Câu chuyện cưới hỏi của người Việt 130 năm trước – Một số phong tục vẫn còn được ngày nay kế thừa

Việc trai gái quen nhau và dựng vợ gả chồng của người Việt xưa, đặc biệt thời kỳ đầu thế kỷ 19 trở về trước còn mang nặng tư tưởng phong kiến, ảnh hưởng từ nền văn hóa Khổng giáo của Trung Hoa. Khi đó việc hôn sự hầu hết là do sự sắp đặt của gia đình, vì người phụ nữ phải tuân theo “tam tòng”. Tuy nhiên đến khoảng cuối thế kỷ 19, mọi việc có vẻ cởi mở hơn, dù vẫn là “nam nữ thọ thọ bất thân” nhưng trai gái tuổi mới lớn thời xưa đã có quyền tự do được gặp gỡ hẹn hò yêu đương hơn. Điều đó được thể hiện qua những câu ca dao, câu hò điệu hát dân ca cổ truyền để lại, như là “tới đây không hát thì hò, đâu phải con cò ngóng cổ để nghe”, hay là “rủ nhau đi lễ hội đình, trai gái thanh lịch tỏ tình yêu thương”.

Những câu hát xưa này thể hiện rằng xã hội ngày xưa tình yêu nam nữ tuổi trẻ vẫn diễn ra một cách nồng nhiệt và thắm thiết, những mối tình đẹp đẽ mà ca dao đã phản ánh, chẳng hạn những câu thề non hẹn biển: “Dù cho sông cạn đá mòn, Đôi ta vẫn giữ một lòng thương nhau”, hay là “Thương nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua”.

Một đám cưới thập niên 1960

Tuy nhiên tất cả những điều này chỉ là trên lý thuyết, có thể bắt gặp ở bất kỳ đâu trong nhiều loại sách vở, nó không mô tả được cụ thể, chi tiết về cái sự gặp gỡ và hôn nhân nam nữ của người Việt ngày xưa. Vì vậy hầu hết chúng ta đều khó có thể hình dung được ông bà chúng ta đã gặp gỡ nhau, yêu nhau và làm đám cưới như thế nào hồi 100-150 năm trước đây.

Trong những năm cuối của thế kỷ 19, bác sĩ J.C Baurac có thời gian 8 năm liên tục sống ở xứ Nam kỳ và thực hiện vô số những đợt tiêm chủng tại đây, vì vậy ông đã có điều kiện quan sắc tập tục, văn hóa của người Việt và ghi ghép lại rất chi tiết trong Bộ sách Nam kỳ và cư dân, vừa được công ty Omega xuất bản đầu năm 2022. Trong cuốn sách này, bác sĩ Baurac có một phần mô tả chi tiết về phong tục đám hỏi và đám cưới của người Việt thời đó. Nhận thấy việc tìm hiểu đời sống văn hóa của cha ông mình ngày xưa là một việc làm cần thiết và không kém phần thú vị, trong đó phong tục về cưới hỏi là một phần quan trọng của đời người, nó mang tính nối tiếp qua nhiều thế hệ, đến ngày nay vẫn còn nhiều sự ảnh hưởng từ hàng trăm năm trước, nên xin giới thiệu với bạn đọc trong bài viết sau đây.

Đám cưới ở Sài Gòn năm 1936

Người An Nam (người Pháp gọi người Việt là An Nam thời thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20) cũng như người Trung Hoa, hôn nhân chỉ tùy thuộc vào người cha, hay đúng hơn là người chủ gia đình. Nhưng người Trung Hoa thì tuân thủ nghiêm ngặt các nghi thức hơn, đôi trẻ hứa hôn thường không biết nhau, còn đời sống của phụ nữ và thiếu nữ An Nam, ít nhất đối với tầng lớp bình dân, không quá khép kín như ở Trung Hoa.

Có thể nhận thấy trong các cuộc hôn nhân của người An Nam thì việc hứa hôn từ nhỏ, sự sắp đặt của gia đình hiếm khi xảy ra, dù về mặt lý thuyết thì thẩm quyền của người chủ gia đình (thường là người cha) vẫn là tuyệt đối, và việc kết hôn vẫn do sự mai mối, nhưng sau đó cũng đã có sự đồng thuận, chấp thuận của “đương sự”. Dĩ nhiên vẫn có nhiều trường hợp “ép gả” và “bắt cưới”, nhưng nó không còn gay gắt và chiếm đa số như thời trước đó.

Đám cưới ở Hà Nội thời xưa

Không như ở Trung Hoa, thời điểm này trai gái mới lớn vẫn phải nhất nhất nghe theo sắp đặt của cha mẹ, thì thanh niên ở An Nam có được cả ngàn cơ hội để gặp gỡ, bày tỏ tình cảm với “đối tượng” của mình bằng cách này hay cách khác trước khi làm đám cưới. Cũng có những trường hợp đám cưới gặp phải sự xung khắc ngay gắt ngay trong ngày đầu tiên buộc phải dùng đến một nghi lễ đặc biệt sẽ được kể ở dưới đây.

Khi chàng trai đến tuổi 17-18, cũng là đến lúc cha mẹ anh ta nghĩ đến việc lập gia đình cho con và tìm kiếm trong gia đình của dòng họ khác một cô gái khoảng 15 tuổi. Đôi khi người ta thấy trai gái kết hôn ở tuổi nhỏ hơn nữa, như là trai 15 – gái 12 chẳng hạn, thường là do mong muốn của cha mẹ già để đảm bảo sự tiếp nối liên tục của dòng họ càng sớm càng tốt, nhưng khá hiếm.

Khoảng thứ 2 của điều 94 Luật Gia Long về Hôn Nhân có viết: “Đối với hôn nhân của nam và nữ, ở mỗi phái phải là một tuổi nhất định”, nhưng lại không nói tuổi này là bao nhiêu. Sách Lễ ấn định nó mà 14 cho nữa và 16 cho nam. Cũng vì vậy mà ở xứ Nam kỳ này cấm phong tục hứa hôn từ trong bụng mẹ (vì lúc đó chưa đủ tuổi để kết hôn theo sách Lễ). Tuy nhiên người ta nói ở các tỉnh phía Bắc thì không như vậy, các gia đình hứa hôn cho con còn trong bụng bằng một vật làm tin.

Ở Trung Hoa, việc kết hôn giữa hai người cùng họ bị cấm tuyệt đối, nhưng ở An Nam thì hạn chế chứ không cấm, việc nới lỏng này được giải thích là vì người mang họ Nguyễn đông vượt mức bình thường, nhất là ở các tỉnh phía Nam.

Khi cha mẹ một chàng trai để ý đến một cô gái mà họ cho là hội đủ các phẩm chất họ muốn tìm thấy ở một cô con dâu, họ hỏi về ngày sinh, gia thế của cô và tìm hiểu trong nhà cô có người phạm tội hay bị bệnh phong hay không… Một khi đã hài lòng về tất cả, sau khi kiểm tra xem số mạng có hợp để kết hôn, đàng trai sẽ ngỏ lời bàn chuyện hôn nhân thông qua một người đàn ông đứng tuổi vẫn còn vợ, có đạo đức tốt, được trọng vọng, người này sẽ đóng vai trò chủ chốt trong hôn nhân của người An Nam, đó là người mai mối (mai-dong).

Mai-dong sẽ đến thăm cha mẹ cô gái, nhưng trước tiên không đưa ra bất kỳ đề nghị chính thức nào, chỉ hỏi là có đồng ý kết thông gia với gia đình đã nhờ ông đến ngỏ ý hay không. Lúc này đến lượt gia đình cô gái lấy thông tin cần thiết về gia đình bên đàng trai. Nếu có ý định đồng ý hôn sự thì đưa ra câu trả lời sau vài lần mai-dong ghé thăm, nhưng lúc này vẫn chưa có bất kỳ đính ước chính thức nào.

Lúc này, mọi thông tin về đôi trẻ phải được nói rõ cho nhà bên kia nắm rõ, như là khuyết tật về thể chất, hình thể, hoặc khiếm khuyết về thể tạng (bệnh tật), lớn tuổi hoặc nhỏ tuổi, thân thế và gốc gác… để mỗi gia đình có đầy đủ thông tin để có quyết định riêng. Nếu một trong 2 gia đình không chấp nhận phía còn lại thì việc tiến hành hôn sự sẽ dừng lại. Nếu 2 gia đình đều đồng ý với người mai mối, một giao ước sẽ được thảo ra, các nghi lễ ăn hỏi và lễ cưới sẽ được lên kế hoạch để tiến hành.

Khi cha mẹ cô gái (tạm thời) đồng ý, mai-dong dẫn chàng rể tương lai đi cùng một lần để ra mắt họ. Khi gặp nhau, cha mẹ cô gái có quyền thử tài chàng trai, nếu anh là một nho sinh thì họ kiểm tra vốn học, sự tài trí, hoặc nếu không thì sẽ kiểm tra kiến thức về nghề nghiệp. Sau đó cha mẹ cô gái sẽ đến thăm cha mẹ chàng trai, chỉ sau chuyến thăm này họ mới đưa ra quyết định cuối cùng. Khi đó người ta sẽ ấn định ngày tiến hành nghi lễ đầu tiên là đám nói (người Bắc gọi là dạm ngõ). Ngày được ấn định theo các thầy nho dựa vào ngày sinh của đôi vợ chồng tương lai.

Đám cưới ở Mỹ Tho thập niên 1920

Đến ngày đám nói, mai-dong sẽ lại nhà cô gái cùng phía đàng trai. Các lễ vật được phủ vải đỏ gồm có một mâm lớn đầy trầu (miếng trầu là đầu câu chuyện), một vò rượu gạo, một khay nhỏ đựng những miếng trầu và chén theo số chẵn, cùng một chai rượu nhỏ. Khay trầu được chuẩn bị trước bởi một lão niên phúc hậu còn vợ và có đủ con trai và gái. Xong xuôi, người ta giữ nó trong một căn phòng có thể tránh được những ánh mắt tò mò cho đến khi đám rước được khởi hành.

Trong đám rước, mâm trầu được che lọng, rượu gạo được nhuộm đỏ. Khi đoàn rước đến nhà cô gái, sau những lời chào hỏi thông thường, họ đặt lên bàn thờ các đĩa, khay trầu nhỏ, cũng như một lười cầu hôn trên giấy đỏ trong đó ấn định ngày của buổi lễ tiếp theo. Cha cô gái quỳ lạy bốn lạy trước tổ tiên, báo cho họ bằng cách đọc một tờ sớ về cuộc hôn nhân đang được chuẩn bị. Ông dâng tế rượu do cha mẹ con rể tương lai mang đến. Buổi lễ kết thúc, đàng trai ra về.

Từ thời điểm đó, hai gia đình xem như đã đính ước với nhau, mặc dù về phía chàng trai có vẻ có quyền hủy bỏ hôn ước nhiều hơn. Nếu vị hôn thê hay vị hôn phu không may qua đời vào lúc này, người kia phải chịu tang.

Vài ngày sau khi hoàn tất nghi lễ này, gia đình chàng trai chuẩn bị nhiều lễ vật: một khay trầu, hai bình rượu, cặp nến đỏ, đôi bông tai vàng, cặp vòng tay vàng, bốn cuộn lụa màu khác nhau: Đỏ, xanh lá, tím và trắng, thuộc một loại lụa với họa tiết mới và một con heo màu đen tuyền, còn nguyên con và được chở trong một cái rọ. Khi chuẩn bị các lễ vật này, cần lưu ý là không làm bể bất kỳ thứ gì, bởi đó là điềm rủi. Bà bầu, thầy tu, người đang có tang tuyệt đối không được tham dự vào tiệc này. Tất cả các lễ vật đều được viết thành một danh sách trên giấy đỏ.

Lễ thứ hai, người Nam kỳ gọi là đám hỏi (người Bắc gọi là lễ ăn hỏi). Dẫn đầu đoàn trai đến nhà của cô gái là trưởng họ, cũng là người phát ngôn trong buổi lễ. Nếu trong họ không có người nào thích hợp đóng vai trò này thì có thể mời người bên ngoài. Đi trước là hai chiếc đèn lồng ghi họ, tiếp đó là chàng rể, theo sau là khay trầu và hai phù rể còn độc thân (rể phụ), sau đó là mai-dong, cha chú rể và những những đi họ với số lượng chẵn, thường là 4 người. Tốp sau nữa, cách tốp trước bằng hai cái đèn lồng, là mẹ chú rể và người đi họ, cũng là số chẵn, và cuối cùng là vợ của mai-dong. Người ta chọn lựa kỹ càng những người có uy tín, còn vợ còn chồng để “đi họ”.

Trong những đám rước hoành tráng, mỗi thành viên trong đám rước và các sính lễ đều có lọng che, nhưng thường thì chỉ để che khay trầu, trưởng tộc và mai-dong.

Các thành viên của đám rước được một người họ hàng của đàng gái tiếp đón đưa vào nhà và mời trầu. Sau khi nghỉ ngơi một lúc, người ta đặt những cây nến đỏ lên bàn thờ tổ tiên, ông trưởng họ sẽ thắp nến, hai người cha đứng gần bàn thờ, chú rể tương lai quỳ lạy bốn lần trước bài vị tổ tiên. Tiếp đó cha mẹ chàng trai mời cha mẹ đàng gái đến ngồi vào vị trí danh dự mà mai-dong dành sẵn cho họ, chú rể cúi lạy 4 lần trước họ, rồi đến lượt họ hàng nội ngoại, anh đều cúi lạy 2 lần.

Sau đó chú rể tương lai ngồi xuống, cùng với 2 phụ rể, trên một chiếc ghế được đặt ở phía đông, và một thành viên trong gia đình cô dâu đến trò chuyện với họ. Lúc đó, người ta mời dùng đồ ăn nhẹ như mứt, hạt dưa, trà, hoặc là dùng bữa nếu như đằng trai sẽ phải đi một đoạn đường xa để trở về nhà. Bên đằng gái nấu thịt heo và chia cho họ hàng, bạn bè và hàng xóm, chia cả trầu cau. Đó chính là cách người ta thông báo hôn sự đã được chuẩn bị, sắp được tổ chức.

Đôi khi lễ thứ 2 và thứ 3 cách nhau một quãng thời gian khá dài. Mẹ chồng đến thăm con dâu và tặng cô một số tư trang bằng vàng hoặc bạc. Cha mẹ cô gái tặng con rể món quà tương tự. Lúc bấy giờ, chú rể phải thường xuyên đến nhà vợ, tham gia vào công việc gia đình hoặc gửi đến một gia nhân thay cho mình. Phong tục tương tự cũng tồn tại ở người Tagal của Philippines. Khoảng thời gian này có thể kéo dài, đặc biệt là ở vùng nông thôn, và cha mẹ vợ thường tận dụng lúc này để thử thách chàng rể, đôi khi trừng phạt anh vì những lỗi rất nhỏ nhặt. Vào dịp Tết hoặc tiết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 Âm Lịch, gia đình chú rể phải tặng quà cho cô dâu.

Một đám cưới nhà giàu ở Hải Phòng năm 1922

Lễ thứ 3, cũng là lễ cuối cùng, quan trọng nhứt, đó là đám cưới, lễ thành hôn. Khi ngày giờ tốt được xác định, mai-dong thay mặt gia đình đằng trai thông báo cho gia đình cô dâu bằng chữ viết trên giấy đỏ. Ông đến nhà cô dâu và mang theo vài lễ vật đơn giản như trầu và rượu gạo. Gia đình cô dâu sẽ xem xét để quyết định có chấp nhận ngày giờ theo đề xuất của đàng trai hay không.

Khi ngày cưới được ấn định, gia đình chàng trai chuẩn bị những lễ vật mới, cũng giống như hồi đám hỏi. Đôi khi người ta còn chuẩn bị thêm một cặp ngỗng trắng, một trống và một mái, buộc quanh cổ ngỗng dây màu đỏ. Trong số sính lễ có một đôi bông tai dạng sợi mà cô dâu đeo khi được đưa về nhà chồng và tiền cưới, tiền sính lễ, có thể được xem là cái giá mà con gái phải trả cho cha mẹ mình.

Tổng số tiền (do cha mẹ cô gái ấn định) thường là một trăm quan tiền. Cuối cùng, người ta cho thảo một loại chứng thư trên tờ giấy đỏ, được gọi là hôn thơ. Trong chứng thư này, hôn sự được ghi nhân, sính lễ được liệt kê. Ngày nay (tức thời cuối thế kỷ 19, lúc chuyện này được kể lại), chứng thư này được đôi vợ chồng và cha mẹ ký, được làng đóng dấu, để nó trở thành một giấy chứng hôn thực sự trong các trường hợp cần thiết. Về mặt hành chánh, tờ chứng thư này là cách hợp thức hóa cho hôn sự.

Ba ngày trước đám cưới, hai bên gia đình làm lễ cúng gia tiên của mỗi bên để trình báo cho tổ tiên về buổi lễ đang được chuẩn bị. Cô dâu cúi lạy cha mẹ sắp phải rời xa để về nhà chồng. Vào ngày này, họ hàng và bạn bè của gia đình được mời đến dự tiệc (nhóm họ), phụ nữ có mang và người đang chịu tang không bao giờ được tham dự. Theo tập quán của người An Nam, đối với mọi cuộc vui, họ mang đến một khoảng đóng gố bằng tiền mặt, những dây vải nhỏ, các tặng phẩm bằng hiện vật, kim bông, pháo, và nhất là đôi hài. Thi thoảng trong ngày vui, đôi tân hôn nhận được rất nhiều hài.

Vào đêm trước đám cưới, người ta lại làm lễ cúng gia tiên ở gia đình cô gái và cô cúi lạy cha mẹ, họ hàng lớn tuổi khác 2 lạy. Ở nông thôn, đầu tiên cô thường cúi lạy trước bài vị ông táo. Người ta gọi đây là lễ công cô, một trong những lễ phụ của lễ cưới.

Vào ngày cưới, đám rước đến nhà cô dâu, giống như trong đám hỏi. Chú rể mặc quần dài màu trắng, khoác chồng nhiều lớp áo, tay áo rộng và dài, bằng các loại lụa màu xanh hoặc tím, chít khăn đóng nhiễu đen hoặc đội một chiếc mũ lễ và mang đôi hài thêu gọi là chân khoa.

Đám cưới ở An Nam năm 1907

Khi đã đến nhà cô dâu, người ta đặt lên bàn thờ tổ tiên khay trầu và hai cây nến, trưởng họ thắp nến, cha cô gái đọc lời khấn trình báo với tổ tiên của mình rằng ông sẽ gả con gái, tên tuổi của cô dâu chú rể sẽ được nói cụ thể trong câu khấn. Ông cũng cầu xin phúc thọ cho đôi vợ chồng mới. Tiếp theo, ông cúi lạy 4 lạy với cha chú rể, đôi khi hai người mẹ cũng làm như vậy. Sau đó chú rể cúi lạy 4 lạy cùng lúc với cô dâu. Một lần nữa họ lại vái lạy cha mẹ và họ hàng lớn tuổi.

Sau đó buổi lễ kết thúc, người ta có thể đưa cô dâu mới về nhà chồng. Hai chợ chồng đi đầu đám rước, được che lọng, chú rể được hai rể phụ hộ tống, còn cô dâu có hai phụ dâu đi theo. Cô dâu mặc chồng nhiều lớp áo, tay áo rộng và dài, màu trắng và đỏ, đội chiếc nón điểm kim tuyến, chỏm nón hình cầu, nón chảo và quần dài màu trắng, tượng trưng cho sự trinh trắng mà cô phải giữ gìn.

Đám cưới của người Công giáo xưa

Gia đình cô dâu đế đám rước sau gia đình của chú rể. Người ta mang theo tặng vật, mâm hoặc khay trầu, rượu gạo, một hay vài con lợn và rương đựng quần áo của cô dâu. ở An Nam, có hai đứa trẻ sẽ đứng trên đường đi và chắn đường bằng những dải băng đỏ, đó là biểu tượng của sự hợp nhất mà đôi vợ chồng phải gắn bó vĩnh cửu. Chúng được cho một ít tiền thưởng khi xong việc.

Việc đám cưới đụng một đám tang được coi là điềm tốt lành. Trước nhà chú rể, giữa cổng của lối vào bên ngoài, cửa ngỏ, và cửa nhà, đường được trải màu đỏ đến ngưỡng cửa. Ngay khi họ đến, một mâm cúng được dâng lên tổ tiên và cha chú rể báo cho tổ tiên hôn sự đã hoàn tất. Đôi vợ chồng cúi lạy 4 lạy.

Ba ngày trước buổi lễ, một căn phòng trong nhà được bố trí để làm phòng hoa chúc. Chú rể tương lai được bạn bè giúp đỡ và làm theo hướng dẫn của cha, đặt một chiếc giường có hướng vào phù hợp với tuổi và ngày sinh của cô dâu chú rể. Trên giường đặt hai chiếc chiếu, một hoặc 2 gối kê, đối diện là cái bàn. Mọi việc trong phòng phải được sắp đặt thật công phu và hoàn hảo. Người ta chỉ nhờ họ hàng hay bạn bè giúp đỡ gia đình chuẩn bị những việc này, vì lo sợ nếu người lạ làm thì sẽ “yểm bùa” vào trong phòng tân hôn, làm ảnh hưởng đến hạnh phúc sau này.

Khi việc chuẩn bị hoàn tất, căn phòng được niêm phong, một người lớn tuổi, thường là cụ bà, được nhờ canh giữ cửa phòng. Bà có nhiệm vụ không cho ai vào căn phòng này, thậm chí là không được nhìn qua khe cửa vào phòng. Nếu không, mọi thứ trong phòng phải được sắp đặt lại từ đầu.

Vào ngày lễ, một cụ ông phúc hậu, được tôn kính, vợ vẫn chưa qua đời, sẽ bước vào phòng hoa chúc và đặt trên bàn 2 chân đèn bằng đồng có cắm 2 cây nến đỏ, một bát hương, một bó đũa, một chén nước, một khay đựng 36 miếng trầu, 2 chén uống rượu, mứt, một cái khay có 4 chén và 1 ấm trà, cuối cùng là 2 cái chén úp chồng lên nhau.

Sau khi lạy gia tiên bên chồng, đôi vợ chồng được cụ ông hướng dẫn vào phòng tân hôn và đóng cửa lại. Vào thời điểm đặc biệt này, bất kỳ cái nhìn tò mò nào vào trong cũng là điều cấm kỵ. Ông lão thắp nến và đốt nhang, rót rượu gạo vô 2 chén và cầu khấn ông tơ bà nguyệt, là ông thần tơ và bà mặt trăng. Trong lời cầu khấn này, hai vợ chồng cùng nhau cúi lạy 4 lạy, chồng bên phải vợ bên trái. Đôi khi ông lão cúi lạy trước họ. Sau đó ông lấy 2 cái chén úp chồng lên nhau và rót rượu gạo vô, ra lệnh cho cô vợ dâng một trong hai chén rượu cho chồng, vừa dâng vừa nói: “Anh hãy uống rượu này để mình được bên bên nhau cho đến trăm năm. Trong mọi việc, em sẽ phục tùng anh và không bao giờ làm trái ý anh”.

Người chồng uống rượu xong đưa chén cho vợ và nói: “Hãy uống rượu này, anh thề rằng mình sẽ bên nhau đến trăm năm, em phải vâng lời cha mẹ, sống hòa hợp và chung thủy không bao giờ được lừa dối anh”.

Khi người vợ đã uống cạn chén rượu của mình, ông lão uống cạn rượu đã rót vào 2 chén còn lại và đôi vợ chồng cùng ăn một miếng trầu. Phần trầu, trà, mứt còn lại thì họ phải dùng hết mà không được cho ai khác. Các cây nến được giữ cẩn thận. Nếu sau này cha mẹ phải rời xa một đứa con nhỏ, người ta lấy một ít sáp từ nến này bôi lên tóc đứa bé để cho nó khỏi khóc khi nhớ cha mẹ.

Nghi lễ trong phòng tân hôn này được gọi là lễ hiệp cẩn, còn được gọi là lễ cúng ông tơ bà nguyệt. Sau khi xong, đôi vợ chồng đóng cửa phòng tân hôn và ra cúi lạy cha mẹ, họ hàng bên chồng và mai-dong. Nghi lễ coi như kết thúc, những người tham dự trở về nhà sau khi dùng bữa.

Đám cưới ở Nam kỳ năm 1866. Đây là một trong tấm ảnh đầu tiên được chụp ở Đông Dương

Trong vòng 3 ngày sau lễ cưới, đôi vợ chồng không được rời nhau lâu, không được ra khỏi nhà. Trong mọi trường hợp, một trong hai người phải luôn có mặt ở đó và để mắt đến phòng tân hôn, tuy nhiên không cần lúc nào cũng phải ở trong căn phòng này.

Vào ngày thứ tư, họ sẽ đến thăm cha mẹ vợ cũng như những người họ hàng đã tặng quà cho họ, gọi là lễ lại mặt, một trong những lễ phụ của đám cưới.

Kể từ lúc đó, vợ về nhà chồng và mẹ chồng thường biểu lộ sự uy quyền với dâu mới. Người ta thường buộc cô phải làm mọi công việc trong nhà, có những xung đột sẽ xảy ra giữa các nàng dâu trong một nhà. Nói tóm lại, làm dâu mới ở nhà chồng cũng không dễ dàng gì giống như là chồng cô từng chịu thử thách khi làm rể ở nhà cha mẹ vợ trong khoảng thời gian giữa đám hỏi và đám cưới.

Đôi khi, sự bất hòa tính khí giữa hai vợ chồng được bộc lộ ra từ sớm, và trong trường hợp này thì họ thường đổ lỗi cho việc trên đường làm lễ cưới đã gặp điềm xấu, hoặc vợ chồng không hợp tuổi. Nếu hai gia đình không muốn dùng đến biện pháp ly hôn thì sử dụng một cách khác, đó là người vợ trở về nhà cha mẹ ruột, sau đó tất cả các đám lễ được làm lại từ đầu: đám nói, đám hỏi, đám cưới. Tất cả được làm lại cẩn thận hơn nhiều lần để tránh mọi bất trắc có thể xảy ra. Tuy nhiên không thấy ai nói là cách làm này có hiệu quả hay không.

Một đám cưới tân thời với Âu phục

Khi bên đằng gái, vì lý do nào đó mà không muốn gả con gái về nhà chồng. Lý do phổ biến nhất là nhà họ không có con trai, thì họ tìm một chàng trai trẻ đồng ý đến ở rể nhà họ. Theo quan niệm của An Nam, người con rể như vậy được gọi bằng khái niệm có vẻ khiếm nhã là “ăn bám”. Khi đó tài sản của nhà vợ thường được chia thành 2 phần, 1 phần giao lại cho con rể, một phần giao cho con trai nuôi – người sẽ tiếp tục thờ cúng gia đình. Luật của An Nam quy định người ở rể không được là con cả trong gia đình của anh. Ngoài những lời đề nghị ở rể ban đầu được bên nhà vợ mở lời, không có sự khác biệt cơ bản nào trong quá trình tổ chức hôn sự. Phòng hoa chúc được chuẩn bị sẵn ở nhà gái. Sau đám cưới (nghi lễ thứ 3) thì cha mẹ chồng về nhà. Ba ngày sau đám cưới, đôi vợ chồng mới đi cùng mẹ vợ đến thăm cha mẹ chồng, mang theo lễ vật để cúng.

Người chồng có vợ không sinh con được thì có thể lấy vợ thứ 2 để đảm bảo việc duy trì nòi giống, thờ cúng tổ tiên. Tuy nhiên đối với người giàu có thì họ không cần lý do này để lấy thêm nhiều vợ, và việc cưới vợ lẻ thì thủ tục đơn giản hơn rất nhiều so với những gì được liệt kê ở bên trên.

Người vợ lẻ được đưa về nhà ra mắt cha mẹ chồng và vợ cả của chồng, và về nguyên tắc thì với nhà chồng, cô vợ này như là một cô người hầu hạng nhất. Tuy nhiên điều đó còn tùy vào hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình.

Câu chuyện dựa theo tài liệu của Sách Nam Kỳ và Cư Dân (Omega Book)

Ý nghĩa của các quả lễ vật trong lễ cưới

Thông thường ở lễ cưới hỏi, nhà trai hay đi 6 quả: quả trầu cau, quả trà, quả rượu, quả bánh, quả trái cây, quả xôi, ý nghĩa của các quả này:

Trầu cau: Tượng trưng cho tình yêu thắm thiết vợ chồng, thích theo tích trầu cau trong truyện cổ Việt Nam. Hình ảnh dây trầu quấn quít với thân cau, cây cau đứng thẳng tỏa bóng che mát cho dây trầu là hình ảnh đẹp về tình nghĩa vợ chồng sống chung thủy bền vững trọn đời bên nhau. Vì vậy nên dù ngày nay hiếm người còn ăn trầu nhưng trong lễ cưới hỏi vẫn không thể thiếu quả trầu cau.

Quả trà: Tượng trưng cho sự thân thiện tương kính nhau trong tiếp khách giữa hai nhà. Theo tập tục Việt Nam thì khách đến nhà, trước hết phải có bình trà nóng rót mời khách, “ly nước trước câu chuyện”, sau đó mới là “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Trà nước và trầu cau là 2 thứ không thể thiếu trong giao tế tiếp khách, ở xã hội Việt Nam ngày xưa, đây được coi là lối tiếp khách lịch sự, thân thiện, cởi mở…

Quả rượu: Tượng trưng cho rượu lễ trong hôn nhân, không có rượu không thành lễ. Ngày xưa, ở bất cứ lễ gì, dù lớn hay nhỏ, đơn sơ hay trọng đại đều phải có ly rượu. Ngoài ra rượu còn biểu trưng cho sự vui mừng, hỷ hiếu.

Quả bánh: Tượng trưng cho sự hòa hợp, ngọt ngào, thành tựu của tình yêu vợ chồng. Người ta thường ví đôi nam nữ đã cưới nhau là đã “thành bột thành đường”, tức là đã thành vợ chồn.

Quả trái cây: Tượng trưng cho nhân quả trong hôn nhân, nói lên cái hậu của vhowj chồng là sinh con đẻ cái.

Quả xôi: Tượng trưng cho sự găn bó vợ chồng , dẻo dai kết dính nhau một cách bền vững như là loại nếp xôi.

chuyenxua.net biên soạn

Viết một bình luận