Lịch sử Tòa nhà Dinh toàn Quyền (nay là Phủ chủ tịch) và sự ra đời của chức vụ Toàn quyền Đông Dương

Trong suốt thời kỳ Liên bang Đông Dương từ năm 1887-1945, người lãnh đạo cao nhất của Pháp ở Đông Dương là Toàn quyền Đông Dương. Ban đầu thủ đô của Liên bang Đông Dương ở Sài Gòn, đến năm 1902 chuyển ra Hà Nội, cùng năm đó công trình Dinh toàn quyền được xây dựng ở thủ đô mới, nơi ngày nay là Phủ chủ tịch.

Dinh toàn quyền được xây dựng trên khu đất rất rộng và nhiều cây xanh trước đó vốn thuộc vườn Bách Thảo, án ngữ tuyến phố La République (nay là phố Hoàng Văn Thụ) và nhìn ra quảng trường Puginier (nay là quảng trường Ba Đình).

Để tìm hiểu về sự hiện diện của chính quyền Pháp ở Hà Nội và toàn xứ Bắc, cùng với sự hình thành của chức danh Toàn quyền Đông Đương, xin giở lại trang sử vào 140 năm trước. So với Sài Gòn, thì người Pháp chiếm Hà Nội chậm hơn 20 năm.

Đó là năm 1882, viện cớ là triều đình Nguyễn không tôn trọng hiệp ước năm 1873, đại tá hải quân Pháp là Henri Rivière chỉ huy quân đánh chiếm Hà Nội, thành Hà Nội do tổng đốc Hoàng Diệu trấn thủ đã bị hạ nhanh chóng. Liên tiếp 2 năm 1883 và 1884, triều đình Huế buộc phải ký 2 hiệp ước công nhận sự bảo hộ của Pháp ở xứ Bắc và Trung kỳ (Trước đó toàn cõi Nam kỳ đã là thuộc địa của Pháp kể từ 1867).

Ngày 19/7/1888, sau khi chiếm được Hà Nội 5 năm, Tổng thống Pháp ký sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội (tách biệt với tỉnh Hà Nội đã được thành lập từ thời Minh Mạng).

Ngày 1/10/1888, triều đình Huế hợp thức hóa quyết định bên trên, khi vua Đồng Khánh ký chỉ dụ cắt Hà Nội thành nhượng địa của Pháp (cùng với đó là Hải Phòng và Đà Nẵng). Ngày 3/10/1888, Toàn quyền Richaud chính thức đưa Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng trở thành những thành phố theo chế độ nhượng địa (Các phần lãnh thổ khác của xứ Bắc và Trung, về mặt danh nghĩa thì vẫn là xứ bảo hộ, chứ không phải là nhượng địa như 3 thành phố kia).

Ngay sau khi kiểm soát những thành phố nhượng địa này, người Pháp đã tiến hành xây dựng nhiều công trình, sơ sở hạ tầng, cơ quan công quyền, trong đó có phủ toàn quyền Đông Dương.

Xin nói thêm về Toàn quyền Đông Dương, chức danh này chỉ có từ năm 1887, khi Pháp có nhượng địa ở cả 3 miền Việt Nam. Trước đó Pháp chỉ có quyền cai trị hoàn toàn ở Nam kỳ, nên chức vụ cao nhất của chính quyền thực dân tại Đông Dương là Thống đốc Nam kỳ.

Sau năm 1884, Liên bang Đông Dương được thành lập, ban đầu thủ đô ở Sài Gòn, bao gồm Việt Nam và xứ Cao Miên.

Khi đó toàn cõi Việt Nam là xứ bảo hộ của Pháp với 3 hình thức: Nam kỳ (từ Bình Thuận trở vô) là thuộc địa, do Pháp trực tiếp cai trị. Trung kỳ về danh nghĩa thuộc triều đình Huế, trừ Đà Nẵng bị cắt thành nhượng địa năm 1888. Bắc kỳ là xứ bảo hộ, trừ Hà Nội và Hải Phòng là nhượng địa.

Từ đó, Pháp có thêm chức vụ Khâm sứ miền Trung ở Huế, gần như là Đại sứ của nước Pháp ở Đại Nam, và chức vụ Thống sứ Bắc kỳ, giám sát việc cai trị của quan lại Việt Nam. Ngoài ra bên Cao Miên cũng có chức vụ khâm sứ giống như ở Trung kỳ.

Ba chức danh Thống đốc Nam kỳ, Khâm sứ Trung kỳ và Thống sứ Bắc kỳ độc lập với nhau, và đều dưới dưới quyền của một chức vụ mới là Toàn quyền Đông Dương (đồng thời Khâm sứ Cao Miên cũng dưới quyền Toàn quyền Đông Dương). Thỉnh thoảng trong các văn bản sau năm 1888, người ta còn gọi chức vụ Thống đốc Nam kỳ bằng cái tên Phó Toàn quyền Đông Dương, vì vậy nơi làm việc của viên chức này còn gọi là “Dinh Phó Soái”, tức Dinh Gia Long nằm trên đường la Grandiere (nay là Lý Tự Trọng).

Thời kỳ ban đầu vì chưa có Dinh toàn quyền nên các Toàn quyền Đông Dương ở và làm việc tại dinh Thống đốc Nam kỳ cũ là Dinh Norodom ở Sài Gòn (còn Thống đốc Nam kỳ chuyển qua sử dụng Dinh phó soái như đã nói ở trên).

Năm 1902, thủ đô của Liên bang Đông Dương chuyển ra Hà Nội, đây cũng là năm Dinh toàn quyền Đông Dương được xây dựng ở thủ đô mới. Đến năm 1906, Dinh toàn quyền mới được xây xong, từ đó các Toàn quyền Đông Dương chuyển ra sinh sống và làm việc ở Hà Nội.

Công trình Phủ Toàn quyền Đông Dương (tiếng Pháp: Palais du Gouvernement général de l’Indochine) do kiến trúc sư Charles Lichtenfelder thiết kế và được xây dựng trong những năm 1901-1906 với quy mô hoành tráng, uy nghiêm và quyền lực.

Việc xây dựng được Toàn quyền Paul Doumer khởi xướng khi ông nhậm chức năm 1897 và ra quyết định chuyển thù đô của liên bang Đông Dương từ Sài Gòn ra Hà Nội. Học giả William Logan cho rằng “việc tạo ra các dinh thự ở Hà Nội là một niềm đam mê quá mức của Doumer vì muốn xây dựng một thủ đô thuộc địa phản chiếu vinh quang của nước Pháp”. Tuy nhiên khi Dinh toàn quyền được xây xong năm 1906 thì Paul Doumer đã hết nhiệm kỳ và trở về Pháp được 4 năm.

Từ khi tòa nhà được hoàn thành đến năm 1945, đã có 29 đời Toàn quyền và Quyền Toàn quyền ở và làm việc tại đây.

Phủ Toàn Quyền ở Hà Nội được xây năm 1901, khánh thành năm 1906, người ký quyết định xây là Paul Doumer, nhưng người đầu tiên sử dụng nó là Jean Baptiste Paul Beau (nhiệm kỳ 1902-1908), và ông Toàn quyền Đông Dương cuối cùng sử dụng là Jean Decoux, trước khi Pháp bị Nhật lật đổ ở Đông Dương tháng 3 năm 1945.

Sau thời điểm đó, Dinh trở thành nơi làm việc của Công sử Nhật là trung tướng Tsuchihashi Yuitsu – tư lệnh quân Nhật ở Đông Dương, với vai trò tương đương với Toàn quyền Đông Dương.

Tới tháng 8 năm 1945, Nhật đầu hàng quân Đồng Minh, sau đó xảy ra sự kiện “Hoa quân nhập Việt” (tiếng Trung: 华军入越), 20 vạn quân đội Tưởng Giới Thạch tiến vào Việt Nam với mục đích giải giáp quân đội Nhật Bản từ vĩ tuyến 16 ra Bắc theo sự phân công của Đồng Minh. Khi đó tướng Lư Hán đã dùng Phủ Toàn quyền ở Hà Nội để làm chỗ giam lỏng một số tướng Pháp.

Ngày 3/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh bãi bỏ toàn bộ các cơ quan thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương và thiết lập một hệ thống cơ quan phục vụ Chính phủ Liên hiệp Lâm thời VNDCCH tại đây.

Sau hiệp định sơ bộ năm 1946, Pháp tái chiếm Đông Dương, người Pháp đã sử dụng Phủ Toàn quyền cũ làm nơi làm việc cho Ủy viên Cộng hòa tại Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ (tiếng Pháp: Commissaire de la République pour le Tonkin et l’Annam du Nord).

Sau Hiệp định Élysée năm 1949, Pháp công nhận chính phủ Quốc gia Việt Nam là một thành viên độc lập một phần nằm trong Liên hiệp Pháp, cựu hoàng Bảo Đại là quốc trưởng của chính phủ này. Từ đó Phủ Toàn quyền cũ ở Hà Nội trở thành Dinh Quốc Trưởng của Bảo Đại trong giai đoạn 1949-1954. Tuy nhiên lúc này Bảo Đại ít khi ở Hà Nội, mà chủ yếu sống và làm việc tại Dinh Quốc Trưởng ở Đà Lạt, nay là Dinh III.

Năm 1954, Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ, sau đó rời khỏi Đông Dương, tòa nhà được dùng làm Dinh thự cho Chủ tịch nước và bộ máy cơ quan giúp việc. Từ đó có tên gọi chính thức là Phủ Chủ tịch nước cho đến ngày nay.

Quá trình xây dựng Phủ Toàn Quyền/Phủ Chủ tịch nước

Theo bài viết của tác giả Nguyễn Ngọc Tiến đăng trên báo Thanh Niên, ban đầu người Pháp dự định xây dinh toàn quyền trên một khu đất rộng ở khu vực đường Henri Rivière (nay là phố Ngô Quyền), nhưng khu đất này không đủ rộng để phô diễn kiến trúc Pháp và thể hiện quyền lực của nước Pháp nên công việc xây Dinh toàn quyền bị trì hoãn (Mảnh đất này sau đó xây Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, nay là trụ sở của Bộ LĐ-TB-XH).

Phủ Thống sứ Bắc Kỳ

Khi công việc phá dỡ tường thành Hà Nội hoàn thành năm 1897, chính quyền thuộc địa quyết định lấy một phần đất phía tây bắc thành và một phần đất của Vườn thực vật (thành lập năm 1890, nay là Bách thảo) để xây Phủ Toàn Quyền.

Khu vực của Phủ Toàn Quyền chiếm một diện tích khá rộng, gồm tòa nhà chính là Dinh Toàn Quyền, một nhà 2 tầng có nhiều gian ở góc Tây Bắc làm văn phòng, cùng nhiều dãy nhà cho các công việc tạp dịch ở góc Đông Nam. Trong khu Phủ Toàn Quyền còn giữ lại ngôi Miếu Hội đồng được dựng vào năm đầu niên hiệu Thiệu Trị (1841), trước mặt Dinh toàn quyền là khu đất rộng, vốn là nền cũ nhà kho chứa gạo của thành Hà Nội cũ.

Công việc quy hoạch dinh giao cho KTS người Pháp gốc Nga Vladimir de Gontcharoff. KTS này sử dụng 12.000 m2 đất cho công trình với một tòa nhà chính và các công trình phụ. Vẽ phối cảnh, thiết kế tổng thể do KTS Henry Vildieu đảm nhiệm trên tinh thần tân cổ điển và những bản thiết kế hoàn thành vào năm 1899. Dinh chính cao 4 tầng gồm: tầng hầm, tầng trệt và 2 tầng gác. Tổng chi phí cho công trình (kể cả những lần sửa chữa) là 1.228.386 đồng Đông Dương.

Văn phòng Dinh Toàn quyền

Bảng tiêu chuẩn vật liệu xây dựng công trình do KTS Lichtenfelder lập để đấu thầu gồm những vật liệu tốt nhất. Gạch phải lấy từ nhà máy gạch Hà Nội và Đáp Cầu (Bắc Ninh). Đá xây móng lấy ở vùng Đông Triều (Quảng Ninh) và Kẻ Sở (Hà Nam). Cầu thang ngoài trời dùng đá hoa cương trắng Thanh Hóa. Đá mảnh nhỏ dùng để ghép là đá Biên Hòa. Cầu thang, cửa dùng gỗ lim, gụ Thanh Hóa, Nghệ An; gỗ lát sàn là lãnh sam (họ của gỗ thông) nhập khẩu từ Mỹ và Na Uy. Xi măng, sắt thép, kính, tôn… sản xuất ở Pháp. Lichtenfelder cũng đưa ra những yêu cầu rất khắt khe, chi tiết, như gỗ phải thẳng thớ, không có mắt, không có mấu, phải khô. Từng viên gạch phải nung đủ chín, vuông vắn. Xi măng chở từ Pháp sang phải đóng trong thùng kín. Với vôi, nhà thầu phải vận chuyển đến công trình và tỷ lệ chưa chín chỉ là 10%, sau khi các kỹ sư chấp thuận mới cho tôi lên.

Tòa nhà chính được khởi công tháng 5 năm 1903. Trong quá trình thi công, KTS Lichtenfelder mới thiết kế chi tiết nội thất các phòng và lập bảng tiêu chuẩn để đấu thầu. Phong cách trang trí của dinh thự rất cầu kỳ và tỉ mỉ. Bàn họp, ghế ngồi sơn men trắng có đường chỉ mạ vàng. Đèn chùm, đèn vách, đèn góc, đèn tường theo nhiều phong cách: đế chế, phục hưng, Louis XIV. Riêng đèn chùm 5 bóng có quạt trần theo phong cách hiện đại. Đá ốp lò sưởi ở phòng khánh tiết là đá hoa cương màu. Bản thiết kế bếp do Hãng Ateliers Briffaut (Pháp) cung cấp với bệ rửa bát hoàn toàn bằng bạc đã giành được giải vàng Triển lãm quốc tế kiến trúc năm 1900.

Công trình gồm 4 tầng: Dưới cùng là tầng hầm dành cho các phòng phục vụ gồm 11 phòng dung làm nơi để lương thực, bếp, điện, máy bơm nước và phòng lưu trữ công văn. Tầng trệt có 10 phòng chính, 1 phòng khánh tiết của hội đồng cấp cao Đông Dương diện tích rất lớn, xung quang là các phòng của sĩ quan tùy tùng, phòng làm việc và phòng của nhân viên phục vụ; tầng 2 có sân trời gồm 9 phòng chính, 1 làm việc của Toàn quyền Đông Dương, phòng họp, 2 phòng khách, 2 phòng ngủ, 1 phòng ăn cùng các phòng làm việc; tầng 3 là nơi sinh hoạt của gia đình viên Toàn quyền.

Phòng khách trong Dinh toàn quyền

Mố số hình ảnh bên trong dinh:

Phòng khách lớn
Một góc phòng khách
Phòng tiếp tân lớn
Phòng tiếp tân
Một góc phòng tiếp tân
Phòng hut thuôc
Hành lang
Phòng ngủ
Phòng ăn
Toàn cảnh phòng ăn
Phòng ăn
Phòng làm việc
Bàn làm việc của Toàn quyền Đông Dương
Phòng làm việc của thư ký riêng
Bàn làm việc của chánh văn phòng
Sảnh cầu thang
Sảnh cầu thang
Cầu thang lên khu ở riêng của Toàn quyền

Mặt bằng công trình hình gần vuông theo kiểu Palladio thời Phục hưng hậu kỳ có lối vào từ 3 phía mang tính đối xứng nghiêm ngặt, đây cũng là nét độc đáo của toà nhà vì ở Hà Nội chỉ có duy nhất Dinh Toàn quyền là có dạng mặt bằng này.

Phía trước sảnh chính là một cầu thang đại hội lớn xây bằng đá rất rộng, có nhiều bậc và được kéo thẳng lên tầng một càng làm tăng tính kỳ vĩ của công trình. Cầu thang ở những phía còn lại có bản thang nhỏ gọn hơn nhưng cũng được trang hoàng bằng các hình thức đậm chất Cổ điển. Nhìn chung thiết kế mặt bằng của Charles Lichtenfelder dựa trên nền tảng của sự đăng đối trong việc bố trí các không gian, vị trí các cửa cũng như cầu thang trong và ngoài nhà… tất cả là sự hài hòa theo tinh thần Tân cổ điển. Nội thất được bài trí theo phong cách vương giả, cầu kỳ gồm các chi tiết thời Louis XV, Phục Hưng hay Đế chế Pháp. Tùy vào mỗi lần thay đổi Toàn quyền, người kế nhiệm lại thay đổi, trang trí theo ý thích riêng mà bên trong công trình lại được sửa chữa, tu bổ nên nội thất công trình phần nào mang tính Triết chung.

Mặt chính công trình cho thấy ảnh hưởng của phong cách kiến trúc Palladio với sự tuân thủ nhịp điệu đặc – rỗng – đặc và các hàng cột thức cổ điển giàu tính trang trí. Toàn bộ công trình được đặt trên một tầng đế chắc đậm với lượng mở cửa rất nhỏ, tường xây tạo chỉ lõm, các bậc thang bằng đá nhấn mạnh tính bề thế. Mặt nhà chia thành 3 phần rõ rệt theo phương ngang. Khu vực trung tâm mang tính rỗng, được trang trí bằng các hàng cột La Mã, tầng 1 dùng thức Doric mạnh mẽ, tầng 2 dùng thức Ionic nhẹ nhàng, giữa hàng cột là các cửa mở rộng và kết thúc theo kiểu cuốn vòm, phần trên khá nhẹ với các ô cửa hình vuông phía dưới một diềm mái được trang trí rất tinh tế. Kết thúc theo phương ngang là hai khối nhô mạnh ra phía trước (avantcorps) mang tính đặc với hai hàng cửa có tương quan diện tích tương đối nhỏ so với mặt tường nhưng được trang trí cầu kỳ, hai phía cửa đều được nhấn bởi các thức cột, tầng dưới thức Doric, tầng trên thức Ionic, kết thúc phía trên bằng hình thức hai Fronton xếp chồng lên nhau theo kiểu Baroque.

Các mặt bên không sử dụng thức cột cổ điển nhưng vẫn tuân thủ tính đối xứng nghiêm ngặt. Tầng trệt và tầng 3 vẫn tuân thủ quy luật bố trí cửa trên mặt chính với lượng mở cửa nhỏ, khu vực giữa tầng một là hệ 5cửa sổ và cửa đi cấu tạo kiểu vòm cuốn composite, phía trên có các hoa văn trang trí hình hoa lá đắp nổi, tầng 2 là các cửa chữ nhật kiểu Corinth có ban công chạy dài suốt khu vực giữa nhà. Khối kết thúc hai phía mặt bên có các cặp cửa cuốn kép composite ở tầng 1, tầng 2 có ban công nhỏ ở giữa là cửa đi được trang trí cầu kỳ bởi các cột nhỏ theo thức Ionic, phía trên là một vòm trang trí kiểu Corinth.

Mặt sau nhà là thể hiện lặp lại theo quy luật của mặt chính nhưng ở mức độ đơn giản hơn nhiều về tính trang trí. Nét nổi bật ở đây là hệ cột Corinth La Mã có độ cao vượt suốt hai tầng nhà, phía dưới là ba cửa cuốn vòm Composte, tương ứng với ba cửa chữ nhật kiểu Corinth ở phía trên. Kết thúc hai phía cũng là những khối đặc nhô ra theo kiểu avantcorps với ban công và cửa đi cuốn vòm ở tầng 1, ban công nhỏ cùng cửa đi được trang trí thống nhất với mặt bên ở tầng 2.

Bên cạnh việc tuân thủ các quy tắc tổ chức không gian mặt đứng thời Phục hưng hậu kỳ, các chi tiết trang trí trên mặt đứng cho thấy công trình còn mang ảnh hưởng của phong cách Baroque với những đường cong uốn lượn, các Fronton xếp chồng lên nhau cùng các cửa mắt bò (oeil de boeuf). Chính sự pha trộn này cũng làm tăng thêm nét duyên dáng của công trình.

Với tư cách trụ sở cơ quan quyền lực cao nhất toàn xứ Đông Dương, với tính chất một công trình long trọng, nguy nga, được xử lý nhuần nhuyễn theo nguyên tắc kiến trúc Phục hưng hậu kỳ, Dinh Toàn quyền Đông Dương xứng đáng là đại diện lớn nhất cho thể loại nhà hành chính theo phong cách Tân cổ điển ở Hà Nội.

Từ Quảng trường Tròn nhòn vào Dinh Toàn quyền

Phía trước Dinh Toàn quyền có tượng đài “Vì nước Pháp” (À la France), xây năm 1907. Tượng thể hiện hình ảnh một người phụ nữ biểu trưng cho nước Pháp ngồi trên một cái ngai trang trí các họa tiết Angkor và rồng phượng An Nam, xung quanh có binh lính và phụ nữ bản xứ vây quanh.

Ngoài cùng sẽ là cảnh cổng đồ sộ của Phủ Toàn Quyền:

Cổng Dinh toàn quyền

Theo bài viết của KTS Trần Quốc Bảo, cổng chính được làm bằng thép có phong cách trang trí thời Phục Hưng, các chi tiết được liên kết khá cầu kỳ bằng đinh tán, vọng gác hai bên được xây dựng cũng khá cầu kỳ, các diện tường chạy gờ chỉ ngang bên dưới các Fronton càng làm tăng vẻ tráng lệ mà nghiêm trang của công trình mang tính cường quyền này.

Sau năm 1954, chính cánh cổng của dinh Toàn Quyền được sửa lại để thành lễ đài chính của quảng trường Ba Đình, nơi diên ra các cuộc diễu binh, diễu hành lớn nhất của Hà Nội.

Cổng Dinh toàn quyền

Cách cổng dinh Toàn quyền là cổng vào Vườn Bách Thảo, được xây nhỏ và thanh thoát hơn, như hình bên dưới:

Vì cổng Dinh Toàn Quyền với cổng vào vườn Bách Thảo khá giống nhau nên nhiều người tưởng đó là một. Tuy nhiên đây là 2 cổng riêng biệt, nằm cách nhau khoảng vài chục mét, có thể hình dung rõ điều đó qua đoạn video sau đây:


Video quay cổng Dinh Toàn Quyền và cổng Vườn bách thú năm 1952

Ngay phía trước 2 cánh cổng này là quảng trường Tròn, tên chính thức là Quảng trường Puginier, sau 1945 mang tên Quảng trường Ba Đình. Đây chính là nơi mà ngày 2/9/1945 đã diễn ra buổi lễ quan trọng khai sinh ra nước VNDCCH.

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận