Lịch sử hình thành và hình ảnh ngày xưa của Sóc Trăng

Tên gọi tỉnh Sóc Trăng (trước đây gọi là Sốc Trăng) là bắt nguồn từ tiếng Khmer: Srok Khl’eang.

Srok Khl’eang, trong tiếng Khmer thì Srok là xứ, xóm, cõi đất, vùng đất; còn Khl’eang là kho, lẫm, nơi chứa bạc. Srok Khl’eang là kho chứa bạc của nhà vua, tiếng Việt âm là /Sóc-khơ-lang/, lâu ngày nói trại thành Sốc (Sóc) Trăng.

Theo Chuyên khảo về tỉnh Sốc Trăng do Hội nghiên cứu Đông Dương thực hiện năm 1904 thì cách đặt tên này là do thực tế các kho bạc ở vùng Ba Thắc được đặt ở vị trí Sóc Trăng. Ba Thắc là tên một vùng đất của đế quốc Khmer, bao gồm cả Sóc Trăng và Bạc Liêu ngày nay.

Ở Sóc Trăng ngày nay vẫn còn một ngôi chùa mang tên Khl’eang (ở địa chỉ số 6 Tôn Đức Thắng, TP. Sóc Trăng) còn lưu giữ một bản sao tài liệu ghi chép từ thư tịch cổ, trong đó có nói đến nguồn gốc địa danh Sóc Trăng, lịch sử xây dụng chùa.

Chùa Khl’eang 100 năm trước, ngày nay vẫn còn. Trong hình ghi tên chùa là Nham-Lang

Trước khi Sóc Trăng thuộc về người Việt thì nó thuộc vùng Ba Thắc của người Khmer.

Xứ này chính thức thuộc về quản lý của người Việt là vào thời chúa Nguyễn Phúc Khoát làm chủ ở Đàng Trong, đó là thời kỳ tình hình nội bộ của vương quốc Chân Lạp rối ren, hoàng gia tranh giành ngôi báu. Trong hoàn cảnh đó, Nặc Thuận (chú họ của vua Chân Lạp là Nặc Nguyên) đã dâng hai phủ Trà Vinh và Ba Thắc cho chúa Nguyễn Phúc Khoát. Ba Thắc thuộc về lãnh thổ của các chúa Nguyễn trong giai đoạn 1757-1792. Sau đó chúa Nguyễn Ánh cắt đất Ba Thắc trả về cho Nặc Ấn (vua của Cao Miên).

Từ sau năm 1835, thời vua Minh Mạng,vùng đất Ba Thắc (tiền thân của Sóc Trăng) mới hoàn toàn thuộc vào lãnh thổ Đại Nam khi quan phiên người Cao Miên là Trà Long xin đặt quan cai trị, vua Minh Mạng liền đổi tên phủ là Ba Xuyên thuộc tỉnh An Giang và cho đặt chức an phủ sứ để quản phủ này.

Cầu qua một con rạch ở Sóc Trăng

Dưới triều Minh Mạng, Sóc Trăng từng được gọi là Nguyệt Giang (chữ Sóc biến thành chữ Sông, Trăng thành Nguyệt nên Sóc Trăng biến thành Sông Trăng rồi bị đổi thành Nguyệt Giang).

Suốt trong thời kỳ nhà Nguyễn, Sóc Trăng thuộc phủ Ba Xuyên tỉnh An Giang (là một trong 6 tỉnh Nam kỳ thời vua Tự Đức).

Năm 1867, Pháp chính thức chiếm được toàn bộ 6 tỉnh Nam kỳ, chia ra thành các hạt thanh tra để quản lý. Khi đó phủ Ba Xuyên trở thành hạt thanh tra Bãi Xàu, lỵ sở đặt tại Vàm Ba.

Quyết định ngày 15/7/1867 ấn định trụ sở chính thức của hạt thanh tra Bãi Xàu chuyển về Sóc Trăng, đồng thời hạt thanh tra Bãi Xàu cũng đổi tên thành hạt thanh tra Sóc Trăng. Đây là lần đầu tiên tên gọi Sóc Trăng trở thành tên hành chánh chính thức.nTừ đó, địa bàn hạt thanh tra Sóc Trăng là địa bàn phủ Ba Xuyên trước đó.

Chợ cá ở Sóc Trăng 100 năm trước

Nghị định ngày 5/1/1876 của Thống đốc Nam kỳ chia địa bàn Nam kỳ thành 4 khu vực hành chính, hạt thanh tra Sóc Trăng đổi thành hạt tham biện Sóc Trăng, thuộc khu vực hành chính thứ 4.

Cầu ở Sóc Trăng đi Bạc Liêu (xưa gọi là Bắc Liêu

Nghị định ngày 20/12/1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tên gọi các hạt tham biện ở Nam kỳ thành Tỉnh (province), từ đó hạt tham biện Sóc Trăng đổi thành tỉnh Sóc Trăng.

Dinh tỉnh trưởng Sóc Trăng thập niên 1920

Đầu thời kỳ đệ nhất cộng hòa, ban đầu tổng thống Ngô Đình Diệm vẫn duy trì tên gọi tỉnh Sóc Trăng, đến tháng 10 năm 1956 thì sáp nhập 2 tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu thành một tỉnh mang tên là Ba Xuyên. Tên gọi này vốn là tên cũ của vùng đất Sóc Trăng – Bạc Liêu thời nhà Nguyễn (phủ Ba Xuyên thuộc phủ An Giang cũ). Tỉnh lỵ của tỉnh Ba Xuyên đặt tại Sóc Trăng, nhưng lúc này lại đổi tên là Khánh Hưng, lấy theo tên xã Khánh Hưng thuộc quận Châu Thành.

Hình chụp Khánh Hưng năm 1961. Khánh Hưng lúc này là tỉnh lỵ của tỉnh Ba Xuyên. Ngày nay là TP Sóc Trăng của tỉnh Sóc Trăng

Đến năm 1964, chính phủ quyết định tái lập tỉnh Bạc Liêu, phần thời trước 1956 vẫn giữ nguyên tên là tỉnh Ba Xuyên. (Mặc dù vậy, chính quyền MTDTGPMNVN, và sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam không công nhận tên gọi Ba Xuyên, mà vẫn dùng tên chính thức là Sóc Trăng xuyên suốt từ thời Pháp thuộc).

Năm 1976, chính quyền hợp nhất tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Cần Thơ và thành phố Cần Thơ để thành lập một tỉnh mới có tên là tỉnh Hậu Giang.

Tỉnh Hậu Giang lúc này gồm có thành phố Cần Thơ, thị xã Sóc Trăng và 12 huyện: Châu Thành, Kế Sách, Long Mỹ, Long Phú, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Ô Môn, Phụng Hiệp, Thạnh Trị, Thốt Nốt, Vị Thanh, Vĩnh Châu. Tỉnh lỵ tỉnh Hậu Giang lúc đó là thành phố Cần Thơ.

Ngày 26 tháng 12 năm 1991, Quốc hội ban hành nghị quyết chia tỉnh Hậu Giang thành hai tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng trở lại như cũ.

Một số hình ảnh chợ Sóc Trăng xưa:

Chợ cá Sóc Trăng thập niên 1920

Chợ trung tâm ở Sóc Trăng

Bến ghe thuyền

Cầu quay ở Sóc Trăng

Tòa án Sóc Trăng

Bưu điện Sóc Trăng

Trường Nữ Tiểu học Sóc Trăng

Nhà thờ Sóc Trăng 100 năm trước, ngày nay vẫn còn

Chùa Khmer

Hình ảnh Sóc Trăng thập niên 1960:

Trục đường chính của tỉnh lỵ tỉnh Sóc Trăng (nay là thành phố Sóc Trăng) là con đường mang tên Hai Bà Trưng, thời Pháp thuộc có tên là. Sau đây là những hình ảnh con đường này thuở xưa:

Đường Principale thời Pháp thuộc:

Đường Principale sau 1955 thành Hai Bà Trưng:

Đường Hai Bà Trưng năm 1967

Đường Hai Bà Trưng năm 1968

Đường Hai Bà Trưng năm 1968

Đường Hai Bà Trưng năm 1968

Bài: Đông Kha – chuyenxua.net
Hình ảnh: manhhai flickr

Viết một bình luận