Những công trình kiến trúc trăm năm còn lại ở Sài Gòn – Kỳ 4: Continental Palace và Majestic Hotel – Những khách sạn trăm năm

Continental Palace là khách sạn lâu đời nhất vẫn còn lại đến ngày nay ở Sài Gòn. Thời điểm được xây dựng cách đây 140 năm, Continental Palace là khách sạn sang trọng và mang vẻ đẹp kỳ vĩ nhất từng có ở xứ Đông Dương. Không những vậy, kiến trúc của nó còn mang vẻ đẹp vượt thời gian, đến nay vẫn là một trong những khách sạn hạng sang của Sài Gòn.

Bên cạnh Continental Palace, còn có một khách sạn sang trọng khác có tuổi đời 100 năm, đó là Majectic Hotel, nằm ở bến Bạch Đằng, ngay đầu của con đường đắt đỏ nhất Sài Gòn xưa và nay.

Trong loạt bài viết về những công trình trên 100 năm của Sài Gòn, mời các bạn xem lại hình ảnh xưa, tìm hiểu lịch sử hình thành của 2 khách sạn Continental Palace và Majestic Hotel.

Một điều đặc biệt, là cả 2 khách sạn sang trọng này đều từng dưới quyền điều hành của một người Pháp tên là Mathieu Franchini.

Continental Palace

Từ những năm cuối thế kỷ 19, Sài Gòn như là một đại công trường với hàng loạt công trình quy mô lớn được xây dựng, hoặc sắp sửa được xây dựng, trong đó có khách sạn hạng sang mang tên Continental Palace.

Trong loạt công trình kiến trúc nổi tiếng được xây dựng vào thời kỳ này và vẫn còn lại cho đến nay ở Sài Gòn, Continental Palace là công trình được xây dựng rất sớm (năm 1878), cùng thời điểm với Nhà Thờ Đức Bà (1877), và sớm hơn nhiều nếu so với Tòa Án Sài Gòn (1881), Dinh Gia Long (1885), Bưu Điện Trung Tâm (1886), Saigon Opera House (1897), Dinh Xã Tây (1898)…

Năm 1878, một khách sạn quy mô và hoành tráng mang tên Continental Palace được mọc lên tại một vị trí đắt giá: Nằm giữa bến cảng và Nhà Thờ, thông qua con đường Catinat vốn là trục đường trung tâm huyết mạch bấy giờ, bắt đầu từ ngọn đồi cao nhất đi xuống phía bờ sông.

Đường Catinat và khách sạn Continental. Trong ảnh này có trụ cấp điện cho tàu điện chạy tuyến Sài Gòn đi Gò Vấp

Đây là công trình thuộc sở hữu của Pierre Cazeau, một nhà sản xuất vật liệu xây dựng, nhằm đón những khách hàng nhà giàu bên Pháp và phương Tây, là những người cần có nơi dừng chân sau cuộc hành trình dài cả tháng bằng đường biển từ Âu châu, trước khi tiếp tục du ngoạn hay thám hiểm phương Đông.

Continental Palace được hoàn thành vào giữa năm 1880, gần như cùng lúc với nhà thờ Đức Bà. Cả hai công trình này trở thành huyền thoại ngự trị trên rất nhiều bưu thiếp xưa về Sài Gòn, vì vậy đã trở thành những biểu tượng phi chính thức của thành phố này.

Sau đó gần 20 năm, tại vị trí đối diện với khách sạn nếu nhìn về hướng bờ sông, một công trình quy mô khác được mọc lên, đó là Opera House – nhà hát lớn, càng làm cho khách sạn gia tăng giá trị một cách đáng kể, vì hiếm có địa điểm nào ở Sài Gòn lúc đó có góc nhìn đẹp được như vậy.

Cũng trong thời gian này, có nhiều công trình nổi tiếng khác đã được xây dựng, ngoài Nhà Thờ Đức Bà (xây từ năm 1877) và Opera House (xây từ năm 1898) còn có Bưu điện thành phố (xây từ năm 1886) và Tòa thị chính (xây từ năm 1898), đều là những công trình đã trở thành biểu tượng và còn tồn tại đến tận ngày nay, tất cả cùng tạo nên một diện mạo đẹp và sang trọng cho thành phố được mệnh danh Hòn ngọc viễn đông.

Kiến trúc và nội thất của Continental Palace được xây dựng và bài trí theo tiêu chuẩn của một khách sạn hạng sang tại Paris, tạo cảm giác quen thuộc cho du khách Âu châu khi đến Đông Dương.

Sau hơn 140 năm, diện mạo kiến trúc của khách sạn Continental Palace đến nay vẫn được giữ gần như nguyên vẹn. Dù có độ cao khiêm tốn chỉ với một tầng trệt và ba tầng lầu, khách sạn này vẫn nổi bật giữa trung tâm thành phố với mái lợp ngói, tường gạch dày cùng những ô cửa sổ duyên dáng.

Khuôn viên khách sạn được thiết kế dạng hình chữ nhật. Ở trung tâm là một khu vườn rộng lớn, những dãy phòng bên trong đều quay mặt về khoảng sân này. Ở giữa sân, những cây hoa sứ cổ thụ được trồng từ năm 1880 vẫn xanh tốt và khoe sắc đến tận ngày nay. Những đặc điểm này tạo ra một cảm giác yên bình và tĩnh lặng hiếm có giữa trung tâm Sài Gòn.

Nhà hàng bên trong khách sạn năm 1912

Continental Palace không chỉ là khách sạn, bên trong nó còn có nhà hàng hạng sang do đầu bếp đến từ Pháp đảm nhiệm.

Trong các hình ảnh xưa, dễ bắt gặp hình ảnh cafe vỉa hè ngay dưới mái hiên của Continental Palace. Quán cafe này nằm ngay đối diện với cafe Givral ở bên kia đường (tầng trệt Eden), nằm bên hông của Opera House.

Từ giữa thập niên 1950 đến năm 1975, Opera House là trụ sở của Quốc Hội, nên các quán cafe này luôn là nơi gặp gỡ của truyền thông báo chí, và cả những điệp viên của nhiều bên đến thăm dò tin tức.

Năm 1911, công tước Ferdinand de Montpensier (cháu nội của vua Louis-Philippe I của Pháp) quyết định mua lại khách sạn này 3 năm sau khi ông lần đầu trú ngụ tại đây trong một chuyến đi vượt rừng đường xa từ Sài Gòn đến Angkor. Cũng vào dịp này, Montpensier đã mang xe hơi vào Sài Gòn, và đây chính là một trong những chiếc đầu tiên ở Việt Nam.

Năm 1908, xuất phát từ Continental, xe hơi của Montpensier lên đường đi Angkor, một chuyến đi đầy gian nan vì đường sá lúc đó chưa được làm cho xe hơi chạy. Ông ở lại Việt Nam một thời gian và đi du lịch khắp nơi. Tại Phan Thiết, ông đã xây một biệt thự trên ngọn đồi, nơi có thể vừa nhìn ra phía biển, vừa nhìn về lại Phan Thiết. Căn biệt thự này được người địa phương gọi là “lầu ông hoàng”, là nơi hẹn hò của Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm sau này. Thuở đó vùng này chưa có điện, nhưng căn biệt thự của Montpensier lúc nào cũng sáng trưng nhờ máy phát điện chạy diesel.

Hình ảnh được cho là lầu Ông Hoàng ở Phan Thiết

Năm 1930, công tước Montpensier bán Continental Palace lại cho ông Mathieu Franchini – một thương gia người Pháp gốc đảo Corse có giao thiệp rộng. Ông là con rể của Đốc phủ Lê Văn Mầu, là người đứng đầu quận Chợ Gạo của Mỹ Tho, đồng thời cũng là chủ của cù lao Năm Thôn (sau này gọi là cù lao Ngũ Hiệp). Ông Lê Văn Mầu gả con gái là Lê Thị Trọng cho Francini, một số thông tin cho rằng chính ông Lê Văn Mầu mới là người mua lại Continental Palace để làm “của hồi môn”. Ngoài ra, còn có nơi nói rằng Mathieu Franchini xuất thân từ một tầng lớp bị khinh rẻ, rồi sau đó dính dáng nhiều đến giới giang hồ, tuy nhiên đó là những thông tin không được xác thực nhằm miệt thị nhà tư sản Pháp này.

Nhà nghiên cứu Phạm Công Luận đã cất công đi tìm hiểu về những thông tin trên, và đã liên lạc được với con của 2 ông bà Mathieu Franchini và Lê Thị Trọng, tên là Philippe Franchini, và nhận được phản hồi về khoản tiền mua khách sạn như sau:

“Cha tôi mua Continental với số tiền 155.000 đồng Đông Dương (piastres) thông qua một cuộc đấu giá, lúc đó ông đang là đại lý của hãng CIE General Motors (chuyên sản xuất xe Chevrolet, Pontiac, Cadillac…). Đây là một khoản tiền trả góp khá lớn, trong đó bao gồm chi phí cho những hãng mục cần sửa chữa. Ông ngoại tôi – Đốc phủ Lê Văn Mầu, đã giúp đỡ cha tôi một khoản vay mà sau đó cha tôi đã trả hết khi khách sạn hoạt động trở lại”.

Sau này, trong cuốn sách mang tên Continental Saigon phát hành năm 1976 ở Paris, Philippe kể rằng khi cha của ông mới mua Coninental, một người bạn đã thốt lên rằng: “Mathieu, anh vừa mới tậu được lịch sử của Sài Gòn đấy”. Thời điểm đó, Continental Palace đã tồn tại được hơn nửa thế kỷ, xứng đáng là một phần lịch sử Sài Gòn.

Philippe còn kể về việc sửa chữa và trang trí lại khách sạn sau khi cha của ông mua lại nó:

“Chính Albertini, một tay trang hoàng người Corse, đảm trách công việc này. Gian phòng thông hàng hiên được chuyển đổi thành một nhà hàng cà phê lớn tiện nghi và thanh lịch.

Những chiếc cột hình trụ và những bức tường phủ lưới gỗ đan chéo nhau được sơn xanh lá cây, trần nhà được thắp sáng bằng một loại chiếu sáng muôn màu được rọi từ những chiếc đèn áp tường miệng loe; bao dọc theo gian phòng, một hàng rào thấp bằng cây xanh – những ổ muỗi thực sự – mang đến cho không gian chung một góc cạnh thôn dã.

Người ta đã có thể nghĩ rằng mình đang ở bên bờ sông Marne hoặc trong những nhà hàng vùng gần Paris, nếu như những chiếc quạt điện với những cánh lớn treo trên trần, với bao ghế trắng phủ lên những chiếc ghế bành hoặc thậm chí cả những con bọ chét tấn công bạn đã không đặt một nốt nhấn ngoại lai của chúng ở đây.

Hàng hiên nơi cha tôi ăn tối – một chiếc bàn dành cho ông ở gần lối vào, ở đó ông có thể giám sát thế giới của mình, nhân viên và khách hàng – là một góc thanh lịch và độc đáo. Góc này mở rộng ra quang cảnh đường Catinat, nhộn nhịp cho đến giờ tàn của đêm”.

Năm 1951, Mathieu cũng mua lại quyền kinh doanh của một khách sạn hạng sang khác là Majestic từ chủ sở hữu lúc đó là Sở du lịch và triển lãm Đông Dương. Việc này sẽ nhắc đến với phần sau.

Ông Mathieu Franchini quản lý 2 khách sạn đến năm 1964 thì quyết định rời Việt Nam, dẫn con về lại Pháp. Lúc đó vợ ông đã không còn vì bạo bệnh. Lý do chính của sự ra đi này là vì sức khỏe, ông ủy quyền việc quản lý Continental lại cho một công ty quản lý Pháp.

Sau đó, vì một số khó khăn trong việc kinh doanh, người quản lý đề nghị bán khách sạn, như Mathieu từ chối. Philippe nói rằng cha của ông không thể bán, vì điều đó giống như mang đi đấu giá cả một phần cuộc đời. Thay vào đó Mathieu vẫn điều hành qua thư từ.

Khi nhận được thư của những nhân viên người Việt tại khách sạn than phiền về người quản lý, Mathieu lo lắng và đề nghị con trai mình về lại Sài Gòn để trực tiếp quản lý. Khi đó, Philippe Franchini – một chàng thanh niên trẻ tuổi, đã về lại quê mẹ của mình, nắm quyền quản lý khách sạn sang trọng đó trong một thời kỳ mới rất khó khăn. Đó là năm 1965, lính Mỹ tràn ngập Sài Gòn, thành đô này ngày càng xảy ra nhiều biến cố hính trị, và Philippe phải chèo lái Continental tiếp tục tồn tại trước sự canh tranh của nhiều khách sạn hạng sang khác, trong đó có tên tuổi mới nổi là Caravelle Hotel nằm ngay đối diện.

Đến năm 1975, Continental Palace bị “quốc hữu hóa”, Philippe Franchini trở về Pháp, trở thành sử gia và viết hơn 10 cuốn sách về Việt Nam, trong đó cuốn sách Continental Saigon được in năm 1976 tại Paris.

Continental về đêm – thập niên 60

Những vị khách nổi tiếng từng ở tại Continental Palace:

Khách sạn hạng sang này từng đón tiếp nhiều chính khách, văn nghệ sĩ, người nổi tiếng của thế giới đến thăm và lưu trú. Nổi tiếng nhất trong số đó là nhà thơ Ấn Độ Rabindranath Tagore – giải Nobel Văn chương năm 1913. Nhà văn người Anh Graham Greene cũng đã đến đây năm 1951 trong thời gian ông viết cuốn tiểu thuyết nổi tiếng The Quiet American – “Người Mỹ trầm lặng”.

Khi “Người Mỹ trầm lặng” được chuyển thể thành phim năm 1956, Continental Palace trở thành một trong những bối cảnh chính của phim. Đến năm 1992, khách sạn này càng thêm nổi tiếng thế giới khi xuất hiện trong một số cảnh quay chính trong phim Indochine, là phim điện ảnh được trao giải Quả Cầu Vàng và Phim tiếng nước ngoài xuất sắc nhất Oscar năm 1993. Năm 2002, khi phim Người Mỹ Trầm Lặng được Hollywood làm lại, Continental Palace tiếp tục được lên màn ảnh rộng khắp nơi trên thế giới.

Ông Jacques Chirac – tổng thống Pháp thứ 22 của Pháp, khi còn là thị trưởng Paris cũng từng đến Sài Gòn và ở tại Continental Palace.

Sau đây là những hình ảnh Continental Palace qua thời gian:

Hình trước thập niên 1950:

Continental năm 1900, lúc chưa có Opera House

Khách sạn Continental thời Pháp thuộc. Trong hình này có cổng chào đón Thống chế Joffre (Tổng tham mưu trưởng Quân đội Pháp từ 1914 đến 1916) đến Saigon, do KS Continental Palace thực hiện trên đường Catinat

Bên trái của hình này là khu vực Eden lúc chưa xây

Hình thập niên 1940, lúc đang xây dãy nhà Eden nổi tiếng

Hình sau thập niên 1950 theo thời gian:

Continental năm 1965

Có thời gian chính quyền bắt buộc các cơ sở kinh donh đặt tên tiếng Việt, vì vậy bên cạnh tên Continencal Pa;ace, khách sạn còn mang tên Đại Lục Lữ Quán như trong hình này

Continental lúc mang tên Đại Lục Lữ Quán

Hàng hiên của Continental Palace

Một số hình ảnh Continental Palace, mặt phía bên đường Catinat – Tự Do:

Hình sau năm 1975:

Continental Palace hiện nay

Majestic Hotel

Khách sạn Majestic ở đầu đường Đồng Khởi ngày nay (xưa là đường Catinat và Tự Do) có tuổi đời gần 100 năm, là một trong 2 khách sạn hạng sang đầu tiên của Sài Gòn, chỉ đứng sau Continental Palace.

Đến nay, hầu hết các báo chí đều nói rằng chủ sở hữu đầu tiên của khách sạn Majestic là Chú Hỏa, tức ông Hứa Bổn Hòa/Huỳnh Văn Hoa (Hui Bon Hoa). Điều này thiếu chính xác, vì chú Hỏa đã qua đời từ năm 1901, rồi hơn 20 năm sau đó thì mới có Majestic. Chính xác hơn, chủ đầu tư của khách sạn này là những người con của chú Hỏa, những người lãnh đạo của công ty anh em Hui Bon Hoa sau khi chú Hỏa qua đời, đó là Huỳnh Trọng Huấn (Tang Huon Hui Bon Hoa), Huỳnh Trọng Tán (Thang Chanh Hui Bon Hoa), Huỳnh Trọng Bình (Thang Phien Hui Ban Hoa). Sau này, khi nhắc đến Chú Hỏa hoặc những người con của ông, báo chí Pháp ngữ chỉ nhắc đến họ của gia tộc là Hui Bon Hoa, vì vậy nhiều người nhầm tưởng đó là chú Hỏa – ông Huỳnh Văn Hoa.

Ở vị trí đầu đường Catinat, khi chưa có Majestic thì đây là khách sạn Hôtel d’Annam (Nam Việt Khách Lầu) của ông Huỳnh Huệ Ký. Khách sạn này tồn tại đến năm 1925 thì công ty Hui Bon Hoa mua lại mảnh đất này để xây dựng khách sạn cao cấp có 44 phòng dựa theo thiết kế art-nouveau thường thấy ở vùng biển Riviera miền Nam nước Pháp.

Ban đầu, khách sạn chỉ có 5 tầng và một quầy bar trên sân thượng, do công ty bất động sản Hui Bon Hoa làm chủ đầu tư.

Majestic được xây trước “nhà chú Hỏa” (trên đường rue d’Alsace-Lorraine, nay là Phó Đức Chính) chỉ vài năm.  Ít người biết rằng “nhà chú Hỏa” và khách sạn Majestic do cùng một người thiết kế là kiến trúc sư người Tây Ban Nha tên Rivera.

Nhà Chú Hỏa là căn biệt thự hoành tráng nay là bảo tàng Mỹ Thuật, có thể thấy rằng nó có kiến trúc tương đồng với khách sạn Majestic phiên bản nguyên thủy khi chưa được sửa chữa.

“nhà chú Hỏa” được xây cuối thập niên 1920

Thời đế quốc Nhật Bản chiếm đóng Đông Dương năm 1945, khách sạn Majestic được trưng dụng thành một trại lính Nhật. Sau khi Pháp tái chiếm Đông Dương 1946 thì vài năm sau đó Sở du lịch và triển lãm Đông Dương (The Indochina Tourism & Exhibition Department) đã mua lại toàn bộ tầng trệt và lầu 1 khách sạn và thuê 44 phòng để cho thuê lại.

Năm 1951, chủ sở hữu Continental Palace là Mathieu Franchini mua lại quyền kinh doanh của Majestic và mở lại nó như là một khách sạn, chứ không phải là cho thuê văn phòng như trước đó.

Từ năm 1952 đến 1955, tiểu thuyết gia nổi tiếng người Mỹ Graham Greene đã thường xuyên lui tới quầy Bar trên tầng thượng của Majestic, là nơi ông rất yêu thích, trong thời gian sáng tác tiểu thuyết Quiet American (Người Mỹ Trầm Lặng), sau đó 2 lần được Hollywood dựng thành phim.

Năm 1965, khi Majestic hết hạn nhượng quyền thương mại ký với ông Franchini Mathieu, khách sạn này được văn phòng du lịch VNCH tiếp quản. Cũng vào thời gian này, Majestic có đợt trùng tu lớn, với 2 tầng lầu được xây thêm theo thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, mặt tiền của khách sạn được thay đổi theo hướng kiến trúc hiện đại, có thêm một nhà hàng lớn và trung tâm hội nghị quốc tế.

Majestic năm 1965

Một số hình ảnh khách sạn Majestic thời kỳ 1965-1975:

Đằng sau, bên hông của khách sạn Majestic có rạp chiếu phim, là một trong những rạp nổi tiếng của Sài Gòn đã có từ thập niên 1930:

Quán cafe tầng trệt của Majestic nhin ra đường Bến Bạch Đằng

Toàn cảnh khách sạn Majestic và Bến Bạch Đằng – sông Sài Gòn

Những ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975, tầng trên cùng của Majestic bị hư hại nặng vì rocket. Sau thời điểm đó, Majestic thuộc quyền sở hữu của công ty du lịch nhà nước là Saigontourist, bị đổi tên thành khách sạn Cửu Long, tên quốc tế là Mekong Hotel).

Năm 1995, khách sạn được trùng tu một lần nữa với mặt tiền được thiết kế tương tự như kiểu thiết kế art-nouveau, được lấy lại tên nguyên thủy là Majestic Hotel.

Năm 2011, khách sạn được mở rộng, xây thêm 2 khối tháp cao 24 tầng và 27 tầng cùng 4 tầng hầm với 353 phòng, nâng tổng số phòng của khách sạn lên 538 phòng. CŨng trong năm này, trụ sở chính của Saigontourist được dời về đây.

Khách sạn Majestic năm 2015

Ngoài sở hữu Majestic Hotel, công ty Saigontourist còn sở hữu chuỗi khách sạn nổi tiếng nằm ở trung tâm Sài Gòn là Grand, Continental Palace (cùng nằm trên đường Tự Do – Đồng Khởi) và REX, Kim Đô.

Đông Kha – chuyenxua.net

Viết một bình luận