Những công trình kiến trúc trăm năm còn lại ở Sài Gòn – Kỳ 3: Hội Trường Diên Hồng

Hội Trường Diên Hồng là tên gọi của tòa nhà từng là Trụ sở Thượng Nghị Viện của Đệ nhị Cộng Hòa. Thời Pháp, đây là toà nhà mang tên Chambre de Commerce được xây năm 1927 trên đường Quai de Belgique, góc ngã 3 với đường Mac Mahon. Góc đường này sau năm 1955 đổi tên thành Bến Chương Dương – Công Lý. Hiện nay đổi thành Võ Văn Kiệt – Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Chambre de Commerce nghĩa là Phòng Thương Mại. Đây là toà nhà thương mại thứ 2 của Pháp xây ở Sài Gòn, vẫn còn cho đến ngày nay và đã tồn tại gần 100 năm. Phòng Thương Mại trụ sở đầu tiên đã được xây dựng từ năm 1867 tại số 11 Rigault de Genouilly, nay là Công Trường Mê Linh.

Trụ sở Chambre de Commerce đầu tiên ở công trường Mê Linh được xem là một trong những tòa nhà lâu đời nhất ở Sài Gòn, được xây dựng năm 1867, chỉ vài năm sau khi Pháp chiếm Gia Định (1862). Tòa nhà này tồn tại gần 150 năm trước khi bị phá bỏ năm 2015 để nhường chỗ cho cao ốc Hilton Saigon 33 tầng.

Hilton Saigon được xây năm 2016 trên vị trí cũ của tòa nhà 150 tuổi Chambre de Commerce

Trong suốt hơn nửa thế kỷ tồn tại, Trụ sở ban đầu của Chambre de commerce không chỉ là nơi giải quyết những thủ tục hành chính liên quan đến giao dịch thương mại, mà còn trở thành biểu tượng giao thương của nền kinh tế sôi động phía Nam, góp phần gây dựng nên hình ảnh một “Sài Gòn – Hòn ngọc Viễn Đông”.

Trước khi Chambre de commerce Mê Linh bị phá bỏ, hầu hết người Sài Gòn đều quen thuộc với căn villa màu trắng có kiến trúc tuyệt đẹp nằm trên khu đất hơn 2000m2 ở công trình Mê Linh, chính giữa 2 đường Phan Văn Đạt và Hồ Huấn Nghiệp.

Chambre de commerce năm 2014, trước khi bị đập bỏ năm 2015

Chambre de commerce vào cuối thế kỷ 19

Ngoài tòa nhà Chambre de Commerce này, cũng có nhiều tòa nhà công sở khác với kiến trúc thời Pháp mọc lên từ những năm cuối thế kỷ 19, nhưng hiện nay toàn bộ đã không còn, thay thế vào đó là các cao ốc nhấp nhô tạo một diện mạo mới cho khu vực này.

Đến năm 1927, trước nhu cầu mở rộng thương mại, nhà cầm quyền quyết định tìm một cơ ngơi bề thế và thuận tiện hơn cho cơ quan quản lý thương mại, nằm ở ngay bên rạch Bến Nghé, khánh thành năm 1928 với sự có mặt của Thống đốc Nam Kỳ.

Toà nhà Chambre de commerce mới được xây dựng theo trường phái chiết trung (đại diện cho sự bình đẳng), pha trộn giữa phong cách tân cổ điển với các trang trí nghệ thuật, các yếu tố trang trí đó mang ảnh hưởng từ kiến trúc Chăm – Khmer. Cùng thời điểm với tòa nhà này, tòa nhà trụ sở của Ngân hàng Đông Dương cũng được xây dựng ngay bên cạnh, và cũng có nét ảnh hưởng từ kiến trúc Khmer.

Năm 1945, khi quân Nhật nắm quyền ở Đông Dương, quân đội đã sử dụng toà nhà này như là một trung tâm thẩm vấn. Sau đó Pháp tái chiếm Đông Dương rồi dùng toà nhà này để làm trụ sở quân đội.

Năm 1955, khi quân đội Pháp đã rời Đông Dương, toà nhà này trở thành một trung tâm Hội Nghị và được đặt tên là Hội Trường Diên Hồng, gợi nhớ đến hội nghị nổi tiếng nhất trong lịch sử là Hội nghị Diên Hồng thời nhà Trần chống quân Nguyên Mông. Có lẽ vì vậy mà con đường phía trước Hội nghị Diên Hồng cũng được đặt tên lại là đường Bến Chương Dương, nhắc lại trận đánh thắng quân Mông năm xưa.

Hội trường Diên Hồng đã trở thành nơi tổ chức những phiên họp quan trọng thời đệ nhất cộng hoà.

Thời đệ nhị cộng hoà, sau sự thay đổi hiến pháp năm 1967, Quốc Hội chia làm 2 viện, khi Hạ Nghị Viện được đặt ở trụ sở Quốc Hội cũ (tức Opera House bên đường Tự Do) thì Hội trường Diên Hồng đã trở thành trụ sở Thượng Nghị Viện cho đến năm 1975.

Trong khoảng thời gian này, một bức tượng An Dương Vương cũng được đặt tại vườn hoa phía trước.

Sau 1975, có một thời gian nơi này trở thành trụ sở của công ty thương mại Imexco. Đến năm 1996, toà nhà được Ủy ban chứng khoán nhà nước tiếp quản.


Năm 2000, toà nhà được tân trang lại để trở thành Trung tâm giao dịch chứng khoán TpHCM (HoSTC), là nơi đầu tiên có các hoạt động giao dịch chứng khoán một cách đầy đủ tại Việt Nam. Năm 2007 cho đến nay, nơi này được đổi tên thành Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh.

Đông Kha – chuyenxua.net

1 bình luận về “Những công trình kiến trúc trăm năm còn lại ở Sài Gòn – Kỳ 3: Hội Trường Diên Hồng”

Viết một bình luận