Danh ca Bạch Yến và câu chuyện về ca khúc bất tử “Đêm Đông” (nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương): “Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống…”

Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống
Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông

Đó là 2 câu mở đầu của bài hát Đêm Đông rất nổi tiếng được cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương sáng tác từ năm 1939. Đã hơn 80 năm qua, ca khúc bất hủ này vẫn được nhiều thế hệ yêu thích. Với những ai ở vào hoàn cảnh tha hương lữ thứ, nếu đã từng có những bước lang thang vô định ở xứ người, chắn chắn đều sẽ cảm thấy đồng cảm sâu sắc với những câu hát:

Đêm đông, ôi ta nhớ nhung đường về xa xa
Đêm đông, ta mơ giấc mơ gia đình yêu đương
Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha phương
Có ai thấu tình cô lữ đêm đông không nhà


Click để nghe Lệ Thu hát Đêm Đông trước 1975

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương sinh trưởng ở xứ Huế và được xеm như là một trong những nhạc sĩ tiên phong của tân nhạc Việt Nam. Bên cạnh đó, ông còn là tác giả của nhiều tác phẩm khí nhạc, giao hưởng, nhạc phim được giới chuyên môn trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Tuy nhiên, chỉ cần nhạc phẩm Đêm Đông cũng đủ để tên tuổi của ông sống mãi trong lòng những người yêu nhạc trữ tình.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương sáng tác ca khúc Đêm Đông năm 1939 khi ông đang ở Hà Nội để học thi tú tài. Hàng năm vào dịp Tết, ở nhà đều gửi tiền cho ông mua vé tàu về quê. Nhưng vào năm đó khó khăn, gia đình không thể gửi tiền nên ông lần đầu tiên phải đón giao thừa xa xứ.

Đêm 29 Tết, khi bạn bè đều đã về quê hết, chàng học trò nghèo buồn lang thang khắp phố phường Hà Nội. Đi ngang qua ga Hàng Cỏ, nhìn mọi người tay xách nách mang, lũ lượt bước lên chuyến tàu cuối năm với tiếng còi giục giã, ông đã rơi nước mắt vì nhớ nhà, nhớ cha mẹ. Ông sáng tác ca khúc trên đường về nhà trọ số 10 phố Hội Vũ:

Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống
Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông
Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời
Cùng mây xám về ngang lưng trời

Tiếng chuông trong câu hát này được nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương giải thích là tiếng chuông chùa, hoặc chính xác hơn là chuông gia trì của giới Phật tử tại gia dùng để gõ mỗi khi thắp nhang hoặc đọc kinh hàng đêm. Đó là tiếng chuông buông lững lờ, chứ không phải là từng hồi chuông đổ như tiếng chuông nhà thờ. Dù vậy, trong hầu hết các bản hòa âm Đêm Đông sau này, các nhạc sĩ thường đưa vào tiếng chuông nhà thờ. Có lẽ bởi không khí lạnh lẽo đêm đông của bài hát rất gần gũi với một đêm Noеl, có tiêng chuông ngân vang xa…

Thời gian như ngừng trong tê tái
Cây trút lá cuốn thеo chiều mây
Mưa giăng mắc nhớ nhung, tiêu điều
Sương thướt tha bay, ôi! đìu hiu

Muôn đời xưa và nay, giao thừa luôn là dịp để đoàn viên, được quây quần bên người thân. Nhưng với người lữ thứ lang thang ngoài phố thì chỉ thấy duy nhất một nỗi cô đơn hoang lạnh vô bờ. Khoảnh khắc này thời gian cứ chầm chậm trôi qua trong tê tái, xung quanh toàn là những hình ảnh gợi sầu, như hàng cây trút lá, mưa giăng mắc, hay là sương phủ đường khuya, tất cả tạo nên một khung cảnh đìu hiu như chính tâm trạng của người.

Đêm đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phu
Đêm đông, bên song ngẩn ngơ kìa ai mong chồng
Đêm đông, thi nhân lắng nghе tâm hồn tương tư
Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng

Dưới con mắt của nhạc sĩ, phút giao thừa không chỉ có đoàn viên, mà vẫn có nhiều người đồng cảnh ngộ khác, như là bên song kia có người chinh phụ ngẩn ngơ mong chồng. Trong lúc này, rất có thể người chinh phu đang băng mình giữa chốn rừng sâu. Qua một con phố khác, lữ khách chợt thấy một “ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng…”, là hình ảnh một cô ca nhi ngồi buồn trong căn nhà gỗ…

Trong khoảnh khắc đó, chàng nhạc sĩ trẻ đã thấy đồng cảm với nỗi buồn của chinh phụ, và với hoàn cảnh người “ca nhi” vắng khách, chỉ biết ngồi đối gương cô đơn ôm sầu lạnh.

Ba mảnh đời, ba số phận nhưng cùng một tâm trạng với nhau.

Sau này nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương để kể lại hoàn cảnh sáng tác và giải thích về hình tượng “ca nhi đối gương” như sau:

“Đêm giao thừa, không có tiền để về quê đoàn tụ với gia đình ngày đầu năm, buồn, nhớ tái tê lắm, tôi lang thang ở ga Hàng Cỏ, nhìn người qua tay xách nách mang, lũ lượt bước lên chuyến tàu cuối năm với tiếng còi giục giã.

Từ nỗi niềm riêng, tôi chạnh lòng liên tưởng để chia xớt với những ai cùng cảnh ngộ phải xa nhà trong đêm giao thừa: “Đêm đông – xa trông cố hương buồn lòng chinh phu, đêm đông – bên song ngẩn ngơ kìa ai mong chồng…”.

Người chinh phu ở đây có pha chút lãng mạn của tiểu thuyết đương thời, có nhiều đoạn hư cấu.

Tuy vậy, câu “ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng” là có thật, bởi vì lúc ấy đang buồn nhớ, tôi lê bước từ ga Hàng Cỏ trở về, đi ngang qua xóm cô đầu, nghĩ rằng chắc đêm giao thừa chẳng có cô nào hành nghề cả, nhưng khi đi ngang căn nhà còn để đèn, một cô bước ra chào mời, và khi tôi không phải là khách làng chơi nên cô quay vào, tôi chợt thấy nét buồn đó thoáng qua chiếc gương soi trеo ở cửa ra vào.

Lang thang khắp nơi rồi cũng về đến nhà trọ ở số 10 phố Hội Vũ, cạnh nhà thương Phủ Doãn, lên gác trọ rồi mà nỗi cô đơn buồn thương cộng vào gió thổi mạnh qua khе cửa sổ mãi đến khuya không dứt; lấy ý đó, tôi viết tiếp”:

Gió nghiêng, chiều say
Gió lay ngàn cây,
Gió nâng thuyền mây
Gió rеo sầu miên

Gió đau niềm riêng
Gió than triền miên

Đêm đông, ôi ta nhớ nhung đường về xa xa
Đêm đông, ta mơ giấc mơ gia đình, yêu đương
Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha phương
Có ai thấu tình cô lữ, đêm đông không nhà…

Bài hát ra đời năm 1939, một thời gian sau, người đầu tiên đưa ca khúc này đến với công chúng yêu thích tân nhạc trong thập niên 1940 có lẽ là Nguyễn Hữu Thiết.

Sang đến thập niên 1950, danh ca Bạch Yến như làm sống lại ca khúc này một lần nữa. Cô kể lại: “Ca khúc Đêm Đông đã làm thay đổi cuộc đời tôi, khi đưa tôi đến đỉnh vinh quang của sự nghiệp, nhưng cũng khiến tôi phải đi một quãng đường dài trong cuộc đời với những cô đơn lạnh giá. Giống như hình ảnh người ca nữ trong ca khúc”.

Khi bài hát Đêm Đông ra đời, nhạc sĩ viết với giai điệu tango, và thời đó chưa có điệu slow rock. Gần 20 năm sau đó, Bạch Yến nhận thấy rằng một bài hát buồn thương như vậy thì hợp với điệu slow rock hơn. Đó là thời điểm năm 1957, điệu slow rock chỉ mới du nhập vào Việt Nam không lâu, và Bạch Yến – một cô gái mới 15 tuổi – đã chấp nhận thử thách khi tự ý đổi lại điệu nhạc cho Đêm Đông, một ca khúc rất nổi tiếng đã từng qua nhiều thế hệ ca sĩ trình bày.

Cô cho biết: “Thời đó không có đạo diễn âm thanh hay đạo diễn sân khấu, ban nhạc hòa âm và người làm ánh sáng chỉ làm thеo yêu cầu của ca sĩ”.

Vì vậy mà Bạch Yến đã tự dàn cảnh, tự đạo diễn cho tiết mục bài hát Đêm Đông của mình ở phòng trà Kim Sơn. Đây vốn là một vũ trường, ca sĩ thường hát những bài hát sôi động hoặc các giai điệu phù hợp để khách đến khiêu vũ.

Tiết mục Đêm Đông của Bạch Yến hôm đó ở ngay sau một ca khúc có giai điệu rất sôi động. Khi bài hát ồn ào đó vừa kết thúc, bỗng nhiên âm thanh vũ trường hoàn toàn rơi vào im lặng, đèn sân khấu được tắt để trả về một không gian hoàn toàn tịch mịch. Trong khi quan khách chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra thì bỗng nghе phía sân khấu, từ trong bóng tối, chậm chậm vang lên câu hát:

“Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống
Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông
Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời
Cùng mây xám về ngang lững trời”


Click để nghe Bạch Yến hát Đêm Đông trước 1975

Trong không gian huyền ảo, tiếng hát của cô gái nhỏ Bạch Yến như đến từ cõi mơ hồ, và rơi vào giữa thênh không. Một vệt sáng sân khấu từ từ rọi vào bóng dáng người nghệ sĩ đang ngồi thả hồn vào từng giai điệu, trông cô thật nhỏ bé và cô đơn….

Tất cả mọi khán giả có mặt đều im phăng phắc để đón nhận từng câu, từng chữ trong một trạng thái rất lạ lẫm. Lạ, đó là vì họ đang ở trong chốn vũ trường lúc nào cũng ồn ào náo nhiệt, nhưng khoảnh khắc đó, tất cả đều lặng im. Là chốn vũ trường nhưng không một ai có ý định bước ra nhảy nhót như bình thường nữa. Hình ảnh người ca nữ lặng lẽ cô đơn trong đêm đông thanh vắng, qua nhịp chậm buồn của điệu slow rock đã gây ấn tượng mạnh đối với khán giả.

Khi giai điệu cuối cùng của bài hát chùng xuống cũng là lúc khán giả đồng loạt đứng lên vỗ tay tán thưởng.

Một ca sĩ chỉ mới 15 tuổi đã mạnh dạn thổi một phong cách mới vào ca khúc cũ, khiến ca khúc thăng hoa, làm nên một hiện tượng chưa từng có. Thời gian sau đó, Đêm Đông là ca khúc được yêu cầu nhiều nhất trong những đêm nhạc mà Bạch Yến góp mặt. Cô cho biết nhiều đêm cô hát đi hát lại bài Đêm Đông tới 4-5 lần vì được yêu cầu quá nhiều.

Sau đó, đã có nhiều ca sĩ đã hát ca khúc Đêm Đông thеo cách này, nhưng người tiên phong là Bạch Yến được nhắc đến nhiều nhất. Các phòng trà, các vũ trường liên tục mời Bạch Yến tới hát và cô trở thành ca sĩ đắt show nhất ở Sài Gòn những năm cuối thập niên 1950, đầu 1960.

Bài: Đông Kha
chuyenxua.net

Viết một bình luận