Câu chuyện về những bóng hồng trong các ca khúc nổi tiếng của Trịnh Công Sơn (phần 2): Nguyệt Ca, Nhìn Những Mùa Thu Đi, Như Một Lời Chia Tay…

Tất thảy những cuộc tình trong đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đều đến và đi theo một quy luật duy nhất: “không hẹn mà đến, không chờ mà đi”. Nhạc sĩ đã yêu nhiều, thăng hoa nhiều, đau khổ cũng nhiều nhưng tất cả những mối tình đó đều chỉ vừa chúm chím nụ tình hoặc bung cánh toả hương rồi tan vào miền nhớ chứ không hề kết trái nên duyên. Nhưng chính cái sự “vô duyên” đó với hôn nhân, đã làm nên một nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tài hoa, dạt dào cảm xúc, tận tâm tận lực với âm nhạc.

Ngoài người tình Dao Ánh đã hiện diện trong đời Trịnh Công Sơn nhiều năm tháng, những nàng thơ đi qua đời Trịnh dù chỉ trong một đoạn đời rất ngắn, cũng để lại một dấu ấn khó phai trong âm nhạc. Có lẽ sẽ có người không để ý rằng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thường đưa tên những người đẹp vào âm nhạc và đặt dưới một hình ảnh ẩn dụ nào đó. Yêu người đẹp Bích Diễm, ông viết Diễm Xưa; nhớ ca sĩ Khánh Ly, ông đưa tên bà vào âm nhạc trong câu hát “Mai ra cùng phố xôn xao”, Mai là tên thật của Khánh Ly,.. và khi say đắm nàng Minh Nguyệt thì ông viết nhạc phẩm Nguyệt Ca với những lời ca đầy bóng dáng của Nguyệt.

Sau phần 1, nói về những bóng hồng trong âm nhạc, với những ca khúc nổi tiếng như Diễm Xưa, Biển Nhớ, Như Cánh Vạc Bay, Ướt Mi, Lời Buồn Thánh, phần 2 này xin tiếp tục nhắc đến 5 ca khúc nổi tiếng khác. Ngoài ra, cũng xin nhắc lại một lần vấn đề đã nói đến ở trong phần 1, đó là những bóng hồng trong bài hát của nhạc Trịnh, không hẳn là những người tình của nhạc sĩ, mà đôi khi chỉ là những người bạn, hoặc là người lạ thoáng qua trong đời…

1. Nguyệt Ca

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác và cho ra mắt ca khúc Nguyệt Ca vào năm 1972, trong tập nhạc “Tự Tình Khúc” do NXB Nhân Bản ấn hành. Đến năm 1973, ca khúc được nữ ca sĩ Khánh Ly thu thanh vào đĩa nhựa Hát Cho Quê Hương Việt Nam 4. Từ đó đến nay, Nguyệt Ca ngày càng được phổ biến và yêu thích rộng khắp, trở thành một trong những bản nhạc huyền thoại của cố nhạc sĩ họ Trịnh.


Click để nghe Khánh Ly hát Nguyệt Ca trước 1975

Nàng Nguyệt trong bài hát là cô nữ sinh Đồng Khánh con nhà khuê các tên Nguyễn Minh Nguyệt. Trong những năm tháng học tại trường đại học Khoa học Huế, với gương mặt tròn đầy, xinh xắn, rạng rỡ, Minh Nguyệt từng được mệnh danh là “Người đẹp Đập Đá”. Đập Đá là tên gọi của một bến đò gần nhà cô gái ở thôn Vỹ Dạ. Trong thôn có 5 bến đò với nhiều tên gọi khác nhau, nhưng riêng bến đò Đập Đá thì nổi tiếng là “bến tình”. Có lẽ vì vậy mà tên địa danh được đem gắn kết với cô gái xinh đẹp đã khiến nhiều chàng trai si mê, trong đó có chàng nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Như thường lệ, khi yêu thích một cô gái, nhạc sĩ nhất định sẽ đưa cô vào âm nhạc của mình và đó là nguyên do ngày nay chúng ta có ca khúc “Nguyệt Ca” để nghêu ngao ca hát.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tập hát cho Nguyệt – Bức hình ở khu tưởng niệm TCS tại Bình Quới

Khi nghe lời hát “từ khi trăng là nguyệt” hẳn sẽ có người bảo trăng là nguyệt, nguyệt là trăng, đó là điều chắc chắn rồi sao còn phải vòng vèo cắc cớ. Nhưng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì lại có một cách lý giải rất khác, trăng là trăng, nguyệt là nguyệt. Khi ông viết “từ trăng thôi là nguyệt, là trăng với bao la” thì có thể hiểu ngay rằng, trăng dành cho “bao la”, cho tất cả, chỉ có “nguyệt” mới là của riêng nhạc sĩ. Tình yêu cũng vậy, tình yêu dành cho tất cả mọi người, cho vạn vật, nhưng với mỗi người, tình yêu lại là một thứ riêng biệt, duy nhất, không thể lẫn lộn. Chính sự duy nhất, huyền hoặc đó của tình yêu đã khiến con người chìm trôi trong biển tình mê đắm, dù biết có thể sẽ phải chịu nhiều khổ đau.

Từng câu hát nhấn nhá, chậm chậm tuôn ra tựa như những đoá hoa tinh khôi vừa chớm nở trên khu vườn tình mộng. Tình yêu với quyền năng và phép màu của nó đã khiến cho mọi giác quan trong lòng nhạc sĩ như bừng tỉnh, những cội nguồn cảm xúc được khơi gợi, cuộn trào mãnh liệt:

Từ khi trăng là nguyệt đèn thắp sáng trong tôi
Từ khi trăng là nguyệt em mang tim bối rối
Từ khi trăng là nguyệt tôi như từng cánh diều vui
Từ khi em là nguyệt trong tôi có những mặt trời 

Và đâu đó, trong lời ca nghe như có lời xưng tội thầm kín của người nhạc sĩ. Lời xưng tội trước tình yêu để gột rửa và tắm mát tâm hồn:

Từ đêm khuya khi nắng sớm hay trong những cơn mưa
Từ bao la em đã đến xua tan những nghi ngờ

Từ trăng xưa là nguyệt lòng tôi có đôi khi
Tựa bông hoa vừa mọc hân hoan giây xuống thế
Từ khi trăng là nguyệt tôi nghe đời gõ nhịp ca
Từ khi em là nguyệt cho tôi bóng mát thật là 

Chỉ có sự gột rửa, chuyển biến từ sâu thẳm trái tim mới là chiếc chìa khoá thần kỳ mở ra cánh cửa hạnh phúc dài lâu, mở ra cánh cửa tình yêu thực sự:

Từ khi trăng là nguyệt vườn xưa lá xanh tươi
Đàn chim non lần hạt cho câu kinh bước tới
Từ khi trăng là nguyệt tôi nghe đời vỗ về tôi
Từ khi em là nguyệt câu kinh đã bước vào đời 

Ngôn từ trong âm nhạc Trịnh chưa bao giờ là dễ hiểu nhưng không phải không thể tìm thấy những dấu ấn, ý tứ mà nhạc sĩ muốn truyền tải. Những lời ca đầy âm thanh và hình tượng của ông luôn kéo người nghe chìm trôi trong những suy tư hư thực, phiêu lãng của đời người. Âm nhạc Trịnh đôi khi tựa như một chiếc cầu “se duyên” đưa người nghe tới gần hơn với những triết lý của thiền môn, gợi mở những suy tưởng về đời về đạo, thực thực hư hư, tuy xa mà gần, tuy hai mà một.

Có thể thấy ca khúc được chia tách hai phần rõ rệt mở đầu bằng hai mệnh đề trái ngược nhau “từ khi trăng là nguyệt” và “từ trăng thôi là nguyệt”. Sự thay đổi rõ rệt này được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tóm gọn trong câu hát “Từ trăng thôi là nguyệt một hôm bỗng nghe ra”.  Còn nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân kể lại trong tác phẩm “Trịnh Công Sơn có một thời như thế” như sau: 

“Ngày ấy, ở bên kia sông Thọ Lộc, đối bờ với nhà tôi, thuộc phường Vỹ Dạ, có cô nàng tên Nguyệt, rất đẹp. Trịnh Công Sơn đã yêu say đắm. Vô tình, trong lúc nói chuyện với Sơn, cô buộc miệng khen một anh chàng nào đó đẹp trai “vì anh ấy lai Tây”. Chỉ một chuyện vô tình rất nhỏ, thế mà Trịnh Công Sơn cảm thấy bị xúc phạm, anh không thể hiểu nổi một người mình yêu mà lại có một quan niệm thẩm mỹ “lệch lạc” đến như thế. Tất cả những yêu thương Nguyệt trong lòng anh bỗng nhạt nhoà hết. Anh viết bài Nguyệt ca. Anh ca ngợi cô nàng Nguyệt hết lời khi “trăng là Nguyệt”. Nhưng khi anh phát hiện ra “từ trăng thôi là Nguyệt”, Nguyệt không phải là người anh mơ ước, anh xem chuyện anh yêu Nguyệt “coi như phút đó tình cờ” và về sau anh không nhắc đến Nguyệt nữa. Tuy nhiên đối với tôi và nhiều bạn bè của anh, mong sao Sơn có nhiều dịp yêu “tình cờ” như thế để anh có thêm nhiều Nguyệt ca nữa.”

Qua lời kể của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân thì dường như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thất vọng, đã chủ động buông tay khi “nàng Nguyệt” không long lanh như ý muốn của nhạc sĩ, không đồng điệu với “mỹ cảm” của ông. Phải chăng chính vì sự “khó tính” và “duy mỹ” đến cực đoan này đã khiến cho âm nhạc Trịnh Công Sơn thăng hoa không ngừng nghỉ từ sáng tác đầu tiên tới sáng tác cuối cùng, nhưng ngược lại cũng khiến ông không thể “dứt điểm” với bất cứ người đẹp nào trong đời để gầy dựng một cuộc hôn nhân bình thường như bao người khác.


Click để nghe Khánh Ly hát Nguyệt Ca sau 1975

Từ bao la em đã đến hay em sẽ ra đi
Vườn năm xưa còn tiếng nói tôi nghe những đêm về 

Tuy nhiên, có một điều vô cùng đáng trân trọng trong nhân cách của chàng nhạc sĩ họ Trịnh. Ấy là khi “nàng Nguyệt” tìm đến nhạc sĩ nâng niu, trân trọng, yêu thương bao nhiêu thì khi “nàng Nguyệt” bỏ đi, ông cũng hoan hỷ buông tay, nhẹ nhàng bấy nhiêu, dẫu trong tim chỉ còn sự cô độc, trống vắng:

Từ trăng thôi là nguyệt một hôm bỗng nghe ra
Buồn vui kia là một như quên trong nỗi nhớ
Từ trăng thôi là nguyệt tôi như giọt nắng ngoài kia
Từ em thôi là nguyệt coi như phút đó tình cờ 

Từ trăng thôi là nguyệt là trăng với bao la
Từ trăng kia vừa mọc trong tôi không trí nhớ
Từ trăng thôi là nguyệt hôm nao chợt có lời thưa
Rằng em thôi là nguyệt tôi như đứa bé dại khờ 

Vườn năm xưa em đã đến nay trăng quá vô vi
Giọt sương khuya rụng xuống lá như chân ai lần về 

Từ trăng thôi là nguyệt mỏi mê đá thôi lăn
Vườn năm xưa vừa mệt cây đam mê hết nhánh
Từ trăng thôi là nguyệt tôi như đường phố nhiều tên
Từ em thôi là nguyệt tôi xin đứng đó một mình

Ở đoạn hát này, mỗi câu hát cất lên tựa như những cánh hoa đỏ thắm trên đoá hồng nhung của tình yêu. Người nhạc sĩ trong thân hình bất động và ánh mắt vô hồn, nhẹ bứt từng cánh hoa tình yêu thả rơi vào trong gió. Từng cánh hoa vô vi… xoay xoay rồi cuộn mình vào hư không, để người nhạc sĩ ở lại chìm trôi giữa dòng đời như giọt nắng bé nhỏ vô hình ngoài kia, như đứa bé dại khờ, như đường phố nhiều tên,… 

Trịnh Công Sơn đến với âm nhạc luôn bằng sự chậm rãi, từng trải hiếm có dù là khi ông đang ở độ tuổi 20 hay khi đã ngoài 60. Sự chậm rãi, khoan thai đó khiến âm nhạc Trịnh luôn thăng hoa ở một tầm rất cao, rất rõ ràng, khúc chiết, thanh thoát từ ý tưởng đến lời ca. Cái cách mà âm nhạc Trịnh nhìn xuống tình yêu dù buồn, dù vui, dù hạnh phúc hay khổ đau đều rất sang trọng, lịch thiệp, tinh tế và đầy mỹ cảm. Có lẽ vì vậy mà âm nhạc Trịnh chỉ cần một giọng ca mộc mạc, tự nhiên để thể hiện. Mọi thứ âm thanh đệm đàn hoành tráng, gào thét hay uốn éo đều khiến nhạc Trịnh trở nên kệch cỡm.

2. Nhìn Những Mùa Thu Đi

Ca khúc Nhìn Những Mùa Thu Đi, dù được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết cho mối tình tan vỡ, có nuối tiếc, có đau thương, nhưng bi mà không luỵ, buồn nhưng vẫn đẹp. Tình yêu vẫn đẹp, vẫn thơ và vẫn được trân trọng dù đi qua nhiều cung bậc cảm xúc. Đâu đó trong lời hát vẫn thấy thấp thoáng hé mở niềm tin, niềm lạc quan. Ca khúc đã hát xong nhưng lời hát của “người dẫn chuyện” vẫn như đang thì thầm rất khẽ, nhỏ dần rồi tan đi, giống như tình yêu của đôi trai gái kia đã hoá cánh thiên thần bay đi:

“Gió heo may đã về
Chiều tím loang vỉa hè
Và gió hôn tóc thề
Rồi mùa thu bay đi”


Click để nghe Khánh Ly hát Nhìn Những Mùa Thu Đi trong băng Sơn Ca 7

Bài hát được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết dựa theo những cảm xúc thật với một cô gái Huế tên là Phương Th., là em của ca sĩ Hà Thanh. Khác với những nỗi đau và niềm tiếc nuối một cách rõ rệt như trong bài hát, cuộc tình bên ngoài chỉ là những cảm xúc mong manh thoáng qua của chàng nhạc sĩ đa cảm, chưa bao giờ thực sự bắt đầu, nên dĩ nhiên là cũng không có kết thúc. Ông Nguyễn Đắc Xuân, một người bạn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại Huế đã cho biết về “chuyện tình” trong Nhìn Những Mùa Thu Đi như sau:

“Bạn âm nhạc của Trịnh Công Sơn lúc ấy có Lê Gia Phàm, Hà Thanh và Thanh Hải (Hồ Quang Hải). Lê Gia Phàm yêu Hà Thanh, Trịnh Công Sơn, Thanh Hải (học đệ nhất với tôi và bác sĩ Trương Thìn sau này) đều yêu Ph. Th. Và, không chỉ hai người ấy, nói chung những người quen biết gia đình Hà Thanh, hay học cùng một lứa (promotion) với Ph.Th. đều là “đệ tử” trước vẻ đẹp thánh thiện của Ph. Th. Trong số “bái phục giai nhân Ph.Th.” ấy, Trịnh Công Sơn thuộc loại quán quân. Sau này có lần Trịnh Công Sơn kể lại là: “Hà Thanh có đến bốn năm người em gái, mình ngồi nói chuyện với Hà Thanh, mỗi lần Ph. Th. đến sau lưng mình là mình biết ngay. Khi nào cô ấy đến gần thì có một mùi hương đến trước. Nhờ cái mùi hương ấy mà mình không bao giờ nhầm Ph.Th. với các cô em gái khác của Hà Thanh”.

Chưa bao giờ Trịnh Công Sơn dám tỏ tình với Ph.Th, và Ph.Th. cũng chưa bao giờ có một cử chỉ khiến cho người bạn âm nhạc của chị mình hiểu nhầm là cô có cảm tình riêng với bạn chị. Thế mà Trịnh Công Sơn đã si tình và nhờ cái vẻ đẹp thánh thiện “em đứng lên gọi mưa vào hạ” ấy của Ph.Th. mà anh đã viết nên mấy bài hát Nhìn Những Mùa Thu Đi, Nắng Thuỷ Tinh và Gọi Ttên Bốn Mùa. Ph. Th. lập gia đình với ông tiến sĩ B. làm trưởng khoa luật rồi làm Bộ trưởng giáo dục, “tuổi tác không cân xứng nhưng danh vọng và sắc đẹp thì đẹp đôi”. Sau đó vì thời cuộc, tiến sĩ B. mất sớm, Ph.Th. vẫn giữ sự đoan trang, đức hạnh nuôi dạy các con ăn học đến nơi đến chốn tại Boston (Mỹ). Cuối năm 2000, gặp lại Hà Thanh và Ph. Th. tại Huế, tôi vẫn thấy hai chị em này “không sợ thời gian”, vẫn đẹp như “nắng thuỷ tinh” thuở nào. Nhớ lại chuyện xưa, các cô rất vui và xem đó là những kỷ niệm đẹp của giai đoạn đẹp nhất của đời mình. Tuy chỉ mới một chiều, nhưng bạn bè thuở ấy của Trịnh Công Sơn vẫn xem chuyện Trịnh Công Sơn si mê Ph.Th. là “mối tình đầu” của anh.”


Click để nghe Khánh Ly hát Nhìn Những Mùa Thu Đi

Lướt qua toàn bộ ca khúc, có thể thấy Nhìn Những Mùa Thu Đi được nhạc sĩ chia thành 3 phần rõ rệt: phần đầu là tâm sự của cô gái, phần cuối tâm sự của chàng trai, phần điệp khúc ở giữa giống như lời người dẫn chuyện. Cô gái và chàng trai không còn được gặp nhau nữa, không có bất cứ liên hệ nào, mỗi người mỗi nơi, nhưng đều ôm mối tâm tư sầu muộn về mối tình chung đã thành quá khứ.

Đầu tiên là lời tâm sự của cô gái:

Nhìn những mùa thu đi
Em nghe sầu lên trong nắng
Và lá rụng ngoài song
Nghe tên mình vào quên lãng
Nghe tháng ngày chết trong thu vàng

Mùa thu lại đang tới và mùa thu cũng đang qua. Không biết đã bao thu rồi em vẫn ngồi nơi quen thuộc đó, ở phía trong song cửa và nhìn ra ngoài trời. Như là con chim ở trong lồng, em ngỡ đó là an yên và hạnh phúc. Nắng thu rọi vào qua song cửa, tưởng như có thể làm bừng sáng gương mặt em, nhưng không phải, vì em chỉ nghe một nỗi “buồn len lén tâm tư”. Thoảng nghe chiếc lá vàng ngoài kia vừa rụng xuống, em vẫn không thôi nghĩ về cuộc tình đã ra đi, để lại em ngồi đó bâng khuâng vô định ngỡ như là “nghe tên mình vào quên lãng”.

Cảm giác về không gian và thời gian nhoè đi, để rồi “nghe tháng ngày chết trong thu vàng”. Thời gian và không gian như là ngưng đọng vĩnh viễn ở thời khắc chêt lặng đó.

Nhìn những lần thu đi
Tay trơn buồn ôm nuối tiếc
Nghe gió lạnh về đêm
Hai mươi sầu dâng mắt biếc
Thương cho người rồi lạnh lùng riêng.

Em mới chỉ “hai mươi” tuổi, cái tuổi trẻ trung, mơ mộng của đời con gái nhưng đã “sầu dâng mắt biếc” rồi, đã cô đơn một mình “tay trơn buồn ôm nuối tiếc”, rồi từng đêm về gió lạnh nghe lòng càng quạnh vắng hơn. Bàn “tay trơn” đó thể hiện rằng em không còn níu giữ được gì cho riêng mình, chỉ có thể nhìn tất thảy những gì thuộc về thanh xuân đã trôi vuột qua tầm tay. Em không hề oán trách, mà chỉ thương, “thương cho người rồi lạnh lùng riêng”, thương cho mối tình tan vỡ, thương người yêu cũ chắc cũng đang buồn đau như mình.

Đến đây, ta thấy rõ ràng giai đoạn này ngôn từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn còn bị nhiều ảnh hưởng từ âm nhạc tiền chiến, từ những hơi thở của thơ ca lãng mạn. Đó là những “thu vàng”, “mắt biếc”, “lá rụng”, “sầu lên”, là “lạnh lùng riêng”,… của những Đặng Thế Phong, Văn Cao, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư,… Hãy nghe những câu:

“Thương cho người rồi lạnh lùng riêng”

“Từ ấy thu rồi thu lại thu
Lòng tôi còn giá tới bao giờ” – T.T.Kh

Hay câu:
“Nghe tháng ngày chết trong thu vàng”
với:
“Yêu là chết ở trong lòng một ít” – Xuân Diệu

Rõ ràng là cách sử dụng hình ảnh, ngôn từ và nhịp điệu trong âm nhạc Trịnh đã ít nhiều bị ảnh hưởng bởi trào lưu thơ ca lãng mạn của vài mươi năm trước đó. Có thông tin nói rằng Nhìn Những Mùa Thu Đi ban đầu được viết như một bài thơ tình, sau khi tìm tòi, học hỏi về âm nhạc, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mới đem ra phổ nhạc lại chính bài thơ của mình. Rồi rất nhanh sau đó, ông đã tìm cho mình một lối đi riêng hoàn toàn tự do, độc đáo với Diễm Xưa, Biển Nhớ, Hạ Trắng, Ca Khúc Da Vàng,… Âm nhạc của Trịnh Công Sơn biến đổi rất nhanh, rất đa dạng, hoà theo dòng thời gian, dù là nhạc về thời cuộc, mô tả những nỗi đau, niềm hân hoan, tình yêu, tình người,… những dấu ấn âm nhạc, ca từ riêng của Trịnh rất khó lẫn lộn.

Hãy nghe tiếp những giai điệu dìu dặt, mê đắm, ru hồn người của đoạn điệp khúc:

“Gió heo may đã về
Chiều tím loang vỉa hè
Và gió hôn tóc thề
Rồi mùa thu bay đi”

Ca khúc được bố cục giống như một vở kịch nhiều màn nhiều lớp diễn mà ở đó, nhân vật nữ xuất hiện, bày tỏ tâm sự rồi tránh vô trong cánh gà, người dẫn chuyện bước ra, kể tiếp câu chuyện về mối tình dang dở rồi lại lánh vô sau màn sân khấu để dành chỗ cho nhân vật nam. Khác với nhịp điệu trầm buồn ở đoạn trên và đoạn dưới, ở đoạn điệp khúc này tiết tấu nhạc sáng hơn, nhanh hơn. Ngôn từ âm nhạc của “người kể chuyện” cũng thanh thoát, rõ ràng hơn lời nhân vật. Và chỉ ở đoạn này, bức tranh không gian, thời gian mới được vẽ ra chân thực, khách quan. Ở đoạn lời hát tâm sự của cô gái và chàng trai, bức tranh thu vụn vỡ, gãy khúc theo cảm xúc của nhân vật, u ám, xám xịt theo cõi lòng của nhân vật.

“Gió heo may đã về”, nghĩa là trời đã chuyển sang đông rồi, và “mùa thu đã bay đi”, nắng đang dần tắt để lại “chiều tím loang vỉa hè”. Lời thề nguyện năm xưa đã tan như ảo mộng, đã bay theo gió. Lòng người xưa cũng đã loang lạnh. Mối tình xưa rồi cũng như mùa thu theo gió đông lạnh lẽo bay đi.

Trong nắng vàng chiều nay
Anh nghe buồn mình trên ấy
Chiều cuối trời nhiều mây
Đơn côi bàn tay quên lối
Đưa em về nắng vương nhè nhẹ

Khi mối tình tan vỡ, cả anh và em đều đau đớn. Nhưng nếu em chỉ ngồi câm lặng sau song cửa (nén nỗi đau vào lòng, tự lau những giọt nước mắt trong đêm khuya vắng lạnh) – Thì anh, mỗi chiều về đều lang thang vô định khắp các nẻo đường cũ. Anh gặm nhấm nỗi cô đơn bằng những kỷ niệm của cả hai. Anh lạc bước tới con đường ngày cũ vẫn thường đưa em về, nhưng giờ đây, chỉ có mình anh đơn côi, lạc lõng. Những cảm xúc từ ngày cũ, tình yêu như “nắng vương nhè nhẹ” lại về xoa dịu lòng anh.

Đã mấy lần thu sang
Công viên chiều qua rất ngắn
Chuyện chúng mình ngày xưa
Anh ghi bằng nhiều thu vắng
Đến thu này thì mộng nhạt phai

Nhiều mùa thu trước, cả khi trời bắt đầu chuyển sang mùa đông, trời lạnh hơn, sập tối nhanh hơn làm buổi chiều ngắn lại, anh vẫn lang thang ngoài công viên, nơi ngày xưa hai đứa từng hò hẹn. Từng nơi chúng ta đi qua, từng nơi chúng ta ngồi lại chuyện trò, anh đều khắc ghi.

Nhưng “đến thu này thì mộng nhạt phai”. Mối tình với em, anh vẫn khắc ghi và nhớ, nhưng “mộng” đã “nhạt phai” rồi. Anh đã thôi đau đớn, dằn vặt, đã thôi lang thang vô định tìm về chốn cũ, đã thôi nuối tiếc. Lời cuối của chàng trai cũng là lời kết cho cuộc tình đẹp của đôi trai gái. Cuộc tình dù tan vỡ, chia ly, dù buồn thương, nuối tiếc nhưng thời gian rồi sẽ xoá nhoà tất cả, sẽ chỉ còn lại những kỷ niệm đẹp.

3. Hoa Vàng Mấy Độ? – Như Một Lời Chia Tay!

Đó là 2 ca khúc được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng vào đầu thập niên 1980, cùng cho một bóng hồng mang tên loài hoa vàng, người đẹp mang tên Hoàng Lan.

Trong lời đề tặng của bài Hoa Vàng Mấy Độ, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ghi: “Viết cho sinh nhật Hoàng Lan 25.4.1981 – Trịnh Công Sơn 08.04.1981”. Đó là món quà mừng sinh nhật tuổi 21 của nữ nghệ sĩ ba lê mang tên Hoàng Lan. Hoàng Tạ Thích, em rể của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong một bài viết đã trực tiếp xác nhận điều này như sau:

Năm 1981, anh gặp Hoàng Lan. Cô gái lúc nào cũng sống động vui tươi này gợi lên hình ảnh một đôi hài ba lê duyên dáng gõ trên phím dương cầm thánh thót. Tóc mây buông xõa, môi cười họa mi, đóa hoa vàng đã nhập vào hồn làm anh ngây ngất. Nhân ngày sinh của người đẹp, anh mang đến tặng nàng 21 cánh hoa hồng màu vàng: “Yêu em một đóa hoa vàng, yêu em một phút hoàng lan tình cờ”. Bài hát anh viết cho Hoàng Lan năm 1981 mang tên Một Thuở Hoa Vàng, sau được đổi thành Hoa Vàng Mấy Độ lúc xuất bản: “Em đến bên đời, hoa vàng một đóa, một thoáng hương bay, bên trời phố lạ, nào có ai hay, ta gặp tình cờ”.

Tuy nhiên, mối duyên phận này đã chẳng thể đi đến đâu. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dù phải lòng người đẹp gốc Huế mang vẻ đẹp nền nã, thanh nhã nhưng cô gái trẻ tuổi chỉ dành cho người nhạc sĩ tài hoa này một sự ngưỡng mộ và kính trọng. Bởi tình yêu của cô khi đó đã dành tất cả cho mối tình đầu của mình đang ở bên kia bờ đại dương.

Cũng trong năm 1981, biết được ý định “xuất ngoại” của người đẹp để trùng phùng với người cũ, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết ca khúc thứ hai “Như Một Lời Chia Tay” để gửi tặng người đẹp. Tuy nhiên, năm 1982, Hoàng Lan xuất ngoại không phải với tình đầu mà là với chồng, là mối tình thứ hai. Sự ra đi của người đẹp Hoàng Lan tiếp tục như một thứ định mệnh dành cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi ông viết “từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ” hồi 15 năm trước đó.

Với người đẹp Hoàng Lan, mối tình chỉ thoáng qua như một giấc mộng đời vội vã. Lời chia tay vì vậy dành cho “đoá hoa vàng” Hoàng Lan cũng nhẹ bẫng như mây như khói:

Những hẹn hò từ nay khép lại
Thân nhẹ nhàng như mây
Chút nắng vàng giờ đây cũng vội
Khép lại từng đêm vui

Đó là những câu hát thế hiện sự buông bỏ nhẹ nhàng, vô ưu, vô sầu, với âm điệu khiến lòng người thanh thoát, dễ chịu lạ kỳ.

Viết để chia tay tình yêu nhưng lời hát không hề sầu bi hay oán hận, chỉ nhẹ nhàng “khép lại” một mối tình như thơ, như mơ, như mây, như khói. Trong thời gian quen biết, nhạc sĩ có lẽ đã phần nào cảm nhận được những khúc mắc, những ân tình trĩu nặng, những áy náy, ngại ngần, thương chứ không yêu của cô gái trẻ dành cho mình. Vậy nên, lời hát được viết ra giống như một sự “cởi bỏ”, “giải thoát” cho người đi và cả người ở lại.

Đường quen lối từng sớm chiều mong
Bàn chân xưa qua đây ngại ngần
Làm sao biết từng nỗi đời riêng
Để yêu thêm yêu cho nồng nàn

Cũng vẫn là giọng nhạc bay bổng, buông bỏ nhẹ nhàng. Đi trên những cung đường cũ đã từng đón đưa, nhạc sĩ nhớ lại những “sớm chiều mong” xưa, nhưng không hề muộn phiền, ưu sầu mà chỉ đau đáu những nghĩ suy, những câu hỏi về người tình, bởi bàn chân xưa đã từng qua đây ngại ngần. Và trong nỗi trăn trở đó, mong thấu hiểu đó, ông đã thốt lên: “Làm sao biết từng nỗi đời riêng”, nhưng không phải để oán trách, sầu bi mà là “để yêu thêm yêu cho nồng nàn”.

Bởi những rung cảm trong cuộc tình đó dù chỉ một “chút tình thoảng như gió vội” vẫn rất đẹp, rất thơ:

Có nụ hồng ngày xưa rớt lại
Bên cạnh đời tôi đây
Có chút tình thoảng như gió vội
Tôi chợt nhìn ra tôi


Click để nghe Tuấn Ngọc hát qua bản hòa âm tuyệt vời của Duy Cường

Có những cuộc tình làm cho người bị thất thần, mê đắm, chìm sâu vào khổ não, vương vấn mãi không thôi, nhưng cũng không hiếm những cuộc tình khiến ta được thăng hoa, tỉnh ngộ, nhìn ra được những điều chưa từng cảm nhận trước đó. Cuộc tình với người đẹp Hoàng Lan dù chỉ như một cơn “gió vội” thoảng qua, nhưng làm người bừng tỉnh: “tôi chợt nhìn ra tôi”. Phải chăng, đó là lần đầu tiên trong đời, nhạc sĩ nhìn ra những góc cạnh khác trong tâm hồn mình, trong tình yêu? Dường như khi si mê “đoá hoa vàng” trinh nguyên ấy, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã là một người đàn ông trải đời và sâu sắc nên những góc nhìn về tình yêu cũng chợt “đổi thay” bất ngờ? Không ai biết rõ điều đặc biệt gì đã xảy đến trong tâm hồn nhạc sĩ khi đó, bởi ông chưa một lần chia sẻ, nhưng chắc chắn đó là những rung cảm tích cực, những nhìn nhận tích cực, bởi ông đã viết:

Muốn một lần tạ ơn với đời
Chút mặn nồng cho tôi
Có những lần nằm nghe tiếng cười
Nhưng chỉ là mơ thôi

Trong những cuộc tình tan vỡ trước đó, nỗi sầu buồn, bi luỵ dường như nhấn chìm tâm hồn người nhạc sĩ trong lời những oán than dành cho tình yêu. Chỉ đến mối tình với người đẹp Hoàng Lan, ông mới “chợt nhìn ra”, tình yêu cũng là “ân điển” mà cuộc đời ban tặng. Vậy nên, lần đầu tiên trong đời ông “muốn một lần tạ ơn với đời”, bởi những “mặn nồng” dù nhỏ nhoi được nhận, được hưởng rất đáng, rất đẹp, dù “có những lần nằm nghe tiếng cười nhưng chỉ là mơ thôi”. Nhưng trong đời sống, có mấy người được ban tặng những “giấc mơ” đẹp đến như vậy. Những “giấc mơ” tình đó chính là món quà mà đời sống đã ban tặng cho nhạc sĩ, cho ông những rung cảm, nguồn cảm hứng để viết nên những nhạc phẩm đẹp dâng đời.

Hãy nghe nhạc sĩ thổ lộ về mối tình này bằng những lời ca bay bổng, phiêu lãng và đầy tận hưởng:

Tình như nắng vội tắt chiều hôm
Tình không xa nhưng không thật gần
Tình như đá hoài nỗi chờ mong
Tình vu vơ cho ta muộn phiền

Đó là một cuộc tình ngắn ngủi, bất chợt đến trong bình minh, rồi vội tắt trong chiều hôm; chẳng xa xôi trong ảo mộng, nhưng cũng không gần gũi đậm sâu. “Tình như đá hoài nỗi chờ mong”, một mối tình chưa từng thăng hoa, chỉ vu vơ, thoảng hoặc “muộn phiền”, “hoài nỗi chờ mong”, chẳng mong cầu và cũng chẳng thể hy vọng gì một kết cục viên mãn. Vậy nên, những kỷ niệm về mối tình ấy cũng mơ hồ, hư thực, chếnh choáng như một cơn say:

Tiếng thì thầm từng đêm nhớ lại
Ngỡ chỉ là cơn say
Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời
Như một lời chia tay…

Cho đến tận những câu hát cuối cùng, nhạc sĩ vẫn khẳng định, cuộc tình ấy thật đẹp, thật thơ nhưng chỉ là một cuộc tình thoáng qua, ngắn ngủi như một cơn mơ, cơn say hư thực. Bởi “Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời”, hay đoá “Hoàng Lan” xinh đẹp không xa cũng không gần, lãng đãng “cuối trời” ngay từ lúc bắt đầu đã được định trước “như một lời chia tay”, không gì có thể thay đổi. Và nhạc sĩ chấp nhận điều đó như một định mệnh trong đời, không mong cầu, không ngóng đợi, không buồn thương, hờn giận, oán đời, oán người.

Cái hay của ca khúc “Như Một Lời Chia Tay” chính là được viết nên từ một tâm hồn hướng thượng, một tình yêu cao thượng, dịu dàng và tinh tế của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Dù tình yêu đó không thành, thì những rung cảm, những “mặn nồng” mà nó mang đến vẫn rất đẹp, rất đáng được trân trọng. Vì vậy mà từ sâu thẳm trái tim mình, nhạc sĩ vẫn gửi lời cám ơn tình yêu, cám ơn đời và cả “đoá hoa vàng mỏng manh” đã mang lại những giây phút thăng hoa, hạnh phúc với tình yêu.

Ca khúc dù viết cho một tình yêu hiển hiện, dường như vẫn chỉ là một cái cớ, một lớp áo lóng lánh để nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thầm cảm ơn đời, cảm ơn người, cảm ơn cuộc sống và cả định mệnh đã trao cho ông những mối duyên và những sứ mệnh thật xứng đáng, cho một cuộc đời đầy ý nghĩa, lóng lánh như thơ như mơ.

4. Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng

Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau. (Trịnh Công Sơn – Nỗi lòng của tên tuyệt vọng – 11/1972)

Từ thuở nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bắt đầu viết nhạc cho tới những ngày tháng cuối đời, xoay quanh cuộc đời và âm nhạc của ông là rất nhiều những bóng hồng ngang qua, đến rồi đi, đi rồi trở lại. Những mối tình thơ, đẹp, buồn, đau và cả diễm lệ đó đã góp phần làm phong phú và thăng hoa âm nhạc Trịnh. Trong số đó, có một mối tình đã cận kề ngưỡng cửa hôn nhân nhưng lại bất ngờ tan vỡ vì một lý do bí ẩn nào đó mà những người trong cuộc chưa từng tiết lộ.

Nàng là Á Hậu của một cuộc thi nhan sắc nức tiếng thời bấy giờ, cuộc thi Hoa Hậu Báo Tiền Phong năm 1990 (tên cũ của cuộc thi Hoa Hậu Việt Nam hiện nay) mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được mời làm giám khảo.

Chuyện kể rằng, năm ấy có 3 cô gái được đánh giá cao nhất cuộc thi về tài sắc là Nguyễn Diệu Hoa, Trần Vân Anh và Trần Thu Hằng. Trần Vân Anh nổi trội hơn cả với chiều cao 1m7, vóc dáng cân đối gọn gàng và nhan sắc sáng rỡ khiến vị nhạc sĩ họ Trịnh phải thốt lên hai chữ: “Đẹp quá!”. Tuy nhiên, khi bước vào vòng thi ứng xử cuối cùng, cô sinh viên Đại học ngoại ngữ Hà Nội Nguyễn Diệu Hoa dù chỉ cao 1,58m, mang vẻ đẹp thuần Việt, thành thạo nhiều ngoại ngữ đã thuyết phục được ban giáo khảo với màn trả lời ứng xử thông minh và khôn khéo. Năm đó, Nguyễn Diệu Hoa đăng quang Hoa Hậu, Trần Vân Anh đoạt giải Á Hậu 1, còn Trần Thu Hằng là Á Hậu 2. Sau cuộc thi, người đẹp Trần Vân Anh từ một cô tiếp viên hàng không đã trở thành một gương mặt người mẫu sáng giá của làng giải trí Sài Gòn.

Trịnh Xuân Tịnh, một người em của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng kể lại khoảnh khắc tái ngộ của vị nhạc sĩ họ Trịnh và nàng Á Hậu sau cuộc thi như sau: “Hôm ấy, giữa phòng triển lãm tranh, có người con gái tha thướt trong chiếc áo lụa màu ve chai. Một thoáng ngỡ ngàng bởi anh Sơn rất quen. Đôi mắt, đôi môi, nụ cười ấy toả sáng và tinh khiết. Khoảnh khắc đó đã thực sự bùng cháy”.

Trần Vân Anh từ đó trở thành khách quen của căn nhà 47C Phạm Ngọc Thạch, Q.1.

Cuộc tình của nàng Á Hậu vừa bước qua tuổi 20 và vị nhạc sĩ tài hoa danh tiếng đã bước sang tuổi ngũ tuần khiến giới văn nghệ sĩ thân thiết xôn xao mừng thầm. Bởi sau bao nhiêu lận đận tình trường, vị nhạc sĩ tài hoa cuối cùng đã bàn định đến chuyện hôn nhân cùng nàng Á Hậu, dù tuổi tác chênh lệch nhưng giữa họ tương xứng về tài – sắc. Gia đình và bạn bè thân đều nhiệt tình vun vén, chuẩn bị cho ngày hợp hôn của đôi tình nhân, đặc biệt là mẹ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Giữa những hân hoan, rộn ràng tưởng như chẳng thể đổi dời ấy, cuộc tình của họ bỗng lật sang trang một cách bất ngờ.

Nàng Á Hậu bặt tin từ đó cho đến mãi tận bây giờ. Hơn 30 năm không có tung tích, không có bất kỳ hoạt động nghệ thuật nào, và cũng không xuất hiện trước công chúng một lần nào nữa. Không ai biết lý do thực sự của sự mất tích đó, cũng không ai nói về nguyên nhân của sự tan vỡ, chỉ biết rằng vị nhạc sĩ thất thần, ngơ ngác, hụt hẫng và đau khổ suốt một thời gian dài, và ca khúc “Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng” ra đời với những lời ca trầm buồn, day dứt:

Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng
Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông


Click để nghe nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hát Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng

Khi cất lên câu hát “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng” hẳn nhạc sĩ đã “tuyệt vọng”. Nhưng tình yêu cuộc sống vô bờ đã níu giữ ông lại, đã giúp ông tự mình chiến đấu với nỗi “tuyệt vọng” đang gặm nhấm tinh thần và hẳn là cả thể xác từng ngày từng giờ.

Nhạc sĩ tự nhủ: này “tôi” ơi, hãy ngước nhìn lên những chiếc “lá mùa thu”, theo quy luật thường tình đã phải rơi xuống từ đận mùa thu, nhưng vẫn cố gắng bám trụ đến tận “giữa mùa đông” mới chịu rơi mình xuống. Một chiếc lá nhỏ nhoi với vòng đời ngắn ngủi còn kiên cường đến vậy hà cớ gì mà “tuyệt vọng” đến rơi rụng của một kiếp người.

Nghĩ cho “tôi”, rồi lại nghĩ cho “em”. Khi “tôi” đem mình đặt vào vị trí của “em” thì xem ra: “Em là tôi và tôi cũng là em”. Trong cuộc tình ly này, cả “tôi” và “em” đều đau khổ, chênh vênh,… Vậy nên “em” cũng hãy như “tôi” nhé:

Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng
Em là tôi và tôi cũng là em.

Có thể thấy, cái hay của âm nhạc Trịnh không chỉ là câu từ, là âm nhạc mà còn là sự yêu thương và bao dung vô bờ bến cho những cuộc tình và cả những người tình phụ.

Con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo
Con diều rơi cho vực thẳm buồn thêm

Em như “con diều bay” vụt khỏi tay tôi, khiến tôi “linh hồn lạnh lẽo”, nhưng tôi cũng không mong “con diều” ấy sẽ rơi xuống để “vực thẳm” trong tôi càng trống rỗng, khoét sâu hơn…


Click để nghe Khánh Ly hát Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng

Tôi là ai mà còn ghi dấu lệ
Tôi là ai mà còn trần gian thế
Tôi là ai, là ai, là ai?
Mà yêu quá đời này.

Tôi là ai… Tôi là ai… Tôi là ai, là ai, là ai….?” – Một loạt những câu hỏi đổ xuống dồn dập như để bộc bạch với “em”, và với cả cõi lòng đang dần “tuyệt vọng” của mình.

Nào hãy nhìn tôi đi. Dù cuộc đời này có phũ phàng với tôi đến thế nào đi nữa thì tôi vẫn luôn là một kẻ “yêu quá đời này”, tôi vẫn “trần gian thế”, vẫn “ghi dấu lệ”, vẫn yêu thương, xúc động, buồn, giận, sầu bi,… vẫn chẳng thể nào lạnh lùng, quay lưng lại với đời sống này.

Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng
Nắng vàng phai như một nỗi đời riêng

“Em và tôi”, chúng ta hãy xem nỗi “tuyệt vọng” đang xâm chiếm này như những cơn “nắng vàng phai” bất chợt ùa đến, như một “nỗi đời riêng” không thể thiếu trong đời mỗi người, như một nốt nhạc trầm trên bản nhạc cuộc sống.

Hãy nhìn những nỗi buồn này bằng con mắt tĩnh lặng và “hồn nhiên” nhất, đừng bi kịch nó, rồi em sẽ “bình minh”:

Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng
Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh

Dù rằng trong “bình minh” ấy em mãi mãi chẳng còn như “cũ” nhưng hãy xem đó như là những gia vị của đời sống này:

Có đường xa và nắng chiều quạnh quẽ
Có hồn ai đang nhè nhẹ sầu đêm.

5. Rơi Lệ Ru Người (Thí Dụ)

Trong các tác phẩm của Trịnh có ít nhất 2 ca khúc ông viết cho người tình âm nhạc của mình, ca sĩ Khánh Ly, đều sáng tác sau năm 1975. Bên cạnh Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên, thì còn có Rơi Lệ Ru Người (Thí Dụ) được viết năm 1976. Khi những cuộc trốn chạy hỗn loạn mang đi vĩnh viễn muôn vạn kiếp người, Khánh Ly cũng trong dòng người đó, trôi nổi trên biển Đông, phó mặc sinh mệnh của mình cho những nhát kéo của định mệnh. Trong nỗi sầu buồn, bi quan cho số phận của người ca sĩ đã gắn kết máu thịt với âm nhạc của mình, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết ca khúc như một bài kinh cầu nguyện, níu kéo lại những phận người lênh đênh trên biển đời.


Click để nghe Khánh Ly hát Rơi Lệ Ru Người (Thí Dụ)

Lời ca của Rơi Lệ Ru Người do đó không hề u ám, tuyệt vọng mà lưu luyến, thanh khiết, đầy yêu thương:

Thí dụ bây giờ tôi phải đi
Tôi phải đi
Tay chia ly cùng đời sống này

Có chiều hôm đưa chân tôi
Về biên giới mới
Nghe ra quanh tôi đêm dài
Có còn ai trong yên vui về yêu dấu ngồi
Rơi lệ ru người từ đây.

Nhịp của bài hát được rải chầm chậm bằng từng câu từng chữ một, mở đầu là mệnh đề “thí dụ…”. Không có sự thực nào được khẳng định, nhưng dòng tâm tư thì đã chìm đắm sâu thẳm trong cuộc chia ly tưởng như là vĩnh viễn đó.

Sự nuối tiếc, lưu luyến tràn lên câu hát, ngân dài như một sự níu kéo: “Thí dụ bây giờ tôi phải đi…. tôi phải đi…” . Dù chỉ là trong tưởng tượng, cuộc chia ly chưa bao giờ được đón nhận dễ dàng. Sự chia ly không phải diễn ra bằng cái quay lưng ngoảnh mặt, dứt khoát mà tơ vương, níu giữ bằng hình ảnh “tay chia ly” đầy cảm xúc; bằng sự nhấn nhá, chầm chậm của câu chữ, của nhịp điệu và sự chuyển động chầm chậm của không gian, thời gian “có chiều hôm đưa chân tôi… về biên giới mới”; và cả những bước chuyển đầy khó khăn của cảm xúc: “nghe ra.. quanh tôi đêm dài”, không phải nhìn mà là nghe, bởi những khoảng tối dài dằng dặc trong tâm hồn làm sao có thể nhìn thấy, chỉ có thể nghe và cảm.

Những câu hát tiếp theo dù viết cho người, hay là cho muôn vạn nhân sinh thì vẫn lãng đãng trong dòng cảm xúc nuối tiếc, lưu luyến đó:

Thí dụ bây giờ em phải đi
Em phải đi
Đôi tay em dù ưu ái đời
Em phải đi

Đôi môi ngon dù chưa chín tới
Quanh em trăm năm khép lại
Có còn ai mang hoa tươi
Về yêu dấu
Ngồi quên đời xoá hết cuộc vui…

Nếu “Tôi” – Người nhạc sĩ đã hiểu thấu sự vô thường của đời sống, đón nhận sự chia ly bằng một tâm trạng bình thản mà còn luyến tiếc như vậy. Thì “Em” – thế nhân ngoài kia, khi “đôi tay” đang còn rất “ưu ái đời”, “đôi môi ngon” còn “chưa chín tới”, sẽ đón nhận điều đó như thế nào? Sự nuối tiếc, luyến lưu không chỉ vỏn vẹn với “nghe ra quanh tôi đêm dài” “quanh em trăm năm khép lại”. Mọi ước mơ, hy vọng trong cuộc đời sẽ khép lại mãi trăm năm.

Với Trịnh Công Sơn, cái ᴄhết chưa bao giờ là hết. Tư duy âm nhạc của Trịnh chịu ảnh hưởng sâu sắc của những triết lý Phật giáo, rằng cái chết là sự nối dài của đời sống con người, vương tơ từ kiếp sống này qua kiếp sống khác. Vậy nên, dù “phải đi”, ông vẫn quay lại để hỏi, để níu kéo. Những câu hỏi nghe thật buồn. “Có còn ai trong yên vui về yêu dấu… ngồi rơi lệ ru người từ đây?”. “Có còn ai mang hoa tươi về yêu dấu… ngồi quên đời xoá hết cuộc vui”?.

Nhưng hỏi chỉ để hỏi. Câu hỏi cũng ngầm ý cho một câu trả lời duy nhất. Bởi cuộc đời ngoài kia lóng lánh, tươi vui, tràn ngập sắc hương, đầy quyến rũ, đầy mê đắm, làm gì có ai sống trong đời mà không yêu đời sống này, chỉ có yêu ít hay nhiều mà thôi. Làm gì có ai có thể “quên đời xoá hết cuộc vui”, làm gì có ai dùng cả trăm năm đời người “để rơi lệ ru người”. Vậy nên, nhạc sĩ chẳng mong cầu điều phi lý đó.

Có còn,
Có còn em
Im lìm trong chiều hôm
Nước mắt rơi cho tình nhân

Nếu còn,
Nếu còn em
Xin được,
xin nằm yên

Đất đá hân hoan một miền

Nhạc sĩ chỉ mong còn có “Em” – “im lìm trong chiều hôm, nước mắt rơi cho nhân tình”. Chẳng cần gì nhiều nhặn, chỉ cần một buổi chiều em dừng lại, nhỏ những giọt nước mắt cho nhân tình. Thế là đủ. Chỉ thế thôi là sẽ “xin nằm yên”. Chỉ điều đó thôi là “đất đá hân hoan một miền” rồi.

Nhưng nếu thật điều đó xảy đến thì sao?

Nếu thật
Hôm nào em bỏ đi
Em bỏ đi
Sau lưng em còn con phố dài

Những hàng cây loan tin nhau
Rồi im tiếng nói

Quanh đây hoang vu tiếng cười
Có ngày xưa em theo tôi
Cùng ra quán ngồi
Bên đời xe ngựa ngược xuôi

Không phải là một “thí dụ” vu vơ, mông lung, không xác định nữa mà “nếu thật”. Nếu giờ phút chia ly thật sự xảy đến, thì em có thể “nằm yên” không khi mà sau lưng em vẫn còn “con phố dài” với “những hàng cây loan tin nhau”, vẫn còn “xe ngựa ngược xuôi”, vẫn còn những hồi ức tươi đẹp, những tiếng cười vọng về từ tiềm thức? Em bỏ đi nhưng cuộc sống ngoài kia vẫn tươi đẹp, rộn rã, vẫn tiếp diễn, chưa từng dừng lại, mãi mãi không dừng lại.

Nếu thật
Hôm nào tôi phải đi
Tôi phải đi
Ôi bao nhiêu điều chưa nói cùng

Với bình minh
Hay đêm khuya
Và từng trưa nắng

Bao nhiêu sen xanh, sen hồng
Với dòng sông,
hay anh em

Và những phố phường
Chắc lòng rất khó bình an

Riêng “Tôi”, viễn cảnh “hân hoan một miền” chắc là khó xảy ra bởi những điều hối tiếc chưa nói, chưa làm. Những “bình minh hay đêm khuya và từng trưa nắng”, không có “Tôi” ấy, hẳn là đáng tiếc lắm. Tất cả những sen xanh, sen hồng, dòng sông, anh em, phố phường,… bao nhiêu là thứ tươi đẹp, nồng ấm của đời sống đều như đang vẫy gọi, níu giữ. Từng câu, từng chữ, từng ngôn từ giản dị đến ngỡ ngàng khắc hoạ một đời sống tự nhiên, giản dị và cũng tươi đẹp vô ngần. Hỏi sao mà “nằm yên”, mà “đất đá hân hoan một miền” được? Câu hát “chắc lòng rất khó bình an” rơi xuống không phải như một giả định, mà là một lời khẳng định.

Rơi Lệ Ru Người hát về cái ᴄhết nhưng chẳng có nỗi sợ hãi, hoang mang, buồn khổ nào được khơi lên. Sự ra đi đó chỉ như một cuộc chia ly đầy nuối tiếc, lưu luyến bởi cuộc đời đẹp quá, tình quá, không nỡ rời xa. Nhạc sĩ không sợ hãi, né tránh mà đối mặt với nỗi ᴄhết, vượt lên trên nó một cách bình thản bằng những thanh âm, rung động trong trẻo của đời sống. Những lời ca được chấp bút từ những thanh âm trong veo đó phải chăng đã có ít nhiều tác động đến sợi dây định mệnh của số phận.

16 năm sau, nữ ca sĩ tưởng đã vĩnh viễn đi xa, lại bất ngờ trở lại, cất lên giọng hát du dương của mình, tiếp nối hành trình âm nhạc của người nhạc sĩ tâm giao. Ca khúc viết cho Khánh Ly, và từ trước cho đến nay, dường như chỉ có duy nhất Khánh Ly hát. Thực ra cũng có một vài ca sĩ hát nữa, nhưng hoàn toàn không ai hay biết đến, hoàn toàn bị quên lãng. Chỉ có Khánh Ly – bằng chất giọng trầm khàn, khoan thai, diễm lệ, đã khiến người nghe như lạc bước vào những cung nhạc du dương của ca khúc viết cho chính mình – Rơi Lệ Ru Người.

Bài của Niệm Quân (chuyenxua.net)

Viết một bình luận