Tạm biệt tập san Áo Trắng – Sắc màu gợi nhớ một thuở thanh xuân

Sau hơn 30 năm nổi tiếng trên văn đàn, tập san Áo Trắng đã tự đình bản bắt đầu từ số phát hành tháng 10 năm 2021 vì khó khăn tài chính bởi đại dịch, và nguyên nhân chính ban đầu từ nguồn thu không bù đắp được nguồn chi trước đó một thời gian, mà nhà xuất bản Trẻ – Đơn vị xuất bản của tập san đã cố gắng đắp đổi bù lỗ cho tờ báo được phát hành đều đặn mỗi tháng mỗi kỳ.

Tập san Áo Trắng ra đời từ năm 1990 do nhóm nhà thơ nhà văn chủ biên: Đoàn Thạch Biền, Đỗ Trung Quân, Đinh Tiến Luyện, Phạm Chu Sa, Phạm Thanh Chương… Vào thời điểm này mảng văn thơ đã có trên các báo Văn Nghệ, tạp chí Văn Nghệ Quân đội, tạp chí Văn nghệ Công an, nhưng văn thơ dành riêng cho giới trẻ lại không có, nên tạp chí Áo Trắng như một làn gió mới trẻ trung đem lại niềm hứng khởi đam mê cho giới bạn đọc trẻ. Những cây viết đã được ươm mầm từ đây và sau này đã trở thành nhà thơ nhà văn có tên tuổi như Dương Bình Nguyên, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Phong Điệp, Trang Hạ, Lê Thiếu Nhơn…

Từ thuở ban đầu, tập san Áo Trắng đã phát hành rộng rãi khắp nơi. Chỗ tôi đang ở hồi đó là một huyện vùng biển nghèo chỉ có độc nhất một hiệu sách, vậy mà tập san Áo Trắng cũng có bày bán ở đây và tôi rất ngạc nhiên và thích thú, khi nội dung các tiết mục và bài vở của tập san phần nhiều do các nhà văn nhà thơ đã từng là cộng tác viên của tuần báo Tuổi Ngọc phát hành trước năm 1975, tuần báo có “…dòng văn chương, đẹp và thơ mộng của những tháng năm đẹp nhất đời người…”

Gặp lại tập san Áo Trắng như “gặp lại cố nhân” sau nhiều năm dài vắng bóng, tôi tiếp tục mua tờ báo đã có tiền thân là tuần báo Tuổi Ngọc thân quen của thời xưa, vừa đọc lại để tìm kỷ niệm một thời áo trắng đã qua của mình, vừa để làm một món ăn tinh thần cho các con của tôi. Và thế là cả “phụ huynh” lẫn “học sinh” cùng ở trong nhà cùng chuyền tay nhau một tờ báo văn chương uy tín đáng để gối đầu giường cho nhiều thế hệ.

Từ từ theo dòng thời gian, vẫn nội dung trong trẻo, lãng mạn thích hợp với tuổi sinh viên học sinh, hình thức của tập san Áo Trắng đã thay đổi dần để phù hợp với thị hiếu của bạn đọc trẻ. Người có công đưa con thuyền Áo Trắng vượt qua bao thác ghềnh suốt trong 30 năm qua là nhà văn Đoàn Thạch Biền, anh đã từng cộng tác với tuần báo Tuổi Ngọc trước đây với bút hiệu Nguyễn Thanh Trịnh. Nhà văn đã đạt giải Văn học nghệ thuật quốc gia năm 1973 về kịch bản sân khấu, những tác phẩm nổi tiếng của anh là Ví dụ ta yêu nhau, Tình nhỏ làm sao quên, Tôi thương mà em đâu có hay…

Tuấn báo Tuổi Ngọc xưa

Nhà văn Đoàn Thạch Biền ở ngoài đời bản tính trầm lắng với gương mặt nghiêm trang và lạnh lùng. Bạn bè văn nghệ gặp anh nhiều lần mới biết ở trong vẻ bề ngoài “khó ưa, bất cần” đó đó là một tâm hồn nhân hậu, nhiệt tình sôi nổi với văn chương và tận tụy nâng đỡ lớp đàn em đi sau. Tôi đã có mấy lần tham dự lễ trao giải văn chương, đều mấy lần nhìn thấy anh thay vì ngồi ghế đầu của đại biểu khách mời, anh đều ngồi ghế cuối trò chuyện với các bạn đọc trẻ. Điều này càng làm cho tôi ái mộ thêm một nhà văn càng nổi tiếng trong làng văn càng gần gũi với bạn đọc ở ngoài đời

Tôi có duyên được là cộng tác viên của tập san Áo Trắng từ khi gửi bài thơ đầu tiên cho tòa soạn từ năm 1997. Khó tả nỗi cảm xúc khi cầm tờ báo yêu thích trên tay có đăng bài đầu tiên của mình, trên một tờ báo văn chương sang trọng mà thời học sinh đối với tôi, có bài được đăng trên trang báo này chỉ có ở trong giấc mơ. Và những giấc mơ đẹp đẽ ấy đã đến với tôi suốt thời gian dài đã qua: nhịp tim xao xuyến của thời tuổi trẻ lại rung lên từng hồi trẻ dại mỗi lần được nhận báo biếu cùng bì thư gửi nhuận bút có thủ bút của nhà văn Đoàn Thạch Biền.

Khi nghe tin tập san Áo Trắng đình bản, chắc cũng như tôi, các bạn đọc và bạn viết thân quen ai cũng buồn và luyến tiếc vì từ đây sẽ vắng bóng dư hương sắc màu gợi nhớ của một thời đẹp nhất của tuổi thanh xuân.

Bài: Trương Đình Tuấn
chuyenxua.net

Viết một bình luận