Câu chuyện về những căn villa (biệt thự) ở Sài Gòn ngày xưa

Nếu nhắc về những ngôi biệt thự xưa ở Sài Gòn, có thể chia thành 2 loại, thứ nhứt là biệt thự cổ kiến trúc Pháp được xây trước năm 1954, chủ yếu là từ đầu thế kỷ 20 với khoảng 1300 căn biệt thự, đa phần tập trung ở quận 3 với khoảng 800 căn. Còn loại thứ 2 là biệt thự phong cách tân thời được xây từ sau năm 1954 cho đến năm 1975.

Hầu hết những căn biệt thự cổ kiến trúc Pháp đều nằm ở vị trí đắc địa, nên ngày nay khi bị xuống cấp, chủ nhân của nó không có ý định tôn tạo lại mà muốn phá hủy để dễ bán lại đất nền có giá trị lớn. Vì vậy đa số căn biệt thự cổ Sài Gòn có quy mô nhỏ đã bị xóa sổ một cách đáng tiếc, chỉ còn lại một số biệt thự lớn có giá trị bảo tồn cao nên nhà nước không cho dỡ bỏ.

Căn biệt thự cổ nổi tiếng nhất ở Sài Gòn có lẽ là tòa biệt thự có 99 cửa của đại phú gia Hứa Bổn Hòa (Hui Bon Hoa, chú Hỏa) được hoàn thành năm 1934, nằm trên 3 con đường thời Pháp là d’Ayot – Alsace Loraine – Hamelin. Sau năm 1975, ba tên đường này đổi thành Nguyễn Văn Sâm – Phó Đức Chính – Hồ Văn Ngà, tòa nhà được gia tộc họ Hứa ở cho đến năm 1975 thì được chính quyền mới tiếp quản, rồi trở thành Bảo tàng Mỹ thuật từ năm 1987 cho đến nay. Ba tên đường xung quanh tòa nhà này cũng đổi thành Nguyễn Thái Bình – Phó Đức Chính – Lê Thị Hồng Gấm (quận 1)

Một căn biệt thự cổ khác rất đẹp và có giá trị lớn là căn ở vị trí tiếp giáp ba mặt tiền đường Nguyễn Thị Diệu, Bà Huyện Thanh Quan và Võ Văn Tần có tuổi đời hơn 100 năm, vài năm trước được định giá 35 triệu USD. Biệt thự được xây dựng trên hai lô đất rộng 2.800 m2 (diện tích xây dựng 1.100 m2, cảnh quan 1.700 m2).

Căn biệt thự kiến trúc Pháp có giá 35 triệu USD

Ngoài ra có hàng trăm căn biệt thự kiến trúc Pháp lớn nhỏ khác còn lại trong nội đô Sài Gòn.

Ngoài những căn biệt thự cổ có từ thời Pháp này, sau 1954 ở Sài Gòn còn mọc lên một số căn biệt thự có kiến trúc tân thời do một thế hệ kiến trúc sư tài năng người Việt thiết kế:

Đây là căn biệt thự khác của gia tộc chú Hỏa nằm ở số 1 Lý Thái Tổ, sau này trở thành nhà khách chính phủ
Một căn biệt thự ở Sài Gòn
Biệt thự đường Trương Minh Giảng của ông Trương Bửu Điện, từng là lãnh sự của VNCH tại Hoa Kỳ, đại sứ VNCH tại Singapore và Tổng trưởng Bộ thông tin năm 1971.
Biệt thự trên đường Công Lý, đối diện sân Phan Đình Phùng. Đây là nơi ở của Thống đốc Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam – Lê Quang Uyển. Ngày nay nơi này là trụ sở Vidotour Indochina (địa chỉ 145 Nam Kỳ Khởi Nghĩa).

Hình bên trên là căn biệt thự nổi tiếng do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế, nằm ở góc đường Hồng Thập Tự – Duy Tân, nay là Nguyễn Thị Minh Khai – Phạm Ngọc Thạch. Trước 1975 là biệt thự của ông bà Ưng Thi (chủ rạp Rex). Có một thời gian ông bà Trần Văn Chương (song thân của bà Nhu) ở đây.

Sau năm 1975, có một thời gian nơi này là trụ sở Tổng lãnh sự quán Trung Quốc. Sau khi lãnh sự quán chuyển qua đường Hai Bà Trưng như hiện nay, tòa nhà này được cho thuê để mở nhà hàng Con Gà Trống.

Biệt thự trên đường Gia Long (nay là Lý Tự Trọng), đối diện Bệnh viện Grall (nay là Nhi Đồng 2). Biệt thự này dành cho các bác sĩ của bệnh viện ở
Căn biệt thự này nằm trên đường Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa), gần ngã tư Hiền Vương (nay là Võ thị Sáu), đối diện bên kia đường là viện Pasteur. Hiện nay tòa nhà này vẫn còn ở số nhà 173, sát bên nhà hàng Suối Đá.
Một biệt thự yên tĩnh, thuộc trường học của cộng đồng người Mỹ trước 1965. Khu vực này sau 1965 là BV Dã chiến 3 của Quân đội Mỹ ở khu vực gàn công viên Hoàng Văn Thụ ngày nay.
Can biệt thự nhỏ trên đường MInh Mạng, nay là đường Ngô Gia Tự. Bên phải là vườn hoa nhỏ góc Minh Mạng – Trần Hoàng Quân (nay là góc Ngô Gia Tự – Nguyễn Chí Thanh). Đi về bên trái là tới Đại học xá Minh Mạng, trường Trung Học Chu Văn An và nhà thờ Nữ Thánh Jeanne d’Arc.

Đây là căn biệt thự nổi tiếng ở số 60 Trần Quý Cáp, tư dinh của tướng Westmoreland – tổng tư lệnh quân đội Mỹ tại Vêịt Nam ở góc đường Trần Quý Cáp – Đoàn Thị Điểm, nay là Võ Văn Tần – Đoàn Thị Điểm. Tướng Westmoreland ở đây từ năm 1964 đến 1968. Sau đó là tướng Creighton Abrams (1968-1972), và sau cùng, Tướng Frederick Weyand C ở từ năm 1972 cho đến khi quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam.

Sau này, biệt thự trở thành trụ sở công ty xây dựng Hòa Bình. Mời các bạn xem 1 vài hình ảnh khác:

Biệt thự trên đường Bạch Đằng, gần ngã tư Phan Chu Trinh ở Gia Định.

Hình ảnh một số biệt thự khác ở Sài Gòn:

Đông Kha (biên soạn) – chuyenxua.net

Viết một bình luận