Những công trình kiến trúc trăm năm còn lại ở Sài Gòn – Kỳ 5: Những công trình của Foulhoux: Bưu Điện Sài Gòn, Tòa Án, Dinh Gia Long…

Những công trình/tòa nhà được xây từ hơn 100 năm trước ở Sài Gòn, hầu hết đã bị thay thế tháo dỡ. Những công trình nào còn lại cho đến nay thì đều rất quen thuộc với những người từng sống ở Sài Gòn, có thể kể đến Bưu Điện Sài Gòn, Dinh Gia Long, Tòa Pháp Đình (nay là Tòa Án trên đường NKKN), Tòa nhà Quan Thuế (được sửa lại từ nhà ông Wang Tai, đầu đường Hàm Nghi ngày nay), và một trong những tòa nhà xưa nhất vẫn còn lại cho đến nay của Sài Gòn là Dinh Thượng Thơ – nay là trụ sở của Sở Thông tin truyền thông trên đường Lý Tự Trọng, được xây dựng năm 1875.

Điểm chung của những tòa nhà/công trình kiến trúc được kể bên trên, đó là chúng đều là tác phẩm của một người, là tổng kiến trúc sư đầu tiên của thành phố Sài Gòn, ông Marie-Alfred Foulhoux (1840-1892). Có thể nói rằng ít có quan chức thuộc địa nào đã ghi dấu ấn đậm nét đối với kiến trúc đô thị Sài Gòn nhiều như Foulhoux.

Trong loạt bài viết về những công trình có tuổi đời trêm 100 năm ở Sài Gòn, ở bài này sẽ nhắc về những tòa nhà là tác phẩm của Foulhoux.

Marie-Alfred Foulhoux được sinh vào ngày 23 tháng 9 năm 1840, tại Mauzun thuộc tỉnh Puy-de-Dôme – vùng Auvergne-Rhône-Alpes miền trung nước Pháp. Ông học kiến ​​trúc tại École des Beaux-Arts ở Paris từ 1862 đến 1870, sau đó trở thành Kiến trúc sư tại Compagnie des Chemins de fer de Paris à Lyon et à la Méditerranée (PLM), một trong những công ty đường sắt tư nhân lớn nhất ở Pháp thời bấy giờ.

Năm 1874, ông đến Saigon làm việc, một năm sau đó được bổ nhiệm làm Giám đốc phụ trách xây dựng công trình công cộng. Năm 1879, sau khi chế độ dân sự đầu tiên ở Nam Kỳ được thành lập dưới thời Thống đốc Charles Le Myre de Vilers, Foulhoux được bổ nhiệm làm Tổng kiến ​​trúc sư, từ lúc này ông có thể chuyên tâm hoàn toàn vào những gì mà ông làm tốt nhất – đó là thiết kế các tòa nhà dân sự.

Với vai trò này, ông là tác giả của những công trình lớn của Sài Gòn, đã tồn tại bền bỉ với thời gian sau đây:

Hôtel de L’Interieur – Dinh Thượng Thơ

Công trình lớn đầu tiên ở Sài Gòn mà Foulhoux phụ trách là Dinh Thượng Thơ (Hôtel de L’Interieur).

Tòa nhà nằm ở góc đường Catinat – Grandière thời Pháp, thời VNCH đổi tên thành đường Tự Do – Gia Long, nay là Đồng Khởi – Lý Tự Trọng, lâu nay thường được gọi là Dinh Thượng Thơ, nay là trụ sở của Sở Thông tin – truyền thông.

Tòa nhà này từng là trung tâm quyền lực của toàn cõi Nam kỳ, chỉ xếp sau Dinh Thống Đốc. Vào năm 1864, chỉ 2 năm sau khi chiếm được Gia Định, người Pháp bắt tay vào quy hoạch, xây dựng thành phố Sài Gòn và xây dựng một trong những cơ quan hành chính đầu tiên của chính quyền ở thuộc địa, đó là Hôtel de la direction de l’intérieur (Nha giám đốc Nội vụ). Lúc này con đường trước trụ sở này chưa mang tên Grandière, mà còn tên là Gouveneur.

Nha giám đốc Nội vụ có vai trò điều hành trực tiếp của các thanh tra sự vụ bản xứ về toàn bộ vấn đề dân sự, tư pháp và tài chính của thuộc địa. Một thời gian sau, khi Sài Gòn bắt đầu đông đúc, tòa nhà trụ sở cũ của Nha Nội vụ trở nên nhỏ bé, vì vậy vào năm 1875, Giám đốc xây dựng công trình công cộng vừa mới được bổ nhiệm là Foulhoux đã được giao cho việc thiết kế, xây dựng một trụ sở mới, với tổng chi phí là 108.000 francs,

Công trình chính thức được hoàn thành năm 1881, với kiến trúc hình chữ U vẫn còn lại đến tận ngày nay, sau hơn 130 năm.

Đến năm 1888, chức năng của Nha giám đốc Nội vụ được nhập vào Thơ Ký Thống đốc Nam kỳ ở góc đường Catinat – d’Espagne (nay là Lê Thánh Tôn) sát bên Dinh xã Tây (Tòa Đô Chánh). Vào đầu thế kỷ 20, cơ quan này còn có tên là Văn phòng Chính phủ.

Bên trái là cổng của Dinh Thượng Thơ

Năm 1946, Dinh Thượng Thơ trở thành đinh Thủ hiến Nam Việt, rồi Tòa Đại biểu Nam phần.

Từ sau năm 1955, trụ sở cơ quan của bộ Nội vụ VNCH được chuyển sang đường Tự Do, ở bót Catinat cũ, còn tòa nhà Dinh Thượng Thơ trở thành trụ sở Bộ Kinh tế.

Trụ sở Bộ Kinh Tế của VNCH nhìn từ dường Tự Do – công viên Chi Lăng

Ngày nay, tòa nhà này nằm ở địa chỉ số 59-61 Lý Tự Trọng, trụ sở của Sở Thông Tin – Truyền Thông., và một phần của Sở Công Thương.

Dinh Thượng Thơ xưa và nay

Palais de Justice – Tòa Công Lý

Đây là công trình lớn thứ 2 mà Foulhoux phụ trách, khi ông đã nhậm chức Tổng Kiến trúc sư ở Nam kỳ. Với công trình này, Foulhoux chỉ phụ trách phần trang trí mỹ thuật, còn thiết kế phần công trình là kiến trúc sư Bourard.

Palais de Justice (Tòa Pháp Đình/Tòa Công Lý) mang phong cách tân cổ điển được xây dựng từ năm 1881 đến 1885, có 2 tầng với hành lang 2 bên và một tầng hầm, nằm ở góc đường Mac Mahon và la Grandiere (nay là NKKN và Lý Tự Trọng).

Cũng vì Tòa Công Lý nằm ở đường này nên sau năm 1955, con đường đi ngang qua được đặt tên là Công Lý, trước khi đổi lại thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa từ năm 1975. Điểm nổi bật của công trình này là các bức phù điều được kiến trúc sư Jules Bourard thực hiện (Jules Bourard cũng là người xây Nhà Thờ Đức Bà). Sau năm 1954, Tòa Công Lý trở thành Tòa Án Quốc Gia, sau năm 1975 là Tòa Án Thành Phố.

Tòa nhà này là trụ sở thứ 2 của Palais de Justice ở Sài Gòn, được xây dựng để thay thế cho một tòa nhà khác có quy mô nhỏ hơn đã được xây từ gần 20 năm trước đó, nhưng bị đập bỏ để nhường lại vị trí cho tòa nhà Dinh Thống Đốc (sau này là Dinh Gia Long) ở bên đường Grandière (sau này là đường Gia Long, nay là đường Lý Tự Trọng). Dinh Gia Long được xây năm 1885 trên phần nền cũ của trụ sở đầu tiên của Palais de Justice, và cũng là một tác phẩm khác của Foulhoux sẽ được nhắc đến cụ thể hơn ở bên dưới.

Vị trí của tòa nhà Palais de Justice mới nằm ngay bên cạnh trụ sở cũ, cùng ở góc ngã tư đường Grandiere và Mac Mahon (nay là Lý Tự Trọng – NKKN). Đối diện bên kia đường là Khám Lớn Sài Gòn (Maison Centrale de Saigon), là nhà giam lớn nhất Sài Gòn thời điểm đó, thuận tiện trong việc xét xử phạm nhân.

Mặt sau của tòa nhà

Sau này khi xây dựng Khám Chí Hòa thì Khám Lớn được đập bỏ, sau đó trở thành phần đất xây dựng trường đại học Văn Khoa, rồi sau đó nữa là tòa nhà Thư viện Khoa học tổng hợp.

Palais de Justice nhìn từ trên cao. bên trái là Maison Centrale (Khám Lớn)

Tòa nhà Palais de Justice có bố cục hình chữ U với 1 trệt và 1 lầu, mỗi tầng cao 6,2m. Mái lợp ngói với độ dốc lớn, kết cấu đỡ mái gồm khung thép và gỗ. Ngoài ra tòa nhà còn có tầng bán hầm để làm kho lưu trữ và phòng lưu phạm nhân trong quá trình xét xử.

Mặt bằng tòa nhà với 4 mặt đều có dãy hành lang chạy xung quanh để cách ly, che mưa che nắng, tạo không gian thoáng mát cho các phòng làm việc, đồng thời tạo không gian đi lại giữa nội bộ Tòa án và người ngoài liên hệ công việc. Các chi tiết hành lang, lan can, con triện, cầu thang gỗ, cột tròn Ionic vẫn thường thấy ở các công trình của Pháp xây dựng ở Sài Gòn.

Bố cục hình chữ U với khoảng sân phía trước làm cho công trình này không mang tính phô trương nhưng có sự uy nghiêm, tạo các không gian tiếp cận giữa các bộ phận được thuận lợi.

Kiến trúc bên trong của Palais de Justice không phải ai cũng được nhìn thấy, vì vậy diện mạo quen thuộc nhất của tòa nhà này đối với công chúng là vẻ bên ngoài, đặc biệt là phần cổng được thiết kế ấn tượng.

Cổng vào là một cổng sắt 4 cánh được nhập từ Pháp bằng thép đúc rất nặng, có thể mở vào trong hay ra ngoài linh hoạt bởi một trụ thép nằm giữa. Trên đầu trụ thép có đèn chiếu sáng cho lối vào ban đêm.

Hai bên cổng là hai trụ cột vuông mỗi cạnh 1m. Đập vào mắt là một đầu tượng nữ giới, tượng này thể hiện biểu tượng cuộc cách mạng 1789 của Pháp, đó là nàng Marianne.

Chúng ta vẫn thường thấy hình ảnh nàng Marianne xuất hiện trên mọi tài liệu, văn bản chính thức của Chính phủ Pháp, trên tem thư và các đồng tiền xu. Trên đầu tượng là hình một con nhân sư ngự trị có đôi cánh thể hiện sức mạnh của pháp luật có thể vươn tới bất cứ nơi đâu.

Đầu tượng được đặt trên một cuốn sách thể hiện một văn bản luật, một bộ luật, một kế ước xã hội đặt ra để quản lý con người và mọi hoạt động chi phối trong xã hội. Phía dười cuốn sách là các bông hoa, chi tiết hoa văn thể hiện những bàn tay nâng đỡ cuốn sách (bộ luật) ý nói con người viết nên những bộ luật để quản lý xã hội chứ không phải thần thánh.

Bên dưới nữa là tượng đầu con sư tử, chúng ta bắt gặp hầu hết trong các cơ quan công quyền của Pháp và châu Âu. Tượng đầu con sư tử với miệng sư tử bị xích lại ý nói quyền lực phải cần được kiểm soát. Dưới cùng là hệ thống họa tiết hoa văn trang trí trong đó có nổi bật hai chi tiết.

Bên ngoài trái là một thanh kiếm thể hiện công lý phải được thực thi. Đối xứng thanh kiếm là một cành cây thể hiện sự mềm dẻo trong việc ứng xử của pháp luật (pháp luật có tính khoan hồng).

Chi tiết còn lại là hàng chữ RF (Republic France – Cộng hòa Pháp). Tất cả các chi tiết đều đăng đối qua một trục thể hiện tính chính nghĩa, nghiêm minh.

Nổi bật nhất là hệ thống tượng phù điêu trên đỉnh mái đón lối vào tòa nhà hình tam giác với hệ thống các hoa văn, họa tiết, phù điêu.

Tiêu biểu là tượng thần công lý tay phải cầm kiếm, tay trái để lên cuốn sách luật (CODE – bộ luật). Tượng hai người ngồi hai bên trong đó người phụ nữ búi tóc cao, tay cầm nón thể hiện người phụ nữ Việt Nam với phong thái nhẹ nhàng, nữ tính. Tượng người đàn ông đầu đội khăn đóng với nét mặt nghiêm trang chăm chú thể hiện tính chính trực, thẳng thắn, nghiêm trang là những đức tính của người đàn ông.

Qua tác phẩm cụm tượng này tác giả muốn nói lên pháp luật ngoài tính nghiêm minh, cần có tính khoan hồng, ngoài việc vận dụng các quy định của pháp luật, trong xét xử cần phải có người dân tham gia.

Mặt sau của tòa nhà

Năm 1961, một phần mở rộng phía sau của Tòa Án được kiến ​​trúc sư Đỗ Bá Vinh thực hiện theo một thiết kế hài hòa hoàn hảo với công trình nguyên bản.

Công trình tiêu biểu thứ 3 mà ông Foulhoux phụ trách nằm ở góc đường Catinat và Amiral Dupré (nay là Đồng Khởi – Đông Du), như trong hình bên dưới, tiếc là nay đã không còn. Vị trí đó ngày nay là khách sạn 5 sao Sheraton.

Trong hình bên trên, có thể thấy rõ dòng chữ: Maison Fondee en 1885, dịch nghĩa là tòa nhà được xây dựng năm 1885. Đó chính là năm mà Foulhoux được giao xây dựng một tòa nhà dành cho Bureau des Traductions à la Direction de l’Intérieur de Saigon (sau đổi tên là Direction du Service local: Phòng Phiên Dịch Dinh Thượng Thơ Sài Gòn), cơ quan mà Paulus Huình Tịnh Của từng làm việc.

Từ đầu thế kỷ 20, tòa nhà này được tư nhân mua lại, trở thành một cửa hàng bách hóa chuyên bán hàng nhập dành cho nhà giàu. Từ thập niên 1960, tòa nhà này trở thành Trung tâm bách hóa tổng hợp nổi tiếng mang tên Saigon Departo.

Tòa Nhà Thuế Quan

Ở đầu đường Hàm Nghi ngày nay, án ngữ ngay bờ sông là một tòa nhà có tuổi đời hơn 100 năm, thường được gọi là Tòa nhà Thuế Quan, là cơ quan quản lý thuế suốt từ cuối thế kỷ 19 cho đến nay.

Tòa nhà này cũng có thể là một công trình của kiến trúc sư Foulhoux, vì ông là người đã thiết kế để nó có diện mạo giống như ngày nay, bằng việc sửa chữa nó vào năm 1887 từ một tòa nhà đã có sẵn. Vì vậy, lịch sử hình thành tòa nhà này có nhiều thông tin thú vị, nếu quay ngược thời gian về trước thời của Foulhoux khoảng vài chục năm.

Tòa nhà Wang Tai lúc đang được xây dựng ở bên cạnh cột cờ thủ ngữ bên bờ sông Sài Gòn (1867)

Tòa nhà này đã được xây dựng năm 1867, ban đầu mang tên Maison Wang-Tai, là tư dinh của Wang Tai, lớn hơn cả dinh Thống đốc thời đó. Ban đầu một phần của tòa nhà được cho người Pháp thuê làm văn phòng, sau đó thì bán lại cho chính quyền với giá 254,000 francs để làm tòa thị chính.

Tòa nhà của Wang Tai lúc xây dựng xong. Đây là trung tâm hành chính đầu tiên của Sài Gòn

Tòa nhà Wang Tai này có thể xem là trung tâm hành chính đầu tiên của Sài Gòn, vừa là cơ quan hành chính, có phòng Thương mãi, phòng Chứng khoán để cấp môn bài, chứng nhận giấy tờ mua bán bất động sản…

Có thể thấy diện mạo nguyên thủy của tòa nhà này khác với kiểu dáng mà chúng ta thấy hiện nay, vì gần như là đã bị đập hoàn toàn để xây lại ngay từ năm 1887 theo thiết kế của Foulhoux.

Đây là hình dáng ban đầu của tòa nhà Wang Tai

Ban đầu, ông Wang Tai và gia đình ở tại đây, nhưng phần lớn của tòa nhà là khách sạn mang tên là Cosmopolitan, là một trong những khách sạn đầu tiên của Sài Gòn. Bên trong khách sạn được ông Wang Tai cho thuê một phần làm văn phòng. Theo tư liệu ngân sách do chính phủ Pháp ở Sài Gòn in năm 1876, thời đó ông Wang Tai có 3 căn nhà cho chính quyền thuê lại, ngoài tòa nhà Maison Wang-Tai này còn có một căn ở đường rue de Canton (nay là đường Triệu Quang Phục) cho thuê làm văn phòng điện tín, và một căn khác ở Bình Tây làm bốt cảnh sát.

Tòa nhà Wang Tai năm 1870

Năm 1874, gia đình ông Wang Tai dọn ra khỏi Maison Wang-Tai, đến năm 1880 ông đề nghị bán lại tòa nhà này cho chính quyền với giá 225.000 francs. Theo bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp, chính quyền lúc đó đã xem xét kinh phí đang mướn và tiền quản lý bảo trì tòa nhà cùng số tiền đang còn nợ chưa trả, Hội đồng quản hạt đã đồng ý bỏ ra 254.000 francs để mua lại tòa nhà vào năm 1882.

Trong một cuốn sách xuất bản năm 1883, tác giả Antole Petiton đã có nhắc đến tòa nhà Wang Tai, lúc này là Tòa thị chính, như sau:

“Khi tàu đến cảng Sài Gòn, du khách có thể thấy 2 nhà nổi bậc là Cảng Nhà Rồng và nhà của ông Wang Tai ở khu vực rạch Bến Nghé và sông Sài Gòn.

Cả Sài Gòn ai cũng biết đến ông Wang Tai, nhà của ông có 3 tầng rất lớn với cột cửa vòng cong và mái hiên nằm ngay giữa trung tâm Sài Gòn. Đây cũng là Tòa thị chính thành phố Sài Gòn và là nơi ở của ông thị trưởng. Ông thị trưởng quả là người công chức được chu cấp chỗ ở tốt nhất”.

Sau khi mua lại tòa nhà này, chính quyền đã phải bỏ ra rất nhiều tiền để tu bổ lại. Cuối năm 1884, bản tường trình của kiến trúc sư A. Foulhoux cho biết tòa nhà được xây dựng không đủ chất lượng để có thể nâng cấp, sửa chữa. Vì vậy vị kiến trúc sư này đề nghị có phương án sửa chữa lại với chi phí dự trù là 30.000 piastres (tiền Đông Dương, 1 piastre tương đương khoảng 10 francs), hoặc phá bỏ hoàn toàn và xây lại với chi phí 75.000 piastres.

Tòa nhà Wang Tai sau khi đã sửa chữa lại năm 1887

Cuối cùng, hội đồng quản hạt biểu quyết thông qua ngân sách 37.000 piastres để sửa chữa. Chính ông Foulhoux là kiến trúc sư trưởng sửa chữa lại maison Wang Tai vào năm 1887 để trở thành tòa nhà Hôtel des douanes có kiểu dáng còn lại đến ngày nay sau hơn 130 năm.

Trụ sở Quan Thuế ở đầu đại lộ Hàm Nghi năm 1930, lúc này tòa nhà mang tên Hôtel des Douanes,

Tòa nhà Quan Thuế bên phải, vào thập niên 1960. Chính giữa là đại lộ Hàm Nghi

Palais du Lieutenant Gouverneur (Dinh Thống Đốc) – Dinh Gia Long

Công trình lớn tiếp theo, và là là công trình lớn nhất của Foulhoux tại Sài Gòn chính là Dinh Thống Đốc Nam Kỳ, khỏi công xây dựng năm 1885, hoàn thành năm 1890, thường được gọi bằng cái tên Dinh Phó Soái (vì nó dành cho phó Toàn quyền Đông Dương), sau này được chính quyền Quốc trưởng Bảo Đại đổi tên thành Dinh Gia Long.

Trong lịch sử hơn 130 năm tồn tại, Dinh Gia Long đã rất nhiều lần đổi chủ, được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Ban đầu nó được xây dựng với mục đích để làm Bảo Tàng Thương Mại, trưng bày sản phẩm của người bản xứ, nhưng khi chưa được sử dụng đúng công năng được một ngày nào thì đã được các Thống đốc Nam kỳ, sau đó là Phó toàn quyền Đông Dương sử dụng.

Từ sau đó cho đến gần 100 năm sau, Dinh Gia Long chủ yếu là một cơ sở chính quyền phục vụ chính trị, cho đến tận năm 1978 thì mới được trở lại với công năng của ban đầu xây dựng, đó là một bảo tàng triển lãm (museum).

Vì có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng cái tên quen thuộc nhất của dinh này vẫn là Dinh Gia Long, được cựu hoàng Bảo Đại đặt tên từ năm 1952, khi đó Bảo Đại đang là quốc trưởng của quốc gia Việt Nam. Vì vậy, trong bài viết này xin gọi chung tòa nhà này là Dinh Gia Long, trong mọi thời kỳ.

Tòa nhà có diện tích mặt bằng rộng hơn 1.700 m², gồm hai tầng với một tòa nhà chính và hai dãy nhà ngang, thiết kế theo phong cách cổ điển – phục hưng, kết hợp Âu – Á.

Mặt tiền tòa nhà được trang trí bằng rất nhiều tác phẩm điêu khắc tinh xảo. Ngay phần chóp trên mái tam giác ở mặt phía trước được trang trí bằng một tượng đầu người nghiêm trang. Hai bên trang trí bằng các họa tiết đắp nổi như cành dương liễu, tràng hoa lá bao xung quanh, rắn khoanh tròn…

Nhiều họa tiết đắp nổi khác là sự kết hợp giữa các biểu tượng thần thoại Hy Lạp và hình tượng cây cỏ và thú vật vùng nhiệt đới.

Nội thất của dinh thự rất tráng lệ với những chùm đèn pha lê, hốc tranh tường, các trụ cột, gờ trần phong cách cổ điển sang trọng.

Giữa sảnh chính của tòa nhà là một cầu thang gỗ uốn cong về hai bên để dẫn lên tầng hai.

Năm 1887, khi tòa nhà đang xây dựng dang dở thì Liên bang Đông Dương được thành lập, lấy Hà Nội làm thủ đô. Lúc này vì Hà Nội vẫn chưa xây Dinh toàn quyền Đông Dương (đến tận năm 1906 mới xây dựng xong, nay là Phủ chủ tịch nước), nên ông toàn quyền Đông Dương nhiệm kỳ đầu tiên là Ernest Constans đã sử dụng Dinh thống đốc Nam kỳ ở Sài Gòn (tức dinh Norodom, nay là dinh Độc Lập) để làm trụ sở làm việc. Vì vậy ông Thống đốc Nam kỳ (là chức vụ đã có từ năm 1879) lúc đó là Henri Éloi Danel phải nhường lại dinh Norodom để chuyển sang sử dụng Dinh Gia Long khi nó được xây dựng xong năm 1890.

Kể từ năm 1888, chức vụ Thống đốc Nam Kỳ bị bãi bỏ, thay bằng chức Phó toàn quyền Đông Dương, nên kể từ sau đó Dinh Gia Long được sử dụng hẳn làm dinh Phó Toàn quyền, thường được dân chúng gọi là dinh Phó soái.

(Thực ra chức vụ Phó toàn quyền Đông Dương này quyền hạn cũng không khác gì chức vụ Thống đốc Nam kỳ cũ, nên trong nhiều văn bản, người ta thường ghi lẫn lộn 2 chức vụ này với nhau).

Đến năm 1906, phủ toàn quyền được xây xong ở Hà Nội, toàn quyền Đông Dương rời dinh Norodom để di chuyển ra Bắc làm việc, nhưng các Phó toàn quyền vẫn tiếp tục sử dụng Dinh Gia Long, còn Dinh Norodom trở thành nơi làm việc của ᴄáᴄ ᴄơ qᴜan thᴜộᴄ Phủ Tᴏàn qᴜyền (ᴄơ qᴜan liên banɡ) đặᴄ tɾáᴄh ở Nam Kỳ.

Sau ông Henri Éloi Danel, các Phó toàn quyền người Pháp thay nhau tiếp tục làm chủ Dinh Gia Long. Từ năm 1892 đến năm 1911, đã có thêm tất cả 14 vị Phó toàn quyền khác (trong số 14 vị này có một số vị đảm nhiệm chức vụ này 2 hay 3 lần) cư ngụ trong Dinh.

Năm 1912, chính quyền thuộc địa lại bãi bỏ chức vụ Phó toàn quyền, quay trở lại sử dụng chức danh Thống đốc Nam kỳ.

Từ 1912 cho đến ngày 9/3/1945 đã có thêm tất cả 16 vị Thống đốc Nam kỳ sống và làm việc trong Dinh Gia Long.

Do được xây làm Bảo tàng Thương mại nên ban đầu ở hai bên cửa chính tòa nhà có hai cột trụ trang trí bằng hai tượng nữ thần Thương nghiệp và Công nghiệp. Năm 1943, Thống đốc Nam Kỳ Ernest Thimothée Hoeffel cho phá bỏ hai tượng này để xây dựng một mái hiên.

Trước đó, từ năm 1905, cựu Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã viết trong hồi ký:

Dinh Thống đốc Nam Kỳ được xây dựng với mục đích làm bảo tàng. Như thường thấy, Dinh này hẳn là đáp ứng khá kém với mục đích ban đầu; trái lại, nó đáp ứng mục đích làm dinh thự cho một quan chức cấp cao và văn phòng của ông ta đẹp hơn bất kỳ một nơi nào khác. Đó sẽ là một tòa dinh thự đẹp với những nét độc đáo nếu ai đó không nảy ra cái ý tưởng kỳ lạ tô điểm mặt tiền bằng những pho tượng giả đá to lớn và dị dạng.

Năm 1945, dinh Thống đốc nhiều lần đổi chủ. Sau khi quân Nhật nắm quyền tại Đông Dương, vị thống đốc người Nhật là Yoshio Minoda sử dụng tòa nhà làm dinh thự.

Vua Khải Định ghé Sài Gòn thăm Thống đốc Sài Gòn tại dinh Phó soái trong lần đi dự Hội chợ thuộc địa Marseille

Ngày 14 tháng 8 năm 1946, người Nhật giao lại dinh thự cho chính quyền Trần Trọng Kim của Đế quốc Việt Nam để làm dinh Khâm sai Đại thần Nam Bộ Nguyễn Văn Sâm.

Đến ngày 25/8/1946, Việt Minh giành được chính quyền, dinh lại trở thành trụ sở Ủy ban Hành chánh Lâm thời Nam bộ, gọi tắt là Lâm ủy Nam Bộ, rồi của Ủy ban Nhân dân Nam Bộ.

Ngày 10/9/1946, Trung tá B. W Roe (phái bộ quân sự Anh) chiếm dinh làm trụ sở Phái bộ Đồng minh, buộc Ủy ban Nhân dân Nam Bộ phải dời về dinh Đốc lý.

Mặt sau dinh phó soái

Đến ngày 5/10/1946, dinh được tướng Leclerc dùng làm Phủ Cao ủy Cộng hòa Pháp tạm thời. Sau khi Cao ủy Cộng hòa Pháp tại Đông Dương là Đô đốc Georges Thierry d’Argenlieu chọn dinh Norodom làm Phủ Cao ủy, thì dinh lại trở thành nơi làm việc của tướng Leclerc, nhưng lần này với danh nghĩa chính thức là trụ sở của Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Nam Việt Nam.

Toàn cảnh khu vực Dinh Gia Long. Ngay chính giữa hình là Tòa Pháp Đình (nay là Tòa Án trên đường NKKN). Góc trên bên phải là Dinh Norodom (dinh Độc Lập). Dinh Gia Long nằm gần bên dưới Tòa Pháp Đình

Sau khi tái chiếm Đông Dương, ngày 23 tháng 5 năm 1947, chính quyền Pháp đã bàn giao dinh cho Thủ tướng Lê Văn Hoạch để làm trụ sở chính phủ Nam kỳ quốc. Ngày 2 tháng 6 năm 1948, chính phủ lâm thời Quốc gia Việt Nam của quốc trưởng Bảo Đại được thành lập và dinh được sau đó chuyển thành dinh Tổng trấn, (sau đổi thành Thủ hiến) Nam phần dưới quyền sử dụng của Thủ hiến Trần Văn Hữu.

Dinh Gia Long thời Quốc trưởng Bảo Đại (quốc gia Việt Nam) năm 1950

Thời thủ tướng Nguyễn Văn Tâm của chính phủ Quốc Gia Việt Nam (nhiệm kỳ 1952-1953), ông từng sử dụng Dinh thự này.

Gia đình thủ tướng Nguyễn Văn Tâm và dinh Gia Long

Đây cũng là thời điểm quốc trưởng Bảo Đại đặt tên cho dinh này là dinh Gia Long, và con đường đi ngang qua dinh thự này mang tên Lagrandiere cũng được Bảo Đại đặt tên là Gia Long (là niên hiệu của vị vua khai sinh ra triều Nguyễn). Điều này khác với lầm tưởng của nhiều người, cho rằng tên đường Gia Long chỉ được đặt sau năm 1955, thời VNCH. Tuy nhiên, thực ra là từ đầu thập niên 1952, chính quyền Quốc Gia Việt Nam của quốc trưởng Bảo Đại đã bắt đầu “Việt hóa” nhiều tên đường Sài Gòn. Ngoài đường Gia Long còn có đường Trưng Nữ Vương (là một đoạn của đường Hai Bà Trưng hiện nay), Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Lê Lợi…

Bản đồ Sài Gòn 1952 có tên đường Gia Long, xuất hiện bên cạnh tên đường cũ là Lagrandiere

Sau Hiệp định Genève năm 1954, tổng thống Ngô Đình Diệm về Sài Gòn nhận chức thủ tướng. Vì dinh Norodom còn do Cao ủy Pháp là tướng Paul Ely đang sử dụng, nên dinh trở thành dinh Thủ tướng tạm thời từ ngày 26 tháng 6 đến ngày 7 tháng 9 năm 1954.

Từ năm 1955, thủ tướng Ngô Đình Diệm trở thành tổng thống, ông dùng tòa nhà này làm dinh Quốc khách. Ngày 27 tháng 2 năm 1962, dinh Độc Lập bị hư hại, Ngô Đình Diệm dời phủ tổng thống sang đây làm nơi ở và làm việc đến ngày bị lật đổ vào tháng 11 năm 1963.

Thời gian ở đây, ông Ngô Đình Diệm đã giao cho KTS Ngô Viết Thụ thiết kế một căn hầm đặc biệt để trú ẩn. Hầm được đào sâu xuống đất 4m, đúc bằng ximăng cốt thép (170 kg sắt trên một m3 bêtông), có tường dày đến một mét.

Bà Trần Lệ Xuân bên trong dinh Gia Long

Biến cố ngày 1/11/1963, Dinh Gia Long cũng là một mục tiêu bị tấn công và hư hại nghiêm trọng:

Dinh Gia Long sau khi vừa được sửa lại sau biến cố 1963

Trong thời gian 1964–1965, dinh được dùng làm dinh Quốc trưởng. Ngày 31 tháng 10 năm 1966, khi dinh Độc Lập mới (theo đồ án của Ngô Viết Thụ) được xây lại xong, Dinh Gia Long có lúc được sử dụng là nơi làm việc của thủ tướng hoặc phó tổng thống, trước khi được là trụ sở chính thức của Tối cao Pháp viện cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Sau 1975, tòa nhà tạm thời không dùng cho mục đích cụ thể nào. Ngày 12 tháng 8 năm 1978, Ủy ban Nhân dân TpHCM đã quyết định sử dụng tòa nhà này làm Bảo tàng Cách mạng, đến ngày 13 tháng 12 năm 1999 thì đổi tên thành Bảo tàng TpHCM như hiện nay.

Như vậy, sau gần 100 năm xây dựng, Dinh Gia Long mới trở lại được (gần) đúng với công năng ban đầu của nó. Dự định là trở thành một bảo tàng, đúng hơn là nơi để triển lãm sản phẩm, qua thời gian dài trở thành trụ sở chính quyền, cuối cùng đã trở thành một viện bảo tàng lịch sử.

Một số hình ảnh khác của Dinh Gia Long theo từng thời kỳ:

Trước thập niên 1950:

Thời VNCH:

Từ công viên Bách Tùng Diệp nhìn sang Dinh Gia Long

Hôtel des postes – Bưu Điện Trung Tâm Sài Gòn

Công trình tiêu biểu sau cùng của Foulhoux chính là Bưu Điện trung Tâm Sài Gòn, được xây dựng từ năm 1886 đến 1891, nằm ở ngay đối diện Nhà Thờ Đức Bà, là địa điểm mà không du khách nào không ghé thăm khi tới Sài Gòn. Tuy nhiên, một điều đáng tiếc là nhiều hướng dẫn viên du lịch, vì học kiến thức trên mạng nên đã thuyết minh nhầm lẫn rằng tòa nhà này là tác phẩm của Gustave Eiffel, xuất phát từ thông tin sai đăng trên wikipedia. Một số bài viết trên các trang mạng cũng trích dẫn từ đó mà không tìm hiểu kỹ nên đã đăng thông tin sai.

Có thể nói tòa nhà Bưu Điện Sài Gòn là một trong số ít những công trình có tuổi hơn 100 năm vẫn còn tồn tại gần như nguyên vẹn đến ngày nay, nếu xét về mặt kiến trúc tổng thể.

Chỉ một năm sau khi Bưu Điện Sài Gòn được hoàn thành (1891) thì kiến trúc sư Foulhoux qua đời (1892), ông được an táng tại nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi. Vì vậy đây là công trình cuối cùng của kiến trúc sư tài ba này.

Phần mộ của kiến trúc sư Foulhoux ở nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi (khu vực này ngày nay là công viên Lê Văn Tám)

Đây là công trình kiến trúc kết hợp giữa 2 nền văn hóa Đông – Tây, được trang trí đường nét đặc trưng của tân baroque xen kẽ họa tiết truyền thống của phương Đông.

Đặc biệt là phần mặt tiền của Bưu điện được trang trí những bảng tên những danh nhân, những nhà khoa học thế giới, trong đó đa số là có công trong lĩnh vực điện tín, viễn thông và năng lượng. Một trong số đó vẫn còn sống  thời điểm bưu điện được xây dựng.

Nội thất bên trong bưu điện được thiết kế nhiều vật liệu bằng sắt, vì vậy trong nhiều tấm bưu thiếp xưa đã ghi nhầm đây là một nhà ga xe lửa:

Đến nay, tòa nhà này đã hơn 130 năm tuổi, nằm bên cạnh Nhà Thờ được xây dựng trước đó 10 năm (1880). Vì vậy vẻ đẹp cổ điển của bưu điện Sài Gòn càng được tôn lên vì trước mặt nó là một công trình lộng lẫy, bề thế, với tháp chuông cao vút.

Màu sắc nguyên thủy của tòa nhà là màu vàng đất nhạt, kết hợp với những đường gờ và phù điêu màu trắng cùng các ô cửa lá sách màu xanh lá. Màu sắc và kiến trúc của công trình hòa hợp với cảnh quan xung quanh, tạo thành một điểm nhấn trong không gian đô thị.

Nội thất không gian giao dịch tòa Bưu điện Trung tâm gây ấn tượng với những hàng cột thép trang trí chi tiết tinh xảo cùng hệ vòm mái khung thép. Hệ vòm mái này tạo nên những ô cửa sổ lấy sáng ở đỉnh tường trên cao và từ mái. Đặc biệt, ở đây còn lưu giữ hai tấm bản đồ lịch sử là Saigon et ses environs, 1892 (Sài Gòn và vùng phụ cận, 1892) và Lignes télégraphiques du Sud Vietnam et du Cambodge, 1936 (Bản đồ đường dây điện tín của miền Nam Việt Nam và Campuchia, 1936).

Những hình ảnh khác của Bưu Điện Sài Gòn xưa:

Bưu điện Sài Gòn mùa dịch 2021

Đông Kha – chuyenxua.net

Những công trình kiến trúc trăm năm còn lại ở Sài Gòn – Kỳ 4: Continental Palace và Majestic Hotel – Những khách sạn trăm năm

Continental Palace là khách sạn lâu đời nhất vẫn còn lại đến ngày nay ở Sài Gòn. Thời điểm được xây dựng cách đây 140 năm, Continental Palace là khách sạn sang trọng và mang vẻ đẹp kỳ vĩ nhất từng có ở xứ Đông Dương. Không những vậy, kiến trúc của nó còn mang vẻ đẹp vượt thời gian, đến nay vẫn là một trong những khách sạn hạng sang của Sài Gòn.

Bên cạnh Continental Palace, còn có một khách sạn sang trọng khác có tuổi đời 100 năm, đó là Majectic Hotel, nằm ở bến Bạch Đằng, ngay đầu của con đường đắt đỏ nhất Sài Gòn xưa và nay.

Trong loạt bài viết về những công trình trên 100 năm của Sài Gòn, mời các bạn xem lại hình ảnh xưa, tìm hiểu lịch sử hình thành của 2 khách sạn Continental Palace và Majestic Hotel.

Một điều đặc biệt, là cả 2 khách sạn sang trọng này đều từng dưới quyền điều hành của một người Pháp tên là Mathieu Franchini.

Continental Palace

Từ những năm cuối thế kỷ 19, Sài Gòn như là một đại công trường với hàng loạt công trình quy mô lớn được xây dựng, hoặc sắp sửa được xây dựng, trong đó có khách sạn hạng sang mang tên Continental Palace.

Trong loạt công trình kiến trúc nổi tiếng được xây dựng vào thời kỳ này và vẫn còn lại cho đến nay ở Sài Gòn, Continental Palace là công trình được xây dựng rất sớm (năm 1878), cùng thời điểm với Nhà Thờ Đức Bà (1877), và sớm hơn nhiều nếu so với Tòa Án Sài Gòn (1881), Dinh Gia Long (1885), Bưu Điện Trung Tâm (1886), Saigon Opera House (1897), Dinh Xã Tây (1898)…

Năm 1878, một khách sạn quy mô và hoành tráng mang tên Continental Palace được mọc lên tại một vị trí đắt giá: Nằm giữa bến cảng và Nhà Thờ, thông qua con đường Catinat vốn là trục đường trung tâm huyết mạch bấy giờ, bắt đầu từ ngọn đồi cao nhất đi xuống phía bờ sông.

Đường Catinat và khách sạn Continental. Trong ảnh này có trụ cấp điện cho tàu điện chạy tuyến Sài Gòn đi Gò Vấp

Đây là công trình thuộc sở hữu của Pierre Cazeau, một nhà sản xuất vật liệu xây dựng, nhằm đón những khách hàng nhà giàu bên Pháp và phương Tây, là những người cần có nơi dừng chân sau cuộc hành trình dài cả tháng bằng đường biển từ Âu châu, trước khi tiếp tục du ngoạn hay thám hiểm phương Đông.

Continental Palace được hoàn thành vào giữa năm 1880, gần như cùng lúc với nhà thờ Đức Bà. Cả hai công trình này trở thành huyền thoại ngự trị trên rất nhiều bưu thiếp xưa về Sài Gòn, vì vậy đã trở thành những biểu tượng phi chính thức của thành phố này.

Sau đó gần 20 năm, tại vị trí đối diện với khách sạn nếu nhìn về hướng bờ sông, một công trình quy mô khác được mọc lên, đó là Opera House – nhà hát lớn, càng làm cho khách sạn gia tăng giá trị một cách đáng kể, vì hiếm có địa điểm nào ở Sài Gòn lúc đó có góc nhìn đẹp được như vậy.

Cũng trong thời gian này, có nhiều công trình nổi tiếng khác đã được xây dựng, ngoài Nhà Thờ Đức Bà (xây từ năm 1877) và Opera House (xây từ năm 1898) còn có Bưu điện thành phố (xây từ năm 1886) và Tòa thị chính (xây từ năm 1898), đều là những công trình đã trở thành biểu tượng và còn tồn tại đến tận ngày nay, tất cả cùng tạo nên một diện mạo đẹp và sang trọng cho thành phố được mệnh danh Hòn ngọc viễn đông.

Kiến trúc và nội thất của Continental Palace được xây dựng và bài trí theo tiêu chuẩn của một khách sạn hạng sang tại Paris, tạo cảm giác quen thuộc cho du khách Âu châu khi đến Đông Dương.

Sau hơn 140 năm, diện mạo kiến trúc của khách sạn Continental Palace đến nay vẫn được giữ gần như nguyên vẹn. Dù có độ cao khiêm tốn chỉ với một tầng trệt và ba tầng lầu, khách sạn này vẫn nổi bật giữa trung tâm thành phố với mái lợp ngói, tường gạch dày cùng những ô cửa sổ duyên dáng.

Khuôn viên khách sạn được thiết kế dạng hình chữ nhật. Ở trung tâm là một khu vườn rộng lớn, những dãy phòng bên trong đều quay mặt về khoảng sân này. Ở giữa sân, những cây hoa sứ cổ thụ được trồng từ năm 1880 vẫn xanh tốt và khoe sắc đến tận ngày nay. Những đặc điểm này tạo ra một cảm giác yên bình và tĩnh lặng hiếm có giữa trung tâm Sài Gòn.

Nhà hàng bên trong khách sạn năm 1912

Continental Palace không chỉ là khách sạn, bên trong nó còn có nhà hàng hạng sang do đầu bếp đến từ Pháp đảm nhiệm.

Trong các hình ảnh xưa, dễ bắt gặp hình ảnh cafe vỉa hè ngay dưới mái hiên của Continental Palace. Quán cafe này nằm ngay đối diện với cafe Givral ở bên kia đường (tầng trệt Eden), nằm bên hông của Opera House.

Từ giữa thập niên 1950 đến năm 1975, Opera House là trụ sở của Quốc Hội, nên các quán cafe này luôn là nơi gặp gỡ của truyền thông báo chí, và cả những điệp viên của nhiều bên đến thăm dò tin tức.

Năm 1911, công tước Ferdinand de Montpensier (cháu nội của vua Louis-Philippe I của Pháp) quyết định mua lại khách sạn này 3 năm sau khi ông lần đầu trú ngụ tại đây trong một chuyến đi vượt rừng đường xa từ Sài Gòn đến Angkor. Cũng vào dịp này, Montpensier đã mang xe hơi vào Sài Gòn, và đây chính là một trong những chiếc đầu tiên ở Việt Nam.

Năm 1908, xuất phát từ Continental, xe hơi của Montpensier lên đường đi Angkor, một chuyến đi đầy gian nan vì đường sá lúc đó chưa được làm cho xe hơi chạy. Ông ở lại Việt Nam một thời gian và đi du lịch khắp nơi. Tại Phan Thiết, ông đã xây một biệt thự trên ngọn đồi, nơi có thể vừa nhìn ra phía biển, vừa nhìn về lại Phan Thiết. Căn biệt thự này được người địa phương gọi là “lầu ông hoàng”, là nơi hẹn hò của Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm sau này. Thuở đó vùng này chưa có điện, nhưng căn biệt thự của Montpensier lúc nào cũng sáng trưng nhờ máy phát điện chạy diesel.

Hình ảnh được cho là lầu Ông Hoàng ở Phan Thiết

Năm 1930, công tước Montpensier bán Continental Palace lại cho ông Mathieu Franchini – một thương gia người Pháp gốc đảo Corse có giao thiệp rộng. Ông là con rể của Đốc phủ Lê Văn Mầu, là người đứng đầu quận Chợ Gạo của Mỹ Tho, đồng thời cũng là chủ của cù lao Năm Thôn (sau này gọi là cù lao Ngũ Hiệp). Ông Lê Văn Mầu gả con gái là Lê Thị Trọng cho Francini, một số thông tin cho rằng chính ông Lê Văn Mầu mới là người mua lại Continental Palace để làm “của hồi môn”. Ngoài ra, còn có nơi nói rằng Mathieu Franchini xuất thân từ một tầng lớp bị khinh rẻ, rồi sau đó dính dáng nhiều đến giới giang hồ, tuy nhiên đó là những thông tin không được xác thực nhằm miệt thị nhà tư sản Pháp này.

Nhà nghiên cứu Phạm Công Luận đã cất công đi tìm hiểu về những thông tin trên, và đã liên lạc được với con của 2 ông bà Mathieu Franchini và Lê Thị Trọng, tên là Philippe Franchini, và nhận được phản hồi về khoản tiền mua khách sạn như sau:

“Cha tôi mua Continental với số tiền 155.000 đồng Đông Dương (piastres) thông qua một cuộc đấu giá, lúc đó ông đang là đại lý của hãng CIE General Motors (chuyên sản xuất xe Chevrolet, Pontiac, Cadillac…). Đây là một khoản tiền trả góp khá lớn, trong đó bao gồm chi phí cho những hãng mục cần sửa chữa. Ông ngoại tôi – Đốc phủ Lê Văn Mầu, đã giúp đỡ cha tôi một khoản vay mà sau đó cha tôi đã trả hết khi khách sạn hoạt động trở lại”.

Sau này, trong cuốn sách mang tên Continental Saigon phát hành năm 1976 ở Paris, Philippe kể rằng khi cha của ông mới mua Coninental, một người bạn đã thốt lên rằng: “Mathieu, anh vừa mới tậu được lịch sử của Sài Gòn đấy”. Thời điểm đó, Continental Palace đã tồn tại được hơn nửa thế kỷ, xứng đáng là một phần lịch sử Sài Gòn.

Philippe còn kể về việc sửa chữa và trang trí lại khách sạn sau khi cha của ông mua lại nó:

“Chính Albertini, một tay trang hoàng người Corse, đảm trách công việc này. Gian phòng thông hàng hiên được chuyển đổi thành một nhà hàng cà phê lớn tiện nghi và thanh lịch.

Những chiếc cột hình trụ và những bức tường phủ lưới gỗ đan chéo nhau được sơn xanh lá cây, trần nhà được thắp sáng bằng một loại chiếu sáng muôn màu được rọi từ những chiếc đèn áp tường miệng loe; bao dọc theo gian phòng, một hàng rào thấp bằng cây xanh – những ổ muỗi thực sự – mang đến cho không gian chung một góc cạnh thôn dã.

Người ta đã có thể nghĩ rằng mình đang ở bên bờ sông Marne hoặc trong những nhà hàng vùng gần Paris, nếu như những chiếc quạt điện với những cánh lớn treo trên trần, với bao ghế trắng phủ lên những chiếc ghế bành hoặc thậm chí cả những con bọ chét tấn công bạn đã không đặt một nốt nhấn ngoại lai của chúng ở đây.

Hàng hiên nơi cha tôi ăn tối – một chiếc bàn dành cho ông ở gần lối vào, ở đó ông có thể giám sát thế giới của mình, nhân viên và khách hàng – là một góc thanh lịch và độc đáo. Góc này mở rộng ra quang cảnh đường Catinat, nhộn nhịp cho đến giờ tàn của đêm”.

Năm 1951, Mathieu cũng mua lại quyền kinh doanh của một khách sạn hạng sang khác là Majestic từ chủ sở hữu lúc đó là Sở du lịch và triển lãm Đông Dương. Việc này sẽ nhắc đến với phần sau.

Ông Mathieu Franchini quản lý 2 khách sạn đến năm 1964 thì quyết định rời Việt Nam, dẫn con về lại Pháp. Lúc đó vợ ông đã không còn vì bạo bệnh. Lý do chính của sự ra đi này là vì sức khỏe, ông ủy quyền việc quản lý Continental lại cho một công ty quản lý Pháp.

Sau đó, vì một số khó khăn trong việc kinh doanh, người quản lý đề nghị bán khách sạn, như Mathieu từ chối. Philippe nói rằng cha của ông không thể bán, vì điều đó giống như mang đi đấu giá cả một phần cuộc đời. Thay vào đó Mathieu vẫn điều hành qua thư từ.

Khi nhận được thư của những nhân viên người Việt tại khách sạn than phiền về người quản lý, Mathieu lo lắng và đề nghị con trai mình về lại Sài Gòn để trực tiếp quản lý. Khi đó, Philippe Franchini – một chàng thanh niên trẻ tuổi, đã về lại quê mẹ của mình, nắm quyền quản lý khách sạn sang trọng đó trong một thời kỳ mới rất khó khăn. Đó là năm 1965, lính Mỹ tràn ngập Sài Gòn, thành đô này ngày càng xảy ra nhiều biến cố hính trị, và Philippe phải chèo lái Continental tiếp tục tồn tại trước sự canh tranh của nhiều khách sạn hạng sang khác, trong đó có tên tuổi mới nổi là Caravelle Hotel nằm ngay đối diện.

Đến năm 1975, Continental Palace bị “quốc hữu hóa”, Philippe Franchini trở về Pháp, trở thành sử gia và viết hơn 10 cuốn sách về Việt Nam, trong đó cuốn sách Continental Saigon được in năm 1976 tại Paris.

Continental về đêm – thập niên 60

Những vị khách nổi tiếng từng ở tại Continental Palace:

Khách sạn hạng sang này từng đón tiếp nhiều chính khách, văn nghệ sĩ, người nổi tiếng của thế giới đến thăm và lưu trú. Nổi tiếng nhất trong số đó là nhà thơ Ấn Độ Rabindranath Tagore – giải Nobel Văn chương năm 1913. Nhà văn người Anh Graham Greene cũng đã đến đây năm 1951 trong thời gian ông viết cuốn tiểu thuyết nổi tiếng The Quiet American – “Người Mỹ trầm lặng”.

Khi “Người Mỹ trầm lặng” được chuyển thể thành phim năm 1956, Continental Palace trở thành một trong những bối cảnh chính của phim. Đến năm 1992, khách sạn này càng thêm nổi tiếng thế giới khi xuất hiện trong một số cảnh quay chính trong phim Indochine, là phim điện ảnh được trao giải Quả Cầu Vàng và Phim tiếng nước ngoài xuất sắc nhất Oscar năm 1993. Năm 2002, khi phim Người Mỹ Trầm Lặng được Hollywood làm lại, Continental Palace tiếp tục được lên màn ảnh rộng khắp nơi trên thế giới.

Ông Jacques Chirac – tổng thống Pháp thứ 22 của Pháp, khi còn là thị trưởng Paris cũng từng đến Sài Gòn và ở tại Continental Palace.

Sau đây là những hình ảnh Continental Palace qua thời gian:

Hình trước thập niên 1950:

Continental năm 1900, lúc chưa có Opera House

Khách sạn Continental thời Pháp thuộc. Trong hình này có cổng chào đón Thống chế Joffre (Tổng tham mưu trưởng Quân đội Pháp từ 1914 đến 1916) đến Saigon, do KS Continental Palace thực hiện trên đường Catinat

Bên trái của hình này là khu vực Eden lúc chưa xây

Hình thập niên 1940, lúc đang xây dãy nhà Eden nổi tiếng

Hình sau thập niên 1950 theo thời gian:

Continental năm 1965

Có thời gian chính quyền bắt buộc các cơ sở kinh donh đặt tên tiếng Việt, vì vậy bên cạnh tên Continencal Pa;ace, khách sạn còn mang tên Đại Lục Lữ Quán như trong hình này

Continental lúc mang tên Đại Lục Lữ Quán

Hàng hiên của Continental Palace

Một số hình ảnh Continental Palace, mặt phía bên đường Catinat – Tự Do:

Hình sau năm 1975:

Continental Palace hiện nay

Majestic Hotel

Khách sạn Majestic ở đầu đường Đồng Khởi ngày nay (xưa là đường Catinat và Tự Do) có tuổi đời gần 100 năm, là một trong 2 khách sạn hạng sang đầu tiên của Sài Gòn, chỉ đứng sau Continental Palace.

Đến nay, hầu hết các báo chí đều nói rằng chủ sở hữu đầu tiên của khách sạn Majestic là Chú Hỏa, tức ông Hứa Bổn Hòa/Huỳnh Văn Hoa (Hui Bon Hoa). Điều này thiếu chính xác, vì chú Hỏa đã qua đời từ năm 1901, rồi hơn 20 năm sau đó thì mới có Majestic. Chính xác hơn, chủ đầu tư của khách sạn này là những người con của chú Hỏa, những người lãnh đạo của công ty anh em Hui Bon Hoa sau khi chú Hỏa qua đời, đó là Huỳnh Trọng Huấn (Tang Huon Hui Bon Hoa), Huỳnh Trọng Tán (Thang Chanh Hui Bon Hoa), Huỳnh Trọng Bình (Thang Phien Hui Ban Hoa). Sau này, khi nhắc đến Chú Hỏa hoặc những người con của ông, báo chí Pháp ngữ chỉ nhắc đến họ của gia tộc là Hui Bon Hoa, vì vậy nhiều người nhầm tưởng đó là chú Hỏa – ông Huỳnh Văn Hoa.

Ở vị trí đầu đường Catinat, khi chưa có Majestic thì đây là khách sạn Hôtel d’Annam (Nam Việt Khách Lầu) của ông Huỳnh Huệ Ký. Khách sạn này tồn tại đến năm 1925 thì công ty Hui Bon Hoa mua lại mảnh đất này để xây dựng khách sạn cao cấp có 44 phòng dựa theo thiết kế art-nouveau thường thấy ở vùng biển Riviera miền Nam nước Pháp.

Ban đầu, khách sạn chỉ có 5 tầng và một quầy bar trên sân thượng, do công ty bất động sản Hui Bon Hoa làm chủ đầu tư.

Majestic được xây trước “nhà chú Hỏa” (trên đường rue d’Alsace-Lorraine, nay là Phó Đức Chính) chỉ vài năm.  Ít người biết rằng “nhà chú Hỏa” và khách sạn Majestic do cùng một người thiết kế là kiến trúc sư người Tây Ban Nha tên Rivera.

Nhà Chú Hỏa là căn biệt thự hoành tráng nay là bảo tàng Mỹ Thuật, có thể thấy rằng nó có kiến trúc tương đồng với khách sạn Majestic phiên bản nguyên thủy khi chưa được sửa chữa.

“nhà chú Hỏa” được xây cuối thập niên 1920

Thời đế quốc Nhật Bản chiếm đóng Đông Dương năm 1945, khách sạn Majestic được trưng dụng thành một trại lính Nhật. Sau khi Pháp tái chiếm Đông Dương 1946 thì vài năm sau đó Sở du lịch và triển lãm Đông Dương (The Indochina Tourism & Exhibition Department) đã mua lại toàn bộ tầng trệt và lầu 1 khách sạn và thuê 44 phòng để cho thuê lại.

Năm 1951, chủ sở hữu Continental Palace là Mathieu Franchini mua lại quyền kinh doanh của Majestic và mở lại nó như là một khách sạn, chứ không phải là cho thuê văn phòng như trước đó.

Từ năm 1952 đến 1955, tiểu thuyết gia nổi tiếng người Mỹ Graham Greene đã thường xuyên lui tới quầy Bar trên tầng thượng của Majestic, là nơi ông rất yêu thích, trong thời gian sáng tác tiểu thuyết Quiet American (Người Mỹ Trầm Lặng), sau đó 2 lần được Hollywood dựng thành phim.

Năm 1965, khi Majestic hết hạn nhượng quyền thương mại ký với ông Franchini Mathieu, khách sạn này được văn phòng du lịch VNCH tiếp quản. Cũng vào thời gian này, Majestic có đợt trùng tu lớn, với 2 tầng lầu được xây thêm theo thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, mặt tiền của khách sạn được thay đổi theo hướng kiến trúc hiện đại, có thêm một nhà hàng lớn và trung tâm hội nghị quốc tế.

Majestic năm 1965

Một số hình ảnh khách sạn Majestic thời kỳ 1965-1975:

Đằng sau, bên hông của khách sạn Majestic có rạp chiếu phim, là một trong những rạp nổi tiếng của Sài Gòn đã có từ thập niên 1930:

Quán cafe tầng trệt của Majestic nhin ra đường Bến Bạch Đằng

Toàn cảnh khách sạn Majestic và Bến Bạch Đằng – sông Sài Gòn

Những ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975, tầng trên cùng của Majestic bị hư hại nặng vì rocket. Sau thời điểm đó, Majestic thuộc quyền sở hữu của công ty du lịch nhà nước là Saigontourist, bị đổi tên thành khách sạn Cửu Long, tên quốc tế là Mekong Hotel).

Năm 1995, khách sạn được trùng tu một lần nữa với mặt tiền được thiết kế tương tự như kiểu thiết kế art-nouveau, được lấy lại tên nguyên thủy là Majestic Hotel.

Năm 2011, khách sạn được mở rộng, xây thêm 2 khối tháp cao 24 tầng và 27 tầng cùng 4 tầng hầm với 353 phòng, nâng tổng số phòng của khách sạn lên 538 phòng. CŨng trong năm này, trụ sở chính của Saigontourist được dời về đây.

Khách sạn Majestic năm 2015

Ngoài sở hữu Majestic Hotel, công ty Saigontourist còn sở hữu chuỗi khách sạn nổi tiếng nằm ở trung tâm Sài Gòn là Grand, Continental Palace (cùng nằm trên đường Tự Do – Đồng Khởi) và REX, Kim Đô.

Đông Kha – chuyenxua.net

Những công trình kiến trúc trăm năm còn lại ở Sài Gòn – Kỳ 3: Hội Trường Diên Hồng

Hội Trường Diên Hồng là tên gọi của tòa nhà từng là Trụ sở Thượng Nghị Viện của Đệ nhị Cộng Hòa. Thời Pháp, đây là toà nhà mang tên Chambre de Commerce được xây năm 1927 trên đường Quai de Belgique, góc ngã 3 với đường Mac Mahon. Góc đường này sau năm 1955 đổi tên thành Bến Chương Dương – Công Lý. Hiện nay đổi thành Võ Văn Kiệt – Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Chambre de Commerce nghĩa là Phòng Thương Mại. Đây là toà nhà thương mại thứ 2 của Pháp xây ở Sài Gòn, vẫn còn cho đến ngày nay và đã tồn tại gần 100 năm. Phòng Thương Mại trụ sở đầu tiên đã được xây dựng từ năm 1867 tại số 11 Rigault de Genouilly, nay là Công Trường Mê Linh.

Trụ sở Chambre de Commerce đầu tiên ở công trường Mê Linh được xem là một trong những tòa nhà lâu đời nhất ở Sài Gòn, được xây dựng năm 1867, chỉ vài năm sau khi Pháp chiếm Gia Định (1862). Tòa nhà này tồn tại gần 150 năm trước khi bị phá bỏ năm 2015 để nhường chỗ cho cao ốc Hilton Saigon 33 tầng.

Hilton Saigon được xây năm 2016 trên vị trí cũ của tòa nhà 150 tuổi Chambre de Commerce

Trong suốt hơn nửa thế kỷ tồn tại, Trụ sở ban đầu của Chambre de commerce không chỉ là nơi giải quyết những thủ tục hành chính liên quan đến giao dịch thương mại, mà còn trở thành biểu tượng giao thương của nền kinh tế sôi động phía Nam, góp phần gây dựng nên hình ảnh một “Sài Gòn – Hòn ngọc Viễn Đông”.

Trước khi Chambre de commerce Mê Linh bị phá bỏ, hầu hết người Sài Gòn đều quen thuộc với căn villa màu trắng có kiến trúc tuyệt đẹp nằm trên khu đất hơn 2000m2 ở công trình Mê Linh, chính giữa 2 đường Phan Văn Đạt và Hồ Huấn Nghiệp.

Chambre de commerce năm 2014, trước khi bị đập bỏ năm 2015

Chambre de commerce vào cuối thế kỷ 19

Ngoài tòa nhà Chambre de Commerce này, cũng có nhiều tòa nhà công sở khác với kiến trúc thời Pháp mọc lên từ những năm cuối thế kỷ 19, nhưng hiện nay toàn bộ đã không còn, thay thế vào đó là các cao ốc nhấp nhô tạo một diện mạo mới cho khu vực này.

Đến năm 1927, trước nhu cầu mở rộng thương mại, nhà cầm quyền quyết định tìm một cơ ngơi bề thế và thuận tiện hơn cho cơ quan quản lý thương mại, nằm ở ngay bên rạch Bến Nghé, khánh thành năm 1928 với sự có mặt của Thống đốc Nam Kỳ.

Toà nhà Chambre de commerce mới được xây dựng theo trường phái chiết trung (đại diện cho sự bình đẳng), pha trộn giữa phong cách tân cổ điển với các trang trí nghệ thuật, các yếu tố trang trí đó mang ảnh hưởng từ kiến trúc Chăm – Khmer. Cùng thời điểm với tòa nhà này, tòa nhà trụ sở của Ngân hàng Đông Dương cũng được xây dựng ngay bên cạnh, và cũng có nét ảnh hưởng từ kiến trúc Khmer.

Năm 1945, khi quân Nhật nắm quyền ở Đông Dương, quân đội đã sử dụng toà nhà này như là một trung tâm thẩm vấn. Sau đó Pháp tái chiếm Đông Dương rồi dùng toà nhà này để làm trụ sở quân đội.

Năm 1955, khi quân đội Pháp đã rời Đông Dương, toà nhà này trở thành một trung tâm Hội Nghị và được đặt tên là Hội Trường Diên Hồng, gợi nhớ đến hội nghị nổi tiếng nhất trong lịch sử là Hội nghị Diên Hồng thời nhà Trần chống quân Nguyên Mông. Có lẽ vì vậy mà con đường phía trước Hội nghị Diên Hồng cũng được đặt tên lại là đường Bến Chương Dương, nhắc lại trận đánh thắng quân Mông năm xưa.

Hội trường Diên Hồng đã trở thành nơi tổ chức những phiên họp quan trọng thời đệ nhất cộng hoà.

Thời đệ nhị cộng hoà, sau sự thay đổi hiến pháp năm 1967, Quốc Hội chia làm 2 viện, khi Hạ Nghị Viện được đặt ở trụ sở Quốc Hội cũ (tức Opera House bên đường Tự Do) thì Hội trường Diên Hồng đã trở thành trụ sở Thượng Nghị Viện cho đến năm 1975.

Trong khoảng thời gian này, một bức tượng An Dương Vương cũng được đặt tại vườn hoa phía trước.

Sau 1975, có một thời gian nơi này trở thành trụ sở của công ty thương mại Imexco. Đến năm 1996, toà nhà được Ủy ban chứng khoán nhà nước tiếp quản.


Năm 2000, toà nhà được tân trang lại để trở thành Trung tâm giao dịch chứng khoán TpHCM (HoSTC), là nơi đầu tiên có các hoạt động giao dịch chứng khoán một cách đầy đủ tại Việt Nam. Năm 2007 cho đến nay, nơi này được đổi tên thành Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh.

Đông Kha – chuyenxua.net

Những công trình kiến trúc trăm năm còn lại ở Sài Gòn – Kỳ 2: Ngân hàng Đông Dương – Banque de I’Indochine

Ở phần đầu tiên của loạt bài viết về những công trình – tòa nhà có tuổi đời trên 100 năm mà ngày nay vẫn còn lại ở Sài Gòn, chúng tôi đã giới thiệu những công trình mang tính biểu tượng mà hầu như ai cũng biết tới, như là Nhà Thờ Đức Bà, Opera House, Bưu Điện Sài Gòn, Chợ Bến Thành, Tòa Đô Chánh…

Ở các phần tiếp theo, xin giới thiệu những tòa nhà có quy mô nhỏ hơn, nhưng vẫn là công trình kiến trúc độc đáo tuổi đời khoảng trên dưới 100 năm và đã trở thành di sản của Sài Gòn.

Bài viết này xin nhắc về tòa nhà từng là Ngân hàng Đông Dương (thời Pháp thuộc), sau đó là Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (thời VNCH), và nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ngày nay, những ai đi ngang qua khu vực cầu Mống ở Quận 1 (đường Bến Chương Dương cũ) đều có ít nhiều cảm giác choáng ngợp trước một tòa nhà vuông vức, theo kiến trúc tân cổ điển rất ấn tượng.

Thời Pháp, đây là là trụ sở của Ngân hàng Đông Dương ở Việt Nam, là một phần của Ngân hàng Đông Dương (Banque de I’Indochine, viết tắt là BIC) được thành lập ngày 21 tháng 1 năm 1875 ở Paris để phát hành tiền mặt cho các xứ thuộc địa của Pháp ở Châu Á, cũng như điều hành quyền lợi kinh tế của Pháp ở Viễn Đông.

Ngân hàng Đông Dương có rất nhiều chi nhánh trải rộng khắp thế giới, trong đó ngay trong năm 1875, Sài Gòn là một trong những nơi đầu tiên mà BIC có chi nhánh. Trụ sở của BIC ở Sài Gòn nằm trên đường dọc theo rạch Bến Nghé được đặt tên là Arroyo Chinois (sau này đổi tên thành Quai de Belgique, rồi Bến Chương Dương, nay là đại lộ Võ Văn Kiệt), chính là vị trí mà sau này tòa nhà hoành tráng hơn được xây dựng cùng một chỗ và còn lại cho đến ngày nay.

Trụ sở đầu tiên của Ngân hàng Đông Dương ở Sài Gòn thành lập năm 1875

Sau đó, trụ sở ban đầu này được sửa chữa và nâng cấp để lớn hơn, như hình sau đây:

Trong tấm bản đồ Sài Gòn năm 1900 ở dưới đây, vị trí số 39 được chú thích rõ là trụ sở ngân hàng Đông Dương (Banque de l’Indo-Chine). Số 39 đó chính là vị trí ở ngay chân cầu Mống.

Do quy mô ngày càng lớn của Ngân hàng Đông Dương, nhu cầu cần xây dựng trụ sở lớn hơn, nên sang thập niên 1920, tòa nhà có quy mô nhỏ ban đầu được đập bỏ hoàn toàn để xây mới. Trong chờ tòa nhà mới được hoàn thành, Ngân hàng Đông Dương chuyển sang tòa nhà ở góc đường Hàm Nghi – Công Lý (Somme – Macmahon cũ), như trong hình sau đây:

Sau khi trụ sở mới được hoàn thành thì tòa nhà bên trên từng là trụ sở của đài phát thanh Pháp Á lừng danh một thuở.

Tòa nhà Ngân hàng Đông Dương mới được xây dựng năm 1928 ở bên cầu Mống và hoàn thành năm 1930, đưa vào sử dụng năm 1931. Đến nay, tòa nhà này đã có tuổi đời hơn 90 năm.

Sau đây là hình ảnh được chụp vào cuối thập niên 1920, khi tòa nhà này vẫn chưa chính thức khánh thành:

Tòa nhà này do kiến ​​trúc sư Félix Dumail thực hiện, được làm từ các khối đá granit khai thác từ Biên Hòa, tạo tác thành các cột vuông uy nghiêm bao quanh, lấy cảm hứng từ kiến trúc Khmer.

Điểm nổi bật của tòa nhà này là phần mép mái được trang trí đường viền được cho là lấy cảm hứng từ rắn thần Naga canh giữ các lối vào Angkor Thom của người Khmer. Bên trong tòa nhà được xây dựng theo phong các Art Deco tráng lệ, tuy nhiên đa số mọi người chỉ được phép chiêm ngưỡng nó từ bên ngoài, ít người có cơ hội đi vào bên trong để xem.

Hình ảnh hiếm hoi chụp bên trong ngân hàng. Thập niên 1940

Sau năm 1953, các chi nhánh của Ngân hàng Đông Dương ở Việt Nam đều bị giải thể. Nhiệm vụ phát hành giấy bạc được chuyển cho Viện Phát hành Quốc gia Việt, Miên, Lào (Institut d’Emission des Etats du Cambodge, du Laos et du Viet-Nam) kể từ năm 1951. Riêng các chi nhánh khác ở ngoài Việt Nam thì vẫn hoạt động bình thường.

Từ năm 1955, tòa nhà trở thành trụ sở của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, tức ngân hàng trung ương của VNCH, nhận bàn giao lại các nhiệm vụ cũ của Ngân Hàng Đông Dương.

Hình ảnh mặt sau của ngân hàng (bên đường Võ Di Nguy, nay là Hồ Tùng Mậu):

Sau năm 1975, nơi đây trở thành trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Kiến trúc của tòa nhà này đến nay vẫn còn nguyên vẹn.

Năm 2016, các cơ quan chức năng đã đưa tòa nhà này vào danh sách các di tích quốc gia cần được bảo vệ.

Hiện nay, phía trước Tòa nhà tuyệt đẹp này bị chắn ngang bởi 1 khối nhà có hình thù kỳ quái

Thông tin thêm về Ngân Hàng Đông Dương, ngân hàng này có trụ sở chính không phải ở Đông Dương như cái tên của nó, mà đặt ở chính quốc. Ngân hàng ra đời năm 1875 trong hoàn cảnh Pháp vừa mới chiếm trọn 6 tỉnh Nam kỳ được chỉ vài năm, nền kinh tế đang trì trệ và Chính phủ Pháp đang gặp những khó khăn về tài chính.

Ngay từ đầu, Ngân hàng Đông Dương đã được trao đặc quyền như các ngân hàng thuộc địa lâu đời. Tuy nhiên, nó có một đặc quyền đặc biệt lớn là độc quyền phát hành tiền Đông Dương, được dùng trong toàn cõi Đông Dương.

Được sự tán thành của Quốc hội Pháp, ngày 21-01-1875, Tổng thống Pháp Patrice Macmahon ra sắc lệnh về việc “thiết lập Đông Dương ngân hàng và cho cơ quan này được hưởng độc quyền phát hành tiền tại các xứ Đông Dương, các thuộc địa Pháp miền Thái Bình Dương và các tỉnh Ấn Độ thuộc Pháp”.

Theo sắc lệnh của Tổng thống Pháp về việc ký ban hành thành lập Ngân hàng Đông Dương thì phạm vi hoạt động của Ngân hàng Đông Dương rất rộng lớn, trải dài từ Thái Bình Dương đến tận Ấn Độ Dương. Ngân hàng được Chính phủ Pháp cho hưởng một số đặc quyền sau:

– “Ngân hàng Đông Dương có quyền nhận tiền kí thác của các khách hàng tư nhân cho nên nó trở thành Ngân hàng Ủy thác của khách hàng;

– Một ngân hàng nông tín, vì Ngân hàng Đông Dương có quyền cho các nông gia vay;

– Một ngân hàng thương mại, vì Ngân hàng Đông Dương có quyền cho tư nhân vay và chiết khấu các thương phiếu;

– Một ngân hàng doanh nghiệp, vì ngân hàng Đông Dương có quyền tham dự vào việc thiết lập những công ti kĩ – nghệ, thương mại hay nông nghiệp”.

Cũng theo sắc lệnh của Tổng thống Pháp, Ngân hàng Đông Dương có trụ sở chính tại số 96, đại lộ Haussmann, thủ đô Paris của nước Pháp với vốn điều lệ ban đầu là 8.000.000 francs vàng, mỗi francs vàng nặng 322 mgr vàng nguyên chất và được chia ra làm 16.000 cổ phiếu. Mỗi cổ phiếu có giá khởi điểm 500 francs. Tất cả các cổ phiếu này được nêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Paris.

Ra đời không bao lâu, Ngân hàng Đông Dương đã liên tục tăng vốn điều lệ: Từ 8.000.000 francs ban đầu lên 24.000.000 francs (năm 1900), 72.000.000 francs (năm 1920), 120.000.000 francs (năm 1931), 150.000.000 francs (năm 1940). Đến năm 1945, vốn của Ngân hàng Đông Dương là 157.500.000 francs. Điều đó chứng tỏ ngân hàng hoạt động rất mạnh và làm ăn đạt hiệu quả, đúng như mong đợi.

Về mạng lưới chi nhánh của Ngân hàng Đông Dương, lúc đầu ngân hàng dự kiến mở bốn chi nhánh: hai ở Pháp (Marseille và Bordeaux), một ở Sài Gòn và một ở Pondichéry (Ấn Độ thuộc Pháp). Còn theo Phạm Quang Trung, bên cạnh những chi nhánh trên, tính đến trước năm 1945, Ngân hàng Đông Dương còn có thêm các chi nhánh sau: Hải Phòng 1885, Hà Nội 1886, Nouméa 1888, Phnompenh 1890, Đà Nẵng 1891, Hong Kong 1894, Thượng Hải 1898, Quảng Đông 1902, Hán Khẩu 1902, Singapore 1905, Papeete Nam Mỹ 1905, Bắc Kinh 1907, Thiên Tân 1907, Vân Nam 1920, Nam Định 1926, Cần Thơ 1926, Vinh 1927, Quy Nhơn 1928, Huế 1929, London 1940, Tokyo 1942, Đà Lạt 1943.

chuyenxua.net biên soạn

Nguồn gốc tên gọi địa danh ở Sài Gòn: Phần 14 – Địa danh Bến Nghé và những hình ảnh đẹp về sông Sài Gòn xưa

Sông Bến Nghé là một phần của sông Sài Gòn (thuộc hệ thống sông Đồng Nai), là đoạn sông từ cư xá Thanh Đa đến nơi đổ vào sông Đồng Nai ở đoạn Thạnh Mỹ Lợi (Thủ Đức).

Cái tên địa danh Bến Nghé xuất hiện khá sớm, ban đầu là tên của một bến nước ở Sài Gòn, sau đó là tên của một đoạn của sông Sài Gòn, hiện nay thì dùng để chỉ một địa phường (Phường Bến Nghé thuộc quận 1 của Sài Gòn).

Tuy nhiên, hiện nay trên bản đồ khúc sông này vẫn được ghi là sông Sài Gòn, còn cái tên Bến Nghé hiện chỉ còn dùng để chỉ một con rạch nhỏ đổ ra sông. Rạch Bến Nghé là ranh giới tự nhiên của quận 1 và quận 4, bắt đầu từ ngã 3 sông Sài Gòn (sông Bến Nghé), kết thúc tại ngã tư nơi giao với kênh Tàu Hủ, kênh Tẻ và kênh Đôi. Các cây cầu bắc qua rạch Bến Nghé hiện nay theo thứ tự là cầu Khánh Hội, cầu Mống, cầu Calmette, cầu Ông Lãnh, cầu Nguyễn Văn Cừ.

Rạch Bến Nghé ở đoạn trên của hình, có thể thấy được cầu Khánh Hội và cầu Mống bắt qua con rạch

Theo nhà văn Sơn Nam, địa hình Bến Nghé gồm hai vùng rõ rệt. Phía bắc là gò đất cao, nơi xây dựng thành trì; còn phía nam là đất thấp, vùng sình lầy ven rạch Bến Nghé. Nhà cửa phần nhiều là nhà sàn của dân nằm san sát ven kênh rạch, tại các khu chợ thì có những dãy nhà mái lợp ngói, cột gỗ, vách trát vôi (chủ yếu của quan lại, điền chủ). Trong vùng lúc này đã hình thành nhiều khu chợ như: chợ Bến Thành (đây là chợ chính của hệ thống chợ Bến Nghé), chợ Bến Sỏi, chợ Điều Khiển, chợ Thị Nghè, chợ Tân Kiểng… Ghe thuyền vẫn là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân nhờ có mạng lưới kênh rạch chằng chịt. Sau cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng cho phá bỏ thành Quy (thành Bát Quái) và xây thành mới nhỏ hơn là thành Phụng, lúc này chợ và phố xá tại Bến Nghé cũng bị tàn phá ít nhiều.

Sài Gòn trước khi bị người Pháp chiếm là một nơi có kênh rạch chằng chịt chảy xung quanh thành Gia Định, đặc biệt là lúc đó khu vực trung tâm Sài Gòn hầu như toàn bộ là các kênh/rạch dẫn nước, rất thuận tiện cho giao thương đường thủy, do đó sông Bến Nghé năm xưa luôn nhộn nhịp tàu thuyền, thương cảng Bến Nghé (nay là Cảng Sài Gòn) thu hút tàu bè của thương nhân ngoại quốc đến buôn bán đông đảo.

Toàn cảnh bến Cảng Sài Gòn thập niên 1960

Sự giao thương đường thủy nhộn nhịp đó dẫn đến sự hình thành các bến thuyền dọc rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hủ, cho đến hàng trăm năm sau đó, những con đường dọc bờ sông hoặc kênh rạch vẫn được gọi là Bến (tức bến thuyền), chứ không gọi là đường, như là Bến Bạch Đằng, Bến Chương Dương, Bến Vân Đồn, Bến Hàm Tử, Bến Trần Văn Kiểu…

Chữ “Bến” đó cũng xuất hiện từ thời Pháp đặt tên đường, như Bến Bạch Đằng từng mang tên quai de Donnai, quai Napoleon, quai du Commerce, quai Francis Garnier, quai le-Myre-de-Vilers, Bến Chương Dương – Bến Hàm Tử (tức Võ Văn Kiệt ngày nay) từng mang tên quai de l’Arroyo Chinois, quai de Belgique, quai de Cho-Quan, Bến Trần Văn Kiểu tên là quai de Mytho… Chữ “quai” trong tiếng Pháp chính là “bến tàu”.

quai de Belgique xưa (nay là đại lộ Võ Văn Kiệt)

Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức mô tả sông Bến Nghé rộng 142 tầm (1 tầm = 3.2m), sâu 10 tầm, khi nước lên sâu 13 thước ta (1 thước ta = 0.324m), sông này vừa rộng lớn vừa trong sâu, những tàu buôn và ghe thuyền sông biển trong và ngoài nước ra vào không ngớt, trông thấy đầu tàu nối liền, đuôi cột buồm chi chít, đủ biết đó là nơi đô hội.

Khi người Pháp chiếm được Gia Định, họ đã cho san lấp hết các kênh rạch ở khu vực giáp sông Bến Nghé (là Quận 1 ngày nay) và xây dựng trên đó nhiều dinh thự (Dinh Norodom, dinh Toàn quyền, dinh Thống đốc…), công sở (Bưu điện, Pháp đình, tòa thị chính…), xây một số khách sạn và nhà thờ, đồng thời tổ chức quy hoạch đường sá để biến Sài Gòn thành một đô thị ở vùng Viễn Đông theo kiểu mẫu Paris. Kể từ đó, bộ mặt của Gia Định cũ bị thay đổi, tuy nhiên giao thương đường thủy vẫn đóng vai trò quan trọng với Sài Gòn, nơi có cửa ngõ là sông Bến Nghé luôn tấp nập tàu thuyền ghé bến.

Đại lộ Nguyễn Huệ khi còn là một con kênh nhỏ chảy ra sông Bến Nghé

Ngoài ra, ngay từ năm 1890 người Pháp đã cho xây dựng cảng Ba Son, là nơi có những nhà xưởng đồ sộ và ụ tàu để đóng và sửa chữa tàu, là di sản hàng hải lâu đời của Sài Gòn. Cảng Ba Son nằm ở khu vực sông Bến Nghé tiếp giáp với rạch Thị Nghè.

Trong bài này mới các bạn nhìn lại những hình ảnh nhộn nhịp trên sông Bến Nghé trong thời gian 100 năm, kể từ thế kỷ 19.

Sông Sài Gòn năm 1866. Cây cầu nhỏ bắc ngang qua rạch Bến Nghé sau này là cầu Khánh Hội, bên kia là bến Nhà Rồng ở quận 4 ngày nay

Rạch Bến Nghé đổ ra sông Sài Gòn, nơi có cầu quay Khánh Hội

Cột cờ Thủ ngữ ở Bến Bạch Đằng ngày nay. Ảnh chụp năm 1866

Cờ Thủ ngữ ở Bến Bạch Đằng ngày nay. So với ảnh bên trên ảnh này có thêm tòa nhà của ông Wang Tai (Vương Đại) đang được xây dựng, nằm ở góc Hàm Nghi – Bến Bạch Đằng ngày nay

Thuyền trên sông Bến Nghé năm 1866

Rạch Bến Nghé khoảng thập niên 1870. Dãy nhà nhà trong hình nay nằm trên con đường ngày nay là đại lộ Võ Văn Kiệt (Bến Chương Dương cũ)

Toàn cảnh rạch Bến Nghé và sông Bến Nghé thập niên 1870

Tàu trên sông Sài Gòn năm 1888. Thời điểm này đoạn đường này được người Pháp đặt tên là Quai du Commerce, đến 1896 đổi là Quai Francis Garnier, và 1920 đổi thàmh Quai le Myre de Vilers. Từ năm 1955, đường này mang tên Bến Bạch Đằng. Ngày nay đường này là 1 phần của đường Tôn Đức Thắng

Trước đây, sông Bến Nghé còn có tên là Ngưu Chữ, Ngưu Tân hay Tân Bình giang (do chảy qua phủ Tân Bình xưa), theo nghĩa: Ngưu là trâu; tân hay chữ là bến; giang là sông.

Có 2 thuyết giải thích cho cái tên Bến Nghé:

Theo phó bảng Nguyễn Văn Siêu trong cuốn Phương Đình dư địa chí (1900) thì: tục truyền sông này nhiều cá sấu, từng đàn đuổi nhau kêu gầm như tiếng trâu rống, cho nên gọi tên như thế (nghé tức trâu con). Sách Đại Nam nhất thống chí, phần tỉnh Gia Định, cũng chép tương tự.

Theo học giả Trương Vĩnh Ký: Bến Nghé có nguồn gốc từ tiếng Khmer: Kompong: bến, Kon Krabei: con trâu. (Le Cisbassac, tr. 192). Nhà địa danh học Lê Trung Hoa cũng đồng ý rằng: Bến Nghé là cái bến mà “người ta thường cho trâu, bò ra tắm” vì có nhiều địa danh cấu tạo bằng “bến + tên thú” như: rạch Bến Nghé (Nhà Bè), rạch Bến Tượng (Sông Bé)…Cho nên Bến Nghé có lúc còn được gọi là Bến Trâu như trong bài “Gia Định thất thủ vịnh”: Tàu khói chạy mây tuôn sông mấy khúc, lờ lạt Bến Trâu”.

Bến Cảng nhìn từ Quận 4

Toàn cảnh Bến Bạch Đằng, Bến trái là sông Bến Nghé. Bên trái hình là đoạn cầu Khánh Hội, qua bên kia cầu là đường Trình Minh Thế (nay là đường Nguyễn Tất Thành) để đi Quận 4

Nhắc đến sông Bến Nghé, không thể không nhắc đến bến phà (và đò) Thủ Thiêm, đưa khách từ Bến Bạch Đằng sang bán đảo Thủ Thiêm xưa.

Bên kia sông Bến Nghé là bán đảo Thủ Thiêm

Một khu vực nổi tiếng khác, ranh giới của sông Bến Nghé và trung tâm Sài Gòn, chính là Bến Bạch Đằng, nơi có rất nhiều tàu hải quân neo đậu vào thập niên 1960-1970.

Bến đò gần cột Thủ ngữ năm 1890, nay là Bến Bạch Đằng

Một đoạn đường Bến Bạch Đằng nhìn từ trên cao, góc nhìn toàn cảnh của 2 đại lộ Hàm Nghi – Nguyễn Huệ và đường Tự Do. Ngoài cùng bên phải là công trường Mê Linh

Phía bên tay trái là đoạn giao giữa Bến Bạch Đằng và Bến Hàm Tử (nay trở thành đường Võ Văn Kiệt). Đó cũng là nơi tiếp giáp của sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé

Từ sông Bến Nghé nhìn vào đầu đường Bến Bạch Đằng, đầu đại lộ Hàm Nghi

Từ sông Bến Nghé nhìn vào đầu đại lộ Nguyễn Huệ

Hàng ghế để ngồi uống cafe nước ngọt hóng mát ở dọc Bến Bạch Đằng

Bến Bạch Đằng và tàu thuyền trên sông Bến Nghé

Một vài hình ảnh công trường Mê Linh nằm trên Bến Bạch Đằng, nhìn ra sông Bến Nghé:

Ở ngay bến Bạch Đằng, nhìn ra sông Bến Nghé là một trong những khách sạn lâu đời nhất Sài Gòn: Majestic. Từ trên Majestic có thể nhìn toàn cảnh sông Bến Nghé và Bến Bạch Đằng. Sau đây là những hình ảnh chụp từ trên Majectic xuống bến sông:

Một số hình ảnh khác của sông Bến Nghé (sông Sài Gòn):

Đông Kha – chuyenxua.net

Nguồn gốc tên gọi địa danh ở Sài Gòn: Phần 13 – Cầu Ông Lãnh và Cầu Muối

Ông Lãnh là tên cây cầu nổi tiếng ở Sài Gòn, cùng với cầu Khánh Hội và cầu Camette, là 3 cây cầu cùng bắc qua rạch Bến Nghé để nối Quận Nhứt với Quận Tư ở phía Khánh Hội hiện nay. Cầu Ông Lãnh cũng là tên khu chợ nổi tiếng Sài Gòn tồn tại hơn 100 năm, bắt đầu từ thế kỷ 19.

Cầu Ông Lãnh và chợ Cầu Ông Lãnh, nằm bên rạch Bến Nghé năm 1955

Bên cạnh Cầu Ông Lãnh là khu chợ Cầu Muối, một thời là chợ đầu mối lớn nhất Sài Gòn.

Vị trí chợ Cầu Ông Lãnh và chợ Cầu Muối trong bản đồ hiện nay

Ngày nay, cái tên Cầu Ông Lãnh còn được đặt tên cho một phường của Quận 1 Sài Gòn, trung tâm của phường là đường Nguyễn Thái Học ở đầu cầu Ông Lãnh. Ngoài ra, môt thời gian dài hồi nửa đầu thế kỷ 20, người ta còn gọi một đoạn đường ven rạch Bến Nghé (xưa là đường Bến Chương Dương, nay là đại lộ Võ Văn Kiệt) là đường Cầu Ông Lãnh, vì nó đi qua khu vực Cầu Ông Lãnh.

Đường Cầu Ông Lãnh thuộc tuyến đường quan trọng nối Sài Gòn với Chợ Lớn thời đầu thế kỷ 20, còn được gọi là Đường Dưới

Vào thời thế kỷ 19, đường Nguyễn Thái Học ngày nay vẫn còn là một con rạch nối từ rạch Bến Nghé đi vào bên trong (thường được gọi là rạch Cầu Ông Lãnh), theo ghi chép của Petrus Ký thì trên rạch này có một cây cầu gỗ bắc qua con rạch nhỏ này để dẫn vào một lò mổ gia súc (thường gọi là Lò Heo), được gọi là cầu Ông Lãnh. Như vậy ban đầu cầu Ông Lãnh (cũ) không bắc qua rạch Bến Nghé như hiện nay.

Nếu theo đúng lời Petrus thì cầu Ông Lãnh ban đầu nằm ở vị trí như trong bản đồ dưới đây (bản đồ Sài Gòn năm 1882)

Nói thêm về rạch Cầu Ông Lãnh, nó khởi nguồn là một con rạch từ nhiên, đi từ rạch Bến Nghé chạy quanh khu Cầu Quan – Cầu Muối – Cầu Kho, với nhiều nhánh tẽ mang tên địa phương của những cây cầu: cầu Kho (rạch Cầu Kho), cầu Muối (rạch Cầu Muối), Cầu Quan (rạch Cầu Quan)… Sau này người Pháp mở rộng rạch Cầu Ông Lãnh thì một đoạn của con rạch này trở nên thẳng tắp giống như là một con kênh đào.

Đoạn rạch Ông Lãnh lúc đã được mở rộng, được thể hiện trong bản đồ Sài Gòn năm 1878. Lúc này con rạch đã được quy hoạch để làm đường, trong bản đồ ghi là Rue projetée (quy hoạch đường), chính là đường Nguyễn Thái Học hiện nay

Sang đến thập niên 1910-1920, khi người Pháp tiến hành xây chợ Bến Thành, mở đại lộ Gallieni (nay là đường Trần Hưng Đạo) và lấp rạch Cầu Ông Lãnh để làm thành đường Abattoir/Kitchener (nay là Nguyễn Thái Học) thì họ mới xây thêm một cây cầu bắc qua rạch Bến Nghé ở khu vực cầu Ông Lãnh cũ, được gọi là cầu Ông Lãnh (cầu mới).

Khu vực cầu Ông Lãnh trong bản đồ Sài Gòn năm 1896. Khu vực ghi chữ Abattoir là Lò mổ, là khu chợ Cầu Muối sau này

Bản đồ Sài Gòn năm 1926 có vẽ rõ cầu Ông Lãnh ở vị trí mới, bắc qua rạch Bến Nghé (Arroyo Chinois). Đường Kitchener trong hình là đường Nguyễn Thái Học ngày nay

Cây cầu “mới” này được trùng tu nhiều lần, trước khi bị đập bỏ năm 2000 để xây dựng cầu Ông Lãnh hiện nay to và rộng hơn cũ.

Một số hình ảnh cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Ông Lãnh và khu Cầu Ông Lãnh ngày xưa:

Về xuất xứ của tên gọi ông Lãnh, có nhiều giả thuyết khác nhau, trong đó giả thuyết được nhiều người chấp nhận nhất là theo nhà bác học Petrus Ký ghi chép lại, ông Lãnh là Lãnh Binh Thăng, tên thật là Nguyễn Ngọc Thăng, một võ tướng chống Pháp thời kỳ đầu tiên, từng là thuộc tướng của Bình Tây Đại Nguyên Soái – Trương Định.

Năm 1848, dưới thời vua Tự Đức, Nguyễn Ngọc Thăng được thăng chức “lãnh binh”, nên thường được gọi là Lãnh Binh Thăng.

Tháng 9 năm 1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha mở đầu xâm lược Đại Nam khi tấn công vào Đà Nẵng. Sau 5 tháng bị cầm chân, liên quân này quyết định đem 2/3 lực lượng để đánh vô thành Gia Định, lúc đó đang được Võ Duy Ninh làm hộ đốc trấn giữ. Lãnh Binh Thăng đóng quân ở Thủ Thiêm đã đem quân ra cứu viện, nhưng do quân viễn chinh đến từ Âu Châu vượt trội về khí tài nên thành Gia Định thất thủ. Lãnh Binh Thăng đã cho quân trấn thủ ở vùng chùa Cây Mai, thời gian này ông đã cũng cố đồn lũy và cho xây một cây cầu gỗ qua rạch Bến Nghé để tiện cho việc đi lại, sau này được Pháp xây lại bằng cầu bê tông, người dân quen gọi là cầu Ông Lãnh.

Dù triều đình nhà Nguyễn ký Hòa ước năm 1862 để nhượng 3 tỉnh Nam kỳ cho Pháp, nhưng Lãnh Binh Thăng vẫn không đầu hàng, rút quân về Gò Công rồi phối hợp với nghĩa quân Trương Định chiến đấu ngoan cường trước khi cả 2 lần lượt hy sinh vào các năm 1864 và 1866.

Nghe tin Lãnh Binh Thăng mất, vua Tự Đức có phong sắc, áo, mão và một thanh gươm. Ông được an táng ở Giồng Keo, làng Lương Mỹ, tổng Bảo Thành (nay là ấp Căn Cứ, xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre).

Từ năm 1955, thời đệ nhứt cộng hòa, ở Bến Tre có con đường mang tên Lãnh Binh Thăng. Ở Sài Gòn cũng có con đường tên Lãnh Binh Thăng ở Quận 11.

Về cây cầu mang tên Ông Lãnh, ghi chép sớm nhất là của Petrus Ký, phỏng đoán rằng “chiếc cầu gỗ do ông Lãnh binh ở gần đó cho bắc qua, chắc là ông Lãnh Binh Thăng này, chớ không phải ai khác”.

Ngay trong tấm bản đồ Sài Gòn năm 1867, chỉ 1 năm sau khi Lãnh Binh Thăng mất, có ghi chú vị trí Cầu Ông Lãnh, điều đó cho thấy có thể rằng tên cầu này được đặt ngay khi lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng còn sống. .

Bản đồ Sài Gòn năm 1867

Cũng theo ghi chép của Petrus Ký, 5 ngôi chợ nổi tiếng ở Sài Gòn là Bà Hạt (nay thuộc quận 10), Bà Quẹo (quận Tân Bình), Bà Chiểu (Bình Thạnh), Bà Hom (Bình Tân) và Bà Điểm (huyện Hóc Môn) được đặt theo tên 5 người phụ nữ vốn là các bà vợ của Lãnh Binh Thăng.

Những vị quan đa thê thời xưa thường áp dụng phương pháp kinh tế tự túc nên vị lãnh binh đã lập 5 chợ ở khu vực khác nhau, giao cho mỗi bà cai quản một cái. Việc này tránh các bà đụng mặt nhau, đồng thời chuyên tâm làm kinh tế.

Tuy nhiên, thông tin này không được nhiều nhà nghiên cứu tán thành. Cụ Vương Hồng Sến nói rằng nên thận trọng khi nói rằng “Ông Lãnh” và “Bà Chiểu”, Bà Điểm”, “Bà Hom”, “Bà Hạt”, “Bà Quẹo” là vợ chồng. Theo cụ Sển, Bà Hạt, Bà Điểm, Bà Chiểu có thể là người đầu tiên buôn bán tại các chợ này, sau lấy tên đặt cho chợ. Giống như chợ Bà Hoa ở khu ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình), do người đàn bà tên Hoa đã hiến đất xây chợ và là người đầu tiên buôn bán nên người ta lấy tên bà đặt cho ngôi chợ.

Tháng 8 năm 1864, phó đô đốc de La Grandière ký quyết định lập một ngôi chợ trên khu đất nằm bên rạch Bến Nghé, ở phía đông cầu Ông Lãnh, đó chính là chợ Cầu Ông Lãnh nổi tiếng. Theo nhà văn Sơn Nam, đến năm 1874 chợ Cầu Ông Lãnh mới xây cất xong. Nơi đây dần phát triển thành khu chợ đầu mối trái cây, thủy hải sản lớn nhất Sài Gòn lúc bấy giờ.

Cầu Ông ãnh và chợ Cầu Ông Lãnh thập niên 1940

Ở cách không xa chợ Cầu Ông Lãnh là một khu chợ nổi tiếng khác, đó là chợ Cầu Muối.

Theo cụ Vương Hồng Sển ghi trong cuốn Sài Gòn Năm Xưa, khu vực mang tên Cầu Muối đã có từ thời triều Nguyễn. Từ rạch Cầu Ông Lãnh, có một nhánh rẽ khác, và có một cây cầu ván nhỏ bắc qua nhánh rẽ này để vận chuyển muối, vì vậy cây cầu nhỏ được đặt tên là Cầu Muối, và con rạch nhỏ này cũng mang tên rạch Cầu Muối.

Kho muối là những dãy nhà lá nằm dọc 2 bên bờ rạch, ngay bên cạnh lò mổ. Những năm cuối thập niên 1910, rạch Cầu Ông Lãnh bị lấp để làm đường thì các rạch nhỏ xung quanh (trong đó có rạch Cầu Muối) vẫn còn, nằm bao quanh khu vực lò mổ. Con đường nằm ở vị trí rạch Cầu Ông Lãnh cũ được đặt tên tên chính thức là đường Abattoir (đường Lò Mổ), sau đó đổi tên thành đường Kitchener, trước khi mang tên đường Nguyễn Thái Học từ năm 1955 cho đến nay. Có thể nhìn thấy rõ rạch Cầu Muối nằm bao quanh lò mổ trong các tấm bản đồ Sài Gòn đầu thế kỷ 20 sau đây:

Bản đồ Sài Gòn năm 1921. Lúc này rạch Ông Lãnh đã được lấp, thành đường Kitchener. Ô số 82 là Lò mổ, xung quanh khu này vẫn còn hệ thống rạch nhỏ. Đường Gallieni trong hình là đường Trần Hưng Đạo ngày nay. Trong bản đồ này, vẫn chưa có cầu Ông Lãnh bẳc qua rạch Bến Nghé (kinh Tàu Hủ)

Đường Kitchener (nay là Nguyễn Thái Học) và Chợ Cầu Muối xưa

Năm 1947, khu lò mổ được di dời, một số tiểu thương đang buôn bán trái cây từ miền Tây Nam Bộ lên chợ Cầu Ông Lãnh đã có sáng kiến mua rau cải đặc sản từ Đà Lạt về phân phối trên khu đất hoang của khu vực Lò Heo cũ, cũng là kho muối cũ, Cầu Muối cũ. Chợ rau này nằm ngay trên khu vực kho muối cũ, sát bên cạnh Cầu Muối cũ, nên được gọi là chợ Cầu Muối. Một thời gian dài chợ Cầu Ông Lãnh và chợ Cầu Muối tồn tại song song và gần nhau.

Trên bảng tên chợ Cầu Muối ghi rõ chợ được thành lập chính thức năm 1947, tái thiết năm 1971 (là năm chợ bị cháy lớn)

Một số hình ảnh chợ Cầu Muối trước 1975:

Chợ Cầu Muối bị cháy cuối năm 1971

Đầu năm 1971, chợ Cầu Muối bị cháy lớn, chính quyền đã phải dùng đến trực thăng để chữa cháy. Trong các hình sau đó, có thể thấy hình ảnh máy bay quân sự lấy nước ở rạch Bến Nghé, ngay chợ Cầu Ông Lãnh, để chữa cháy cho chợ Cầu Muối:

Một số hình ảnh khác về vụ cháy chợ Cầu Muối năm 1971:

Tháng 4 năm 1999, tại chợ Cầu Ông Lãnh cũng xảy ra hỏa hoạn khiến toàn bộ khu nhà lồng chợ trái cây bị thiêu rụi. Cũng trong khoảng thời gian này, chính quyền thành phố đã có chủ trương di dời các chợ đầu mối ra ngoại thành.

Đông Kha – chuyenxua.net

Lịch sử hình thành và những hình ảnh đẹp nhất của các biệt thự cổ Đà Lạt

Một trong những nét kiến trúc đại diện cho thành phố sương mù Đà Lạt chính là những tòa biệt thự cổ Đà Lạt. Với kiến trúc mang phong cách Âu Châu cùng với các yếu tố kiến trúc phù hợp với thời tiết, cảnh quan Đà Lạt, những căn biệt thự cổ ở đây đem lại cảm giác mãnh liệt về vẻ đẹp “một thời hoàng kim”, vẻ đẹp về một thời đại của Đà Lạt đang dần bị lãng quên.

Thành phố Đà Lạt hiện đang lưu giữ, tôn tạo hơn 2000 ngôi biệt thự cổ, và phố núi thơ mộng này được ví như “bảo tàng kiến trúc quốc gia”. Ngoài những kiến trúc nổi tiếng, là những công thự là Nhà thờ Con Gà, Cao đẳng sư phạm, Ga Đà Lạt, Dinh Bảo Đại… Đà Lạt còn có những biệt thự ẩn hiện trong nhiều con đường rợp bóng thông xanh, vừa ma mị vừa mang sức hút kỳ lạ đối với du khách.

Dinh III của vua Bảo Đại

Ngày nay, những biệt thự cổ ở Đà Lạt được gọi chung là “biệt thự Pháp”. Cách nói này không hoàn toàn đúng nếu nó mang ý nghĩa là biệt thự được xây theo phong cách Pháp. Thực tế, biệt thự cổ Đà Lạt có kiểu dáng hết sức đa dạng, không chỉ có biệt thự mang phong cách của nước Pháp mà còn nhiều công trình khác mang ảnh hưởng từ kiến trúc Trung Âu, Bắc Âu, phong cách vùng Scandinavia, vùng Alps, vùng Normandie, và cả phong cách chiết trung, giao thoa giữa Á-Âu. Vì vậy, khi nói biệt thự Pháp ở Đà Lạt, người ta muốn nói đến những công trình kiến trúc – bao gồm cả công thự và dinh thự – được xây vào thời kỳ Việt Nam thuộc Pháp, đa số là khoảng thập niên 1930-1940.

Ngoài những công trình nổi tiếng, còn rất những căn ẩn mình trong con đường hẻo lánh phủ bóng thông xanh.

Dù là ảnh hưởng từ phong xách kiến trúc nào thì biệt thự cổ ở Đà Lạt thường có mái dốc, ống khói và cửa sổ mái. Do Đà Lạt mưa nhiều và lạnh nên mái dốc và tường đá dày là hai “chất liệu” người Pháp kết hợp từ đặc trưng Đà Lạt vào các công trình kiến trúc. Ngoài những đặc trưng chung đó thì hầu hết các biệt thự cổ đều có những cách điệu riêng để thể hiện cá tính của gia tộc chủ sở hữu.

Hầu hết những du khách đến Đà Lạt đều thấy ấn tượng với những căn biệt thự cổ tại đây. Dù hàng trăm năm đã qua, vẻ đẹp của những biệt thự đó vẫn trường tồn, nó như là hiện thân của sự huyền bí lẫn kỳ vĩ vì mang trên mình nhiều dấu tích được khắc lên bởi thời gian.

Sự hình thành của biệt thự cổ Đà Lạt gắn liền với lịch sử Đà Lạt thuở ban đầu, khi vùng đất này được những nhà quy hoạch người Pháp tạo dựng nên. Bài viết này sẽ vén bức màn thời gian để nhìn về thời quá khứ xa xôi đó, khi những biệt thự đầu tiên được mọc lên ở Đà Lạt.

Những năm đầu thế kỷ 20, Đà Lạt được khởi đầu chỉ với 19 căn nhà gỗ, trong đó nhiều cái chưa dựng xong.

Một trong số đó dành cho thị trưởng Đà Lạt đầu tiên là Paul Champoudry. Công việc của Paul Champoudry lúc đó chủ yếu chỉ là… tưởng tượng, tức là phác thảo ra một đô thị tương lai vốn chỉ bắt đầu từ con số 0.

Champoudry từng là ủy viên hội đồng thành phố Paris những năm 1894-1895. Ông là người giám sát việc thi công đường tàu điện ngầm và những công trình chuẩn bị cho Hội chợ quốc tế Paris 1900. Đến nhậm chức ở Đông Dương, ông là người xây dựng đồ án quy hoạch đầu tiên của Đà Lạt lúc đó vẫn là một “sa mạc bao la” của rừng thông và cỏ hoang.

Trong phác thảo đồ án năm 1905, Champoudry đã nêu lên những vấn đề đầu tiên về kiến trúc đô thị ở Đà Lạt. Theo ông, “nếu người ta muốn xây dựng một thành phố có cá tính độc đáo qua các kiến trúc đa dạng, thì phải ủy thác cho nhiều kiến trúc sư khác nhau. Một kiến trúc sư duy nhất không tránh khỏi sẽ mang lại sự đơn điệu đáng tiếc về phong cách”.

Đò án của Paul Champoudry được Toàn quyền Đông Dương duyệt năm 1906, nhưng chỉ được thực thi một phần thì bị ngưng trệ vì thiếu kinh phí trầm trọng và sự thiếu nhất quán trong chính sách của chính quyền ở thuộc địa. Đà Lạt đứng trước nguy cơ bị chìm vào quên lãng.

Tuy nhiên sau đại chiến thế giới thứ nhất, Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut đã bày tỏ mong muốn biến Đà Lạt trở thành điểm nghỉ mát trên cao số 1 của Đông Dương. Năm 1921, kiến trúc sư Ernest Hébrard nhận nhiệm vụ thiết lập đồ án quy hoạch Đà Lạt.

Đồ án năm 1923 của Hébrard, trong đó việc quy định về mặt kiến trúc đã có sự đối lập với mong muốn trước đó của Paul Champoudry. Hébrard mong muốn có sự thống nhất tuyệt đối về phong cách xây dựng, tạo ra một hệ thống kiến trúc được cho là hiện thân của lý trí khoa học và dung nạp văn hóa, hàm ý một sự cân bằng hoàn hảo giữa quá khứ và tương lai, mỹ học và công nghiệp, nghệ thuật cao và tính chất bản địa. Điều đó có nghĩa là sẽ kiểm soát không chỉ những công thự vốn nằm trong phạm vi trách nhiệm của ông, mà cả những ngôi biệt thự tư nhân nữa.

Phác họa Đà Lạt theo đồ án của Hébrard

Vì muốn có sự đồng nhất tuyệt đối và kiến trúc nên Hébrard cự tuyệt quan điểm không can thiệp và cho phép nhiều phong cách đa dạng của Champoudry.

Hôtel du Parc thập niên 1920, sau 1975 là Novotel Dalat Hotel, rồi lại đổi thành Mercure Dalat Hotel

Quy hoạch năm 1923 của Hébrard đề nghị rằng “để tránh sự xấu xí du nhập vào Đà Lạt, các ngôi biệt thự nên dựa trên những sơ đồ do chính quyền cung cấp, kèm theo các cam kết là phải thực hiện đúng theo đó. Có thể dễ dàng thiết kế nhiều kiểu nhà khác nhau, và các thầu khoán sẽ xây dựng những biệt thự đúng tiêu chuẩn này với chi phí đã ấn định trước. Hệ thống này đã thành công tại Welwyn City, gần London”. Hébrard lập luận rằng những chủ biệt thự có quyền trông đợi những hàng xóm tương lai xây những ngôi biệt thự tương tự như của họ.

Năm 1925, Hébrard còn đệ trình một loạt thiết kế cho Ủy ban vệ sinh công cộng của Đà Lạt, trong đó nhiều bản vẽ những ngôi nhà chấp nhận được về phương diện vệ sinh và thẩm mỹ đã được phân phát cho các công ty xây dựng và bất động sản.

Đồ án quy hoạch Đà Lạt của Hébrard được áp dụng gần 10 năm thì tình hình có nhiều biến đổi. Cuộc khủng hoảng năm 1933-1935 xảy ra, tình hình kinh tế tài chính khó khăn khiến người ta phải xem xét lại giá trị áp dụng của đồ án Hébrard. Vì lý do kinh tế, việc thực hiện đồ án đầy tham vọng của Hébrard rất tốn kém, nên cần có một đồ án chỉnh trang mới, chính xác, cụ thể hơn, kèm theo những quy định có hiệu lực pháp lý để hướng dẫn mọi công tác xây dựng, nhất là những sáng kiến tư nhân khi họ có yêu cầu xây dựng công trình, nhà cửa.

Biệt thự nghỉ mát của Thống đốc Nam Kỳ (thập niên 1920). Trước 1975 là tòa Hành chánh tỉnh Tuyên Đức. Nay là UBND Tỉnh Lâm Đồng

Vào năm 1933, kiến trúc sư Louis Georges Pineau (1898 – 1987) trình bày một nghiên cứu mới về “Chỉnh trang thành phố Đà Lạt” có quan niệm thực tế hơn Hébrard: Trước mắt Đà Lạt chưa là thủ đô hành chính hay là thủ đô nghỉ hè của Đông Dương, chương trình phát triển đựợc giới hạn lại, chỉ chỉnh trang một nơi nghỉ dưỡng với mức phát triển tương đối vừa phải.

Trong thời kỳ này, vô số những ngôi biệt thự được mọc lên ở Đà Lạt, khi đó thì đồ án của Hébrard đã xếp lại, còn đồ án của người quy hoạch tiếp theo là Pineau đã ưu tiên phong cách Pháp cho những biệt thự tư nhân, còn các công thự thì ưa chuộng phong cách hiện đại. Pineau đã ghi lại như sau:

“Kiến trúc nào sẽ được lựa chọn cho Đà Lạt? Không có gì nghi ngờ, câu trả lời sẽ là phong cách Châu Âu, và dĩ nhiên là Pháp, đến mức độ người ta thậm chí có thể nhận ra một trường phái kiến trúc hoàn toàn Pháp. Có một thực tế về địa lý nhân văn là khi một người đi xa, người ta mang theo bên mình hình ảnh về nơi đã từng sống…”

Đôi tình nhân và căn biệt thự ven hồ, Đây là tư gia của dược sĩ Nguyễn Thị Hai, nguyên phó chủ tịch Hạ Nghị Viện. Sau năm 75 căn biệt thự này bị tịch thu và trưng dụng làm nhà hàng Xuân Hương

Phong cách đa dạng, không kiểm soát của kiến trúc ở Đà Lạt không đưa đến sự hỗn loạn quá lớn như sự lo lắng của Hébrard, mà ngược lại, kiểu dáng đa dạng của những biệt thự Đà Lạt đã trở nên độc đáo và nổi tiếng cho đến tận ngày nay.

Một câu hỏi thú vị mà nhiều người quan tâm, đó là các biệt thự Đà Lạt được xây dựng ra sao? Trong hồ sơ giấy tờ của Paul Veysseyre, một trong những kiến trúc sư chính làm việc ở Đà Lạt vào cuối thập niên 1930, đầu thập niên 1940 (là nhà thiết kế của nhiều công trình tôn giáo và hơn 50 biệt thự ở Đà Lạt, trong đó có 2 dinh Bảo Đại), người ta tìm thấy những quyển sách nhỏ, hình cắt từ báo chí, những mẩu quảng cáo từ những tạp chí kiến trúc thời đó. Chắc chắn là ông kiến trúc sư này đã đưa chúng cho khách hàng xem để lựa ra một mẫu nhà ưng ý nhất trong số những thiết kế mới nhất, bao gồm những phong cách vùng miền, và những biệt thự mùa hè ở Côte d’Azur.

Dinh II của vua Bảo Đại

Từ tài liệu này cho thấy, các thiết kế biệt thự của Đà Lạt dựa trên các phong cách kiến trúc đa dạng, chứ không đơn thuần là bắt chước những thiết kế ở Pháp.

Ngày nay, người ta vẫn còn thấy lại những biệt thự cổ mang phong cách Trung Âu hoặc Bắc Âu. Phong cách biệt thự Berghaus tìm thấy sự tương đồng nào đó trong hình dáng cong tròn tao nhã của Lycee Yersin (nay là trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt) và ngọn tháp chuông thanh thoát của nó.

Trong một tài liệu viết năm 1943, Claude Perrens đã ví kiến trúc của Lycee Yersin với tháp chuông của tòa thị chính Stockholm (Thụy Điển). Sự giống nhau quả là đáng kinh ngạc. Sự song hành của phong cách Scandinavia và Bắc Âu được lặp lại nhiều lần.

Tòa thị chính Stockholm

Suzanne Coussillan – người đã ở Đà Lạt năm 1946, kể lại rằng nơi này gợi nhớ Thụy Sĩ, hay thậm chí là Na Uy. Sở dĩ như vậy là vì nhà quy hoạch Pineau có quan hệ mật thiết với mạng lưới những kiến trúc sư đến từ Đức, Hà Lan và Thuy Sĩ. Ông đã nhờ các đồng nghiệp này gởi những ấn phẩm của họ đến Đông Dương.

Không phải tất cả những ngôi biệt thự ở Đà Lạt đều thuộc sở hữu tư nhân. Nhiều chi nhánh của các cơ quan chính quyền thuộc địa ở Sài Gòn lẫn Hà Nội đã mua và xây dựng các dinh thự nghỉ mát cho nhân viên của mình.

Sang đầu thập niên 1940, nước Pháp và Đông Dương dưới sự kiểm soát của chính thể Vichy (chính phủ phe Trục), là thời mà Đà Lạt có sự quay lại với lối quy hoạch tập trung cứng nhắc kiểu Hébrard, vì chính thế mới cho rằng không tìm thấy cá tính riêng của Đà Lạt, mà chỉ là sự sao chép, bắt chước phong cách của nhiều nơi ghép lại.

Năm 1942, vùng ngoại ô phía Bắc Đà Lạt xuất hiện một phân khu được quy hoạch xây dựng một khu cư xá, đặt tên là Cư xá hoa viên Đô đốc Decoux (theo tên của Toàn quyền Đông Dương chính phủ Vichy lúc đó), là những biệt thự liền kề quy mô nhỏ dành cho những người Âu châu trước đó đã bị gạt ra khỏi Đà Lạt vì không có khả năng trả tiền khách sạn hoặc mua một biệt thự riêng.

Khu nhà theo kiểu khu đô thị hiện nay, những ngôi nhà nằm liền kể nhau gợi nhớ về những ngôi nhà mái dốc vùng Alps, nằm ở khu vực gần trường Đại học Yersin ngày nay (trước 1975 là trường trung học Trần Hưng Đạo). Đó là những ngôi nhà được gọi là “đơn giản mà tao nhã, được quy hoạch hoàn hảo, và được trang bị đơn sơ”. dành cho những người da trắng nghèo ở Đông Dương.

Cũng trong thời kỳ chính thể Vichy, những kiến trúc sư người Việt bắt đầu thiết kế và xây dựng thêm nhiều biệt thự ở Đà Lạt, nổi tiếng nhất trong số đó là Phạm Nguyên Mậu. Công luận lúc đó khen ông là người đã xây dựng những công trình vững chắc, với phần hoàn thiện trang nhã, trái ngược với một vài biệt thự được xây dựng một cách chắp vá trước đó vì thiếu kinh phí.

Nhắc tới những biệt thự cổ ở Đà Lạt, không thể không nhắc đến ngôi biệt thự có thể xem là nổi tiếng nhất và lâu năm nhất còn lại, được biết đến với cái tên dinh tỉnh trưởng Đà Lạt, là tư dinh của những người đứng đầu Đà Lạt. Thời thập niên 1950, nơi này thuộc về ông thị trưởng Đà Lạt, kiêm tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức, nên từ đó thường được gọi là Dinh Tỉnh Trưởng.

Dinh nằm trên một ngọn đồi cách chợ Đà Lạt chỉ vài trăm mét theo đường chim bay, cuối đường Lý Tự Trọng hiện nay. Từ trên dinh có thể nhìn bao quát được gần trọn vẹn thành phố mộng mơ.

Được xây dựng theo phong cách Pháp với một tòa dinh thự đồ sộ 2 tầng lầu và một tầng trệt. Dinh Tỉnh Trưởng là một trong những kiến trúc được người Pháp xây dựng sớm nhất ở Đà Lạt (từ trước năm 1910), đến nay đã tồn tại hơn 100 năm đang nằm khiêm tốn, lạc lõng trước những toà nhà hiện đại với lối kiến trúc pha tạp.

Tầng trên cửa sổ mở ra 4 hướng: phía nam nhìn ra khu chợ và khu người Việt, phía bắc nhìn lên hướng núi Lang Biang, phía đông nhìn xuống hồ, phía tây nhìn sang phía đồi ấp Mỹ Lộc. Một thời, nơi đây từng là Bảo tàng Lâm Đồng. Khi bảo tàng dời về đường Hùng Vương (P.10, Đà Lạt), thì dinh bị bỏ hoang phế.

Nguồn ảnh: vietnampropertyforum.vn

Một thời, nơi đây từng là Bảo tàng Lâm Đồng nhưng sau đó lại bị bỏ hoang phế khi bảo tàng dời về đường Hùng Vương (P.10, Đà Lạt). Đến năm 2011, tỉnh Lâm Đồng có chủ trương giao cho một nhà đầu tư tôn tạo công trình để khai thác kinh doanh, nhưng họ lại không thực hiện.

Năm 2019, ba phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh tỉnh trưởng thuộc quy hoạch chi tiết Khu trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) được trưng bày và vấp phải nhiều sự phản đối từ dư luận.

Đến tháng 10 năm 2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chọn phương án nâng dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt lên 28 m so với vị trí ban đầu, đồng thời xây dựng tổ hợp khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị 1.500 chỗ. Tuy nhiên phương án này tiếp tục bị nhiều người phản đối vì không bảo tồn được nguyên vẹn di sản độc đáo này, và cũng là mảng xanh duy nhất còn lại ở khu vực trung tâm Đà Lạt.

Mỗi căn biệt thự dường như đều có một “số mệnh” riêng từ khi sinh ra, có những căn bị nhà nước trưng dụng làm văn phòng, một số khác trở thành resort, vài căn bị bỏ hoang, rất ít căn thuộc sở hữu tư nhân và rất nhiều biệt thự vẫn còn “long đong” chưa được “định đoạt”.

Một trong những căn hiện đang được tô lên lớp sơn hiện đại

Biệt thự này hiện là một trong những văn phòng làm việc

Những trục đường chính có nhiều biệt thự cổ Đà Lạt gồm: Trần Hưng Đạo (khu Cadasa resort), đường Hoàng Diệu, đường Trần Bình Trọng (bao gồm cả khu biệt điện Trần Lệ Xuân) và một số đường hẻm dốc khác.

Những khu có biệt thự cổ đẹp nhất Đà Lạt còn đến hiện nay là Anna Mandara Dalat resort, Cadasa resort, khu biệt điện Trần Lệ Xuân và trung tâm lưu trữ quốc gia IV.

Một trong những căn biệt thự cổ trong khu Cadasa resort.

Biệt thự Violet ngày thứ tư nằm trong khu Cadasa

Một số hình ảnh khác của khu biệt thự cổ trên đường Trần Hưng Đạo (Cadasa resort)

Một số hình ảnh của Biệt điện Trần Lệ Xuân:

Khu biệt điện Trần Lệ Xuân có 3 biệt thự tuyệt đẹp là Hồng Ngọc, Lam Ngọc (có nơi gọi là Lâm Ngọc), Bạch Ngọc và khu vườn Nhật Bản lúc nào cũng xanh mướt cỏ cây.

Nằm ở số 2 đường Yết Kiêu, xung quanh là khu hành chính của công an thành phố, biệt điện Trần Lệ Xuân hơi “ẩn mình” so với nhiều điểm du lịch khác. Nơi này vắng vẻ so với những điểm du lịch mới nổi, trong khi khu biệt điện này mang vẻ đẹp rất trang nhã.

Vẻ đẹp của biệt thự Lâm Ngọc

Lâm Ngọc trước năm 75

Từ biệt thự Hồng Ngọc có thể nhìn được trọn vẹn thành phố Đà Lạt

Con đường sau biệt thự Lâm Ngọc là nơi bà Trần Lệ Xuân thường đi dạo

Với khuôn viên rộng 13.000 m2, khu biệt điện bao gồm biệt thự Bạch Ngọc với hồ bơi nước nóng hiện đại, biệt thự Lâm Ngọc nằm bên vườn hoa Nhật Bản và Hồng Ngọc với view toàn cảnh thành phố Đà Lạt xinh đẹp, trong đó biệt thự Lam Ngọc còn được trang bị hầm trú ẩn và đường hầm thoát hiểm riêng. Khu biệt điện được trùng tu và mở cửa lại vào năm 2008 và đồng thời trở thành trung tâm lưu trữ quốc gia IV.

Hồ bơi nước nóng trước Bạch Ngọc

Vẻ cổ kính phía sau Lâm Ngọc được tô điểm thêm bởi sắc hoa giấy

Nơi đẹp nhất trong khu biệt điện này có lẽ là vườn hoa Nhật Bản với sự chăm chút tỉ mỉ và đặc biệt là hồ nước thiết kế thành bản đồ hình chữ S của Việt Nam. Biệt thự Lam Ngọc nằm bên khu vườn này với cổng hoa rực rỡ sắc màu đẹp không kém gì những biệt thự của Âu châu.

Khu vườn Nhật Bản bên trong biệt thự Lam Ngọc

Hồ nước trong vườn Nhật Bản. Khu vườn được các chuyên gia đến từ Nhật thiết kế

Toàn cảnh khu biệt điện Trần Lệ Xuân

Hình ảnh khu biệt thự cổ Lê Lai (Ana Mandara Dalat Resort):

Một số hình ảnh của Lang-Bian Palace từ thập niên 1920. Sau năm 1954 đổi lại thành Dalat Palace:

Khu biệt thự ở Đà Lạt năm 1968

Nha địa dư quốc gia, tên thời Pháp là Le Service Géographique de l’Indochine, đến nay vẫn còn

chuyenxua.net biên soạn

Câu chuyện về những tỷ phú Sài Gòn xưa – Kỳ 6: Nguyễn Văn Hảo – Từ anh nông dân trở thành tỷ phú nổi tiếng Sài Gòn

Ngày nay, nhiều người hẳn vẫn tò mò về chủ nhân xưa kia của ngôi biệt thự cổ có hình dáng độc đáo như một con tàu, với mặt trước nhỏ và mở rộng dần về phía sau, giống như một “ốc đảo” biệt lập, hiện nay vẫn còn ở giữa bốn con đường Trần Hưng Đạo, Ký Con, Lê Thị Hồng Gấm và Yersin, toạ lạc ngay trung tâm quận 1, cách chợ Bến Thành chỉ vài phút đi bộ.

Xem xét xung quanh ngôi biệt thự này, người qua đường có thể nhìn thấy dòng chữ NG. V. HAO được khắc nổi rất lớn trên cửa chính và các cửa sổ của ngôi biệt thự tại các mặt quay ra đường. Đó chính là tên của vị chủ nhân Nguyễn Văn Hảo, một đại gia nổi tiếng của Miền Nam xưa, ông trùm trong giới buôn bán phụ tùng xe hơi và là người sở hữu rạp hát lớn nhất của Sài Gòn trước 1975.

Từ anh nông dân phất lên thành ông chủ lớn

Tỷ phú Nguyễn Văn Hảo sinh năm 1890 tại xã Nhị Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh trong một gia đình bình thường với nhiều đời làm nông nghiệp. Cha ông có tới ba người vợ, mẹ ruột ông là vợ ba, còn ông Hảo là con thứ ba của mẹ mình. Thưở nhỏ, ông Hảo sống cùng cha mẹ ở quê nhà Trà Vinh, ngoài việc ruộng đồng phụ giúp gia đình, ông Hảo cũng được cha cho ăn học chút ít.

Sau này, thấy ông Hảo chững chạc, thông minh, lanh lợi và chăm chỉ nhưng chỉ ở nhà làm ruộng, ông Nguyễn Văn Kiệu, anh trai cùng cha khác mẹ với ông Hảo, lúc này đang là chủ một cửa tiệm kinh doanh phụ tùng ô tô làm ăn khá phát đạt ở trung tâm Sài Gòn, bèn đưa ông lên phụ giúp công việc kinh doanh của mình. Từ một người phụ việc, vốn chăm chỉ, lại ham học hỏi, chẳng mấy chốc ông Hảo đã học được nghề buôn bán, thay ráp phụ tùng, trở thành thợ chính trong tiệm của anh trai, đồng thời đưa được vợ con lên Sài Gòn sống cùng mình.

Sau thời gian dài làm việc cho anh trai, tích luỹ được số vốn liếng kha khá cùng kinh nghiệm làm ăn kinh doanh, ông Hảo ngỏ lời xin anh trai cho mở tiệm riêng trên đường Trần Hưng Đạo. Điều đặc biệt là cửa tiệm đầu tiên mà ông Hảo thuê và ăn nên làm ra từ đó thuộc sở hữu của gia đình chú Hoả, vị đại gia giàu có bậc nhất Sài Gòn xưa.

Khi công việc buôn bán phụ tùng, sửa chữa xe cộ đi vào ổn định, ông Hảo sắm một cây xăng bơm tay để trước cửa tiệm, mở bán thêm xăng xe, dầu nhớt các loại cho xe cộ qua lại và lui tới cửa hàng của ông. Dù mở tiệm sau nhiều thương nhân người Việt và cả người Pháp khác, nhưng với sự mềm dẻo, khéo léo và nhanh nhạy trong kinh doanh, cửa tiệm của ông Hảo luôn tấp nập khách ra vào. Khi công việc kinh doanh lớn hơn, ông Hảo giao lại việc buôn bán tại cửa tiệm cho vợ, kết hợp với bà con họ hàng mở thêm chi nhánh ở tỉnh, bản thân ông chủ yếu lo việc lấy hàng và giao dịch với chủ hàng từ Pháp. Theo lời kể lại, vợ ông Hảo cũng là một người kinh doanh khéo léo, chăm chỉ và biết chiều lòng khách hàng. Cánh tài xế đường dài từ miền Tây lên rất thích mua bán phụ tùng tại tiệm của vợ ông Hảo vì sự tận tình, cởi mở và dân dã, khác biệt hoàn toàn với những tiệm phụ tùng khác, nhất là cung cách xa lạ của các tiệm người Pháp. Đặc biệt, nếu là tài xế lái xe thuê đến mua hàng, bà Hảo còn “biếu” ngược lại họ vài đồng cà phê, thuốc lá cho vui.

Chẳng mấy chốc, vợ chồng ông Hảo đã có một số vốn lớn trong tay và tậu được miếng đất “vàng” ngay trung tâm quận 1 để xây một toà nhà lớn (chính là căn biệt thự cổ ngày nay). Toà nhà được khởi công xây dựng từ năm 1933, đến năm 1935 thì hoàn thành một phần, gia đình ông Hảo dọn vào sinh sống và kinh doanh, toà nhà sau đó tiếp tục được xây cất và hoàn thiện vào năm 1937.

Toà biệt thự có tổng diện tích khoảng 800m2, gồm có 3 tầng lầu và 1 sân thượng, được xây theo kiến trúc Pháp phổ biến thời bấy giờ, một số vật liệu xây dựng như gạch bông được nhập khẩu trực tiếp từ Pháp. Toàn bộ tầng trệt khu biệt thự được ông Hảo ngăn ra làm nơi kinh doanh buôn bán đủ thứ ngành nghề xoay quanh những chiếc xe hơi. Mặt tiền phía đường Trần Hưng Đạo, ông Hảo cộng tác với hãng Caltex mở cây xăng. Mặt tiền đường Lê Thị Hồng Gấm, ông mở garage bán xe.

Ảnh ngôi nhà chụp trước năm 1975 nhìn từ phía đại lộ Trần Hưng Đạo. Phía trước là bảng hiệu hãng vỏ xe Michelin và cây xăng Caltex

Phía bên hông biệt thự, hai mặt quay ra đường Ký Con và đường Yersin ông Hảo đặt văn phòng làm việc, cửa hàng bán phụ tùng xe hơi và nhà kho. Ở các tầng trên, nửa trước căn nhà phía đường Trần Hưng Đạo là nơi ở của đại gia đình ông, nửa phía sau đường Lê Thị Hồng Gấm, ông Hảo ngăn thành 6 căn hộ cho thuê.

Nói thêm về việc kinh doanh xe hơi của ông Hảo, từ năm 1940, ông Hảo liên hệ với các hãng xe từ phương Tây, nhập xe hơi nguyên chiếc về bán cho người Việt. Một số thương hiệu xe hơi mà ông kinh doanh có thể kể đến như Fiat, Nash, Lancia,…. Bên cạnh bán xe, ông Hảo bao thầu luôn các dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa cho các hãng xe, đồng thời làm đại lý vỏ ruột xe hơi cho hãng Michelin. Có thể nói, dù xuất thân từ nông dân, học vấn ít ỏi, ông Hảo đã nhanh chóng học hỏi và có những mối quan hệ làm ăn sâu rộng với người Pháp; đồng thời với phong cách kinh doanh bình dân, tận tâm, gần gũi với khách hàng người Việt, ông cạnh tranh trực tiếp và là đối thủ đang gờm của các thương nhân người Pháp làm ăn tại Sài Gòn.

Việc kinh doanh tiếp tục phất lên, thấy khu đất gần đó (nằm giữa 4 con đường Trần Hưng Đạo, Bùi Viện, Đề Thám, Nguyễn Thái Học) có diện tích và vị trí đắc địa không kém khu đất hiện tại, ông Hảo tiếp tục tung tiền thu mua và đầu tư xây dựng hai dãy nhà lầu với khoảng hơn 20 căn liền kề ở khu vực “mũi tàu” để cho thuê kinh doanh.

Cư xá Nguyễn Văn Hảo ở góc Trần Hưng Đạo – Bùi Viện, tòa nhà trong hình này từng cho thuê phòng trà Tháp Ngà (Tour d’Ivoire) nổi tiếng một thời, ngày nay vẫn còn

Chỉ tính riêng tiền cho thuê khu nhà này mỗi năm ông Hảo đã thu được hàng ngàn đồng bạc Đông Dương. Phần cuối khu đất ông xây dựng rạp hát cải lương mang tên mình, chính là rạp Nguyễn Văn Hảo nổi tiếng.

Dãy nhà ngói đỏ là khu nhà của ông Nguyễn Văn Hảo cho thuê
Cư xá Nguyễn Văn Hảo góc Trần Hưng Đạo – Bùi Viện vào thập niên 1950

Xây Rạp Hát vì yêu Cải Lương

Sinh ra và lớn lên ở xứ sở cải lương, ông Nguyễn Văn Hảo cũng như bao người dân miền Tây khác, mê cải lương từ trong máu thịt. Chính vì vậy mà khi có đủ lực về tài chính, ông bèn xúc tiếc việc xây rạp hát Nguyễn Văn Hảo.

Trước năm 1960, rạp Nguyễn Văn Hạo được coi là “thánh đường” cải lương, một số nghệ sĩ gọi rạp bằng cái tên “hàng không mẫu hạm” Nguyễn Văn Hảo. Sở dĩ những cái tên như vậy ra đời là bởi đây là rạp hát cải lương lớn nhất, đắt khách nhất Sài Gòn thời đó. Rạp có đến ba tầng khán phòng với 1.200 chỗ ngồi. Tầng trệt của khán phòng đặt 500 chiếc ghế tựa, lót nệm, bọc da đỏ sang trọng dành cho 2 hạng vé cao nhất, khách VIP và hạng nhất. Tầng 2 gồm cũng gồm 400 ghế tựa, lót nệm, bọc da đỏ tương tự như tầng trệt dành cho vé hạng nhất và hạng nhì tuỳ theo hàng ghế. Tầng trên cùng, tầng 3 là khu vực dành cho vé hạng ba, có 300 chỗ ngồi là những băng ghế dài, đóng thành từng tầng từ thấp lên cao để khán giả có thể dễ dàng nhìn thấy sân khấu.

Ngoài 1.200 chỗ ngồi chính thức này, có những vở diễn lượng khách đến xem quá đông, người ta còn bán thêm vé ghế súp đặt dọc các đường đi để khách ngồi xem hát, có khi hết cả vé súp, khách chẳng cần câu nệ ghế ngồi, mua vé hạng đứng, chen chúc đầy các lối đi để xem hát. Lần đông nhất phải kể đến là vào năm 1953, đoàn Hoa Sen ra mắt vở Đoàn Chim Sắt tại rạp Nguyễn Văn Hảo, khách rần rần kéo tới rạp, đứng chật kín các hành lang, lối đi, chen lên cả bục sân khấu, lẫn hậu trường để xem hát.

Thập niên 1940 – 1960, rạp Nguyễn Văn Hảo là địa điểm mà các đoàn hát nổi tiếng như Hoa Sen, Năm Châu, Hương Mùa Thu,… thường chọn trình diễn khi ra mắt các vở cải lương mới, hoặc trình diễn một kỹ thuật diễn, hát mới.

Thập niên 1970, cải lương bị thất thế một thời gian dài khi điện ảnh các nước du nhập mạnh mẽ vào Việt Nam. Các rạp hát cải lương lần lượt phải đóng cửa hoặc chuyển đổi công năng. Rạp Nguyễn Văn Hảo cũng không tránh khỏi vòng xoáy đó. Năm 1970, rạp Nguyễn Văn Hảo được ông Nguyễn Văn Đối thuê lại, để sửa sang làm rạp chiếu phim. Từ “thánh địa” cải lương thập niên 1950-1960, rạp Nguyễn Văn Hảo được gọi bằng một cái tên mới thức thời hơn là “Ciné Nguyễn Văn Hảo”.

Sau năm 1975, rạp Nguyễn Văn Hảo một lần nữa đổi tên thành rạp Công Nhân. Ngày nay, rạp Công Nhân còn có một tên gọi khác là Nhà hát kịch Thành phố, toạ lạc tại số 30 Trần Hưng Đạo, lưng quay về phía đường Bùi Viện.

Về quê xây chùa, xây chợ & làm việc thiện

Từ trước năm 1960, khi đang còn làm ăn rất phát đạt tại Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Hảo đã quay về Càng Long tìm mua một khu đất rộng 150 công với mục đích xây một ngôi chùa lớn cho quê hương mình. Sau khi được chính quyền chấp thuận, ông thuê kỹ sư Phan Hiếu Kinh thiết kế kiến trúc.

Điểm đặc biệt của chùa ông Hảo (Hảo Tâm Tự) là ngôi tháp cao 9 tầng và lối kiến trúc tân thời pha lẫn Á Đông. Do ở quê, điều kiện giao thông, thợ thuyền và vật liệu đều mua bán khó khăn nên phải mất 8 năm ròng rã ngôi chùa mới cơ bản hoàn thành.

Ông Hảo có hai bà vợ, bà vợ đầu là người ông cưới khi còn trẻ ở quê, hai người có 1 người con chung là ông Nguyễn Tâm Thạnh sinh năm 1929 tại Càng Long, cũng là người con ruột duy nhất của ông Hảo. Sau gia đình ông Hảo nhận thêm một người cháu ruột làm con nuôi. Bà vợ đầu chính là người đã cùng chung tay kinh doanh, buôn bán, gây dựng lên sự nghiệp lớn cùng ông.

Về người con trai tên Nguyễn Tâm Thạnh, dù được sinh ra và bao bọc trong gia đình giàu có, được cha mẹ cho ăn học đầy đủ ở trường Tây, có thời gian được gửi lên Đà Lạt học. Nhưng theo lời kể của nhiều người, khác với tính cách ôn hoà, niềm nở, chịu thương chịu khó của cha mẹ, ông Thạnh lại có phần nóng nảy, không thích công việc kinh doanh và khá ham chơi. Ông thường kết giao thân thiết, tụ tập chơi bời, đua xe, bắn chim với nhiều “công tử” Sài Thành thời đó. Ngoài ra, ông Thạnh còn có sở thích lái xe jeep đi rừng, có khi đi suốt mấy tháng trời, ở dài ngày trong các cánh rừng từ Đồng Nai, Ninh Thuận, Lâm Đồng và ra tận Khánh Hoà.

Năm 1966, vợ cả qua đời, ông Hảo lúc này 76 tuổi, người con trai duy nhất là Nguyễn Tâm Thạnh dù đã 37 tuổi nhưng không thể tiếp quản việc kinh doanh của cha mẹ. Ông Hảo quyết định đóng cửa công ty kinh doanh phụ tùng, giao gara xe và cây xăng cho người con nuôi quản lý kinh doanh, các tài sản khác ông giao lại cho con trai Nguyễn Tâm Thạnh. Về phần mình, ông Hảo trở về quê nhà Càng Long, sinh sống từ đó cho tới lúc mất cùng người vợ sau.

Tuy nhiên, là người năng động tích cực, ông Hảo chẳng ở không được bao lâu, về Càng Long, ông lại tiếp tục mua đất xây chợ, xây các dãy nhà phố làm chỗ cho người dân trong vùng mua bán. Ông Hảo cũng từng vác đơn xin phép chính quyền xây cầu vượt, cầu nối bắc ngang sông để thuận tiện đi lại nhưng không được cấp phép.

Những năm cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970, chùa ông Hảo trở thành nơi che chở, trú tránh, nuôi dưỡng những người dân chạy loạn từ khắp nơi lui tới. Những thửa đất dư quanh chùa, ông Hảo cho dân trong vùng mượn để trồng cấy, mưu sinh. Nhiều nguồn tin cho rằng, thời gian ở Càng Long, ông Hảo còn bí mật ủng hộ rất nhiều tài sản, tiền bạc, vật dụng, thuốc men, lương thực gửi vào vùng kháng chiến.

Năm 1971, ông Hảo qua đời khi đang ở tại Sài Gòn. Theo di nguyện, con cháu đưa ông về an táng tại khu mộ riêng của gia đình được xây sẵn từ năm 1940 tại Càng Long. Khu mộ của gia đình ông Hảo, sau nhiều biến cố thời cuộc, nhiều lần bị đào bới để trộm cắp tài sản hiện vẫn còn tồn tại. Sau khi ông Hảo qua đời, người vợ sau của ông Hảo là bà Nguyễn Thị Dài đã thay chồng coi sóc ngôi chùa. Năm 1975, toàn bộ tài sản của ông Hảo, trong đó có ngôi chùa và cả khu thờ cúng của gia đình ông Hảo bị “tịch thu” sung công, bà Dài tiếp tục ở lại trong ngôi nhà nhỏ cạnh khu thờ tự cho đến năm 1979 thì qua đời và chính quyền “tịch thu” hoàn toàn các khu nhà này.

Hậu duệ nghèo khó

Như đã kể ở trên, ông Hảo chỉ có một người con trai duy nhất là ông Nguyễn Tâm Thạnh, nhưng ông Thạnh lại không đủ lực để tiếp quản gia nghiệp hay làm nên nghiệp lớn như cha. Ngược lại hoàn toàn với người cha chỉ hiếm hoi có một con độc nhất, ông Thạnh lại rất đông con, riêng với người vợ thứ ba đã sanh cho ông tới 9 người con. Chính vì vậy, sau biến cố năm 1975, khi toàn bộ tài sản của gia đình bị kê biên, gia đình ông Thạnh chỉ được giữ lại phần diện tích nhà đã sinh sống từ thời ông Hảo là hai tầng trên ở nửa toà biệt thự phía trước.

Năm 1976, ông Thạnh từng có thời gian về Bà Rịa làm rẫy nhưng cũng chẳng thể lo nổi cho bầy con đông đúc. Để có tiền nuôi gia đình, ông Thạnh phải lần lượt gỡ bán hầu hết các đồ vật quý giá trong nhà, hết đồ quý giá phải bán luôn những thứ cơ bản, đến cả những tấm kính chồng ồn cũng phải gỡ bán. Con cái ông Thạnh lớn lên trong cảnh thiếu thốn, bần hàn, hầu hết không được học hành đầy đủ. Hiện nay, những người con của ông Thạnh đều đã trưởng thành, con cháu đề huề, nhiều người vẫn sống cả gia đình trong những căn phòng ở căn biệt thự cũ, có người phiêu bạt về quê hoặc đi nơi khác sinh sống nhưng hầu như tất cả đều vất vả với những công việc tay chân, làm đủ nghề để sống.

chuyenxua.vn biên soạn

Lịch sử hình thành và những hình ảnh đẹp nhất của Hồ Xuân Hương ngày xưa ở trung tâm Đà Lạt

Đà Lạt là một nơi chốn kỳ lạ, rất gần gũi và thân quen với những ai từng đặt chân tới, là nơi dễ dàng làm cho du khách phải lòng ngay từ lần đầu gặp gỡ. Đà Lạt mang một vẻ đẹp đắm say hiếm nơi nào ở Việt Nam có được, dù cho ngày nay đã mất đi nhiều phần.

Nhắc đến Đà Lạt, người ta thường nhớ đến hồ Xuân Hương ở ngay trung tâm thị tứ đã tồn tại từ hơn 100 năm trước, là hồ nước tuyệt đẹp, thơ mộng, trữ tình mà cho đến nay nhiều người vẫn tưởng là “hồ tự nhiên”.

Thực tế, đây là hồ nước nhân tạo đã được đào từ thuở Đà Lạt còn hoang sơ, ban đầu chưa có tên gọi mà thường được ghi chung chung là Lac (tiếng Pháp nghĩa là “hồ”), Grand Lac (Hồ Lớn) hoặc Lac de Dalat (Hồ Đà Lạt). Trong nhiều tài liệu tiếng Pháp, hồ nước trung tâm này được ghi rõ là “Le lac artificiel” (dịch nghĩa là hồ nhân tạo).

Năm 1937, một ký giả người Pháp đã viết về Đà Lạt thuở đó và nhắc tới hồ nhân tạo này như sau:

“Ở Đà Lạt, quyết tâm của người Pháp đã tạo ra một thành phố tao nhã và hài hòa, phát triển theo đúng cái cách thức đã biến nó thành một tiểu thương đường thực sự, trong một môi trường của những vườn hoa và cây thông… Khi thiết kế thành phố, chúng ta tránh những tòa nhà phô trương và vô duyên. Khắp mọi nơi, những biệt thự xinh xắn nằm khép mình sau những vườn hoa nhiều màu sắc, những khu vườn đầy các loại hoa có xuất xứ từ châu Âu. Những con đường rộng tráng nhựa và có không gian thoải mái. Trên mặt nước trong trẻo của hồ nhân tạo rộng lớn, những con thiên nga tuyệt đẹp chậm rãi bơi qua…”

Ngay từ 100 năm trước, hồ trung tâm Đà Lạt đã là một điểm nhấn cho xứ sở được xây dựng với mục đích nghỉ dưỡng của người Pháp, và cho đến tận ngày nay, hồ Xuân Hương trở thành một phần không thể thiếu của thành phố này. Nếu như không có hồ Xuân Hương với những làn sương mờ ảo trên mặt hồ trong buổi sớm mai, thì có lẽ Đà Lạt bị mất đi phần nhiều vẻ đẹp lãng mạn và nhiều người yêu mến.

Vào năm 1944, trong một bài phỏng vấn của tạp chí Indochine, tỉnh trưởng tỉnh Lang Bian trong thời gian 1917-1920 là Cunhac cho biết như sau:

“Hồ được hình thành tương đối gần đây. Thực vậy, do sáng kiến của tôi, hồ được làm vào năm 1919, do kỹ sư công chánh Labbé thực hiện. Vào khoảng 1921-1922, theo lệnh của Công sứ Garnier, đập đất cũ chống đỡ con đường đã được nâng cao và kéo dài thêm và năm sau đó, một cái đập thứ hai được xây dựng ở hạ lưu, như vậy hình thành hai hồ nước. Do không có đập tràn (déversoir), cả hai đập bị vỡ do những cơn dông dữ dội của trận bão tháng 5 năm 1932; ngay sau đó chúng được làm lại trong cùng những điều kiện như trước. Con đập bằng đá được xây dựng vào khoảng 1934-1935, xa hơn một chút về phía hạ lưu so với các con đập cũ.”

Tuy nhiên, người đầu tiên có sáng kiến xây dựng một hồ nước giữa trung tâm Đà Lạt không phải là Cunhac. Ngay từ đầu thế kỷ 20, người phụ trách công chánh ở Đà Lạt là ông Rousselle đã trình bày dự án này cho công sứ Phan Rang là Odend’hal (vào năm 1902, Đà Lạt vẫn trực thuộc tỉnh Phan Rang, đến năm 1916 thì tỉnh Lang Biang mới được thành lập, cùng lúc với thị tứ Đà Lạt).

Đà Lạt thập niên 1920, cách đây 100, khi đang được xây dựng

Sau đây là thông tin về việc đào hồ đăng trên tập san Sử Địa 23-24 năm 1971 – Đặc khảo Đà Lạt.

Kiến trúc sư Louis-Georges Pineau – tác giả của Đồ án chỉnh trang và mở rộng Đà Lạt năm 1933 – đã đánh giá tầm quan trọng của hồ nước này như sau:

“Hồ nước là trung tâm và là sức hấp dẫn của Đà Lạt. Không có hồ nước thì khi đi ngang qua thành phố, thung lũng Cam Ly chỉ là một vùng trũng sình lầy. Baguio – trạm nghỉ dưỡng vùng cao của Philippines, đã hiểu quá rõ tầm quan trọng của nước trong một phong cảnh miền núi và trong một thành phố nghỉ dưỡng, nhưng đành phải bằng lòng với Công viên Burnham (Burnham Park) của một bồn trũng hình chữ nhật – thua xa vẻ đẹp của Hồ Đà Lạt.

Hồ Xuân Hương hình thành một phần từ năm 1919, tại nơi vốn là một vùng đầm lầy có dòng sông Cam Ly (người dân quen gọi là suối Cam Ly) chảy qua. Sông Cam Ly là một phụ lưu của sông Đa Dâng (Đa Dâng là thượng nguồn của sông Đồng Nai). Trên dòng Cam Ly đi qua có nhiều thắng cảnh nổi tiếng của Đà Lạt, ngoài hồ Xuân Hương còn có hồ Than Thở, thác Cam Ly và thác Voi. Trước khi hồ được đào, vùng đầm lầy này là nơi mọc nhiều có lác để dệt chiếu, và là ruộng lúa của người Lạch sản xuất ven dòng Cam Ly. Ở gần ngay đó là một buôn của người Lạch.

Các kỹ sư công chánh đã xây đập nước để ngăn dòng Cam Ly và đào rộng ra để thành một hồ lớn ở chính giữa Đà Lạt. Ruộng lúa vốn nằm trong lòng hồ, nên người Lạch phải dời đến buôn Rơhàng Kròc (người Pháp phiên âm là Ankroet). Sau đó, khi xây dựng đập Suối Vàng, người Lạch lại phải dời đến buôn Đờng Tiang Đe ở trung tâm huyện Lạc Dương hiện nay.

Năm 1923, hồ được mở rộng thêm và xây thêm một đập nước thứ 2 ở phía dưới tạo thành 2 hồ. Tháng 3 năm 1932, một cơn bão lớn làm bểt cả 2 đập nước làm cho tràn hồ, gây thiệt hại thảm khốc về người.

Trận lụt làm bể đập năm 1932, nước tràn hồ

Vì vậy đến năm 1934 – 1935, một kỹ sư người Việt là Trần Đăng Khoa thiết kế và xây dựng một đập lớn bằng đá: đó là cầu ông Đạo ngày nay.

Đập Ông Đạo, nay là cầu Ông Đạo

Đập nước nằm trước Dinh Quản Đạo mà vị Quản đạo (tương đương với vị trí chủ tịch của địa phương) nên được dân địa phương gọi là “ông Đạo”, và khi đập cũng là cầu xây xong, người dân quen gọi là “Cầu Ông Đạo” cho đến tận ngày nay.

Cầu Ông Đạo thập niên 1950

Ông Quản Đạo thời điểm đó là Trần Văn Lý, sau 1955 trở thành lực lượng đối lập với tổng thống Ngô Đình Diệm, từng ra ứng cử tổng thống vào năm 1967.

Thảm kịch vỡ đập và lũ lụt năm 1932 đã đẩy nhanh tiến độ mở rộng hồ và nạo vét lòng hồ, đồng thời một câu lạc bộ du thuyền được thành lập trên hồ trong thời gian này, mang tên “La Grenouillère”, dịch nghĩa là Đầm Ếch, vì nó có hình dáng tựa một con ếch, cấu trúc nhà sàn trên cột như bay bỗng trên mặt nước. Đây là công trình nổi bật gắn liền với hồ Xuân Hương vẫn còn cho đến nay và được người dân gọi là Thủy Tạ.

Hồ Lớn và La Grenouillère

Sau đó, do nhiều nguyên nhân nên phong trào thể thao bơi lội ở Đà Lạt không phát triển được, Câu lạc bộ được giao thầu khai thác như một quán giải khát nhỏ.

Sau 1975, Nhà Thuỷ Tạ trở thành một nhà hàng nhỏ dưới sự quản lý điều hành của Công ty Du lịch Lâm Đồng. Công trình kiến trúc Nhà Thuỷ Tạ luôn được tô điểm với màu vôi trắng nổi bật trên nền xanh của mặt nước hồ Xuân Hương, đã trở thành một hình ảnh đặc trưng của Đà Lạt.

Trước nhà Thuỷ tạ là một vườn hoa nhỏ (ngày xưa gọi là vườn hoa Tao Đàn) với nhiều loài hoa đẹp, trong đó có một trong những cây phượng tím (Jacaranda acutifolia) xưa nhất trồng từ năm 1960.

Hình ảnh đầu thập niên 1930, khi chưa có Thủy Tạ

Những ngày đầu khi phố thị Đà Lạt được hình thành, một khu người Việt được quy hoạch ở sát hồ, về phía Đông, nhằm nằm tách biệt với khu vực người Âu châu. Cả một thời kỳ, hồ Xuân Hương (lúc này được gọi là Hồ Lớn) đóng vai trò như là một sự phân cách người An Nam đối với người Âu Châu, trong chủ trương phân định, tách biệt dân cư của những người kiến tạo nên Đà Lạt vào lúc đó.

Tên gọi hồ Xuân Hương chỉ được gọi từ khoảng đầu thập niên 1950, được thị trưởng Đà Lạt lúc đó là Nguyễn Vỹ đặt, với ý nghĩa là hương của mùa xuân. Chính ông này cũng là người đặt tên cho Thung Lũng Tình Yêu khi nhận thấy nơi đó có được nhiều đôi tình nhân ưa thích, thường cùng nhau hò hẹn.

Hồ Xuân Hương cũng trùng với tên của nữ thi sĩ nổi tiếng, nên nhiều người nghĩ rằng có sự liên quan khi đặt tên, nhưng không có thông tin xác thực nào được ghi chép lại.

Hồ nước này đã trải qua nhiều lần sửa chữa vào các năm: 1947, 1953, 1979, 1984, 1996.

Lần sửa chữa năm 1984, đáy hồ được nạo vét chủ yếu bằng thủ công và gia cố xi phông. Từ năm 1996, hồ Xuân Hương được tôn tạo theo dự án gồm 4 hạng mục chính: Sửa chữa gia cố công trình xi phông tháo lũ kết hợp với cầu giao thông; Nạo vét hồ bằng phương tiện cơ giới, khôi phục diện tích mặt nước và dung tích hồ; Tôn tạo bờ hồ chống sạt lở, xây dựng các vườn hoa nhỏ, đường đi dạo quanh hồ; Xây dựng 4 hồ chứa ngăn chặn bồi lắng và chống ô nhiễm nguồn nước.

Vào mùa nắng, mặt hồ Xuân Hương trong xanh, phẳng lặng, nhưng vào mùa mưa, thỉnh thoảng nước đỏ ngầu do phù sa các dòng suối chảy về.

Hiện nay, Hồ Xuân Hương rộng 38ha, có độ sâu trung bình 1,5m, nằm trên độ cao 1478m so với mực nước biển, là nơi mà hầu như du khách nào đi Đà Lạt cũng ngang qua vài lần.

Một số hình ảnh hồ Xuân Hương qua các thời kỳ:



chuyenxua.vn biên soạn

Nhạc sĩ Song Ngọc và những ca khúc nổi tiếng

Nhạᴄ sĩ Song Ngọᴄ là một trong những nhạᴄ sĩ nổi tiếng nhất ᴄủa dòng nhạᴄ vàng với một số lượng lớn ᴄa khúᴄ nổi tiếng và đã trở thành bất tử, đó là những bài hát đượᴄ sáng táᴄ ᴄả trướᴄ và sau năm 1975. Ngoài vai trò là một nhạᴄ sĩ tên tuổi, ông ᴄòn là một doanh nhân thành đạt sau khi sang hải ngoại.

Nhạᴄ sĩ Song Ngọᴄ tên thật là Nguyễn Ngọᴄ Thương, sinh năm 1943 ở Long Xuyên. Bút danh Song Ngọᴄ đượᴄ ông ghép từ tên ᴄủa mình (Ngọᴄ Thương) với người bạn gái tên là Ngọᴄ. Ngoài ra ông ᴄòn sáng táᴄ với ᴄáᴄ bút danh Hàn Sinh, Nguyên Hà, Hoàng Ngọᴄ Anh, Anh Tuyến.


Click để nghe Hương Lan hát Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân thu âm trước 1975

Nhạᴄ sĩ Song Ngọᴄ ᴄó sự nghiệp sáng táᴄ đa dạng, phong phú về giai điệu lẫn thể loại. Nhắᴄ đến Song Ngọᴄ, người ta nhớ nhiều đến nhừng bài nhạᴄ vàng phổ thông đại ᴄhúng, như Xin Gọi Nhau Là ᴄố Nhân, Gặp Lại ᴄố Nhân… những bài nhạᴄ lính như Kỷ Niệm Một Mùa Hè, Người Nữ Đồng Đội, Thư ᴄho Vợ Hiền… đặᴄ biệt là loạt bài viết ᴄhung với nhạᴄ sĩ Hoài Linh là Một ᴄhuyến Bay Đêm, ᴄhúng Mình 3 Đứa, ᴄhiều Thương Đô Thị, Thiệp Hồng Anh Viết Tên Em, Nó Và Tôi… Song song với đó, ông ᴄũng viết nhạᴄ tình ᴄa trữ tình lãng mạn, từ những sáng táᴄ đầu tay là Mưa ᴄhiều, Tiễn Đưa, sau đó là Định Mệnh, Tình Yêu Như Bóng Mây, Hà Nội Ngày Tháng ᴄũ…

Nhạc sĩ Song Ngọc (đeo kính) và nhạc sĩ Hoài Linh

Ngoài khả năng sáng táᴄ, nhạᴄ sĩ Song Ngọᴄ ᴄòn là một tay trống ᴄó hạng, từng ᴄhơi trống trong ban nhạᴄ Khánh Băng. Sau năm 1975, ông trở thành doanh nhân thành đạt hiếm hoi trong giới nhạᴄ sĩ.

Nhạᴄ sĩ Song Ngọᴄ đến với âm nhạᴄ từ thuở ᴄòn rất nhỏ, 6 tuổi đã họᴄ đàn mandoline, sau đó tập tành sáng táᴄ từ khi ᴄòn theo họᴄ trường tư thụᴄ Tân Thịnh ở Tân Định.

Năm 1958, khi mới đượᴄ 15 tuổi, Song Ngọᴄ đã ra mắt nhạᴄ phẩm đầu tay là Mưa ᴄhiều với điệu Valse dìu dặt. Bài hát sau đó đã đượᴄ đài phát thanh Sài Gòn ᴄhọn hát nhiều lần qua những giọng ᴄa hàng đầu thời đó là Thái Hằng, Thái Thanh, Minh Trang, Ánh Tuyết, Kim Tướᴄ, ᴄhâu Hà… đượᴄ nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam mua bản quyền xuất bản. ᴄa khúᴄ tiếp theo là Bừng Sáng đã vinh dự đượᴄ ban hợp ᴄa Thăng Long trình diễn nhiều lần trên đài phát thanh.

Ông quen biết nhạᴄ sĩ Nguyễn Hiền khi tìm đến đài phát thanh Sài Gòn và đượᴄ nhạᴄ sĩ này hướng dẫn trong những bướᴄ đầu ᴄủa sự nghiệp sáng táᴄ, sau đó Song Ngọᴄ ᴄòn đượᴄ thụ giáo thêm với nhạᴄ sư Nghiêm Phú Phi.


Click để nghe Thái Thanh hát Bừng Sáng, ca khúc được nhạc sĩ Song Ngọc sáng tác năm 17 tuổi

Năm 1961, khi vẫn là một ᴄậu họᴄ trò, Song Ngọᴄ phổ nhạᴄ ᴄho bài thơ Tiễn Đưa ᴄủa Nguyên Sa, ᴄũng là bài thơ đầu tiên ᴄủa thi sĩ nổi tiếng này đượᴄ phổ nhạᴄ. Song Ngọᴄ kể lại rằng một hôm ᴄó một người bạn gái ᴄhép tặng ᴄho ông bài thơ ᴄó tựa đề là Tiễn Biệt. Ông tưởng rằng bài thơ là ᴄủa ᴄô bạn gái sáng táᴄ, vì rất thíᴄh bài thơ này nên ông đã thứᴄ trắng nguyên một đêm để phổ thành nhạᴄ, lấy tựa đề là Tiễn Đưa. Sau khi hoàn thành xong, ông ᴄầm bài hát đi khoe với bạn bè, thì mới đượᴄ bạn ᴄho biết đây là 1 bài thơ nổi tiếng ᴄủa thi sĩ Nguyên Sa đã sáng táᴄ lúᴄ ᴄòn du họᴄ ở bên Pháp trướᴄ năm 1954.


Click để nghe Khánh Ly hát Tiễn Đưa

Sau đó, nhạᴄ sĩ Song Ngọᴄ quyết định đến gặp thi sĩ Nguyên Sa tại nhà ở đường Pasteur để xin phép phổ bài thơ thành nhạᴄ. Dù  đượᴄ sự đồng ý ᴄủa Nguyên Sa, nhưng thi sĩ này không đồng ý để tên ᴄhung trong sáng táᴄ, nên sau đó bài nhạᴄ đượᴄ phát hành mà ᴄhỉ ghi tên ᴄủa Song Ngọᴄ ᴄhứ không ghi tên táᴄ giả lời thơ.

Thời điểm đó, Song Ngọᴄ ᴄòn rất nhỏ, ᴄhưa ᴄó tên tuổi gì, nên ᴄó thể vì vậy mà nhà thơ Nguyên Sa đã từ ᴄhối việᴄ để tên mình trên một nhạᴄ phẩm ᴄủa một ᴄậu họᴄ sinh ᴄhưa ai biết là ai.

Sau khi họᴄ xong trung họᴄ, vào giữa năm 1962, nhạᴄ sĩ Song Ngọᴄ nhập ngũ khóa 14 trường Bộ Binh Thủ Đứᴄ, đây ᴄũng là thời gian ông sáng táᴄ bài ᴄhiều Thương Đô Thị ᴄhung với nhạᴄ sĩ Hoài Linh, với nội dung là 1 người tiễn bạn ᴄủa mình vào lính.


Click để nghe Hương Lan hát Chiều Thương Đô Thị

Đó ᴄũng là ᴄa khúᴄ khởi đầu ᴄho hàng loạt ᴄa khúᴄ viết về người lính nổi tiếng đượᴄ 2 nhạᴄ sĩ ᴄó tuổi đời rất ᴄhênh lệᴄh này ᴄùng hợp soạn (nhạᴄ sĩ Hoài Linh sinh năm 1920, lớn hơn Song Ngọᴄ 23 tuổi). Tốt nghiệp trường BB Thủ Đứᴄ, nhạᴄ sĩ Song Ngọᴄ ra trường phụᴄ vụ tại tiểu đoàn TLᴄ Dân Sự Vụ, sau đó phụ tráᴄh văn nghệ ᴄho Tổng Y Viện ᴄộng Hoà.

Nhạc sĩ Song Ngọc và nhạc sĩ Nhật Ngân

Năm 1966, nhạᴄ sĩ Song Ngọᴄ lập gia đình với một người ᴄon gái mới 16 tuổi, và người vợ này đã gắn bó với ông ᴄho tận phút ᴄuối ᴄùng ᴄủa ᴄuộᴄ đời.

Vợ chồng nhạc sĩ Song Ngọc

Từ nửa ᴄuối thập niên 1960 ᴄho đến năm 1975, Song Ngọᴄ phụ tráᴄh một số ᴄhương trình âm nhạᴄ trên đài phát thanh và đài truyền hình, đồng thời ᴄhủ trương thựᴄ hiện 5 băng nhạᴄ Song Ngọᴄ, ᴄho đến nay vẫn ᴄòn đượᴄ nhiều người tìm nghe.


Click để nghe băng nhạc Song Ngọc</p

Sau năm 1975, gia đình nhạᴄ sĩ Song Ngọᴄ rời Việt Nam đúng ngày 30 tháng 4 năm 1975 dể sang Hoa Kỳ. Thời gian đầu trên xứ người, trong khi ᴄộng đồng người Việt phải ᴄhật vật mưu sinh, thì với sự tinh tường ᴄủa một nhạᴄ sĩ ᴄó đầu óᴄ kinh doanh, Song Ngọᴄ trở thành một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vựᴄ địa ốᴄ. Từ thập niên 1980, khi ᴄuộᴄ sống ᴄủa người Việt hải ngoại bắt đầu ổn định và nhu ᴄầu thưởng thứᴄ âm nhạᴄ, nhạᴄ sĩ Song Ngọᴄ sáng táᴄ trở lại và ᴄó nhiều ᴄa khúᴄ nhiều thể loại rất đượᴄ yêu thíᴄh, như Hà Nội Ngày Tháng ᴄũ, Yêu ᴄái Đèn ᴄù, Đàn Bà (năm 1984), ᴄhuyện Người Đàn Bà Ngàn Năm Trướᴄ (năm 1998).

Nhạᴄ sĩ Song Ngọᴄ qua đời vào ngày 14 tháng 10 năm 2018 tại thành phố Houston, Texas vì tai biến mạᴄh máu não sau khi nhập viện để điều trị những biến ᴄhứng ᴄủa 2 bệnh ung thư ᴄùng lúᴄ liên quan đến phổi và thận.

Đông Kha – chuyenxua.vn