Nhạc sĩ Hoàng Trọng – “ông vua tango” và những ca khúc nổi tiếng: Tiễn Bước Sang Ngang, Dừng Bước Giang Hồ, Ngàn Thu Áo Tím…

Nếu như ở địa hạt nhạc vàng, nhạc sĩ Trúc Phương được xưng tụng là “ông vua bolero”, thì ở dòng nhạc tiền chiến – trữ tình, nhạc sĩ Hoàng Trọng cũng được đặt biệt danh là “ông vua tango” với rất nhiều ca khúc giai điệu tango sống mãi cùng thời gian: Dừng Bước Giang Hồ, Tiễn Bước Sang Ngang, Tình Đầu, Hai Phương Trời Cách Biệt, Mộng Ban Đầu… và ca khúc Tiếng Đàn Ai được xem là một trong những bài Tango đầu tiên của nhạc Việt.


Click để nghe Thanh Thúy hát Tiếng Đàn Ai trước 1975

Cùng với bài Tiếng Đàn Ai, một trong những bài hát giai điệu tango đầu tiên khác của nhạc sĩ Hoàng Trọng là Phút Chia Ly, được sáng tác khi ông rời vùng quê Nam Định để lên Hà Nội sinh sống từ năm 1947:

Lòng tê tái vương nhớ nhung
Người chinh phu với sầu đông
Thuyền không bến lắng trôi tới đâu
Đưa đón ai xa ngừng bến nào
Thầm reo rắc chi sầu nhớ….


Click để nghe Mai Hương hát Phút Chia Ly trước 1975

Có thể nói không một nhạc sĩ Việt Nam nào sáng tác Tango nhiều và hay như nhạc sĩ Hoàng Trọng, đó là Tiếng Đàn Ai, Thu Qua, Cánh Hoa Xưa, Bên Sông Đưa Người, Lá Rụng, Mộng Ngày Hồi Hương, Thương Về Quê Cha, Tình Trăng, Bóng Trăng Xưa, Hương Yêu... và nhiều bản nổi tiếng như Phút Chia Ly, Hai Phương Trời Cách Biệt, Mộng Ban Đầu, Mộng Lành, Đường Về, Đẹp Giấc Mơ Hoa, Tiễn Bước Sang Ngang, Em Còn Nhớ Không Em, Ngỡ Ngàng, Nhớ Hoài, Bắc Một Nhịp Cầu, Tình Đầu…

Sau đây mời các bạn nghe lại 1 số bài nhạc tango nổi tiếng khác của nhạc sĩ Hoàng Trọng:


Click để nghe Khánh Ly hát Mộng Ban Đầu trước 1975


Click để nghe Sơn Ca hát Mộng Lành trước 1975


Click để nghe Thanh Thúy hát Đường Về trước 1975


Click để nghe Thanh Lan hát Tiễn Bước Sang Ngang trước 1975


Click để nghe Nhật Trường hát Ngỡ Ngàng trước 1975


Click để nghe Bùi Thiện – Sơn Ca hát Bắc Một Nhịp Cầu trước 1975


Click để nghe Bạch Lan Hương hát Nhớ Hoài trước 1975


Click để nghe Hà Thanh hát Hai Phương Trời Cách Biệt trước 1975


Click để nghe Lệ Thu hát Tình Đầu trước 1975

Không chỉ nổi tiếng với điệu Tango, nhạc sĩ Hoàng Trọng còn có nhiều ca khúc bất hủ khác với các tiết điệu khác, tiêu biểu là Gió Mùa Xuân Tới điệu Rhumba, sáng tac đầu thập niên 1950:

Gió mùa xuân tới
Cánh đồng tươi thắm trong nắng vàng
Muôn bướm tung bay
Mang sắc tươi phô cùng trời sáng…


Click để nghe Hà Thanh hát Gió Mùa Xuân Tới trước 1975

Năm 1953, tên tuổi nhạc sĩ Hoàng Trọng nổi tiếng vang dội từ bản Nhạc Sầu Tương Tư, với điệu Slow, hầu như được trình diễn mỗi ngày trên các đài phát thanh:

Chiều rơi cho lòng lạc loài chơi vơi
Ngày rơi ai buồn giây phút qua rồi
Thời gian luống phụ cho ai mãi đâu
Luống hận cho ai mãi đâu
Muôn kiếp u sầu…


Click để nghe Hà Thanh hát Nhạc Sầu Tương Tư trước 1975

Một trong những ca khúc nổi tiếng nhất sự nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Trọng là Dừng Bước Giang Hồ, điệu Pasodoble, cũng được sáng tác năm 1953 trước khi ông di cư vào Nam:

Chiều nay sương gió
Lữ khách dừng bên quán xiêu
Mơ màng nghe tiếng chuông chiều
Vương về bên quán tiêu điều

Vầng trăng hoen úa
Như lá vàng rơi cuối thu
Lững lờ soi mấy hàng cây
U sầu ta ngắm trời mây…


Click để nghe Thái Thanh hát Dừng Bước Giang Hồ trước 1975

Năm 1954, nhạc sĩ Hoàng Trọng vào Nam, ngay sau đó ông có nhiều sáng tác phổ thông nổi tiếng, tiêu biểu nhất là Ngàn Thu Áo Tím điệu valse, được đánh giá cao ở cả lời lẫn nhạc, do nữ sĩ Vĩnh Phúc viết lời:

Ngày xưa xa xôi em rất yêu mầu tím
Ngày xưa vô tư em sống trong trìu mến
Chiều xuống áo tím thường thướt tha
Bước trên đường thắm hoa
Ngắm mây chiều lướt xa…


Click để nghe Thái Thanh hát Ngàn Thu Áo Tím trước 1975

Ngay sau khi bắt đầu định cư ở Sài Gòn, nhạc sĩ Hoàng Trọng bắt đầu thành lập những ban nhạc trình diễn trên các đài phát thanh và truyền hình, nổi tiếng nhất là Ban Tiếng Tơ Đồng. Từ đầu thập niên 1970, ông phát hành những cuốn băng Tiếng Tơ Đồng nổi tiếng hiện nay vẫn còn được tìm nghe lại.


Click để nghe băng nhạc Tiếng Tơ Đồng 1


Click để nghe băng nhạc Tiếng Tơ Đồng 2


Click để nghe băng nhạc Tiếng Tơ Đồng 3

Sơ lược tiểu sử của nhạc sĩ Hoàng Trọng:

– Ông tên thật là Hoàng Trung Trọng, sinh năm 1922 tại Hải Dương.

– Năm 1927, ông theo bố mẹ đến sống ở Nam Định.

– Năm 1933, ông bắt đầu được học nhạc qua người anh ruột Hoàng Trung Quý và chơi được nhiều nhạc cụ như vĩ cầm, tây ban cầm, hạ uy cầm và sáo.

– Từ năm 1937, Hoàng Trọng học nhạc tại trường Thày Dòng Saint Thomas Nam Định. Cũng trong năm này, khi mới 15 tuổi, ông đã tập hợp các anh em trong gia đình như Hoàng Trung An và Hoàng Trung Vinh, cùng các bạn là nhạc sĩ Đan Thọ, Đặng Thế Phong, Bùi Công Kỳ… thành một ban nhạc. Lúc này ban nhạc vẫn chưa có tên, chỉ để giải trí, học hỏi lẫn nhau và cũng để trình diễn vì đam mê.

– Năm 1938, khi mới 16 tuổi, Hoàng Trọng đã sáng tác bản nhạc đầu tay là Đêm Trăng, chỉ một thời gian ngắn sau khi tân nhạc Việt Nam được khởi phát bởi các nhạc sĩ tiên phong là Nguyễn Văn Tuyên, Văn Chung, Lê Thương, Nguyễn Xuân Khoát…

– Năm 1940, ông mở một lớp dạy đàn ở Nam Định

– Năm 1941, ông tiếp tục nghiên cứu âm nhạc qua sách vở và học hàm thụ từ Universelle de Paris, bắt đầu sáng tác thêm một số nhạc phẩm nổi tiếng, được Phạm Duy – lúc này là ca sĩ tân nhạc – mang đến khán giả khắp mọi miền theo gánh hát Đức Huy, đó là Tiếng Đàn Ai, Một Thuở Yêu Đàn..

– Năm 1945, Hoàng Trọng mở phòng trà Thiên Thai ở Nam Định với ban nhạc là những người bạn đã sinh hoạt với nhau từ năm 1937, lấy tên là Ban Nhạc Thiên Thai.

Cũng trong năm này, Hoàng Trọng lập gia đình với người vợ đầu và có 3 người con đều mang tên nốt nhạc là Hoàng Nhạc Đô, Hoàng Cung Fa, Hoàng Bạch La. Trong đó Hoàng Nhạc Đô sau này cũng là nhạc sĩ nổi tiếng với ca khúc Dù Tình Yêu Đã Mất.

– Sau đó, vì loạn lạc nên gia đình nhạc sĩ Hoàng Trọng rời Nam Định, đi nhiều nơi.

– Năm 1947, Hoàng Trọng về định cư tại Hà Nội. Cũng trong năm này, ông viết ca khúc tango nổi tiếng Phút Chia Ly với phần lời của Nguyễn Túc.

Những ngày đầu hồi cư về Hà Nội, nhạc sĩ Hoàng Trọng liên lạc được với những ca sĩ tân nhạc nổi tiếng của đài phát thanh Pháp Á, như Châu Kỳ, Mộc Lan, Minh Diệu, Mạnh Phát,… nên nhiều tác phẩm của ông bắt đầu được phổ biến rộng rãi. Cũng trong thời gian này, ông soạn cuốn Tự Học Hạ Uy Cầm dựa theo kinh nghiệm đi dạy đàn hồi còn ở Nam Định.

– Năm 1950, nhạc sĩ Hoàng Trọng gia nhập quân đội và là trưởng ban Quân Nhạc Bảo Chính Đoàn trình diễn mỗi tuần tại một vườn hoa cạnh Bưu Điện Hà Nội và trong chương trình Tiếng Nói Bảo Chính Đoàn của đài phát thanh Hà Nội.

Thời điểm này Hoàng Trọng có nhiều sáng tác nổi tiếng là Gió Mùa Xuân Tới, Nhạc Sầu Tương Tư, Dừng Bước Giang Hồ, Đường Về Dĩ Vãng…

– Năm 1954, Hoàng Trọng di cư vào miền Nam sống tại Sài Gòn trong hoàn cảnh gà trống nuôi ba con sau khi đã chia tay với vợ.

Nhạc sĩ Hoàng Trọng và ban Tiếng Tơ Đồng

Tại Sài Gòn, nhạc sĩ Hoàng Trọng thành lập các ban nhạc chuyên trình diễn trên đài phát thanh Sài Gòn, đài Quân đội, đài Tiếng Nói Tự Do và đài Truyền hình Việt Nam. Những ban nhạc của ông hoạt động đến tận 1975, từng mang nhiều tên khác nhau như Hoàng Trọng, Tây Hồ, Đất Nước Mến Yêu… đặc biệt từ năm 1967 ban nhạc mang tên Tiếng Tơ Đồng, là ban nhạc đại hợp xướng nổi tiếng chuyên trình bày những nhạc phẩm giá trị mà đa số là nhạc tiền chiến, thính phòng, với thành phần ca nhạc sĩ hùng hậu và tên tuổi thượng thặng của miền Nam Việt Nam.

Ban Tiếng Tơ Ðồng đánh dấu giai đoạn vàng son của nền âm nhạc Việt Nam, khán thính giả có dịp thưởng ngoạn những giai điệu tuyệt đẹp của thời tiền chiến, âm nhạc bán cổ điển, êm dịu, nhẹ nhàng, mượt mà, mang âm hưởng của thời kỳ lãng mạn Tây phương.

Trong khoảng 200 tác phẩm trong sự nghiệp, ông chỉ tự đặt lời khoảng 40 bài, số còn lại được các thi sĩ và nhạc sĩ khác viết lời là Hồ Đình Phương, Hoàng Dương, Nguyễn Túc, Quách Đàm, Vĩnh Phúc, Dạ Chung…

Nhạc sĩ Hoàng Trọng cũng tham gia viết nhạc phim, nổi tiếng nhất là ca khúc cùng tên trong các phim Người Tình Không Chân Dung, Bão Tình. Với nhạc trong bộ phim Triệu Phú Bất Đắc Dĩ, Hoàng Trọng đã được giải thưởng Văn học Nghệ thuật năm 1972.

Sau 1975, Hoàng Trọng ở lại trong nước, chỉ sáng tác một vài ca khúc nhưng không phổ biến.

Năm 1978, nhạc sĩ Hoàng Trọng mới đi bước nữa sau khi 3 người con đều đã lập gia đình và lưu lạc ở 3 phương trời khác nhau: Hoàng Nhạc Đô ở lại Việt Nam, Hoàng Cung Fa ở Hoa Kỳ và Hoàng Bạch La ở Đức.

Nhạc sĩ Hoàng Trọng viết ca khúc cuối cùng là Chiều Rơi Ðó Em để tặng cho người vợ sau là Thu Tâm. Với Thu Tâm, ông có thêm 2 người con là Thiên Út và Kim Mi.

Năm 1992, gia đình nhạc sĩ Hoàng Trọng sang định cư tại Hoa Kỳ và qua đời ngày 16 tháng 7 năm 1998.

Nhạc sĩ Phạm Duy đã nhận xét về nhạc sĩ Hoàng Trọng như sau: “Hoàng Trọng đã từng phục vụ cho nền tân nhạc Việt Nam từ lúc phôi thai cho đến khi đã trưởng thành, tất cả đều có một hành trình rất phong phú… Trong đời tôi, chưa thấy ai nhu mì như nhạc sĩ Hoàng Trọng cả”.

Còn trong bài viết Thuở Bình Minh Của Âm Nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Hiền viết: “Những ai sinh quán ở Nam Ðịnh đều biết thành phố nầy có những nhạc sĩ quen thuộc với đại chúng như Ðặng Thế Phong, Hoàng Quý Phạm Ngữ, tác giả bản Buồn Nhớ Quê Hương, Hoàng Trọng với những bản tango nổi danh và Ðan Thọ…”.

Theo nhạc sĩ Ðan Thọ: “Hoàng Trọng là khuôn mặt nghệ sĩ quý báu trong tình bạn từ lúc gặp nhau trong ban nhạc đầu tiên ở Nam Ðịnh vào thời tiền chiến và trải dài qua nửa thế kỷ cho đến lúc vĩnh biệt”.

Đông Kha (chuyenxua.net)

Viết một bình luận