Chuyện ngày Tết xưa – Tập tính của người Việt trong Tết Nguyên Đán – Bài viết của Nguyễn Văn Vĩnh năm 1932

Vài năm gần đây, cứ tới dịp đầu năm là trên các diễn đàn trực tuyến, trên mạng xã hội, và cả trên báo chí chính thống, đã có rất nhiều tranh luận về việc có nên “gộp” Tết cổ truyền (Tết Nguyên Đán) vào Tết Dương Lịch hay không. Điều đó có nghĩa là nhiều người đã ủng hộ việc sẽ không ăn tết theo lịch Âm nữa, mà sẽ ăn Tết cổ truyền theo Tây lịch, mục đích là tránh cho dịp nghỉ Tết kéo dài quá lâu, làm gián đoạn sản xuất, giao thương.

Không chỉ vài năm gần đây, mà từ hàng thế kỷ trước, đã xuất hiện nhiều ý kiến về việc nên ăn Tết theo Tây lịch, bỏ lịch âm. Cứ mỗi dịp đầu năm thì những ý kiến đó lại trỗi dậy trên khắp các diễn đàn. Từ khi Việt Nam còn là thuộc địa của Pháp, thậm chí chính quyền thuộc địa còn ban hành sắc lệnh cấm tổ chức một số lễ hội theo lịch âm. Tuy nhiên bất chấp những điều đó, hàng ngàn năm qua người Việt vẫn đón Tết cổ truyền, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.

Một số người còn nói rằng Tết Nguyên Đán là ngày Tết của người Trung Quốc, và chúng ta ăn Tết Nguyên Đán đồng nghĩa với việc chưa thoát khỏi sự “Bắc thuộc” suốt hàng ngàn năm qua.

Không phủ nhận rằng ngày Tết cổ truyền của Việt Nam có thể có liên quan ít nhiều đến Tết Trung Hoa, nhưng quan trọng là đã từ rất lâu người Việt đã cải biến cái Tết thành nét đặc thù và phù hợp với văn hóa Việt Nam. Nguyên nghĩa của từ “Tết” chính là “tiết”. Văn hóa Việt cổ – thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước của khu vực Á Đông, do nhu cầu canh tác, đã phân chia thời gian trong một năm thành 24 tiết, ứng với mỗi tiết có một thời khắc “giao thời”. Trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên đán, sau này được gọi thành Tết Nguyên Đán.

Trong các sách sử, nhiều học giả nổi tiếng người Việt đều thừa nhận Tết cổ truyền của người Việt có ảnh hưởng từ Tết của người Trung Hoa. Tuy nhiên gần đây nhiều người lại trích dẫn một số thông tin nói rằng Tết Nguyên Đán có thể xuất xứ từ người Việt cổ. Việc đúng sai chưa rõ, nhưng có một điều chắc chắn rằng từ hàng ngàn năm qua người Việt đã ăn Tết theo kiểu của người Việt, với những nét văn hóa hoàn toàn riêng biệt, độc lập với dân tộc Trung Hoa, và được lưu truyền qua nhiều đời.

Sau đây là bài viết của học giả Nguyễn Văn Vĩnh viết năm 1932 nói về tập tính của người Việt trong những ngày Tết. Đây là một tư liệu quý giá để chúng ta hình dung được không khí ngày Tết của người Việt ở thời điểm hàng trăm năm trước, nhìn lại xem là có sự đổi khác so với ngày nay hay không. Qua bài viết này, tác giả Nguyễn Văn Vĩnh, từ 90 năm trước, đã giải thích rõ vì sao người Việt chỉ có thể đón Tết cổ truyền của mình bằng âm lịch dựa theo dựa chuyển động của không gian, của đất trời, mùa màng, chứ không thể đón bằng Tết dương lịch.

Nhà tân học, nhà báo, nhà văn, nhà phiên dịch Nguyễn Văn Vĩnh là một trí thức nổi tiếng vào đầu thế kỷ 20, được xem là ông tổ của nghề báo ở Việt Nam, cũng là thân phụ của nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Nhược Pháp (tác giả bài thơ Em Đi Chùa Hương). Bài viết sau đây nguyên tác ghi bằng tiếng Pháp, được Du Uyên dịch.

Bất chấp việc chính quyền ra các sắc lệnh bắt buộc phải sử dụng lịch dương, người Trung Quốc và người An Nam vẫn tiếp tục sử dụng lịch âm trong cuộc sống riêng tư của họ, trong quan hệ thương mại và trong hầu hết các văn bản hành chính công.

Mặc dù có những cấm đoán nghiêm khắc nhất, nhưng người Trung Quốc và người An Nam vẫn tổ chức các lễ hội theo âm lịch và đặc biệt là ngày đầu năm mới – một ngày lễ lớn đầy chất thơ và mang tính truyền thống. Trong 3 ngày lễ ấy, mọi người được thoải mái vui cười, bỏ qua những lo lắng phiền muộn, những mối hận thù cá nhân. Ba ngày tĩnh tâm để gợi nhớ tổ tiên, để cho các linh hồn hộ mệnh của họ trở về giữa những người đang sống. Mọi người chỉ xem các chương trình vui nhộn và nghĩ đến những điều hạnh phúc, ăn no uống say, thưởng thức những món ngon trong không khí trang trọng, khoác lên mình những bộ quần áo đẹp nhất, nói những điều đẹp đẽ nhất, trao nhau những điều ước và những lời chúc tụng tốt đẹp. Đó là một sự nghỉ ngơi, một hiệp định đình chiến chấm dứt mọi tranh đấu và ganh đua, một giấc mơ hạnh phúc lớn lao mà cả một dân tộc tự nguyện thực hiện sau một năm đau khổ vì thất bại.

Tôi cam đoan với các bạn rằng, tôi yêu Tết như một đứa trẻ. Vì tôi thấy ớ đó con người sống nhân bản hơn, tốt hơn với đồng loại, hài lòng với chính mình, với mọi thứ và với mọi người. Tôi đặc biệt thích Tết, bởi vì phụ nữ làm cho mình đẹp hơn và để cho mọi người ngưỡng mộ. Tôi vẫn còn thích Tết vì những ngày này người An Nam lại rất yêu hoa. Thông thường người dân nghèo mà quanh năm không có thời gian để ngắm nhìn những gì đẹp đẽ của thiên nhiên và đi ngang qua một cây bông hồng mà không thèm nhìn ngắn, thì đến ngày này tất cả họ đều trở thành nhà thơ và nghệ sĩ, ngay cả trong sự sắp xếp cho ngôi nhà của họ. Ngôi nhà khiêm tốn nhất cũng trở thành một cung điện nhỏ, và người bán trà trở thành một bà chủ vui tính, đặt chiếc chiếu đẹp nhất của mình lên chiếc giường bằng tre để mời bạn ngồi. Tất cả những gì chúng ta có thể tìm thấy mang lại một dáng vẻ chỉnh tề cho những thứ rách rưới nhất.

Nhiều gia đình có bàn thờ gia tiên trông rất kỳ lạ. Đó luôn là những người không giàu có gì. Một cái bàn đơn giản có tấm khăn phủ bên ngoài mà người ta thường có trong gia đình, được đặt sát vào tường, dán thêm một tờ giấy đỏ đơn giản, một vài lễ vật mà người ta đặt bằng cả tấm lòng của mình, tất cả được thắp sáng bằng một bóng đèn nhỏ và tỏa ra mùi nhang thơm ngào ngạt.

Nhưng tại sao tất cả những điều này không thể được thực hiện vào ngày mùng 1 của năm dương lịch? Đó là vì năm dương lịch bắt đầu gần với ngày Đông chí (chỉ mười ngày sau) và hoa của đất nước chúng ta vẫn chưa nở. Những cây mận, đào, mơ mà chúng ta trồng chỉ để lấy hoa, không nở kịp cho đến đầu mùa xuân (ngày mùng 5 tháng Hai theo lịch dương). Những loài hòa quý hiếm đến với chúng ta từ phương Bắc chỉ có thể vượt biển vào những khoảng thời gian tiểu hàn (ít lạnh, ngày mùng 6 tháng Một) và đại hàn (cực lạnh, ngày 21 tháng Một) mới đến được chúng ta. Đó là trường hợp của hoa thủy tiên và hoa mẫu đơn – hai loài hoa được người Trung Quốc gọi là “nữ hoàng của các loài hoa”. Vì vậy, Tết của chúng ta luôn rơi vào sớm nhất là ngày 22 tháng Một và muộn nhất là ngày 22 tháng Hai theo lịch châu Âu.

Thời tiết trong những ngày Tết cũng rất đặc biệt, cho dù trời nóng và khô, hay lạnh và mưa. Nồm (thời tiết nóng) của Tết là một hiện tượng mà chúng ta cho là nguyên nhân làm cho hoa nở quá sớm và làm hư hoa của chúng ta quá nhanh. Nó không giống như nồm của tháng Mười Một và tháng Mười Hai. Tương tự như vậy, cơn mưa phùn băng giá này khiến bạn luôn nghĩ đến việc về nhà khi ra ngoài, đó là trận mưa phùn Tết mà người ta dễ dàng tha thứ cho việc rỉ rả và thấm vào người. Thời tiết này thích hợp với những trò chơi đánh bài kéo dài trong gia đình; hoặc một bữa tối sôi nổi, trong đó mỗi người khách tự nhúng thịt sống, cá, tôm, salad và rau vào trong một nồi nước dùng lớn, sôi sùng sục để trên chiếc lò lớn được đặt giữa bàn (ăn giúng).

Một lý do nữa khiến người dân tổ chức Tết vào ngày mùng 1 tháng Một âm lịch, là do nó tương ứng với khoảng thời gian nghỉ ngơi sau khi kết thúc công việc cấy lúa mùa ở vùng đồng bằng ngập nước (ruộng chiêm). Trong lúc đó, người dân ở các khu vực phía trên sẽ bán hết số dư còn lại của vụ thu hoạch tháng Mười và không còn gì để làm. Vì vậy, bây giờ là thời điểm thích hợp để vui chơi và ăn những gì chúng ta kiếm được ít ỏi trong năm. Các chi phí dùng cho lễ hội này đã được dự trù và lễ này là dịp đo lường sự dồi dào của mùa màng. Nếu điều đó là tốt, những người nông dân sử dụng số dư thừa của họ, và nếu như vụ mùa thất bát, hoặc không bán được lúa thì những người buôn bán nghèo khó không có gì để bán, khó mà trả được nợ.

Vì vậy, đừng lên tiếng phản đối Tết.

Tất cả mọi người cần phải sống khi cây lúa phát triển tốt và bán được giá. Đúng là những người tạo ra của cải này nên thu lợi từ nó và chuyển cho tất cả các ngành nghề khác cùng thu lợi.

Vài nét về tác giả:

Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) là nhà tân học, nhà báo, nhà văn, nhà phiên dịch, nhà chính trị Việt Nam đầu thế kỷ 20, được xem là ông tổ của nghề báo ở Việt Nam. Năm 1896, khi mới 14 tuổi ông vào làm thông ngôn ở tòa sứ Lào Cai, năm sau chuyển về Hải Phòng. từ năm 1897-1905, ông làm ở tòa sứ Hải Phòng và Bắc Ninh. Năm 1906, ông gia nhập Hội nhân quyền Pháp, hợp tác in ấn tờ Đại Nam đồng văn nhật báo xuất bản bằng chữ Hán. Năm 1907, tờ báo đổi tên thành Đăng Cổ Tùng Báo và in bằng cả 2 chữ Nho và Quốc Ngữ, ông được cử làm chủ bút. Năm 1909, ông ra tờ Notre Revue bằng tiếng Pháp. Năm 1913 ông làm chủ bút tuần báo Đông Dương tạp chí. Năm 1914, ông kiêm luôn chức chủ bút tờ Trung Bắc tân văn. Năm 1919, Đông Dương tạp chí ngừng xuất bản, thay thế là tờ Học báo do ông làm chủ nhiệm, đồng thời mua tờ Trung Bắc tân văn và cho ra hằng ngày. Năm 1927, ông cùng 1 người khác lập tủ sách Âu Tây tư tưởng. Năm 1929, ông được bầu vào Hội đồng Kinh tế và Tài chính Đông Dương. Năm 1931, ông lập tờ l’Annam Nouveau. Năm 1936, ông sang Lào và mất tại đây.

Tòa soạn báo Trung Bắc Tân Văn của Nguyễn Văn Vĩnh

Nguyễn Văn Vĩnh – Năm Thân 1932. Du Uyên dịch

1 bình luận về “Chuyện ngày Tết xưa – Tập tính của người Việt trong Tết Nguyên Đán – Bài viết của Nguyễn Văn Vĩnh năm 1932”

  1. Nói đơn giản ăn tết DL học Tây thì có khác chi ăn tết âm lịch cho là học Tàu; học cái mà bỏ văn hóa cổ truyền của Tổ Tiên Ông Bà thì đúng là nhận thức quá thiểu năng !

    Trả lời

Viết một bình luận