Xem lại phim “Kiếp Hoa” năm 1952 – Phim có âm thanh đầu tiên do người Việt sản xuất

Kiếp Hoa là cuốn phim tâm lý – tình cảm do soạn giả cải lương Trần Lang (bút danh của ông chủ đoàn Kim Chung) biên dịch và đạo diễn, xuất phẩm năm 1953 tại Hà Nội.

Đây là phim có tiếng đầu tiên của Việt Nam, trước đó phim do người Việt Nam thực hiện đều là phim câm, và cuốn phim gần nhất đã thực hiện cách đó tới 15 năm rồi bị ngưng lại do thời cuộc.

Mời các bạn xem lại phim Kiếp Hoa sau đây:


Click để xem phim

Có thể thấy cuốn phim được làm từ 70 năm trước với cách làm phim thô sơ, diễn viên đều là không chuyên, đa phần là chuyển từ sân khấu cả lương sang. Nhưng với sự cố gắng để tạo ra cuốn phim điện ảnh mang tính khai sơn phá thạch, đoàn phim đã mang đến cho khán giả một tác phẩm tương đối tròn trịa, chuyện phim có nhiều biến chuyển về nội dung. Xem lại phim, chúng ta thấy lại được những hình ảnh quý hiểm quay cảnh đường phố Hà Nội trước năm 1954 với những con người hào hoa, thanh lịch, những hình ảnh về trang phục, giọng nói, thể hiện tương đối rõ nét cuộc sống tản cư, hồi cư vô cùng gian khó của người dân trong một giai đoạn lịch sử.

Thời điểm phim Kiếp Hoa ra đời ở Hà Nội là đầu thập niên 1950, trong bối cảnh hoàng kim của sân khấu cải lương du nhập từ Nam Bộ, còn điện ảnh vẫn còn là bộ môn nghệ thuật tương đối xa lạ với đa số người Việt Nam. Thời điểm đó Việt Nam có đạo diễn, chưa có nhà quay phim, chưa có studio, phim Kiếp Hoa chỉ là dự án phim mang tính gia đình. Bầu Long (nghệ danh Trần Lang, tên thật là Trần Viết Long – trưởng đoàn hát Kim Chung) viết kịch bản, đạo diễn thuê người Hongkong, vai nữ chính (Ngọc Lan) do diễn viên Kim Chung (vợ bầu Long) đảm nhận. Kim Xuân (em của nghệ sĩ Kim Chung) vào vai thứ chính Ngọc Thủy.

(Bà Kim Xuân chính là mẹ của diễn viên gạo cội Như Quỳnh ở Hà Nội hiện nay).

Nghệ sĩ Kim Chung vào vai chính trong phim Kiếp Hoa. Kim Chung cũng là vợ của ông chủ hãng phim

Cho đến đầu thập niên 1950, Việt Nam chưa từng sản xuất cuốn phim có âm thanh nào (trước đó chỉ có phim câm từ những năm thập niên 1930), và việc một ông bầu cải lương bỏ tiền làm phim thực sự là một cuộc phiêu lưu, vì kết quả nhận được có phần mông lung, không ai nhìn thấy trước được.

Tuy nhiên, ông Trần Viết Long hội tụ đủ những điều kiện để trở thành một nhà sản xuất phim thời đó.

Đầu tiên, ông đã có được một số vốn lớn nhờ đã củng cố được hai đoàn Kim Chung Hà Nội và Hải Phòng, có cơ sở vững chắc sau 4 năm hoạt động, trình diễn.

Nghệ sĩ Kim Chung và ông Trần Viết Long trong ngày ra mắt phim Kiếp Hoa

Lý do thứ hai thúc đẩy ông làm phim vì ông vốn say mê ngành điện ảnh từ khi còn là sinh viên bên Pháp. Từ thời đó ông đã chú ý học hỏi nhiều qua sách vở, rồi khi quản lý hai đoàn hát trong nhiều năm, ông có thêm kinh nghiệm điều khiển sân khấu trong những năm. Ngoài ra nhờ có năng khiếu đặc biệt về kinh doanh nên ông có thể phác thảo được một cách chi tiết những con số thu chi khi sản xuất phim, dù đây là công việc ông chưa từng làm.

Động lực thứ 3 của ông chủ Kim Chung là ông đã có trong tay một số đông nghệ sĩ thành thạo với sân khấu, những kinh nghiệm đó giúp ích rất nhiều khi chuyển qua điện ảnh.

Để cho bộ phim thêm phần hấp dẫn, và gây ấn tượng với khán giả, hãng phim Kim Chung còn tổ chức một cuộc thi sáng tác bài nhạc phim với giải thưởng lớn. Cuối cùng bài hát Làng Tôi của nhạc sĩ Chung Quân đã được chọn: “làng tôi có cây đa cao ngất tầng xanh…”. Phim Kiếp Hoa đã sử dụng ca khúc này làm nhạc nền trong một số phân cảnh, ngoài ra nhân vật chính Ngọc Lan (Kim Chung đóng) còn hát bài này trong phân cảnh cùng mẹ và em đi tản cư ở Thái Bình.


Click để xem Kim Chung hát Làng Tôi trong phim

Phim Kiếp Hoa còn có các phân đoạn diễn viên hát 2 ca khúc nổi tiếng Dư Âm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và Cây Đàn Bỏ Quên của nhạc sĩ Phạm Duy, trong đó bài Cây Đàn Bỏ Quên được hát với lời rất khác so với công chúng biết đến.


Click để nghe bài Cây Đàn Bỏ Quên trong phim


Click để nghe Kim Chung và Kim Xuân hát Dư Âm trong phim

Kiếp Hoa đã đi vào lịch sử điện ảnh Việt Nam vì là phim có âm thanh đầu tiên của người Việt thực hiện, với sự giúp đỡ của những kỹ thuật viên Hongkong. Toàn bộ phần ngoại cảnh được quay ở Hà Nội, nhưng thời điểm đó ở Việt Nam chưa có Studio để quay nội cảnh, nên toàn bộ cảnh phim trong Studio đều được thực hiện trong 12 ngày ở Hongkong, sau đó mất thêm 2 tháng làm hậu kỳ ở xứ Cảng Thơm này trước khi mang về chiếu ở Hà Nội, sau đó là Sài Gòn.

Dù lần đầu làm phim, ông Trần Viết Long đã chứng tỏ mình là một nhà phát hành phim bẩm sinh. Ông đã làm việc cật lực để chạy đua cùng thời gian, vì cùng thời điểm có phim Bến Cũ cũng đang làm hậu kỳ ở Pháp. Phim nào ra trước thì sẽ gây được sự chú ý nhiều hơn. Trong khi phim Bến Cũ quay bằng phim màu 16 mm, ông Long quyết tâm quay Kiếp Hoa bằng phim 35mm để đẩy nhanh tiến độ sản xuất.

Phim Bến Cũ được quay cùng thời điểm với Kiếp Hoa

Phim Kiếp Hoa ra rạp trước phim Bến Cũ chỉ 4 ngày và đã trở thành một huyền thoại trong ký ức của những người Hà Nội năm 1953. Chỉ trước 4 ngày nhưng đã tạo ra một khác biệt rất lớn và thu hút mọi sự chú ý của khán giả. Trước ngày ra rạp, ông chủ Kim Chung đã thuê một chiếc máy bay dân dụng thả các tờ quảng cáo xuống khu vực Bờ Hồ.

Công chiếu phim Kiếp Hoa

Trong tờ quảng cáo khi Kim Chung cho chiếu lại ở Sài Gòn năm 1974 (hơn 20 năm sau khi phim ra mắt), Kiếp Hoa được giới thiệu như sau:

Phim tình cảm đầu tiên thực hiện tại HÀ NỘI (Bắc Việt) với số thu kỷ lục vượt hết các phim ngoại quốc, làm rơi lệ hàng triệu khán giả khắp nơi, mô tả một chuyện tình thắm thiết khó quên, chơi vơi trong nhạc điệu của các bản nhạc hay DƯ ÂM (Nguyễn Văn Tý) – CÂY ĐÀN BỎ QUÊN (Phạm Duy) – LÀNG TÔI (Chung Quân).

Những ai chưa biết Cố Đô Thăng Long!
Những ai đã từng sống một thời vàng son nơi thành phố cũ?

Hãy tới coi KIẾP HOA để thấy hình ảnh sống động của HÀ NỘI 36 PHỐ PHƯỜNG với chợ Đồng Xuân tấp nập người mua bán. Hồ Hoàn Kiếm với Tháp Rùa với Đền Ngọc Sơn – Hồ Tây với làn sóng bạc, Ô Quang Trưởng, Gò Đống Đa, Chùa Voi Phục, phố Hàng Đào, Hàng Gai, Phố Huế…

Những ai đã từng yêu thương qua tiếng nhạc?
Những ai sắp bước vào ngưỡng cửa của tình yêu?

Hãy tới coi KIẾP HOA để luyến tiếc mãi mối tình keo sơn “đẹp như tuổi trẻ” nhưng kết thúc thật đau thương.

Quí vị nào chưa biết HÀ NỘI 36 PHỐ PHƯỜNG xin đến coi KIẾP HOA.

Phim Kiếp Hoa, dù chưa mang lại sự thỏa mãn cho giới hâm mộ điện ảnh nhưng nó cũng chứng tỏ sự cố gắng phi thường, mở đầu cho nền điện ảnh Việt Nam từ thập niên 1950. Số thu 8 triệu đồng của phim này là một yếu tố thúc đẩy việc hoạt động điện ảnh cho lớp người có vốn, có khả năng nhưng chưa đủ can đảm thực hiện từ đó trở về sau.

Sau này, ông Tiêu Lang (chồng của Kim Xuân) nói về anh rể của mình (bầu Long) như sau: “Thời đó chẳng ai biết gì về phim ảnh, thế mà ông ấy lại làm được. Ông ấy là người rất giỏi giang, tháo vát, đã quyết là làm bằng được. Có thể ông ấy lo lắng nhưng chưa bao giờ để lộ ra”.

Với khởi đầu tốt của phim Kiếp Hoa, ông bầu Trần Viết Long đã ấp ủ dự án phim Trống Mái dựa theo tiểu thuyết của Nhất Linh và Khái Hưng. Thậm chí ông còn mời một lực sĩ người Cô Tô tham gia phim đóng vai chàng Vọi, và người này đã về làm việc ở đoàn một thời gian. Tuy nhiên hiệp định Geneve năm 1954 đã làm đảo lộn mọi dự định.

Khi đó.theo làn sóng đồng bào di cư, vợ chồng ông Trần Viết Long và Kim Chung đã quyết định chuyển một nửa đoàn cải lương Kim Chung vào Sài Gòn. Một nửa đoàn Kim Chung ở lại Hà Nội, do vợ chồng người em vợ của ông Long là Tiêu Lang và Kim Xuân quán xuyến.

Ngày lên đường vào Nam, ông bà Trần Viết Long – Kim Chung đã không thể mang theo bộ phim Kiếp Hoa (với 11 hộp phim tất cả), nên đã giao cho vợ chồng Tiêu Lang – Kim Xuân ở lại Hà Nội. Sau này ông Tiêu Lang đã quyết định tiếp tục khai thác Kiếp Hoa bằng cách đưa cho một người chuyên buôn bán phim đưa đi các rạp chiếu. Nhưng chưa kịp tiến hành thì người đàn ông này bị chính quyền khám nhà và bị tịch thu các hộp phim, trong đó có Kiếp Hoa.

Sau này, trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Tiêu Lang cho biết: “Đó vừa là rủi ro với cá nhân tôi, nhưng lại là điều may cho bộ phim. Vì thời đó không có điều kiện, tôi có giữ bộ phim cũng sẽ hỏng. Sau khi tịch thu phim, công an đã gửi phim về Viện tư liệu phim, ở đây người ta đã lưu giữ rất cẩn thận. 

Nhờ như vậy, hiện nay chúng ta có thể xem lại được bản phim quý hiếm bên trên.

Vợ chồng Tiêu Lang và Kim Xuân (phụ trách đoàn Kim Chung ở Hà Nội). Ông bà cũng là cha mẹ của diễn viên gạo cội Như Quỳnh ở Hà Nội hiện nay

Khi mới thành lập đoàn Kim Chung, ông Tiêu Lang còn rất trẻ, đảm đương nhiệm vụ làm kế toán cho đoàn. Ông Tiêu Lang có ngoại hình rất hợp vai Thiện, nhưng vì ở độ tuổi đi lính nên ông không thể được cấp giấy tờ để xuất ngoại sang Hongkong quay phim, đành chỉ nhận vai nhỏ trong phim (một người khách lái ô tô ghé qua mua thuốc lá của chị em Ngọc Thủy, Ngọc Lan). Còn vai nam chính thì ông bầu Trần Viết Long đã chọn Trần Quang Tứ, một nhà buôn thóc gạo ở phố Hàng Chiếu có dung mạo rất đẹp trai.

Sau đây là bài viết của ký giả Duy Mỹ viết năm 1957 (sau này Duy Mỹ là ca sĩ hát trong ban tam ca Sao Băng), nói về quá trình làm phim Kiếp Hoa theo lời kể của ông Trần Viết Long thời điểm đó:

Việc thực hiện chia làm 2 phần:

1. Kỹ thuật, chuyên viên ngoại quốc. Một ít chuyên viên Việt học nghề theo phương pháp thực hành.

2. Cốt truyện, tài tử, phụ đạo diễn phong cảnh, y phục Việt Nam.

Vào khoảng năm 1952, nền điện ảnh còn xa lạ đối với các nhà viết truyện phim và tài tử, vì vậy việc đầu tiên của hãng là đào luyện cấp tốc tài tử được chọc lọc trong công cuộc tuyển lựa và thi truyện phim. Có tới hàng 300 truyện dự thi nhưng toàn thể để không biết cách viết và xây dựng truyện phim, trong số hàng trăm người thi chỉ tuyển chọn được ít người.

Hồi đó điện ảnh gia Claude Bernard định làm đạo diễn phim Kiếp Hoa, nhưng ban giám đốc hãng không thỏa thuận nổi những điều kiện căn bản nên chỉ ký giao kèo mướn ông trong 6 tháng để dạy về cơ sở lý thuyết và thực hành sơ đẳng của nghệ thuật thứ bảy cho tài tử, đàm luận với Trần Lang (người viết truyện phim Kiếp Hoa) để tránh những vấp váp về kỹ thuật, sao cho truyện phim dựng đúng luật mẹo. Về phía tài tử thì học một tuần hai lần về cách thức diễn.

Sau 6 tháng điều đình với chuyên viên Hongkong, hãng đã mướn được một đạo diễn và 2 người quay phim sang Hà Nội để bắt đầu thực hiện. Mối đe dọa lớn nhứt của hãng Kim Chung trong giai đoạn ấy là sự cạnh tranh của phim Bến Cũ đang quay cấp tốc để tranh thị trường. Do đó hãng Kim Chung phải hoạt động thật gấp rút để thực hiện phần ngoại cảnh phim Kiếp Hoa vẻn vẹn trong 14 ngày. Phần nội cảnh và thâu thanh phải quay tại Hongkong vì thiếu phương tiện tối tân, không có Studio.

Một trở ngại lớn đến với hãng là phong trào động viên bộc phát, việc xuất ngoại hết sức khó khăn, cuốn phim quay xong 3/4 đành ngưng đợi giấy tờ trong khi đó tiền chi phí tăng lên tới bạc triệu. Sau 2 tuần chạy chọt, cầu khẩn ở Bộ Nội vụ, nhà cầm quyền Bắc Việt nhất định không cho phép xuất ngoại. Cuối cùng ông giám đốc hãng phải xin vào phủ thủ hiến triều Nguyễn Hữu Trí để van vỉ với quý quan thống đốc rằng “tình trạng của chúng tôi phá sản mất có lẽ một ngày gần đây hãng chúng tôi phải tung ra thị trường một đoạn phim câm nếu không xin được phép xuất ngoại”.

Giữa lúc cuốn phim bị mắc kẹt vì giấy tờ thì phim Bến Cũ chạy đua, đang thu thanh tại Paris. Sang tới Hongkong, hãng đã gặp phải lớp điện ảnh gia Hongkong khôn ngoan đến lọc lõi, chuyên bắt bí để tống tiền, trong khi mình cần mình thì họ cố tình trì hoãn để bóp chẹt. Công việc làm ở Hongkong thật vất vả, quay bắt đầu từ 12 giờ đến 5 giờ sáng, chỉ có giờ đó studio của họ mới rảnh, anh chị em tài tử của mình không quen thức thâu đêm suốt sáng nên mệt nhoài, quay xong một đoạn nằm nghỉ là ngủ luôn, phải lay dậy, mắt nhắm mắt mở, cứ thế quay tiếp, không được rửa mặt sợ trôi hết phấn son hóa trang.

Sau 12 ngày vất vả thì hoàn thành phần nội cảnh. Như vậy vẫn chưa phải cuốn phim đã hoàn thành, còn phải ráp rửa, công việc này cũng phải thuê mấy chú ba Tàu, họ kéo dài suốt 1 tháng rưỡi để ăn tiền. Trong khi phim Bến Cũ đã chiếu quảng cáo rầm rộ ở thủ đô.

Trong thời kỳ ngậm đắng nuốt cay ở lại Hongkong để chờ ráp rửa phim, ông chủ Kim Chung thấy nẩy ra trong tâm trí cảm tưởng tủi hận vì sự nhờ vả kỹ thuật ngoại quốc để chịu muôn phần khổ sở. Cứ mỗi lần giục thì mấy chú ba Tàu lại xì ra câu nói thường lệ: “Hẩu tố công phu” để có “xủi dề, nhậm xà” thì mới tiếp tục. Ông có cảm tưởng là đi xin chứ không phải thuê kỹ thuật nước người. Trong khi quay đến khoảng 2 giờ sáng là có một tốp hàng chục người không biết ở đâu tới để dấu hót về điện ảnh, thế là họ cứ tự tiện nhậu nhẹt tán dóc hàng tiếng trên túi bạc và sự chờ đợi của tài tử mình. Dù thế nào mặc lòng cũng đình phải chịu, không dám gằn hắt sợ họ bỏ sở không quay thì vỡ nợ, đành sống cảnh ăn chực nằm chờ để mang phim về nước. Nói đến mấy ông chuyên viên mới thật đau khổ, cứ hôm nào ông đi chơi đêm mệt, ra đến chỗ quay ông ngẩng mặt lên trời mà than rằng: “Xín mậu hẩu” (trời không tốt) để cuốn gói ra về, trong khi đó mỗi tháng ông vẫn lãnh đủ 4 vạn bạc, 3 ông vừa 120.000 đồng.

Một nông nỗi không kém phần thê thảm là phim tiếng Việt do người Tàu ráp theo bản chữ Hán, họ không biết tiếng Việt nên cứ ráp bừa bãi cả những đoạn nói hỏng trong phim, mỗi lần như thế lại phải mượn thông ngôn để giảng giải cho ông hiểu ý nghĩa.

Sau 2 tháng phim đem về Hà Nội chiếu trước phim Bến Cũ 4 ngày. Phim Bến Cũ ở Pháp về còn mắc kẹt chờ thể thức giấy tờ nên Kiếp Hoa chiếu trước 5 ngày tại Saigon.

Chỉ trước sau 5 ngày mà sự chênh lệch về số thu lên tới bạc triệu. Phim Kiếp Hoa dù chưa mang lại sự thỏa mãn cho giới hâm mộ điện ảnh nhưng nó cũng chứng tỏ sự cố gắng phi thường làm sống dậy một cách mạnh mẽ nền điện ảnh Việt. Số thu 8 triệu đồng của phim này là một yếu tố thúc đầy việc hoạt động điện ảnh cho lớp người có vốn, có khả năng nhưng chưa đủ can đảm thực hiện.

Ngoài ra, trước đó, ký giả, kiêm ca sĩ Duy Mỹ cũng viết về lý do, hoàn cảnh mà ông Trần Viết Long quyết định liều làm phim Kiếp Hoa, dù chỉ chiếu trước phim Bến Cũ 4 ngày, nhưng cũng đủ để phim đi vào lịch sử như là phim có âm thanh đầu tiên do người Việt sản xuất. Bài viết như sau:

Công chiếu phim Kiếp Hoa

[…]

Sau một thời gian ngưng nghỉ toàn diện ngót 15 năm, nền điện ảnh Việt Nam lại có dịp bộc phát trở lại với phim Kiếp Hoa do hãng phim Kim Chung thực hiện. Phim Kiếp Hoa đã mở màn cho đợt thứ 2 của nền điện ảnh Việt kể từ thời khởi thủy khoảng 1925.

Tôi tới gặp ông Trần Viết Long – một con người nhanh nhẹn, có biệt tài về tổ chức và điều khiển sân khấu ca kịch, nơi tập trung đủ các hạng người. Chính nhờ biệt tài xoay sở, kinh doanh, biết lợi dung cơ hội thuận tiện để hoạt động nên ông bước vào ngành điện ảnh với ý tưởng đầu tiên là phiêu lưu và liều.

Liều và phiêu lưu chính là ý nghĩ thành khẩn nhất của ông, vì nói tới điện ảnh là phải nói đến tiền. Điện ảnh vốn là một kỹ nghệ vừa phức tạp vừa phải xuất vốn ra một cách thật mông lung, đôi khi là vu vơ. Ông quan niệm rằng nếu bỏ tiền ra lập một kỹ nghệ dệt vải hoặc kỹ nghệ giầy thì người bỏ tiền biết chắc là xưởng chế tạo sẽ sản xuất ra giầy hoặc vải để tung ra thị trường, và dù cao dù hạ, dù sớm hay muộn thì số giầy, số vải sẽ được bán hết. Nhưng nếu bỏ tiền ra làm một cuốn phim thì khác.

Cuốn phim có thể thực hiện hoàn hảo, ảnh, tiếng nói có thể rất đẹp, rất hay, nhưng vẫn không thu hút nổi đông đảo khán giả vì không đánh đúng vào thị hiếu của quần chúng, không diễn đạt trung thành với ý muốn của đông đảo quần chúng.

Hàng bán ra là một vật vô hình, người mua mang tiền tới để tìm cảm giác buồn vui, có kẻ thích vui vừa, có người thích thật vui hay buồn lắm, buồn vừa. Như vậy dù có vượt qua được thật nhiều khó khăn về nội dung và kỹ thuật thực hiện, nhà sản xuất vẫn chưa chắc chắn đã bán được và bán được giá bao nhiêu vì không hiểu nổi sở thích khác nhau của người mua (khán giả).

Cùng vì lý do đó mà những nhà tư bản rất e dè trong việc xuất vốn để thực hiện một cuốn phim phát triển kỹ nghệ điện ảnh.

Kinh nghiệm sống đã cho ra thấy một cách rõ rệt là nhiều phim ngoại quốc chắc chắn là hay, có giá trị cả về nội dung lẫn kỹ thuật, nhà sản xuất hy vọng hốt bạc thì sự thật phản nghịch hẳn ý định. Trường hợp của phim Jeanne d’Arc, do tài tử trứ danh Ingrid Bergman sắm vai chính, mô tả một nữ anh hùng của dân tộc Pháp, phim tô màu, dàn cảnh vĩ đại vậy mà nhà sản xuất đã lỗ sạt nghiệp vì phim này.

Trong khi đó phim Samson et Dalila – Quo Vadis và gần đây là Rashomon, Sabrina lại hốt bạc vô kể.

Tại sao vậy? Chính vì “Kiểu giày thật đẹp, da giày thật tốt chưa đủ, điều cốt yếu vẫn là phải làm vừa ý khách hàng khi tới đo chân”.

Ý định phiêu lưu của ông Long trở thành dự định thực hiện phim thật sự vì ông đã củng cố được hai đoàn Kim Chung Hà Nội và Hải Phòng có cơ sở vững chắc sau 4 năm hoạt động, trình diễn. Ông có một số vốn khả dĩ thực hiện được một cuốn phim nên không ngần ngại quyết định vào nghề mới với ý niệm nói trên, nghĩa là “liều”.

Lý do thứ hai thúc đẩy ông làm phim vì ông vốn say mê ngành điện ảnh từ khi còn là sinh viên nên chú ý học hỏi nhiều qua sách vở, thêm vào kinh nghiệm trong những năm điều khiển hai đoàn hát và năng khiếu đặc biệt về kinh doanh nên ông có thể phác qua được số dự chi, nhất là số thu của một cuốn phim Việt Nam đầu tiên sau thời gian ngót hai mươi năm ngưng hoạt động của nền điện ảnh nước nhà.

Nguyên động lực thứ 3 khuyến khích ông là ông đã nắm được trong tay một số đông nghệ sĩ thành thạo với sân khấu, ông cho là họ vẫn là người đầu tiên cần dùng để thực hiện phim vì ít ra cũng đã có kinh nghiệm về sân khấu.

Thế là với mớ ý định và trở ngại ngổn ngang kể trên, nhà sản xuất Kim Chung bắt đầu thực hiện cuốn phim đầu của mình với thiện ý cho rằng biết đâu công việc này chằng là một gạch nối giữa nền điện ảnh còn thô sơ thuở trước với nền điện ảnh chắc chắn sẽ trưởng thành mai sau.

Nội dung phim Kiếp Hoa:

Trên đường tản cư từ Hà Nội về Thái Bình, bà mẹ già yếu và hai cô con gái Ngọc Lan, Ngọc Thủy (Kim Chung và Kim Xuân thủ vai) may mắn được Thiện – một người không quen biết – cho ở nhờ. Gia đình của Thiện cũng ở Hà Nội, nhưng có gia trang ở Thái Bình, với lòng hào hiệp sẵn có, Thiện đã che chở cho họ, và tạo được mối thiện cảm với cô chị Ngọc Lan. Ban đầu chỉ định xin ở qua đêm, Thiện thuyết phục 3 mẹ con ở lại một thời gian để lánh nạn.

Thế rồi những tháng ngày êm đềm kéo dài không lâu. Cha Thiện nhắn chàng về Hà Nội. Phút chia tay, Thiện và Lan đã trao ảnh làm tin. Nhưng thật không may, người mẹ của 2 chị em qua đời vì bạo bệnh. Cùng lúc đó, lửa binh lan tới Thái Bình, hai chị em Lan – Thủy phải rời nơi tá túc và trở về Hà Nội tìm Thiện mà không gặp được, vì Thiện đi giữa chừng nghe tin Thái Bình cũng phải di tản nên quay ngược lại tìm người yêu. Về tới Thái Bình, không gặp được Lan – Thủy, nhưng gặp lại người quen là Nhạc, Thiện nhờ Nhạc nhắn tin giúp nếu có gặp 2 chị em kia.

Không nhà cửa, tiền bạc cũng hết nhẵn, hai cô gái tội nghiệp tìm đến gánh hát Kim Chung thi tuyển diễn viên nhưng không được chào đón. Đang bơ vơ không chốn tựa nương, họ gặp Tam – một người quen biết, là chủ tiệm bán mì. Hai chị em xin ở nhờ, đồng thời giúp việc cho quán của Tam.

2 chị em Kim Chung và Kim Xuân

Tình cờ, Lan gặp lại Nhạc ngay giữa đường phố Hà Nội. Mê mẩn nhan sắc xinh đẹp của cô gái, Nhạc nảy sinh dã tâm cướp người yêu của bạn, nên nói dối với Lan rằng Thiện đã qua đời vì đạn lạc, rồi tỏ tình với Lan, nhưng chỉ nhận lại một cái tát từ cô gái.

Viện cớ mong Lan khỏa khuây nỗi muộn phiền, Tam mời chị em nàng đi xem cải lương ở rạp Kim Chung, rồi mời đi ăn. Tìm cớ nói Thủy rời khỏi quán ăn, sau đó Tam chuốc cho Lan say rượu rồi cướp đi đời con gái của nàng. Vì vậy, Lan đành chấp nhận lấy Tam làm chồng để tránh điều tiếng. Lúc này, Tam lộ rõ bản chất, chuyển sang sàm sỡ cô em gái của Lan, nên 2 chị em quyết định bỏ ra đi.

Sau một đêm lang thang ngoài vỉa hè, hai cô gái đáng thương tình cờ gặp lại bà hàng xóm cũ. Bà cho họ một số vốn để làm ăn. Họ mở hàng thuốc lá bên vệ đường.

Cảnh Lan bán thuốc giữa đường

Rồi một ngày nọ, có chiếc xe mui trần màu trắng rất sang trọng ghé vào mua thuốc hàng, chủ nhân chiếc xe đó chính là Thiện, sau nhiều năm tìm khắp nơi thì cũng gặp lại được Lan.

Thoạt đầu Lan cố tránh mặt vì cảm thấy bản thân đã không còn xứng đáng với Thiện. Tuy nhiên trước tấm chân tình và sự tha thiết của Thiện, sau cùng Lan đã chấp nhận lời cầu hôn.

Cảnh đám cưới Thiện – Lan trong phim

Trong tiệc cưới, Lan nhận ra người bồi bưng khay rượu mừng chính là bạn của Tam ở cùng nhà. Sợ quá khứ bị lộ, hại đến thanh danh của Thiện và gia đình, nàng lén bỏ đi trong đêm và trú mưa trong một căn nhà hoang. Mưa lớn, chẳng may tường đổ đè người Lan, nàng ra đi ngay trước mắt chồng là Thiện, và em gái là Thủy, khi 2 người đang lo lắng đi tìm.

Phim kết thúc bằng cảnh một đêm mưa, Thủy thổn thức nhớ chị không sao ngủ được, Thiện đến an ủi, rồi cả hai nhìn ra cửa sổ nhìn cơn mưa tầm tã như nước mắt tủi hờn.

Trần Quang Tứ (vai Thiện) và Kim Xuân (vai Thủy)

Tài tử trong phim:

  • Kim Chung vai Ngọc Lan
  • Kim Xuân vai Ngọc Thủy
  • Trần Quang Tứ vai Thiện
  • Ngọc Toàn vai Nhạc
  • Tuấn Sửu vai Tam
  • Nhã Ái vai Mẹ Ngọc Lan
  • Tiền Phong vai Cha Thiện

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận