Nữ văn sĩ Bà Tùng Long và một thời truyện “feuilleton” trên báo chí Sài Gòn 60 năm trước

“Bà Tùng Long là một văn sĩ nổi tiếng từ thập niên 1950 ở Sài Gòn. Bà viết văn giản dị, mộc mạc, lối văn của miền Nam, như Hồ Biểu Chánh nhưng hiện đại hơn vì bà được theo học chương trình trung học Pháp từ thời tiểu học ở Đà Nẵng, rồi sau đó là tại các trường nữ sinh danh tiếng là Đồng Khánh ở Huế, Gia Long (trường áo tím ở Sài Gòn).

Truyện của Bà Tùng Long là loại văn chương dễ đọc, phù hợp với người đọc đại chúng, với những câu chuyện mang tính chất luân thường đạo lý…, khác với loại văn chương trau chuốt của miền Bắc mà đại diện là Tự Lực Văn Đoàn”.

Đó là những lời giới thiệu của giáo sư Trần Văn Khê đối với nữ văn sĩ Bà Tùng Long. Ông là bạn học với em gái của bà, theo ký ức của mình, giáo sư Trần Văn Khê nói Bà Tùng Long có vẻ đẹp thanh lịch, quý phái, gia đình trung lưu và nề nếp.

Người đọc ở miền Nam cuối những năm 1950, suốt những năm 1960 và nửa đầu thập niên 1970, trong hơn 20 năm đã quen với cây bút của nhà văn, nhà báo nữ Tùng Long, thường ký kèm chữ “Bà” ở trước tên.

Về bút danh Bà Tùng Long, bà giải thích: “Các vị nho học của chúng ta có câu “Vân Tùng Long, Phong Tùng Hổ” nghĩa là mây theo rồng, gió theo cọp… Tôi tên Vân cho nên lấy bút danh Tùng Long. Và khi ký bút danh này, tôi thấy không trùng với ai, cho nên tôi dùng luôn đến nay. Vì ký bút danh Tùng Long, tôi sợ độc giả hiểu lầm tôi là đàn ông, cho nên tôi thêm chữ Bà vào để phân biệt.”

Bà Tùng Long nổi tiếng ở các truyện tâm lý xã hội, đăng trên các nhật báo như một số loại phụ trương nhiều kỳ vào thời ấy gọi là “feuilleton”. Bà cũng nổi tiếng về các mục giải đáp tâm sự của bạn đọc nữ trên các mục cố định của một số tờ báo hàng ngày hoặc định kỳ. Tờ báo mà bà Tùng Long có mặt thường xuyên nhất là Sài Gòn Mới của bà Bút Trà (chị dâu của chồng bà) làm chủ nhiệm.

Feuilleton (tiếng Pháp đọc là Phơi-dơ-tông), là dạng tiểu thuyết đăng báo nhiều kỳ. Người sáng tác viết tới đâu đăng báo tới đó, người đọc được đọc truyện gần như cùng thời điểm với người sáng tác. Việc tạo ra một khoảng cách rất gần giữa thời điểm viết ra truyện và thời điểm được người ta đọc tạo ra sự “nóng sốt” của tâm lý công chúng, tạo ra sức sống của văn hóa đọc…

Ở Nam kỳ và làng báo Sài Gòn, tiểu thuyết feuilleton xuất hiện từ những năm 1930, và một trong những tác giả viết feuilleton nổi tiếng lúc đó là Hồ Biểu Chánh. Bà Tùng Long có thể xem là người viết feuilleton nổi tiếng nhất thời thập niên 1960. Trong cùng thời điểm đó, người miền Nam cũng được đọc loạt feuilleton thể loại võ hiệp nổi tiếng của nhà văn Kim Dung đăng trên báo Hongkong và được Hàn Giang Nhạn dịch ra tiếng Việt để đăng trên các tờ nhật báo Sài Gòn.

Trước khi viết văn và làm báo, Bà Tùng Long từng dạy Pháp văn và Việt văn tại gia và ở các trường Les Lauries, Tân Thịnh, Đạt Đức… hồi đầu những năm 1950. Nhưng rồi sau đó bà bắt đầu viết truyện đăng từng kỳ cho một số nhật báo.

Lúc còn đi dạy, mỗi tháng lương bà có khi chỉ được 2.000 đồng, cao lắm là 10.000 đồng. Khi viết báo, tiền viết cho báo Phụ Nữ Ngày Mai, Phụ Nữ Diễn đàn cùng Văn Nghệ Tiền Phong được 15.000 đồng, tiền viết hai mục ở báo Tiếng Vang là 12.000 đồng. Tiền lĩnh ở báo Sài Gòn Mới cũng 12.000 đồng. Tính ra vàng là cả chục cây. Còn nhuận bút mỗi cuốn sách của bà trung bình khoảng 70.000 – 100.000 đồng/cuốn, lúc giá vàng là 5.000 đồng/lượng.

Nhờ tiền nhuận bút, bà có đủ tiền đề mua căn cư xá Chu Mạnh Trinh, nơi tập trung rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng, để chuyển gia đình về ở.

Bà Tùng Long và chồng là Hồng Tiêu

Hầu hết thời gian trong ngày của Bà Tùng Long đều dành cho việc lo lắng chăm sóc chồng con và viết lách. Ðêm nào bà cũng chong đèn ngồi viết, không nghỉ đêm nào, không một ngày du lịch nơi đâu. Cứ hết ba trang feuilleton cho báo này lại chuyển qua ba trang feuilleton cho báo khác.

Các tòa báo tự cho người đến nhà bà lấy bài về đăng mỗi ngày. Có lúc bà viết cùng lúc bốn tiểu thuyết dài kỳ cho bốn tờ báo.

Trong 20 năm làm báo và viết văn, người ta nói đùa là Bà Tùng Long đã viết được 1001 truyện ngắn, còn tiểu thuyết dài và vừa thì có gần 100 bộ. Sự thật thì bà đã xuất bản khoảng gần 70 bộ truyện dài, truyện vừa, còn truyện ngắn thì vài trăm cái. Ngoài ra bà cũng viết được khoảng vài chục truyện nhi đồng theo yêu cầu của nhà xuất bản.

Nhiều người đã lấy làm lạ là Bà Tùng Long đã lấy đề tài từ đâu để sáng tác được nhiều như vậy? Bà Tùng Long đã nói trong hồi ký là bà đã lấy đề tài ngoài đời do chính mắt thấy tai nghe ngay từ khi bắt đầu có hiểu biết và nhận thức được. Đó là những câu chuyện thường nhật có thể là tầm thường với nhiều người khác, nhưng qua cái nhìn của một người chuyên cầm bút thì nó đáng nhớ và đáng để suy nghĩ.

Ngoài ra, đề tài còn đến từ những chuyến đi xa, ở khắp miền Nam Trung Bộ, là vùng quê gắn liền với thời thơ ấu của nhiều biến động của Bà Tùng Long. Bà nói rằng từ nhỏ bà đã biết quan sát, cái gì không hiểu thì đã có người cha lúc nào cũng kề cận để hướng dẫn, dạy dỗ. Khi lớn lên, đi học và tiếp xúc bè bạn, bắt đầu có những va chạm đầu tiên với cuộc sống, những suy nghĩ và hành động lúc đó đã gây mầm, thu góp thành hành trang để giúp cho nghề viết sau này.

“Xã hội của tuổi trẻ thời học trò có nhiều gay cấn, biến động không ngừng, chính tình cảm con người với con người nảy sinh vào thời kỳ này rất quan trọng. Tình bạn, tình thầy trò, tiếp nối với tình yêu thương ở gia đình, tình phụ tử, mẫu tử, huynh đệ đã cho tôi thêm một mớ hành trang để đi vào đời viết văn” (Bà Tùng Long)

Nhà văn nổi tiếng Victor Hugo đã nói đại ý rằng ai mà có trái tim rung động, linh hồn nhạy cảm thì có thể cầm bút viết dễ dàng.

Ngay từ khi mới 9 tuổi, Bà Tùng Long đã quen thuộc với việc viết lách. Khi đó hoàn cảnh phải xa nhà, về nhà bà ngoại để học trường Tiểu học nữ Đà Nẵng (ở quê bà là Tam Quan không có trường nữ), vì xa cha mẹ nên mỗi tuần cha của bà đều bắt buộc viết một bức thư về nhà, mỗi bức phải nhiều hơn 4 trang giấy học trò. Đó cũng là cách mà người cha luyện cho con gái viết văn, đề tài đầu đời là kể về cuộc sống, trường lớp…

Thậm chí, người cha còn cho một dàn bài phải viết như thế nào, viết có thứ tự và những đề tài cần nói tới, cái nào viết trước cái nào viết sau.

Bà Tùng Long ở Đà Nẵng với bà ngoại 3 năm, một tháng viết 4 thư, mỗi thư dài 4 trang. Tổng cộng bà đã viết được 576 trang giấy kể về cuộc sống của mình thời tiểu học.

Sau Đà Nẵng, Bà Tùng Long ra Huế học trường nữ trung học danh tiếng là Đồng Khánh, cũng phải viết thư về nhà như thường lệ. Tuy nhiên bà nói rằng lúc này những lá thư gửi từ ký túc xá bị kiểm duyệt, nên không còn được viết dài dòng như trước, mà chỉ ngắn gọn kể về cuộc sống. Còn những bức xúc, than thở chuyện trường lớp thì phải viết riêng rồi nhờ bạn ở ngoại trú gửi bưu điện.

Nhờ đã làm quen với việc viết lách trong một thời gian dài như vậy, khi còn đi học Bà Tùng Long đã thử viết những truyện ngắn đầu tiên, tập dịch những bài hay của các nhà văn Pháp, và thấy rằng việc đó cũng không mấy khó khăn. Bà nói rằng việc viết với mình không đòi hỏi phải cố gắng nhiều công sức. Vì vậy, sau khi rời Huế theo gia đình vào Sài Gòn học trường nữ sinh áo tím (sau này mang tên trường Gia Long), bà đã được nhận những giải thưởng cao nhất trong các cuộc thi văn chương do các trường Tây thời ấy tổ chức, như là trường Chasseloup Laubat (nay là trường Lê Quý Đôn), trường Marie Curie hay là Ecole Normale. Bà còn có một khả năng thiên phú là viết văn không cần giấy nháp, viết một mạch không cần sửa chữa câu chữ, khả năng đó đã có từ thời mới 16,17 tuổi cho đến khi cầm bút viết báo kiếm sống sau này.

Khi bước vào làng báo, Bà Tùng Long không thấy bỡ ngỡ, trái lại còn cảm thấy rất quen thuộc và háo hức, niềm nở. Những câu chuyện chứng kiến từ trường học được bà đưa vào trong truyện của mình, như Gương Vỡ Lại Lành (sau này đổi tên lại thành Còn Vương Tơ Lòng), Bóng Người Xưa.

Chuyện từ chính gia đình của mình cũng được Bà Tùng Long đưa vào truyện, đó là Mẹ Chồng Nàng Dâu, Giang San Nhà Chồng, là 2 truyện bà lấy từ cảnh sống, làm dâu của người chị chồng và của em gái, cả 2 đã phải đối phó thế nào để vượt qua cảnh khó khăn khi làm dâu một bà mẹ chồng ít học và ỷ giàu có.

Ngoài ra, khi phụ trách chuyên mục Gỡ Rối Tơ Lòng, Tâm Tình Cởi Mở, Đường Tơ Đứt Nối đăng trên các báo Sài Gòn Mới, Phụ Nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Ngày Mai, Tiếng Vang, Dòng Đời và báo Đồng Nai, Bà Tùng Long cũng khai thác được nhiều đề tài xã hội, nhờ vào câu chuyện bạn đọc kể, thường là chỉ vỏn vẹn vài trang giấy, nhưng là chuyện rất thường tình ở ngoài đời, đánh trúng vào tâm lý của người đọc.

Khi phục trách 2 chuyên mục Gỡ Rối Tơ Lòng và Tâm Tình Cởi Mở, bà đã gặp nhiều hoàn cảnh éo le, đau đớn khó xử, rứt không ra rời không được để làm đề tài để vào tiểu thuyết hàng ngày.

Việc Bà Tùng Long đến với nghề viết truyện, báo xem ra cũng là một sự tình cờ. Vì thời cuộc, tìm kế mưu sinh, gia đình bà dắt díu nhau từ đất Quảng để vào Sài Gòn từ năm 1952, nơi anh chị chồng của bà đang ăn nên làm ra nhờ nghề báo với 2 tờ Sài Gòn Mới và Phụ Nữ Diễn Đàn. Ban đầu bà đi dạy, nhưng nghề giáo lương 3 cọc 3 đồng không thấm vào đâu so với chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở Sài Gòn.

Trong một ngày nắng ở thành phố phương Nam, trong căn nhà lợp tôn nực nội, trong lòng cũng nóng không kém, Bà Tùng Long nhớ lại lời gợi ý của một người bạn học thời tiểu học sau này làm đại lý sách ở Quảng Ngãi, trước khi bà vào Sài Gòn không lâu người bạn này có hỏi: “Bạch Vân có định khi vào Sài Gòn sẽ viết báo không? Hồi đó cô Điềm, cô Loan đều nói Bạch Vân viết văn hay lắm”.

Nhớ lại những lời này, nên ngay giữa buổi trưa nắng chang chang và không khí oi bức, khi các con thì người đi học, người đang ngủ trưa, bà lấy giấy bút ra viết thử một truyện đăng lại 2 kỳ. Viết xong Bà Tùng Long đưa cho người cháu (con của bà Bút Trà – chị dâu của chồng), và là chủ nhiệm báo Phụ Nữ Diễn Đàn. Bài được đăng ngay, và đó cũng là lần đầu tiên bút danh Bà Tùng Long được sử dụng. Sau khi đọc bài đó, người anh chồng (chồng của bà Bút Trà) liền hỏi: “Sao thím không thử viết cho Sài Gòn Mới?”.

Vậy là Bà Tùng Long viết chuyện Đứa Con Hoang, phỏng theo một tác phẩm ngoại văn nhưng sửa đổi cho phù hợp với xã hội Việt Nam. Truyện đã gây được tiếng vang và độc giả của báo tăng lên thấy rõ. Sau đó lần lượt các truyện feuilleton khác được đăng dài kỳ lên 2 tờ báo Sài Gòn Mới và Phụ Nữ Diễn Đàn, đó là Dòng Lá Thắm, Lầu Tỉnh Mộng, Chúa Trên Tiền Bạc… Truyện nào vừa kết thúc ở báo là ngay lập tức có nhà xuất bản để hỏi mua để in thành sách. Từ đó sự nghiệp viết lách của Bà Tùng Long trở nên lừng lẫy, mang lại cho bà cả danh tiếng lẫn tiền bạc. Từ một bà giáo nghèo, bà trở nên khá giả với số tiền nhuận bút nhận được từ báo và từ xuất bản sách.

Sau đây là bài viết về cuộc đời về sự nghiệp của Bà Tùng Long được ký giả Trần Quân viết năm 1963, vào thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp của bà:

Bà Tùng Long là một trong rất ít phụ nữ viết văn hiện nay đã gặt hái được sự thành công, bà đã làm cho bao nhiêu con tim của cả nghìn vạn người từ mọi miền đất nước phải hồi hộp, khi bà xuất hiện vào năm 1955 như là một cây bút viết feuilleton nổi tiếng nhất trong kỹ nghệ làm báo lúc bấy giờ. Mặc dù không được giới trí thức cao cấp và giới trẻ còn quả vô tư với cuộc đời tiếp nhận, nhưng những tiểu thuyết của bà dễ đọc, dễ hiểu, với những tình tiết khéo léo và hấp dẫn, đã được theo dõi bởi phần đông độc giả của giới bình dân. Những quyển tiểu thuyết mà bà viết trên các báo đều được các nhà xuất bản mua và in thành sách cũng được độc giả hoan nghênh không kém.

Độc giả của bà thuộc nhiều thành phần khác nhau, phần đông ở giới lao động, ít học, những người nội trợ muốn tìm chìa khóa hạnh phúc, những kẻ không có phương tiện để đến trường nghe những lời giảng dạy của các thầy giáo, cả những quân nhân ở vùng xa xôi hay những thủy thủ thiếu mái ấm gia đình. Mặc dù không có một quyển sách nào của bà được các nhà phê bình đem ra phê bình như một tác phẩm văn học của những nhà văn được coi là trí thức lúc bấy giờ, chính Bà Tùng Long cũng tự nhận mình không phải là một nhà văn, mà bà chỉ viết cho những người thiếu học, những người không may mắn đến các trường trung học đại học, vậy mà tên tuổi của bà đã giúp bà kiếm được khá nhiều tiền trong thế giới làm văn của thời kỳ lúc bấy giờ.

Ngoài những bộ tiểu thuyết feuilleton mà Bà Tùng Long đang viết ở báo Sài Gòn Mới và tuần báo Phụ Nữ Diễn Đàn, bà còn có những tác phẩm in lại thành sách cả 12 bộ vào năm 1963, đây là một kỳ công mà không một cây bút nữ nào hiện giờ ở đây có thể làm được. Hai tác phẩm được nổi tiếng nhất là Giang San Nhà Chồng và Bóng Người Xưa. Quyển thứ nhất nói về một phụ nữ Việt Nam sống trong địa ngục của bà mẹ chồng và gia đình chồng, chịu đựng bao điều khổ sở nhục nhã, nhất là của bà mẹ chồng cay nghiệt cổ hủ, cho đến khi cô dâu này với ngày tháng để chiếm được cảm tình và sự khâm phục của những kẻ đã đày đọa mình. Quyển thứ nhi mô tả cuộc sống cuộc đời sôi động của một đảng viên chánh trị chống lại sự cai trị của ngoại xâm. Nữ đảng viên này lập gia đình với một kỹ sư giàu có để có tiền giúp cho phong trào và các đồng chí trong đảng, nhưng rồi phải bỏ chồng khi cuộc hoạt động không thành vì sự tan rã của các đảng viên trước kẻ thù quá mạnh. Cả hai tiêu biểu cho tâm hồn cao thượng trước những khó khăn của một xã hội phong kiến, nhưng vì tác giả phải viết từng ngày một cho báo hằng ngày nên đôi khi lời văn kém sâu sắc, những hình ảnh không được chú trọng kỹ càng hơn, tuy vậy vẫn nói lên được những vấn đề hằng ngày của giới phụ nữ, trong gia đình, ngoài xã hội, chuyện tình cảm riêng tư một cách thiết thực và đáp ứng lại một cách khôn khéo thông minh, đã làm cho những cuốn tiểu thuyết của Bà Tùn Long như những tấm gương hằng ngày của hàng vạn phụ nữ và cả hàng vạn nam giới nữa.

Sanh năm 1915 tại Đà Nẵng (Trung phần Việt Nam), Lê Thị Bạch Vân, bút hiệu Tùng Long, là chị cả của bảy đứa em trong một gia đình trung lưu. Sau một thời thơ ấu bên bờ biển của một tỉnh lỵ và tại cố đô Huế với dòng sông Hương nước chảy lờ đờ, bà đã theo cha mẹ vào miền Nam và tiếp tục học ở trường Nữ trung học Gia Long nổi tiếng lúc bấy giờ, luôn luôn chiếm giải nhất về hai môn Pháp văn và Việt Văn. Nhưng cái điều bà ao ước lúc này khi còn ngồi ở ghế nhà trường là trở thành một nữ giáo viên ở một tỉnh yên tĩnh nào đó có “nền trời xanh trên những mái nhà và nơi đó có chim kêu ríu rít trên các cành cây tươi mát…” Bà đã trở thành một nữ giáo viên vào năm 1934 sau khi thi đậu ra trường. Năm sau bà lập gia đình với nhà báo Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy. khi còn đi học bà đã tập tành viết những truyện ngắn, những tùy bút và những bài nói về phụ nữ, bấy giờ bà viết trong những lúc rảnh rang, nhưng là viết cho mình đọc mà thôi.

Cho đến năm 1951, sau những năm dài đằng đẵng làm quen với những thiếu thốn vật chất, nữ giáo viên tầm thường này nuôi cái mộng phải viết, phải nói lên những gì mà tâm hồn mình đã cảm nhận và con tim đã rung động.

Trở về Sài Gòn với chồng và các con, bà liền cầm bút viết một cách say sưa và hứng thú, và đã thành công ngay với cũng tiểu thuyết đầu tay, rồi những quyển liên tiếp trên các báo hằng ngày và hàng tuần. Bà đã chinh phục được một diễn đàn lớn lao rộng rãi và đến lúc ấy bà liền mở một Giải Đáp Tâm Tình cho bạn đọc. Mục Gỡ Rối Tơ Lòng và Tâm Tình Cởi Mở như các mục Coeur A Coeur trên các báo La Femme hay Marie Claire của Pháp. Nhờ các mục này mà bà đã làm quen nhiều hơn với các độc giả và những chuyện tâm tình của họ.

Ngày hôm nay làm mẹ của 9 đứa con người đàn bà viết văn này đã bước vào tuổi 45 và vẫn biết thường xuyên, đều đặn mỗi ngày 4 giờ, ngừng ngay khi cuối giờ thứ tư mặc dù đang lúc nguồn cảm hứng đang ở lúc cao độ. Bà nói bà phải ngừng lại theo một thời khóa biểu đã vạch sẵn để lo cho các con, và còn một số học trò mà bà đang dạy ở các trường tư thục ở Sài Gòn.

“Tôi không nghĩ rằng mình là một nữ sĩ, một nhà văn, và tôi không bao giờ nghĩ rằng mình có một thực tài như vậy. Tất cả những gì tôi làm là ghi lại những gì tôi đã nghe và thấy xung quanh tôi, để có tiền nuôi các con tôi” – Bà đã xác nhận một cách thành thật như vậy. Có thể bà nên viết một cách sâu sắc hơn, một lối hành văn trau chuốt hơn với những tình cảm dạt dào của sự sống, bớt đi những lời đối đáp không cần thiết thì bà còn có thể chiếm một chỗ đứng đáng kính nể hơn trong lịch sử của nền văn chương hiện đại. Nhưng bà cũng như các cây bút nữ khác rất hiếm hồi lúc bấy giờ được độc giả biết đến chỉ vì phương diện tình cảm con người như con đường duy nhất mà họ theo đuổi để tạo được sự hòa thuận trong các gia đình, sự hòa bình trong xã hội.

Bà Tùng Long có thể tự hào là bà đã nhận lấy trách nhiệm quan trọng khi cầm bút là vạch ra cho phụ nữ đương thời con đường phải đi để được cùng tham gia với nam giới xây dựng một xã hội công bằng và tiến bộ hơn.

Mặc dù Bà Tùng Long không nghĩ mình là một nữ sĩ, một nhà văn có biệt tài, nhưng bà thật sự có một quần chúng độc giả đông đảo khắp các miền đất nước, và bà đã làm cho bao con tim hồi hộp, chờ đợi một kết thúc khéo léo của quyển tiểu thuyết mà bà đang viết từng ngày một, và bà cũng đã nổi tiếng trong suốt nhiều năm đảm nhận vai trò của mình, và cũng kiếm được một số tiền không nhỏ với những tác phẩm đã được in lại thành sách mà độc giả đón nhận một cách nhiệt tình.

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận