Cuộc đời và sự nghiệp của “búp bê lửa” Mai Lệ Huyền – Một thời kích động nhạc

Trước năm 1975, làng nhạc Sài Gòn xuất hiện một hiện tượng âm nhạc đặc biệt được giới báo chí và giới mộ điệu đặt biệt danh là “Búp Bê Lửa” hay “Nữ Hoàng Nhạc Kích Động” – Đó chính là nữ ca sĩ Mai Lệ Huyền. Trước năm 1975, cặp đôi song ca Mai Lệ Huyền và Hùng Cường được mệnh danh là “cặp đôi sóng thần”, đã cùng nhau tạo nên những hiện tượng chưa từng có trong làng nhạc, nhận được sự hâm mộ rất cuồng nhiệt của khán giả.

Ca sĩ Mai Lệ Huyền tên thật là Nguyễn Thu Cúc, sở hữu một vẻ đẹp lạ với khuôn mặt tròn đầy, mũm mĩm như búp bê, đôi mắt sâu to tròn và thân hình bốc lửa khoẻ khoắn. Với ngoại hình nổi bật như vậy, Mai Lệ Huyền đã làm mưa làm gió ở các vũ trường Sài Gòn.


Click để nghe nhạc Hùng Cường – Mai Lệ Huyền trước 1975

Theo lời kể của Mai Lệ Huyền, những năm 1940, cha Mai Lệ Huyền vốn là một người buôn bán xuyên rừng giữa Việt Nam và Lào. Trong một lần đi buôn, cha Mai Lệ Huyền tình cờ gặp gỡ và kết hôn với mẹ Mai Lệ Huyền, vốn là một người gốc Việt đã sinh sống nhiều đời ở Lào. Năm 1946, Mai Lệ Huyền ra đời trên đất Lào, tuy nhiên cô chỉ sống với mẹ cha đến năm 12 tuổi thì được gửi về Việt Nam để đi học. Theo sự sắp xếp của cha, Mai Lệ Huyền được gửi về sống chung với một người bác của cô, khi đó đang là cục trưởng phụ trách tài chính tại tỉnh Bình Long (nay là thị xã Bình Long tỉnh Bình Phước).

Mai Lệ Huyền bắt đầu tham gia ca hát khi vào học tại trường Trung Học Bình Long. Khoảng năm 1964, khi cô đang học khoảng lớp 10 – 11 thì ban giám hiệu trường có mời đoàn kịch Tân Dân Nam của nghệ sĩ Tuý Hoa về trường trình diễn để gây quỹ từ thiện, với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi như kịch sĩ Anh Lân, Tuý Phượng, ca sĩ Yến Vỹ, nhạc sĩ Trần Trịnh, Đinh Việt Lang…

Trong đoàn, giọng ca Yến Vỹ thường đảm nhiệm vị trí hát tân nhạc mở màn và đóng màn khi chuyển cảnh để đoàn kịch có thời gian chuẩn bị đạo cụ. Nhưng trong lần đó, Yến Vỹ bất ngờ bị bệnh nên đoàn hát bị thiếu người. Nghệ sĩ Tuý Phượng (là con của trưởng đoàn Túy Hoa) là người duy nhất còn lại trong đoàn có thể hát tân nhạc, nhưng bà Tuý Hoa lại không muốn con mình hát mở đầu, ảnh hưởng đến phần diễn kịch. Vì vậy, đoàn kịch bèn ngỏ ý nhờ nhà trường tìm một giọng ca phù hợp để thế chỗ. Tình cờ hôm đó, Mai Lệ Huyền vừa đoạt giải cuộc thi hát toàn trường nên được ban giám hiệu đưa ra giới thiệu cho đoàn kịch.

Trong buổi diễn, Mai Lệ Huyền thể hiện 3 ca khúc là bài Duyên Quê của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, bài Sầu Đông – một ca khúc thuộc thể loại nhạc Twist sôi động của nhạc sĩ Khánh Băng, và bài Lệ Đá của nhạc sĩ  có mặt trong buổi hôm đó là Trần Trịnh, và nhạc sĩ này cùng với người bạn thân là nhạc sĩ sĩ Đinh Việt Lang đã rất ngạc nhiên vì tài năng ca hát, trình diễn vô cùng dạn dĩ, phóng khoáng và duyên dáng của cô nữ sinh có nước da bánh mật khỏe mạnh.

Không lâu sau, các nhạc sĩ Trần Trịnh, Đinh Việt Lang đã viết thư khuyên Mai Lệ Huyền về Sài Gòn để có cơ hội theo đuổi sự nghiệp ca hát, nên cô bèn xin phép gia đình người bác chuyển xuống Sài Gòn ở với một người chị với lý do để có điều kiện học hành tốt hơn. Tuy nhiên sau đó, vì lo theo đuổi ca hát nên Mai Lệ Huyền đã thi rớt tú tài.

Tại Sài Gòn, Mai Lệ Huyền được nhóm các nhạc sĩ Trần Trịnh, Nhật Ngân, Đinh Việt Lang và nhà thơ Vạn Thuyết Linh chăm sóc chu đáo, coi như người thân, dạy hát, dạy nhạc cho cô. Và cũng chính những người thầy này đã cùng đặt cho cô nghệ danh Mai Lệ Huyền rất đặc biệt, trong đó Lệ là nước mắt, Huyền là Đen và Mai là tên gọi khác của loài khỉ. Mai Lệ Huyền kể, sở dĩ cái tên này ra đời là bởi khi ở Bình Long mới xuống da cô rất đen, tính tình còn con nít hay nhõng nhẽo và rất dễ khóc. Còn chữ Mai, tức là con khỉ là bởi cô đến từ vùng rừng núi, khi còn học trò tính tình Mai Lệ Huyền rất lí lắc, lăng xăng, thường leo trèo, quậy phá, nhảy nhót trong trường học và khi lên sân khấu thì luôn “quậy tới bến”.

Mai Lệ Huyền từng tâm sự về nghệ danh của mình như sau:

Thời đó là thời học sinh. thời đó tôi chưa có rõ ràng loại nhạc nào mình sẽ diễn sau này. Nhưng mà thật sự cái thích của mình là được hát những loại nhạc tươi trẻ, nhảy nhót. Sau này về Sài Gòn, khi được khi hát và được những người nhạc sĩ coi được cái khiếu của mình là gì thì đã thể hiện ra cái mình có bây giờ. Bắt đầu liên lạc được với những người nhạc sĩ mà mình đã biết một lần hát ở Bình Long, có đến nói chuyện thì họ thấy mình có khiếu, hồi đó chưa có tên Mai Lệ Huyền thì họ quyết định nếu muốn đi hát thì đến tập thường xuyên và sẽ được hướng dẫn đi hát và đặt cho cái tên. Họ nói là cái tính rất là lý lắc. Trong trường lúc nào cũng quậy phá, ca hát. Da thì ngăm đen. Mà hễ nói cái gì đụng tới là rơi lệ, dễ khóc. Thành ra họ nói thôi nếu đi hát thì đặt cho tôi cái tên hợp nhất Mai là con khỉ, hay nhảy nhót, Lệ là nước mắt, đụng đến là hay khóc, Huyền là người có nước da nâu đen.”

Khi mới bắt đầu sự nghiệp ca hát, Mai Lệ Huyền chủ yếu hát nhạc ngoại quốc tại phòng trà rồi vũ trường Melody, những nơi ưa chuộng ca sĩ có khả năng vừa hát vừa nhảy. Khi tên tuổi được biết đến nhiều hơn, Mai Lệ Huyền quen biết với nghệ sĩ Trần Văn Trạch và được ông sắp xếp cho biểu diễn tại các club dành riêng cho người Mỹ, tại đây Mai Lệ Huyền từng song ca với Khánh Hà, Elvis Phương, Tuấn Ngọc,… những bài nhạc nước ngoài trong thời gian mà club Mỹ được mở ở rất nhiều nơi.

Sau đó, vào một ngày nhạc sĩ Khánh Băng cùng với ban nhạc Khánh Băng Phùng Trọng vào đàn cho club Mỹ và tình cờ gặp Mai Lệ Huyền, ông đã mời cô hát nhạc Việt tại đại nhạc hội, hứa sẽ tìm giúp một giọng ca nam để song ca cùng, đó chính là nghệ sĩ Hùng Cường, người chuyên hát nhạc tình và cũng là nghệ sĩ cải lương rất nổi tiếng.

Mai Lệ Huyền và ban Khánh Băng – Phùng Trọng năm 1966

Kể từ đó, đôi song ca Mai Lệ Huyền – Hùng Cường nhanh chóng trở thành một hiện tượng trong làng nhạc và được các nhạc sĩ Trần Trịnh, Nhật Ngân, Hoàng Thi Thơ, Y Vân, Y Vũ, Viễn Chinh, Hùng Linh… viết riêng cho nhiều ca khúc nhạc kích động để trình diễn.

Giai đoạn từ 1969 – 1974 là giai đoạn đỉnh cao trong sự nghiệp âm nhạc của Mai Lệ Huyền, tên tuổi của cô xuất hiện dày đặc trên báo chí, các tụ điểm ca nhạc, xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia trong show diễn cá nhân Mai Lệ Huyền’ Show và biểu diễn tại các tiền đồn cho giới quân nhân,… Trong giới nghệ sĩ, Mai Lệ Huyền là nữ ca sĩ được giới quân nhân đặc biệt mến mộ và ưu ái. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã có một câu nói rất đáng nhớ về Mai Lệ Huyền đó là: “Anh nói anh là Lính, mà hổng biết Mai Lệ Huyền là ai thì không phải là Lính”.

Là một nghệ sĩ đa tài, ngoài âm nhạc Mai Lệ Huyền còn tham gia diễn xuất trong nhiều vở thoại kịch và điện ảnh bên cạnh các minh tinh nổi tiếng thời đó như Thẩm Thuý Hằng, Kim Cương, Tuý Hồng,… Một số bộ phim có thể kể đến như: Gác Chuông Nhà Thờ, Mãnh Lực Đồng Tiền, Nhà Tôi, Còn Gì Cho Nhau,…

Bên cạnh vai trò là một nghệ sĩ, Mai Lệ Huyền còn lấn sân sang kinh doanh, bằng việc đầu tư tiền “thầu” lại vũ trường Đệ Nhất Khách Sạn. Ngoài việc tự mình biểu diễn hàng đêm tại đây, Mai Lệ Huyền còn mời thêm các nghệ sĩ nổi tiếng khác đến hát tại vũ trường của mình như Thanh Tuyền, Phương Dung, Mai Ly, Phương Hồng Quế, Carol Kim,… Trong vai trò bầu show, Mai Lệ Huyền đã giúp lăng xê nhiều ca sĩ trẻ thế hệ sau.

Thời đỉnh cao nhất, Mai Lệ Huyền có một lịch trình rất bận rộn: Sáng đi hát nhạc hội, rất nhiều show, trưa đi quay phim tối đi hát ở vài phòng trà, khuya về thu âm vào dĩa hát…

Về đời tư, Mai Lệ Huyền kết hôn với nhạc sĩ Trần Trịnh vào năm 1964 sau khi đặt chân đến Sài Gòn được một thời gian ngắn. Cuộc hôn nhân của họ kéo dài được khoảng 7 năm, sau khi có 1 cô con gái chung thì chia tay nhau vào năm 1971. Với Mai Lệ Huyền, Trần Trịnh vừa là chồng, vừa là người thầy đầu tiên dẫn dắt cô vào con đường nghệ thuật như lời tâm sự:

“Sau khi hát ở Bình Long trong đêm diễn của ban nhạc Tân Dân Nam, tôi và Trần Trịnh thường thư từ qua lại rồi nảy sinh tình cảm. Anh ấy đề nghị tôi về Sài Gòn tiếp tục con đường ca hát. Tôi nhận lời và chỉ sau một thời gian ngắn chúng tôi kết hôn và có với nhau một cô con gái tên Lệ Trinh. Trần Trịnh giới thiệu tôi đi hát ở tất cả những phòng trà, vũ trường nơi anh cộng tác. Khởi đầu là phòng trà Lệ Liễu, vì nhận thấy giọng hát của tôi thích hợp với thể loại nhạc tươi vui, anh ấy cùng nhạc sĩ Nhật Ngân sáng tác nhạc sôi động để tôi trình diễn song ca cùng ca sĩ Hùng Cường”.

Mai Lệ Huyền rời Việt Nam ngày 29 tháng 4 năm 1975, định cư tại Hoa Kỳ. Thời gian sau đó cô tham gia kịch đoàn của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cùng với La Thoại Tân, Bùi Thiện, Kiều Chinh…

Trong thập niên 1980, Mai Lệ Huyền sinh hoạt với ban kịch Sống Túy Hồng và tái ngộ Hùng Cường vừa từ Việt Nam qua. Cặp đôi “đệ nhất song ca sóng thần” lại khuấy đảo cuộc sống êm đềm tại Cali được mấy năm trước khi Hùng Cường đột ngột qua đời.

Trong làng nhạc Sài Gòn trước năm 1975, có rất nhiều đôi song ca nổi tiếng và được yêu thích, điển hình là Nhật Trường – Thanh Lan, Chế Linh – Thanh Tuyền, Phương Đại – Phương Hồng Quế… nhưng có lẽ không đôi song ca nào thành công và được mến mộ nhiều như Hùng Cường – Mai Lệ Huyền – Cặp đôi “sóng thần” của kích động nhạc.

Gọi Hùng Cường và Mai Lệ Huyền là “cặp đôi sóng thần”, đó là vì chỉ trong một thời gian ngắn, độ nổi tiếng của đôi song ca này như là một cơn lốc cuốn giới trẻ đô thành vào vòng xoáy của những bước nhảy sôi động cùng những bài nhạc thời trang mang đậm dấu ấn của thời cuộc được sáng tác riêng cho họ, như là Gặp Nhau Trên Phố, Vòng Hoa Yêu Thương, Hai Trái Tim Vàng, Mắt Xanh Con Gái, Làm Quen Với Lính…

Hùng Cường lớn hơn Mai Lệ Huyền đến 10 tuổi, có thể xem là 2 thế hệ ca sĩ. Bởi vì khi Mai Lệ Huyền được các nhạc sĩ Trần Trịnh, Nhật Ngân phát hiện từ phố núi và đưa về Sài Gòn để lăng xê, thì lúc đó Hùng Cường đã nổi tiếng vang dội không chỉ trong lĩnh vực âm nhạc, mà còn ở sân khấu cải lương, kịch nghệ và điện ảnh. Người đầu tiên có sáng kiến kết hợp Mai Lệ Huyền sonhg ca với Hùng Cường là nhạc sĩ Khánh Băng, vào lúc ban nhạc Khánh Băng – Phùng Trọng mời cả 2 hát đại nhạc hội. Ca khúc đầu tiên được nhóm sáng tác Trịnh Lâm Ngân viết riêng cho đôi song ca này là Gặp Nhau Trên Phố. Bài hát này sau đó được ban nhạc Trần Trịnh hòa âm trong bản thu của hãng đĩa Việt Nam, phát hành cùng lúc với nhạc bản có hình bìa thật khiêu gợi của Mai Lệ Huyền đã bán được hàng chục ngàn bản.


Click để nghe Hùng Cường – Mai Lệ Huyền hát Gặp Nhau Trên Phố trong dĩa nhựa

Sau Gặp Nhau Trên Phố, Trịnh Lâm Ngân viết thêm 1 loạt bài khác là Vòng Hoa Yêu Thương, Hai Trái Tim Vàng, Mắt Xanh Con Gái, Làm Quen Với Lính… đều rất được yêu thích trong giới trẻ Sài Gòn đầu thập niên 1970.

Ngoài Trịnh Lâm Ngân, nhiều nhạc sĩ khác như Khánh Băng, Y Vũ, Hoàng Thi Thơ, Tuấn Lê, Giao Tiên, Hùng Linh, Viễn Chinh… cũng sáng tác nhiều ca khúc như Say, Lính Dù Trên Điểm, Người Lính Chung Tình, Ghét Anh Lắm, Thiên Duyên Tiền Định, Túp Lều Lý Tưởng, Xây Nhà Bên Suối, Hờn Anh Giận Em… dành riêng cho cặp sóng thần Hùng Cường – Mai Lệ Huyền và đều rất thành công.

Đôi song ca Hùng Cường – Mai Lệ Huyền không phải là những người đầu tiên hát thể loại nhạc được gọi là “kích động nhạc” này, nhưng đã là người đã đưa thể loại này lên một đỉnh cao chói lọi, chinh phục các tầng lớp khán giả, từ giới trẻ đô thành trong các vũ trường cho đến các miền biên ải xa xôi, đặc biệt là được hàng trăm ngàn quân nhân miền Nam yêu mến.


Click để nghe các bài song ca của Hùng Cường – Mai Lệ Huyền

Vì đã biểu diễn ăn ý trên sân khấu trong những bài ca yêu đương rất tình cảm, có nhiều tin đồn về mối quan hệ giữa Hùng Cường và Mai Lệ Huyền, tuy nhiên trong một lần trả lời phỏng vấn, Mai Lệ Huyền nói rằng nghệ sĩ hát đôi trên sân khấu thì bắt buộc phải thật tình tứ, nhưng sau cánh gà có nhiều khi còn “cự nự” nhau, và vì quá thân thiết nên không thể trở thành tình nhân được. Cô cũng nói thêm rằng nghệ sĩ, đồng nghiệp không nên yêu nhau vì rất dễ tan vỡ.

“Anh ấy “chẳng thể có dư thời giờ để yêu tôi”, vì chung quanh anh ấy có quá nhiều người đẹp ái mộ, và chúng tôi chỉ “gần nhau” khi lên sân khấu, hát xong rồi anh ấy “dzọt lẹ”, còn tôi thì cũng “dzông” ngay. Giữa tôi và anh Hùng Cường là một mối thâm tình tốt, hiểu tính tình nhau, nên vẫn hát bên nhau cho đến lúc anh ấy nhắm mắt, chứ nếu yêu nhau thì đã “vãn tuồng” từ lâu rồi” (trích lời Mai Lệ Huyền)

Ngày 29/4 năm 1975, Mai Lệ Huyền rời Việt Nam sống cuộc đời ly hương, Hùng Cường ở lại. Tròn 5 năm sau đó họ mới được tái hợp trên sân khấu hải ngoại trong một chương trình của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ mà bạn có thể xem lại ở bên dưới:


Click để nghe Hùng Cường tài hợp Mai Lệ Huyền tại hải ngoại

Sau đây, mời các bạn nghe lại những bản song ca thu âm trước 1975 của đôi song ca được mến mộ bậc nhất này:


Click để nghe Hai Đứa Vui Xuân


Click để nghe Vòng Hoa Yêu Thương


Click để nghe Cho Anh Xin Lỗi


Click để nghe Giận Hờn Mới Vui


Click để nghe Tình Yêu Và Thân Thế


Click để nghe Làm Quen


Click để nghe Cớ Sao Em Buồn


Click để nghe Ghen Bởi Vì Yêu


Click để nghe Cưới Em

chuyenxua.net

Viết một bình luận