Những con đường Sài Gòn mang tên người Việt từ trước năm 1954

Từ khi Pháp chiếm Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định từ năm 1862 cho đến năm 1954, toàn bộ các tên đường ở Sài Gòn và các đô thị khác đều mang tên Tây, là tên của những sĩ quan và danh nhân người Pháp. Sau hiệp định Geneve năm 1954, Pháp rút khỏi Đông Dương, bàn giao lãnh thổ phía Nam vĩ tuyến 17 cho chính quyền của quốc trưởng Bảo Đại với thủ tướng Ngô Đình Diệm.

Từ đầu năm 1955, Toà Đô Chánh Sài Gòn được lệnh gấp rút thay thế toàn bộ đường mang tên Pháp sang tên Việt. Người phụ trách đặt tên đường là nhà văn Ngô Văn Phát, trưởng phòng hoạ đồ, và chỉ 1 mình ông phải làm việc miệt mài suốt 3 tháng để đổi toàn bộ tên đường ở Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn với một khối lượng công việc đồ sộ. Từ lúc này, hầu hết các con đường mang tên Pháp đều được đổi lại tên các danh nhân Việt Nam, chỉ trừ một số tên của những người Pháp có nhiều đóng góp cho xã hội, con người lúc đó, như là các bác sĩ Yersin, Pasteur, Calmette.

Tuy nhiên từ trước năm 1954, đã có nhiều tên đường ở Sài Gòn mang tên người Việt, đa số là được chính quyền của Cộng hòa tự trị Nam Kỳ, sau đó là Quốc gia Việt Nam (quốc trưởng Bảo Đại) đặt trong thời kỳ từ 1946 đến 1954. Đó có thể là tên của những vị anh hùng dân tộc được thừa nhận rộng rãi như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, hay là những vua triều Nguyễn như Gia Long, Duy Tân.

Ngoài ra, ngay từ trước năm 1945, chính quyền thuộc địa đã đặt tên cho một số con đường ở Sài Gòn là tên người Việt, là tên những người Việt cộng tác với Pháp, có công với nước Pháp, như là cha con Tổng Đốc Phương – Đỗ Hữu Vị, Petrus Ký… Trước đó, ngay từ khi bắt đầu quy hoạch Sài Gòn – Chợ Lớn từ đầu thập niên 1860, cũng đã có nhiều tên đường tiếng Việt, là những địa danh nổi tiếng ở xứ Nam Kỳ, như là Mỹ Tho, Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Bà Rịa…

Nhìn lại tấm bản đồ Sài Gòn đầu thập niên 1950, không dễ để tìm thấy hết những tên đường tiếng Việt ít ỏi nằm chen lẫn giữa vô số tên đường tiếng Pháp:

Những tên đường tiếng Việt xuất hiện ở Sài Gòn sau năm 1955 thì đã quá quen thuộc, trong bài này xin nhắc về những con đường mang tên tiếng Việt từ trước năm 1954, kèm theo đó là sơ lược lai lịch của từng danh nhân được đặt tên đường đó. Loạt bài này được đăng nhiều kỳ, xếp theo thứ tự ABC của tên đường.

1. Đường Bảo Hộ Thoại

Thời Pháp thuộc, đây chỉ là một con hẻm đi trong xóm, từ năm 1950 được nâng cấp thành đường phố. Ngày 30/1/1950, chính quyền Quốc Gia Việt Nam đặt tên cho con đường này là Bảo Hộ Thoại. Đến ngày 6/10/1955, chính quyền VNCH đổi tên đường này thành Bùi Viện. Cho đến nay, tên đường Bùi Viện vẫn được giữ, là con đường sầm uất hàng quán và được xem là con phố Tây lớn nhất Sài Gòn.

Đường Bảo Hộ Thoại trên bản đồ Sài Gòn năm 1952

Bảo Hộ Thoại là ai?

Ngày nay, chúng ta vẫn thường nghe đến tên đường Thoại Ngọc Hầu, còn trước năm 1975 thì có con đường mang tên Nguyễn Văn Thoại (nay là đường Lý Thường Kiệt). Thực ra, Bảo Hộ Thoại, Thoại Ngọc Hầu, hay là Nguyễn Văn Thoại đều là chỉ 1 người.

Nguyễn Văn Thoại được sinh ra ở đất Quảng và lớn lên vào thời Trịnh Nguyễn phân tranh, tiếp sau là thời phong trào Tây Sơn, gia đình ông chạy nạn vào định cư ở vùng Vũng Liêm, Vĩnh Long.

Năm 1777, khi mới 16 tuổi, ông đi lính cho chúa Nguyễn, sau đó lập được rất nhiều công trạng.

Năm 1808, ông giữ chức Trấn thủ Định Tường (vùng đất từ Long An, Tiền Giang đến Đồng Tháp ngày nay). Năm 1812, ông nhận nhiệm vụ bảo hộ cho nước Cao Miên trong 3 năm, từ đó người dân gọi ông là “Bảo Hộ Thoại”.

Năm 1817, ông nhậm chức trấn thủ trấn Vĩnh Thanh, là phần lãnh thổ sau này chia thành 2 tỉnh An Giang và Vĩnh Long (2 trong 6 tỉnh Nam kỳ), bao gồm khu vực rộng lớn chiếm 1 nửa khu vực miền Tây Nam Bộ hiện nay. Thời gian này ông cho đào kênh Vĩnh Tế, dọc theo biên giới Tây Nam nối liền Châu Đốc – Hà Tiên, là con kênh có vai trò quan trọng trong đời sống người dân ở khu vực này cho đến tận ngày nay.

Vĩnh Tế cũng là tên người vợ của Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu). Ông bà được nhiều người dân ở An Giang cảm mến, nhớ ơn. Ở huyện Thoại Sơn, ngoài đền thờ, bia đá còn có khu du lịch mang tên Hồ Ông Thoại. Tại chân núi Sam, có một làng mang tên Vĩnh Tế, thể hiện sự nhớ ơn của nhân dân đối với ông bà Bảo hộ Thoại. Nơi đó còn có câu ca dao như sau:

Đi ngang qua cảnh núi Sam,
Thấy lăng ông lớn hai hàng lụy rơi.

Ông ngồi vì nước vì đời,
Hy sinh tài sản không rời nước non.
Nước kênh Vĩnh Tế lờ đờ,
Nhớ ông Bảo Hộ dựng cờ chiêu an.

Đồng An Trường chó ngáp,
Làng Quới Thiện trồng lác bốn mùa.
Nhớ ông Bảo Hộ ngày xưa,
Dựng làng, mở cõi nắng mưa dãi dầu

2. Bùi Quang Chiêu

Ban đầu, đường Bùi Quang Chiều chỉ là một con hẻm mang tên hẻm Cá Hấp nằm ở trung tâm Quận 1 ngày nay. Sau năm 1945, hẻm được cải tạo nâng cấp thành đường phố. Ngày 28/11/1952, chính quyền Quốc Gia Việt Nam đổi tên đường Bùi Quang Chiêu.

Ngày 4/4/1985, chính quyền đổi tên thành Đặng Thị Nhu (một trong những người vợ của Hoàng Hoa Thám).

Ông Bùi Quang Chiêu là kỹ sư canh nông, một trí thức yêu nước và nhà chính trị tranh đấu đòi quyền tự trị cho Việt Nam thời Pháp thuộc đầu thế kỷ 20. Ông thành lập, tham gia và hưởng ứng nhiều phong trào chống Pháp hoặc đòi độc lập cho Việt Nam, như là Hội tương tế Đông Dương, Hội Trí tri, Đông Kinh Nghĩa Thục, phong trào Duy Tân, Đông Du.

Ông Bùi Quang Chiêu

Năm 1919, ông Bùi Quang Chiêu đứng ra thành lập Đảng Lập hiến Đông Dương. Trong cuộc bầu cử ở Sài Gòn năm 1926, ông và 9 đảng viên đảng Lập Hiên cùng đắc cử Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ (có nhiệm vụ giống như Quốc Hội hiện nay), chiếm trọn 10 ghế của người bản xứ. Ông được bầu làm Phó chủ tịch Hội đồng.

Với quyền lực đó của mình, ông đã vận động để đòi tự do báo chí, đòi bình đẳng cho người bản xứ và cũng giúp nhiều du học sinh người Việt được sang Pháp du học, mang lại nhiều quyền lợi hơn cho người Việt dưới ách cai trị của thực dân Pháp. Ông có chủ trương “hợp tác Pháp – Việt, để làm cho xứ này được tiến bộ dưới sự trông nom của nước Pháp và tinh thần thống nhất giữa người Việt Nam ở ba kỳ”, như trong một bài phát biểu của ông.

Ông có người con gái là Henriette Bùi. lấy được bằng bác sĩ y khoa Pháp năm 1929, Bà là nữ bác sĩ y khoa Việt Nam đầu tiên. Em gái của ông Bùi Quang Chiêu là bà nội của bà Trần Lệ Xuân.

Hiện nay, trên mảnh đất quê ông, tên ông được đặt cho một con đường tại Thị trấn Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre.

3. Đường Đỗ Hữu Vị

Dù đây là một con đường nhỏ nằm ở trung tâm Sài Gòn, nhưng đây là một trong những con đường có lịch sử lâu đời nhất của thành phố này. Ban đầu đường này được đánh số 7, sau đó được mang tên là Hamelin, kéo dài từ tận đường Kinh Lớn (sau này là đại lộ Charner, nay là Nguyễn Huệ) sang tới đường Abattoir (sau đó đổi tên thành Kitchner, từ 1955 mang tên Nguyễn Thái Học).

Sau khi Chợ Bến Thành được xây dựng, năm 1917 đường Hamelin được cắt làm đôi, đoạn từ Charner tới bùng binh chợ Bến Thành (bên hông sở Hỏa Xa) đổi tên thành đường Đỗ Hữu Vị (từ 1955 đến nay đổi tên thành đường Huỳnh Thúc Kháng), đoạn còn lại vẫn mang tên là Hamelin (đường Hamelin đổi tên thành Huỳnh Thị Ngà năm 1955, từ 1975 đến nay là đường Lê Thị Hồng Gấm).

Đường Đỗ Hữu Vị trên bản đồ Sài Gòn năm 1921

Đỗ Hữu Vị là ai mà được người Pháp đặt tên đường từ năm 1917?

Ông được xem là phi công người Việt đầu tiên, phục vụ trong quân đội Pháp. Ông cũng là một trong 6 người con của Tổng Đốc Đỗ Hữu Phương (Tổng Đốc Phương) – một đại phú gia của Sài Gòn từ cuối thế kỷ 19.

Đỗ Hữu Vị sinh năm 1883 ở Chợ Lớn, từ nhỏ được theo học ngôi trường danh tiếng Lasan Taberd, sau đó được gửi sang Pháp học trường Lycée Janson de Sailly. Sau khi tốt nghiệp, ông theo học trường dự bị Lycée Louis-le-Grand, tuy nhiên không lâu sau, ông dự thi và trúng tuyển vào Trường võ bị Saint-Cyr (École spéciale militaire de Saint-Cyr) cuối năm 1904 và tốt nghiệp với quân hàm Thiếu úy năm 1906.

Sau khi ra trường, ông gia nhập lực lượng Lê dương Pháp, phục vụ trong Trung đoàn Lê dương số 1 (1er régiment etranger) đóng quân tại Oujda Maroc, Casablanca và trong khu vực le Haut-Guir septentrional từ năm 1907 cho đến 1908.

Từ giữa năm 1908, ông về Pháp tham gia đội phi hành của Louis Charles Joseph Blériot bay qua biển Manche và từ đó thích nghề bay.

Cuối năm 1910, ông trở về Pháp, theo học phi công quân sự (l’école militaire de pilotage) và được Câu lạc bộ Hàng không Pháp quốc (Aéroclub de France) cấp bằng cơ phó (lieutenant-pilote). Cuối năm 1911, ông cùng Ménard thực hiện chuyến bay vòng quanh nước Pháp lần thứ nhất.

Tháng 12 năm 1912, ông trở lại Marocco, tham gia phi đội trinh sát của tướng Brulard, được thăng Trung úy và phục vụ đến năm 1913. Cuối năm 1913, ông nghỉ phép ở Việt Nam, được Toàn quyền Đông Dương bấy giờ là Albert Sarraut nhờ giúp đỡ để xây dựng những cơ sở cho cơ quan hàng không thuộc địa. Ông cũng tham gia thử nghiệm một loại thuyền lướt trên mặt nước, chạy bởi động cơ cánh quạt máy bay do Charles de Lambert chế tạo (l’hydroglisseur Lambert) trên sông Cửu Long và sông Hồng. Các cuộc biễu diễn biểu diễn máy bay của ông ở Sài Gòn và Hà Nội làm dân chúng bàn tán sôi nổi một thời.

Tháng 8 năm 1914, ông tình nguyện trở lại Pháp để tham chiến. Khi Toàn quyền Albert Sarraut giữ lại, ông nói:

“Tôi vừa là người Pháp, vừa là người Nam; bổn phận của tôi lại nặng gấp đôi Ngài”

Về Pháp và tham gia lực lượng hàng không trinh sát trong Thế chiến thứ nhất, ông lập nhiều công tích và được chính phủ Pháp tặng thưởng huân chương Bắc Đẩu Bội tinh ngũ đẳng.

Ông tử trận năm 1916 và ược an táng tại làng Dompierre thuộc vùng Somme. Một năm sau đó tên ông được đặt cho con đường nằm bên cạnh Tòa Hòa Giải. Ở Hà Nội cũng có một trường tiểu học ở Ba Đình mang tên Đỗ Hữu Vị, nay là trường tiểu học Việt Nam – Cuba. Ngày nay ở Lái Thiêu – Bình Dương vẫn có một con đường mang tên Đỗ Hữu Vị.

Năm 1921, người anh cả của ông là Đỗ Hữu Chấn đã cho chuyển hài cốt của ông về an táng trong phần mộ gia đình tại Việt Nam. Từ đường dòng họ Đỗ Hữu hiện nằm trên đường Điện Biên Phủ, Quận 3,

4. Đường Đỗ Thanh Nhân/Đỗ Thanh Nhơn

Con đường này ngày nay là đường Đoàn Văn Bơ nằm ở Quận 4. Thời Pháp nó chỉ là một đoạn ngắn (từ bến Vân Đồn đến đường Hoàng Diệu ngày nay) và mang tên là Yokohama.

Ngày 30/1/1950, chính quyền Quốc Gia Việt Nam đổi tên đường thành Đỗ Thanh Nhân. Đường sau đó được nối dài và vẫn giữ nguyên tên sau đợt đổi tên đường năm 1955, tuy nhiên thường được ghi thành Đỗ Thanh Nhơn. Có người cho rằng vì kỵ húy tước hiệu của chúa Nguyễn Phúc Lan (tước là Nhân) nên sau này ở miền Nam, chữ Nhân đều đổi lại thành Nhơn, kể cả tên riêng. Đến năm 1985, đường Đỗ Thanh Nhơn bị đổi tên thành Đoàn Văn Bơ.

Đường Đỗ Thanh Nhân trên bản đồ Sài Gòn năm 1952

Đỗ Thanh Nhơn là một danh tướng Việt Nam cuối thế kỷ 18 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Ánh. Cùng với Võ Tánh, Châu Văn Tiếp, ông được người đương thời xưng tụng là “Gia Định tam hùng”.

Khi chúa Nguyễn Ánh xưng đế năm 1780, Đỗ Thanh Nhơn được phong làm Ngoại hữu phụ chính Thượng tướng quân, tước Quận công. Tuy có tài nhưng Đỗ Thanh Nhơn cũng có nhiều tật, trong đó có tính ngang tàng, ăn nói bạt mạng nên làm mất lòng rất nhiều người.

Khi Nguyễn Ánh bày tỏ ý định cầu viện quân Xiêm và Pháp để đánh Tây Sơn, Đỗ Thanh Nhơn đã thẳng thừng can ngăn: “Mời họ đến thì dễ, đuổi họ đi mới khó”. Do nghịch ý chúa nên ông cũng bị vua ghét. Sau khi được phong chức cao, Đỗ Thành Nhân cũng trở nên tự phụ, ngạo mạn.

Triều thần có người đã khuyên chúa Nguyễn Ánh là Đỗ Thanh Nhơn ngày càng lộng quyền, có nguy cơ phản loạn, nên trừ bỏ sớm đi để ngăn hậu họa về sau. Nguyễn Ánh làm theo, giả vờ bệnh nặng, mời Đỗ Thanh Nhơn về gặp rồi cho võ sĩ mai phục ngoài tư dinh của ông để bắn tên tẩm thuốc độc.

Mất đi tướng tài Đỗ Thanh Nhơn, chúa Nguyễn Ánh bị thất thế trước quân Tây Sơn một thời gian dài rồi mới thống nhất được giang sơn năm 1802.

Ngoài con đường ở Quận Tư – Sài Gòn trước năm 1985 mang tên Đỗ Thanh Nhơn, ở tỉnh Gia Định cũ cũng có đường mang tên ông, nay là đường Trần Văn Kỷ ở Bình Thạnh. Điều đặc biệt là cả hai con đường đều bị đổi tên cùng ngày 4 tháng 4 năm 1985.

5. Đường Gia Long

Gia Long là tên niên hiệu của vị vua thống nhất đất nước từ đầu thế kỷ 19 và khai lập triều Nguyễn – triều đại phong kiến cuối cùng vủa Việt Nam. Trước năm 1975 có con đường mang tên Gia Long nổi tiếng (nay là đường Lý Tự Trọng) đi ngang qua dinh Phó Soái cũng được đặt tên là Gia Long từ năm 1950.

Đường Gia Long trên bản đồ Sài Gòn năm 1952

Đường Gia Long đã có từ trước khi người Pháp chiếm được Gia Định. Khi Pháp quy hoạch thành phố Sài Gòn, đường được đánh số 17. Năm 1865, đường mang tên là Gouverneur, đến năm 1870 đổi thành Lagrandiere. Năm 1950, chính quyền của quốc trưởng Bảo Đại đổi tên thành đường Gia Long, đồng thời dinh Phó Soái nằm trên đường này cũng được đổi tên thành Dinh Gia Long.

Năm 1975 đến nay, đường Gia Long đổi thành đường Lý Tự Trọng.

Ngoài ra, ít người biết rằng trước năm 1950 ở Chợ Lớn cũng có một con đường nhỏ hơn mang tên Gia Long được người Pháp đặt. Đường này nằm gần cầu Chà Và, đến ngày 7/7/1950 được chính quyền Quốc Gia Việt Nam đổi tên thành Trịnh Hoài Đức, và vẫn được giữ nguyên tên cho đến nay. Trịnh Hoài Đức cũng là một trong không nhiều tên danh nhân người Việt được đặt tên đường ở Sài Gòn trước năm 1954.

Kết thúc kỳ 1, ở các phần tới chuyenxua.vn sẽ nhắc tới những tên đường khác mang tên người Việt trước 1975, mỗi phần sẽ nhắc tới 5 con đường, mời quý vị đón đọc.

Bài: Đông Kha – chuyenxua.net

Viết một bình luận