Những ngôi trường nổi tiếng nhất Sài Gòn xưa – Phần 3: Trường Lê Quý Đôn

Trường Lê Quý Đôn ở Quận Ba (Sài Gòn) được xem là là ngôi trường trung học đầu tiên ở Nam Kỳ. Thời Pháp, trường này thường được biết đến với cái tên Collège Chasseloup Laubat, nằm giữa 3 con đường trung tâm là Chasseloup Laubat, Testard và Palais, sau này đường Palais đổi tên thành Barbet, rồi trở thành Barbé. (Ba con đường này sau năm 1955 mang tên Hồng Thập Tự, Trần Quý Cáp, Lê Quý Đôn. Sau năm 1975, đường Hồng Thập Tự mang tên Xô Viết Nghệ Tĩnh, rồi sau đó cắt 1 đoạn để đặt tên Nguyễn Thị Minh Khai, còn đường Trần Quý Cáp mang tên Võ Văn Tần).

Khoảng 10 năm sau khi người Pháp chiếm được Gia Định, Thống đốc Nam Kỳ đã ký nghị định thành lập một ngôi trường trung học tại Sài Gòn nhằm phục vụ nhu cầu đào tạo con em những người Pháp tại Sài Gòn. Chương trình giảng dạy theo chính quốc, dạy từ tiểu học đến tú tài (chương trình Pháp). Trường sở được khởi công xây dựng ngay vào năm 1874 và hoàn tất vào năm 1877.

Lúc đầu trường có tên Collège Indigène (Trung học bản xứ), sau này con đường trước cổng trường được đặt tên là Chasseloup Laubat thì tên trường cũng đổi thành Collège Chasseloup Laubat (tên Bộ trưởng Bộ Thuộc địa lúc bấy giờ).

Ban đầu, trường chỉ nhận các học sinh người Pháp, đến đầu thế kỷ 20 thì mở rộng để nhận thêm học sinh người Việt, tuy nhiên phải có quốc tịch Pháp.

Sau năm 1954, với dụng ý tránh gợi nhớ thời thuộc địa, trường được đổi tên là trường Jean Jacques Rousseau (tên của nhà văn – triết gia người Pháp vào thế kỷ 18), dạy chủ yếu là học sinh người Việt, nhưng vẫn do người Pháp quản lý. Hai con đường đi ngang qua 2 cổng trường là Chasseloup Laubat và Barbé được đổi tên lần lượt là Hồng Thập Tự và Lê Quý Đôn.

Đến 1967, trường được trả lại cho Bộ Quốc gia Giáo dục VNCH và trở thành Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn, lấy theo tên của con đường Lê Quý Đôn.

Hai cô giáo người Việt của trường Collège Chasseloup Laubat

Từ 1975, chính quyền mới vẫn giữ tên gọi Lê Quý Đôn cho ngôi trường này, tuy nhiên phân tách thành hai khu dành cho học sinh cấp II (trường THCS Lê Quý Đôn) và khu dành cho học sinh cấp III (trường THPT Lê Quý Đôn).

Là một trong những ngôi trường trung học danh giá nhất của Sài Gòn, đây từng là nơi mà nhiều tên tuổi nổi tiếng từng theo học, như học giả Vương Hồng Sển, Nguyễn An Ninh, giáo sư Trần Văn Giàu, Trần Đại Nghĩa, đại tướng Dương Văn Minh, ca sĩ Elvis Phương, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đã tốt nghiệp tú tài ban triết tại Chasseloup Laubat. Đặc biệt là quốc vương Cao Miên Norodom Sihanouk đã từng học ở dãy lớp dành cho học sinh nước ngoài của trường Collège Chasseloup Laubat vào năm 14 tuổi, được 1 năm thì ông về nước lên ngôi vua.

Dãy phòng học dành cho học sinh nước ngoài của ngôi trường này có 10 phòng học, 1 phòng thư viện và 1 phòng giám thị.

Trải qua hơn một thế kỷ, kiến trúc ban đầu của ngôi trường vẫn còn gần như nguyên vẹn, gồm bốn dãy nhà cao hai tầng ghép lại có hình chữ “khẩu”. Với lối kiến trúc mang đậm chất Tây Âu, trường sở được xem như một kiến trúc cổ có lịch sử văn hóa lâu đời, vẫn giữ gìn được nét truyền thống cổ kính mặc dù đã được trùng tu, sửa chữa.

Mời các bạn xem lại một số hình ảnh của trường Collège Indigène/Collège Chasseloup Laubat/Jean Jacques Rousseau/Lê Quý Đôn:

Đường Chasseloup Laubat thời Pháp

Trường Lê Quý Đôn ở phía cổng đường Hồng Thập Tự

Năm 1964, thời điểm trường mang tên Jean Jacques Rousseau

Trường Lê Quý Đôn ở phía cổng đường Lê Quý Đôn

Trường Lê Quý Đôn ở phía cổng đường Trần Quý Cáp

chuyenxua.net

Viết một bình luận