Hoàn cảnh sáng tác “Qua Cơn Mê” của 2 nhạc sĩ Nhật Ngân – Trần Trịnh: “Một mai qua cơn mê, xa cuộc đời bềnh bồng…”

Khi hiệp định Paris đang được đàm phán vào đầu thập niên 1970, niềm tin tưởng về một ngày thanh bình đang đến rất gần trên quê hương, nhiều nhạc sĩ nhạc vàng đã sáng tác nhiều bài hát nhân dịp này như là cách để cổ vũ hòa bình. Nhạc sĩ Thông Đạt có Tình Em Biển Rộng Sông Dài, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng có Hòa Bình Ơi Việt Nam Ơi, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ có Rạng Đông Trên Quê Hương Việt Nam, Thương Quá Việt Nam, còn nhạc sĩ Nhật Ngân có Ngày Đá Đơm BôngQua Cơn Mê.

Bài hát Qua Cơn Mê được nhạc sĩ Nhật Ngân viết chung với Trần Trịnh trong nhóm sáng tác Trịnh Lâm Ngân, lúc sinh thời ông đã chia sẻ về bài hát này như sau:

“Tôi cũng như mọi người ở Việt Nam, tôi nghĩ là khi mà hòa bình đến thì mình coi như qua một cơn mê, mình trở về đi học lại, mình làm mọi thứ của tuổi trẻ mình không làm được vì phải nhập ngũ”.


Click để nghe Khánh Ly hát Qua Cơn Mê trước 1975

Bài hát chan chứa những tâm tư, tình cảm rất đẹp đẽ của một người luôn mang mong ước quê hương sẽ nhanh đi qua được cơn ly loạn, binh đao. Dù đề cập đến một vấn đề lớn lao liên quan đến vận mệnh của quốc gia dân tộc, nhưng bài hát không phải là lời sáo rỗng hoặc đao to búa lớn, không có sự thù hằn, mà được thể hiện bằng những câu chữ thật, bình dị, gần gũi ở trên nền của giai điệu thật êm đềm. Tất cả điều đó đã hình thành nên một bài hát dễ đi vào lòng người và sống mãi dù đã qua bao nhiêu năm tháng thăng trầm:

Một mai qua cơn mê, xa cuộc đời bềnh bồng, tôi lại về bên em
Ngày gió mưa không còn nên đường dài thật dài
Ta mặc tình rong chơi
Cùng nhau ta sẽ đi, sẽ thăm bao nơi xưa, xui một thuở lênh đênh
Ta sẽ thăm từng người, sẽ đi thăm từng đường, sẽ vô thăm từng nhà

Mở đầu bài hát là niềm mơ về “một mai”, nghĩa là mong ước về tương lai, khi quê hương đã thanh bình, nhân vật trong bài hát sẽ trong vai một cựu binh được trở về, được rũ bỏ những cơn mê hãi hùng, xa khỏi cuộc đời bềnh bồng để về lại bên người yêu, người vợ hiền. Những ngày tháng tăm tối điêu tàn đổ nát sẽ chỉ là những cơn mê lùi sâu vào dĩ vãng, qua đi hết tất cả những ngày gió mưa lạnh lẽo miền biên địa, nên quãng đường phía sau đó sẽ là con đường hạnh phúc trải dài để cuộc tình mặc sức rong chơi. Cùng nhau ta sẽ đi trên con đường đó, sẽ về lại bao nơi xưa, thăm từng người, từng đường, và sẽ vô thăm từng nhà. Đó thật là niềm hạnh phúc vô bờ trong mong ước giản dị nhưng chan chứa đầy ắp tình người.

Tình người sau cơn mê vẫn xanh
Dù bao tháng năm đau thương dập vùi
Trường quen vắng bóng mai ta lại về
Cùng theo lũ em học hành như xưa.

Sau những năm tháng triền miên khói lửa, đau thương dập vùi làm tâm hồn con người cằn cỗi, khô khan, nếu rũ bỏ được cơn mê để trở lại quê hương ngày thanh bình, được tắm mát trong con suối tình quê, tình yêu, khi đó tình người sẽ được tươi xanh trở lại, tâm hồn như là được sống lại một lần trẻ thơ nữa để cùng theo lũ em học hành như xưa. Đó là ước mơ đơn sơ mà tuyệt đẹp của cậu trò năm xưa, xa bạn xa thầy mà lòng vẫn không nguôi nhớ tiếc về tháng năm yên bình dưới mái trường thân yêu.

Rồi đây qua cơn mê, sông cạn lại thành giòng xuôi về ngọt quê hương
Ngày đó tay em dài vun cuộc tình thật đầy, mơ toàn truyện trên mây
Còn tôi như cánh chim sẽ bay đi muôn phương mang về mầm xanh tươi
Khi lá hoa thật nhiều, trái yêu thương đầy cành hái đem cho mọi người

Ở cuối bài hát, vẫn lại là một niềm mơ trong tương lai, đó là “rồi đây qua cơn mê”. Chỉ là sự mong ước chưa hiện hữu, nhưng cảm giác được thấy hòa bình đã rất cận kề, khi đó thì sông cạn sẽ lại thành giòng. Trong những điêu tàn lửa binh khủng khiếp thì sông cũng cạn khô, “cơn mê” như là cơn hạn hán làm khô héo vạn vật, và khi qua được cơn mê rồi thì sông lại thành giòng tươi mát, đem phù sa về ngọt ngào bồi đắp quê hương.

Khi ngày đó sẽ đến, thì “tay em dài vun cuộc tình thật đầy”. Tay em không còn là “vòng tay chờ đợi” sau năm tháng dài mòn mỏi nữa, mà sẽ dài thêm những yêu thương để vun đắp cho cuộc tình từ lâu đã quạnh hiu bởi tháng ngày xa cách. Những thương đau bao ngày qua sẽ được xếp lại, nhường lại cho toàn là những ước mơ đẹp đẽ thần tiên về tương lai tươi sáng huy hoàng.

“Còn tôi như cánh chim sẽ bay đi muôn phương mang về mầm xanh tươi” là ước mơ đẹp và đầy tính nhân bản. Khi thanh bình trở lại, người muốn sẽ như là cánh chim muôn phương mang về những mầm xanh tươi gieo lên những hạnh phúc cho đời. Hạnh phúc đó không phải giữ riêng cho mình, mà được nhân rộng lan tỏa yêu thương: Khi lá hoa thật nhiều, trái yêu thương đầy cành hái đem cho mọi người…

Bài hát Qua Cơn Mê đã có một thời gian dài 36 năm bị cấm lưu hành trên quê hương. Nhưng những giá trị nhân văn, nhân bản của bài hát là không ai có thể phủ nhận, nên bài hát vẫn nhận được yêu thương, yêu mến từ hàng triệu người yêu thích dòng nhạc vàng qua nhiều thế hệ. Cho đến năm 2011, bài hát mới được cấp phép trở lại để được hát trong nước một cách hợp pháp, khi đó thì Qua Cơn Mê của Trịnh Lâm Ngân mới chính thức qua được cơn mê dài của chính bản thân bài hát.

Nhắc đến nhạc của Trịnh Lâm Ngân, người ta thường nhắc đến ca nhạc sĩ Duy Khánh. Và bài Qua Cơn Mê cũng được ông hát rất thành công cả trước và sau năm 1975.


Click để nghe Duy Khánh hát Qua Cơn Mê trước 1975


Click để nghe Duy Khánh hát Qua Cơn Mê sau 1975

Nhạc sĩ Nhật Ngân và Duy Khánh


Click để nghe Băng Châu hát Qua Cơn Mê trước 1975

Đôi nét về 2 tác giả Trần Trịnh và Nhật Ngân – đồng sáng tác ca khúc Qua Cơn Mê. Hai nhạc sĩ này chơi thân với nhau và cùng nhau sáng tác với bút danh nổi tiếng Trịnh Lâm Ngân, ký tên trong nhiều ca khúc nổi tiếng như Xuân Này Con Không Về, Mùa Xuân Của Mẹ, Yêu Một Mình, Hồn Trinh Nữ, Lính Xa Nhà, Người Tình Và Quê Hương, Thư Xuân Trên Rừng Cao, Tâm Sự Người Hát Bài Quê Hương, Hát Cho Mai Sau, Chiều Qua Phà Hậu Giang… Tuy nhiên, khác với những ca khúc này, Qua Cơn Mê không được ký tên là Trịnh Lâm Ngân, mà ghi rõ tên 2 nhạc sĩ là Trần Trịnh – Nhật Ngân khi phát hành tờ nhạc.

Cái tên Trịnh – Lâm – Ngân được ghép từ 3 cái tên Trần Trịnh, Lâm Đệ và Nhật Ngân.

Trong 3 cái tên này thì chỉ có Trần Trịnh và Nhật Ngân cùng nhau hợp tác viết nhạc, còn Lâm Đệ là người vô danh. Sau này, trên Paris By Night, nhạc sĩ Nhật Ngân kể lại rằng Lâm Đệ là con trai của chủ hãng đĩa Sóng Nhạc, chỉ đánh đàn chứ không biết sáng tác.

Chủ của hãng đĩa Asia Sóng Nhạc vào thời điểm đó là ông Nguyễn Tất Oanh, và khi người viết gặp cô Hồng (vợ của nhạc sĩ Hoàng Trang), là con gái của ông Nguyễn Tất Oanh, thì cô Hồng cho biết ông Lâm Đệ không phải là con trai của ông chủ hãng Sóng Nhạc như lời nhạc sĩ Nhật Ngân đã kể, mà đó chỉ là sự hiểu lầm trong cách xưng hô, dẫn đến sự ngộ nhận của chính nhạc sĩ Nhật Ngân. Kể từ sau đó, 2 nhạc sĩ Trần Trịnh và Nhật Ngân hợp tác cùng nhau để viết nhạc, chứ không liên quan gì đến cái tên Lâm Đệ.

Ngoài viết nhạc chung với nhạc sĩ Trần Trịnh, nhạc sĩ Nhật Ngân (tên thật là Trần Nhật Ngân) còn kết hợp với nhạc sĩ Mặc Thế Nhân (tên thật là Phan Công Thiệt) cùng hợp soạn những bài nhạc vàng nổi tiếng Cho Vừa Lòng Em, Một Lần Dang Dở, Cho Người Vào Cuộc Chiến, ký bút danh là Phan Trần (ghép từ họ của 2 nhạc sĩ).

Nhạc sĩ Nhật Ngân và Mặc Thế Nhân (ghép chung thành Phan Trần)

Ông còn sáng tác chung với nhiều nhạc sĩ khác, như với Loan Thảo bài Ngày Đá Đơm Bông, với Duy Trung bài Bài Hát Cho Người Kỹ Nữ, với Đinh Việt Lang bài Ngày Vui Qua Mau, với Cao Văn Lý bài Trách Ai Vô Tình…

Ngoài ra, những ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Nhật Ngân khi sáng tác riêng là Cám Ơn, Một Mai Giã Từ νũ κhí, Lời Đắng Cho Cuộc Tình, Đêm Nay Ai Đưa Em Về, Tôi Đưa Em Sang Sông…

Không chỉ sáng tác nhiều trước 1975, mà cho đến sau này, cùng với Anh Bằng, Lam Phương… nhạc sĩ Nhật Ngân là 1 số ít nhạc sĩ trước 1975 vẫn giữ được sức sáng tác bền bỉ sau năm 1975 tại hải ngoại. Những sáng tác tiêu biểu của ông trong thời gian này là Gửi Người Về Cát Bụi, Người Lính Già Xa Quê Hương, Chiều Qua Phà Hậu Giang… cùng rất nhiều bài hát dịch lời Việt cho nhạc ngoại như Mưa Trên Biển Vắng, Những Lời Dối Gian, Bến Thượng Hải, Một Kiếp Phong Ba, Tình Nhạt Phai, Xa Em Kỷ Niệm, Xin Thời Gian Ngừng Trôi, 999 Đóa Hồng…

Về nhạc sĩ Trần Trịnh, ông là tác giả của bài hát nổi tiếng Lệ Đá (thơ Hà Huyền Chi), đồng là một nhạc công gắn bó với nhiều vũ trường và phòng trà Sài Gòn, là người đã dìu dắt ca sĩ Mai Lệ Huyền kể từ khi vẫn còn là một cô nữ sinh tỉnh lẻ trở thành nữ hoàng kích động nhạc rất được yêu mến cho đến ngày nay.

Số lượng sáng tác của nhạc sĩ Trần Trịnh tuy khiêm tốn những tất cả đều nổi tiếng và để lại nhiều ấn tượng trong lòng công chúng yêu nhạc.

Bài: Đông Kha
chuyenxua.net

Viết một bình luận