Cuộc đời và sự nghiệp của “nữ hoàng sầu muộn” Giao Linh

Ca sĩ Giao Linh luôn được nhiều thế hệ khán giả yêu mến và thường được nhắc đến như là một trong số những nữ ca sĩ nổi tiếng nhất của nhạc vàng thế hệ trước năm 1975. Cô sở hữu giọng hát truyền cảm và có phần nức nở, thổn thức, phù hợp với những ca khúc nhạc buồn sâu lắng nên đã được nhiều người gọi với biệt danh là “nữ hoàng sầu muộn” của dòng nhạc vàng.

Ca sĩ Giao Linh sinh năm 1949, tên khai sinh ban đầu là Đỗ Thị Xin. Khi mới được sinh ra, cô rất nhỏ bé và khó nuôi, nên một thời gian sau đó khi đi làm giấy tờ khai sinh, cha của cô muốn đặt một cái tên hơi xấu một chút để dễ nuôi theo quan niệm xưa. Tuy nhiên người công chức phụ trách làm giấy thấy bé gái để tên như vậy thì lạ quá nên đổi lại thành Đỗ Thị Sinh. Bố mẹ Giao Linh quyết định giữ lại luôn cái tên này.

Sau này, khi có ý định đi hát, Giao Linh được một người bạn thân tên là Thuận ở Đà Lạt đặt cho nghệ danh là Giao Linh, với ý nghĩa là hai tâm hồn giao nhau.

Ca sĩ Giao Linh được sinh ra trong gia đình đông anh chị em, có tổng cộng 10 người, nhưng 3 người mất sớm. Cha của cô người Phủ Lý – Hà Nam và đã chuyển vào nam để tự lập thân từ khi mới 12 tuổi. Ông xin vô đồn điền cao su của người Pháp làm nên đã được học tiếng Pháp, nhờ vậy sau này được tuyển vô làm cho tòa lãnh sự Pháp ở Sài Gòn.

Mẹ của Giao Linh người gốc Quảng Bình đã theo gia đình vào nam từ nhỏ, vì nhà nghèo nên lam lũ, cực nhọc mưu sinh từ khi mới 8-9 tuổi. Tuy vậy bà mẹ có tâm hồn yêu văn nghệ, nên khi biết con gái Đỗ Thị Sinh có năng khiếu ca hát, bà hết lòng khuyến khích và giúp con đi hát, trái ngược với người cha có quan niệm phong kiến “xướng ca vô loài”. Giao Linh bị cha cấm đi hát, nhưng lại được mẹ che giấu để dẫn đi hát và học nhạc, song song với việc học văn hóa ở trường nữ Nguyễn Bá Tòng.

Ca sĩ Giao Linh kể trên báo như sau: “Mẹ tôi phải giấu ba cho tôi đi hát, rồi đi học nhạc các kiểu. Tôi được như ngày hôm nay là nhờ mẹ rất nhiều. Để nói về văn nghệ, hát tân nhạc thì mẹ tôi không rành lắm, nhưng mẹ tôi rất rành về cổ nhạc và dẫn tôi đi học ở nhà ông ba Giáo. Tôi hát cổ nhạc không thua cô đào nào, ông thầy khen tôi hát rất hay và “mùi”, nhưng trong đầu tôi lại chỉ thích tân nhạc, nên một thời gian sau chuyển qua tân nhạc”.

Gia đình Giao Linh có một quán phở nổi tiếng ở Sài Gòn. Cô gái Đỗ Thị Sinh một buổi đi học, một buổi đứng bán phở phụ mẹ. Cô kể lại: “Nhiều khi dậy sớm phụ mẹ bán phở mà tôi cứ ngân nga hát. Tôi hát một cách say mê như mình đang ở những cuộc sinh hoạt văn nghệ, hay những cuộc biểu diễn văn nghệ của trường lớp”.

Thời gian sau đó, Giao Linh được học đàn với một người anh thân thiết tên là Ngọc An công tác tại hãng hàng không Air Vietnam. Nhận thấy Giao Linh có chất giọng, ông dẫn vào giới thiệu với Air Vietnam vốn đang cần ca sĩ. Khi đó Giao Linh mới 16-17 tuổi, buổi chiều đi hát ở Air Vietnam, buối sáng làm việc văn phòng của hãng hàng không quốc gia này tại chi nhánh ở đường Thủ Khoa Huân. Vì lúc đó cô còn nhỏ tuổi, chưa có thẻ căn cước nên phải nhờ mẹ lên ký hợp đồng giúp.

Những tháng lương đầu tiên làm việc tại Air Vietnam, ca sĩ Giao Linh dùng để sắm được một chiếc xe VeloSolex mới để tiện cho việc đi làm.

Trong một đêm hát giao lưu văn nghệ vào khoảng năm 1965, Giao Linh đại diện cho đoàn Air Vietnam lên hát và được khán giả tán thưởng, trong đó có nhạc sĩ Thu Hồ ngồi ở bên dưới. Nhạc sĩ Thu Hồ là giáo sư giảng dạy môn nhạc ở trường Nguyễn Bá Tòng, là nơi Giao Linh theo học, tuy nhiên chỉ đến khi gặp nhau trong đêm nhạc, vị nhạc sĩ này mới nhận ra giọng hát đặc biệt của cô học trò nhỏ nên đã đến trò chuyện và nói hôm sau đến nhà ông để luyện lại giọng hát và ông sẽ giới thiệu cô đến cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, là người rất có quyền lực trong làng nhạc lúc bấy giờ, cũng vừa lăng xê thành công tiếng hát Thanh Tuyền nổi tiếng khắp miền Nam.

Hôm sau, Giao Linh cùng với mẹ đón xích lô đến này nhạc sĩ Thu Hồ ở bến Tắm Ngựa, là một con hẻm lớn nằm trên đường Yên Đỗ (nay là Lý Chính Thắng). Tại đây Giao Linh được nhạc sĩ Thu Hồ đệm mandoline và lấy tông để tập cho cô hát, rồi hẹn ngày hôm sau cùng đến nhà nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông.

Giao Linh kể lại rằng ngày hôm sau cô đi một mình đến nhà nhạc sĩ bằng chiếc VeloSolex của mình, vì thân hình nhỏ bé ốm yếu nên không thể dắt nổi chiếc xe lên bậc thềm nhà, làm cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cũng phải ái ngại vì không biết một cô gái nhỏ bé như vậy thì có thể hát hò được ra sao.

Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông kể lại về “ngày định mệnh” đó như sau, xin trích lại:

“Tôi nhớ lại, vào một sáng Chúa Nhựt năm 1965, nhạc sĩ Thu Hồ đưa đến nhà tôi một cô bé gầy gò ốm yếu. Cô đến bằng chiếc xe máy mini VeloSolex, nhưng không đủ sức đẩy xe qua thềm nhà tôi, phải nhờ nhạc sĩ Thu Hồ giúp đở. Cô bé ngồi im lặng như đóng băng không nói năng chi, trong khi nhạc sĩ Thu Hồ thao thao bất tuyệt về khả năng âm nhạc tiềm ẩn trong người cô. Tôi nhìn cô bé 16 tuổi, vóc dáng nhỏ nhắn, không phát triển như những cô gái cùng trang lứa, nghĩ thầm làm sao cô bé này có đủ hơi sức để hát hò. Tôi gợi chuyện vui để cho cô bắt chuyện, qua đó khám phá cái duyên ngầm sân khấu mà trong nghề nghiệp gọi là tổ đãi cho người nghệ sĩ. Nhưng cô bé vẫn không cười không nói, nên buổi gặp gở đầu tiên đó, tôi không dự cảm được gì về cô.

Tuy nhiên, để không phụ lòng nhạc sĩ Thu Hồ, tôi cho một cái hẹn thử giọng cô bé Đỗ Thị Sinh tại phòng thu âm của hãng dĩa Continental. Thật bất ngờ, Giao Linh, cái tên nghệ nhân sau này của cô bé Đỗ Thị Sinh, đã gây sửng sốt bằng chất giọng khỏe khoắn. Cô hát vượt qua tầm cữ quãng tám một cách dễ dàng với làn hơi ngân nga dịu dàng truyền cảm. Hãng dĩa Continental chấp nhận, tôi lên chương trình đào tạo, và chỉ sau một thời gian ngắn, tên tuổi ca sĩ Giao Linh bừng sáng trên vòm trời nghệ thuật, sánh vai cùng đàn anh đàn chị đi trước. Khi ấy Giao Linh vừa tròn 17 tuổi. Riêng cái tên mỹ miều “Nữ Hoàng Sầu Muộn” mà người đời ban tặng cho Giao Linh, chỉ vì cô không mỉm môi cười thì Giao Linh mãi mãi mang theo, dù từ lâu rồi cô đã có một gia đình rất hạnh phúc”.

Ca sĩ Giao Linh cho biết trước đó lương của cô ở Air Vietnam chỉ 4600 mỗi tháng, nhưng được công ty Continental ký hợp đồng độc quyền 3 năm với mức lương là 150.000 đồng thời bấy giờ, một số tiền quá lớn mà cô chưa từng nghĩ rằng mình sẽ kiếm được để phụ giúp cha mẹ nuôi các em nhỏ.


Click để nghe tiếng hát Giao Linh trước 1975

Trong phần giới thiệu ca sĩ “mới” Giao Linh năm 1966, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông ghi như sau:

“Một tài năng mới, một giọng ca trẻ trung sống động, đang bắt đầu góp tiếng hát trên các đài Phát thanh và mặt đĩa.

Nữ sinh Đệ-tứ, Giao Linh ở lứa tuổi 17 đang là niềm hy vọng dài lâu của Sân khấu nghệ thuật. Với giọng hát đặc biệt truyền cảm và kỹ thuật trình bày khá chững chạc, cộng với sự xinh lịch tươi tắn của tuổi trẻ, Giao Linh sẽ làm ngạc nhiên và thâu phục mau lẹ tình cảm giới mộ điệu trong thời gian kỷ lục.

Ca tân nhạc dễ thương, Giao Linh cũng sẽ dành cho giới cổ nhạc sĩ thích thú với 6 câu vọng cổ.

Ngay từ bước đầu, hãng dĩa Continental đặt vào tay Giao Linh một hợp đồng với số tiền phá kỷ lục, chưa từng có ở các hãng dĩa đối với một tài năng mới. Đó là một trường hợp hãn hữu.

Giao Linh đã bắt đầu thu âm cho hãng dĩa Continental với 10 bản tân nhạc và 10 bản cổ nhạc ở đợt đầu.

Những người ái mộ giọng hát Giao Linh, có thể gởi thơ về địa chỉ của cô tại số 75 – Nguyễn Kim – Chợ Lớn”.

Cuộc đời của Giao Linh đã thay đổi hoàn toàn sau khi trở thành học trò của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Tuy nhiên, nói đúng ra thì nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông không có thời gian để hướng dẫn trực tiếp các học trò ca sĩ, mà ông chỉ lên chương trình đào tạo rồi giao lại cho các nhạc sĩ đang làm việc cho Continental chỉ dẫn trực tiếp. Vì vậy Giao Linh được học cách hát, lấy hơi và nhả chữ từ nhạc sĩ Ngọc Sơn – tác giả của các ca khúc Nét Son Buồn, 100%… đặc biệt là ca khúc Lời Này Cho Em được vị nhạc sĩ này ký với bút danh là Ngọc Sơn & Giao Linh.

Ca sĩ Giao Linh cho biết cô chịu ơn những người thầy của mình là Thu Hồ, Ngọc Sơn, đặc biệt là Nguyễn Văn Đông, đã dẫn dắt cô những bước đi đầu của sự nghiệp suôn sẽ, may mắn để có được những thành công mà ít người có được. Chỉ sau 3 tháng từ khi ký hợp đồng với Continental thì Giao Linh đã nổi tiếng, nhiều tờ báo thời đó gọi Giao Linh là “ca sĩ có đôi hia 7 dặm”.

Giao Linh và nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Ảnh: Trần Quốc Bảo

Nhờ ký hợp đồng độc quyền với hãng dĩa Continentel, Giao Linh đã được hát rất nhiều ca khúc của Nguyễn Văn Đông cùng các nhạc sĩ ký hợp đồng với hãng dĩa này như là Hoàng Trang, Đài Phương Trang, Ngọc Sơn và ghi được dấu ấn sâu đậm với các ca khúc mà hiện nay vẫn còn nhiều người nhắc đến bên cạnh tiếng hát Giao Linh là Đom Đóm, Chiều Mưa Biên Giới, Mùa Sao Sáng, Không Bao Giờ Quên Anh, Ăn Năn, Tâm Sự Với Anh, Đêm Ru Điệu Nhớ, Nhật Thực, Mùa Pensee Nở, Màu Tím Pensee…

 

Đỉnh cao của tiếng hát Giao Linh là từ thập niên 1970, đặc biệt là với băng nhạc Sơn Ca 6 do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông thực hiện.

Từ khi nổi tiếng đến nay, Giao Linh luôn được gắn với biệt danh Nữ Hoàng Sầu Muộn. Giải thích về điều này, cô cho biết những ngày đầu đi hát với sự dìu dắt của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, cô đã được thử thách bằng nhiều thể loại nhạc. Nhưng cô chỉ hát hay những bài buồn, còn ca khúc nào vui mà đưa Giao Linh hát nghe cũng thành buồn. “Tuy chất giọng trẻ trung thật, nhưng trời cho một tiếng ca buồn, nên từ đó, bạn bè trong nghề đồn thổi chết tên sầu muộn cho đến bây giờ”, Giao Linh tâm sự.


Click để nghe băng nhạc Sơn Ca 6

Năm 1975, ca sĩ Giao Linh 26 tuổi, dù trải qua một vài mối tình nhưng cô vẫn không tiến tới hôn nhân với ai. Cô cho biết mình mang nặng trách nhiệm với gia đình, em đông, nên chưa vội nghĩ đến hạnh phúc riêng cho mình, bỏ dở tuổi xuân, chỉ tâm niệm làm sao lo lắng cho các em được học hành tử tế nên người.

Cô tâm sự trên báo:

“Cha mẹ tôi sinh ra tất cả 10 người con, mất đi 3 người, còn lại tôi và 6 đứa em ở dưới. Nhà nghèo, lại có đàn em nheo nhóc thơ dại như vậy nên làm sao mình có thể sống thoải mái để hưởng hạnh phúc riêng đây. Tôi luôn nghĩ mình phải lo cho các em nên người trước đã, thành ra khi có bạn trai mà chỉ cần người ta có chút suy nghĩ gờn gợn gì đó kiểu như ‘sao em lo cho gia đình nhiều quá’ là không thể tiến tới được với mình”.

Năm 1982, Giao Linh định cư ở Canada khi đã 33 tuổi. Trên xứ người mọi thứ đều lạ lẫm, vất vả mưu sinh, chuyện riêng tư lại bị gạt sang một bên. “Nữ hoàng sầu muộn” không còn những ngày tháng huy hoàng trên sân khấu trước 1975, cô mở quán phở tên là “Linh”, nối nghiệp bán phở gia truyền, quán phở Linh trở thành nơi lui tới thường xuyên của giới văn nghệ sĩ ở Toronto.

Một năm, Giao Linh được trở lại với âm nhạc với băng đầu tiên ở hải ngoại do ca – nhạc sĩ Trường Hải sản xuất mang tên Tiếng Xưa năm 1983.

Đến năm 37 tuổi Giao Linh mới kết hôn. Khi đó, chồng bà đã đã trải qua 3 đời vợ và có 6 con riêng đều đã lớn. Đó là ông Võ Văn Sang, họ đã từng gặp nhau khi Giao Linh mới 17 tuổi, nhưng phải đến tròn 2 thập kỷ sau đó thì mới thành duyên vợ chồng, rồi sống hạnh phúc cho đến khi ông Sang đột ngột qua đời năm 2021.


Click để nghe Giao Linh hát Thư Đô Thị

Dưới con mắt bạn bè và đồng nghiệp, chồng của Giao Linh là người rất yêu chiều vợ, chăm lo cho cô từng chút một. Những khi đi lưu diễn, ca sĩ Giao Linh chỉ việc đi tay không, tất cả mọi việc còn lại đều do một tay chồng sắp xếp. Ông lo lắng tỉ mỉ cho vợ từng miếng ăn, giấc ngủ, tư vấn trang phục áo dài mặc lên sân khấu, và tự tay tìm mua hộp phấn, thỏi son. Niềm hạnh phúc đó còn được nhân lên khi cả 6 người con riêng của ông đều yêu quý và đối với Giao Linh đều rất chân thành, tình cảm.

Giao Linh kể lại chuyện tình với ông Sang như sau:

“Chúng tôi gặp nhau trong nhóm bạn và chỉ coi nhau như bạn bè đến chục năm trôi qua. Anh để ý thích nhưng vì tôi có nhiều người theo nên anh không dám tỏ tình. Nghe nhiều lời đồn thổi về tính anh đào hoa, nhiều đời vợ nên vào một ngày anh ngỏ lời, tôi mới buông một câu đùa giỡn “trời ơi, ai mà dám lấy anh, anh nhiều vợ thấy mồ”, điều đó làm anh giận và không gặp tôi nữa. Rồi biến cố xảy ra, chúng tôi thất lạc nhau đến gần 10 năm sau mới gặp lại trên đất Mỹ.

Thời điểm đó, anh có cuộc sống tự do và lại một lần nữa ngỏ lời với tôi. Cảm nhận được cái tình của anh dành cho mình bởi anh đã theo đuổi tôi 20 năm rồi. Lúc đó tôi bị dao động nhiều nhưng vẫn rất sợ quá khứ của anh. Khi gặp anh, tôi vẫn còn độc thân nhưng anh đã có 6 đứa con riêng qua 3 đời vợ. Tôi phân vân không biết mình có chịu đựng nổi các rắc rối trong gia đình không bởi một dòng con đã không thấu rồi mà anh lại có tới 3 dòng.

Khi bước vào cuộc sống hôn nhân, tôi nhận thấy anh là người trách nhiệm, thương con, lo cho gia đình, quý mến những người mẹ của con mình.

Vợ chồng tôi hay giận nhau nhưng không to tiếng. Chúng tôi đều hiểu, hạnh phúc là do mình tạo dựng, mỗi người đều phải tự giữ. Tuổi già không bỏ sót một ai, thời gian không còn nhiều, cớ gì không dành để yêu thương nhau”.

Năm 2002, vợ chồng ca sĩ Giao Linh về nước, sinh sống ở cả 2 nơi. Tại Sài Gòn, nữ ca sĩ mở lại quán phở gia truyền ở đường Cách Mạng Tháng 8, hoạt động được khá lâu thì đóng quán vì bận rộn. Vào năm 2004, Giao Linh được cấp phép hát trở lại ở trong nước, từ đó cô hoạt động nghệ thuật chủ yếu ở trong nước, thỉnh thoảng nhận show ở nước ngoài.

Chồng Giao Linh là ông Sang đã luôn sát cánh cùng vợ trong bất cứ chuyến lưu diễn nào ở trong và ngoài nước trong suốt hơn 30 năm, kể từ khi chung sống cho đến khi ông qua đời năm 2021. Dù kết hôn ở tuổi muộn, nhưng có thể nói Giao Linh đã gặp được một nửa đích thực của đời mình và có được cuộc sống gia đình viên mãn. Vì vậy, việc người chồng đột ngột từ trần là một cú sốc lớn đối Giao Linh, cô phải làm quen với việc thiếu vắng người chồng yêu dấu trong những tháng ngày còn lại.

Sau đây mời các bạn nghe lại những ca khúc được yêu thích nhất, đồng thời đều là những ca khúc buồn của “nữ hoàng sầu muộn” Giao Linh thu âm trước 1975:

Nhìn Lá Me Bay (nhạc sĩ Anh Việt Thanh)

Giao Linh là người hát ca khúc này đầu tiên trong băng Kim Đằng 5, bìa băng nhạc ghi tên bài hát là Nhìn Lá Me Bay. Tuy nhiên hiện này bài hát được biết đến rộng rãi với cái tên Vùng Lá Me Bay.

Bài hát này được nhạc sĩ Anh Việt Thanh sáng tác sau Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972:

Ta xa nhau lúc hè về vương xác phượng buồn
Nẻo đường thành đô khói ngập trời…


Click để nghe Giao Linh hát trước 1975

Nhật Thực (nhạc sĩ Viễn Chinh)

Nhật Thực là tên bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Viễn Chinh và được khán giả yêu mến qua giọng hát của nữ ca sĩ Giao Linh cả trước và sau năm 1975.

Theo nhạc sĩ Viễn Chinh kể lại, ông sáng tác ca khúc này dựa theo một câu chuyện có thật mà ông được nghe kể lại:

Có 2 gia đình đã có mối thâm thù từ nhiều đời vì tranh chấp đất đai. Hai gia đình đó có 2 người con học chung trường lớp, và thật ngang trái là đôi trai gái đó đã cảm mến và yêu nhau với sự ngăn cấm quyết liệt của cả 2 gia đình. Thời gian sau đó cô gái bị gia đình ép gả cho người ở làng bên. Ở bên chồng nhưng cuộc sống không hạnh phúc, không lâu sau đó người con gái đã tự chấm dứt đời mình:

Cho tôi một lần thôi được thăm viếng mộ em.
Từ khi quen biết đến khi em giã cõi đời,
Chúng mình không một lần vui
Chuyện tình hai đứa ươm bao là sầu và bao chua xót


Click để nghe Giao Linh hát Nhật Thực trước 1975

Đêm Ru Điệu Nhớ (nhạc sĩ Hoàng Trang)

Bài hát gắn liền với giọng hát Giao Linh, cả trước và sau năm 1975. Dù là một bài hát quen thuộc, nhưng ít người hát lại, có lẽ lý do là vì Giao Linh đã thể hiện quá xuất sắc ca khúc này, khó có thể hay hơn được nữa:

“Có những dòng sông mênh mông yêu nhau như chuyện vợ chồng…”


Click để nghe Giao Linh hát Đêm Ru Điệu Nhớ trước 1975

Tâm Sự Với Anh (nhạc sĩ Hoàng Trang)

Một bài hát khác của nhạc sĩ Hoàng Trang, nói thay cho tâm sự nữ nhi lúc nào cũng âu lo trong chuyện tình yêu:

Anh vô tình anh chẳng hiểu cho em trong những đêm sầu đau
Giờ trách anh đâu phải để bắt đền
Nhưng tại vì em buồn….


Click để nghe Giao Linh hát Tâm Sự Với Anh trước 1975

Ăn Năn (nhạc sĩ Hoàng Trang)

Ca sĩ Giao Linh là người gắn bó với nhạc sĩ Hoàng Trang, đã trình bày thành công nhiều ca khúc của ông, những bài nói thay cho nỗi lòng người con gái khi yêu:

Ngày mình yêu nhau hai đứa ước mơ trầu cau
Em đâu có ngờ rằng hai đứa xa nhau
Giờ buồn không anh nếu mộng xưa chẳng thành
Em tin không phải mình mà vì đời chia rẽ.


Click để nghe Giao Linh hát Ăn Năn trước 1975

Đom Đóm (nhạc sĩ Phượng Linh)

Ca khúc nhạc vàng nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông ký bút danh Phượng Linh. Ca sĩ Giao Linh là học trò của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, và cũng là người trình bày thành công nhất ca khúc này:

Đom đóm đâu ra chiều hôm thật nhiều
Tiền đồn ven biên anh vừa lên phiên đổi gác
Từng bày đom đóm như thắp sáng kỷ niệm của chúng ta…


Click để nghe Giao Linh hát Đom Đóm trước 1975

Chuyện Tình Sao Ly (nhạc sĩ Vinh Sử)

Một chuyện tình rất ly kỳ của nàng Sao Ly (Sau Ri), người ở làng Kong Rin. Nàng yêu một chàng trai ở làng kế bên là Kam Rây, nhưng vì giữa 2 làng Kong Rin và Kam Rây có một mối thù truyền kiếp nên đôi trai gái không thể nên duyên…

Một ngày kia, theo tiếng gọi của tình yêu, nàng Sao Ly băng ngang lưng đèo, những thác ghềnh cheo leo, dấn thân nơi rừng già để tìm thăm người yêu. Nhưng oan nghiệt thay, tại nơi núi rừng hoang vu đó, nàng đã bị gục ngã bởi mũi cung tên của một chàng trai cùng làng đã mang hờn ghen vì không được Sao Ly đáp lại tình cảm:

Đâu có ngờ tại nơi truông vắng có người đang theo chân nàng
Ôm tình si chàng trai sóc Kong Rin nhẹ nâng cánh cung lên
Buồn biết mấy khi hờn ghen quá
Nên chàng buông tên mũi tên hận thù…


Click để nghe Giao Linh hát Chuyện Tình Sao Ly trước 1975

Qua Xóm Nhỏ (nhạc sĩ Mạnh Phát)

Bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Mạnh Phát từ đầu thập niên 1960. Thời gian sau này, người vợ đầu của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cho biết ca khúc này được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác trong thời gian mới quen biết với bà, sau đó vì hoàn cảnh khó khăn nên bán bản quyền cho nhạc sĩ Mạnh Phát (tương tự bài Chuyến Đi Về Sáng).

Rồi chiều nào anh qua xóm vắng
Đã mấy mùa trăng anh cách xa
Mấy lần nghe tim thiết tha.


Click để nghe Giao Linh hát Qua Xóm Nhỏ trước 1975

Xe Mo Ngày Cũ (nhạc sĩ Trường Giang Thủy)

Bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Trường Giang Thủy, nhưng lại thường bị nhầm tên thành Người Phu Kéo Mo Cau, tên nhạc sĩ cũng bị nhầm là Vinh Sử:

Trò chơi thuở bé, anh ưa kéo xe mo
Chở em trên ngõ chiều
Cô bé mỹ miều cười rung rung bờ vai
tay ôm chắc vành mo…


Click để nghe Giao Linh hát Mo Cau Ngày Cũ trước 1975

Tâm Sự Nàng Buram (nhạc sĩ Vinh Sử & Ngân Giang)

Bài hát nói về chuyện tình buồn của một nàng sơn nữ tên là Buram, người ở sóc PRAI, xứ Thượng. Bài hát đã gắn liền với tên tuổi của ca sĩ Giao Linh:

Nàng Buram thẫn thờ, ngồi ưu tư duới trăng lạnh mờ
Khoé mắt xanh lấp lánh lệ rưng rưng với tâm sự buồn
Có người nào hay nỗi lòng nàng không?


Click để nghe Giao Linh hát Tâm Sự Nàng Buram trước 1975

Giọng Ca Dĩ Vãng (nhạc sĩ Bảo Thu)

Giọng Ca Dĩ Vãng là một trong những bài nhạc vàng nổi tiếng nhất, cũng là ca khúc thành công nhất trong sự nghiệp của nhạc sĩ Bảo Thu, được ông viết cho mối tình cho thật của mình. Nhạc sĩ cũng từng kể lại rằng chỉ trong vòng chưa đến 10 năm, từ 1967 đến 1975, đã có hàng triệu bản nhạc tờ của bài hát này được in bán và rất ăn khách, mang lại cho ông rất nhiều cả về tài chính lẫn danh tiếng.

Ngày xưa mỗi lần em buông tiếng hát,
Thì anh tay phiếm nắn nót cung đàn.

Từng nhịp nhặt khoan anh ru hồn theo tiếng tơ
Nhẹ dìu lời ca em thăng trầm theo từng lúc
Và rồi hờn yêu em khi nào em hát sai
Em nũng nịu cười, nói: Sai là tại anh.


Click để nghe Giao Linh hát Giọng Ca Dĩ Vãng trước 1975

Vườn Tao Ngộ (nhạc sĩ Nhật Hà)

Bài nhạc vàng nổi tiếng của nhạc sĩ Khánh Băng ký với bút danh Nhật Hà (là tên người con trai của nhạc sĩ):

Hôm nay ngày Chúa Nhật,
vườn tao ngộ em đến thăm anh.
Đường Quang Trung nắng đổ xa xôi
Mà em đâu có ngại khi tình yêu ngun ngút cao lên rồi.


Click để nghe Giao Linh hát Vườn Tao Ngộ trước 1975

Người Tình Và Quê Hương (nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân)

Bài hát nổi tiếng của nhóm nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân đã được yêu thích với rất nhiều giọng ca hát, một trong số đó là giọng hát Giao Linh:

Ngăn cách bây giờ,
cho mai mốt sum vầy
không thấy thẹn cùng sông núi.


Click để nghe Giao Linh hát Người Tình Và Quê Hương trước 1975

Bóng Nhỏ Đường Chiều (nhạc sĩ Trúc Phương)

Nhắc tới nhạc sĩ Trúc Phương, người trình bày thành công nhất và nổi tiếng nhất là Thanh Thúy. Tuy nhiên ca sĩ Giao Linh cũng thể hiện thành công 1 số ca khúc Trúc Phương, đó là Bóng Nhỏ Đường Chiều, Hình Bóng Cũ, Hai Lối Mộng, trong đó bài Bóng Nhỏ Đường Chiều được cô hát trong băng Sơn Ca 6 do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông thực hiện, mời các bạn nghe lại sau đây:


Click để nghe Giao Linh hát Bóng Nhỏ Đường Chiều trước 1975

Hai Lối Mộng – Hình Bóng Cũ (nhạc sĩ Trúc Phương)

Hai bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Trúc Phương có nội dung nối tiếp nhau, cùng được Giao Linh thu âm trước 1975:


Click để nghe Giao Linh hát Hai Lối Mộng trước 1975


Click để nghe Giao Linh hát Hình Bóng Cũ trước 1975

Sầu Lẻ Bóng (nhạc sĩ Anh Bằng)

Người ơi khi cố quên
Là khi lòng nhớ thêm
Dòng đời là chuỗi tiếc nhớ
Mơ vui là lúc ngàn
Đắng cay xé tâm hồn


Click để nghe Giao Linh hát Sầu Lẻ Bóng trước 1975

Giấc Ngủ Cô Đơn (nhạc sĩ Lê Dinh – Anh Bằng)

Nửa đêm nhớ anh, buồn nghe mưa khóc bên mành
Nửa đêm nhớ anh, tủi thân mi khép mong manh
Ai ngỡ duyên mình, bẽ bàng lá thắm xa cành
Chim đàn xa tổ tội tình
Người chờ người trong lúc tuổi xanh…


Click để nghe Giao Linh hát Giấc Ngủ Cô Đơn trước 1975

Dấu Chân Kỷ Niệm (nhạc sĩ Thúc Đăng)

Chuyện tình đôi mươi
chan chứa không bao giờ vơi

Như dòng suối tình êm ái
Có anh và em còn ai còn ai nữa
Đã yêu nhau trong cuộc đời…


Click để nghe Giao Linh hát Dấu Chân Kỷ Niệm trước 1975

Chuyến Tàu Hoàng Hôn (nhạc sĩ Minh Kỳ – Hoài Linh)

Chiều nào, tiễn nhau đi khi bóng ngả xế tà
Hoàng hôn đến đâu đây,
màu tím dâng trong hồn ta…


Click để nghe Giao Linh hát Chuyến Tàu Hoàng Hôn trước 1975

Đông Kha – chuyenxua.net

Viết một bình luận