Cuộc đời và sự nghiệp của thi sĩ Nguyên Sa – Tác giả của Áo Lụa Hà Đông, Tuổi Mười Ba, Cần Thiết…

Trong thi đàn Việt Nam, Nguyên Sa là một cái tên mang dấu ấn đặc biệt quan trọng, được nhiều người yêu mến và kính trọng bởi tài năng thơ ca thiên phú. Còn trong tân nhạc, Nguyên Sa cũng là cái tên quen thuộc khi rất nhiều bài thơ của ông đã được phổ thành những ca khúc bất hủ được nhiều thế hệ yêu thích.

Nhạc sĩ Song Ngọc là người đầu tiên phổ nhạc Nguyên Sa với ca khúc Tiễn Đưa, nhưng người nhạc sĩ nổi tiếng nhất với thơ Nguyên Sa là Ngô Thụy Miên với các bài hát quen thuộc: Áo Lụa Hà Đông, Tuổi Mười Ba, Paris Có Gì Lạ Không Em, Tháng 6 Trời Mưa. Ngoài ra còn có nhạc sĩ Anh bằng với Mai Tôi Đi, nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm với Tháng Sáu Trời Mưa, Cần Thiết…

Dòng dõi danh gia vọng tộc

Thi sĩ Nguyên Sa tên thật là Trần Bích Lan, sinh ngày 1/3/1932 trong một gia đình tri thức khá giả tại Hà Nội. Cha Nguyên Sa là ông Trần Văn Chi, một thương nhân, mẹ là bà Đoàn Thị Xuân. Nguyên Sa nguyên gốc là người Huế, ông cố là Thượng thư Trần Trạm, từng giữ tới chức Hiệp Tá Đại Học Sĩ (1 trong tứ trụ) dưới triều vua Tự Đức. Sau khi về hưu, ông cố Trần Trạm đưa cả gia đình về Hà Nội và phát triển gia nghiệp tại đây từ đời ông nội Nguyên Sa. Gia đình vốn theo đạo công giáo nên ngay từ nhỏ, Nguyên Sa đã được gửi theo học tại trường dòng Puginier, nay là trường THPT Việt Đức.

Thi sĩ Nguyên Sa ở trên cùng

Cuộc kháng Pháp bùng nổ, trường dòng Puginer bị đóng cửa một thời gian, Nguyên Sa theo gia đình tản cư đi Hà Đông và tiếp tục theo học tại trường Văn Lang. Đến năm 1946, khi mới 14 tuổi, Nguyên Sa bị Việt Minh bắt giữ vì tội làm “Việt gian”. Tuy nhiên, theo hồi ký của Nguyên Sa, nguyên nhân là khi đó, cha ông đang làm việc trong ban kinh tài của Việt Minh. Vì lo sợ cha ông sẽ bỏ trốn nên họ đã giữ con trai để làm tin. Sau 8 tháng bị giam giữ, điều chuyển, Nguyên Sa được thả ra với lý do “bắt nhầm người”.

Năm 1948, cả gia đình Nguyên Sa trở về Hà Nội. Một năm sau, năm 1949, ông được gửi đi du học. Đến Pháp, Nguyên Sa bắt đầu theo học lớp 11 tại trường trung học Coulommiers (Seine et Marne). Tuy nhiên, do tuổi trẻ ham chơi, lại xa gia đình không có người kèm cặp, Nguyên Sa liên tục bị ở lại lớp. Gia đình phải chuyển ông qua nhiều trường khác nhau xa Paris để được học tiếp, từ Coulommiers sang trường Rambouillet, rồi trường Provins. Năm 1953, sau hơn 4 năm đến Pháp, cuối cùng Nguyên Sa cũng lấy được bằng tú tài và đăng ký vào khoa Triết học tại Đại học Sorbonne. Cũng trong năm này, Nguyên Sa bắt đầu gặp gỡ, hẹn hò với vợ là bà Trịnh Thuý Nga. Ông sáng tác hai bài thơ đầu tay là Tôi Sẽ Sang Thăm Em và Tiễn Biệt.

Thi sĩ Nguyên Sa và bà Nga, hình chụp khi họ còn là học sinh ở Hà Nội

Sau khi hoàn thành chương trình học và nhận bằng cử nhân Triết Học vào cuối năm 1955, Nguyên Sa cùng vợ lên tàu trở về Việt Nam.

Từ năm 1956, Nguyên Sa tham gia giảng dạy môn triết học tại trường trung học Chu Văn An ở Sài Gòn. Để lo kinh tế gia đình, ông còn dạy thêm cả môn Pháp văn và dạy Triết tư tại nhà. Một thời gian sau, Nguyên Sa được giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch mời về dạy tại trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Ngoài ra, ông còn cộng tác giảng dạy ở nhiều trường tư thục khác ở Sài Gòn như Văn Lang, Hưng Đạo, Thủ Khoa, Nguyễn Bá Tòng, Võ Trường Toản,… và cùng với vợ mở hai trường tư thục là Văn Học và Văn Khôi.

Bà Nga khi là hiệu trưởng trường Văn Học ở Sài Gòn

Năm 1960, Nguyên Sa thành lập tạp chí văn học Hiện Đại, một trong 3 tờ tạp chí nổi tiếng hàng đầu tại miền Nam khi đó.

Ngoài thời gian tham gia giảng dạy, ông còn viết bài cho tờ Sáng Tạo của nhà văn Mai Thảo, nhật báo Sống của Chu Tử, tờ Trình Bầy của Thế Nguyên,…

Năm 1966, khi đang mải miết với các hoạt động giảng dạy, sáng tác, Nguyên Sa bị gọi nhập ngũ. Sau khi vào học tại Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, ông được phân về làm việc tại cục quân nhu và giảng dạy tại trường Quốc Gia Nghĩa Tử trong gần 10 năm từ năm 1967 đến 1975. Thời gian này, ông vẫn tiếp tục sáng tác thơ, viết văn viết báo.

Do có hai người con đang du học tại Pháp vào thời điểm tháng 4 năm 1975, nên cả gia đình Nguyên Sa đã quyết định đến Pháp để đoàn tụ với con. Ngày 24/4/1975, Nguyên Sa cùng vợ rời khỏi Việt Nam. Đến Pháp, hai vợ chồng Nguyên Sa cùng nhận được học bổng theo học lớp Cao học kinh tế tại Đại học Pháp. Thời gian này, ông cộng tác với nữ thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh và nhà văn Trần Tam Tiệp thành lập Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại.

Sau 3 năm ở Pháp và nhận bằng cao học kinh tế, năm 1978, Nguyên Sa chuyển đến Mỹ, sống tại California. Tại Mỹ, Nguyên Sa thành lập trung tâm băng nhạc Đời và các tờ báo, tạp chí phát hành trong giới kiều bào gồm tạp chí Đời, Phụ Nữ Việt Nam và tuần báo Dân Chúng.

Ngày 18 tháng 4 năm 1998, thi sĩ Nguyên Sa qua đời sau thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư dạ dày.

Nguyên Sa là ai?

Nói về vai trò của Nguyên Sa trên thi đàn Sài Gòn thời kỳ 1955-1975, tác giả Mặc Lâm của đài RFA nhận định:

Những câu thơ mà Nguyên Sa đem từ Pháp về Việt Nam năm 1956 đã thay đổi rộng khắp cảm nhận thi ca của đa số thanh niên Việt Nam. Giống như một nhạc cụ mới, có âm hưởng sâu và đánh thức giác quan thẩm mỹ của thời đại, thơ Nguyên Sa đã góp phần làm bản hòa tấu đa âm của thi ca Việt Nam thêm những rung động lạ lẫm cuốn hút người đọc mà Thơ Mới tỏ ra không còn đủ sức hấp dẫn như lúc khởi đầu. Thơ Nguyên Sa nhanh chóng tràn vào từng lớp học, nơi trái tim học trò đập những nhịp điệu đầu tiên của tình yêu. Nguyên Sa yêu và chia sẻ cách yêu của mình qua kinh nghiệm một chàng trai có những thời khắc tuyệt vời tại Pháp, thủ đô của tình yêu trai gái, thủ đô của những giòng thơ trác tuyệt từng một thời là bệ phóng cho hàng trăm thi tài thế giới.

Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi, một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay?

Thi sĩ Nguyên Sa bắt đầu sáng tác khi đã bước qua lứa tuổi học trò, nhưng những vần thơ của ông luôn khiến người nghe xao xuyến, bâng khuâng, tê lặng bởi vẻ đẹp hồn nhiên, tinh khôi của ngôn từ và hình ảnh. Trong cuốn Nguyên Sa Hồi Ký, ông bộc bạch: 

“Tôi thích được giới thiệu bằng cách đọc lên một bài thơ Nguyên Sa. Đó là cách giới thiệu được cả Nguyên Sa ý thức và vô thức, cho thấy bản ngã của người làm thơ tương đối đầy đủ nhất, cả bản ngã đã có, bản ngã đang có, và bản ngã muốn có. Những bài thơ khác biệt mang lại bản ngã khác biệt…”.

Không chỉ là một nhà thơ, Nguyên Sa còn là một nhà báo, một giáo sư triết học, một người thầy mẫu mực của nhiều thế hệ học trò Sài Gòn trước năm 1975. Từ lời bộc bạch trên, có vẻ như ông yêu nhất, thoả mãn nhất với con người thơ ca, lãng mạn trong mình.

Bút danh Nguyên Sa có nghĩa là hạt cát nguyên thuỷ ban sơ, cái tên khiêm nhường này được ông sử dụng từ khi bắt đầu làm thơ vào năm 1953 tại Pháp, với lời giải thích rằng với ông khi đó, mọi thứ đều là khởi đầu, khởi đầu từ số 0, hoàn toàn chưa có gì.

Áo Lụa Hà Đông là 1 trong những bài thơ nổi tiếng nhất của Nguyên Sa, đã được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc

Sau này, khi viết báo, Nguyên Sa sử dụng thêm bút danh Hư Trúc. Hư Trúc là một trong 3 nhân vật chính nổi tiếng trong bộ tiểu thuyết Thiên Long Bát Bộ của tác giả Kim Dung, có ngoại hình xấu xí, tướng mạo thô kệch, mắt to mũi bự, tai vểnh miệng rộng, lông mày rậm rịch, trán dồ cao, tâm tính tốt bụng, hiền lành và thường làm theo bản năng. Giải thích cho sự lựa chọn này, Nguyên Sa nói rằng, Hư Trúc dù là một hoà thượng Thiếu Lâm, nhưng lại không phải là một người toàn tâm tu hành nghiêm khắc, mà là một con người có 2 bản ngã, hai cuộc đời. Ban ngày, Hư Trúc là người tu hành đạo hành, thuần thục, đầy ý thức nhưng khi đêm xuống, nhân vật này lại vô thức rơi vào những giấc mơ tình ái, hoan lạc đầy bản năng. Điều đó tương tự như đời sống của chính ông, một nhà thơ Nguyên Sa với những vần thơ bay bổng, lãng mạn, đầy tự do và một giáo sư triết học Trần Bích Lan (tên thật của Nguyên Sa) với những giáo điều, mô phạm, kỷ luật.

Sách triết do giáo sư Trần Bích Lan biên soạn

Như đã nói ở trên, Nguyên Sa bắt đầu sáng tác vào năm 1953, với hai bài thơ đầu tay là Tôi Sẽ Sang Thăm Em và Tiễn Biệt. Hầu hết các sáng tác trong thời gian ở tại Pháp của Nguyên Sa thời kỳ này đều là cảm hứng từ mối tình của ông với vợ là bà Trịnh Thuý Nga và nỗi buồn ly biệt sau khi tin tức về người cha đã qua đời ở Hà Nội được đưa tới. Đặc biệt nhất trong số đó bài thơ tên Nga dành tặng cô Nga với những vần thơ vô cùng hóm hỉnh, tinh nghịch và mới mẻ:

Và em sẽ cười phải không em
Em sẽ không buồn như một con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Để anh giận sao chả là nước biển…

Từ năm 1956, sự trở về của Nguyên Sa từ Pháp với những vần thơ trong veo, lịm ngọt của ông đã thổi một luồng sinh khí mới mẻ, phóng khoáng và tươi trẻ vào làng văn nghệ Sài Gòn. Thơ Nguyên Sa đặc biệt được yêu thích và truyền tay nhau trong giới học trò, sinh viên và cả tri thức trẻ. Nhà báo Mặc Lâm, một cây bút kỳ cựu của tờ RFA đã đưa ra những nhận định khá xác đáng về ảnh hưởng của thơ Nguyên Sa thời kỳ này:

Vợ chồng Nguyên Sa tại Pháp

“Thơ Nguyên Sa nhanh chóng tràn vào từng lớp học, nơi trái tim học trò đập những nhịp điệu đầu tiên của tình yêu. Nguyên Sa yêu và chia sẻ cách yêu của mình qua kinh nghiệm một chàng trai có những thời khắc tuyệt vời tại Pháp, thủ đô của tình yêu trai gái, thủ đô của những dòng thơ trác tuyệt từng một thời là bệ phóng cho hàng trăm thi tài thế giới.

Nguyên Sa đem cái hồn phách của Châu Âu tái sinh sau khi thế ᴄhιến thứ II chấm dứt về Sài Gòn và nhanh chóng chiếm trọn sự cổ vũ nồng nhiệt của sinh viên học sinh. Ông đem ánh đèn vàng Paris nơi có những nhà ga là nguồn cảm hứng vô tận cho những cuộc chia tay. Ông mang theo hơi hám của sông Seine của nhà thờ Notre Dame về lại Sài Gòn nơi mà nhiều thế hệ thanh niên chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp.”

Trở về Sài Gòn, ngoài thời gian dạy triết học, pháp văn, viết các tác phẩm lý luận triết học, luận lý học, tâm lý học… Nguyên Sa còn là một cây bút rất tích cực của làng văn nghệ. Ông làm thơ, viết văn, truyện, báo,… để xuất bản và đăng trên nhiều tờ báo lớn nhỏ khác nhau. Rất nhiều những bài thơ tình của Nguyên Sa được các nhạc sĩ lựa chọn để phổ nhạc và trở thành nhạc phẩm nổi tiếng, rất được yêu thích, có thể kể đến như: Mai Tôi Đi (Anh Bằng), Paris Có Gì Lạ Không Em (Ngô Thuỵ Miên), Tiễn Đưa (Song Ngọc phổ nhạc từ bài Tiễn Biệt), Áo Lụa Hà Đông (Ngô Thuỵ Miên), Tuổi Mười Ba (Ngô Thuỵ Miên), Tình Khúc Tháng Sáu (Ngô Thuỵ Miên), Tháng Sáu Trời Mưa (Hoàng Thanh Tâm), Cần Thiết (Hoàng Thanh Tâm), Vết Sâu (Phạm Duy), Màu Kỷ Niệm (Phạm Đình Chương),..


Click để nghe Duy Trác hát Áo Lụa Hà Đông năm 1974

Có thể thấy những bài thơ của Nguyên Sa rất được các nhạc sĩ yêu thích, bởi ca từ giản dị, phóng khoáng, tự nhiên và giàu nhạc tính. Các nhạc sĩ khi phổ nhạc thường không phải sửa chữa câu từ quá nhiều, có thể bê nguyên cả đoạn thơ dài vào âm nhạc. Nhạc sĩ có nhiều “duyên nợ” nhất với thơ tình Nguyên Sa chính là nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên, người viết tình ca ngọt ngào và bay bổng nhất trong âm nhạc Việt. Ngô Thuỵ Miên từng tâm sự:

“Tôi đến với thơ Nguyên Sa, không từ một chọn lựa, mà vì tôi đã nhìn thấy mình trong thơ của ông, đã nghe những rung động thầm kín nhất của tuổi trẻ mình được ông tạo lên bằng những lời thơ ngọt ngào tình tứ, tươi mát. Cũng như bao nhiêu anh em thanh niên sinh viên học sinh của thập niên 60, tôi yêu và thuộc không ít thơ của ông.

Chúng tôi không có liên hệ gì ngoài sự cảm thông của hai con người cùng yêu nghệ thuật. Nói rõ hơn, tôi chỉ là một trong hàng triệu người yêu quý thơ ông, một người may mắn có thể gửi lời biết ơn giòng thơ tuyệt vời của ông qua những nốt nhạc giản dị, chân tình.”

Giai đoạn sau năm 1975, từ những biến cố thời cuộc đưa đẩy, Nguyên Sa di cư đến Pháp, rồi đến Mỹ, cuộc sống xứ người với những lo toan thường trực đã khiến thơ Nguyên Sa trở nên đậm đà, nhiều trăn trở và suy tư hơn trước. Bút lực của Nguyên Sa dù vẫn rất dồi dào, phóng khoáng và tươi trẻ nhưng nhắc tới tên ông người ta vẫn chỉ nhớ tới những bài thơ tình học trò, những bài thơ đã đi vào âm nhạc, đã lưu dấu một thời ký ức xa xưa.

Vợ chồng thi sĩ Nguyên Sa

Những tác phẩm đã xuất bản

Thơ: Thơ Nguyên Sa (Tổ Hợp Gió, Sài Gòn, 1957); Thơ Nguyên Sa tập II (Đời, California, 1988); Tập III (Đời, 1995); tập IV (Đời, 1998); Thơ Nguyên Sa toàn tập (Đời, 2000)

Truyện dài: Vài ngày làm việc ở Chung Sự Vụ (Tạp chí Trình Bầy, Văn Học, Sài Gòn, 1972; Đời in lại ở Cali, không đề năm); Giấc mơ (ba tập, Đời, Cali, 1992, 1993, 1994)

Truyện ngắn: Gõ đầu trẻ (Trình bầy, Sài Gòn, 1959), Mây bay đi (Tinh hoa miền Nam, 1967)

Triết học và văn học: Quan điểm văn học và triết học (Nam Sơn, Sài Gòn, 1960); Descartes nhìn từ phương Đông (Trình bầy, 1966); Một bông hồng cho văn nghệ (Trình bầy, 1971); Một mình một ngựa (Trình bầy, 1971)

Bút ký: Đông du ký

Nhận định: Hai mươi khuôn mặt nghệ sĩ Việt Nam ở hải ngoại (Đời, 1993)

Sách giáo khoa: Luận lý học, Tâm lý học (Tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1958)

Hồi ký: Nguyên Sa hồi ký (Đời, 1998); Cuộc hành trình tên là lục bát (Đời, 1999)

Thi sĩ Nguyên Sa và mối tình duy nhất thủy chung suốt đời

Cả cuộc đời mình, thi sĩ Nguyên Sa chỉ có một mối tình duy nhất là người vợ đã gắn bó với ông từ thuở học trò cắp sách đến trường cho tới tận khi trút hơi thở cuối cùng, bà Trịnh Thúy Nga. Chính tình yêu với bà đã cho ông niềm cảm hứng dạt dào để khởi sự trở thành một nhà thơ.

Thi sĩ Nguyên Sa và Trịnh Thúy Nga thuở còn đi học

Mối duyên của họ bắt đầu từ những ngày mùa đông trên đất Pháp như trong lời kể của bà Thuý Nga:

“Năm 1952, sau khi hồi cư về Hà Nội, tôi được gia đình cho sang Pháp du học cùng với người anh họ. Ông Lan (tên thật nhà thơ Nguyên Sa là Trần Bích Lan) qua trước hai năm. Ông thân sinh của ông ấy buôn bán lớn, sợ Việt Minh làm phiền nên cho ba người con lớn sang Pháp du học. Tôi quen em gái ông ấy ở Paris, tình cờ đến nhà chơi nên quen ông”.

Quen nhau được hơn nửa năm thì Nguyên Sa quyết định tỏ tình với bà Nga. Đó là mùa hè năm 1953, khi vừa tốt nghiệp tú tài, ông viết thư tỏ tình bằng một bài thơ tình, và đó hình như cũng là bài thơ đầu tiên trong cuộc đời ông. Riêng bài thơ này, cho đến tận nay vẫn chưa được công bố bởi Thúy Nga nói rằng bà muốn giữ riêng cho mình.

Vợ chồng Nguyên Sa – Trịnh Thúy Nga tại Paris

Tuy nhiên, theo bà Nga, hai người yêu nhau chưa lâu thì một biến cố lớn xảy đến với gia đình Nguyên Sa và cũng là một phép thử cho tình yêu của họ:

“Hồi đó tôi còn trẻ, cũng chẳng suy nghĩ gì cả, chỉ lo học thi đậu xong rồi về. Phải lo học xong cho sớm chứ đời sống bên Pháp đắt đỏ lắm. Cũng trong năm 1953, cụ thân sinh ông Lan mất ở Hà Nội, ông ấy phải ngưng học, về nước để giúp đỡ gia đình. Lúc đó chúng tôi yêu nhau rồi, ông ấy cũng muốn dỗ dành tôi về Việt Nam chung, nhưng tôi còn ham học cao lên. Tuổi trẻ mà, ai cũng có giấc mơ lớn, và tôi cũng muốn thực hiện ước mơ của mình.”

Chính vì lý do này, mà Nguyên Sa đành phải từ giã người yêu để trở về Hà Nội và cho ra đời bài thơ Paris Có Gì Lạ Không Em với những câu thơ đầy nhớ thương, khắc khoải:

Paris có gì lạ không em?
Mai anh về em có còn ngoan
Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ
Em có tìm anh trong cánh chim

Paris có gì lạ không em ?
Mai anh về mắt vẫn lánh đen
Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm
Chả biết tay ai làm lá sen?

Bài thơ này sau đã được nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên phổ nhạc thành ca khúc nổi tiếng cùng tên được rất nhiều người yêu thích.


Click để nghe Thái Thanh hát Paris Có Gì Lạ Không Em năm 1974

Trong số những bài thơ Nguyên Sa viết cho người yêu, đặc biệt nhất phải kể đến bài thơ có tựa đề chỉ một chữ duy nhất là Nga. Hãy thử đọc những câu thơ mở đầu hóm hỉnh và đầy yêu thương:

Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Ðôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Ðể anh giận sao chả là nước biển !…

Đây cũng chính là bài thơ báo hỷ in trên thiệp cưới của hai ông bà vào ngày 17 tháng 12 năm 1955 tại Paris với những vần thơ thông báo vô cùng độc đáo và lời khẳng định chắc nịch rằng tình yêu của họ không gì có thể cấm cản được:

Người ta làm thế nào cấm được chúng mình yêu nhau
Nếu anh không có tiền mua nhẫn đeo tay
Anh sẽ hôn đền em
Và anh bảo em soi gương

Nhìn vết môi anh trên má
Môi anh tròn lắm cơ
Tròn hơn cả chữ O
Tròn hơn cả chiếc nhẫn
Tròn hơn cả hai chiếc nhẫn đeo tay!…

Chúng mình lấy nhau
Cần gì phải ai hỏi…
Cả anh cũng không cần phải hỏi anh
“Có bằng lòng lấy em?…”

Vì anh đã trả lời anh
Cũng như em trả lời em
Và cũng nghẹn ngào nước mắt!…
Và em sẽ cười phải không em

Em sẽ không buồn như một con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Ðôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Ðể anh giận sao chả là nước biển!…

Em sẽ cười phải không em
Vì không ai cấm được chúng mình yêu nhau!…
Không ai cấm được anh làm những câu thơ anh thích
Không ai cấm được anh làm cả bài thơ

Với một chữ N
Với một chữ G
Và với một chữ A…

(Nga)

Đám cưới của thi sĩ Nguyên Sa và bà Thúy Nga được tổ chức gấp rút và giản dị chỉ khoảng một tuần trước khi xuống tàu về nước. Theo lời giải thích của ông, phải tổ chức đám cưới gấp như vậy để hai người có thể thuận tiện cùng nhau xuống tàu về nước. Và vì không có tiền nên trong ngày cưới, ông chỉ mặc lại bộ đồ cũ thường ngày vẫn mặc và cố gắng cân đo đong đếm, đi đi lại lại nhiều lần ông mới sắm được cho bà một chiếc áo mới để làm quà cưới. Lễ cưới không lễ phục, không nhẫn cưới, không xe hoa đón rước, không đãi tiệc rình rang nhưng hồi tưởng lại những giờ khắc đó, bao giờ bà cũng mỉm cười mãn nguyện:

“Sinh viên tụi tôi ở lại Pháp sau Hiệp Định Genève chia đôi đất nước, gia đình lo tản cư vào Nam nên đâu có gởi tiền qua được. Chúng tôi ra Tòa Đốc Lý Paris ký giấy hôn thú, bạn bè theo đông lắm. Xong kéo nhau ra quán cà phê đối diện uống cà phê, ăn bánh. Bạn bè chung tiền trả tiền cho cô dâu, chú rể. Thế thôi.”

Chỉ thế thôi mà họ đã đi cùng nhau suốt cả một đời, từ Paris về Sài Gòn năm 1956, từ Sài Gòn trở lại Paris năm 1975, rồi qua đến Mỹ năm 1978, chưa một lần có ý định buông tay, rời bỏ.

Bà Trịnh Thúy Nga khi làm hiệu trưởng trường Văn Học ở Sài Gòn

Năm 1956, Nguyên Sa và vợ về nước và trở thành giáo sư ở các trường học danh tiếng tại Sài Gòn, đồng thời cùng mở hai trường tư thục là Văn Học và Văn Khôi. Cho đến nay, nhiều thế hệ học sinh – sinh viên Sài Gòn năm xưa vẫn còn nhớ đến một thời được sự dìu dắt của hai vợ chồng giáo sư Trần Bích Lan – Trịnh Thúy Nga.

Những năm tháng cuối cùng trên giường bệnh, đối mặt với sự vĩnh biệt luôn chực chờ, thi sĩ Nguyên Sa bình thản viết những lời thơ dặn dò đầy xúc động:

Anh nói anh muốn Saigon,
Anh muốn đường Phan Thanh Giản,

Anh muốn nước Mỹ, vùng biển Thái Bình,
Anh muốn Montpellier, muốn Nice,
Muốn Cannes, muốn Saint Tropez,
Muốn tất cả những thị trấn miền Nam nước Pháp,
Nhất là những thành phố quanh Địa Trung Hải,

Nhưng anh chỉ có hai chân,
Anh chỉ xin em ném dùm anh xuống những mảnh đất đầu đời:
chỗ bãi phù sa anh tắm mỗi chiều,
con lộ mỗi ngày chúng mình cùng nhau đi học.

(Thuỷ Chung)

Tất cả những nơi chốn mà họ đã tới, đã sống cùng nhau ông đều nhớ hết, đều muốn được trở lại nhưng nhớ thương nhất, mong mỏi nhất vẫn là những mảnh đất đầu đời. Đó là “bãi phù sa anh tắm mỗi chiều”, nơi có lẽ nằm xa tít tận quê nhà Hà Nội và “con lộ mỗi ngày chúng mình cùng nhau đi học” trên phố Paris, nơi chứng nhân cho khởi đầu tình yêu của hai người.

Ngày 18 tháng 4 năm 1998, thi sĩ Nguyên Sa trút hơi thở cuối cùng bên người vợ tên Nga đã cùng ông xây đắp cuộc tình thuỷ chung trọn vẹn suốt hơn 40 năm. Trong nghĩa trang thành phố Westminster, ngôi mộ của ông được bà tự tay chọn, nằm gần hồ nước và dưới một bóng cây mát rượi. Trên mặt mộ, bài thơ “Sợi Tóc” mà ông viết khi xưa được trang trọng khắc lên với những câu thơ tựa như những lời tâm nguyện và dự cảm của ông, nay đã được thành toàn:

“Nằm chơi ở góc rừng này
Chưa thiên thu cũng đã đầy cỏ hoang
Xin em một sợi tóc vàng
Làm hoa khởi sự cho ngàn kiếp sau

Biết đâu thảo mộc bớt đau
Biết đâu có bản kinh cầu dâng lên?”

Nơi yên nghỉ của Nguyên Sa. Ảnh: nguoi-viet.com

Bạn bè Nguyên Sa tới thăm mộ kể lại rằng, trên mộ Nguyên Sa, những đoá hoa cúc vàng bao giờ cũng thắm tươi, rực rỡ bởi khi còn sống ông rất yêu hoa cúc, những đoá cúc vàng đã theo vào thơ ông và trở thành bất tử:

Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường

Và bóng dáng người con gái cho ông nguồn cảm hứng vô tận với thơ ca, dù không còn trẻ nữa vẫn luôn ở đó, cận kề, chăm sóc cho ông dù âm dương cách biệt. Bà từng tâm sự:

“Hồi nhà tôi mới mất, ngày nào tôi cũng ra đây, sửa bông, cắt cỏ. Giờ thì lớn tuổi rồi, thì một tuần tôi ra thăm ông ấy 2 lần. Nhiều khi bực mình với ông ấy cũng ra đây nói cho ông ấy biết.”

Đặc biệt sau khi Nguyên Sa qua đời, bà Nga đã giữ gìn, thu gom và đem in tất cả những tác phẩm thơ ca, sách, truyện và hồi ký của ông.

Niệm Quân (chuyenxua.net) biên soạn

Viết một bình luận