Người Sài Gòn được sử dụng “nước máy” từ khi nào – Câu chuyện về nhà máy nước đầu tiên của Sài Gòn ở khu vực Hồ Con Rùa

Việc cấp nước sinh hoạt hằng ngày là dịch vụ quan trọng cần thiết hàng đầu của một thành phố trong quá trình xây dựng đô thị. Việc xây dựng hệ thống cung cấp nước ở Sài Gòn, từ nguồn nước đến phân phối cho người dân trong thành phố, được chính quyền thuộc địa bắt tay thực hiện ngay từ năm 1876, chưa đầy 10 năm sau khi người Pháp chính thức chiếm được Nam kỳ (1867). Đó là một tiến trình rất nhanh chóng để đáp ứng cho nhu cầu của một thành phố đang phát triển sau khi được quy hoạch và xây dựng từ đầu.

Cho đến năm 1876, nước sinh hoạt được người dân vẫn được lấy từ giếng, một phương thức truyền thống giống như hầu hết ở các vùng nông thôn. Công trình đầu tiên của hệ thống cung cấp nước ở Sài Gòn được khởi sự xây dựng từ năm 1879 dưới thời các Thống đốc Nam kỳ là các sĩ quan hải quân. Sau khi chuyển qua dân sự, hồ sơ ban đầu của hệ thống cung cấp nước được chuyển cho chính phủ, từ đó đến Sở công chánh và văn phòng thị trưởng thành phố.

Hình dưới đây là sơ đồ hệ thống lấy nước giếng cho tháp nước (Chateau d’Eau) nằm ở vị trí Hồ Con Rùa hiện nay, là hệ thống phân phối nước đầu tiên của Sở cấp nước thành phố.

Theo sơ đồ cho thấy hệ thống gồm một giếng nước có độ sâu 20m, lấy nước từ mạch nước ngầm trải rộng khắp thành phố. Nước được hai máy bơm, xếp theo tầng, bơm vô 4 bể chứa cao trên mặt đất làm thành hình chữ thập quanh tháp nước ở giữa. Một máy bơm thứ 3 bơm bước từ các bể chứa này lên đỉnh tháp nước. Tòa nhà chứa máy bơm (nhà máy cung cấp nước) nằm ở quảng trường tháp nước, nay là ở góc đường Võ Văn Tần – Phạm Ngọc Thạch. Trong hình sơ đồ, và cả trong các tấm hình xưa, có thể thấy được cột khói cao của nhà máy nước, là ống xả khói cho hệ thống phát điện chạy bằng hơi nước để cấp điện cho 3 máy bơm nước.

Nhà máy nước bên tay trái với ống khỏi cao. Tháp nước nằm ở chính giữa Hồ Con Rùa hiện nay. Hình được chụp vào thập niên 1880 khi nó vừa được xây xong, khi vẫn chưa có cây cối xung quanh

Các bể lọc nước ngầm được xây dựng hoàn toàn bên dưới lòng đất, bên dưới khu vực Hồ Con Rùa hiện nay. Những bể này làm thành một phòng khổng lồ dưới mặt đất dài 120m, ngang 12m và cao 9m50, được ngăn ở chính giữa bởi các giếng đá hình tròn khắp phòng.

Vách tường của phòng được cấu tạo bởi các cột nâng đỡ vòm và những tấm mặt lọc bằng đá khô và hững móng đá cao cho tới mặt đất. Những ống dẫn nước xuyên qua các móng đá này và lấy nước ở sâu trong mạch nước ngầm.

Công trình được bắt đầu từ tháng 11/1879 và hoàn thành tháng 7/1881.

Nhà máy nước đầu tiên của Sài Gòn nằm ở khu vực Hồ Con Rùa hiện nay. Một phần của nhà máy vẫn còn cho đến năm 2015 trước khi bị bỏ hoàn toàn

Năm 1882, hệ thống cung cấp qua tháp nước được khánh thành trọng thể. Tờ báo Pháp ngữ Le Monde Illustre ngày 18/3/1882 mô tả buổi lễ (được dịch lại) như sau:

“Khánh thành dịch vụ cung cấp nước ở Nam kỳ

Ngày 3 tháng 1 vừa qua ở Sài Gòn, chính quyền sở tại đã khánh thành tháp nước được xây dựng từ năm 1879, theo kế hoạch của ông Thevenet – kỹ sư cầu cống, giám đốc công chánh ở Nam kỳ, để cung cấp nước uống cho thành phố.

Trước ngày này, người dân ở Sài Gòn phải tự múc nước giếng, vốn có chưa nhiều loại tạp chất là nguồn thường xuyên gây bệnh truyền nhiễm. Từ nay dân chúng sẽ không phải lo điều đó nữa, nhờ vào những bể nước lọc khổng lồ được bơm lên tháp nước để cấp nước sinh hoạt.

Trong buổi lễ trang trọng này có ban nhạc của trung đoàn hải quân được mời đến giúp vui. Đến 5h chiều, ông Le Myre de Vilers – Thống đốc Nam kỳ, đến và được ông thị trưởng thành phố tiếp đón dưới âm thanh của bài quốc ca Pháp.

Ngay sau đó, Thống đốc phát biểu, sau khi nhắc lại vài lời về lịch sử của công trình đồ sộ này, ông ra lời cảm ơn và khen tặng những người tổ chức buổi lễ. Sau đó công trình tháp nước được mở để người dân tự do vào, những người An Nam tham dự rất phấn khởi và tham gia vào các trò chơi do hội đồng thành phố tổ chức. Đến 8 giờ rưỡi tối, đèn chiếu sáng được bật rực rỡ để kết thúc ngày lễ khánh thành”.

Hình vẽ mô tra buổi khánh thành tháp nước

Hình chụp lễ khánh thành năm 1882

Một năm sau khi khánh thành tháp nước và hệ thống cung cấp nước này, các đại biểu Hội đồng thành phố, trong đó có ông Vienot, Trương Minh Ký, Cazeaux, Nguyễn Văn Bình và Lê Văn Tống, trong phiên họp ngày 17/5/1883 đã đề nghị thành phố thiết lập một dịch vụ cứu hỏa với máy bơm dùng hệ thống nước trong thành phố. Năm 1885, dịch vụ cứu hỏa ở Sài Gòn được ông Berger – kiến trúc sư thành phố, đề nghị có thường trực 8 nhân viên cứu hỏa người bản xứ ban đêm ở 3 trạm cảnh sát: quận 1, quận 2 và cầu Ông Lãnh. Vào ban đêm, dịch vụ cung cấp nước và tháp nước phải có sức ép nước để cung cấp nước cho dịch vụ cứu hỏa.

Nhu cầu nước tăng nhanh, các bể lọc nước ở giếng nói trên không đủ dùng. Sự thiếu nước trầm trọng đó được bàn thảo trong buổi họp ngày 15/1/1886, thị trưởng Sài Gòn đã mời các chuyên gia đến để cùng bàn luận để giải quyết. Sở công chánh báo cáo tình hình cho biết sự thiếu hụt nước không chỉ vì người dùng đang phí phạm không biết tiết kiệm, mà nguồn nước dẫn đến tháp nước cũng không đủ. Hội đồng thành phố đã thành lập một Ủy ban đặc biệt để xem xét vấn đề về nước, và đưa ra mấy ý kiến cho ông thị trưởng như sau:

– Thông báo cho Giám đốc Nội vụ về tình hình cung cấp nước uống, đưa ra lời kêu gọi là kể từ lúc đó không được dùng nước từ hệ thống cấp nước uống để rửa đường phố, mà phải dùng nước từ các rạch. Các vòi nước trong vườn bách thảo (nay là Thảo Cầm Viên) và vườn chính phủ (nay là công viên Tao Đàn) sẽ tạm thời bị khóa lại. Tất cả các tòa nhà công sở, nước uống từ hệ thống cấp nước chỉ được dùng khi cần thiết.

– Chỉ định một nhân viên kiểm soát chặt chẽ những nơi đăng ký mua nước chỉ được dùng đúng số lượng nước đã đăng ký.

– Ra chỉ thị cho cảnh sát xem xét kỹ lưỡng để phòng hờ các vòi nước phông tên công cộng chảy nước vô ích mà không ai dùng.

Ông Thetard – kỹ sư cơ khí trông coi tháp nước, đã nghiên cứu tìm thêm nguồn nước đảm bảo cho sự lâu dài. Bản tường trình của ông ở Hội đồng thành phố ngày 8/9/1886 cho rằng trong tương lai thành phố phải lấy nước từ những nguồn xa thành phố, vì không thể lấy nước từ sông Sài Gòn hay rạch Thị Nghè ở ngay bên cạnh vì nước ở đây có nhiều bùn và mặn khi thủy triều lên cao. Sau khi tính nhu cầu mỗi người dân khoảng 240 lít một ngày và các thành phần hóa chất trong nước, ông Thetard nói cần nhà máy khử nước lớn và rất đắt tiền. Nghiên cứu của Thetard cho rằng nước ở Thủ Đức và nước có chất lượng rất tốt từ các giếng ở Chợ Lớn là cùng mạch nước ngầm của sông Đồng Nai. Phải cho đến tận 80 năm sau thời của ông Thetard thì Sài Gòn mới xây dựng được hệ thống cấp nước từ Thủ Đức dẫn đến Sài Gòn (thập niên 1960). Còn thời thể kỷ 19, vì phải tính toán nhiều chi phí, nên chính quyền không thể xây hệ thống lấy nước từ Thủ Đức, mà dùng nước ngầm đã lọc qua các tầng đất và đào thêm các giếng ở khu đất cạnh tháp nước.

Sau đó, thành phố giao cho ông Thetard đảm nhiệm công trình đào thêm giếng ở công trường Nhà Thờ (phía trước Nhà Thờ Đức Bà, là công trình vừa xây dựng trước đó 10 năm).

Từ Nhà Thờ nhìn về phía tháp nước (nay là Hồ Con Rùa). Bên trái hình là nhà máy nước. Hình chụp đầu thế kỷ 20, khi cây cối xung quanh đã có nhiều

Mặc dù có thêm giếng nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đã không đủ, nên sau năm 1888, thành phố khai thác thêm một nguồn nước mới ở góc đường Mac Mahon và Richaud (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Đình Chiểu), và 1 nguồn khác trên khoảng đất xưa của Trường Thi (nay là vị trí tòa nhà Thành đoàn trên đường Phạm Ngọc Thạch).

Với sự bổ sung này, chính quyền tạm giải quyết đủ nhu cầu nước sinh hoạt cho thành phố, nhưng vẫn chưa thể đảo bảo tính lâu dài. Sang đầu thế kỷ 20, bác sĩ Grall – Giám đốc Sở Y Tế Đông Dương đã có bản báo cáo về việc cung cấp nước cho Sài Gòn, bản báo cáo này cho biết nguồn nước lâu dài và tốt nhất cho thành phố ở hồ Trị An gần thượng nguồn sông Đồng Nai.

Sở công chánh thành phố và Nam kỳ đã nghiên cứu đề án công trình xây dựng hệ thống nước từ Trị An cung cấp cho Sài Gòn – Chợ Lớn. Đề án đã được Hội đồng thành phố và Hội đồng quản hạt đồng ý, Thống đốc Nam kỳ phê chuẩn và gửi đến Bộ trưởng Thuộc địa. Vì chi phí đề án quá lớn nên chính quyền thông qua phương án mượn vốn 16 triệu francs. Chủ tịch Hội đồng quản hạt và thị trưởng Sài Gòn là Eugene Cuniac đã thân hành về lại Paris để bảo vệ đề án, tìm cách mượn vốn. Tuy nhiên sau đó Thống đốc Nam kỳ nhận được điện tín từ Toàn quyền Đông Dương thay mặt cho Bộ trưởng thuộc địa cho biết là chính phủ không đồng ý với đề án tốn kém như vậy, và khuyên Hội đồng thành phố dùng và cải tạo hệ thống cung cấp nước từ các giếng.

Ngay sau đó, tại phiên họp của Hội đồng thành phố ngày 9/2/1905, ra quyết định không tiếp tục chương trình mở rộng cung cấp nước qua hệ thống giếng theo như lời của Toàn quyền Đông Dương, mà cho rằng chỉ có phương án lấy nước từ Trị An mới giải quyết lâu dài nhu cầu nước của Sài Gòn và Chợ Lớn. Tuy nhiên đề án đó chưa bao giờ thực hiện được. Thay vào đó, một đề án tốn ít chi phí hơn được thực hiện, đó là xây dựng thêm một nhà máy nước từ làng Tân Sơn Nhứt ở Gia Định. Đề án này được giao cho công ty Điện Nước Đông Dương CEE (Cie des eaux et de l’Electricite) thực hiện.

Dự án này đã được khảo sát từ năm 1896, nhưng đến năm 1908 mới được tiến hành trước nhu cầu cấp thiết về nước. CEE xây thêm một nhà máy nước và 2 bể chứa lớn có thể tích 1250m khối mỗi bể ở làng Tân Sơn Nhứt (Gia Định), đồng thời xây thêm 2 tháp nước nữa được xây trên trụ bằng kim loại ở gần tháp nước cũ. Hiện nay chỉ cón lại 1 tháp ở góc đường Pasteur – NTMK.

Tháp nước được xây dựng thêm ở khu vực Hồ Con Rùa hiện nay

Tờ Công Báo của chính phủ Pháp đăng ngày 12/8/1913 có nhắc về việc này như sau:

“Năm 1907, Thống đốc Nam kỳ lo lắng về vấn đề thiếu nước uống ở Sài Gòn do nguồn nước đã khai thác không đủ cung cấp cho thành phố này, nên đã phải nghiên cứu một dự án dẫn nước từ sông Đồng Nai. Dự án này mất cho phí đến 10 triệu fr. để có 12.000 mét khối nước mỗi ngày. Số tiền này dự kiến vay từ quỹ hưu trí của người già, đã được chấp thuận và thương lượng giữa chính phủ Pháp, Nam kỳ.

Hai tháng trước khi thực hiện dự án, Thống đốc Nam kỳ và thị trưởng Sài Gòn rất lo ngại về gánh nặng của khoảng vay 10 triệu fr. sẽ đặt lên ngân sách, chưa kể chi phí vận hành cao đáng kể, nên đã đến gặp ông G. Hermenier (sáng lập công ty CEE), là người được nhượng quyền cung cấp dịch vụ nước ở Sài Gòn, để bàn thảo về việc tìm nguồn khai thác thêm để cung cấp được thêm 6000-7000 mét khối nước uống và nước sạch mỗi ngày cho Sài Gòn.

Trong nhiều năm, ông Hermenier đã thường xuyên khảo sát trong bán kính 50km quanh Sài Gòn để tìm nguồn nước, nên đã đề ra dự án lấy nước mới từ một điểm gọi là Tân Sơn Nhứt. Dự án này tốn 875 ngàn fr., cung cấp 6000 mét khối mỗi ngày lượng nước hoàn toàn sạch so với chi phí 10 triệu fr. cho 12.000 mét khối nước từ Trị An.

Dự án đi vào hoạt động, liên tục cung cấp 6000-7000 mét khối nước cho Sài Gòn. Ông Hermenier cũng đề nghị xây một trạm lấy nước tương tự, dự án này sẽ đảm bảo cùng với dự án đầu tiên sẽ cung cấp đủ 12.000 mét khối nước mà trước đó đã dự kiến từ nguồn Trị An, với chi phí tổng cộng chỉ 1.5 triệu fr., thay vì 10 triệu”.

Hợp đồng cấp nước sau cùng mà công ty CEE ký với thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn là ngày 12/3/1937, có giá trị 20 năm, đến hết ngày 31/12/1957. Vì vậy kể cả sau khi người Pháp rút khỏi Đông Dương năm 1954-1955, Công ty điện và nước CEE vẫn tiếp tục hoạt động thêm 2-3 năm nữa cho đến khi hợp đồng kết thúc, khi đó chính quyền VNCH đã mua lại toàn bộ cơ sở hạ tầng của CEE, quốc hữu hóa hoàn toàn công ty. Cái tên CEE trở nên quen thuộc với hầu hết người Sài Gòn khi nó được ghi trên các trạm biến áp khắp thành phố, hiện nay vẫn còn lại dấu tích.

Các trạm biến áp được xây dựng trước năm 1969 vẫn ghi chữ CEE, thời gian sau đó là ghi chữ SĐL (Sở Điện Lực).

chuyenxua.net biên soạn
Nguồn: Sài Gòn & Nam Kỳ thời kỳ canh tân 1875-1925 (Nguyễn Đức Hiệp)

Viết một bình luận