diễn ca khúc Cô Hàng Nước tại một chương trình ca nhạc tổ chức trong khuôn viên trường đại học nơi ông đang theo học và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khoảng 5.000 khán giả có mặt khi đó.

Trong một lần tình cờ, nhạc sĩ Anh Bằng nghe được giọng hát Vũ Khanh và ngay lập tức chú ý tới. Sau đó vị nhạc sĩ lão làng này mời Vũ Khánh hát ca khúc Nỗi Lòng Người Đi trong một cuốn băng hát chung với nhiều ca sĩ đã nổi tiếng, cũng từ đó, tên tuổi và giọng hát của Vũ Khanh bắt đầu toả sáng ở hải ngoại.


Click để nghe Vũ Khanh hát Nỗi Lòng Người Đi

Năm 1982, sau khi lấy bằng tốt nghiệp đại học, Vũ Khanh bắt đầu dấn thân sâu hơn vào con đường âm nhạc.

Sau thành công với ca khúc Nỗi Lòng Người Đi của nhạc sĩ Anh Bằng, trung tâm Làng Văn đã tìm đến và mời Vũ Khanh thu thanh. Cuốn album đầu tiên của Vũ Khanh do Làng Văn phát hành mang tên Cây Đàn Bỏ Quên và đã đạt được thành công lớn với số lượng bán đạt được kỷ lục.


Click để nghe album Cây Đàn Bỏ Quên trên kênh YouTube chính thức của Làng Văn

Bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp ca hát của Vũ Khanh là sau khi cộng tác trung tâm băng nhạc Diễm Xưa. Giai đoạn trước đó, ông chỉ hát bằng bản năng và dò dẫm con đường âm nhạc cho riêng mình bằng giọng hát trời phú, hát thể nghiệm nhiều thể loại nhạc khác nhau, dù được khán giả đón nhận nhưng lại không gây dấu ấn sâu đậm để có thể bứt phá lên thành một tên tuổi lớn. Chỉ sau khi cộng tác với bà Thái Xuân, chủ hãng băng nhạc Diễm Xưa, Vũ Khanh mới được hướng dẫn để đi theo dòng nhạc phù hợp với giọng hát của mình. Từ đây, những nhạc phẩm trữ tình, tiền chiến trở thành thế mạnh của giọng ca Vũ Khanh, khởi đầu là album Gọi Người Yêu Dấu.


Click để nghe album Gọi Người Yêu Dấu – Vũ Khanh

Thập niên 1980 – 1990 đánh dấu những thành công rực rỡ của tiếng hát Vũ Khanh. Một loạt các ca khúc nổi tiếng đã từng gắn bó với các ca sĩ nổi tiếng trước đó đã được Vũ Khanh trình diễn lại và nhanh chóng tạo được dấu ấn riêng, tiêu biểu là Cây Đàn Bỏ Quên, Chuyện Tình Buồn, Áo Lụa Hà Đông, Cô Láng Giềng… Bên cạnh đó thì nhiều sáng tác mới tại hải ngoại cũng đã được đóng dấu bằng giọng hát Vũ Khanh như Tiễn Đưa (Lê Đức Long), Anh Biết Em Đi Chẳng Trở Về (Anh Bằng)…

Cho đến nay, Vũ Khanh đã trải qua sự nghiệp hơn 40 năm ca hát, ông luôn được xem là một trong những tên tuổi được yêu thích nhất tại hải ngoại, trên các vũ trường và sân khấu ca nhạc của người Việt ở Mỹ, Châu Âu, Châu Úc, Canada và cả Việt Nam sau này. Vũ Khanh từng song ca với nhiều giọng ca nữ tên tuổi ở hải ngoại như Ý Lan, Thanh Lan,.. Trong đó, Ý Lan được coi là người bạn song ca ăn ý nhất của Vũ Khanh cả về giọng hát và cách trình diễn.

Sự nghiệp ca hát của Vũ Khanh lên đến đỉnh cao vào thập niên 1990 rồi bị chùng xuống trong những năm đầu thập niên 2000. Lúc này ông bắt đầu ít tham gia hoạt động âm nhạc, chuyển về Houston sinh sống và làm việc tại một văn phòng luật sư. Đó cũng là thời gian nạn băng đĩa lậu hoành hành làm cho thu nhập của các nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn, ngoài ra ông cũng bắt đầu thấm được sự bạc bẽo của nghề ca sĩ ở hải ngoại, muốn xa lánh những mặt trái khoáy đằng sau ánh hào quang sân khấu.

Năm 2012, lần đầu tiên Vũ Khanh trở về biểu diễn trong nước sau gần 40 năm xa quê hương.

Những năm cuối thập niên 2010, cũng giống như nhiều nghệ sĩ hải ngoại khác, Vũ Khanh thỉnh thoảng trở về biểu diễn và làm giám khảo tại các chương trình âm nhạc trong nước, khi đó trong nước bỗng rộ lên trào lưu nghe lại nhạc xưa người cũ ở trên truyền hình, trước khi lắng xuống trong vài năm vừa qua.

Đánh giá về giọng ca của Vũ Khanh, nam ca sĩ được yêu thích nhất ở hải ngoại, nổi tiếng từ sau năm 1975, nhạc sĩ Từ Công Phụng từng nói: “Về nam ca sĩ, hiện nay ở hải ngoại tôi thấy có hai giọng ca có kỹ thuật và có vẻ quyến rũ là Tuấn Ngọc và Vũ Khanh”. Vũ Khanh được nhạc sĩ Từ Công Phụng nhận xét là có “làn hơi phong phú, phát âm đúng, giọng ngân đều đặn và không bị ngút hơi”. 

Giọng hát và phong cách trình diễn của Vũ Khanh còn được cho là có nhiều sự tương đồng với nam danh ca Sĩ Phú. Tuy nhiên, Vũ Khanh đã khiêm nhường từ chối với ý kiến: “Không phải thế đâu, anh Sĩ Phú là một giọng ca nam tôi rất kính trọng, tôi từng chứng kiến anh hát ở một trường đại học, anh hát hay đến nỗi mà khi đến tiết mục của tôi, tôi chẳng biết nên hát như thế nào. Có thể dòng nhạc mà cả hai anh em theo đuổi có nhiều nét giống nhau nên mọi người hay so sánh thôi”.

Sau đây, mời các bạn nghe lại những nhạc phẩm trữ tình gắn liền với tiếng hát Vũ Khanh

1Tiễn Đưa – Nhạc Lê Đức Long, thơ Đặng Hiền 

Bài hát Tiễn Đưa của nhạc sĩ Lê Đức Long là 1 trong những ca khúc trữ tình hải ngoại nổi tiếng nhất thập niên 1990, đặc biệt được yêu thích qua giọng hát Vũ Khanh. Ca khúc này cũng đã gắn liền với tên tuổi của ca sĩ có chất giọng trầm ấm này. Tiễn Đưa được nhạc sĩ Lê Đức Long phổ từ thơ của thi sĩ Đặng Hiền, bài thơ cũng đã được đăng ký tác quyền tại thư viện quốc gia Hoa Kỳ vào năm 1995.

Ca khúc Tiễn Đưa có giai điệu êm đềm, mặc dù được sáng tác vào thập niên 1990 nhưng mang đậm phong cách nhạc trữ tình thập niên 1970.

Mời bạn nghe lại Tiễn Đưa được Vũ Khanh hát trong Asia số 10 năm 1995:


Click vào hình để nghe bài hát

2. Nỗi Lòng Người Đi – Nhạc sĩ Anh Bằng

Ca khúc Nỗi Lòng Người Đi của nhạc sĩ Anh Bằng được ra mắt vào năm 1965, nổi tiếng với các giọng hát lúc đương thời là Sĩ Phú, Anh Khoa.

Đến thập niên 1980, trong một dịp tình cờ nhạc sĩ Anh Bằng nghe được giọng hát Vũ Khanh, ông mời nam ca sĩ này thu âm Nỗi Lòng Người Đi trong 1 băng nhạc chung với nhiều ca sĩ nổi tiếng do Anh Bằng thực hiện, nhằm giới thiệu với khán giả hải ngoại một giọng ca trữ tình mới lạ. Không ngờ là Vũ Khanh cùng với Nỗi Lòng Người Đi đã nhận được đón nhận nồng nhiệt của khán giả.


Click để nghe Vũ Khanh hát Nỗi Lòng Người Đi

3. Anh Biết Em Đi Chẳng Trở Về – Nhạc Anh Bằng, thơ Thái Can

Một ca khúc khác cũng của nhạc sĩ Anh Bằng đã gắn liền với giọng ca Vũ Khanh là Anh Biết Em Đi Chẳng Trở Về, được sáng tác sau năm 1975 và phổ từ bài thơ thời tiền chiến của thi sĩ Thái Can. Trước năm 1975, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ từng phổ nhạc cho bài thơ này, ca khúc cũng mang cùng tên Anh Biết Em Đi Chẳng Trở Về và được ca sĩ Mỹ Thể hát, nhưng bài này không được nhiều người biết đến.

Đến thập niên 1990, nhạc sĩ Anh Bằng phổ Anh Biết Em Đi Chẳng Trở Về thành 1 bài nhạc khác, với phần lời không có nhiều sự thay đổi so với bài thơ gốc. Ngay lập tức ca khúc này nổi tiếng với phần trình diễn của Vũ Khanh trên Asia 15 năm 1997. Cho đến nay, nhắc tới Anh Biết Em Đi Chẳng Trở Về, người ta chỉ nhắc đến giọng ca Vũ Khanh, mặc cho bài hát này cũng được 1 số ca sĩ khác hát lại. Mời các bạn thưởng thức:


Click vào hình để nghe bài hát

4. Cô Láng Giềng – Nhạc sĩ Hoàng Quý

Có nhiều ca khúc vốn đã rất nổi tiếng với phần thể hiện của các ca sĩ thế hệ đàn anh từ vài chục năm trước đó, nhưng khi Vũ Khanh hát lại thì vẫn mang được một bản sắc riêng biệt, được đông đảo khán giả đón nhận. Điển hình trong số đó là ca khúc Cô Láng Giềng của nhạc sĩ Hoàng Quý, vốn đã gắn liền với 2 nam danh ca thượng thặng của tân nhạc Việt Nam là Duy Trác với Sĩ Phú, tuy nhiên khi Vũ Khanh hát lại thì vẫn để lại dấu ấn đậm nét.

Đến nay chắc hẳn khán giả vẫn nhớ đến hình ảnh lịch lãm và rất nam tính của Vũ Khanh khi trình diễn ca khúc này trên Asia số 12 vào năm 1996. Mời các bạn thưởng thức ở dưới đây:


Click vào hình để nghe bài hát

5. Áo Lụa Hà Đông – Nhạc Ngô Thụy Miên, thơ Nguyên Sa

Trước năm 1975, danh ca Duy Trác đã rất thành công ca khúc Áo Lụa Hà Đông. Thời gian sau đó, lần lượt 3 nam ca sĩ khác đã tạo được dấu ấn với ca khúc này, đó đều là 3 nam ca sĩ nổi tiếng nhất của nhạc trữ tình Việt Nam: Sĩ Phú, Tuấn Ngọc và Vũ Khanh.

Mời các bạn nghe lại phiên bản Vũ Khanh, hát trong Asia số 18 năm 1998:


Click vào hình để nghe bài hát

6. Rồi Mai Tôi Đưa Em – Nhạc sĩ Trường Sa

Năm 1993, lần đầu tiên Vũ Khanh hát trên chương trình trung tâm Asia của nhạc sĩ Anh Bằng trong video số 3, ông được giao hát ca khúc Rồi Mai Tôi Đưa Em của nhạc sĩ Trường Sa. Từ trước năm 1975, ca khúc này đã được cả 3 nữ danh ca nổi tiếng nhất của tân nhạc Việt Nam hát, đó là Thái Thanh, Lệ Thu và Khánh Ly. Khi Vũ Khanh cover lại bài này vào năm 1993, chất giọng nam tính của ông đã mang lại cho bài hát một hơi thở mới, rất nồng nàn và truyền cảm. Mời các bạn nghe lại:


Click vào hình để nghe bài hát

7. Cây Đàn Bỏ Quên – Nhạc sĩ Phạm Duy

Ca khúc Cây Đàn Bỏ Quên được nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác từ thời tiền chiến, nổi tiếng với giọng ca Duy Trác trước năm 1975, và đây cũng là 1 trong những ca khúc nổi tiếng nhất của Vũ Khanh khi ông bắt đầu sự nghiệp ca hát vào đầu thập niên 1980. Cuốn băng đầu tiên mà Vũ Khanh thu cho trung tâm Làng Văn ở hải ngoại được mang tên Cây Đàn Bỏ Quên. Mời bạn nghe lại bài hát:


Click vào hình để nghe bài hát

8. Bài Không Tên Cuối Cùng – Nhạc sĩ Vũ Thành An

Bài Không Tên Cuối Cùng có thể xem là bài hát nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Vũ Thành An. Ca khúc này đã được rất nhiều ca sĩ hát cả trước và sau năm 1975. Vào năm 1998, Vũ Khanh hát bài này trên chương trình Asia số 22 và rất được yêu thích. Mời các bạn xem lại video trung tâm Asia ở dưới đây:


Click vào hình để nghe bài hát

9. Mười Năm Yêu Em – Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng

Sau khi nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng sang được Hoa Kỳ vào năm 1985, bài Mười Năm Yêu Em là 1 trong những ca khúc nổi tiếng nhất được ông sáng tác trong giai đoạn này. Khoảng thời gian 1975 đến 1985 là tròn 10 năm của 1 mối tình bị thất lạc nhau vì những biến động của thời cuộc:

Tình chưa yên vui bên sóng đời cuồng nộ
Chợt đêm chia phôi ngăn cách một đại dương…

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đã viết Mười Năm Yêu Em cho một mối tình có thật của ông, và ca khúc này đã được Vũ Khanh hát rất thành công. Mời các bạn nghe lại:


Click vào hình để nghe bài hát

10. Cô Hàng Nước – Nhạc sĩ Vũ Minh

Cô Hàng Nước là ca khúc được Vũ Khanh chọn hát khi lần đầu tiên ông xuất hiện trước khán giả hải ngoại trong một chương trình nhạc hội tổ chức tại chính ngôi trường đại học mà ông đang theo học. Bài hát Cô Hàng Nước cùng với chất giọng đầm ấm, Vũ Khanh đã chinh phục được tất cả khán giả có mặt trong buổi hôm đó.

Sau này ông có thu âm lại trong băng nhạc và trở thành 1 trong những ca khúc thành công nhất trong sự nghiệp. Mời các bạn nghe lại bên dưới:


Click vào hình để nghe bài hát

Bên cạnh 10 ca khúc mà Vũ Khanh hát solo thành công nhất bên trên, không thể không nhắc tới bài Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài mà ông song ca với nữ ca sĩ Ý Lan:

Tóc Mai Sợi Văn Sợi Dài – Nhạc sĩ Phạm Duy

Có thể nói người hát song ca ăn ý nhất của ca sĩ Vũ Khanh chính là Ý Lan. Một giọng hát trầm ấm, kết hợp một giọng hát cao vút, họ hoà quyện vào nhau trong bài hát rất tình tứ. Ý Lan mặc sức phô diễn những âm thanh nũng nịu, còn Vũ Khanh thì nâng đỡ bằng giọng ca rất nam tính của mình. Điều đó được thể hiện rất rõ bằng ca khúc Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài ở dưới đây:


Click vào hình để nghe bài hát

chuyenxua.net

Viết một bình luận