Khái quát về những con đường đầu tiên của Sài Gòn

Nói đến lịch sử hình thành của một thành phố, bao giờ cũng phải nhắc đến sự hình thành của những đại lộ và con đường đầu tiên. Đối với Sài Gòn, những con đường đầu tiên và nổi tiếng nhất có thể kể đến là đường Hai Bà Trưng, Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai), Lê Lợi, Nguyễn Huệ, và đặc biệt là đường Catinat – Tự Do.

Trong bài viết này, cùng nhìn lại khái quát những năm đầu tiên hình thành những con đường nổi tiếng đó.

Đường Catinat – Tự Do (Đồng Khởi)

Catinat là một trong những con đường cổ xưa nhất của Sài Gòn, có từ trước khi Pháp đến chiếm thành phố này. Nhìn trên bản đồ, chúng ta có thể thấy đây là con đường đi từ sông Sài Gòn dẫn thẳng vô thành Gia Định cũ (thành Quy do vua Gia Long cho xây dựng từ cuối thế kỷ 18). Lúc đầu Pháp gọi đường này là đường số 16 (rue No.16), đến tháng 2 năm 1865 đổi thành đường Catinat. Con đường được đặt theo tên của một thống chế Pháp dưới thời vua Louis XIV, về sau được đặt tên cho một tàu chiến Pháp đã tham gia đánh vào cảng Đà Nẵng năm 1856 và chiếm Sài Gòn năm 1859.

Vào năm 1920, một số thành viên của Hội đồng thành phố Sài Gòn nêu ý kiến đề nghị đổi tên đường Catinat và một số đường khác vì cho rằng “những cách gọi tên đường ấy mà bây giờ không còn đáng quan tâm gì nữa có lẽ nên được thay thế bằng những cái tên lấy từ những sự kiện của WWI (1914-1918)”. Nhưng sau đó, một ủy ban chuyên trách về vấn đề này cho rằng không nên đổi tên vì làm như vậy “sẽ gây lúng túng vì người ta đã quen rồi, không những đối với người dân Nam kỳ mà kể cả những người ngoại quốc có dịp ghé thăm Sài Gòn”. (trích biên bản họp của Hội đồng thành phố Sài Gòn ngày 26/4/1920).

Vào lúc trước và sau khi xây nhà thờ Đức Bà (năm 1877), đường Catinat còn kéo dài cho tới đường rue des deux Cimetières (nay là đường Võ Thị Sáu), nhưng kể từ năm 1897 thì tên đường Catinat chỉ còn tính từ bờ sông Sài Gòn lên tới nhà thờ Đức Bà (dài khoảng 900m), đoạn còn lại được đặt tên là Bancsubé (sau là đường Duy Tân, nay là Phạm Ngọc Thạch). Sau năm 1955, đường Catinat được đổi tên thành đường Tự Do, từ năm 1975 đến nay mang tên đường Đồng Khởi.

Sau năm 1859, bề ngang con đường Catinat rất không đồng đều, chỗ rộng chỗ hẹp, rải đá dăm đỏ (latérite) và hai bên đường ở phía gần bờ sông thì hai bên đường vẫn còn nhiều mương ứ đọng nước. Một viên đại úy Pháp là Léopold Pallu mô tả đường Catinat năm 1861 như sau:

“Kẻ lữ khách mới tới Sài Gòn sẽ thấy bên phía hữu ngạn của con sông một kiểu đường mà hai bên thường bị ngắt quãng bởi những khoảng không gian trống. Các căn nhà, đa số bằng gỗ, lợp lá dừa nước; một số ít ngôi nhà khác được xây bằng đá. Mái ngói đỏ của những ngôi nhà này cũng làm vui mắt kẻ đi đường”.

Hình vẽ một ngôi nhà trên đường Catinat năm 1864

Catinat là con đường đầu tiên của Sài Gòn mà Pháp cho chỉnh trang để làm thành một đường phố của đô thị, và lúc đó, những trục đường chính khác đều được làm song song với con đường này theo hướng từ tây-bắc xuống đông-nam, đi về phía bờ sông Sài Gòn, như đường Nationale (nay là đường Hai Bà Trưng), đường Hôpital (nay là Thái Văn Lung), đường Citadelle (nay là 2 đường Đinh Tiên Hoàng và Tôn Đức Thắng).

Do đó, Catinat cũng là dãy phố có nhiều cửa hàng và quán xá đầu tiên của Sài Gòn. Khoảng năm 1869-1870, đây là con đường đầy tiệm làm giày, tiệm may, tiệm bán thực phẩm khô… Đường Catinat là một trong những con đường đầu tiên của Sài Gòn được tráng nhựa vào khoảng năm 1906 – 1907, và khi mới được tráng nhựa, người dân thường gọi đây là đường “Keo Su”.

Đường Catinat 100 năm trước

Kể từ đầu thời Pháp thuộc cho đến tận ngày nay, con đường này luôn luôn là một con đường trung tâm mang tính chất phố thương mại và có những tiệm thuộc hạng sang nhất của cả thành phố Sài Gòn mà hầu như bất cứ người khách vãng lai nào ghé qua Sài Gòn cũng đều đã có lần đặt chân đến. Tại đây có những địa điểm nổi tiếng trong lịch sử Sài Gòn như khách sạn Continental, khách sạn Majectic, tiệm Givral, tiệm Brodard, nhà sách Albert Portail rất rộng mà một phần trở thành nhà sách Xuân Thu vào khoảng giữa thập niên 1950 (từ năm 2011, nhà sách này không còn ở đây nữa), hay khu thương mại Passage Eden…

Đường Catinat thập niên 1920, phía trước (ngay chỗ xe ngựa) là ngã tư Catinat – Vannier (nay là Đồng Khởi – Ngô Đức Kế)

Đại lộ Nguyễn Huệ: từ kinh Chợ Vải đến đại lộ

Con đường Nguyễn Huệ hiện nay chỉ dài khoảng 0,7km, đi từ Dinh Xã Tây (Tòa thị chính Sài Gòn, thường được gọi bằng cái tên Tòa Đô Chánh, nay là UBND thành phố) cho tới bờ sông Sài Gòn.

Lúc Pháp đánh vào Sài Gòn năm 1859, đây vẫn còn là một con kinh mà hồi ấy người Việt thường gọi là kinh Chợ Vải, người Pháp gọi là Grand Canal (kinh Lớn) hay Kinh Charner. Hai bên kinh có hai con đường, lúc đầu được Pháp đặt tên là đường số 18, nhưng kể từ tháng 12-1865, con đường bên bờ hữu ngạn (phía tây nam) chính thức trở thành đường Charner, còn bờ tả ngạn (phía đông bắc) là đường Rigualt de Genouilly.

Lúc đó, do chợ Bến Thành mà người Pháp gọi là Marché de Saigon còn nằm bên bờ kinh này, tàu bè và hàng hoá lên xuống tấp nập hàng ngày nên vào năm 1867, một số cư dân xung quanh đòi lấp con kinh lại do bị mùi xú uế xông lên nồng nặc. Chuyện này đã được đưa ra bàn luận tại Hội đồng thành phố Sài Gòn trong nhiều phiên họp.

Trong khoảng thời gian 1865- 1870, người ta bắt đầu lấp đoạn phía trên của con kinh này (tức khoảng từ đường Tôn Thất Thiệp lên tới đường Lê Thánh Tôn ngày nay) và Hội đồng thành phố Sài Gòn quyết định cho trồng cây đa (banian) tại đây.

Sau rất nhiều lần tranh cãi không kém phần kịch liệt trong hội đồng thành phố hết năm này sang năm khác, người thì cho là con kinh đã không còn có ích nữa và đòi phải lấp đi, người thì nói là con kinh còn rất cần thiết vì khu chợ trung tâm toạ lạc tại đây và chỉ cần nạo vét cho thông thoáng, sạch sẽ là được…, cuối cùng phải đợi đến 20 năm sau, tức vào năm 1887, họ mới đi đến quyết định là lấp hoàn toàn con kinh.

Chợ Cũ trên đường Charner năm 1895

Và con đường rộng lớn kể từ đó mang tên là đại lộ Charner, nhưng người dân mãi đến thập niên 1930 vẫn còn thường gọi đây là đường Kinh Lấp. Năm 1926, ở giữa đại lộ này bắt đầu có một đường phân cách trồng cỏ, phân đại lộ ra làm hai, do thị trưởng Rouelle cho làm. Kể từ năm 1955 đến nay, con đường này mang tên là đại lộ Nguyễn Huệ.

Phu đang làm đường trên đại lộ Charner

Đại lộ Lê Lợi: từng là kinh đào vào năm 1861 – 1862

Lúc đầu, con đường này cũng là một con kinh dài khoảng 0,8km do đại uý công binh Gallimard đào “giữa vùng đầm lầy sau khi chiếm xong Sài Gòn”, tức là vào khoảng năm 1861 hay 1862 (sau đó gọi là kinh Gallimard), một đầu đổ ra sông Sài Gòn chỗ gần doanh trại Hải Quân, còn đầu kia nối với con kinh Olivier để đổ ra rạch Bến Nghé, nhằm tiêu nước và làm khô khu vực ẩm thấp lầy lội này của Sài Gòn. Con kinh này giao thẳng góc với kinh Lớn (Grand Canal, sau này thành đại lộ Nguyễn Huệ). Sau khi kinh Gallimard được đào xong, con đường dọc bờ kinh mang tên là đường số 13, đến năm 1865 được đổi thành đường Bonard. (Trong một số tài liệu, kinh này được ghi theo tên đại tá công binh Coffyn, dựa theo ghi chép của Trương Vĩnh Ký).

Người ta không biết đích xác kinh Gallimard được lấp để làm đường vào năm nào, André Baudrit đoán chừng có lẽ trong thời kỳ từ năm 1870 tới 1880. Sau khi lấp xong con kinh thì con đường lớn này trở thành đại lộ Bonard, nhưng lúc đó chỉ dừng lại ở đường Mac Mahon (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa).

Vào đầu năm 1914, con đường này được làm tiếp để nối dài từ đường Mac Mahon tới khu Halles Centrales (nay là chợ Bến Thành).

Kể từ sau năm 1955 đến nay, đường này mang tên là đại lộ Lê Lợi, dài khoảng 0,6km, đi từ đường Đồng Khởi đến công trường Quách Thị Trang, ngay trước chợ Bến Thành.

Đại lộ Hàm Nghi: Trước năm 1870 vẫn còn là rạch Cầu Sấu

Vào năm 1859 chưa có con đường này vì lúc ấy nơi đây vẫn còn là rạch Cầu Sấu. Theo Trương Vĩnh Ký, sở dĩ gọi tên như vậy là vì ngày xưa ở đây có một hầm nuôi cá sấu để xẻ thịt bán.

Đám rước rồng của Bang Quảng Đông năm 1865 tại bờ sông Sài Gòn, nay là đoạn bến Bạch Đằng, đầu đường Hàm Nghi

Lúc đầu, Pháp làm hai con đường ở hai bên bờ con rạch, mang tên là đường số 3. Đến năm 1865, đường ở một bên được đổi thành đường Dayot, còn đường ở bờ bên kia là đường Canton.

Con rạch này có lẽ được lấp lại trong khoảng đầu thập niên 1870 nhưng hai con đường vẫn mang tên riêng rẽ như trên. Bằng một nghị định do đô đốc Duperré ký ngày 14-05-1877, hai con đường này được nhập lại thành đại lộ Canton. Đến ngày 24-02-1897, hội đồng thành phố Sài Gòn trở lại với ý định ngày trước là tách ra thành hai con đường riêng, đặt tên con đường ở phía bắc là đường Krantz và con đường ở phía nam là đường Duperré.

Ga tramway ngay cột cờ Thủ ngữ, đầu đường Hàm Nghi ngày nay

Mãi đến năm 1920, hội đồng thành phố Sài Gòn mới quyết định sát nhập hai con đường lại thành một đại lộ, mang tên là đại lộ La Somme (Boulevard de la Somme). Kể từ sau năm 1955 tới nay, con đường này mang tên là đại lộ Hàm Nghi, dài khoảng 0,99km.

Đường Hồng Thập Tự (Nguyễn Thị Minh Khai): con đường thiên lý

Từ xưa đây đã là một con đường dài nối liền từ làng Phú Mỹ (nằm ở bên kia cầu Thị Nghè, thuộc khu vực Thị Nghè và rạch Văn Thánh ngày nay) cho tới Chợ Lớn, băng qua vùng đất cao nhất của thành phố. Đây là con đường đi xuyên qua thành Quy (xây năm 1790) lẫn thành Phụng (xây năm 1836, bị Pháp triệt hạ năm 1859).

Con đường này từ giữa thế kỷ XVIII đã được nối với con đường thiên lý. Theo Trịnh Hoài Đức, vào năm 1748, quan Điều khiển Nguyễn Hữu Doãn đã cho mở con đường thiên lý đi ra phía Bắc, bắt đầu từ cửa Cấn Chỉ ở phía đông thành Bát Quái (tương ứng với ngã tư đường Nguyễn Thị Minh Khai và đường Đinh Tiên Hoàng bây giờ) đến bến đò Bình Đông để sang bờ bên kia sông Sài Gòn là địa giới của Biên Hoà bằng cách “đo đạc giăng dây làm đường thẳng, gặp chỗ có kinh ngòi thì bắc cầu, chỗ bùn lầy thì đắp đất và cây gỗ.

Đến năm 1815, quan Tổng trấn thành Gia Định là Lê Văn Duyệt lại tiếp tục nối con đường thiên lý về phía tây bằng cách cho mở đường từ cửa Đoài Duyệt ở phía tây thành Bát Quái (tương ứng với ngã tư đường Nguyễn Thị Minh Khai và đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa bây giờ) để đi về hướng “qua cầu Tham Lương (đường Cách Mạng Tháng Tám hiện nay), qua bến đò Thị Sưu, qua chằm Lão Phong, giáp ngã ba đường đi Khê Lăng, đến đất Cà Rá nước Cao Miên, đến sông lớn (Mekong) dài 439 dặm. Trịnh Hoài Đức mô tả cách thức làm đoạn đường này như sau: “… gặp chỗ có sông, khe thì bắc cầu cống, chỗ đầm lầy thì đắp đất, rừng thì đốn cây, mở làm đường thiên lý, bề ngang 6 tầm, làm thành con đồng rộng thông suốt cho người ngựa qua lại được bình yên”.

Như vậy, con đường Nguyễn Thị Minh Khau bây giờ từ ngày xưa đã nối với con đường thiên lý đi ra miền Trung và miền Bắc, đồng thời cũng nối với con đường thiên lý đi về hướng sang Campuchia (theo ngả đường Cách Mạng Tháng Tám ngày nay).

Tháp nhà thờ Đức Bà nhìn từ góc Hai Bà Trưng – Hồng Thập Tự. Hình chụp năm 1947

Lúc đầu, do tầm quan trọng của con đường này nên người Pháp gọi đây là Route Stratégique (nghĩa là “đường chiến lược), về sau gọi là đại lộ số 25 (Boulevard No.25), đến tháng 2 – 1865 thì được De La Grandière quyết định cho mang tên là đại lộ Chasseloup – Laubat (tính tới Ngã Sáu mà thôi, còn đường Hùng Vương bây giờ thì hồi đó vẫn mang tên là Route Stratégique de SaiGon à Cholon). Dần dà về sau, người ta không còn gọi đây là “đại lộ” nữa mà chỉ gọi là “đường”.

Sau năm 1955, con đường Chasseloup – Laubat được đổi tên là đường Hồng Thập Tự. Vào năm 1975, đường này được nhập lại cùng với đường Hùng Vương ở Thị Nghè và Quốc Lộ 13 ở Hàng Xanh để mang tên là đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, rồi từ năm 1991 đến nay mang tên là đường Nguyễn Thị Minh Khai, chỉ tính từ cầu Thị Nghè trở lại mà thôi (tức tương ứng với đường Hồng Thập Tự cũ), dài khoảng 1,96km.

Góc Công Lý – Hồng Thập Tự. Tòa nhà trong hình là trường Lê Quý Đôn

Đây cũng là một trong những con đường mang nhiều dấu ấn trong suốt lịch sử thăng trầm của thành phố Sài Gòn.

Đường Hai Bà Trưng: một trong hai con đường huyết mạch của Sài Gòn

Dài khoảng 2,97km, đi từ đường Tôn Đức Thắng (bờ sông Sài Gòn) tới cầu Kiệu. Lúc đầu (sau năm 1859), đường này mang tên là đường số 14, năm 1865 đổi thành đường Impériable, năm 1870 là đường Nationale, năm 1902 là đường Paul Blanchy, năm 1952 là đường Trưng Nữ Vương (đoạn từ đường Lê Duẩn ngày nay tới cầu Kiệu) và từ năm 1955 đến nay là đường Hai Bà Trưng.

Đường Hai Bà Trưng hơn 100 năm trước

Trong suốt thời Pháp thuộc, theo André Baurit, đường Paul Blanchy và đường cắt thẳng góc với nó là đường ChesseLoup – Laubat (nay là Nguyễn Thị Minh Khai) là hai “con đường huyết mạch duy nhất nối liền trung tâm đô thị Sài Gòn với bên ngoài (đường Paul Blanchy) là một trong những con đường dài nhất và đông xe cộ qua lại nhất”. André Baudrit viết rằng chính vì vậy mà lúc đầu nó được đặt tên là đường Impériale (nghĩa là đường Đế Chế), về sau do muốn xoá bỏ những dấu vết của quá khứ đế chế Napóléon nên lúc đầu chính quyền Pháp ở Sài Gòn định đổi tên là đường République (đường Cộng Hoà), nhưng sau đó lại chọn tên là đường Nationale (nghĩa là đường Quốc Gia). Năm 1902, ngay sau khi thị trưởng Sài Gòn Paul Blanchy qua đời thì con đường này được đặt theo tên ông.

Ở cuối đường Hai Bà Trưng là cậu kiệu mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đã mô tả cảnh quan vào năm 1945 như sau: “Cầu Kiệu năm 1945 đã đúc bằng xi măng, rộng đủ cho hai làn xe chạy. Hai bên có lề hẹp dành cho khách đi bộ, lát gạch, thành cầu có lan can thấp bằng sắt. Từ đầu cầu bên phía Sài Gòn là đường tráng nhựa. Phía đầu cầu bên Phú Nhuận là đường đất đỏ đá ong. Hai bên đường trũng sâu, có mương thoát nước và hai hàng cây bàng râm mát. Phía bên phải đầu cầu là một trạm biến thể điện, đồng bào quen gọi là nhà hơi…”

Xe lửa đang chạy trên đường ray dọc theo đường Paul Blanchy

Đường Paul Blanchy xưa. Lúc này có đường ray xe lửa tuyến Sài Gòn đi Gò Vấp – Hóc Môn

Đường Lý Tự Trọng: nằm trên đường hào của thành cổ

Dài khoảng 1,83km, đi từ Ngã Sáu Phù Đổng cho tới đường Đinh Tiên Hoàng. Con đường này được làm trên đường hào của thành Bát Quái (tức thành Quy) mà vua Minh Mạng đã cho lệnh triệt hạ năm 1835 (để sau đó xây thành Phụng).

Vào đầu năm 1926, khi người ta tiến hành đào móng để xây một toà nhà lớn tại ngã tư đường La Grandière (nay là Lý Tự Trọng) với đường Catinat (nay là Đồng Khởi), Jean Bouchot đã khai quật và tìm thấy vết tích của một phần bức tường thành cổ ấy.

Lúc đầu, con đường này mang tên là đường số 17, từ ngày 1-2-1865 mang tên là đường Gouverneur (đường Thống Đốc) theo một nghị định của chuẩn đô đốc kiêm thống đốc De La Grandière (bởi lẽ lúc đó dinh thống đốc nằm trên con đường này, nay là khuôn viên trường trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa). Đến ngày 1-7-1870, mang tên là đường De La Grandière theo nghị định đô đốc thống đốc De Cornulier – Lucinière ký (trong nhiều văn bản thường ghi là đường Lagrandière). Vào năm 1950, dưới thời Quốc Gia Việt Nam của quốc trưởng Bảo Đại, đoạn từ Ngã Sáu Phù Đổng tới đường Đồng Khởi bây giờ mang tên là đường Gia Long, còn đoạn từ đường Đồng Khởi tới đường Đinh Tiên Hoàng bây giờ vẫn mang tên là đường La Grandière. Sau năm 1955, hai con đường ấy được nhập lại và mang tên là đường Gia Long, và từ sau năm 1975 đến nay là đường Lý Tự Trọng.

Đường Pasteur: một phần cũng là kinh đào xưa

Con đường này dài khoảng 1,43km, đi từ đường Bến Chương Dương tới đường Trần Quốc Toản bây giờ.

Ngày xưa, đoạn đường từ Bến Chương Dương cho tới đại lộ Lê Lợi bây giờ là một con kinh mà lúc đầu người Pháp cho đào để tiêu nước úng và lấy đất đắp nền, gọi là kinh Olivier, nối kinh Gallimard (nay là đại lộ Lê Lợi) với rạch Bến Nghé. Hai con đường dọc theo hai bên bờ con kinh này mang tên là đường số 24. Đến năm 1865, con đường bên bờ phải được đổi tên là đường Olivier, con đường bên bờ trái là đường Pellerin.

Khi người ta lấp con kinh này vào năm 1870 để làm thành một con đường mới thì chỉ giữ lại tên đường Pellerin, lúc ấy chỉ kéo dài từ rạch Bến Nghé tới đường Bonard (nay là đại lộ Lê Lợi), về sau mới được kéo dài như chúng ta thấy ngày nay.

Từ năm 1955, đường này mang tên là đường Pasteur, năm 1975 đổi thành đường Nguyễn Thị Minh Khai, nhưng từ năm 1991 đổi lại thành đường Pasteur cho đến nay.

Đường Công Lý: mang số cuối cùng trong 26 con đường đầu tiên thời Pháp thuộc.

Hồi đầu thời Pháp thuộc, con đường này mang tên là đường số 26, năm 1865 được đổi thành đường Impératrice (nghĩa là đường Nữ Hoàng), năm 1870 lúc đầu định đặt tên là Rue de France, nhưng cuối cùng quyết định đặt tên là Mac – Mahon.

Năm 1945, đoạn từ đường Lý Tự Trọng đến cầu Công Lý được gọi là đường Général de Gaulle; năm 1952, đoạn từ đường Lý Tự Trọng đến Bến Chương Dương được đặt là đường Maréchal De Lattre de Tassigny. Đến tháng 3 – 1955, nhập hai đoạn lại thành đường Công Lý (còn đoạn từ Công Lý tới sân bay Tân Sơn Nhứt gọi là Công Lý nối dài); đến tháng 5 – 1955, đoạn từ cầu Công Lý tới sân bay Tân Sơn Nhứt được đặt là đường Ngô Đình Khôi và sau năm 1963 đổi thành đường Cách Mạng 1 – 11.

Năm 1975, hai đường Cách Mạng 1 – 11 và đường Công Lý được nhập lại và trở thành đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Đến năm 1985, đoạn từ cầu Công Lý tới đường Hoàng Văn Thụ được đặt tên là đường Nguyễn Văn Trỗi, đoạn còn lại vẫn giữ tên là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Đường Nguyễn Trãi: con đường cái quan

Hiện nay, đường Nguyễn Trãi nối từ Ngã Sáu Phù Đổng Thiên Vương đến đường Nguyễn Thị Nhỏ ở quận 5.

Đường Nguyễn Trãi nối liền với đường Lý Tự Trọng ngày nay có thể coi là vết tích của con đường cái quan (còn gọi là quan lộ hay đường thiên lý) ngày xưa đi xuyên qua thành Bát Quái, ở phía đông nối với con đường cái quan đi ra miền Trung và miền Bắc, ở phía tây nối với đường cái quan đi về hướng miền tây Nam Bộ (có thể thấy rõ con đường cái quan này trên bản đồ mà Trần Văn Học vẽ năm 1815).

Trịnh Hoài Đức viết về đường cái quan đi ra miền Trung và miền bắc như sau: “Bên trái là đường cái quan từ cửa Chấn Hanh (cửa thành Bát Quái – nằm ở khoảng ngã ba đường Lý Tự Trọng và đường Đinh Tiên Hoàng bây giờ) qua cầu Hoà Mỹ đến sông Bình Đồng tới trấn Biên Hoà”. Còn đường cái quan ở đầu kia đi về hướng miền tây Nam Bộ thì được Nguyễn Đình Đầu diễn đạt lại lời mô tả của Trịnh Hoài Đức bằng cách đối chiếu với những địa điểm ngày nay như sau: “Đầu trung hưng năm Canh Tuất (1790) đã đắp sửa quan lộ phía hữu, khởi từ cửa Tốn Thuận rẽ qua chùa Kim Chương (đường Nguyễn Trãi), phố Sài Gòn (Chợ Lớn hiện nay) đến cầu Bình An, qua gò chùa Đồng Tuyên đến bến đò Thủ Đoàn sông Cửa An ( Vàm Cỏ Đông) qua sông Hưng Hoà (Vàm Cỏ Tây), trải gò Trấn Định qua gò Triệu Phụ (quốc lộ 4 cũ). Chỗ cong queo thì làm thẳng lại, tu chỉnh cả cầu cổng ghe đò cho đường đi thuận tiện.” Cửa Tốn Thuận của thành Bát Quái nằm ở khoảng ngã tư đường Lý Tự Trọng và đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa bây giờ.

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng ngày xưa đường Nguyễn Trãi liền mạch với đường Lý Tự Trọng để nối với con đường cái quan ở cả hai phía đông (đi ra miền Trung và miền Bắc) và phía tây (đi xuống miền Tây Nam Bộ). Cho đến năm 1868, người Pháp chưa đặt tên con đường này mà chỉ gọi đây là “la route de Cho – Lon”, tức là đường vào Chợ Lớn. Có lẽ đến khoảng thập niên 1870 họ mới gọi đây là route haute (đường Trên), đối ứng với route basse (đường Dưới, nay là Bến Chương Dương) cũng là đường đi vào Chợ Lớn.

Ngày xưa, trước khi Pháp vào, một đoạn đường này (quãng gần ngã tư với đường Cống Quỳnh) được người dân quen gọi là “đường Nước Nhi”, như đã nhắc đến trong bài “Cổ Gia Định phong cảnh vịnh” vào đầu thế kỷ XIX:

“Đường nước Nhỉ chảy tiu tiu
Người thương khách lại qua hóng mát”

Trương Vĩnh Ký kể lại rằng đi từ đường Thuận Kiều (nay là Cách Mạng Tháng Tám) xuôi xuống, “trước khi tới sở nuôi ngựa (harras), Đồng Mả Nguỵ đổ nước về con rạch chảy qua đằng sau toà nhà Blancsubé, đến nỗi mà đoạn đường này luôn luôn bị ẩm ướt, và vì thế mà “người ta gọi đây là Nước Nhĩ. Trương Vĩnh Ký không ghi rõ đây là đường nào, Vương Hồng Sến cũng thắc mắc và tự hỏi phải chăng “đường Nước Nhỉ” là đường Cống Quỳnh.

Có thể đó không phải là đường Cống Quỳnh, mà chính là con đường Trên đi từ Sài Gòn vào Chợ Lớn, tức là đường Nguyễn Trãi bây giờ. Bởi lẽ ngay trước đoạn vừa trích dẫn trên, Trương Vĩnh Ký có nói rằng “đi từ đầu đường Thuận Kiều cho tới sở nuôi ngựa, người thấy có chợ Điều Khiển”, tức là đi từ đường Cách Mạng Tháng Tám chỗ ngã sáu Phù Đổng ngày nay, dọc theo đường Nguyễn Trãi, người ta sẽ thấy có chợ Điều Khiển (nằm gần đường Nguyễn Trãi, cụ thể là nằm trên đường Nam Quốc Cang). Sau đó, ông đề cập tới đoạn “đường Nước Nhi” và nói tiếp rằng “[đứng] ở sở nuôi ngựa, người ta nhìn thấy chùa Kim Chương” – mà chùa Kim Chương thì cũng nằm gần ngã tư đường Nguyễn Trãi và Cống Quỳnh, theo Nguyễn Đình Đầu. Vả lại, trong bản ghi chép bài “Cổ Gia Định phong cảnh vịnh” nói trên, chính Trương Vĩnh Ký cũng ghi trong chú thích rằng “đường Nước Nhi là khúc đường Chợ Lớn ra Bến Thành”.

Trong bài “Souvernirs historiques sur Saigon et ses environs” (1885), Trương Vĩnh Ký kể lại rằng khi chỉnh trang đường sá, chính quyền Pháp đã cho giữ nguyên hướng đi của “con đường nổi danh” này mà họ gọi là route houte, nhưng cho mở rộng ra và lát đá mặt đường. Đường này được đánh giá là “một con lộ thương mại có tầm quan trọng hàng đầu” ( une voie commerciale de premier importance) nối Sài Gòn với Chợ Lớn.

Con đường Nguyễn Trãi ngày xưa chia làm hai đoạn. Đoạn đầu: đoạn từ Ngã Sáu Phù Đổng đến đường Nancy (đường Cộng Hòa nay là Nguyễn Văn Cừ) gọi là route haute (đường Trên) vào thời Pháp thuộc, đến năm 1922 đổi tên thành đường Frere Louis, rồi năm 1955 trở thành đường Võ Tánh.

Đoạn cuối: đoạn từ đường Ngô Quyền tới đường Nguyễn Thị Nhỏ (ở Quận 5 bây giờ) ngay từ thời xưa (trong nửa cuối thế kỷ XIX) đã gọi là đường Cây Mai, mãi đến năm 1952 mới đổi thành đường Hartmann. Đoạn từ đường Nguyễn Văn Cừ đến đường Ngô Quyền được làm vào thập niên 1910 và vào năm 1922 được đặt tên là Marechal Joffre, đến năm 1950 được gọi là đường Quang Trung. Sau đó, hai đường Hartmann và Quang Trung được sáp nhập lại thành một đường gọi là đường Quang Trung. Năm 1955, đường Quang Trung này trở thành đường Nguyễn Trãi.

Kể từ cuối năm 1975, hai đoạn đường trên đây (tức đường Võ Tánh và đường Nguyễn Trãi) được nhập lại làm một và mang tên là đường Nguyễn Trãi.

Đại lộ Trần Hưng Đạo: nối Sài Gòn với Chợ Lớn từ năm 1916

Vào ngày 19-10-1904, viên đốc lý (Maire, tức thị trưởng) của Chợ Lớn nhờ thống đốc Nam Kỳ hỏi đốc lý Sài Gòn xem Hội đồng thành phố Sài Gòn có đồng ý cho kéo dài đại lộ Bonard (nay là Lê Lợi) để nối liền với đường Thuỷ binh (rue dé Marins) hay không, bởi lẽ lúc đó những bãi đầm lầy lớn còn án ngữ ở khu vực ngăn cách giữa Sài Gòn với Chợ Lớn (Vương Hồng Sến gọi khu đầm lầy này “bưng nước đọng”). Lời đề nghị này lúc thì được Hội đồng thành phố Sài Gòn chấp thuận, lúc thì bị bác bỏ (leterite) gồ ghề nối hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn, mang tên là đường Gallieni (tên của một viên tướng Pháp). Đến năm 1928, con đường này mới được chỉnh trang, rộng từ 15 tới 20 mét, rải đá granit và trải nhựa. Kể từ năm 1955 đến nay mang tên là đại lộ Trần Hưng Đạo.

Đại lộ Galliéni năm 1931

Vương Hồng Sến, một học giả sống ở Sài Gòn từ năm 1919, đã mô tả con đường này vào thời ấy như sau: “Hai bên đường còn nhiều thửa ruộng hoang vu, chiều chiều trời gần mưa, tiếng dễ, tiếng ảnh ương (tức ễnh ương) ri rít huềnh hoang, khó biết đấy là trung tâm đô thành hoa lệ, Nhà lụp xụp không hàng lối, mái lá mái tôn, dân lao động chen chúc, gái ăn sương đủ hạng. […] Đầu năm 1929 có đèn điện giăng giữa chia con đường làm hai chiều lên xuống. Đường xe điện đặt trung tâm đại lộ, đến giữa năm 1953 mãn hạn giao kèo khai thác mới chịu dẹp”.

Biên soạn theo sách Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu (Trần Hữu Quang)

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận