Câu chuyện về những cây cầu nổi tiếng nhất Sài Gòn – Phần 6: Cầu Tân Cảng – Cầu Sài Gòn

Nối tiếp loạt bài viết về những cây cầu nổi tiếng ở Sài Gòn được xây dựng trước 1975, phần 6 nói về cây cầu mang tên của thành phố, đó là Cầu Sài Gòn. Trước 1975, cầu này thường được người dân gọi là cầu Tân Cảng, vì cầu ở vị trí gần cảng mới của Sài Gòn, được gọi là Tân Cảng (New Port) để phân biệt với Cảng Sài Gòn có từ thế kỷ 19 ở giữa Quận 4 – Quận 1 ngày nay.

Tuy nhiên, ít người biết rằng tên ban đầu của cây cầu này khi mới được xây dựng không phải là tên Tân Cảng như nhiều người nhầm tưởng, mà tên chính lại là cầu Sài Gòn, vì nó bắt qua sông Sài Gòn.

Khi cầu này được xây dựng thì vẫn chưa có cái tên “tân cảng”, mà người ta thường gọi nó là “cầu xa lộ”, vì cầu này được xây dựng từ năm 1958 để phục vụ cho tuyến xa lộ nối liền Sài Gòn với Biên Hòa, do công ty Johnson, Drake & Piper xây dựng từ tháng 11/1958.

Ban đầu, cầu Sài Gòn dài 1.010m, gồm 22 nhịp, trong đó có 3 nhịp chính với chiều dài 267,45m. Cầu được thiết kế với 3 nhịp chính là dầm thép và thân trụ dạng cột với mức chịu tải là 25 tấn, phương pháp thi công mố trụ cầu lúc đó là đóng cọc.

Cầu Sài Gòn và xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa cùng được khánh thành vào ngày 28/6/1961, rút ngắn thời gian đi từ Sài Gòn về các tỉnh ở miền Trung. Tuyến xa lộ này thường được gọi là xa lộ Biên Hòa, đến sau năm 1975 bị đổi tên thành xa lộ Hà Nội.

Cắt băng khánh thành xa lộ Sài Gòn Biên Hòa

Đến vài năm sau đó, từ năm 1966 thì chính quyền bắt đầu tiến hành xây dựng Tân Cảng (new port) ở vị trí gần cầu Sài Gòn, khi đó vẫn còn là những ruộng lúa. Từ sau đó thì người ta mới bắt đầu gọi cây cầu này bằng cái tên cầu Tân Cảng.

Phía dưới cầu là những ruộng lúa chưa san lấp

Năm 1966, công tác san lấp mặt bằng được thực hiện, đến năm 1967 thì một cảng quân sự lớn được xây dựng với cầu tàu dài hơn 1.200 mét, rộng 24 mét; bến nghiêng rộng 40 mét và hệ thống kho bãi, giao thông nội bộ, điện nước để phục vụ quốc phòng.

Tân Cảng Sài Gòn này trực thuộc quân chủng hải quân, là nơi khai thác cảng biển, dịch vụ xuất nhập khẩu và vận tải biển.

Từ cầu Sài Gòn nhìn xuống Tân Cảng

Bên dưới là những hình ảnh trong khoảng thời gian xây dựng Tân Cảng, khoảng 1966-1967:

Kể từ lúc cảng quân sự được xây, người ta gọi khu vực này là Tân Cảng, và cây cầu gần Tân Cảng cũng được gọi là cầu Tân Cảng. Dù là cái tên không chính thức nhưng nó rất quen thuộc và được gọi nhiều nhất từ đó cho đến thập niên 1980, cầu được gọi lại bằng cái tên nguyên thủy là cầu Sài Gòn.

Cầu Tân Cảng, bên phải là cảng mới. Góc trên bên trái hình là vị trí Thảo Điền ngày nay

Một số hình ảnh khác của cầu Tân Cảng:

Đường uốn lượn màu vàng là đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ), cầu Sài Gòn góc dưới bên trái, cạnh đó là Tân Cảng đang xây dựng

Đông Kha – chuyenxua.net

1 bình luận về “Câu chuyện về những cây cầu nổi tiếng nhất Sài Gòn – Phần 6: Cầu Tân Cảng – Cầu Sài Gòn”

Viết một bình luận