Những ngôi chợ nổi tiếng nhất Sài Gòn xưa: Kỳ 2 – Chợ Nancy

Những người từng sống vào thập niên 1960, 1970 của thế kỷ trước, hầu như ai cũng đã từng nghe nói đến chợ Nancy, nằm ở khu vực giữa Quận Nhì (thuộc Quận 1 ngày nay) và Quận Năm, là vị trí gần cầu Nguyễn Văn Cừ ngày nay.

Chợ Nancy được lấy theo tên đường Nancy, nay là đường Nguyễn Văn Cừ. Vào đầu thế kỷ 20, con đường này có 2 đoạn, đoạn 1 từ kinh Tàu Hủ (Bến Chương Dương – Bến Hàm Tử) vô tới ngã tư với đường Trần Hưng Đạo (xưa là Boulevard Galliéni), đoạn 2 là từ ngã tư vô tới ngã 6 Cộng Hòa ngày nay (xưa là công trường Khải Định).

Đoạn 1 ban đầu mang tên đường Tân Hòa (vì đi ngang qua làng Tân Hòa), sau đổi thành tên Pháp là đường Grand Couronné, đoạn thứ 2 được đặt tên là Nancy từ năm 1920.

Ngày 28/11/1952, chính quyền Quốc Gia Việt Nam của quốc trưởng Bảo Đại đổi tên đường Nancy thành đường Khải Định, còn đường Grand Couronné lại đổi tên thành Nancy. Đây cũng chính là đoạn có chợ Nancy.

Dãy nhà trên đường Cộng Hòa (Nancy) ở khu chợ Nancy

Ngày 21/12/1955, chính quyền đệ nhất cộng hòa nhập 2 đoạn này thành 1 và đổi tên thành đường Cộng Hòa. Tuy nhiên sau đó, người ta vẫn quen gọi bùng binh ngay đầu đường là công trường Khải Định, dựa theo tên đường Khải Định cũ. Phải đến vài chục năm sau đó, công trường Khải Định mới được gọi thành Ngã 6 Cộng Hòa, dựa theo tên đường mới là Cộng Hòa.

Ngày 14/8/1975, đường Cộng Hòa đổi tên thành đường Nguyễn Văn Cừ, nhưng tên ngã 6 Cộng Hòa vẫn được giữ nguyên cho đến ngày nay.

Khu Nancy mặc dù nằm giữa trục lộ Trần Hưng Đạo nối Sài Gòn với Chợ Lớn, giáp ranh với khu Chợ Quán, khu Cầu Kho nhưng vẫn có vẻ yên ả, bình dị.

Đường Trần Hưng Đạo, phía trước là đường Cộng Hòa, quẹo trái ra chợ Nancy, quẹo phải ra Ngã 6 Cộng Hòa (công trường Khải Định), nơi có trường trung học Petrus Ký

Về khu chợ Nancy, ban đầu nó vốn là một khu chợ tự phát ở ven bờ kinh Tàu Hủ, nên lúc nào cũng nhộn nhịp cảnh trên bến dưới thuyền.

Con đường Nancy nhỏ dần từ đường Galliéni (Trần Hưng Đạo) về phía bờ kinh, cộng với việc tiểu thương buôn bán lấn ra đường, dần dần hình thành một khu chợ. Phía dưới bến Hàm Tử có bến ghe cung cấp hàng nông sản nằm ngay bến sông, còn trên bờ người ta xây nhà lồng mái ngói để tiểu thương bán cá, bên ngoài thì hàng quán mọc lên san sát, kéo dài đến tận ngã tư Trần Hưng Đạo, từ đó chợ Nancy trở thành một trong những ngôi chợ nổi tiếng nhất ở khu vực Quận Nhứt về phía Chợ Lớn.

Ngã tư Trần Hưng Đạo – Cộng Hòa. Bên phải là chợ Nancy

Chợ Nancy nằm ngay chính giữa Quận Nhứt và Quận Năm, một bên là phường Cầu Kho của Quận Nhứt, một bên là phường Chợ Quán của Quận Năm. Sau năm 1975, tên chính thức của ngôi chợ này là “chợ phường Cầu Kho” (khác với chợ Cầu Kho ở bên phía Trần Đình Xu – Phát Diệm cũ), nhưng người dân vẫn quen gọi là Chợ Nancy cho đến khi nó bị giải tỏa vào năm 2008 để xây một cây cầu mới nối Quận 1 với Quận 4, Quận 8. Khu nhà lồng chợ xưa ngày nay trở thành công viên nhỏ dưới chân cầu. Nơi đây vẫn còn nhiều người lao động nghèo tiếp tục buôn thúng bán bưng để mưu sinh.

Đường Trần Hưng Đạo (Galliéni), đám khói bốc lên từ chợ Nancy trong vụ phiến quân Bình Xuyên năm 1955

Mặc dù cái tên Nancy đã đi vào tiềm thức của nhiều Sài Gòn, nhưng đến nay không một ai biết về nguồn gốc của nó.

Một mẩu tin liên quan tới địa danh Nancy ở Saigon trên báo chí năm 1932

Theo nhà văn Mạc Can – một người đã gắn bó từ nhỏ và am hiểu khu vực chợ Nancy, thì cái tên Nancy mà người Pháp đặt tên đường từ năm 1920 có lẽ là tên một người phụ nữ. Đây là cái tên phổ biến ở Pháp, cũng như như tên Cúc, tên Hoa ở xứ Việt. Cho đến nay thì vẫn không ai biết Nancy là ai, không ai còn cất công tìm hiểu nguồn gốc của nó, mà nếu có tìm thì tư liệu từ hơn 100 năm trước cũng đã vùi sâu sau lớp bụi dày của thời gian.

Ý kiến khác cho rằng Nancy là một địa danh bên Pháp, là quê quán của nhiều người Pháp có mặt ở Sài Gòn những năm đầu thế kỷ 20. Họ đặt tên này cho con đường nằm giữa Sài Gòn và Chợ Lớn để gợi nhớ về quê hương. Ngày nay, Nancy là tỉnh lỵ của tỉnh Meurthe-et-Moselle, thuộc vùng Grand Est của nước Pháp.

Từ đường Galliéni (Trần Hưng Đạo) nhìn về phía đường Nancy. Đám khỏi bốc lên từ chợ Nancy bị cháy năm 1955 vì phiến quân Bình Xuyên

Cài tên đường Nancy và chợ Nancy, cái tên này cũng thường được người Sài Gòn xưa gọi cho một khu vực, đó là khu Nancy, là khu dân cư bao quanh bốn con đường, phía mặt sông là Bến Hàm Tử, chạy song song là đường Trần Hưng Đạo, đường Phan Văn Trị, xa hơn nữa khoảng 700 mét là đường Nguyễn Trãi. Còn cắt ngang là đường Nguyễn Cảnh Chân bên Quận Nhứt, rồi tới đường Cộng Hòa, ranh giới giữa Quận Nhứt và Quận Năm, song song nữa khoảng 700 mét là đường Nguyễn Biểu. Khu tứ giác này giữa hai địa danh Cầu Kho và Chợ Quán thuộc 2 quận khác nhau như đã nói ở trên.

Ngày xưa ở khu tứ giác xóm Nancy có một cái rạch nhỏ chảy từ kênh Tàu Hủ chạy vào, gọi là rạch Bà Đô.

Ca dao còn ghi lại:

Kể từ Rạch Sỏi trở vô,
Xóm Lá là chợ, thị Đô là cầu.

Cầu Bà Đô nằm trên đường Bến Hàm Tử, ngay khoảng ngã ba đường Cộng Hòa (Nancy) và Bến Hàm Tử, bên dưới là con rạch chảy yếu ớt quanh co giữa xóm nhỏ nghèo ra phía đường Trần Hưng Đạo… Khoảng thập niên 1970 thì cái rạch đã chỉ còn nhỏ như một con mương nước thải, dân cư chung quanh đã lấp dần từng khúc rồi mất hẳn.

Cũng trong khu Nancy, phía bên Chợ Quán, còn lưu lại hai di tích lịch sử đáng nhớ, thứ nhất là nhà thờ Chợ Quán, ngôi nhà thờ đầu tiên được xây dựng ở vùng Chợ Lớn. Nhà thờ Đức Bà xây dựng năm 1877, nhà thờ Chợ Quán xây dựng sau đó 10 năm, năm 1887.

Đông Kha – chuyenxua.net

5 bình luận về “Những ngôi chợ nổi tiếng nhất Sài Gòn xưa: Kỳ 2 – Chợ Nancy”

  1. chợ Cầu Kho là 1 chợ nhỏ vị trí nằm ngay ngã ba đường Phát Diệm – bến Chương Dương , Q 2 . hiện tại vẫn còn .thuộc P Cầu Kho , Q 1.

    Trả lời
  2. Cầu kho có cho cầu kho , còn cho Nancy là cho Nancy sao Nancy là cầu kho? Ngày trước làm gì có vụ Cho Nancy thuoc Cầu kho? Thấy sai sai gì không?ai có rành vụ việc này xin góp ý cho ( nhà tôi lúc trước ở gần cho Nancy mà không hề nghe nói thuộc về phường Cầu Kho , nhà tôi thuộc quận nhì )

    Trả lời
  3. Đúng là chợ Nancy sau nầy gộp chung với chợ Cầu Kho bên đường Trần Đình Xu và Bến Chương Dương củ nay là đường Võ Văn Kiệt thành Chợ Phường Cầu Kho do UBND Phường Cầu Kho quản lý đến năm 2009 giải tỏa chợ Nancy củ xây cầu Nguyễn Văn Cừ .

    Trả lời

Viết một bình luận