“Dịch vụ thư viện lưu động” mang sách đến từng nhà ở Nam Kỳ thập niên 1930

Vào năm 1936, chính quyền Nam kỳ có một dịch vụ công cộng để truyền bá kiến thức đến cộng đồng, đó là thư viện di động miễn phí, mang tri thức đến mọi người dân và khuyến khích họ đọc nhiều sách mở mang đầu óc.

Theo các tư liệu dựa trên báo chí thập niên 1930, thư viện lưu động này bao gồm các xe chở sách, lấy sách từ kho của chính phủ và đi đến các châu thành của Lục tỉnh để cho nhân dân đọc, mượn sách.

Trong một trang báo của tờ Sài Gòn phát hành ngày 21/2/1936 có lởi kêu gọi: “Anh em ở Mỹ Tho nên nhớ rằng 10h sáng thứ ba 25 Février chiếc xe hơi chở sách đến Mỹ Tho cho anh em mượn”. (Février nghĩa là Tháng 2, đó là thời điểm mà các tháng trong năm Dương lịch phải mượn tiếng Pháp, còn nếu ghi là Tháng Giêng, Tháng Hai, Tháng Ba… thì mặc định hiểu là tháng Âm lịch).

Cũng trên tờ báo Sài Gòn, số ra ngày 2/6/1936, thông tin cho biết dịch vụ thư viện lưu động này đã có ở Cao Miên từ 2 năm trước đó và đăng hình ảnh chiếc xe chở sách như hình bên dưới. Tuy nhiên xe chở sách ở Cao Miên là mang đi bán, chứ không phải là cho mượn như dịch vụ ở Nam kỳ.

Báo Sài Gòn ra ngày 5/5/1937, đăng thời gian và địa điểm xe chở sách đi vòng quanh các tỉnh Nam kỳ từ ngày 3/5 đến ngày 12/5/1937, cụ thể như sau:

Xe cho mượn sách chạy vòng quanh Nam kỳ lần thứ 31.

  • Gò Công, trước Bungalow vào ngày 3 Mai 1937 từ 16 giờ tới 18 giờ.
  • Mỹ Tho, sân chơi trường học vào ngày 4 Mai 1937 từ 10h giờ tới 12 giờ 30.
  • Bến Tre, trước C.F.A vào ngày 5 Mai 1937, từ 7 giờ tới 11 giờ.
  • Sa Đéc, trước tòa bố hay trong nhà để xe sở Trường Tiền (nếu trời mưa) vào ngày 6 Mai 1937, từ 7 giờ tới 11 giờ.
  • Trà Vinh, trước hãng S.I.C.A.M vào ngày 7 Mai 1937 từ 7 giờ tới 11 giờ.
  • Vĩnh Long, trước Tòa bố hay nhà để xe trong tỉnh (nếu trơi mưa) vào ngày 7 Mai 1937 từ 16 giờ tới 18 giờ 30.
  • Tân An, trước C.F.A vào ngày 8 Mai 1937, từ 10 giờ tới 12 giờ.
  • Gia Định, sân chơi trường học vào ngày 11 Mai 1937 từ 7 giờ tới 9 giờ.
  • Bà Rịa, trước C.F.A vào ngày 12 Mai 1937 từ 7 giờ tới 9 giờ.
  • Biên Hòa, tại nhà thương điên vào ngày 12 Mai 1937 từ 15 giờ tới 15 giờ 30
  • Biên Hòa, trước tòa bố hay sân chơi trường học (nếu trời mưa) vào ngày 12 Mai 1937 từ 16 giờ tới 18 giờ.

Sau đó, dịch vụ công ích này có tên là “Kho sách vận chuyển Nam kỳ”, được nêu trong bài báo ngày 27/7/1939 như sau:

Ngày 31 Juillet này ‘Kho sách vận chuyển Nam kỳ’ sẽ đến các tỉnh kỳ 86 theo ngày giờ sau, vậy ai muốn mượn sách đọc hãy để ý tin này.

Xe chở sách thời gian này đi qua nhiều địa điểm hơn, đến hầu hết các tỉnh Nam kỳ, lần lượt qua Bạc Liêu, Bà Rịa, Bến Tre, Biên Hòa, Cai Lậy, Cà Mau, Cần Giuộc, Cần Thơ, Cao Saint Jacques (Vũng Tàu), Châu Đốc, Củ Chi, Gia Định, Gò Công, Hà Tiên, Hớn Quản, Lái Thiêu, Long Xuyên, Mỹ tho, Rạch Giá, Sa Đéc, Sóc Trăng, Tân An, Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Trà Vinh, Vĩnh Long. Mẩu tin chi tiết hơn ở trong hình bên dưới:

Hai ngày sau mẩu tin trên, ngày 29/7/1939, cũng trên tờ báo Sài Gòn có dòng tin vắn:

“Ai có mượn sách của ‘Kho sách Nhà nước’ ở Sài Gòn, hãy đem trả gấp để tiện làm inventaires (thư mục) và sửa sách hư hại”.

Dịch vụ thư viện lưu động này vẫn còn hoạt động thời thế chiến 2, ngay cả khi Nhật đã vào đóng quân ở Đông Dương. Tờ báo Sài Gòn ngày 11/4/1941 có đăng tin:

“Lời rao

Muốn cho tiện việc kiểm điểm và sửa chữa sách của ‘Kho sách vận chuyển xứ Nam kỳ’ xin mời những độc giả có mượn sách mau mau đem trả, do nơi quan chủ tỉnh cùng quan chủ quân nhứt định”.

Những năm thập niên 1930, xã hội và chính trị ở Sài Gòn có nhiều biến động và chuyển biến lớn. Các tờ báo chữ quốc ngữ xuất bản thường xuyên và lâu dài có các tờ Phụ nữ tân văn, Trung lập, Công luận, Lục tỉnh tân Văn, Sài Gòn, Đuốc nhà Nam, Điển tín…

Chữ quốc ngữ và văn học viết bằng chữ quốc ngữ tiêu biểu như các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, Lê Hoằng Mưu, Phú Đức…, được xuất bản và có ảnh hưởng sâu rộng. Vì vậy việc truyền bá kiến thức đến người dân thông qua sách đến thời điểm này đã được thuận lợi hơn khi chữ quốc ngữ đã trở nên phổ biến.

Theo Nguyễn Đức Hiệp (Sài Gòn Chợ Lớn – Đời sống Xã hội và Chính trị

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận