Hoàn cảnh sáng tác những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Hoài Linh: Nỗi Buồn Gác Trọ, Chuyến Tàu Hoàng Hôn, Căn Nhà Màu Tím…

Nhạc sĩ Hoài Linh là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của dòng nhạc vàng với nhiều bài hát bất tử. Ngoài những bài được sáng tác riêng như Căn Nhà Màu Tím, Áo Em Chưa Mặc Một Lần, Nhịp Cầu Tri Âm, Lính Nghĩ Gì, Cô Bé Ngày Xưa, Hai Đứa Giận Nhau… ông còn nổi tiếng với việc đặt lời hát cho nhạc của người khác như Biệt Kinh Kỳ, Về Đâu Mái Tóc Người Thương, Chuyến Tàu Hoàng Hôn, Sầu Tím Thiệp Hồng…

Những sáng tác của nhạc sĩ Hoài Linh không chỉ hấp dẫn khán giả bởi giai điệu lãng mạn mà lời ca cũng đầy ý nghĩa, sâu sắc. Vì vậy, nhạc sĩ Hoài Linh nổi tiếng là nhạc sĩ có tài đặt tựa bài hát và viết lời ca khúc hay nhất lúc bấy giờ. Lời ca của Hoài Linh được đánh giá là bay bổng, có vần có điệu. Mỗi lần soạn nhạc, ông viết ra giấy cả một lô danh từ hay tính từ cùng vần với câu trên để ông để lựa chọn. Nhiều nhạc sĩ đã nhờ ông viết lời nhạc của mình như Minh Kỳ, Tuấn Khanh, Song Ngọc, Mạnh Phát, Nguyễn Hiền…

Nếu so về tuổi đời, nhạc sĩ Hoài Linh (sinh năm 1925) cùng thời với những nhạc sĩ được xếp vào thể loại nhạc tiền chiến như Nguyễn Văn Tý (1925), Đoàn Chuẩn (1924), Hoàng Giác (1924)… nên dù sáng tác sau, nhạc của Hoài Linh vẫn còn phảng phất nét nhạc thời tiền chiến: Rất lãng mạn, thơ mộng, bay bổng, ca khúc thường có ca từ đẹp và vần điệu như một bài thơ.

Trong hài viết này, xin giới thiệu với bạn đọc hoàn cảnh sáng tác 1 số bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Hoài Linh, trong tổng số vài chục ca khúc bất hủ được người yêu nhạc biết đến suốt nhiều năm qua.

Đã gần 60 năm đã trôi qua, bài hát Chuyến Tàu Hoàng Hôn (một sáng tác chung của nhạc sĩ Hoài Linh cùng với nhạc sĩ Minh Kỳ) đã được rất nhiều ca sĩ của nhiều thế hệ trình bày, nhưng người ta vẫn ấn tượng nhất với người ca sĩ đầu tiên hát bài này là danh ca nhạc vàng Hoàng Oanh, với bản thu trong Dĩa Hát Việt Nam và phần hòa âm tuyệt vời của nhạc sư Nghiêm Phú Phi. Một điều đặc biệt là trong bản thu đầu tiên của Chuyến Tàu Hoàng Hôn, nữ ca sĩ Hoàng Oanh chọn hát lời 2, chứ không phải là phần lời 1 vốn quen thuộc hơn. Mời bạn nghe sau đây:


Click để nghe Hoàng Oanh hát Chuyến Tàu Hoàng Hôn phiên bản đầu tiên năm 1963

Ca sĩ Hoàng Oanh đã kể lại hoàn cảnh sáng tác Chuyền Tàu Hoàng Hôn như sau:

“Mùa hè năm 1962, nhạc phẩm Chuyến Tàu Hoàng Hôn ra đời trong một ngày mưa đầu mùa ly biệt. Nhạc sĩ Minh Kỳ là người đặt nhạc và khi hoàn tất, ông đã mang bản nhạc đến nhờ nhạc sĩ Hoài Linh đặt lời. Bản nhạc được viết tại Thị Nghè giữa năm 1962 và ngay sau đó đã được Nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam (của nhạc sĩ Lê Mộng Bảo) ấn hành và tái bản nhiều lần trong suốt những năm của thập niên 60”.

Bài hát Chuyến Tàu Hoàng Hôn viết về cuộc chia ly rất buồn giữa hai người vào một buổi chiều hoàng hôn xế bóng:

Chiều nao, tiễn nhau đi khi bóng ngả xế tà
Hoàng hôn đến đâu đây màu tím dâng trong hồn ta
Muốn không gian đừng tan, níu đôi chân thời gian
Ngừng trôi cho giây phút chia ly này kéo dài,
Trước khi phân kỳ, ước sao cho tàu đừng đi.

Xe lăn êm êm lúc ga chiều sắp lên đèn
mưa thu bay bay sắt se lòng ướt vai mềm
Hoàng hôn dần xuống
mà ai còn đứng nghiêng trong chiều sương xuống…

Vào một buổi cuối ngày ở trên sân ga sầu vắng, có một đôi người lưu luyến phút chia ly. Cả không gian và thời gian đó đều là những thứ gợi buồn, làm cho buổi chia ly này không thể nào bi thiết hơn nữa.

Không chỉ có vậy, giữa không gian mang mang nỗi buồn đó lại có thêm “mưa thu bay bay” làm mờ khuất lối đôi tình nhân. Người trên tàu nhìn bóng người yêu qua khung kính cửa sổ nhạt nhoà mưa giăng, còn người ở lại thì chơ vơ nhỏ bé giữa sân ga buồn đã sắp lên đèn.


Click để nghe Hoàng Oanh hát Chuyến Tàu Hoàng Hôn sau 1975

Tâm tư cô đơn trách con tàu nỡ sao đành
Đem yêu thương đi đến nơi nào cách đôi tình.
Đường bao nhịp nối
Tình trăm nghìn mối hướng theo một bóng người.

Khi bóng toa tàu cuối cùng dần khuất trong màn sương thì cũng là lúc niềm cô đơn phủ ngập hết cả không gian. Đường đời có bao nhịp nối, tình thì cũng có trăm nghìn mối, nhưng tình thủy chung của cô gái chỉ hướng theo duy nhất bóng người thương đã khuất theo cùng với con tàu về nơi xa xăm.

Tà dương khuất trong sương là mỗi lần ngóng chờ.
Nhìn theo phía chân mây đợi chuyến xe xưa về chưa.
Nếu hay chăng người ơi, chốn xa xôi chàng trai
còn đem yêu thương rắc lên muôn vạn oán hờn.
Nếu mai đây về, cũng trên chuyến tàu hoàng hôn.

Người đi về nơi xa, nàng ở phương cũ vẫn ngóng đợi vào những buổi chiều khi tà dương bắt đầu xuống và mờ khuất trong sương. Bao nhiêu buổi chiều hoàng hôn như vậy đã đi qua nhưng bóng chàng thì vẫn xa tít mù khơi, và chuyến tàu hoàng hôn của năm xưa vẫn chưa thể trở về.

Câu hát: “Chốn xa xôi chàng trai còn đem yêu thương rắc lên muôn vạn oán hờn” là những lời ca tuyệt mỹ nhất để nhắc đến một người chinh nhân, đã cho thấy được tài năng viết lời nhạc của nhạc sĩ Hoài Linh là danh bất hư truyền. Chi tiết đó được nhắc đến cụ thể hơn trong phần lời 2 của bài hát, vốn có rất ít người hát:

Chiều nay chuyến xe đi khi bóng ngả xế tà.
Nhịp xe lướt nhanh nhanh dồn khúc vang quân hành ca.
Nhắn em ơi đừng thương, chí trai anh ngàn phương.
Về đi sao cho thắm nương dâu, đẹp mảnh vườn.
Đến mai anh về giữ sao cho vẹn niềm thương.

Xe lăn êm êm lúc ga chiều sắp lên đèn.
Mưa Thu bay bay vắt ngang trời ướt vai mềm.
Hoàng hôn dần xuống,
người trai vì nước đi xây tình quê hương.

Tâm tư bâng khuâng hướng theo người đến xa vời.
Mong cho mai sau khúc thanh bình hát vang lời.
Tình ta lại nối và tươi đẹp mãi như trăng rằm giữa trời.

Người ơi, chí nam nhi khi đã gửi sa trường
thì xin phút chia ly này hãy quên đi sầu thương.
Đến mai đây mùa thương, nở hoa trên ngàn phương
là khi đôi tim sẽ vui chung nhịp nỗi niềm.
Ánh trăng chan hòa chiếu riêng cho mình và ta.

Năm 2016, khi trung tâm Thúy Nga thực hiện chương trình Paris By Night 119 Nhạc Vàng Muôn Thuở và mời Hoàng Oanh hát lại một nhạc phẩm mang nhiều kỷ niệm nhất, và cô đã chọn hát lại Chuyến Tàu Hoàng Hôn, lồng ghép cả lời 1 và 2, phần phần mở đầu là ngâm những câu đầu trong bài thơ nổi tiếng của thi sĩ Nguyễn Bính: Những Bóng Người Trên Sân Ga. Mời các bạn nghe lại sau đây:


Click để nghe Hoàng Oanh hát Chuyến Tàu Hoàng Hôn năm 2016

Một ca khúc khác cũng được nhạc sĩ Hoài Linh viết lời và là một trong những bài nổi tiếng nhất của nhạc vàng, đó là Nỗi Buồn Gác Trọ, phần nhạc của nhạc sĩ Mạnh Phát sáng tác.

Đây chính là ca khúc đầu tiên làm nên tên tuổi của danh ca Phương Dung từ đầu thập niên 1960, cô đã hát Nỗi Buồn Gác Trọ ở các phòng trà, trước khi nhạc phẩm này được đưa vào phim Saigon By Night của hãng phim Alpha năm 1962. Khi bài hát được thu âm vào dĩa nhựa năm 1964 và phát đi phát lại trên đài phát thanh, nó đã trở thành một hiện tượng ở khắp miền Nam, bay cao cùng với tên tuổi của ca sĩ Phương Dung.

Về hoàn cảnh sáng tác và nội dung của bài hát Nỗi Buồn Gác Trọ, theo ca sĩ Phương Dung, nhạc sĩ Mạnh Phát có quen biết một anh sinh viên nghèo, ở trọ trong một căn gác nhỏ. Mỗi mùa trôi qua, chàng sinh viên lại thấy một người thiếu nữ trong xóm trọ đi lấy chồng. Dù anh có thầm thương trộm nhớ cô gái nào thì tình cảm đó cũng không thành hoặc chưa kịp thổ lộ thì họ đã lên xe hoa (mỗi mùa tiễn đưa một người…). Nhạc sĩ Mạnh Phát thấu hiểu tâm trạng của chàng thanh niên đó nên tức cảnh sáng tác nên ca khúc Nỗi Buồn Gác Trọ (viết chung với nhạc sĩ Hoài Linh).

Nhạc phẩm này không phải là chuyện tình của chính tác giả, chỉ là viết hộ cho nỗi lòng của người khác, mà cũng làm lay động lòng khán giả yêu nhạc nhiều thế hệ trong suốt gần 60 năm qua. Vậy mới biết là tâm hồn người nhạc sĩ luôn nhạy cảm nhạy bén trước chuyện đời, không chỉ thể hiện tình cảm riêng tư của mình vào tác phẩm, mà còn đem nỗi buồn của thế nhân để sáng tác ra những ca khúc tình yêu để đời.

Gác lạnh về khuya cơn gió lùa.
Trăng gầy nghiêng bóng cài song thưa.
Nhớ ai mà ánh đèn hiu hắt,
Lá vàng nhè nhẹ đưa tưởng như bước lê hè phố.

Có người con gái buông tóc thề.
Thu về e ấp chuyện vu quy
Kết lên tà áo màu hoa cưới,
Gác trọ buồn đơn côi phố nhỏ vắng thêm một người.

Bâng khuâng gác vắng khêu tim đèn đêm,
Nhớ nhung đi vào quên.
Sông sâu cố nhân ơi đi về đâu?
Gửi hồn chìm vào đôi mắt.
Ái ân chưa tròn để ngàn đời nhớ nhau.

Phố nhỏ đường mưa trơn lối về.
Dâng sầu nhân thế đọng trên mi.
Có ai ngồi đếm mùa nhung nhớ,
Nỗi niềm đầy lại vơi.
Mỗi mùa tiễn đưa một người.

Căn gác là nơi của những người nghèo ở, và nhiều nhạc sĩ thường chọn nơi đây để lồng vào tác phẩm của mình. Trước đây gác xép thường che bằng ván gỗ đơn sơ, có khi gió len vào kẽ vách nhưng căn gác xép, khi đã đi vào văn chương, đã được tác giả thi vị hóa trở thành một nơi ở tuy nghèo mà lãng mạn nên thơ…

Những cơn gió mỗi khuya lùa về, trăng nghiêng bóng sau cửa sổ, hình ảnh “trăng gầy” rất hợp với tâm tư đơn lẻ một mình lắng nghe tâm sự của mình. Đèn nhớ ai mà hắt hiu vàng vọt nỗi nhớ đơn phương, lạc loài như từng chiếc lá vàng đong đưa mùa Thu những bước âm thầm trên trên hè phố vắng.

Gác lạnh về khuya cơn gió lùa.
Trăng gầy nghiêng bóng cài song thưa.
Nhớ ai mà ánh đèn hiu hắt,
Lá vàng nhè nhẹ đưa tưởng như bước lê hè phố.

Ca từ của bài hát này như một bài thơ buồn sâu lắng, còn bảng lảng hơi sương cổ điển của dòng thơ tiền chiến…

Nếu ca sĩ Phương Dung không cho biết hoàn cảnh xuất xứ khi nhạc sĩ sáng tác bài này, thì chúng ta vẫn cứ nghĩ nhân vật nam trong ca khúc thật đào hoa có lắm người tình, mỗi mùa tiễn đưa một cô. Và bây giờ mới hiểu bài hát này tác giả đã viết hộ cho nỗi lòng của một sinh viên “yêu rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu”. Yêu mà không dám nói, cứ để các cô lần lượt “kết lên tà áo màu hoa cưới”, cho nỗi nhung nhớ của tình yêu đơn phương mỗi mùa càng chồng chất lên thành Nỗi Buồn Gác Trọ.

Tình đơn phương tuy buồn bã nhưng trở nên đẹp lạ thường vì nỗi lòng nhớ nhung chất ngất cho người tình chưa một lần cầm tay. Nét yêu một mình đẹp thầm lặng của rất nhiều mối tình có thật ở những thập niên trước, đã làm cho nhạc sĩ Mạnh Phát và Hoài Linh cảm tác nên Nỗi Buồn Gác Trọ, một ca khúc đã làm cho nhiều lứa tuổi người nghe yêu thích, và đem đến cảm xúc rung động cho những ai đã từng “ngồi đếm mùa nhung nhớ”.

Một ca khúc khác cũng được nhạc sĩ Hoài Linh sáng tác chung với nhạc sĩ khác, đó Quán Nửa Khuya, cùng với nhạc sĩ Tuấn Khanh. Đây là sự hợp tác thú vị, vì trước đó nhạc sĩ Tuấn Khanh nổi tiếng với dòng nhạc âm hưởng tiền chiến mà ông gọi là kiểu nhạc thính phòng, như trong các bài hát Hoa Soan Bên Thềm Cũ, Chiếc Lá Cuối Cùng… còn nhạc sĩ Hoài Linh là một tên tuổi nổi bật của dòng nhạc vàng đại chúng.

Khoảng đầu thập niên 1960, nhạc sĩ Tuấn Khanh làm việc ở đài phát thanh Sài Gòn, phụ trách trông coi về mặt văn nghệ cho các ban nhạc ở bên ngoài vào hát ở đài phát thanh. Tại đây Tuấn Khanh đã quen biết với nhạc sĩ Hoài Linh – một thành viên của ban Vì Dân của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Hai nhạc sĩ đã quyết định hợp tác chung trong một số nhạc phẩm, và đều rất được yêu thích, tiêu biểu đó là Quán Nửa Khuya và Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi. Nhạc sĩ Tuấn Khanh cho biết trong 2 bài hát này, phần nhạc đều hoàn toàn do ông viết, còn nhạc sĩ Hoài Linh thì đóng góp phần lời hát, dựa trên nội dung do ông yêu cầu.

Về nội dung bài hát Quán Nửa Khuya, nhạc sĩ Tuấn Khanh kể rằng khi bắt đầu sáng tác ca khúc này, ông đã nhớ lại một quán cà phê nhỏ ở vùng quê miền Bắc vào khoảng thời gian hơn 10 năm trước đó, lúc ông vẫn còn ở Bắc Phần, nhưng chưa hồi cư về Hà Nội mà vẫn đang ở vùng tản cư.

Nói thêm về vấn đề tản cư và hồi cư của những người dân ở phía Bắc lúc đó. Từ sau cuộc chιến nổ ra năm 1946, dân cư đô thị Hà Nội biến động mạnh khi chιến tranh nổ ra và giảm sút nhanh chóng khi Pháp bắt đầu thiết lập chế độ kiểm soát. Số đông cư dân Hà Nội tản cư ra các vùng xung quanh rất nhiều. Cho đến khi chính phủ Quốc Gia Việt Nam được quốc trưởng Bảo Đại thành lập năm 1948, khi đó mới có các đợt “hồi cư về Hà Nội”. Kể từ đầu năm 1950, trung bình mỗi tháng có 7000 người hồi cư về Hà Nội. Với uy tín ngày càng tăng của chính phủ Quốc Gia Việt Nam, số người hồi cư sau đó đã tăng vọt, trong những người hồi cư về Hà Nội thời điểm đó có nhạc sĩ Tuấn Khanh.

Trở lại với nội dung bài hát Quán Nửa Khuya, nhạc sĩ Tuấn Khanh nói về một quán cà phê nhỏ ở chợ Ô Mễ, nay thuộc tỉnh Thái Bình, mở cửa đến tận 2 giờ sáng, nên gọi là quán nửa khuya. Ông mô tả lại cái quán nhỏ đó để nhạc sĩ Hoài Linh viết lời cho bài hát.

Quán nhỏ này bán cà phê và cháo gà xuyên đêm, với khách quan là nhiều người ở các chiến khu về thăm nhau, kéo nhau ra quán nửa khuya ngồi trò chuyện. Thời điểm đó nếu nói chuyện về tản cư, hồi cư… đều phải giữ kẽ vì sợ tai mách. Ở quán nhỏ giữa khuya này, mọi người được nói năng tự do, không sợ ai nghe lén cả.

Nhớ về kỷ niệm quán nửa khuya, nhớ về quãng thời gian ngày nào cũng đến tận 2 giờ sáng, phải băng qua một cánh đồng đề trở về nhà từ quán nhỏ chợ Ô Mễ, nhạc sĩ Tuấn Khanh đã viết thành một bản nhạc, ông cũng viết luôn 1 câu hát đầu tiên của bài hát, đó là: Quán nửa khuya đèn mờ theo hơi khói… Sau đó ông mô tả lại câu chuyện năm xưa để nhạc sĩ Hoài Linh viết tiếp lời cho bài hát.


Click để nghe Thanh Thúy hát Quán Nửa Khuya trước 1975

Quán nửa khuya đèn mờ theo hơi khói
Trút tâm tư vào đêm vắng canh dài
Quãng đời tôi tàu đêm vắng không người, vẫn lặng trôi

Tôi là người tha hương đi bốn phương
Anh là người quân nhân vui gió sương
Câu chuyện tâm tình vui theo khói bay, tay cầm tay

Nói bạn nghe từ khi say viễn xứ
Gót chân in ngàn muôn lối sông hồ
áo sờn vai tìm đôi mắt u hoài bóng hình ai?

Hoa nào mà không phôi pha sắc hương,
ân tình nào mà không gây vấn vương?
Lê đôi gót trên khắp chốn ngàn phương để tìm thương.

Dĩ vãng tìm đâu thấy, như bóng mây chiều đang lững lờ theo gió bay
Cốt xóa tình xưa ấy
Ngân tiếng tơ chùng để tìm quên hương đắng cay

Muốn nhắn nhủ thời gian
Ai mãi phong trần để đi tìm hương cố nhân
áo trắng màu sương gió
Ngưng gót xuôi ngược để tìm về nơi bến mơ.

Quán nửa khuya bạn tôi chia tay nhé
Nhớ nhau chăng là mỗi lúc đêm về
Siết chặt tay để ghi phút phân kỳ tiễn người đi.

Sa trường anh lại đi vui gió sương
Sông hồ gợi trong tôi bao luyến thương
Tôi ghi nhớ giây phút ấy nào nguôi bạn đường ơi…

Nội dung bài hát là hình ảnh hai người bạn gặp mặt ở trong quán vào lúc nửa khuya để cùng nhau “câu chuyện tâm tình”. Tình bằng hữu của họ rất thân thiết, đến mức “tay cầm tay”, thể hiện trong câu hát: Câu chuyện tâm tình vui theo khói bay, tay cầm tay… Làm cho nhiều người nghe nhạc tưởng rằng 2 nhân vật chính ở đây là 1 nam và 1 nữ. Tuy nhiên nếu để ý cụ thể lời bài hát, thì nhân vật “anh” là một “quân nhân vui gió sương”, còn nhân vật “tôi” là “người tha hương đi bốn phương” và “sông hồ gợi trong tôi bao luyến thương”. Nếu nhân vật “tôi” là nữ thì không thể là người tha hương bốn phương khắp sông hồ được.

Hơn nữa, trong cả hai hình bìa nhạc bài này phát hành trước năm 1975 đều để hình 2 người con trai:

Giải thích cho lý do vì sao không tự viết lời cho nhạc của mình mà phải nhờ nhạc sĩ Hoài Linh, nhạc sĩ Tuấn Khanh cho viết ông chỉ chuyên về dòng nhạc tình âm hưởng Tây phương. Những bài hát có lời ca sâu sắc, được gò từng chữ cẩn thận cho hợp với dòng nhạc. Khi chuyển qua sáng tác thể loại nhạc vàng đại chúng thì ông không chuyên, nên chỉ viết ra phần nhạc, còn phần lời thì nhờ cậy vào nhạc sĩ “nhà nghề” Hoài Linh, nổi tiếng là người viết lời hay nhất trong làng nhạc vàng.

Những người yêu nhạc vàng xưa, có lẽ không ai là không biết đến ca khúc Căn Nhà Màu Tím, được nhạc sĩ Hoài Linh viết dựa theo một căn nhà thực sự ở ngoài đời của ông. Ca từ bài hát này có những câu gây ấn tượng mạnh mẽ với người nghe nhạc:

“Cho anh bông hồng còn thắm, cho anh trái ngọt vườn cấm, và còn cho nữa tiếng ru trẻ thơ.”

“Bóng hồng còn thắm” trong ca khúc nổi tiếng này cũng chính là người vợ yêu thương của nhạc sĩ Hoài Linh. Bài hát được sáng tác năm 1968, cũng là lúc vợ chồng nhạc sĩ Hoài Linh dỡ bỏ căn nhà cũ để xây căn nhà mới 2 tầng khang trang trong một con hẻm nhỏ đường Trương Minh Giảng (nay là Lê Văn Sĩ) sau nhiều năm sáng tác và dành dụm tiền. Vì căn nhà cũ có màu tím và chứa nhiều kỷ niệm tình yêu thuở ban đầu gần 20 năm trước đó, nên nhạc sĩ Hoài Linh đã sáng tác ca khúc mang tên Căn Nhà Màu Tím:

Chiều nhìn qua đầu ngõ,
dâng dâng niềm tưởng nhớ
dáng xinh xinh một người.

Ðược nghỉ năm ngày phép, mất hai hôm làm quen
em mới cho mình biết tên.
Cuộc đời chinh chiến, quanh năm với bưng biền,
thì gót liễu mong manh, làm sao bước song hành
Anh chỉ e ngại, gió lay nụ tầm xuân vừa hé…

Trước 1975, nhạc sĩ Hoài Linh là trung uý cảnh sát làm việc ở đô thành, không phải là lính trận, không phải ngày đêm xuôi ngược hành quân, nhưng ông tưởng tượng ra hoàn cảnh “Cuộc đời chinh chiến, quanh năm với bưng biền…” để đưa vào nhạc. Bưng biền là vùng đầm lầy ngập nước, gợi nhớ đến các nơi chốn rừng thiêng nước độc.

Ở những đơn vị hành quân xa nhà thì việc xin nghỉ phép rất khó khăn, được nghỉ 5 ngày hiếm hoi thì chàng đã mất 3 ngày để làm quen và nàng mới cho biết được tên. Nhưng lại chạnh nghĩ rằng mình là lính xa xôi như vậy, e không xứng để sóng bước song hành cùng với “gót liễu mong manh”…

Ở đoạn nhạc tiếp theo thể hiện nỗi lòng thiếu nữ:

Chiều nào khi về bến, ngang căn nhà màu tím biết anh đang trộm nhìn.
Vào mộng chưa tỏ lối bến mơ đang chờ nơi chưa thấy ai vừa ý thôi.
Cuộc đời con gái, mưa sa giữa lưng trời,
hạt xuống giếng ngậm ngùi, hạt rơi luống hoa cười.
Ai chẳng mong gặp bến trong khỏi hờn duyên má hồng…

Phận người con gái 12 bến nước, như hạt mưa sa, nên đâu có mong ước gì cao sang, chỉ cần gặp “bến trong”, là người tâm đầu ý hợp thì cũng đã toại lòng, đâu cần giàu sang phú quý. Đôi trai gái vừa gặp đã bén duyên:

Đời anh đây đó mười phương,
gặp em anh đã thương, càng thương.
Thương đôi môi đầy nhựa sống.
Thương tia mắt dào dạt sóng.
Tuổi ngọc xuân son, nét ngà khuôn trăng tròn

Tình em cao vút Trường Sơn
gặp anh em ước mong gì hơn.
Cho anh bông hồng còn thắm,
cho anh trái ngọt vườn cấm,
và còn cho nữa tiếng ru trẻ thơ.

Những tâm tư của người con gái thật ý nhị nhưng cũng bản lĩnh, táo bạo:

Cho anh bông hồng còn thắm,
cho anh trái ngọt vườn cấm,
và còn cho nữa tiếng ru trẻ thơ…

Bông hồng còn thắm nghĩa là đây là mối tình đầu vẫn còn trinh nguyên, không những vậy, đó còn là tình cuối, bởi vì sau đó họ trao nhau cả trái ngọt vườn cấm, cả những “tiếng ru trẻ thơ” ngọt ngào. Thật là một cái kết có hậu:

Nẻo đời muôn vạn lối, yêu nhau vì lời nói, mến nhau qua nụ cười.
Dặn dò thêm lần cuối, sách giao cho bầy em, lưu bút ghi vài đứa quen.
Ngày lành hăm sáu, hai mươi chiếc xe màu
chở đám cưới cô dâu cài hoa trắng sang cầu.
Ta nhìn nhau, tia mắt trao một nụ hôn ban đầu.

Bài Căn Nhà Màu Tím có nội dung đơn giản, dung dị, lời ca đẹp và trau chuốt đúng với phong cách của nhạc sĩ Hoài Linh, đã sống mãi cùng thời gian và được nhiều thế hệ khán giả yêu mến cho đến ngày nay.

Trước năm 1975, bản thu âm của đôi song ca Giang Tử – Giáng Thu trong băng Sóng Nhạc 5 gần như đạt đến mức độ hoàn hảo. Giọng hát có phần nũng nịu nhưng cũng thanh thoát của Giáng Thu rất thích hợp với giọng hát ấm áp của cố ca sĩ Giang Tử. Mời bạn nghe lại bản thu âm đã gần 50 năm tuổi này:


Click để nghe Giang Tử – Giáng Thu hát trước năm 1975

Sau 1975, khán giả yêu mến ca khúc này với một đôi song ca khác, đó là 2 ca sĩ huyền thoại Chế Linh và Hương Lan. Mời các bạn nghe lại:


Click để nghe Chế Linh – Hương Lan hát sau 1975

Ngoài sáng tác chung với Minh Kỳ, Tuấn Khanh, nhạc sĩ Hoài Linh còn sáng tác chung nhiều bài nổi tiếng với nhạc sĩ Song Ngọc. Họ đều là những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của dòng nhạc vàng, mỗi người đều có một chỗ đứng riêng biệt với rất nhiều ca khúc đã trở thành bất tử.

Giữa hai nhạc sĩ Hoài Linh và Song Ngọc có một khoảng cách về tuổi tác khá lớn, Hoài Linh (sinh năm 1925) hơn Song Ngọc (sinh năm 1943) đến 18 tuổi, có thể xem là cách nhau cả một thế hệ, nhưng họ lại vô cùng thân thiết và đã cùng nhau sáng tác nhiều bài nhạc vàng nổi tiếng: Chiều Thương Đô Thị, Chúng Mình 3 Đứa, Một Chuyến Bay Đêm, Thiệp Hồng Anh Viết Tên Em, Nó Và Tôi…

Với bài Một Chuyến Bay Đêm, đây không chỉ là một lời bài hát nhạc vàng thuần túy mà nó còn phản phất chất thần thoại Trung Hoa và bàng bạc nhân sinh quan (theo lời của Hoài Nam SBS Úc Châu), đặc biệt là qua câu hát “Đường Minh Đế nhàn dù thăm tinh cầu”.


Click để nghe Thanh Thúy hát Một Chuyến Bay Đêm trước 1975

“Đường Minh Đế” là một tên khác của Đường Minh Hoàng, vị vua vong quốc nổi tiếng của Trung Hoa, u mê vì tình nên dẫn đến loạn An Lộc Sơn.

Câu hát này có nghĩa là người phi công bay giữa bầu trời đêm mà tưởng tượng mình là vị đế vương nhàn du giữa vũ trụ. Có truyền thuyết rằng vua Đường Minh Hoàng đã có cơ hội viếng thăm “cung nguyệt điện” của chị Hằng. Vì thế, người phi công khi bay trên trời vào những đêm đầy sao, đã ví mình như vị vua Đường.

Điều này được chính tác giả Song Ngọc xác nhận trong mặt sau của một tờ nhạc với lá thư ghi tựa đề: Viết cho Hương. Đoạn thư này cũng giải thích toàn bộ ý nghĩa của bài hát Một Chuyến Bay Đêm.

Mời đoạn đọc đoạn thư này dưới đây:

Đêm nay trong chuyến bay độc hành giữa bầu trời lồng lộng, anh cố tìm đôi mắt em ẩn hiện giữa các vì sao. Tiếng động cơ vi vu như một điệu nhạc đưa tiềm thức anh tìm về quá khứ.

Thuở ấy, tuổi thơ trong trắng và mang nhiều mộng đẹp. Nhìn trời cao thăm thẳm nhiều lần anh ước được như cánh diều bay bổng lên không trung để níu áo chị Hằng đang ngồi đan áo cho chú Cuội bên sông Ngân. Chuyện đời ai có thể ngờ Hương nhỉ! Hai mươi năm sau mộng thành sự thật. Bây giờ trong MỘT CHUYẾN BAY ĐÊM nhớ lại dĩ vãng thốt nhiên anh mỉm cười.

Hương ơi! chỉ có những kẻ vào đời với đôi cánh bằng khát gió như chúng anh mới có được tâm trạng đêm đêm “Ta là Đường-Minh-Hoàng vân du nguyệt điện”.

Đêm nay nhớ về gác trọ ngày xưa có đôi mắt đẹp mà cả 3 đứa ưa. Nhớ em cũng nhiều mà thương tụi nó không ít. Không hiểu giờ này chúng nó ở đâu? lênh đênh nơi biển cả hay đang gối súng nơi rừng sâu? Chao ôi là nhớ!

Hương ơi! ghi vội những giòng này giữa lúc mà anh tin chắc rằng nhân loại đang say sưa trong giấc điệp trong đó có Hương và những người thân yêu của anh.

Bình minh đang ló dạng, cho phép anh ngừng bút và hẹn thư sau…

Đọc bức thư này, những người yêu nhạc vàng sẽ cảm thấy thú vị vì chợt hiểu ra “đôi mắt đẹp mà cả 3 đứa ưa” trong bài hát Chúng Mình Ba Đứa (cũng của Song Ngọc và Hoài Linh sáng tác) chính là người con gái tên Hương – người vinh dự được ba anh lính ở 3 binh chủng khác nhau theo đuổi. Chúng ta có thể thấy sự liên kết giữa hai bài hát Một Chuyến Bay ĐêmChúng Mình Ba Đứa, qua câu hát này:

…chạnh thương hai đứa giờ gối súng nơi nào… (bài Một Chuyến Bay Đêm)

“Hai đứa” trong câu này chính là hai người bạn khác (thuộc bộ binh và hải quân) trong “3 đứa” của bài hát Chúng Mình Ba Đứa. Ba người bạn thân này cũng đã “lâu lắm chẳng gặp nhau”… trong bài Một Chuyến Bay Đêm. Vì vậy có thể nói 2 ca khúc Một Chuyến Bay Đêm và Chúng Mình 3 Đứa là viết cho cùng một câu chuyện, trong đó có nhắc tới một bóng hồng tên là Hương như trong đoạn thư bên trên.

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận