Đà Lạt huyền diệu năm 1933 qua thơ Hàn Mặc Tử và Quách Tấn

Cách đây tròn 90 năm, vào năm 1933, hai thi sĩ nổi tiếng của thi đàn Việt Nam thời tiền chiến, đồng thời cũng là 2 người bạn tri giao là Hàn Mặc Tử và Quách Tấn đã cùng có mặt ở Đà Lạt.

Đó là câu chuyện của 2 người thanh niên tuổi ngoài đôi mươi, cùng nhau đi dạo bên mặt hồ sương giăng dưới bóng trăng mờ ảo và cùng nhau đi vào miền thơ ca… Rung động trước khung cảnh nên thơ của Đà Lạt, mỗi người đã sáng tác 1 bài thơ mà đến nay được xem là những câu thơ hay nhất về Đà Lạt, đó là Đà Lạt Trăng Mờ của Hàn Mặc Tử và Đà Lạt Đêm Sương của Quách Tấn.

Bài thơ Đà Lạt Trăng Mờ đã được Hà Xuân Tế dịch sang tiếng Pháp, đăng trên tạp chí Đông Dương (Indochine) số 25, năm 1941, và Hải Linh phổ thơ thành nhạc hợp xướng, sau đó nhạc sĩ Phạm Duy cũng phổ thành ca khúc trong Trường ca Hàn Mặc Tử.


Tuấn Ngọc hát Đà Lạt Trăng Mờ

Bài thơ Đà Lạt Đêm Sương đã in trong tập thơ Một Tấm Lòng, xuất bản năm 1939, được Hoài Thanh và Hoài Chân chọn giới thiệu trong tác phẩm Thi nhân Việt Nam.

[Hoàn cảnh sáng tác 2 bài thơ được chính thi sĩ Quách Tấn mô tả cụ thể hơn trong đoạn cuối của bài viết này]

Đà Lạt Trăng Mờ – Hàn Mặc Tử

Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu
Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt
Như đón từ xa một ý thơ.

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem trời giải nghĩa yêu.

Hàng thông lấp loáng đứng trong im
Cành lá in như đã lặng chìm
Hư thực làm sao phân biệt được
Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm.

Cả trời say nhuộm một màu trăng
Và cả lòng tôi chẳng nói rằng
Không một tiếng gì nghe động chạm
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng.

Đà Lạt Đêm Sương – Quách Tấn

Bóng trăng lóng lánh mặt hồ im,
Thời khắc theo nhau lải rải chìm.
Đứng dựa non sao bờ suối ngọc,
Hồn say dịu dịu, mộng êm êm.

Một luồng sương bạc bỗng từ mô
Lẻn cuốn vầng trăng cuốn mặt hồ,
Cuốn cả non sao bờ suối ngọc:
Người lơ lững đứng giữa hư vô.

Trời đất tan ra thành thuỷ tinh.
Một bàn tay ngọc đẫm hương trinh
Âm thầm mơn trớn bên đôi má
Hơi mát đê mê chạy khắp mình.

Kể về sự tương ngộ ở Đà Lạt, và tình bạn tri âm tri kỷ của 2 thi sĩ Hàn Mặc Tử – Quách Tấn, người con của Quách Tấn là Quách Giao ghi lại như sau:

Ba tôi và Hàn Mặc Tử quen nhau từ năm 1931. Khi đó ba tôi làm việc tại toà công sứ Đà Lạt, Hàn Mặc Tử sống với mẫu thân tại Qui Nhơn.

Trên tạp chí Phụ nữ tân văn lúc bấy giờ có nhiều bài thơ Đường luật đăng với bút hiệu P.T. (viết tắt của chữ Phong Trần) khiến ba tôi chú ý và nhờ người bạn thân ở Qui Nhơn tìm xem P.T. là ai. Sau hơn 4 tháng dò tìm, nhân gặp một cuộc hội ngộ tình cờ mà người bạn thân này mới viết thư cho ba tôi hay. Thư từ qua lại không bao lâu thì hai người trở thành bạn thân thiết. Trước đó Hàn Mặc Tử có bút hiệu là Minh Duệ Thị, sau đổi ra Phong Trần, rồi Lệ Thanh, cuối cùng là Hàn Mặc Tử.

Năm 1932, Hàn Mặc Tử làm ở sở đạc điền Qui Nhơn. Mùa xuân năm Kỷ Dậu (1933), Hàn Mặc Tử nhân được nghỉ phép lên Đà Lạt thăm ba tôi. Hai nhà thơ đi thưởng ngoạn các thắng cảnh, từ thác Cam Ly đến rừng Ân Ái.

Rừng Ân Ái ở Đà Lạt, nay đã không còn

Trong tập hồi ký Đôi nét về Hàn Mặc Tử, ba tôi đã ghi:

“Trước hết đi xem các cảnh gần. Cảnh nào cũng làm cho Tử trìu mến.

Đến Cam Ly, Tử nhất định ở lại suốt ngày. Khách du quan lúc nào cũng có. Phần đông đều dồn nơi thác và nơi các tiểu đình. Tử thích đứng trên những chiếc cầu cong cong làm bằng những khúc thông để nguyên vỏ và bắc ngang qua những giòng khe đá chảy quanh co.

Thác Cam Ly

Gió thổi mát lạnh và mùi hoa rừng thoang thoảng đưa.

Vì cảnh mênh mông, không thể đứng một chỗ để ngắm. Theo những con đường khuất khúc và rợp bóng thông, nhưng rất sạch sẽ vì có người coi sóc, tôi đưa Tử vào rừng sâu. Bóng nắng lọt qua kẽ lá trông trong dịu như bóng trăng và tiếng thông cuộn gió nghe ào ào như tiếng sóng.

Đứng trên đồi cao trông xuống cảnh rừng Ân Ái (Bois d’Amour) thật chẳng khác nào đứng nhìn mặt biển lộng gió nồm. Chợt nhớ câu hát trong tuồng Hộ Sanh của Đào Tấn, tôi buột miệng hát:

Lao xao sóng bủa ngọn tùng
Gian nan là nợ anh hùng phải vay.

Tử vỗ tay khen: “Thật tân kỳ!”

Sau cuộc du ngoạn bằng ngựa ở Đường vòng Mỹ cảnh (Tour des 99 Points de vue), Hàn Mặc Tử đã thấy được đàn cà tông, ngủ trưa bên hồ Thở Than (Lac des Soupirs), nằm ngắm trời xanh, ngửi hơi nhựa thông bay phảng phất trong gió trưa”.

hồ Than Thở

Tối đến, đôi tri kỷ tay trong tay đi dạo cảnh Đà Lạt lúc ban đêm. Ba tôi đã ghi vào tập hồi ký:

“Dạo cảnh Đà Lạt lúc ban đêm cũng là một kỳ thú. Những con đường quanh co, khi lên cao khi xuống thấp, nhiều khi đường chồng lên nhau. Lắm nơi, đứng xa mà trông, thấy như những cuộn vải đen giăng lơ lửng trên đọt cây… Đèn điện lẫn lộn cùng sao, trên cao có, dưới thấp có, chỗ thì chói rọi giữa không, chỗ thì khép nép trong cành lá… Mùi nhựa thông ban đêm bay ngát cả không khí. Thỉnh thoảng mùi hoa mimosa, mùi hoa oeillet trộn lẫn vào thành một hương vị đặc biệt, hít vào thấy nhẹ cả châu thân.

Tử nắm tay tôi, đi từng bước một, không nói không rằng.

Đến bờ hồ nhìn xuống mặt nước, chúng tôi mới nhớ là đêm trăng! Mặt hồ lóng lánh. Và vầng trăng dưới nước trông trong sáng gấp mấy lần vầng trăng ở trên mây.

Tử nói:

– Cứ xem bóng trăng cũng biết nước hồ ở Đà Lạt trong đến ngần nào!

Tôi tiếp:

– Theo tôi chỉ có nước hồ Đà Lạt và nước sông Hương mới đáng gọi là nước. Nước ở các sông, các hồ, dù trong đến đâu, sắc xanh cũng có phần lợt lạt. Duy nước hồ Đà Lạt và nước sông Hương là đượm đà màu nước biển. Ai đã từng nhìn đôi mắt của người đẹp Ấn Độ – đôi mắt xanh như ngọc và xa thăm thẳm như vòm trời ngày thu – thì mới tin lời nói của tôi là không huyễn hoặc. Muốn thấy rõ cái đẹp của nước hồ Đà Lạt thì phải đến ngắm lúc ban trưa tạnh trời.

Tử trầm ngâm hồi lâu rồi nói:

– Không có cảnh thì khó có thơ, mà đứng trước cảnh đẹp quá, thơ nghĩ cũng không ra được.

– Theo tôi không phải vì cảnh quá đẹp mà thơ không dám ra. Đó là vì đứng trước cảnh đẹp cũng như đứng trước tình đẹp, người thơ mắc lo tận hưởng cái đẹp của tình, của cảnh, tâm trí đâu còn rảnh rang mà nghĩ đến thơ. Huống nữa người thơ chỉ làm thơ trong khi thiếu thốn. Tình kia đã quá đầy đủ để cho tâm hồn ôm ấp thì người thơ còn thiếu thốn gì nữa mà làm thơ.

Tử vỗ tay tán thưởng.

Chúng tôi đang nói chuyện thì dường như có một luồng ánh sáng từ trong hồ bay ra và thoáng nhẹ ở trước mắt. Chúng tôi chú mục: Một đám sương lớn bằng một chiếc chiếu chõng nổi lềnh bềnh trên mặt hồ. Sương mỗi lúc mỗi vun cao và lan rộng, phản chiếu ánh trăng sáng hực cả bốn bên. Trong phút chốc mặt hồ bị khuất hẳn và trước mặt chúng tôi nổi lên một ngọn “núi bông gòn” trắng phau và sáng ánh. Rồi một ngọn gió thổi nhẹ, sương ùn ùn toả ra khắp nơi và cuốn cả trời đất muôn vật. Chúng tôi không còn thấy gì ngoài ánh trăng. Đến nỗi chúng tôi đứng sát bên nhau mà chúng tôi nhìn cũng không thấy rõ được nhau!

Chúng tôi có cảm giác là trời đất đã tan ra thành thuỷ tinh và chúng tôi đương đứng lơ lửng giữa hư vô… Sương bay thấm má và một luồng hơi mát chạy khắp châu thân, gây một cảm khoái dìu dịu…

Tôi nói khẽ cùng Tử:

– Mình đương chìm vào mộng hay mộng đương lắng vào mình?

– Hư thực phân biệt làm sao được! Nhưng chớ nói nhiều… Hãy lắng nghe… Dường như có tiếng thì thầm từ đáy hồ vọng đến. Tôi không mơ đâu nhé! Hãy lắng nghe…

Đứng tựa lan can cầu trước dinh quản đạo, chúng tôi nắm chặt tay nhau… Rồi sương tan dần và dần dần mặt trăng sáng trở lại.

Tử nói:

– Cảnh thật huyền mơ! Tiếng lòng lẫn cùng tiếng tạo vật! Con người hoà hẳn vào thiên nhiên.”

Sau đêm ngắm trăng trên mặt hồ Đà Lạt, Hàn Mặc Tử và ba tôi đều bị cảm lạnh. Một tuần sau hai người chia tay.

Vẻ đẹp huyền diệu của non sông Đà Lạt đã là nguồn cảm hứng cho hai bài thơ Đà Lạt Đêm Sương và Đà Lạt Trăng Mờ của ba tôi và Hàn Mặc Tử.

Viết một bình luận