Nhạc sĩ Anh Việt Thu và hoàn cảnh sáng tác những ca khúc phổ thơ Thiên Hà: Nhớ Nhau Hoài, Gió Về Miền Xuôi

Trong làng nhạc miền Nam trước 1975, hầu như ai cũng biết về tình bạn thân thiết giữa nhạc sĩ Anh Việt Thu và thi sĩ Thiên Hà, nhạc sĩ cũng đã phổ nhạc cho khá nhiều bài thơ của người bạn thân, trong đó nổi tiếng nhất là Nhớ Nhau Hoài, Gió Về Miền XuôiXa Dấu Ngựa Hồng.

Họ quen nhau vào khoảng năm 1965, khi Anh Việt Thu vừa trở về Sài Gòn sau thời gian dạy học ở Tây Ninh, còn Thiên Hà ở trọ trong một căn gác gỗ nhỏ ở khu Vườn Chuối đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu).

Anh Việt Thu gặp Thiên Hà lần đầu ở quán Kim Sơn góc đường Lê Lợi – Nguyễn Trung Trực, nơi các văn nghệ sĩ thường gặp nhau vì ở bên trên có phòng trà Bồng Lai nổi tiếng, và ngay lập tức kết thân.

Năm 1975, nhạc sĩ Anh Việt Thu bất ngờ mang bệnh nặng, phải chạy chữa qua nhiều bệnh viện nhưng không qua khỏi, và Thiên Hà chính là một trong những người túc trực bên cạnh suốt trong những ngày cuối đời của người bạn là nhạc sĩ tài hoa.

Thơ của Thiên Hà, ngoài Anh Việt Thu thì cũng được một vài nhạc sĩ khác phổ nhạc, nhưng nổi tiếng và được nhiều khán giả nhớ đến nhất vẫn là Nhớ Nhau HoàiGió Về Miền Xuôi.

Nhà thơ Thiên Hà

Thời trẻ, thi sĩ Thiên Hà là một người đào hoa. Về hoàn cảnh sáng tác bài thơ Nhớ Nhau Hoài, ông kể lại như sau:

Thời sinh viên tôi đi học và ở trọ. Phòng trọ đối diện là một cô bé có mái tóc dài. Mỗi buổi chiều, cô ấy hay ra ban công ngồi chải tóc. Từng lọn tóc dài bay trong gió nhìn rất đẹp. Nhiều lần tôi muốn qua làm quen nhưng ngại nên không dám. Đến một ngày cận kề mùa xuân, tôi không còn thấy cô bé ấy xuất hiện chải tóc mỗi buổi chiều nữa. Tôi thơ thẩn như người thất tình. Thế là cầm bút sáng tác: “Em ở nơi nào, có còn mùa xuân không em?”. Mãi sau này bài hát được phổ biến, báo chí phỏng vấn thắc mắc về nhân vật “em” trong bài hát, cô ấy đọc mới biết viết cho mình.

Nguyên văn bài thơ Nhớ Nhau Hoài của Thiên Hà:

Em ở nơi nào,
có còn mùa xuân không em?
Rừng ngàn lá gió,
từng đêm nhắc nhở thì thầm

Nắng ở trên đầu,
nắng trong lòng phố
Gió ở trên non,
gió quyện mây về.

Sao anh vẫn ngồi mà nghe cô đơn
mà nghe nức nở trong hồn
và nhớ và thương đôi mắt nhỏ!

Từ độ chúng mình quen biết đó,
vì mình thương nhau,
vì mình yêu nhau
nên mới giận hờn.

Từ độ đường trần ngăn cách ngõ.
vì mình xa nhau nên nhớ nhớ nhau hoài
Anh bên này mong em bên đó,
Em ở bên kia có nhớ bên này?

Em ở nơi nào,
có còn mùa xuân không em.
Rừng ngàn lá gió,
từng đêm nhắc nhở thì thầm.

Mai lỡ không về chắc em buồn biết mấy
dáng nhỏ xuân xưa cũng nhớ đêm ngày.

(Xóm Vườn Chuối, đêm xuân 1966)

Bài thơ này được nhạc sĩ Anh Việt Thu phổ nhạc, với tiếng hát của hai thầy trò Duy Khánh – Băng Châu, đã đưa Nhớ Nhau Hoài cùng thi sĩ Thiên Hà trở nên nổi tiếng.


Click để nghe Băng Châu hát Nhớ Nhau Hoài trước 1975

Bài thơ được Thiên Hà viết ở xóm Vườn Chuối (nay ở Quận 10) vào năm 1966. Sau đó được nhạc sĩ Anh Việt Thu phổ thành ca khúc nổi tiếng có cùng tên Nhớ Nhau Hoài:

Em ở nơi nào, có còn mùa Xuân không em?
Rừng ngàn lá gió, từng đêm nhắc nhở thì thầm.
Nắng ở trên đầu, nắng trong lòng phố,
Gió ở trên non, gió cuốn mây về.

Như lời kể của thi sĩ Thiên Hà, những lời thơ đó được viết lên vào một hôm nọ ông không còn thấy cô gái bên kia gác trọ như thường ngày nữa. Ở hoàn cảnh thật, đó hoàn toàn là mối tình đơn phương, nhưng khi được viết thành thơ và phổ thành nhạc thì đây trở thành tình yêu đôi lứa, rồi vì hoàn cảnh nào đó mà phải xa nhau.

Câu đầu tiên của bài thơ, bài hát “Em ở nơi nào, có còn mùa xuân không em” được viết ra đầu tiên, có lẽ khởi đầu chỉ là câu hỏi vu vơ tiếc nuối của thi sĩ Thiên Hà vì sự nhút nhát của mình vì đã không ngỏ lời. Hỏi người, nhưng cũng tự hỏi mình rằng không biết ở phương nào đó nàng đã theo chồng hay chưa.

Tuy nhiên các đoạn sau đó của bài thơ thể hiện rằng đây là một cặp đôi yêu nhau nhưng vì hoàn cảnh mà phải xa nhau. Cũng có thể vì đã lâu không về thăm lại để gặp nhau nên chàng trai có nhiều nỗi băn khoăn trăn trở. Trong một lần với tâm trạng cô đơn và trống trải vô cùng, tâm hồn chàng như là thả trôi theo mây, theo gió, và từng đêm về lại nghe gió quyện trong ngàn lá, gợi lòng tương tư:

Sao anh vẫn ngồi mà nghe cô đơn,
mà nghe nức nở trong hồn,
và thương đôi mắt nhỏ em buồn.
Vì mình yêu nhau, vì mình thương nhau nên mới giận hờn,
Vì mình xa nhau, nên nhớ nhớ nhau hoài…

Em ở nơi nào, có còn mùa Xuân không em?
Rừng ngàn lá gió, từng đêm nhắc nhở thì thầm.
Mai lỡ không về, chắc anh buồn biết mấy.
Dáng nhỏ xuân xưa cũng nhớ đêm ngày.

Ngay sau khi sáng tác xong ca khúc Nhớ Nhau Hoài, nhạc sĩ Anh Việt Thu bán bản quyền cho ca nhạc sĩ Duy Khánh, mục đích là để lăng xê cho giọng hát mới nổi là Băng Châu. Và cũng chính nhờ giọng hát của thầy trò Duy Khánh – Băng Châu mà Nhớ Nhau Hoài nhanh chóng được công chúng đón nhận.

Mời các bạn nghe lại bản thu âm trong dĩa nhựa vào cuối thập niên 1960 sau đây:


Click để nghe Băng Châu & Duy Khánh hát trước 1975

Theo thi sĩ Thiên Hà, trong số những bài thơ đã được phổ nhạc của ông, Xa Dấu Ngựa Hồng là bài hát mà ông tâm đắc nhất, mặc dù không được nhiều người biết đến giống như Nhớ Nhau HoàiGió Về Miền Xuôi. Ông giải thích từ “ngựa hồng” trong kinh thánh có nghĩa là báo hiệu binh lửa, ở đâu có ngựa hồng xuất hiện là ở đó có loạn lạc. Vì vậy bài Xa Dấu Ngựa Hồng thể hiện niềm mong mỏi có được hòa bình. Ông đã khéo léo dùng câu chữ để thể hiện niềm khát khao cháy bỏng đó của mình trong bài thơ này:

Một mai anh đưa em về
Chiều nghiêng bóng xế lên cao
Đàn chim xa khu rừng cũ
Đường trăng hoa nắng lao xao

Mây buông xuôi tóc rũ
Ngẩn ngơ cỏ hoa trước ngõ
Bàn tay thon thon ngón nhỏ
Dìu em qua lũng qua truông

Một mai anh đưa em về
Nửa đêm thức giấc chiêm bao
Lời ca dao trên môi mẹ
Buồn xa tao võng lao đao

Xin cho em giấc ngủ
Bình yên có cha có mẹ
Chiều lên xôn xao tiếng trẻ
Rộn ràng tiếng khóc trong nôi

Mai đây tiễn đưa em
Đường xưa xa dấu ngựa hồng
Tình xưa tỉnh giấc rượu nồng
Xin kỷ niệm làm hoa dưới bước chân đi
Xin kỷ niệm làm hoa nến thắp trên mi

Một mai anh đưa em về
Triều lên con nước trôi mau
Đàn chim xa khu rừng cũ
Buồn xưa mưa lũ lao xao

Xin cho em giấc ngủ
Bình yên có anh có chị
Gọi tên nhau trong an nghỉ
Tạ từ nghe gió lên cao.

(1970)


Click để nghe Thanh Lan hát Xa Dấu Ngựa Hồng trước 1975

Bài thơ Gió Về Miền Xuôi được Thiên Hà ghi lời đầu đề là: “Dành tặng nhạc sĩ Anh Việt Thu”, cho thấy mối thâm tình giữa hai người bạn nghệ sĩ.

Đây là bài thơ được Thiên Hà viết năm 1966 trong một lần về thăm quê ở Cà Mau và dẫn chị của mình đi thăm chồng đang đóng quân ở xa. Đường ở vùng quê sông nước đầy gian nan trắc trở, lúc thì đi bộ, lúc phải qua đò, có lúc phải băng ruộng đi tắt cho kịp thì giờ. Trên đường đi, nhà thơ đã chứng kiến vô số hình ảnh những người vợ tay xách nách mang, bồng bế con đi tới những tiền đồn xa xăm để thăm chồng. Đó chính là nguồn cảm hứng để ông sáng tác bài thơ Gió Về Miền Xuôi, nguyên tác như sau:

Gió về miền xuôi qua rừng núi
Anh đưa em đi suốt mấy dặm đường
Cuối nẻo cuối đường quê hương chân đất
Gió ở đầu non, gió lọt đầu ghềnh

Gió về miền xuôi qua sông qua suối
Anh đưa em đi theo nước lớn nước ròng
Qua bốn vịnh năm doi ngược dòng nước xiết
Để gặp mặt chồng phỉ dạ nhớ mong

Gió về miền xuôi đò ngang trắc trở
Đường em đi hoa nở khắp luống cày
Gió về miền xuôi ngày đêm nhung nhớ
Hoa lửa ᴄhιến tɾường mờ mịt lối mây

Gió về miền xuôi dù đường xa vạn dặm
Sẽ có một ngày thăm lại quê xưa
Em ơi em, đường về quê xa mấy bước
Khuất nẻo truông lầy chuyện nắng mưa

Em ơi em, đường về quê xa mấy ngõ
Đừng vội trách anh nỡ bỏ quên đường
Đường em đi luống cày xanh sắc lúa
Đường anh về hoa đỏ thắm quê hương.

Nhạc sĩ Anh Việt Thu và thi sĩ Thiên Hà

Bài thơ này được Anh Việt Thu phổ nhạc vào năm 1967, rất nổi tiếng qua giọng hát Duy Khánh:


Click để nghe Duy Khánh hát Gió Về Miền Xuôi trước 1975

Trong bài hát này có 1 câu sử dụng chữ địa phương nên có nhiều ca sĩ hát sai:
Gió về miền xuôi qua bốn vịnh năm DOI
(Doi là doi cát ở cửa vịnh, chữ này cũng xuất hiện trong bài Em Đi Trên Cỏ Non: doi vịnh chiều hôm)
Các ca sĩ sau 75 thường hát sai thành:
Gió về miền xuôi qua bốn biển năm bờ…

Đông Kha – chuyenxua.net

Viết một bình luận