Lịch sử hình thành và hình ảnh ngày xưa của tỉnh Sa Đéc (nay là Đồng Tháp)

Thời Pháp thuộc, địa bàn tỉnh Đồng Tháp ngày nay bao gồm hầu hết địa bàn tỉnh Sa Đéc, cộng thêm quận Hồng Ngự của tỉnh Châu Đốc, một phần của tỉnh Long Xuyên và một phần nhỏ đất của tỉnh Mỹ Tho.

Tên gọi Đồng Tháp chỉ xuất hiện từ năm 1976, khi chính quyền mới hợp nhất 2 tỉnh Sa Đéc và Kiến Phong (tỉnh lỵ của Kiến Phong đặt ở Cao Lãnh) để thành lập tỉnh Đồng Tháp, ban đầu tỉnh lỵ đặt ở Sa Đéc, đến năm 1994 dời về thị xã Cao Lãnh.

Sa Đéc thập niên 1960

Tên tỉnh Đồng Tháp được lấy từ cái tên Đồng Tháp Mười, là tên gọi vùng đất ngập nước của đồng bằng sông Cửu Long ngày xưa thuộc tỉnh Định Tường thời nhà Nguyễn, trải rộng trên các tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp của hiện nay.

Như vậy, khi nói về lịch sử hình thành tỉnh Đồng Tháp ngày nay, người ta thường nhắc đến tỉnh Sa Đéc, là tên tỉnh tồn tại suốt thời Pháp thuộc cho đến năm 1975, với rất nhiều lần tách nhập lãnh thổ.

Vùng đất Đồng Tháp được khai phá vào khoảng thế kỷ 17, thế kỷ 18 dưới thời các Chúa Nguyễn. Từ đầu thế kỷ 17, đã có lưu dân Việt đến vùng Sa Đéc khẩn hoang, lập ấp. Thời vua Gia Long, Sa Đéc thuộc huyện Vĩnh An, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh.

Từ năm 1832, sau cải cách hành chính của vua Minh Mạng, phần đất tỉnh Đồng Tháp ngày nay nằm trên địa bàn của hai tỉnh thời nhà Nguyễn là tỉnh Định Tường và An Giang.

Hai tỉnh này lần lượt bị Pháp chiếm vào năm 1861 và 1867, sau đó chính quyền thuộc địa xóa bỏ tên gọi các tỉnh, chia lại khu vực hành chính, đặt ra các hạt Thanh tra.

Đối với tỉnh Định Tường cũ, Pháp chia thành 4 hạt thanh tra, trong đó phần lãnh thổ thuộc Đồng Tháp hiện nay mang tên Hạt thanh tra Kiến Tường, ban đầu lỵ sở đặt ở Cao Lãnh. Sau này lỵ sở dời về Cần Lố, nên tên Hạt cũng đổi thành Hạt thanh tra Cần Lố.

Đối với tỉnh An Giang cũ, Pháp chia thành các hạt, trong đó phần lãnh thổ thuộc Đồng Tháp hiện nay mang tên Hạt thanh tra Tân Thành, được thành lập dựa trên phần đất của phủ Tân Thành thuộc tỉnh An Giang cũ.

Vì lỵ sở của hạt Tân Thành đặt ở Sa Đéc, nên sau đó hạt đổi tên thành Hạt thanh tra Sa Đéc kể từ 16/8/1867.

Lúc này trong Hạt thanh tra Sa Đéc có huyện Phong Phú, tương ứng với tỉnh Cần Thơ hiện nay. Đến 4/12/1867, huyện Phong Phú được tách ra khỏi Sa Đéc để thành Hạt thanh tra riêng, lỵ sở đặt ở Cần Thơ nên được gọi là Hạt thanh tra Cần Thơ. (Thời gian sau đó, lãnh thổ Cần Thơ có thêm vài lần tách nhập vào địa phận Sa Đéc).

Ngày 20/9/1870, Hạt thanh tra Cần Lố (thuộc tỉnh Định Tường cũ) giải thể, một phần nhập vào Hạt thanh tra Sa Đéc.

Cái tên Sa Đéc xuất phát từ tiếng Khmer là Phsar-Dek, có nghĩa là “chợ sắt”.

Tòa tham biện Sa Đéc

Nghị định ngày 5/1/1876 của Thống đốc Nam kỳ chia địa bàn Nam kỳ thành 4 khu vực hành chính, mỗi khu vực có một số tiểu khu hay Hạt tham biện, từ đó Hạt thanh tra Sa Đéc thành Hạt tham biện Sa Đéc, thuộc khu vực hành chính thứ 3.

Bản đồ tỉnh Sa Đéc năm 1885

Rạch Cần Thơ ở Sa Đéc năm 1886

Nghị định ngày 20/12/1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tên gọi các Hạt tham biện ở Nam kỳ thành Tỉnh (province), từ đó Hạt tham biện Sa Đéc thành Tỉnh Sa Đéc.

Dinh tỉnh trưởng tỉnh Sa Đéc

Sa Đéc năm 1912

Năm 1913, chính quyền thuộc địa quyết định giải thể tỉnh Sa Đéc để nhập vào địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Phần đất của tỉnh Sa Đéc được chia thành 3 quận: Sa Đéc, Cao Lãnh, Lai Vung thuộc tỉnh Vĩnh Long.

Nhà thờ Hòa Khánh ở Sa Đéc đầu thập niên 1920, thời điểm thuộc tỉnh Vĩnh Long

Năm 1924, Toàn quyền Đông Dương cho tái lập tỉnh Sa Đéc với 3 quận trực thuộc: Châu Thành (đổi tên từ quận Sa Đéc), Cao Lãnh và Lai Vung.

Bản đồ Sa Đéc năm 1930

Ngày 17/2/1956, chính quyền VNCH vẫn duy trì tỉnh Sa Đéc, nhưng tách một phần ra để thành lập tỉnh mới tên là Phong Thạnh. Cái tên này xuất phát từ tổng Phong Thạnh năm xưa thuộc Hạt thanh tra Cần Lố tách ra từ tỉnh Định Tường cũ rồi sau đó nhập vô Hạt thanh tra Sa Đéc như đã nói ở trên.

Tỉnh Phong Thạnh bao gồm phần đất đai của quận Cao Lãnh của tỉnh Sa Đéc, quận Hồng Ngự của tỉnh Châu Đốc, một phần của quận Chợ Mới thuộc tỉnh Long Xuyên, và một phần nhỏ của quận Cái Bè thuộc tỉnh Mỹ Tho. Tỉnh lỵ của tỉnh mới Phong Thạnh đặt tại Cao Lãnh.

Tỉnh Sa Đéc còn lại 3 quận mang tên Châu Thành, Lai Vung và Lấp Vò.

Chỉ 8 tháng sau khi thành lập, đến ngày 22/10/1956, tỉnh Phong Thạnh đổi tên thành tỉnh Kiến Phong, đồng thời toàn bộ phần còn lại của tỉnh Sa Đéc bị giải thể, sáp nhập vô tỉnh Vĩnh Long. Cái tên tỉnh Kiến Phong xuất phát từ tên huyện Kiến Phong thuộc tỉnh Định Tường cũ.

Khánh thành tỉnh lộ 23 ở Sa Đéc năm 1966

Tròn 10 năm sau đó, vào ngày 24/9/1966, chính quyền VNCH quyết định tái lập tỉnh Sa Đéc như cũ, tách ra từ tỉnh Vĩnh Long.

Bản đồ Sa Đéc năm 1974

Bản đồ tỉnh Sa Đéc năm 1976, ngay trước thời điểm sáp nhập với tỉnh Kiến Phong để thành tỉnh Đồng Tháp

Tháng 2 năm 1976, chính quyền mới cho hợp nhất 2 tỉnh Kiến Phong và Sa Đéc thời VNCH thành tỉnh mang tên Đồng Tháp, tỉnh lỵ đặt tại Sa Đéc, với 6 huyện ban đầu là: Cao Lãnh, Châu Thành, Hồng Ngự, Lấp Vò, Tam Nông, Lai Vung. Thời gian sau đó, các huyện này lại được tách ra thành các huyện mới: Tháp Mười, Thanh Bình, Tân Hồng…

Ngày 29/4/1994, chính phủ ban hành nghị định di chuyển tỉnh lỵ Đồng Tháp từ thị xã Sa Đéc về thị xã Cao Lãnh.

Năm 2007, thị xã Cao Lãnh trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.

Nam 2008, huyện Hồng Ngự trở thành thị xã Hồng Ngự.

Năm 2013, thị xã Sa Đéc thành thành phố trực thuộc tỉnh.

Năm 2020, thị xã Hồng Ngự được nâng cấp lên thành phố trực thuộc tỉnh.

Hình ảnh tỉnh Sa Đéc thời thuộc Pháp:

Lụt ở Sa Đéc trong ngày đón Thống đốc Nam kỳ đến thăm

Thống đốc Nam kỳ François Pierre Rodier đặt viên đá đầu tiên xây dựng bịnh viện và bảo sanh viện cho người bản xứ ở Sa Đéc năm 1906

Nhà bảo sanh Sa Đéc thập niên 1920

Nhà bảo sanh Sa Đéc

Bệnh viện Sa Đéc

“chủng đậu” cho trẻ em ở bịnh viện Sa Đéc

Bên trong bịnh viện Sa Đéc

Các xã trưởng của tỉnh Sa Đéc trước dinh tỉnh trưởng

Tòa tham biện Sa Đéc và dinh tỉnh trưởng

Tòa tham biện

Chợ Tân Phú Đông ở xã Tân Phú Đông – tổng An Trung – tỉnh Sa Đéc

Trụ sở xã Tân Phú Đông

Ngập lụt 1 đại lộ ở Sa Đéc năm 1905

Con đường chính ven sông ở Sa Đéc

Trường nữ tiểu học Sa Đéc 100 năm trước

Trường nam tiểu học Sa Đéc 100 năm trước

Học sinh tan trường

Trụ sở hội đồng xã ở Sa Đéc

Nhà tế bần của các nữ tu ở Sa Đéc

Trong khuôn viên tòa tham biện (Tòa bố Sa Đéc)

Cầu quay Sa Đéc

Tòa tham biện nhìn từ cầu quay Sa Đéc

Cầu quay Nha Mân ở Sa Đéc. Nha Mân nổi tiếng có con gái rất đẹp, xưa nay có câu lưu truyền là: Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh/ Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân

Chùa Tàu ở Sa Đéc năm 1930

Chùa Bà Thiên Hậu

Phía xa là nhà thờ Hòa Khánh, nay là nhà thờ Sa Đéc

Sông Sa Đéc

Sa Đéc 1951

Sa Đéc thập niên 1960-1970:

Không ảnh khu vực tòa hành chính tỉnh Sa Đéc. Tòa nhà hành chính được cải tạo từ tòa tham biện Sa Đéc thời Pháp. Sau năm 1971 trở thành trụ sở của sư đoàn 9

Sân trực thăng tại bộ tư lệnh sư đoàn 9 đóng ở Sa Đéc

Toàn cảnh Bộ tư lệnh Sư đoàn 9 tại Sa Đéc

Đường Phan Thanh Giản, nay là Nguyễn Huệ ở thành phố Sa Đéc

Đường Phan Thanh Giản ở ven sông

Hình chụp từ cầu Hòa Khánh

Cầu Cái Sơn I nhìn từ Tuần Giang trên sông Sa Đéc năm 1969

Bến xe lôi máy bên hông chợ Sa Đéc

Ty Cảnh Sát Quốc Gia tỉnh Sa Đéc xưa

Chùa Phước Hưng

Đông Kha – chuyenxua.net
Hình ảnh: manhhai flickr

Viết một bình luận