Nhạc sĩ Phú Quang và ca khúc “Em Ơi Hà Nội Phố” – Nhớ về một Hà Nội xưa lãng mạn nhưng cũng đầy buồn thương

Nhận được tin buồn, nhạc sĩ Phú Quang vừa qua đời vào sáng nay, ngày 8/12/2021, sau 2 năm điều trị biến chứng bệnh tiểu đường.

Dù được sinh ra ở Hải Phòng và có nhiều năm sinh sống và gắn bó với mảnh đất Sài Gòn, nhưng nhạc sĩ Phú Quang vẫn là một người Hà Nội, cuối đời về sống tại Hà Nội, và nổi tiếng với nhiều ca khúc viết về Hà Nội, tiêu biểu nhất trong số đó là Em Ơi Hà Nội Phố.


Click để nghe Bằng Kiều hát Em Ơi hà Nội Phố

Bài hát này được nhạc sĩ Phú Quang phổ từ bài thơ mang tên Hà Nội Phố của nhà thơ Phan Vũ, và thật trùng hợp là thi sĩ này cũng là người Hải Phòng, từng có thời gian ở Hà Nội, nhưng phần lớn thời gian là sinh sống ở Sài Gòn từ năm 1975 đến khi qua đời năm 2019.

Nhiều năm qua, Em Ơi Hà Nội Phố luôn được xem là một trong những ca khúc viết về Hà Nội hay nhất, là bài hát gợi lên cảm giác bâng khuâng, nhớ nhung về một Hà Nội lãng mạn nhưng cũng đầy buồn thương.

Hà Nội Phố của Phan Vũ là một bài thơ rất dài với 24 khổ, 443 câu thơ, được ông sáng tác năm 1972, đến năm 1985, nhạc sĩ Phú Quang dùng 21 câu trong số đó để phổ thành nhạc. Bài thơ nhắc về những kỷ niệm, những nỗi buồn có thật trong cuộc đời nhà thơ Phan Vũ, ví dụ như câu “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ” là tiếng nhạc của cô gái tên Trịnh Thị Nhàn – là người ông thầm yêu. Năm 1972, khu nhà của cô Nhàn ở phố Quán Thánh bị tan hoang, đổ nát vì máy bay Mỹ oanh tạc (mục tiêu là nhà máy điện Yên Phụ).

Nhà thơ Phan Vũ còn là một họa sĩ, nên có người nói rằng “Em Ơi Hà Nội Phố là sự hòa trộn giữa văn chương và hội họa. Ngôn từ chất đầy những hình khối, màu sắc tựa bức tranh. Những đường cọ chỉ chấm phá đôi nét mờ nhòa, tạo không gian lắng đọng cho người thưởng thức. Em ơi, Hà Nội phố đồng điệu cảm xúc của cặp nghệ sĩ Phan Vũ – Phú Quang, thể hiện tình yêu mãnh liệt và chân thành…”

Nhà thơ Phan Vũ sinh năm 1926 ở Hải Phòng, cha của ông là một công chức người Đà Nẵng ra Hải Phòng làm việc. Năm 20 tuổi, Phan Vũ nam tiến, nhưng đến năm 1954 thì tập kết ra Bắc và sinh sống ở Hà Nội, sau đó từng tham gia Nhân Văn Giai Phẩm. Hà Nội Phố không chỉ là một tác phẩm thơ, mà Phan Vũ còn viết một kịch bản phim cùng tên, nhưng kịch bản đó mãi mãi chỉ là bản thảo vì bị cho là ủy mị. Ngoài làm thơ, Phan Vũ còn là một họa sĩ và đạo diễn, ông từng đạo diễn các phim “Bí mật thành phố cấm”, “Như một huyền thoại”. Ngay sau năm 1975, ông vào Sài Gòn sinh sống và qua đời năm 2019.

Nhạc sĩ Phú Quang tên thật là Nguyễn Phú Quang, sinh năm 1949 tại Hải Phòng, lớn lên ở Hà Nội và vào Sài Gòn sinh sống từ năm 36 tuổi. Những sáng tác nổi tiếng nhất của ông đa số là phổ thơ, ngoài Em Ơi Hà Nội Phố còn có Hà Nội Ngày Trở Về (thơ Thanh Tùng), Im Lặng Đêm Hà Nội (thơ Phan Thị Ngọc Liên), Một Dại Khờ Một Tôi (thơ Nguyễn Trọng Tạo), Đâu Phải Bởi Mùa Thu (thơ Giáng Vân), Mơ Về Nơi Xa Lắm (thơ Thái Thăng Long)…

Nhạc sĩ Phú Quang từng chia sẻ ông chỉ sáng tác khi trái tim thực sự rung động. Nhạc phẩm của ông giàu cảm xúc nhưng có cơ sở nhạc lý vững chắc. Ông thần tượng các ông hoàng nhạc cổ điển như Chopin, Mozart, Tchaikovsky…

chuyenxua.net

Viết một bình luận