Tiểu sử ca sĩ Trang Mỹ Dung – Giọt buồn trong mưa

Trang Mỹ Dung là 1 trong những nữ ca sĩ tiêu biểu của dòng nhạc vàng trước năm 1975, nổi tiếng từ cuối thập niên 1960, nổi tiếng với những ca khúc về mưa của nhóm Lê Minh Bằng là Hai Mùa Mưa, Chuyện Ba Mùa Mưa, Mưa Đầu Mùa… Với giọng hát trầm buồn truyền cảm, cô được đặt biệt danh là “giọt buồn trong mưa”.


Click để nghe nhạc Trang Mỹ Dung thu âm trước 1975

Ca sĩ Trang Mỹ Dung tên thật là Trương Thị Mỹ Dung, sinh năm 1951 tại Phan Thiết, trong một gia đình Phật tử không có ai theo con đường nghệ thuật. Cô theo gia đình vào Sài Gòn sinh sống từ năm 6 tuổi.

Ngay từ thời niên thiếu, cô thích ca hát và thường tham gia trong các buổi trình diễn văn nghệ của Gia Đình Phật Tử vào dịp lễ Phật Đản, Vu Lan…

Năm 1967, khi mới 16 tuổi, Trang Mỹ Dung ghi danh cuộc thi tuyển lựa ca sĩ do Đài Truyền hình Sài Gòn tổ chức. Sau buổi sơ khảo, nhạc sĩ Anh Bằng đến nói chuyện, khuyến khích cô theo con đường ca hát và nhận vào học lớp nhạc Lê Minh Bằng.

Trong vòng chung kết cuộc thi hát năm đó, Trang Mỹ Dung gây ứng tượng mạnh với công chúng với nghệ danh Mỹ Dung và hát bài Nửa Đêm Ngoài Phố, và được khán giả gọi là “Thanh Thúy mới”.

Khi đi hát được một thời gian ngắn thì cô được nghệ sĩ Tùng Lâm mời tham gia vào Ban Tạp Lục phát sóng hằng tuần trên Đài phát thanh. Thời điểm này đã có một cô ca sĩ trùng tên là Mỹ Dung, cũng là học trò của nhạc sĩ Anh Bằng, nên Trang Mỹ Dung muốn đặt một nghệ danh khác. Lúc đó cô thấy các học trò của Tùng Lâm có Trang Thanh Lan, Trang Kim Yến, nên tự đặt nghệ danh cho mình là Trang Mỹ Dung. Hơn nữa, tên thật của cô là Trương Thị Mỹ Dung, và Trang cũng gần đồng nghĩa với chữ Trương.

Khi theo học tại lớp nhạc Lê Minh Bằng, Trang Mỹ Dung được thầy là nhạc sĩ Anh Bằng giới thiệu đến thâu âm cho hãng dĩa Asia – Sóng Nhạc mà ông đang cộng tác. Vào ngày 9/8/1967, một sự kiện quan trọng trong nghiệp hát của Trang Mỹ Dung đã diễn ra, đó là ngày cô được thu âm ca khúc đầu tiên “Hai Mùa Mưa” tại hãng Sóng Nhạc. Đây là sáng tác của nhóm Lê Minh Bằng được ký dưới tên Mạc Phong Linh, qua giọng hát của 1 giọng ca mới là Trang Mỹ Dung đã trở nên phổ biến khắp nơi.

Bản thu âm Hai Mùa Mưa của Sóng Nhạc được nhạc sĩ Y Vân hòa âm, đã gây ấn tượng với tiếng còi tàu buồn man mác ở cuối bài, cho đến nay vẫn được nhiều người tìm nghe. Cho đến nay, nhắc đến bài Hai Mùa Mưa, người ta vẫn nhắc đến tên tuổi Trang Mỹ Dung, và ngược lại. Mời bạn nghe lại bên dưới.


Click vào hình để nghe Trang Mỹ Dung hát Hai Mùa Mưa, bản thu âm “huyền thoại” trước năm 1975

Sau thành công với Hai Mùa Mưa, Trang Mỹ Dung lần lượt hát thêm nhiều bài “mưa” khác của nhóm Lê Minh Bằng sáng tác là Mưa Đầu Mùa, Mưa Cuối Mùa, Chuyện Ba Mùa Mưa… và được đặt biệt danh là “Giọt buồn trong mưa”. Ngoài ra cô cũng được nhiều hãng dĩa khác mời cộng tác và có mặt trong các đoàn văn nghệ đi lưu diễn khắp miền Nam.

Đầu thập niên 1970, tên tuổi ca sĩ Trang Mỹ Dung tỏa sáng rực rỡ, có thể sánh ngang với các ca sĩ thế hệ đàn chị như Thanh Thúy, Phương Dung, Thanh Tuyền… Tiếng hát trầm buồn của cô vào thời gian đó là một giọng ca hiếm và hoàn toàn mang tính riêng biệt. Khi sự nghiệp đang ở đỉnh cao thì không may vào cuối năm 1973, cô phải tạm gác lại sự nghiệp rất đáng tiếc vì một tai nạn nghiêm trọng. Cô kể lại:

“Năm 1973, trong chuyến đi lưu diễn miền Trung, xe của tôi bị lật khiến xương hàm bể, người đầy thương tích. Tôi phải cột hàm không thể ăn uống và tạm dừng ca hát một thời gian. Một lần khác khi đang quay hình, tôi bước xuống từ sân khấu và bị hụt chân té, bị nứt xương phải nằm viện nhiều tháng. Sau năm 1975, tôi nghĩ bản thân chẳng thể nào đi hát nhưng sau đó tìm cách trở lại sân khấu và chọn những ca khúc thích hợp với bản thân để hát”.

Ca sĩ Trang Mỹ Dung cũng từng kết hôn một lần vào năm 1976, nhưng không có con và chia tay nhau một cách nhẹ nhàng vào năm 1992. Sau đó cô sống cùng với mẹ và các em.

Năm 1997, một biến cố lớn nhất cuộc đời cô, đó là việc ra đi mãi mãi của người mẹ thân yêu:

“Năm 1997 thì mẹ tôi mất, đó là một biến cố quan trọng nhất trong cuộc đời tôi” – Trang Mỹ Dung

Sau thời điểm đó, cô không còn đi hát nhiều, chỉ thỉnh thoảng xuất hiện tại tại phòng trà, sân khấu ca nhạc, chủ yếu là tham gia các chương trình ca nhạc từ thiện, Phật giáo.

Hiện nay, Trang Mỹ Dung cho biết cô có một cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản và an lành bên gia đình, các em và các cháu. Mọi người sống hòa thuận, tình cảm, thương yêu, quan tâm lẫn nhau.

Cho đến nay, hình ảnh của Trang Mỹ Dung để lại trong lòng công chúng luôn là sự hiền hòa. Những ai từng gặp cô đều công nhận cô rất hiền, ít nói, nhưng dễ tiếp xúc, dễ nói chuyện và rất dễ thương trong từng cử chỉ và lời nói.

Mời bạn nghe lại 1 album thu âm sau năm 1975 của Trang Mỹ Dung ở bên dưới:


Click để nghe

Sau đây, mời các bạn nghe lại 10 bản thu âm nổi tiếng của nhất của Trang Mỹ Dung trước 1975.

Nhóm nhạc Lê Minh Bằng đã sáng tác rất nhiều bài hát để cô học trò Trang Mỹ Dung thu âm lần đầu tại hãng dĩa Sóng Nhạc kể từ năm 1968, nên có thể thấy hầu hết những ca khúc nổi tiếng nhất của Trang Mỹ Dung thu âm trước 1975 đều là của nhóm Lê Minh Bằng.

Đầu tiên là chùm ca khúc về mưa của nhóm Lê Minh Bằng sáng tác, cũng vì nổi tiếng với những bài hát này mà Trang Mỹ Dung còn được gọi biệt hiệu là “Giọt Buồn Trong Mưa”:

Chuyện Ba Mùa Mưa

Nội dung của bài hát là một câu chuyện tình buồn trải qua 3 mùa mưa. Năm đầu là cuộc tình đẹp như giấc mộng, yêu nhau như bướm say hoa. Qua đến năm thứ 2 thì cuộc tình dần tàn phai, rồi cuối cùng chia tay nhau vào năm thứ 3.


Click để nghe Trang Mỹ Dung hát Chuyện 3 Mùa Mưa trước 1975

Câu chuyện tình trong bài hát như hoa nở thắm tươi nhưng nhanh tàn, giống như hàng triệu cuộc tình khác trên thế gian này. Bối cảnh của bài hát là những mùa mưa, dễ gợi nỗi niềm buồn thương cho những ai cùng tâm trạng với bài hát:

Nhìn trời mưa đổ thấy đau buốt thêm trong lòng
Tình là hoa nở thắm tươi đó nhưng rồi phai
Khi xưa nếu chẳng đem tình dâng hết cho người
Thì nay có đâu buồn…

Hai Mùa Mưa

Bài hát đầu tiên mà Trang Mỹ Dung thu âm vào đĩa của hãng Sóng Nhạc chính là ca khúc Hai Mùa Mưa của 3 người thầy Lê Dinh – Anh Bằng – Minh Kỳ sáng tác, ngay lập tức đã chinh phục được khán giả đại chúng. Nhiều người vẫn còn nhớ về bản thu âm trước 1975 với tiếng còi tàu buồn man mác ở đoạn kết bài hát do cố nhạc sĩ Y Vân phối âm. Sau này Trang Mỹ Dung thừa nhận ca khúc này đã làm thay đổi cuộc đời cô.

Cho dù sau này, Trang Mỹ Dung nổi tiếng với rất nhiều ca khúc khác nữa, cũng như đã có nhiều ca sĩ khác cũng hát Hai Mùa Mưa, nhưng khi nhắc đến ca khúc này là nhớ đến ca sĩ Trang Mỹ Dung, và ngược lại. Giọng ca và bài hát đó như là đã đóng dấu vào nhau và gắn bó với nhau như là định mệnh.

Mùa mưa lần trước anh về đây ghé thăm tôi
Tình xưa bạn cũ gặp nhau đêm ấy mưa rơi
Tách cà phê ấm môi,
Mình ngồi ôn lại những phút vui trôi qua mất rồi.


Click để nghe Trang Mỹ Dung hát Hai Mùa Mưa trước 1975

Ca khúc Hai Mùa Mưa có nội dung tương đối đơn giản, được viết theo lối kể chuyện, như là lời tâm sự, đã cuốn hút người nghe bằng những hình ảnh dung dị, tình cảm chân thành giữa những người bạn với nhau, trở thành một trong những bài hát được người lính yêu cầu nhiều nhất trên đài phát thanh vào cuối thập niên 1960, là bài hát đầu tiên đưa tên tuổi Trang Mỹ Dung vụt sáng thành ngôi sao trong làng nhạc Sài Gòn khi cô chỉ mới 17-18 tuổi.

Mưa Đầu Mùa – Cuối Mùa Mưa

Sau thành công của bài Hai Mùa Mưa với giọng hát Trang Mỹ Dung, nhóm Lê Minh Bằng sáng tác thêm một số ca khúc về mưa nữa cho cô hát, trong đó có 2 bài hát mang nội dung mang tính tiếp nối của Hai Mùa Mưa, đó là Mưa Đầu MùaCuối Mùa Mưa:


Click để nghe Trang Mỹ Dung hát Mưa Đầu Mùa trước 1975


Click để nghe Trang Mỹ Dung hát Cuối Mùa Mưa trước 1975

Hồi Tưởng

Một bài hát của nhóm Lê Minh Bằng nhắc về những kỷ niệm xưa cũ của một đôi bạn rất thân từ thời thơ bé:

Đêm trắng đêm chong đèn tôi viết
Những chuyện xưa bọn mình
Ngày anh với tôi
Như hình với bóng Kết thân đôi đầu xanh

Thời gian thắm thoát thoi đưa
Tuổi thơ ấu còn đâu nữa
Mỗi người một phương
Xa xôi càng thêm nhớ thương…


Click để nghe Trang Mỹ Dung hát Hồi Tưởng trước 1975

Chuyện Một Đêm

Một ca khúc của nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác về sự kiện Mậu Thân. Theo lời kể của nhạc sĩ Anh Bằng thì câu chuyện bài hát diễn ra có thật tại một thị trấn nhỏ ở vùng Biên Hòa, một bà mẹ đau thương và bất lực nhìn đứa con yêu đã ra đi trên tay mình lúc nào không hay:

Bà đặt con lên đám cỏ phủ sương mờ
Tội gì con ơi khi lứa tuổi tuổi còn thơ
Bà nhẹ đưa môi hôn trán con yêu giá lạnh
Vuốt ve lần cuối trước khi xa con suốt đời


Click để nghe Trang Mỹ Dung hát Chuyện Một Đêm trước 1975

Viết Từ KBC

KBC là viết tắt của chữ Khu Bưu Chính. Khi viết thư, người ta thường ghi số nhà để bưu tá gửi thư đến, nhưng với người quân nhân thì “nhà” của họ chính là đơn vị đóng quân, và KBC chính là mã bưu chính để nhận thư của đơn vị quân đội ngày xưa. “Viết Từ KBC” nghĩa là người lính viết thư từ nơi xa gửi về hậu phương với nỗi lòng thương nhớ:

“Từ KBC giá lạnh rừng sâu,
Anh gởi lời thăm về em yêu dấu
Qua bao ngày chúng mình xa nhau,
Chắc em để phấn son nhạt màu
Và buồn trong cả giấc chiêm bao…”


Click để nghe Trang Mỹ Dung hát Viết Từ KBC

Biết Tìm Ở Đâu


Click để nghe Trang Mỹ Dung hát Biết Tìm Ở Đâu trước 1975

Đổi Thay

Bài hát này được ký với tên Hoa Linh Bảo và Hoàng Liên, trong đó bút danh Hoa Linh Bảo là nhạc sĩ Lê Mộng Bảo, còn Hoàng Liên là bút hiệu của nhạc sĩ Anh Bằng:

Lá xa cành, héo sầu cả tuổi xanh
Anh bỏ đi rồi, buồn lắm anh ơi..
Đời người con gái
một lần mất người yêu
dang dở cả cuộc đời.


Click để nghe Trang Mỹ Dung hát Đổi Thay trước 1975

Thư Ngoài Biên Trấn (Giao Tiên)

Trong số những bài hát được nhắc tới trong danh sách này, thì Thư Ngoài Biên Trấn là bài duy nhất không phải của nhóm Lê Minh Bằng. Đây là một trong những sáng tác nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Giao Tiên. Nhiều khán giả đã thắc mắc ca khúc này rất giống với bài Lời Tình Viết Vội của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Giai điệu của 2 ca khúc này gần như giống hệt, phần lời có khác một đôi chút, nhưng cơ bản đều viết về tâm sự người lính, từ biên ải viết thư tình gửi về người yêu, mong nàng thấu hiểu cho cuộc đời quân nhân hải hồ khắp chốn và đôi lứa ít được gần nhau.

Thực ra, 2 ca khúc này chỉ là 1, và tác giả thực sự của Thư Ngoài Biên Trấn cũng như Lời Tình Viết Vội là nhạc sĩ Giao Tiên, bài hát này đã nổi tiếng qua giọng hát Nhật Trường Trần Thiện Thanh trong băng Kim Đằng 3 năm 1973, và có rất nhiều người (bao gồm cả người nhà của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh) đã tưởng bài hát này của Trần Thiện Thanh sáng tác.

Lời bài hát Thư Ngoài Biên Trấn như sau:

Bao năm xuôi ngược khắp miền rừng sâu đồi cao
Gian lao nhưng lòng vẫn nặng tình yêu núi sông.
Cho nên nhiều khi nhớ về em lắm

Trang thư vài câu làm tin thế thôi
Nàng hay trách hờn người tình biên ải
Bảo rằng vì ai nỡ đành nhạt phai

Nhạc sĩ Giao Tiên kể lại rằng ông sáng tác bài này năm 1970, và nhận thấy bài hát rất thích hợp với ca sĩ Nhật Trường (Trần Thiện Thanh), nên sau khi viết xong đã cầm lên đài phát thanh Quân Đội để gặp và đưa cho Nhật Trường. Tuy nhiên sau khi xem xong, Nhật Trường ngẫm nghĩ 1 hồi rồi từ chối. Sau đó nhạc sĩ Giao Tiên bán bản quyền Thư Ngoài Biên Trấn cho hãng dĩa Asia Sóng Nhạc của ông Nguyễn Tất Oanh, ông Oanh giao lại bài này cho Lê Dinh, rồi Lê Dinh đưa cho cô học trò nổi tiếng của mình là Trang Mỹ Dung thu thanh trong dĩa Sóng Nhạc.


Click để nghe Trang Mỹ Dung hát Thư Ngoài Biên Trấn trước 1975

Sau đó một thời gian, khoảng năm 1973, Giao Tiên phụ trách làm biên tập cho băng nhạc Kim Đằng từ cuốn số 3 đến số 5. Ông đã đổi tên bài hát Thư Ngoài Biên Trấn thành Lời Tình Viết Vội, sửa lại một ít phần ca từ để ưng ý hơn, rồi nhờ người quen đưa cho Nhật Trường mời thu âm lần 2. Lần này thì Nhật Trường đồng ý hát với phần thu âm của Lê Văn Thiện. Vì vậy có đến hai bài hát tựa đề khác nhau, nhưng cùng một giai điệu và nội dung cũng gần giống nhau.

  • Xin “bonus” thêm 2 bài hát Trang Mỹ Dung song ca cùng nam ca sĩ Giang Tử:


Click để nghe Trang Mỹ Dung và Giang Tử song ca Chuyện Loài Hoa Dang Dở trước 1975


Click để nghe Trang Mỹ Dung và Giang Tử song ca Không Phải Tại Chúng Mình trước 1975

Bài: Đông Kha
chuyenxua.net

1 bình luận về “Tiểu sử ca sĩ Trang Mỹ Dung – Giọt buồn trong mưa”

Viết một bình luận