Câu chuyện về võ tướng Trần Văn Học – Người Việt đầu tiên quy hoạch đường phố Sài Gòn và vẽ bản đồ Gia Định

Những ai đã sống ở Gia Định trước năm 1975, có lẽ không ai là không biết tới con đường Nguyễn Văn Học, ngay đầu đường là nhà thương cùng mang tên Nguyễn Văn Học. Sau năm 1975, đường Nguyễn Văn Học đổi tên thành Nơ Trang Long, còn nhà thương Nguyễn Văn Học trở thành bệnh viện nhân dân Gia Định.

Nhà thương Nguyễn Văn Học trước 1975, nay là bệnh viện nhân dân Gia Định

Tuy nhiên, ít người biết rằng bản thân cái tên Nguyễn Văn Học là một sự nhầm lẫn lớn, vì trong lịch sử không có danh nhân nào mang tên Nguyễn Văn Học.

Trong cuốn Sài Gòn Năm Xưa, cụ Vương Hồng Sển viết:

Lăng Nguyễn Văn Học, trước kia Pháp gọi là “tombeu du Maréchal Nguyễn Văn Học”. Nay truy ra không có công thần nào triều Nguyễn có tên họ như vậy. Có chăng là ông Trần Văn Học, tác giả bức địa đồ tỉnh Gia Định họa năm 1815. Ngày trước ngôi mộ Nguyễn Văn Học ở chỗ khác, chủ đất xin dời, nên tham biện sai gỡ ra từng khối nguyên đem về ráp lại trong hoa viên gần tòa hành chánh Gia Định.

Tòa hành chánh tỉnh Gia Định mà cụ Sển nói, nay là trụ sở của UBND quận Bình Thạnh ở gần chỗ Lăng Ông Bà Chiểu.

Ngã 3 Chi Lăng trước năm 1975. Nhà bên phải là Tòa Hành Chánh tỉnh Gia Định, nay là UBND quận Bình Thạnh. Phía bên kia đường là đường Nguyễn Văn Học (nay là đường Nơ Trang Long), bên cạnh đó là bệnh viện Nguyễn Văn Học (nay là bệnh viện nhân dân Gia Định)

Như vậy, do sự nhầm lẫn trong việc di dời lăng mộ, người Pháp đã khắc tên lên lăng mới của võ tướng tên là Trần Văn Học thành tên Nguyễn Văn Học, nên mới có sự nhầm lẫn tai hại này.

Từ năm 1962, nhà nghiên cứu Nghiêm Thẩm giải thích người Pháp ghi Trần Văn Học họ Nguyễn, vì họ nghe những người ở xung quanh ngôi mộ cổ nói vậy. Nhưng tra kỹ trong Đại Nam chính biên liệt truyện, chỉ thấy có giám thành Trần Văn Học, và không thấy chép việc ông Học được phép vua cho mang họ Nguyễn (quốc tính) bao giờ”.

Nghiêm Thẩm nhận định: “Chắc vì ông Học không có con hay thân nhân và cũng vì các người ở gần khu mộ nhớ lộn họ của ông nên ghi sai”.

Ngoài ra, cũng ít người biết rằng Trần Văn Học chính là người tạo nên diện mạo của các trục đường chính của Sài Gòn hiện nay, trước cả khi người Pháp quy hoạch Sài Gòn.

Theo tác giả Chung Hai trong bài viết đăng trên báo Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Học là một võ tướng có công lớn với chúa Nguyễn Ánh từ khi bôn tẩu đến lúc lên ngôi vua Gia Long. Ông từng đưa mẹ của chúa Nguyễn Ánh cùng gia quyến chạy sang Cao Miên khi bị quân Tây Sơn truy đuổi; sau đó có mặt trong đoàn đưa hoàng tử Cảnh đi cầu viện nước ngoài. Tuy có công lớn như vậy, nhưng khác với các võ tướng khai quốc công thần khác của triều Nguyễn như là Lê Văn Duyệt, Võ Tánh, Nguyễn Huỳnh Đức, Trương Tấn Bửu… thông tin về ông Trần Văn Học rất hạn chế. Cuộc sống của ông khá bình lặng, đến mức cả sử sách, tư liệu lịch sử không rõ ông sinh ra và mất năm nào.

Chỉ có điều chắc chắn là ông Trần Văn Học là người huyện Bình Dương, Gia Định, cụ thể là dân khu vực ngã năm Bình Hòa, nên khi qua đời ông được an táng trên khu vực này.

Trong quá trình bôn tẩu, Trần Văn Học từng đến Xiêm (Thái Lan), Ấn Độ, Pháp, Bồ Đào Nha, Philippines, Malaysia… Đi nhiều và hiểu biết nhiều, ông không phải là vị võ tướng đơn thuần, mà trở thành người Việt đầu tiên vẽ bản đồ Sài Gòn – Gia Định xưa theo phương pháp của phương Tây.

Là võ tướng, nhưng Trần Văn Học không chỉ biết chữ Nho mà còn còn giỏi quốc ngữ và tiếng Latin nên luôn là trợ tá đắc lực của chúa Nguyễn Ánh trong thông ngôn, dịch sách, nhất là các sách kỹ thuật phương Tây, kiêm cả việc chế tạo hỏa xa, địa lôi và các loại binh khí. Ông làm tới chức Giám thành Khâm sữ Chưởng cơ, tham gia thiết về và giám sát xây dựng các thành Phiên An (ở Gia Định), các thành ở Huế, Vinh, Thanh Hóa, Hà Nội, Bắc Ninh…

Năm 1790, Nguyễn Ánh cho xây thành Phiên An (thành Bát Quái) theo thiết kế kiểu vauban của kỹ sư người Pháp Théodore Lebrun, hai sĩ quan công binh Pháp Olivier de Puymanel, Le Brunt là trông coi xây dựng, và giao cho Trần Văn Học “phác họa đường sá và phân khu phố phường” đường trong thành năm 1790 (Thành này còn được gọi tên khác là thành Quy, khác với thành Phụng của vua Minh Mạng xây năm 1836, sau khi thành Quy đã bị thiêu rụi sau loạn Lê Văn Khôi)

Khi đó, chúa Nguyễn Ánh còn giao cho Trần Văn Học chịu trách nhiệm quy hoạch phố thị nằm ngoài thành lũy.

Trước khi người Pháp quy hoạch, xây dựng Sài Gòn sau khi chiếm được 3 tỉnh Nam kỳ từ sau năm 1862, thì ở Sài Gòn đã có sẵn nhiều con đường do ông Trần Văn Học thiết kế.

Bản đồ Sài Gòn năm 1864, 2 năm sau Pháp khi chính thức nắm quyền kiểm soát Sài Gòn – Gia Định sau Hiệp ước Nhâm Tuất. Hầu hết các con đường vuông vức này là kế thừa từ quy hoạch của Trần Văn Học

Năm 1862, người Pháp đã đánh số cho những con đường này, rồi sau đó thì mới đặt tên đường mới, như là đường số 1 đặt tên là Lefebre, nay là đường Nguyễn Công Trứ, đường số 2 tên là Tay-Ninh, nay là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm… Tên những con đường này ngày nay sẽ được nhắc đến ở cuối bài viết.

Trong bản họa đồ của Trần Văn Học vẽ năm 1815 bên trên, có thể thấy bên ngoài thành Bát Quái (thành Quy) là những con đường do ông quy hoạch, sau đó trở thành những trục đường chính của đô thị Sài Gòn được người Pháp tiếp tục mở rộng. Bức họa đồ này được ghi tên bằng chữ Hán, chữ quốc ngữ mới được thêm vào sau này. Đây là bản đồ khi chưa có chữ quốc ngữ:

Ngoài ra, theo Đại Nam Chính biên liệt truyện của Quốc sử quán Triều Nguyễn biên soạn thì ông Trần Văn Học cũng là một trong những người phụ trách xây dựng thành Bát Quái (thành Quy) ở trấn Phiên An, là ngôi thành có quy mô lớn được chúa Nguyễn Ánh giao cho hai người Pháp là Le Brunt và Olivier de Puymanel trông coi việc xây dựng. Tuy nhiên Le Brunt vì chê không được trả công xứng đáng, lại bị dưới quyền của Olivier, nên Le Brunt chỉ làm việc được 15 tháng rồi tự ý bỏ đi. Sau đó không lâu thì Olivier cũng nhận lệnh đi công tác xa, công việc theo dõi xây thành Bát Quái từ đó được giao lại cho Trần Văn Học. Để làm được điều này, có thể Trần Văn Học cũng đã tham gia giám sát xây thành từ đầu cùng với 2 sĩ quan người Pháp kia.

Năm 1834, sau khi vất vả dẹp loạn Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng quyết định phá bỏ hoàn toàn thành Bát Quái vì lo sợ những quân phản loạn khác sử dụng nơi này làm cơ sở chống lại triều đình. Ít lâu sau đó, vua cho xây dựng lại một thành khác có quy mô nhỏ hơn nhiều, chính là thành Phụng (thành Gia Định), và sức chống cự của ngôi thành này không tốt bằng thành cũ, thành Phụng dễ dàng bị liên quân Pháp – Tây Ban Nha hạ năm 1859, rồi sau đó thành Phụng cũng bị thiêu rụi chỉ còn lại phần nền để Pháp xây dựng một trại lính trên đó (thành Ông Dèm, sau này là thành Cộng Hòa).

Màu đỏ là thành Quy, màu xanh góc bên phải là thành Phụng được vua Minh Mạng xây lại. Cổng thành Phụng là vị trí ngã 4 đường Lê Duẩn – Đinh Tiên Hoàng ngày nay

Vào ngày 23 tháng 4 năm 1998 tại Sài Gòn, liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật thành phố đã tổ chức buổi báo cáo về “Vai trò khoa học và kỹ thuật của Trần Văn Học trong lịch sử 300 năm thành phố”.

Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu đã giới thiệu và minh họa các công trình về bản đồ của ông Học. Cuối buổi, giáo sư Trần Văn Giàu đã tổng kết và đánh giá cao vai trò của Trần Văn Học trong tiến trình xây dựng các công trình ở miền Nam Việt Nam, đặc biệt là ở Sài Gòn cách đây mấy thế kỷ.

Sách Địa chí Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (tập I) ghi nhận:

Ông được đánh giá là người rất có tài vẽ địa đồ, họa đồ kỹ thuật. Đem so sánh bản đồ Sài Gòn 1799 của J-M d’Ayot với bản đồ Gia Định 1815 của Trần Văn Học thì, về kỹ thuật đồ bản như trắc địa hay tỉ lệ, bản đồ của ông Học chính xác hơn nhiều…

Bản đồ Sài Gòn 1799 của J-M d’Ayot

Tên các đường do ông Trần Văn Học quy hoạch được đánh số từ 1 đến hơn 30, đối chiếu với tên hiện nay như sau:

Đường số 1, năm 1865 tên là Lefebre. Sau này, đoạn đầu của đường Lefebre được cắt ra và mở rộng thêm để thành đường Canton (sau đó đổi tên thành đường Somme, nay là Hàm Nghi). Từ năm 1955 cho đến nay, đường Lefebre đổi tên là Nguyễn Công Trứ.

Đường số 2, năm 1871 tên là đường Tay-Ninh, năm 1897 đổi tên thành Rousseau. Năm 1836, cắt đoạn đầu thành đường riêng tên là Dr Angie. Năm 1943, cả đoạn đường số 2 cũ cùng mang tên Dr Angie. Năm 1955, đường Angie đổi thành Nguyễn Bỉnh Khiêm cho tới nay.

Đường số 3, năm 1865 mang tên đường d’Ayot, năm 1955 đổi tên thành Nguyễn Văn Sâm, năm 1975 đến nay tên là Nguyễn Thái Bình.

Đường số 4, năm 1865 mang tên Boulevard de la Citadelle, tức đường Thành, vì nó đâm thẳng vào cổng thành Gia Định cũ, sau đó được người Pháp cải thành trại lính được gọi là Thành Ông Dèm. Năm 1901, đường Citadelle mang tên đường Luro, năm 1955 thành đường Cường Để. Năm 1985, đường Cường Để nhập với đường Bến Bạch Đằng thành đường Tôn Đức Thắng như hiện nay.

Đường số 5, năm 1865 mang tên đường Vannier, năm 1955 đến nay mang tên Ngô Đức Kế.

Đường số 6, năm 1871 mang tên đường Phnompenh, năm 1897 mang tên đường Lafont, từ năm 1955 đến nay mang tên đường Chu Mạnh Trinh.

Đường số 7, năm 1865 mang tên Hamelin. Đến năm 1917, cắt đường Hamelin thành 2 đoạn, đoạn bên hông Tòa Hòa Giải tên là Đỗ Hữu Vị, đoạn còn lại vẫn tên cũ Hamelin. Từ năm 1955, đường Hamelin đổi tên thành Hồ Văn Ngà, năm 1975 đến nay là đường Lê Thị Hồng Gấm. Đoạn đường tên Đỗ Hữu Vị thì mang tên là Huỳnh Thúc Kháng từ 1955 cho đến nay.

Đường số 8, năm 1871 mang tên đường Bangkok, năm 1920 đổi tên thành Massiges, từ năm 1955 đến nay mang tên Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Đường số 9, đây là con đường dài và có lịch sử phức tạp. Năm 1871, đường số 9 tách thành 3 đoạn, 1 đoạn mang tên đường Batavia, đường này ngày nay nằm ở phía trước chợ Bến Thành (đi qua bùng binh), nó đã bị xóa sổ khi chợ Bến Thành được xây dựng ở vị trí này. Đoạn thứ 2 tên là Ohier, bên hông của Tòa Hòa Giải, năm 1955 đến nay tên là đường Tôn Thất Thiệp. Đoạn thứ 3 tên là đường Eglise, năm 1879 đổi tên thành đường d’Ormay, đến năm 1955 mang tên Nguyễn Văn Thinh, từ 1975 đến nay mang tên Mạc Thị Bưởi.

Đường số 10, năm 1865 mang tên đường Hopital, tức là đường Bệnh viện, vì nó nằm chính diện cổng vào bệnh viện quân y của Pháp. Năm 1897, đường đổi tên thành Pasteur, đến năm 1955 tên là Đồn Đất. Năm 1995 đến nay tên là đường Thái Văn Lung.

Đường số 11, năm 1871 mang tên đường Thu-duc (Thủ Đức), năm 1897 đổi tên thành Amiral Dupré, năm 1955 mang tên Thái Lập Thành, từ 1975 đến nay tên là đường Đông Du.

Đường số 12, năm 1871 tên là đường Thủ Dầu Một, năm 1897 đổi thành Cornilier Luciniere, từ năm 1955 đến nay tên là đường Thi Sách.

Đường số 13, năm 1865 tên là đường Bonard, từ 1955 đến nay mang tên đường Lê Lợi.

Đường số 14, năm 1865 mang tên đường Imperiale, năm 1870 đổi thành Nationale, năm 1902 mang tên Paul Blanchy. Năm 1952, chính quyền của quốc trưởng Bảo Đại cắt đôi đường, đoạn ở Quận 1 ngày nay vẫn tên cũ, đoạn từ Norodom (nay là Lê Duẩn) tới cầu Kiệu tên là Trưng Nữ Vương. Từ năm 1955, hai đường nhập trở lại mang tên đường Hai Bà Trưng cho đến nay.

Đường số 15, năm 1865 chia thành 3 đoạn nối nhau mang tên lần lượt là Sainte Enfance, Isabelle, và Palanca. Năm 1870, Sainte Enfance và Isabelle nhập lại thành đường Espagne, còn đoạn đường mang tên Palanca (phía ngã 6) đổi tên thành đường Lê Lợi từ năm 1947. Năm 1955, đường Espagne nhập trở lại với đường Lê Lợi thành đường Lê Thánh Tôn.

Đường số 16, năm 1865 tên là đường Catinat. Con đường này ban đầu tương ứng với đường Đồng Khởi + Phạm Ngọc Thạch hiện nay. Năm 1897, đường Catinat cắt thành 3 đoạn, đoạn từ sông Sài Gòn tới Nhà thờ mang tên cũ là Catinat. Đoạn từ Nhà thờ tới tháp nước (nay là Hồ Con Rùa) mang tên Blancsube. Đoạn từ Tháp nước tới đường Mayer (nay là Võ Thị Sáu) tên là Garceria. Năm 1952, chính quyền của quốc trưởng Bảo Đại đổi tên đường Garceria thành đường Duy Tân. Năm 1955, đường Catinat đổi tên thành đường Tự Do, còn đường Blancsube sáp nhập vào đường Duy Tân. Sau năm 1975, đường Tự Do đổi tên thành đường Đồng Khởi, còn đường Duy Tân đổi tên thành đường Phạm Ngọc Thạch.

Đường số 17, năm 1865 mang tên là Gouverneur, đến năm 1870 đổi thành Lagrandiere. Năm 1950, chính quyền của quốc trưởng Bảo Đại đổi tên thành đường Gia Long. Năm 1975 đến nay, đường Gia Long đổi thành Lý Tự Trọng.

Đường số 18, khi người Pháp đến, họ đào một con kênh dọc theo con đường này, gọi là Grand Canal, người Việt gọi là Kinh Lớn. Đường hai bên bờ kinh được đặt 2 tên khác nhau, đường bên trái chạy ra sông Sài Gòn tên là Rigault De Genouilly, đường bên phải tên là Charner. Sau đó Kinh Lớn bị lấp, hai đường nhập thành một, tên là đại lộ Charner. Từ năm 1955 đến nay, đường Charner đổi tên thành Nguyễn Huệ.

Đường số 19, từ năm 1865 mang tên đường Shanghai (Thượng Hải), năm 1906 đổi tên thành Palanca. Từ năm 1955 đến nay tên đường là Nguyễn Trung Ngạn.

Đường số 20, được đặt tên là Adran. Năm 1920, đổi tên thành Georges Guynemer. Năm 1955, đường tên là Võ Di Nguy, từ 1975 đến nay mang tên Hồ Tùng Mậu.

Đường số 21, từ 1865 mang tên Thabert. Năm 1920, đường này cắt thành 2 đoạn, tên là Taberd và Mossard. Từ năm 1955 đến nay, 2 đường này nhập trở lại để mang tên Nguyễn Du.

Đường số 22, năm 1865 mang tên đường Chaigneau, từ năm 1955 đến nay mang tên Tôn Thất Đạm.

Đường số 23, không còn dấu tích, đã bị người Pháp san bằng khi bắt đầu quy hoạch Sài Gòn.

Đường số 24, vốn là con đường dọc theo một con rạch tự nhiên. Người Pháp đánh số 24 cho con đường này, sau đó đặt tên cho 2 con đường 2 bên rạch tên là Olivier và Pellerin. Sau đó con rạch bị lấp, 2 đường nhập thành 1 và mang tên đường Pellerin. Từ năm 1955, đường Pallerin đổi tên thành đường Pasteur. Năm 1975, đường Pasteur đổi tên thành Nguyễn Thị Minh Khai. Tuy nhiên việc đổi tên này bị hội Pasteur thế giới phản ứng nên năm 1991, đường này trở lại cái tên Pasteur như từ năm 1955.

Đường số 25. Đây vốn là con đường lâu đời và rất quan trọng ngay từ thế kỷ 18, là con đường thiên lý nối với đường Cái Quan. Sau đó người Pháp gọi tên đường là Strategique, đến năm 1865 mang tên đường chính thức là Chasseloup Laubat. Năm 1955, đường đổi tên thành Hồng Thập Tự, đoạn phía Hàng Xanh tên là Hùng Vương. Năm 1975, hai đường này nhập trở lại và mang tên Xô Viết Nghệ Tĩnh. Năm 1991, vì đường Pasteur được trả lại tên như đã nhắc đến ở trên, nên chính quyền cắt một đoạn của Xô Viết Nghệ Tĩnh để thành đường Nguyễn Thị Minh Khai như ngày nay.

Đường số 26, từ năm 1865 mang tên Imperatrice, đến năm 1870 đổi tên thành Mac Mahon. Năm 1945, đường này mang tên tổng thống Pháp, tướng De Gaulle. Từ năm 1952, đường này cắt ra một đoạn phía sông Sài Gòn đến đường Gia Long, đặt tên là Marechal De Lattre De Tassigny. Năm 1955, hai đoạn đường này được quy hoạch lại, đoạn từ sông Sài Gòn đến cầu Công Lý mang tên đường Công Lý, đoạn từ cầu đến phía sân bay tên là Ngô Đình Khôi. năm 1963, đường Ngô Đình Khôi đổi thành tên đường Cách Mạng 1-11. Sau năm 1975, đường Công Lý đổi tên thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đường CM 1-11 đổi thành đường Nguyễn Văn Trỗi.

Đường số 27 được đặt tên là des Mois, sau năm 1955 đổi tên thành Phan Đình Phùng, từ 1975 đến nay mang tên Nguyễn Đình Chiểu.

Đường số 28, từ năm 1871 mang tên Cap Saint Jacques, đến 1897 đổi thành Filippini, từ 1955 đến nay mang tên Nguyễn Trung Trực.

Đường 29, ban đầu được đặt tên là Bà Rịa, năm 1897 đổi lại thành Legrand de la Liraya. Từ năm 1955 mang tên Phan Thanh Giản, sau năm 1975 đến nay tên là Điện Biên Phủ.

Đường số 30, năm 1877 mang tên đường Nemesis. Năm 1920 đổi thành đường Alsace Lorraine, từ năm 1955 đến nay mang tên Phó Đức Chính.

Đường số 31, vì đi ngang qua nghĩa trang Pháp (nay là công viên Lê Văn Tám) nên ban đầu đường này tên là Rue Des Deux Cimetieres, đến năm 1886 đổi lại thành đường Mayer. Năm 1955, tên đường là Hiền Vương, từ 1975 đến nay tên là Võ Thị Sáu.

Bài: Đông Kha – chuyenxua.net

Viết một bình luận