Câu chuyện về ông Wang Tai và viên ngói “Made in Saigon” trên mái Nhà thờ Đức Bà

Năm 2004, khi tháo dỡ một số viên ngói bị hư của Nhà thờ Đức Bà đã được xây dựng từ 140 năm trước trên con đường Catinat ở trung tâm Sài Gòn (tức đường Tự Do, nay là Đồng Khởi), người ta thấy có dòng chữ đề xuất xứ ‘Wang-Tai Saigon’ trên mặt các viên ngói.

Wang-Tai có nghĩa là gì? Trong bài viết này, chúng ta cùng đi ngược về quá khứ để tìm hiểu một phần lịch sử của Sài Gòn.

Thời gian trước đây, một số báo trong nước cho rằng có thể các viên ngói trên Nhà thờ Đức Bà có ghi chữ “Wang-Tai Saigon” này được sản xuất tại Sài Gòn thời gian sau này, để thay thế các viên ngói nguyên thủy đã bị hư hại theo thời gian. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp thì sự thật lại không phải vậy. Ngói Wang-Tai đã được sản xuất ở Sài Gòn khi nhà thờ được xây từ năm 1877 đến năm 1880.

Điều này có nghĩa là ngay từ thời xa xưa, Nhà Thờ Đức Bà đã được xây dựng với một số vật liệu được “made in Vietnam” bên cạnh các vậy liệu nhập khẩu khác, và sản phẩm ngói Wang-Tai này đạt được chất lượng đủ để các kiến trúc sư Pháp lúc đó lựa chọn. Ngoài ra, một lý do khác nữa là công ty của ông Wang Tai đã trúng thầu xây dựng Nhà thờ Đức Bà vào thập niên 1870, nên một phần ngói của nhà thờ do chính các xưởng của ông sản xuất, sau đó đã tồn tại được trên 100 năm.

Ông Wang-Tai, phiên âm là Vương Đại (hoặc Vương Thái), tên thật là Trương Bội Lâm, một Hoa kiều có ngôi nhà nổi tiếng nằm ở ngay trung tâm Sài Gòn, đầu đường Hàm Nghi hiện nay, chính là Tòa nhà Thuế Quan trước 1975.

Ngôi nhà đồ sộ này mang tên Maison Wang-Tai, lớn hơn cả dinh Thống đốc thời đó. Hầu như là ai cũng từng đi ngang qua tòa nhà này, nếu như đã từng sống bất kể thời gian nào ở Sài Gòn suốt 150 năm qua. Tòa nhà được xây dựng năm 1867, ban đầu là tư dinh của Wang Tai, một phần cho người Pháp thuê làm văn phòng, sau đó thì bán lại cho chính quyền với giá 254,000 francs để làm tòa thị chính.

Tòa nhà Wang Tai lúc đang được xây dựng ở bên cạnh cột cờ thủ ngữ bên bờ sông Sài Gòn (1867)

Tòa nhà Wang Tai này có thể xem là trung tâm hành chính đầu tiên của Sài Gòn, vừa là cơ quan hành chính, có phòng Thương mãi, phòng Chứng khoán để cấp môn bài, chứng nhận giấy tờ mua bán bất động sản…

Tòa nhà của Wang Tai lúc xây dựng xong. Đây là trung tâm hành chính đầu tiên của Sài Gòn

Từ nhà của Wang Tai về hướng cảng Sài Gòn, dọc theo rạch Bến Nghé là các xưởng làm gạch và ngói của ông. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp, trong các viên ngói đỏ hơn trăm năm tuổi trên nóc Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn, có một số viên được làm từ các xưởng gạch của ông, phần lớn còn lại là vẫn phải nhập từ Pháp.

Các xưởng gạch của ông Wang Tai sản xuất ra loại gạch tốt, đáp ứng được cho nhu cầu xây dựng bắt đầu ngày càng nhiều cho các công trình ở Sài Gòn và nhiều nơi khác, vào thời kỳ mà người Pháp bắt đầu đẩy mạnh xây dựng nhiều công trình kiến trúc và nhà ở tại Nam Kỳ. Trong cuộc triển lãm công nghiệp và nông nghiệp năm 1880, sản phẩm gạch Wang Tai đã giành được huy chương bạc. Ngoài ra ông Wang Tai cũng tham dự triển lãm quốc tế năm 1878 ở Paris với các sản phẩm đồ gốm được sản xuất ở Chợ Lớn.

Trở về tòa nhà được gọi là “nhà của Wang Tai” cũng có nhiều đều để nói tới. Khi tòa được xây năm 1867, nó khác với kiểu dáng mà chúng ta thấy hiện nay, vì gần như là đã bị đập hoàn toàn để xây lại ngay từ năm 1887, sau khi xây dựng chỉ 20 năm.

Đây là hình dáng ban đầu của tòa nhà Wang Tai

Ban đầu, ông Wang Tai và gia đình ở tại đây, nhưng phần lớn của tòa nhà là khách sạn mang tên là Cosmopolitan, là một trong những khách sạn đầu tiên của Sài Gòn. Bên trong khách sạn được ông Wang Tai cho thuê một phần làm văn phòng. Theo tư liệu ngân sách do chính phủ Pháp ở Sài Gòn in năm 1876, thời đó ông Wang Tai có 3 căn nhà cho chính quyền thuê lại, ngoài tòa nhà Maison Wang-Tai này còn có một căn ở đường rue de Canton (nay là đường Triệu Quang Phục) cho thuê làm văn phòng điện tín, và một căn khác ở Bình Tây làm bốt cảnh sát.

Tòa nhà Wang Tai năm 1870

Năm 1874, gia đình ông Wang Tai dọn ra khỏi Maison Wang-Tai, đến năm 1880 ông đề nghị bán lại tòa nhà này cho chính quyền với giá 225.000 francs. Theo bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp, chính quyền lúc đó đã xem xét kinh phí đang mướn và tiền quản lý bảo trì tòa nhà cùng số tiền đang còn nợ chưa trả, Hội đồng quản hạt đã đồng ý bỏ ra 254.000 francs để mua lại tòa nhà vào năm 1882.

Trong một cuốn sách xuất bản năm 1883, tác giả Antole Petiton đã có nhắc đến tòa nhà Wang Tai, lúc này là Tòa thị chính, như sau:

“Khi tàu đến cảng Sài Gòn, du khách có thể thấy 2 nhà nổi bậc là Cảng Nhà Rồng và nhà của ông Wang Tai ở khu vực rạch Bến Nghé và sông Sài Gòn.

Cả Sài Gòn ai cũng biết đến ông Wang Tai, nhà của ông có 3 tầng rất lớn với cột cửa vòng cong và mái hiên nằm ngay giữa trung tâm Sài Gòn. Đây cũng là Tòa thị chính thành phố Sài Gòn và là nơi ở của ông thị trưởng. Ông thị trưởng quả là người công chức được chu cấp chỗ ở tốt nhất”.

Sau khi mua lại tòa nhà này, chính quyền đã phải bỏ ra rất nhiều tiền để tu bổ lại. Cuối năm 1884, bản tường trình của kiến trúc sư A. Foulhoux cho biết tòa nhà được xây dựng không đủ chất lượng để có thể nâng cấp, sửa chữa. Vì vậy vị kiến trúc sư này đề nghị có phương án sửa chữa lại với chi phí dự trù là 30.000 piastres (tiền Đông Dương, 1 piastre tương đương khoảng 10 francs), hoặc phá bỏ hoàn toàn và xây lại với chi phí 75.000 piastres.

Tòa nhà Wang Tai sau khi đã sửa chữa lại năm 1887

Cuối cùng, hội đồng quản hạt biểu quyết thông qua ngân sách 37.000 piastres để sửa chữa. Chính ông Foulhoux là kiến trúc sư trưởng sửa chữa lại maison Wang Tai vào năm 1887 để trở thành tòa nhà Hôtel des douanes có kiểu dáng còn lại đến ngày nay sau hơn 130 năm.

Trụ sở Quan Thuế ở đầu đại lộ Hàm Nghi năm 1930, lúc này tòa nhà mang tên Hôtel des Douanes,

Tòa nhà Quan Thuế bên phải, vào thập niên 1960. Chính giữa là đại lộ Hàm Nghi

Foulhoux cũng là người xây các công trình kiến trúc độc đáo trên 100 tuổi còn lại cho đến ngày nay là Bưu điện Sài Gòn, Tòa án Sài Gòn.

Mộ kiến trúc sư Foulhoux (1840-1892) ở nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi cũ

Trở lại với ông Wang Tai, một đại phú gia nổi tiếng của Sài Gòn vào cuối thế kỷ 19, nhưng không có nhiều tư liệu nhắc tới như những người khác cùng thời là chú Hỏa, ông Huyện sỹ, Tổng đốc Phương…

Theo Nguyễn Đức Hiệp, ông Wang Tai tên thật là Cheung Ah Lum (Trương Á Lâm), hoặc Zhang Peilin (Trương Bội Lâm), sinh năm 1827 tại Trung Quốc. Người Pháp gọi ông là Wang Tai, phiên âm là Vương Thái, hoặc Vương Đại. Wang Tai thực ra không phải tên người, mà là tên công ty được ông lập ra ở Sài Gòn sau khi từ Hongkong đến vùng đất này năm 1862. Trước đó, ông có công ty đóng tàu ở Macao, có được các đơn đặt hàng đóng tàu buồm từ người Pháp ở Sài Gòn. Sau khi đến Sài Gòn giao tàu, ông Wang Tai quyết định ở lại hẳn đây lập nghiệp, mở công ty xây dựng và các xưởng gạch. Công ty mang tên Briqueterie Wang-Tai của ông đã cung cấp gạch và ngói để xây dựng một số tòa nhà dân sự lớn của Sài Gòn, bao gồm cả Nhà thờ Đức Bà.

Thời điểm đó Pháp đang đầu tư rất lớn để bắt đầu quy hoạch xây dựng Sài Gòn, nên ông trở nên rất phát đạt, hơn cả lúc còn ở Hongkong. Không chỉ giàu có, ông Wang Tai còn có thế lực khi từng giữ chức bang trưởng bang Quảng Đông tại Sài Gòn, là một trong những chức sắc người Hoa được kính trọng nhất tại đây. Ông đã trúng thầu xây dựng những công trình tiêu biểu của Sài Gòn vẫn còn lại cho đến nay sau hơn trăm năm là Bưu điện Sài Gòn, Nhà thờ Đức Bà, Tòa ngân khố.

Vào cuối năm 1888, có một sự kiện trên đại lộ Charner (nay là Nguyễn Huệ) mà báo chí Sài Gòn và cả Paris thời đó nhắc tới, đó là lễ mừng sinh nhật lần 61 của ông Wang Tai. Một mẩu tin đăng ngày 10/11/1888 ghi lại:

Các con trai của ông Wangtai là Wangtai Suon (quan chức); Wangtai Foo (thương nhân tại Cam Bốt); Wangtai Suu (thương nhân ở Sài Gòn); Wangtai Pio, Wangtai Xương (sinh viên đang học ở Trung Quốc); Wangtau Khai, Wangtai Sing và Wangtai Thang, muốn làm lễ kỷ niệm sinh nhật thật xứng đáng cho 61 năm sinh thời và 30 năm đã định cư tại Nam Kỳ của cha mình, một thương gia ở Sài Gòn, nên đã mời toàn bộ dân chúng thuộc địa vào thứ bảy tuần trước để tham dự một bữa tiệc.

Một lều rơm khổng lồ được xây dựng trên đại lộ Charner, trang trí bên ngoài và bên trong là các lá cờ tam tài, màn trướng lộng lẫy và rèm bằng lụa thêu các chữ Hoa thiếp vàng và các con rồng xung quanh. Từ 8 ngày qua, quà tặng tuôn đổ vào đồng hương của chúng ta – vì Wangtai, như chúng ta biết, đã là công dân Pháp – không chỉ ở Sài Gòn và Chợ Lớn, mà còn từ cả Cam Bốt, Xiêm La, và thậm chí từ những nơi xa xôi ở Trung Quốc gửi đến. Chúng bao gồm các mảnh lụa, đồ nội thất cẩn ngọc trai, các con thú bằng vải được thêu thật tỉ mỉ, các đồ trang sức, cũng có đủ tiền kim loại và tiền giấy.

Từ chín giờ tối đến một giờ sáng, các khách đã kéo lượt đến! Các bản quân nhạc quân được trỗi lên trong dịp “đại lễ” này. Mọi người được tiếp đón bởi Wangtai, với gương mặt trẻ trung như là anh trai của các con của ông vậy. Các con cháu đứng xung quanh vị tộc trưởng của sông Hoàng Hà (patriarche du fleuve jaune), tất cả đều trong bộ lễ phục hoành tráng, lụa màu đen đính đầy kim tuyến. Những người trẻ nhất trong con cháu của ông thực hiện nghi lễ quỳ lạy đáp lễ trước quan khách […]

Ông Wang Tai qua đời năm 1900, thọ 73 tuổi. Con cháu của ông mang ông về quê hương ở làng Ya-kang, huyện Hoàng Sơn, tỉnh Quảng Đông để chôn cất. Rất nhiều người Hoa, Pháp, Việt, và quan chức, chức sắc trong chính quyền ra bến tàu để tiễn đưa. Sau đó có một con đường ở Chợ Lớn được mang tên Wangtai, nay là đường Phan Huy Chú ở gần khu đường Triệu Quang Phục, nơi trước mà ông Wangtai từng ở một thời gian.

Có thể nói ông Wangtai là đại phú gia người gốc Hoa thế hệ đầu tiên của Sài Gòn – Chợ Lớn. Sang thế kỷ 20, có nhiều doanh nhân gốc Hoa nổi tiếng khác đã có ảnh hưởng khắp Nam kỳ như các ông Quách Đàm, Trương Văn Bền, Trần Thành, Vương Đạo Nghĩa… đều là những người mang tinh thần khai phá, mở đường trên thương trường, đóng góp to lớn cho sự hưng thịnh cho vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn.

Nhắc thêm về mái ngói của Nhà thờ Đức Bà. Sau hơn 1 thế kỷ, nhà thờ bắt đầu có hiện tượng xuống cấp, trong đó có phần ngói. Khi công trình bắt đầu được đại trùng tu từ năm 2017, Tổng giáo phận Sài Gòn đã cho nhập vật tư từ Pháp, Bỉ, Đức; cùng với tư vấn kỹ thuật đến từ các công ty châu Âu có nhiều kinh nghiệm trong việc trùng tu các công trình cổ ở châu Âu, từ nhà thờ cổ đến các lâu đài xưa.

Toàn bộ mái ngói Nhà thờ Đức Bà với khoảng 100.000 viên ngói được tháo dỡ để thay mới, với con số cụ thể như sau: Ngói mũi tên (ngói tây) của hãng Monier – Pháp (27.250 viên, bảo hành 30 năm) được sử dụng cho mái trên của nhà thờ. Ngói âm dương (10.300 viên) và ngói vảy cá (86.000 viên) của hãng Meyer-Holsen – Đức (bảo hành 40 năm) được sử dụng cho mái dưới và các chóp.

Như vậy loại ngói nguyên thủy của nhà thờ, loại ngói Wang Tai và ngói nhập từ Pháp hồi thập niên 1870 đã chấm dứt nhiệm vụ của mình sau hơn 140 năm tồn tại.

Đông Kha (chuyenxua.net)
Dựa theo tư liệu của Nguyễn Đức Hiệp

Viết một bình luận