Nguyên tắc sử dụng dấu “gạch-nối” trong văn bản Tiếng Việt ngày xưa được quy định như thế nào?

Khi đọc sách báo miền Nam trước năm 1975, chúng ta dễ dàng bắt gặp các chữ ghép được nối với nhau bằng “gạch nối”. Ví dụ như “dinh độc-lập”…

Những thế hệ học trò được dạy dỗ trước năm 1975 tại miền Nam đều thuộc nằm lòng các nguyên tắc sử dụng dấu “gạch-nối” này. Ngày xưa, khi đọc chính tả, thầy cô sẽ không đọc chỗ nào có chấm, phết, chỗ nào có gạch nối, mà học trò sẽ phải tự biết để viết, nếu thiếu sẽ bị trừ điểm.

Vậy nguyên tắc sử dụng các dấu gạch nối (không phải là gạch ngang) trong từ kép (không phải là từ ghép) này như thế nào? Có lẽ dấu gạch nối này đã được quy định ngay từ những năm đầu hình thành chữ quốc ngữ, và ngay trong cuốn từ điển Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng đã sử dụng lối viết này.

Do đến nay, quy định ghi dấu nối này đã không còn, nên hiện nay không có tư liệu nào ghi lại quy định sử dụng dấu gạch nối như vậy. Vì vậy mời bạn đọc lại một tư liệu xưa, được viết năm 1950, có nhắc về cách sử dụng dấu nối trong chữ ghép, như sau:

Tiếng ghép nào cũng phải có gạch nối, hay viết liền tùy sự qui-định, nhưng phải định rõ một qui-tắc nhất-định thế nào là tiếng ghép, thế nào là tiếng đôi. Trong quốc-văn, có nhiều tiếng đi đôi mà không phải là tiếng ghép.

Theo thiển-ý của tôi, tiếng ghép là những tiếng có hai hay nhiều tiếng hợp lại mới thành nghĩa. Ví-dụ: lộn-xộn, nhá-nhem, ngượng-ngập, nhả-nhớt, nhai-nhải, bất-đắc-dĩ, gia-chi-dĩ, v.v.

Những tiếng: nhà-nước, nhà cửa, nhà-cầu, nhà-quê, đều là tiếng ghép, nhận ngay được rằng phải có hai tiếng cùng đi với nhau mới thành nghĩa. Còn những tiếng: nhà tranh, nhà hàng, nhà tiêu, nhà táng, nhà mồ, thì dĩ-nhiên, nhận ngay ra là không phải tiếng ghép.

Cũng theo luật trên, những tiếng ngoại-quốc nhập-tịch Việt-Nam đều phải coi là tiếng ghép cả, viết phải có dấu gạch nối như: sà-phòng, ten-nít, cà-phê, ô-tô, ân-nhân, ân-xá, tử-tế, v.v.

Nguồn: Vấn-đề Việt-Ngữ, Thống-nhất Việt-ngữ và tinh-nghĩa Việt-ngữ, tác giả Quốc Bảo, Nhà sách Quảng-Vạn-Thành xuất bản năm 1951

Để hình dung rõ hơn nữa về quy định ngặt nghèo của việc sử dụng dấu gạch nối trong văn phạm trước năm 1975, chúng ta hãy xem các trường hợp chữ ghép:

  • Chữ kép Hán-Việt, ví dụ độc-lập, hồng-thập-tự…
  • Chữ kép thuần Việt, bao gồm chữ kép một âm có nghĩa là dịu-dàng, nết-na… Chữ kép gồm hai âm không nghĩa riêng, nhưng khi ghép lại có thể tạo thành một chữ có nghĩa chung: bâng-khuâng, hững hờ… Chữ kép gồm hai âm có nghĩa riêng: bướm-ong, cay-đắng, đầy-đủ… Chữ kép gồm hai âm đồng nghĩa: dơ-bẩn, dư-thừa… Chữ kép đồng âm: chậm-chậm, xa-xa…
  • Chữ kép địa danh, tên riêng, như Việt-Nam, Luân-Đôn…
  • Chữ có quan hệ qua lại với nhau: hội Việt-Mỹ, dấu hỏi-ngã…
  • Một số từ ngữ mà các âm tiết không thể tách rời: khô-cá, chỉ-vàng

Tác dụng của việc sử dụng dấu gạch nối là để phân biệt từ kép và từ đơn, giúp đoạn văn rõ nghĩa hơn, và tránh ngắt câu không đúng chỗ. Một tác dụng ít được nhắc tới của nguyên tắc của dùng dấu gạch nối này trong văn bản đánh máy, đó là các chữ kép không bị tách ra và xuống hàng giữa chừng, làm cho người đọc hiểu nhầm. Thí dụ như có câu nói giỡn chơi quen thuộc như sau:

Mỗi gia-đình có 2 con
vợ-chồng hạnh-phúc

Nếu không có dấu gạch nối, rất có thể sẽ bị xuống dòng như sau:

Mỗi gia đình có 2 con vợ
chồng hạnh phúc

Việc sử dụng gạch nối này áp dụng cho văn phong của cả báo chí lẫn văn bản hành chánh chánh thức ở toàn nước Việt Nam trước năm 1954, và ở miền Nam trước 1975. Xem lại các văn bản xưa sau nay, có thể thấy dấu gạch nối này được sử dụng rất chặt chẽ.

Văn bản của Quốc trưởng Bảo Đại
Sắc lệnh của bộ trưởng Võ Nguyên Giáp, nước VNDCCH năm 1945, ký tại Hà Nội

 

Bản gốc công điện của Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Võ Nguyên Giáp của chính phủ lâm thời năm 1945

Nếu xem lại tờ báo chữ Quốc Ngữ đầu tiên là Gia Định Báo, số phát hành năm 1890, thì dấu gạch nối chỉ dùng cho các địa danh hoặc tên riêng, như Bến-tre, năm Canh-Dần, Nam-Kỳ… chứ không dùng cho chữ ghép như báo chí thời đầu thế kỷ 20.

Đến đầu thập niên 1920, có một bộ sách nổi tiếng do học giả Trần Trọng Kim chủ biên, đó là Quốc-Văn Giáo-Khoa Thư, có thể xem là bộ sách giáo khoa đầu tiên dùng để dạy chữ quốc ngữ cho học sinh cấp Sơ học yếu lược (tương đương với ba năm đầu tiểu học ngày nay) trên toàn cõi Việt Nam, có ghi dấu gạch nối đầy đủ trong từ ghép:

Gạch nối từ ghép trong báo chí đầu thế kỷ 20:

Thực Nghiệp Dân Báo năm 1921, xuất bản ở Hà Nội
Hà Thành ngọ báo năm 1928, xuất bản ở Hà Nội
Sài thành Nhật Báo năm 1931, xuất bản ở Sài Gòn

Hiện nay, nguyên tắc sử dụng dấu gạch nối này từ lâu đã không còn trong các văn bản chính thức trên toàn cõi Việt, mà chỉ còn trong trí nhớ của những người đã từng học tập tại miền Nam trước đây gần nửa thế kỷ.

chuyenxua.net biên soạn

1 bình luận về “Nguyên tắc sử dụng dấu “gạch-nối” trong văn bản Tiếng Việt ngày xưa được quy định như thế nào?”

  1. Thí dụ như chữ “hạnh-phúc”. Đây là một từ kép, nên trước 1975 ở miền Nam, viết chữ “hạnh phúc” phải có gạch nối: hạnh-phúc. Vai-trò của từ kép là ghép hai chữ (từ đơn) để làm thành một chữ khác hoàn-toàn mới. Do đó, từ kép “hạnh-phúc” có ý-nghĩa khác hẳn với hai chữ “hạnh”, hoặc “phúc”. (Nguồn: Hieu Nguyen).

    đoạn trên rất hay, nhưng ghi mỗi nguồn Hiếu Nguyễn như này thì chẳng rõ ràng gì, đề nghị add ghi rõ nguồn hơn, ví dụ như ai viết , từ năm nào, viết ở đâu,.. hoặc ích nhất có hình ảnh tài liệu của từ hạnh phúc có dấu gạch nối trong giai đoạn 1975 được đề cập

    Trả lời

Viết một bình luận