Lăng vua Tự Đức, được gọi là Khiêm Lăng, có thể xem là một trong những công trình đẹp nhất của thời nhà Nguyễn, là nơi yên nghỉ của vua Tự Đức – một ông vua có tài về thi phú.
Khiêm Lăng được nhà vua cho xây dựng từ rất sớm, với mục đích cũng là nơi để vua đến để tìm giây phút thư giãn sau những căng thẳng nơi triều chính, là một nơi nghỉ dưỡng nhàn nhã khi vua còn sống trước khi trở thành nơi an nghỉ khi vua băng hà. Vì vậy, Khiêm Lăng được xây dựng như một nhà vườn quy mô lớn, bao bọc bởi một không gian xanh mượt của núi rừng cây cỏ, phù hợp với một tâm hồn thi sĩ lãng mạn.
Vua Tự Đức tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, là vị vua có thời gian tại vị lâu nhất trong 13 vị vua triều Nguyễn. Là con trai thứ của vua Thiệu Trì, việc lên ngôi của Hồng Nhậm đã làm cho người anh cả là Hồng Bảo phẫn nộ và có ý định nổi loạn.
Thời vua Tự Đức, nước Đại Nam đã trải qua những biến cố lớn: triều đình lục đục, anh em bất hòa, đặc biệt là sự xâm lăng của người Pháp. Tính cách của vua Tự Đức có phần tài tử, giống như một người thi sĩ thích cỏ cây hoa lá, không quyết đoán và quyết liệt như các đời vua trước, vì vậy việc triều chính đối với vị vua này có những áp lực nặng nề nên đã cho xây Khiêm Lăng từ rất sớm để thành nơi nghỉ ngơi, tiêu sầu. Tuy nhiên, quá trình xây lăng cũng không được suôn sẻ.
Do công việc sưu dịch xây lăng quá cực khổ, dân phu xây lăng đã làm cuộc nổi loạn Chày Vôi năm 1866, với danh nghĩa tôn phù Đinh Đạo (con của Hồng Bảo, cháu ruột vua Tự Đức) là dòng chính tông để lên ngôi vua. Cuộc nổi loạn bị dẹp bỏ nhanh chóng, nhà vua muốn tạ tội trước các dân phu nên đặt tên công trình này là Khiêm Cung (chữ khiêm trong nghĩa khiêm tốn), đồng thời viết một bài biểu để trần tình. Năm 1873, Khiêm Cung được hoàn thành, đến năm 1883, nhà vua băng hà, Khiêm Cung đổi thành Khiêm Lăng.
Khiêm Lăng được xây dựng trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng (nay là thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, thành phố Huế), nằm giữa một rừng thông bát ngát.
Tổng thể kiến trúc Lăng nằm trong một vòng La thành rộng khoảng 12ha, gồm gần 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ dàn trải thành từng cụm trên những thế đất cao, thấp hơn nhau chừng 10m. Bố cục khu lăng gồm hai phần chính, trên hai trục song song với nhau lấy núi Giáng Khiêm ở phía trước làm Tiền án, núi Dương Xuân làm Hậu chẩm, hồ Lưu Khiêm làm yếu tố Minh Đường. Các công trình trong Lăng ở cả hai khu vực tẩm điện và lăng mộ đều có chữ Khiêm đặt tên gọi.
Toàn cảnh lăng Tự Đức như một công viên rộng lớn, gồm hai phần chính: khu vực tẩm điện và lăng mộ. Hai phần này được bố trí song song với nhau, tiền án là núi Giáng Khiêm, hậu chẩm là núi Dương Xuân.
Qua cửa Vụ Khiêm và miếu thờ Sơn Thần là khu điện thờ, nơi trước đây là chỗ nghỉ ngơi, giải trí của vua. Đầu tiên là Chí Khiêm Đường ở phía trái, nơi thờ các bà vợ vua. Tiếp đến là 3 dãy tam cấp bằng đá Thanh dẫn vào Khiêm Cung Môn – một công trình hai tầng dạng vọng lâu như một thế đối đầu tiên với hồ Lưu Khiêm ở đằng trước.
Khiêm Cung môn và Hồ Lưu Khiêm
Giữa hồ có đảo Tịnh Khiêm với những mảnh đất trồng hoa và những hang nhỏ để nuôi thú. Trên hồ Lưu Khiêm có Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ, nơi nhà vua đến ngắm hoa, làm thơ, đọc sách… Ba cây cầu Tuần Khiêm, Tiễn Khiêm và Do Khiêm bắt qua hồ dẫn đến đồi thông.
Đi tiếp ba bậc tam cấp bằng đá thanh dẫn vào Khiêm Cung môn, là khu vực dành cho vua nghỉ ngơi mỗi khi đến đây. Chính giữa là điện Hòa Khiêm để vua làm việc, nay là nơi thờ cúng bài vị của vua và Hoàng hậu.
điện Hòa Khiêm
Hai bên tả, hữu là Pháp Khiêm Vu và Lễ Khiêm Vu dành cho các quan văn võ theo hầu. Sau điện Hòa Khiêm là điện Lương Khiêm, xưa là chỗ nghỉ ngơi của vua, về sau được dùng để thờ vong linh bà Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức.
Điện Lương Khiêm
Bên phải điện Lương Khiêm là Ôn Khiêm Đường – nơi cất đồ ngự dụng. Đặc biệt, phía trái điện Lương Khiêm có nhà hát Minh Khiêm đường để nhà vua xem hát, được coi là một trong những nhà hát cổ nhất của Việt Nam còn lại, bên cạnh 3 nhà hát hát được các vua Nguyễn xây dựng.
Có một hành lang từ điện Ôn Khiêm dẫn ra Trì Khiêm viện và Y Khiêm viện là chỗ ở của các cung phi theo hầu nhà vua, ngay cả khi vua còn sống cũng như khi vua đã chết. Cạnh đó là Tùng Khiêm viện, Dung Khiêm viện và vườn nuôi nai của vua.
Bái Đình
Sau khu vực tẩm điện là khu lăng mộ. Ngay sau Bái Đình với hai hàng tượng quan viên văn võ là Bi Đình với tấm bia bằng đá Thanh Hóa nặng 20 tấn có khắc bài “Khiêm Cung Ký” do chính Tự Đức soạn vào năm 1871.
Tuy có đến 103 bà vợ nhưng Tự Đức không có con nối dõi nên đã viết bài văn bia này thay cho bia “Thánh đức thần công” trong các lăng khác. Toàn bài văn dài 4.935 chữ, là một bản tự thuật của nhà vua về cuộc đời, vương nghiệp cũng như những rủi ro, bệnh tật của mình, kể công và nhận tội của vua Tự Đức trước lịch sử. Đằng sau tấm bia là hai trụ biểu sừng sững như hai ngọn đuốc tỏa sáng cùng với hồ Tiểu Khiêm hình trăng non đựng nước mưa để linh hồn vua rửa tội.
Trong hầu hết các vị vua triều Nguyễn, từ Gia Long cho đến Khải Định, ngoài các vị vua đoản mệnh là Đồng Khánh, Kiến Phúc, Hiệp Hòa, hay các vua vị truất phế là Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân, Bảo Đại, thì các vua đều xúc tiến chọn nơi và xây lăng mộ cho mình ngay từ khi còn sống.
Trong số các lăng mộ của vua triều Nguyễn thì lăng Khải Định (Ứng Lăng) là lăng mộ vua cuối cùng ở Huế, mang kiến trúc rất đặc biệt và khác biệt so với các đời vua trước, pha hòa giữa các nền văn hóa Đông – Tây.
Vua Khải Định lên ngôi năm 1916 ở tuổi 31, ngay sau khi vua Duy Tân bị người Pháp phế truất. Sau khi lên ngôi, ông đã cho xây dựng nhiều cung điện, dinh thự, lăng tẩm cho bản thân và hoàng tộc như điện Kiến Trung, cung An Định, cửa Trường An, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức, đặc biệt là Ứng Lăng – tức lăng Khải Định.
Để xây dựng sinh phần cho mình, Khải Định đã tham khảo nhiều tấu trình của các thầy địa lý cuối cùng đã chọn triền núi Châu Chữ làm vị trí để xây cất lăng mộ.
Ở vị trí này, lăng Khải Định lấy một quả đồi thấp ở phía trước làm tiền án; lấy núi Chóp Vung và Kim Sơn chầu trước mặt làm “Tả thanh long” và “Hữu bạch hổ”; có khe Châu Ê chảy từ trái qua phải làm “thủy tụ”, gọi là “minh đường”. Nhà vua đổi tên núi Châu Chữ – vừa là hậu chẩm, vừa là “mặt bằng” của lăng – thành Ứng Sơn và gọi tên lăng theo tên núi là Ứng Lăng.
Lăng khởi công ngày 4 tháng 9 năm 1920 do Tiền quân Đô thống phủ Lê Văn Bá là người chỉ huy và kéo dài suốt 11 năm mới hoàn tất.
Đám tang vua Khải Định
Điều thú vị là vua Khải Định chỉ ở ngôi trong 9 năm (1916-1925), nhưng lăng mộ được xây dựng tới 11 năm (1920-1931). Lăng được xây dựng tiếp tục 6 năm sau khi nhà vua đã an nghỉ.
Tham gia xây dựng lăng có rất nhiều thợ nghề và nghệ nhân nổi tiếng khắp cả nước như Phan Văn Tánh, Nguyễn Văn Khả, Ký Duyệt, Cửu Sừng… Để có kinh phí xây dựng lăng, vua Khải Định đã xin chính phủ bảo hộ cho phép ông tăng thuế điền 30% trên cả nước và lấy số tiền đó để làm lăng. Hành động này của Khải Định đã bị lịch sử lên án gay gắt.
So với lăng của các vua tiền nhiệm, lăng Khải Định có diện tích khiêm tốn hơn nhiều, với kích thước 117 m × 48,5 m nhưng ngược lại cực kỳ công phu và tốn nhiều thời gian. Để xây lăng, Khải Định cho người sang Pháp mua sắt, thép, xi măng, ngói Ardoise…, cho thuyền sang Trung Hoa, Nhật Bản mua đồ sứ, thủy tinh màu… để kiến thiết công trình trên ngọn đồi này.
Về kiến trúc lăng Khải Định được người đời sau thường đặt ra ngoài dòng kiến trúc truyền thống thời Nguyễn bởi cái mới, cái lạ, cái độc đáo, cũng như lạc lõng… tạo ra từ phong cách kiến trúc. Tuy nhiên, các nhà kiến trúc lại đánh giá đây công trình có giá trị về mặt nghệ thuật cao. Thậm chí, Ứng lăng còn được đánh giá là một kiệt tác về nghệ thuật khảm sành sứ cung đình Huế, góp phần làm phong phú, đa dạng thêm quần thể lăng tẩm ở Huế nói riêng và di sản Huế nói chung.
Tổng thể lăng Khải Định Huế là một khối nổi hình chữ nhật, gồm có 127 bậc thang, qua 37 bậc đầu tiên là cổng Tam Quan, tiếp đến là Nghi Môn và sân Bái Đính, trên cao là hai tầng sân, mỗi tầng cách nhau 13 bậc, Cung Thiên Định nằm ở vị trí cao nhất.
Sự xâm nhập của nhiều trường phái kiến trúc như Ấn Độ giáo, Phật giáo, Roman, Gothique… đã để lại dấu ấn trên những công trình cụ thể: Những trụ cổng hình tháp ảnh hưởng từ kiến trúc Ấn Độ; Trụ biểu dạng phù đồ (stoupa) của Phật giáo; Hàng rào như những cây thánh giá khẳng khiu; Nhà bia với những hàng cột bát giác và vòm cửa theo lối Roman biến thể…
Điều này là kết quả của hai yếu tố: sự giao thoa văn hóa Đông – Tây trong buổi giao thời của lịch sử và cá tính của Khải Định.
Phần dưới cùng của Ưng Lăng là một dãy 37 bậc tam cấp được xây rất dốc và gấp, nối lên kiến trúc đầu tiên của lăng là cổng Tam Quan, nổi bật với lối kiến trúc uy nghiêm, bề thế. Các trụ tại khu vực cổng Tam Quan được xây dựng theo phong cách Ấn Độ giáo, cho thấy sự giao thoa văn hóa, kiến trúc Việt Ấn độc đáo.
Từ cổng Tam Quan đi tiếp 29 bậc sẽ đến khu vực Nghi Môn và sân Bái Đính, là nơi có các tượng voi ngựa, quân thần và binh lính xếp thành bốn hàng đối xứng, được trạm trổ những họa tiết tinh xảo.
Kiến trúc chính của Ứng Lăng là Cung Thiên Định, được xây dựng công phu và tinh xảo nằm ở tầng thứ 5 cao nhất, cũng là nơi chôn cất thi thể của vua Khải Định.
Toàn bộ nội thất trong cung đều được trang trí những phù điêu ghép bằng sành sứ và thủy tinh. Đó là những bộ tranh tứ quý, bát bửu, ngũ phúc, bộ khay trà, vương miện… kể cả những vật dụng rất hiện đại như đồng hồ báo thức, vợt tennis, đèn dầu hỏa… cũng được trang trí nơi đây.
Công trình này gồm các phần liền nhau: Hai bên là Tả, Hữu Trực Phòng dành cho lính hộ lăng; Phía trước là điện Khải Thành, nơi có án thờ và chân dung vua Khải Định; Chính giữa là bửu tán, pho tượng nhà vua ở trên và mộ phần phía dưới; Trong cùng là khám thờ bài vị của vua.
Bên dưới bửu tán là pho tượng đồng của Khải Định được đúc tại Pháp năm 1920, do 2 người Pháp là P. Ducing và F. Barbedienne thực hiện theo yêu cầu của vua Khải Định.
Thi hài nhà vua được đưa vào dưới pho tượng bằng một toại đạo dài gần 30 m, bắt đầu từ phía sau Bi Đình. Phía sau ngôi mộ, vầng mặt trời đang lặn như biểu thị sự mãn phần của vua.
Người chịu trách nhiệm chính trong việc kiến tạo những tuyệt tác nghệ thuật trong lăng Khải Định là nghệ nhân Phan Văn Tánh, tác giả của 3 bức bích họa “Cửu long ẩn vân” lớn vào bậc nhất Việt Nam được trang trí trên trần của 3 gian nhà giữa trong cung Thiên Định.
Tiếp theo kỳ 1, mời các bạn xem lại những hình ảnh ghi lại quang cảnh, đường phố Sài Gòn vào thập niên 1990.
Cầu Khánh Hội cũ, từ Quận 1 nhìn qua Quận 4
Sau năm 1975, xăng dầu trở thành mặt hàng khan hiếm, cho đến tận thập niên 1990 thì xích lô đạp vẫn là một phương tiện giao thông phổ biến trên đường phố Sài Gòn. Những hình ảnh này gợi lên một trời kỷ niệm đối với những người từng sống ở Sài Gòn trong thời gian đó:
Hình ảnh học trò tiểu học ăn quà vặt ở trung tâm Sài Gòn:
Dòng xe đạp và xe máy trên đường Trần Hưng Đạo, bên lề đường là xăng bán lẻ:
Dòng xe trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh
Tháp đồng hồ trên đường Nguyễn HuệĐường Đồng Khởi ở phía nhà thờ Đức BàĐường Đồng Khởi đoạn gần Mạc Thị BưởiTrẻ em chơi Play Station 1, trò chơi trong màn hình là Winning Eleven phổ biến năm 1998Một góc Chợ LớnPhá Thủ Thiêm ở Bến Bạch Đằng
Cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990, Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung đã thực hiện chính sách đổi mới được gần 10 năm, nhưng chưa hoàn toàn mở cửa và bình thường hóa quan hệ ngoại giao với các nước. Nếu xem lại những hình ảnh trên đường phố Sài Gòn ở thời điểm này, chúng ta có thể thấy một vẻ khá trầm lặng khác hẳn với sự sôi động sau này. Những hình ảnh sau đây được các nhiếp ảnh gia là các du khách nước ngoài ghi lại cảnh đời thường trên đường phố Sài Gòn khoảng 30 năm trước, là những tư liệu quý giá về Sài Gòn trong một giai đoạn đặc biệt.
Hình ảnh của nhiếp ảnh gia người Pháp Jean-Michel Gallet:
Chợ chồm hổm đường Nguyễn Thái Học ở Quận 1Bãi đậu xe trước chợ Bến ThànhĐường Xô Viết Nghệ TĩnhĐường Trần Hưng ĐạoNgã tư Nguyễn Thái Học – Trần Hưng Đạo
Những hình ảnh của nhiếp ảnh gia người Nhật Doi Kuro. Trong các năm 1989 – 1990, ông đã di dọc mảnh đất Việt Nam và chụp hàng trăm bức ảnh đời thường rất sinh động bằng máy ảnh phim, nhiều nhất trong số đó ở ở Sài Gòn:
Khu chợ cũ đường Hàm NghiHàng cây trên đường Tôn Đức ThắngNgã ba Bùi Viện – Trần Hưng ĐạoTrên đường Hồ Tùng Mậu, khu Chợ CũQuầy bánh mỳ dạo trên đường Hàm Nghi, đối diện Ngân hàng Thương TínQuán cà phê ở Chợ LớnQuán ăn ở Chợ LớnQuán cà phê ở khu Chợ LớnNgã tư Trần Hưng Đạo – Phùng Hưng ở khu vực Chợ Lớn, cuối đường là nhà thờ Cha TamQuán mỳ hoành thánh của người Hoa ở Chợ LớnQuán mỳ hoành thánh của người Hoa ở Chợ LớnCửa hàng bánh kẹo trên đường Hiền Vương, đoạn gần ngã 3 Duy Tân (nay là Võ Thị Sáu – Phạm Ngọc Thạch)Bên ngoài trường Nguyễn Thị Diệu, đường Trần Quốc ToảnĐường Bùi Viện, cạnh góc Cống Quỳnh – Bùi ViệnĐường Trần Hưng Đạo, gần ngã ba Trần Hưng Đạo – Nguyễn Cư TrinhNgã tư Trần Hưng Đạo – Đề ThámNhững tòa nhà cổ kính trên đường Hồ Tùng MậuChợ Bến ThànhThiếu nữ áo dài trên xích lô, gần chợ Bến ThànhNhà thờ Đức Bà dịp Giáng Sinh 1990Đường Phan Bội Châu, phía cửa Đông chợ Bến ThànhChiều muộn trên đường Hai Bà TrưngKhung cảnh nhộn nhịp lúc tan tầm trên đường Hai Bà TrưngRạp Vinh Quang và hiệu kem Bạch Đằng ở giao lộ Lê Lợi – PasteurChợ Hoa Nguyễn Huệ nhìn từ trên caoQuán cà phê vỉa hè bên công viên 30 Tháng 4Khu chợ cũ ở giao lộ Hàm Nghi – Hồ Tùng Mậu
Gần ngã tư Hồ Tùng Mậu – Hàm NghiMột góc đường Nguyễn Huệ nhìn từ tầng cao của khách sạn
Công chúng thường biết đến nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín với hình ảnh của một nam tài tử đào hoa trên màn bạc một thời, nhưng ít ai biết rằng cái nghề đầu tiên đưa ông đến với con đường nghệ thuật chính là ca hát.
Xuất thân từ gia đình khá giả có mẹ là hoa khôi vùng Bạc Liêu. Cha của ông của “hào kiệt” xứ Bạc Liêu – Nguyễn Chánh Minh. Dù người cha thành kiến với đàn ca hát xướng, Nguyễn Chánh Tín đã sớm bộc lộ năng khiếu và đam mê với nghệ thuật. Ông Nguyễn Chánh Minh qua đời khi Chánh Tín mới 15 tuổi.
Sau khi cha mất, ông theo học trường Mạc Đĩnh Chi (Sài Gòn), bắt đầu thực hiện đam mê ca hát. Trong một lần hát thế vào chỗ trống của một chương trình văn nghệ của trường, chàng trai Nguyễn Chánh Tín đã mạnh dạn lên cầm mic hát bài “Nghìn trùng xa cách” khiến bao con tim nữ sinh phải rung động và bắt đầu bén duyên với ca hát cũng từ đây.
Sau khi tốt nghiệp trường Mạc Đĩnh Chi năm 1972, Nguyễn Chánh Tín tiếp tục theo học trường Luật. Lúc này, nhờ sự giúp đỡ của nhạc sĩ Phạm Duy và Dương Thiệu Tước, ông đã hát tại các phòng trà ca nhạc nổi tiếng Sài Gòn lúc bấy giờ.
Nguyễn Chánh Tín gặp vợ là ca sĩ Bích Trâm khi ông đã là một gương mặt rất nổi tiếng của các phòng trà, và tất nhiên cô không phải là người con gái đầu tiên của ông. Giọng nam trầm, đẹp trai, phong độ, Nguyễn Chánh Tín ở tuổi 20 là một thỏi nam châm thu hút rất nhiều cô gái.
Lúc ấy Nguyễn Chánh Tín cũng đã nổi tiếng với những mối tình. Nhưng mối tình ông công khai đầu tiên trên tờ báo Hồng (năm 1972) là với một cô gái hơn tuổi và ông khẳng định cho dù gia đình ngăn cản nhưng “sẽ không thể ngăn cản suốt đời, không bằng lòng tôi cũng lấy”. Và cuối cùng thì ông… không lấy. Bởi sau đó, người thay thế chính là Ngọc Bích (sau này đổi tên là Bích Trâm).
Ngọc Bích là cô sinh viên trường luật, vốn là con gái rượu của một quan chức cao cấp thời bấy giờ và là em gái của Jimmy Tòng, ca sĩ và tay trống của ban nhạc Les Cavaliers. Xung quanh cô có rất nhiều người nổi tiếng mến mộ như nhà báo Trường Kỳ, ca sĩ Tùng Giang, tay bass Tiến Chỉnh… Ngọc Bích từng là thành viên của nhóm nhạc trẻ Spotlight với Khánh Hà, Đức Huy, Billy Shane, Hồng Hải… và được khán giả bình chọn là Ca sĩ dễ thương nhất năm 1967. Sau này cô đổi tên thành Bích Trâm là theo gợi ý của nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng vì ông cho rằng tên gọi Ngọc Bích trùng với nhiều ca sĩ hát tân nhạc, cải lương thời đó. Bích Trâm dáng nhỏ nhắn, xinh xắn, hát nhạc Pháp rất hay, cô được xem là France Gall Việt Nam.
Ca sĩ Bích Trâm
Thời điểm này, Nguyễn Chánh Tín và Bích Trâm đang cùng sinh hoạt trong Ban văn nghệ của trường Đại học Luật Sài Gòn nên bắt đầu quen nhau và cùng đi biểu diễn. Dù nhan sắc không thực sự nổi bật như những “bóng hồng” vẫn cặp kè với Nguyễn Chánh Tín trên màn ảnh nhưng Bích Trâm vốn xuất thân từ gia đình trí thức, từ nhỏ tới lớn, cô theo học trường dòng, từng nhận được học bổng du học của Pháp.
Ông Nguyễn Chánh Tín lúc bấy giờ sở hữu 1 chiều cao vượt trội cùng với vẻ ngoài lãng tử, lại cảm thấy ghét cô nàng Bích Trâm vì cho rằng những cô học trường Tây chẳng xem ai ra gì, mà đi học lại có người đưa rước. Không ngờ trong một lần đi hát chung, Nguyễn Chánh Tín mời cô nàng đi ăn bò bía ven đường và mới hiểu rằng cô gái xinh đẹp này không như ông nghĩ, lại còn dịu dàng thông minh.
Chánh Tín và Bích Trâm song ca trong một tiết mục
Nhưng lúc ấy họ vẫn còn lần lữa. Nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín nhớ lại: “Cô ấy học trường Tây nên tôi đã thấy mặc cảm và không ưa nhưng càng ghét nhau thì tôi lại càng để ý và duyên cớ thật sự để chúng tôi đến với nhau một cách chính thức lại là nhờ… đám tang của một người bạn chung, đó là tổng thư ký ban chấp hành luật của trường. Hôm đó khuya quá, khi đám tang vừa xong tôi thấy Bích Trâm không đón được xe về nên tôi hỏi cô ấy có muốn quá giang không. Sau một hồi suy nghĩ Bích Trâm đồng ý leo lên chiếc xe máy cà tàng của tôi vì nếu về trễ cô sẽ bị cha mẹ rầy. Thật sự lúc ấy chiếc xe của tôi không xứng với vẻ đài các của Bích Trâm bởi cô sinh ra trong một gia đình quyền quý. Tối hôm đó, trên đường bờ đê đầy ổ gà nên cô ấy buộc phải ôm sát lấy tôi để khỏi bị té, trời thì mưa, hai đứa ướt như chuột lột. Từ đó, chúng tôi bắt đầu cảm mến nhau và sau đó thì nảy sinh tình cảm”.
Thời điểm bấy giờ, Bích Trâm giao tiếp chủ yếu bằng tiếng Pháp. Khi tỏ tình, Nguyễn Chánh Tín vừa nói tiếng Việt vừa ra hiệu để bạn gái hiểu. Khi được người yêu đồng ý, nam nghệ sĩ ôm chầm lấy cô và trao nhau nụ hôn ngọt ngào.
Yêu nhau và muốn đến với nhau nhưng bị gia đình ngăn cấm. Thời điểm đó, sự khác biệt về 2 gia đình quá lớn, gia đình bà Bích Trâm không muốn con gái qua lại với Nguyễn Chánh Tín. Quyết chứng minh cho gia đình 2 bên biết được tình yêu chân thành, Bích Trâm hàng ngày luôn tác động tới cha mẹ. Còn phía Nguyễn Chánh Tín, ngày nào ông cũng đến nhà Bích Trâm ngồi từ 5h chiều tới tận gần 12h đêm. Vì những hành động ấy, cả 2 đã được chấp thuận để trở thành bạn đời của nhau.
Đám cưới Nguyễn Chánh Tín – Bích Trâm
Cuối năm 1973, cặp đôi làm lễ cưới trong nỗi lo toan của gia đình nhà gái vì Chánh Tín đẹp trai lại có vẻ phong trần, lãng tử. Hồi đó Nguyễn Chánh Tín có tiếng là tự cao. Ông từng tuyên bố bỏ hát phòng trà để đi đóng phim vì tiền thù lao phòng trà quá thấp. Tiền đóng một bộ phim có thể đủ sống một năm và danh tiếng của ông cũng lên nhiều từ khi đóng phim.
Năm 1974, Chánh Tín đóng cặp với diễn viên, ca sĩ Băng Châu trong phim “Vĩnh biệt tình hè” của đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Trước đó, ông đã xuất hiện trên màn ảnh rộng trong phim “Đời chưa trang điểm” của đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc.
Nguyễn Chánh Tín và ca sĩ Băng Châu trong phim Vĩnh Biệt Tình Hè
Từ khi cưới vợ, Nguyễn Chánh Tín lại quay về phòng trà để hát cùng Bích Trâm và họ tạo thành một trong những cặp song ca được yêu thích nhất thời bấy giờ. Nguyễn Chánh Tín mua biệt thự, xe hơi, tổ chức đám cưới bằng tiền của mình “và khi cả hai kết hợp đi hát cùng nhau thì càng lại hái ra tiền” – ông nhớ lại.
Vợ chồng Nguyễn Chánh Tín trên sân khấu
–
Sau năm 1975, vợ chồng Nguyễn Chánh Tín – Bích Trâm bỗng dưng trở thành những người thất nghiệp, vì hoạt động văn nghệ như thời Sài Gòn cũ đã bị cấm cửa hoàn toàn. Họ đã phải làm nhiều nghề chân tay để kiếm sống.
Giai đoạn khủng hoảng nhất trong cuộc sống vợ chồng của đôi uyên ương là giai đoạn 1977, khi cả hai đều không có nghề nghiệp. Ngày ấy, dù Bích Trâm đang mang bầu đứa con đầu lòng nhưng vẫn phải cùng chồng ra chợ bán rau, bỏ mối nước ngọt ở chợ Bình Tây dù trước đó họ từng là “hoàng tử, công chúa” có một cuộc sống sung túc.
Sau đó một thời gian, khi các đoàn văn nghệ được hoạt động trở lại, vợ chồng ông đi hát ở Đoàn Bông Hồng. Lúc ấy ông mượn xe đạp chở vợ đi hát hàng đêm, vậy mà chiếc xe đạp cũng bị mất trộm. Người bạn cho ông mượn xe nghi ngờ rằng vợ chồng ông bán xe đạp để sống qua ngày. “Thật sự lúc ấy tôi nghĩ khổ thế này là tận cùng rồi”.
Nhưng trời chẳng bắt ai khổ đến tận cùng. Sau đó, cả hai vợ chồng ông dần khởi nghiệp lại được. Ngoài biểu diễn ở Đoàn Bông Hồng, cả hai còn đi hát ở nhiều tụ điểm và cuộc sống cũng bắt đầu dễ thở hơn. Đến khi bộ phim Ván bài lật ngửa được phát hành thì tên tuổi của Nguyễn Chánh Tín nổi như cồn, trở thành đỉnh cao trong sự nghiệp của ông.
Năm 1982, Chánh Tín được chọn đóng vai đại tá Nguyễn Thành Luân trong phim “Ván bài lật ngửa” của đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Vai diễn đánh dấu sự tỏa sáng trong sự nghiệp diễn xuất của ông.
“Đến lúc ấy tôi mới bắt đầu có tiền và tích cóp mua được căn nhà và cuộc sống bắt đầu đi vào ổn định” – Nguyễn Chánh Tín tâm sự.
Nguyễn Chánh Tín là mối tình đầu tiên của nữ danh ca Bích Trâm. Nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín thừa nhận: “Vợ tôi là một người rất dễ tha thứ, bà ấy là một người yêu thương tôi thật sự và chính vì thế bà ấy mới chịu đựng được tôi bởi tôi vốn là một người rất đào hoa”.
Chia sẻ về đời sống hôn nhân với một nghệ sĩ nổi tiếng, bà Bích Trâm ngậm ngùi: “Kết hôn với một nghệ sĩ nổi tiếng như Chánh Tín có nhiều áp lực lắm. Ngay cả khi đã vợ con rồi vẫn có người đến tận nhà chơi sau đó 2 người hẹn hò đi đâu, tôi cũng chẳng nói. Ông Tín thích thì cứ đi, khi nào mệt mỏi thì về. Tôi cũng tin ông ấy biết đâu là giới hạn và tình yêu thì chỉ dành cho tôi nên khi ông ấy thất thế, tôi phải trở thành điểm tựa của cả gia đình chứ nếu tôi quỵ thì xem như tan nát hết”.
Bích Trâm thừa nhận bà chưa bao giờ bắt ghen chồng. Tuy nhiên, một lần, xưởng phim chồng tham gia gửi công văn đến bà và tiết lộ sự thật. “Hãng phim gọi tôi lên và bắt cô thư ký đọc cho tôi viết một đơn thưa cô người yêu của chồng ở ngoài Bắc vào. Họ sợ cô ấy gặp anh rồi tôi khổ. Đó là lần đầu tiên và duy nhất trong cuộc đời của tôi chứ tôi không bao giờ bắt ghen”.
Bà Bích Trâm nói thêm: “Mỗi đêm anh chở tôi đi hát, đi hát về rồi anh bỏ tôi ở nhà rồi anh lại đi. Qua ngày hôm sau, có một cô từ Nha Trang vào kiếm anh ấy. Tôi cũng mời cô đó vào nhà, mời uống nước và ăn sáng. Khoảng 9h anh ấy về tới, vừa vào cửa tôi nói: “Anh ơi có cô gì ấy từ Nha Trang vào kiếm anh. Anh ấy bảo ủa vậy hả rồi quay xe đi luôn…
Một lần khác, đêm đó có một cô ngoài Bắc vào, thời gian ấy đi hát về tôi ghé vào nhà mấy anh trưởng đoàn ăn uống, chơi đến khoảng 11 giờ thì về, anh ấy lại đi. Anh ấy đi được một lúc, tôi thấy công an khu vực gọi báo anh ấy bị bắt với một cô gái”.
Trước chia sẻ của vợ, Nguyễn Chánh Tín trải lòng về việc này: “Đó là đêm Noel, cô ấy đi vào thăm tôi bất ngờ. Tôi đưa cô ấy về phòng ngủ, vừa về tới nơi hai đứa bị té. Bị ngã, công an dựng xe giúp tôi. Tôi cãi lộn với họ nên hai đứa bị bắt nhốt, vì thế mới bị lộ với vợ. Tôi thấy không ai bằng vợ mình. Nhiều khi tôi cũng ngán đủ kiểu, phải bỏ nhà đi một đến hai bữa cho đỡ rồi về. Sau này nhiều và nhiều lần nữa, có những lúc tôi lầm lỗi, vợ tôi một mình nuôi con”.
Biết chồng ngoại tình với người phụ nữ khác, thay vì làm lớn chuyện, bà Bích Trâm lại cư xử nhẹ nhàng, đúng mực. Bà thừa nhận, bản thân chưa từng nghĩ đến chuyện ly hôn. Nhờ đức tính chịu thương, chịu khó của vợ, nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín đã nhận ra lỗi lầm và dần thay đổi bản thân theo hướng tích cực.
Bích Trâm là người quan trọng nhất trong cuộc đời Nguyễn Chánh Tín. Bà đã cùng ông trải qua mọi khó khăn của cuộc sống, sẵn sàng lui về phía sau từ những năm 1990 để một mình chồng hoạt động văn nghệ còn bản thân chăm chút từng tí cho gia đình. Hồi 5 năm trước, khi cuộc sống của vợ chồng Nguyễn Chánh Tín gặp hoạn nạn vì bị xiết nợ, mất nhà, một lần nữa bà Bích Trâm sẵn sàng cùng chồng làm lại từ đầu. Họ đi hát lại cùng nhau và họ vẫn nhìn nhau mỉm cười.
Rạng sáng ngày 4/1/2020, Nguyễn Chánh Tín đột ngột qua đời trong một giấc ngủ ở nhà riêng, hưởng thọ 68 tuổi.
Nghệ sĩ Chánh Tín đóng cặp cùng diễn viên Diễm My trong một bộ phim phát hành năm 1986
–
Chánh Tín (phải) cùng diễn viên Lê Khanh trong phim “Chiếc mặt nạ da người” do chính ông sản xuất những năm cuối thập niên 1990
–
Nguyễn Chánh Chánh Tín cùng cháu ruột là Johnny Trí Nguyễn (Nguyễn Chánh minh Trí) trong phim “Dòng máu anh hùng” năm 2007
Nói đến lịch sử hình thành của một thành phố, bao giờ cũng phải nhắc đến sự hình thành của những đại lộ và con đường đầu tiên. Đối với Sài Gòn, những con đường đầu tiên và nổi tiếng nhất có thể kể đến là đường Hai Bà Trưng, Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai), Lê Lợi, Nguyễn Huệ, và đặc biệt là đường Catinat – Tự Do.
Trong bài viết này, cùng nhìn lại khái quát những năm đầu tiên hình thành những con đường nổi tiếng đó.
Đường Catinat – Tự Do (Đồng Khởi)
Catinat là một trong những con đường cổ xưa nhất của Sài Gòn, có từ trước khi Pháp đến chiếm thành phố này. Nhìn trên bản đồ, chúng ta có thể thấy đây là con đường đi từ sông Sài Gòn dẫn thẳng vô thành Gia Định cũ (thành Quy do vua Gia Long cho xây dựng từ cuối thế kỷ 18). Lúc đầu Pháp gọi đường này là đường số 16 (rue No.16), đến tháng 2 năm 1865 đổi thành đường Catinat. Con đường được đặt theo tên của một thống chế Pháp dưới thời vua Louis XIV, về sau được đặt tên cho một tàu chiến Pháp đã tham gia đánh vào cảng Đà Nẵng năm 1856 và chiếm Sài Gòn năm 1859.
Vào năm 1920, một số thành viên của Hội đồng thành phố Sài Gòn nêu ý kiến đề nghị đổi tên đường Catinat và một số đường khác vì cho rằng “những cách gọi tên đường ấy mà bây giờ không còn đáng quan tâm gì nữa có lẽ nên được thay thế bằng những cái tên lấy từ những sự kiện của WWI (1914-1918)”. Nhưng sau đó, một ủy ban chuyên trách về vấn đề này cho rằng không nên đổi tên vì làm như vậy “sẽ gây lúng túng vì người ta đã quen rồi, không những đối với người dân Nam kỳ mà kể cả những người ngoại quốc có dịp ghé thăm Sài Gòn”. (trích biên bản họp của Hội đồng thành phố Sài Gòn ngày 26/4/1920).
Vào lúc trước và sau khi xây nhà thờ Đức Bà (năm 1877), đường Catinat còn kéo dài cho tới đường rue des deux Cimetières (nay là đường Võ Thị Sáu), nhưng kể từ năm 1897 thì tên đường Catinat chỉ còn tính từ bờ sông Sài Gòn lên tới nhà thờ Đức Bà (dài khoảng 900m), đoạn còn lại được đặt tên là Bancsubé (sau là đường Duy Tân, nay là Phạm Ngọc Thạch). Sau năm 1955, đường Catinat được đổi tên thành đường Tự Do, từ năm 1975 đến nay mang tên đường Đồng Khởi.
Sau năm 1859, bề ngang con đường Catinat rất không đồng đều, chỗ rộng chỗ hẹp, rải đá dăm đỏ (latérite) và hai bên đường ở phía gần bờ sông thì hai bên đường vẫn còn nhiều mương ứ đọng nước. Một viên đại úy Pháp là Léopold Pallu mô tả đường Catinat năm 1861 như sau:
“Kẻ lữ khách mới tới Sài Gòn sẽ thấy bên phía hữu ngạn của con sông một kiểu đường mà hai bên thường bị ngắt quãng bởi những khoảng không gian trống. Các căn nhà, đa số bằng gỗ, lợp lá dừa nước; một số ít ngôi nhà khác được xây bằng đá. Mái ngói đỏ của những ngôi nhà này cũng làm vui mắt kẻ đi đường”.
Hình vẽ một ngôi nhà trên đường Catinat năm 1864
Catinat là con đường đầu tiên của Sài Gòn mà Pháp cho chỉnh trang để làm thành một đường phố của đô thị, và lúc đó, những trục đường chính khác đều được làm song song với con đường này theo hướng từ tây-bắc xuống đông-nam, đi về phía bờ sông Sài Gòn, như đường Nationale (nay là đường Hai Bà Trưng), đường Hôpital (nay là Thái Văn Lung), đường Citadelle (nay là 2 đường Đinh Tiên Hoàng và Tôn Đức Thắng).
Do đó, Catinat cũng là dãy phố có nhiều cửa hàng và quán xá đầu tiên của Sài Gòn. Khoảng năm 1869-1870, đây là con đường đầy tiệm làm giày, tiệm may, tiệm bán thực phẩm khô… Đường Catinat là một trong những con đường đầu tiên của Sài Gòn được tráng nhựa vào khoảng năm 1906 – 1907, và khi mới được tráng nhựa, người dân thường gọi đây là đường “Keo Su”.
Đường Catinat 100 năm trước
Kể từ đầu thời Pháp thuộc cho đến tận ngày nay, con đường này luôn luôn là một con đường trung tâm mang tính chất phố thương mại và có những tiệm thuộc hạng sang nhất của cả thành phố Sài Gòn mà hầu như bất cứ người khách vãng lai nào ghé qua Sài Gòn cũng đều đã có lần đặt chân đến. Tại đây có những địa điểm nổi tiếng trong lịch sử Sài Gòn như khách sạn Continental, khách sạn Majectic, tiệm Givral, tiệm Brodard, nhà sách Albert Portail rất rộng mà một phần trở thành nhà sách Xuân Thu vào khoảng giữa thập niên 1950 (từ năm 2011, nhà sách này không còn ở đây nữa), hay khu thương mại Passage Eden…
Đường Catinat thập niên 1920, phía trước (ngay chỗ xe ngựa) là ngã tư Catinat – Vannier (nay là Đồng Khởi – Ngô Đức Kế)
Đại lộ Nguyễn Huệ: từ kinh Chợ Vải đến đại lộ
Con đường Nguyễn Huệ hiện nay chỉ dài khoảng 0,7km, đi từ Dinh Xã Tây (Tòa thị chính Sài Gòn, thường được gọi bằng cái tên Tòa Đô Chánh, nay là UBND thành phố) cho tới bờ sông Sài Gòn.
Lúc Pháp đánh vào Sài Gòn năm 1859, đây vẫn còn là một con kinh mà hồi ấy người Việt thường gọi là kinh Chợ Vải, người Pháp gọi là Grand Canal (kinh Lớn) hay Kinh Charner. Hai bên kinh có hai con đường, lúc đầu được Pháp đặt tên là đường số 18, nhưng kể từ tháng 12-1865, con đường bên bờ hữu ngạn (phía tây nam) chính thức trở thành đường Charner, còn bờ tả ngạn (phía đông bắc) là đường Rigualt de Genouilly.
Lúc đó, do chợ Bến Thành mà người Pháp gọi là Marché de Saigon còn nằm bên bờ kinh này, tàu bè và hàng hoá lên xuống tấp nập hàng ngày nên vào năm 1867, một số cư dân xung quanh đòi lấp con kinh lại do bị mùi xú uế xông lên nồng nặc. Chuyện này đã được đưa ra bàn luận tại Hội đồng thành phố Sài Gòn trong nhiều phiên họp.
Trong khoảng thời gian 1865- 1870, người ta bắt đầu lấp đoạn phía trên của con kinh này (tức khoảng từ đường Tôn Thất Thiệp lên tới đường Lê Thánh Tôn ngày nay) và Hội đồng thành phố Sài Gòn quyết định cho trồng cây đa (banian) tại đây.
Sau rất nhiều lần tranh cãi không kém phần kịch liệt trong hội đồng thành phố hết năm này sang năm khác, người thì cho là con kinh đã không còn có ích nữa và đòi phải lấp đi, người thì nói là con kinh còn rất cần thiết vì khu chợ trung tâm toạ lạc tại đây và chỉ cần nạo vét cho thông thoáng, sạch sẽ là được…, cuối cùng phải đợi đến 20 năm sau, tức vào năm 1887, họ mới đi đến quyết định là lấp hoàn toàn con kinh.
Chợ Cũ trên đường Charner năm 1895
Và con đường rộng lớn kể từ đó mang tên là đại lộ Charner, nhưng người dân mãi đến thập niên 1930 vẫn còn thường gọi đây là đường Kinh Lấp. Năm 1926, ở giữa đại lộ này bắt đầu có một đường phân cách trồng cỏ, phân đại lộ ra làm hai, do thị trưởng Rouelle cho làm. Kể từ năm 1955 đến nay, con đường này mang tên là đại lộ Nguyễn Huệ.
Phu đang làm đường trên đại lộ Charner
Đại lộ Lê Lợi: từng là kinh đào vào năm 1861 – 1862
Lúc đầu, con đường này cũng là một con kinh dài khoảng 0,8km do đại uý công binh Gallimard đào “giữa vùng đầm lầy sau khi chiếm xong Sài Gòn”, tức là vào khoảng năm 1861 hay 1862 (sau đó gọi là kinh Gallimard), một đầu đổ ra sông Sài Gòn chỗ gần doanh trại Hải Quân, còn đầu kia nối với con kinh Olivier để đổ ra rạch Bến Nghé, nhằm tiêu nước và làm khô khu vực ẩm thấp lầy lội này của Sài Gòn. Con kinh này giao thẳng góc với kinh Lớn (Grand Canal, sau này thành đại lộ Nguyễn Huệ). Sau khi kinh Gallimard được đào xong, con đường dọc bờ kinh mang tên là đường số 13, đến năm 1865 được đổi thành đường Bonard. (Trong một số tài liệu, kinh này được ghi theo tên đại tá công binh Coffyn, dựa theo ghi chép của Trương Vĩnh Ký).
Người ta không biết đích xác kinh Gallimard được lấp để làm đường vào năm nào, André Baudrit đoán chừng có lẽ trong thời kỳ từ năm 1870 tới 1880. Sau khi lấp xong con kinh thì con đường lớn này trở thành đại lộ Bonard, nhưng lúc đó chỉ dừng lại ở đường Mac Mahon (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa).
Vào đầu năm 1914, con đường này được làm tiếp để nối dài từ đường Mac Mahon tới khu Halles Centrales (nay là chợ Bến Thành).
Kể từ sau năm 1955 đến nay, đường này mang tên là đại lộ Lê Lợi, dài khoảng 0,6km, đi từ đường Đồng Khởi đến công trường Quách Thị Trang, ngay trước chợ Bến Thành.
Đại lộ Hàm Nghi: Trước năm 1870 vẫn còn là rạch Cầu Sấu
Vào năm 1859 chưa có con đường này vì lúc ấy nơi đây vẫn còn là rạch Cầu Sấu. Theo Trương Vĩnh Ký, sở dĩ gọi tên như vậy là vì ngày xưa ở đây có một hầm nuôi cá sấu để xẻ thịt bán.
Đám rước rồng của Bang Quảng Đông năm 1865 tại bờ sông Sài Gòn, nay là đoạn bến Bạch Đằng, đầu đường Hàm Nghi
Lúc đầu, Pháp làm hai con đường ở hai bên bờ con rạch, mang tên là đường số 3. Đến năm 1865, đường ở một bên được đổi thành đường Dayot, còn đường ở bờ bên kia là đường Canton.
Con rạch này có lẽ được lấp lại trong khoảng đầu thập niên 1870 nhưng hai con đường vẫn mang tên riêng rẽ như trên. Bằng một nghị định do đô đốc Duperré ký ngày 14-05-1877, hai con đường này được nhập lại thành đại lộ Canton. Đến ngày 24-02-1897, hội đồng thành phố Sài Gòn trở lại với ý định ngày trước là tách ra thành hai con đường riêng, đặt tên con đường ở phía bắc là đường Krantz và con đường ở phía nam là đường Duperré.
Ga tramway ngay cột cờ Thủ ngữ, đầu đường Hàm Nghi ngày nay
Mãi đến năm 1920, hội đồng thành phố Sài Gòn mới quyết định sát nhập hai con đường lại thành một đại lộ, mang tên là đại lộ La Somme (Boulevard de la Somme). Kể từ sau năm 1955 tới nay, con đường này mang tên là đại lộ Hàm Nghi, dài khoảng 0,99km.
Đường Hồng Thập Tự (Nguyễn Thị Minh Khai): con đường thiên lý
Từ xưa đây đã là một con đường dài nối liền từ làng Phú Mỹ (nằm ở bên kia cầu Thị Nghè, thuộc khu vực Thị Nghè và rạch Văn Thánh ngày nay) cho tới Chợ Lớn, băng qua vùng đất cao nhất của thành phố. Đây là con đường đi xuyên qua thành Quy (xây năm 1790) lẫn thành Phụng (xây năm 1836, bị Pháp triệt hạ năm 1859).
Con đường này từ giữa thế kỷ XVIII đã được nối với con đường thiên lý. Theo Trịnh Hoài Đức, vào năm 1748, quan Điều khiển Nguyễn Hữu Doãn đã cho mở con đường thiên lý đi ra phía Bắc, bắt đầu từ cửa Cấn Chỉ ở phía đông thành Bát Quái (tương ứng với ngã tư đường Nguyễn Thị Minh Khai và đường Đinh Tiên Hoàng bây giờ) đến bến đò Bình Đông để sang bờ bên kia sông Sài Gòn là địa giới của Biên Hoà bằng cách “đo đạc giăng dây làm đường thẳng, gặp chỗ có kinh ngòi thì bắc cầu, chỗ bùn lầy thì đắp đất và cây gỗ.
Đến năm 1815, quan Tổng trấn thành Gia Định là Lê Văn Duyệt lại tiếp tục nối con đường thiên lý về phía tây bằng cách cho mở đường từ cửa Đoài Duyệt ở phía tây thành Bát Quái (tương ứng với ngã tư đường Nguyễn Thị Minh Khai và đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa bây giờ) để đi về hướng “qua cầu Tham Lương (đường Cách Mạng Tháng Tám hiện nay), qua bến đò Thị Sưu, qua chằm Lão Phong, giáp ngã ba đường đi Khê Lăng, đến đất Cà Rá nước Cao Miên, đến sông lớn (Mekong) dài 439 dặm. Trịnh Hoài Đức mô tả cách thức làm đoạn đường này như sau: “… gặp chỗ có sông, khe thì bắc cầu cống, chỗ đầm lầy thì đắp đất, rừng thì đốn cây, mở làm đường thiên lý, bề ngang 6 tầm, làm thành con đồng rộng thông suốt cho người ngựa qua lại được bình yên”.
Như vậy, con đường Nguyễn Thị Minh Khau bây giờ từ ngày xưa đã nối với con đường thiên lý đi ra miền Trung và miền Bắc, đồng thời cũng nối với con đường thiên lý đi về hướng sang Campuchia (theo ngả đường Cách Mạng Tháng Tám ngày nay).
Tháp nhà thờ Đức Bà nhìn từ góc Hai Bà Trưng – Hồng Thập Tự. Hình chụp năm 1947
Lúc đầu, do tầm quan trọng của con đường này nên người Pháp gọi đây là Route Stratégique (nghĩa là “đường chiến lược), về sau gọi là đại lộ số 25 (Boulevard No.25), đến tháng 2 – 1865 thì được De La Grandière quyết định cho mang tên là đại lộ Chasseloup – Laubat (tính tới Ngã Sáu mà thôi, còn đường Hùng Vương bây giờ thì hồi đó vẫn mang tên là Route Stratégique de SaiGon à Cholon). Dần dà về sau, người ta không còn gọi đây là “đại lộ” nữa mà chỉ gọi là “đường”.
Sau năm 1955, con đường Chasseloup – Laubat được đổi tên là đường Hồng Thập Tự. Vào năm 1975, đường này được nhập lại cùng với đường Hùng Vương ở Thị Nghè và Quốc Lộ 13 ở Hàng Xanh để mang tên là đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, rồi từ năm 1991 đến nay mang tên là đường Nguyễn Thị Minh Khai, chỉ tính từ cầu Thị Nghè trở lại mà thôi (tức tương ứng với đường Hồng Thập Tự cũ), dài khoảng 1,96km.
Góc Công Lý – Hồng Thập Tự. Tòa nhà trong hình là trường Lê Quý Đôn
Đây cũng là một trong những con đường mang nhiều dấu ấn trong suốt lịch sử thăng trầm của thành phố Sài Gòn.
Đường Hai Bà Trưng: một trong hai con đường huyết mạch của Sài Gòn
Dài khoảng 2,97km, đi từ đường Tôn Đức Thắng (bờ sông Sài Gòn) tới cầu Kiệu. Lúc đầu (sau năm 1859), đường này mang tên là đường số 14, năm 1865 đổi thành đường Impériable, năm 1870 là đường Nationale, năm 1902 là đường Paul Blanchy, năm 1952 là đường Trưng Nữ Vương (đoạn từ đường Lê Duẩn ngày nay tới cầu Kiệu) và từ năm 1955 đến nay là đường Hai Bà Trưng.
Đường Hai Bà Trưng hơn 100 năm trước
Trong suốt thời Pháp thuộc, theo André Baurit, đường Paul Blanchy và đường cắt thẳng góc với nó là đường ChesseLoup – Laubat (nay là Nguyễn Thị Minh Khai) là hai “con đường huyết mạch duy nhất nối liền trung tâm đô thị Sài Gòn với bên ngoài (đường Paul Blanchy) là một trong những con đường dài nhất và đông xe cộ qua lại nhất”. André Baudrit viết rằng chính vì vậy mà lúc đầu nó được đặt tên là đường Impériale (nghĩa là đường Đế Chế), về sau do muốn xoá bỏ những dấu vết của quá khứ đế chế Napóléon nên lúc đầu chính quyền Pháp ở Sài Gòn định đổi tên là đường République (đường Cộng Hoà), nhưng sau đó lại chọn tên là đường Nationale (nghĩa là đường Quốc Gia). Năm 1902, ngay sau khi thị trưởng Sài Gòn Paul Blanchy qua đời thì con đường này được đặt theo tên ông.
Ở cuối đường Hai Bà Trưng là cậu kiệu mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đã mô tả cảnh quan vào năm 1945 như sau: “Cầu Kiệu năm 1945 đã đúc bằng xi măng, rộng đủ cho hai làn xe chạy. Hai bên có lề hẹp dành cho khách đi bộ, lát gạch, thành cầu có lan can thấp bằng sắt. Từ đầu cầu bên phía Sài Gòn là đường tráng nhựa. Phía đầu cầu bên Phú Nhuận là đường đất đỏ đá ong. Hai bên đường trũng sâu, có mương thoát nước và hai hàng cây bàng râm mát. Phía bên phải đầu cầu là một trạm biến thể điện, đồng bào quen gọi là nhà hơi…”
Xe lửa đang chạy trên đường ray dọc theo đường Paul Blanchy
–
Đường Paul Blanchy xưa. Lúc này có đường ray xe lửa tuyến Sài Gòn đi Gò Vấp – Hóc Môn
Đường Lý Tự Trọng: nằm trên đường hào của thành cổ
Dài khoảng 1,83km, đi từ Ngã Sáu Phù Đổng cho tới đường Đinh Tiên Hoàng. Con đường này được làm trên đường hào của thành Bát Quái (tức thành Quy) mà vua Minh Mạng đã cho lệnh triệt hạ năm 1835 (để sau đó xây thành Phụng).
Vào đầu năm 1926, khi người ta tiến hành đào móng để xây một toà nhà lớn tại ngã tư đường La Grandière (nay là Lý Tự Trọng) với đường Catinat (nay là Đồng Khởi), Jean Bouchot đã khai quật và tìm thấy vết tích của một phần bức tường thành cổ ấy.
Lúc đầu, con đường này mang tên là đường số 17, từ ngày 1-2-1865 mang tên là đường Gouverneur (đường Thống Đốc) theo một nghị định của chuẩn đô đốc kiêm thống đốc De La Grandière (bởi lẽ lúc đó dinh thống đốc nằm trên con đường này, nay là khuôn viên trường trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa). Đến ngày 1-7-1870, mang tên là đường De La Grandière theo nghị định đô đốc thống đốc De Cornulier – Lucinière ký (trong nhiều văn bản thường ghi là đường Lagrandière). Vào năm 1950, dưới thời Quốc Gia Việt Nam của quốc trưởng Bảo Đại, đoạn từ Ngã Sáu Phù Đổng tới đường Đồng Khởi bây giờ mang tên là đường Gia Long, còn đoạn từ đường Đồng Khởi tới đường Đinh Tiên Hoàng bây giờ vẫn mang tên là đường La Grandière. Sau năm 1955, hai con đường ấy được nhập lại và mang tên là đường Gia Long, và từ sau năm 1975 đến nay là đường Lý Tự Trọng.
Đường Pasteur: một phần cũng là kinh đào xưa
Con đường này dài khoảng 1,43km, đi từ đường Bến Chương Dương tới đường Trần Quốc Toản bây giờ.
Ngày xưa, đoạn đường từ Bến Chương Dương cho tới đại lộ Lê Lợi bây giờ là một con kinh mà lúc đầu người Pháp cho đào để tiêu nước úng và lấy đất đắp nền, gọi là kinh Olivier, nối kinh Gallimard (nay là đại lộ Lê Lợi) với rạch Bến Nghé. Hai con đường dọc theo hai bên bờ con kinh này mang tên là đường số 24. Đến năm 1865, con đường bên bờ phải được đổi tên là đường Olivier, con đường bên bờ trái là đường Pellerin.
Khi người ta lấp con kinh này vào năm 1870 để làm thành một con đường mới thì chỉ giữ lại tên đường Pellerin, lúc ấy chỉ kéo dài từ rạch Bến Nghé tới đường Bonard (nay là đại lộ Lê Lợi), về sau mới được kéo dài như chúng ta thấy ngày nay.
Từ năm 1955, đường này mang tên là đường Pasteur, năm 1975 đổi thành đường Nguyễn Thị Minh Khai, nhưng từ năm 1991 đổi lại thành đường Pasteur cho đến nay.
Đường Công Lý: mang số cuối cùng trong 26 con đường đầu tiên thời Pháp thuộc.
Hồi đầu thời Pháp thuộc, con đường này mang tên là đường số 26, năm 1865 được đổi thành đường Impératrice (nghĩa là đường Nữ Hoàng), năm 1870 lúc đầu định đặt tên là Rue de France, nhưng cuối cùng quyết định đặt tên là Mac – Mahon.
Năm 1945, đoạn từ đường Lý Tự Trọng đến cầu Công Lý được gọi là đường Général de Gaulle; năm 1952, đoạn từ đường Lý Tự Trọng đến Bến Chương Dương được đặt là đường Maréchal De Lattre de Tassigny. Đến tháng 3 – 1955, nhập hai đoạn lại thành đường Công Lý (còn đoạn từ Công Lý tới sân bay Tân Sơn Nhứt gọi là Công Lý nối dài); đến tháng 5 – 1955, đoạn từ cầu Công Lý tới sân bay Tân Sơn Nhứt được đặt là đường Ngô Đình Khôi và sau năm 1963 đổi thành đường Cách Mạng 1 – 11.
Năm 1975, hai đường Cách Mạng 1 – 11 và đường Công Lý được nhập lại và trở thành đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Đến năm 1985, đoạn từ cầu Công Lý tới đường Hoàng Văn Thụ được đặt tên là đường Nguyễn Văn Trỗi, đoạn còn lại vẫn giữ tên là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
Đường Nguyễn Trãi: con đường cái quan
Hiện nay, đường Nguyễn Trãi nối từ Ngã Sáu Phù Đổng Thiên Vương đến đường Nguyễn Thị Nhỏ ở quận 5.
Đường Nguyễn Trãi nối liền với đường Lý Tự Trọng ngày nay có thể coi là vết tích của con đường cái quan (còn gọi là quan lộ hay đường thiên lý) ngày xưa đi xuyên qua thành Bát Quái, ở phía đông nối với con đường cái quan đi ra miền Trung và miền Bắc, ở phía tây nối với đường cái quan đi về hướng miền tây Nam Bộ (có thể thấy rõ con đường cái quan này trên bản đồ mà Trần Văn Học vẽ năm 1815).
Trịnh Hoài Đức viết về đường cái quan đi ra miền Trung và miền bắc như sau: “Bên trái là đường cái quan từ cửa Chấn Hanh (cửa thành Bát Quái – nằm ở khoảng ngã ba đường Lý Tự Trọng và đường Đinh Tiên Hoàng bây giờ) qua cầu Hoà Mỹ đến sông Bình Đồng tới trấn Biên Hoà”. Còn đường cái quan ở đầu kia đi về hướng miền tây Nam Bộ thì được Nguyễn Đình Đầu diễn đạt lại lời mô tả của Trịnh Hoài Đức bằng cách đối chiếu với những địa điểm ngày nay như sau: “Đầu trung hưng năm Canh Tuất (1790) đã đắp sửa quan lộ phía hữu, khởi từ cửa Tốn Thuận rẽ qua chùa Kim Chương (đường Nguyễn Trãi), phố Sài Gòn (Chợ Lớn hiện nay) đến cầu Bình An, qua gò chùa Đồng Tuyên đến bến đò Thủ Đoàn sông Cửa An ( Vàm Cỏ Đông) qua sông Hưng Hoà (Vàm Cỏ Tây), trải gò Trấn Định qua gò Triệu Phụ (quốc lộ 4 cũ). Chỗ cong queo thì làm thẳng lại, tu chỉnh cả cầu cổng ghe đò cho đường đi thuận tiện.” Cửa Tốn Thuận của thành Bát Quái nằm ở khoảng ngã tư đường Lý Tự Trọng và đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa bây giờ.
Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng ngày xưa đường Nguyễn Trãi liền mạch với đường Lý Tự Trọng để nối với con đường cái quan ở cả hai phía đông (đi ra miền Trung và miền Bắc) và phía tây (đi xuống miền Tây Nam Bộ). Cho đến năm 1868, người Pháp chưa đặt tên con đường này mà chỉ gọi đây là “la route de Cho – Lon”, tức là đường vào Chợ Lớn. Có lẽ đến khoảng thập niên 1870 họ mới gọi đây là route haute (đường Trên), đối ứng với route basse (đường Dưới, nay là Bến Chương Dương) cũng là đường đi vào Chợ Lớn.
Ngày xưa, trước khi Pháp vào, một đoạn đường này (quãng gần ngã tư với đường Cống Quỳnh) được người dân quen gọi là “đường Nước Nhi”, như đã nhắc đến trong bài “Cổ Gia Định phong cảnh vịnh” vào đầu thế kỷ XIX:
“Đường nước Nhỉ chảy tiu tiu Người thương khách lại qua hóng mát”
Trương Vĩnh Ký kể lại rằng đi từ đường Thuận Kiều (nay là Cách Mạng Tháng Tám) xuôi xuống, “trước khi tới sở nuôi ngựa (harras), Đồng Mả Nguỵ đổ nước về con rạch chảy qua đằng sau toà nhà Blancsubé, đến nỗi mà đoạn đường này luôn luôn bị ẩm ướt, và vì thế mà “người ta gọi đây là Nước Nhĩ. Trương Vĩnh Ký không ghi rõ đây là đường nào, Vương Hồng Sến cũng thắc mắc và tự hỏi phải chăng “đường Nước Nhỉ” là đường Cống Quỳnh.
Có thể đó không phải là đường Cống Quỳnh, mà chính là con đường Trên đi từ Sài Gòn vào Chợ Lớn, tức là đường Nguyễn Trãi bây giờ. Bởi lẽ ngay trước đoạn vừa trích dẫn trên, Trương Vĩnh Ký có nói rằng “đi từ đầu đường Thuận Kiều cho tới sở nuôi ngựa, người thấy có chợ Điều Khiển”, tức là đi từ đường Cách Mạng Tháng Tám chỗ ngã sáu Phù Đổng ngày nay, dọc theo đường Nguyễn Trãi, người ta sẽ thấy có chợ Điều Khiển (nằm gần đường Nguyễn Trãi, cụ thể là nằm trên đường Nam Quốc Cang). Sau đó, ông đề cập tới đoạn “đường Nước Nhi” và nói tiếp rằng “[đứng] ở sở nuôi ngựa, người ta nhìn thấy chùa Kim Chương” – mà chùa Kim Chương thì cũng nằm gần ngã tư đường Nguyễn Trãi và Cống Quỳnh, theo Nguyễn Đình Đầu. Vả lại, trong bản ghi chép bài “Cổ Gia Định phong cảnh vịnh” nói trên, chính Trương Vĩnh Ký cũng ghi trong chú thích rằng “đường Nước Nhi là khúc đường Chợ Lớn ra Bến Thành”.
Trong bài “Souvernirs historiques sur Saigon et ses environs” (1885), Trương Vĩnh Ký kể lại rằng khi chỉnh trang đường sá, chính quyền Pháp đã cho giữ nguyên hướng đi của “con đường nổi danh” này mà họ gọi là route houte, nhưng cho mở rộng ra và lát đá mặt đường. Đường này được đánh giá là “một con lộ thương mại có tầm quan trọng hàng đầu” ( une voie commerciale de premier importance) nối Sài Gòn với Chợ Lớn.
Con đường Nguyễn Trãi ngày xưa chia làm hai đoạn. Đoạn đầu: đoạn từ Ngã Sáu Phù Đổng đến đường Nancy (đường Cộng Hòa nay là Nguyễn Văn Cừ) gọi là route haute (đường Trên) vào thời Pháp thuộc, đến năm 1922 đổi tên thành đường Frere Louis, rồi năm 1955 trở thành đường Võ Tánh.
Đoạn cuối: đoạn từ đường Ngô Quyền tới đường Nguyễn Thị Nhỏ (ở Quận 5 bây giờ) ngay từ thời xưa (trong nửa cuối thế kỷ XIX) đã gọi là đường Cây Mai, mãi đến năm 1952 mới đổi thành đường Hartmann. Đoạn từ đường Nguyễn Văn Cừ đến đường Ngô Quyền được làm vào thập niên 1910 và vào năm 1922 được đặt tên là Marechal Joffre, đến năm 1950 được gọi là đường Quang Trung. Sau đó, hai đường Hartmann và Quang Trung được sáp nhập lại thành một đường gọi là đường Quang Trung. Năm 1955, đường Quang Trung này trở thành đường Nguyễn Trãi.
Kể từ cuối năm 1975, hai đoạn đường trên đây (tức đường Võ Tánh và đường Nguyễn Trãi) được nhập lại làm một và mang tên là đường Nguyễn Trãi.
Đại lộ Trần Hưng Đạo: nối Sài Gòn với Chợ Lớn từ năm 1916
Vào ngày 19-10-1904, viên đốc lý (Maire, tức thị trưởng) của Chợ Lớn nhờ thống đốc Nam Kỳ hỏi đốc lý Sài Gòn xem Hội đồng thành phố Sài Gòn có đồng ý cho kéo dài đại lộ Bonard (nay là Lê Lợi) để nối liền với đường Thuỷ binh (rue dé Marins) hay không, bởi lẽ lúc đó những bãi đầm lầy lớn còn án ngữ ở khu vực ngăn cách giữa Sài Gòn với Chợ Lớn (Vương Hồng Sến gọi khu đầm lầy này “bưng nước đọng”). Lời đề nghị này lúc thì được Hội đồng thành phố Sài Gòn chấp thuận, lúc thì bị bác bỏ (leterite) gồ ghề nối hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn, mang tên là đường Gallieni (tên của một viên tướng Pháp). Đến năm 1928, con đường này mới được chỉnh trang, rộng từ 15 tới 20 mét, rải đá granit và trải nhựa. Kể từ năm 1955 đến nay mang tên là đại lộ Trần Hưng Đạo.
Đại lộ Galliéni năm 1931
Vương Hồng Sến, một học giả sống ở Sài Gòn từ năm 1919, đã mô tả con đường này vào thời ấy như sau: “Hai bên đường còn nhiều thửa ruộng hoang vu, chiều chiều trời gần mưa, tiếng dễ, tiếng ảnh ương (tức ễnh ương) ri rít huềnh hoang, khó biết đấy là trung tâm đô thành hoa lệ, Nhà lụp xụp không hàng lối, mái lá mái tôn, dân lao động chen chúc, gái ăn sương đủ hạng. […] Đầu năm 1929 có đèn điện giăng giữa chia con đường làm hai chiều lên xuống. Đường xe điện đặt trung tâm đại lộ, đến giữa năm 1953 mãn hạn giao kèo khai thác mới chịu dẹp”.
Biên soạn theo sách Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu (Trần Hữu Quang)
Cùng ngắm nhìn trung tâm Sài Gòn khoảng 70 năm trước qua những tấm ảnh được phục chế màu từ ảnh trắng đen của thập niên 1950.
Bưu điện trung tâm là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của Sài Gòn, nằm ngay bên cạnh Nhà Thờ Đức Bà, là địa điểm tham quan quen thuộc của du khách. Đây cũng là một trong những công trình có tuổi đời trăm năm vẫn còn lại của Sài Gòn và giữ được kiến trúc nguyên thủy.
Tòa nhà này được người Pháp xây dựng trong khoảng năm 1886–1891 với phong cách châu Âu theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Villedieu cùng phụ tá Foulhoux. Công trình này có sự kết hợp hài hòa của kiến trúc phong cách phương Tây và nét trang trí phương Đông.
Bên dưới là hình gốc trắng đen:
—
Hình đại lộ Nguyễn Huệ đầu thập niên 1950, khi nó vẫn còn mang tên là Charner (đặt theo tên của đô đốc hải quân Pháp – Leonard Charner). Đây có thể xem là một trong những đại lộ đầu tiên của thành phố Sài Gòn, luôn là khu vực sầm uất nhất kể từ khi nó được xây dựng từ một kênh nước vào năm 1887.
Trong nhìn bên trên là hướng nhìn ra sông Sài Gòn, nơi có cột cờ thủ ngữ. Phía bên phải là những kiosk bán hàng đã hiện diện trên đại lộ này suốt mấy mươi năm. Trong rất nhiều hình Sài Gòn xưa, không hiếm hình ảnh có tà áo dài của các bà, các cô tản bộ trên phố, trông rất thanh lịch và thướt tha, tô điểm cho thành phố sầm uất.
___
Một hình ảnh khác của đại lộ Nguyễn Huệ thập niên 1950, góc nhìn hướng về Tòa Đô Chánh, với góc ngã 4 Nguyễn Huệ – Ngô Đức Kế.
___
Toàn cảnh đại lộ Nguyễn Huệ nhìn từ trên cao. Hình ảnh này được chụp từ trực thăng nhưng hình vẫn rất sắc nét. Chúng ta có thể thấy rõ Tòa Đô Chánh, phía bên phải là thương xá Eden, phía sau Eden là Nhà Thờ. Góc bên trái hình có thể thấy được mặt sau của dinh Gia Long trên đường Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng), xa hơn 1 chút là Tòa Pháp Đình nằm trên đường Công Lý.
___
Góc ảnh nhìn toàn cảnh đường Tự Do, bắt đầu từ Nhà Thờ, phía trên cùng là Bến Bạch Đằng – Sông Sài Gòn. Phía trước Nhà Thờ, góc đường Tự Do – Nguyễn Du là bót Catinat nổi tiếng, từ năm 1955 là trụ sở Bộ Nội Vụ, sau năm 1975 là Sở VHTT.
___
Một ảnh khác của đường Tự Do, nhìn ngược lại về phía Nhà Thờ. Trong ảnh này có Continental Palace và thương xá Eden.
___
Toàn cảnh đường Tự Do, bắt đầu là Majestic Hotel (nhà màu trắng bên trái), phía cuối là Nhà Thờ. Tòa nhà ngay góc bên phải là Grand Hôtel de la Rotonde ở số 2 đường Tự Do, đã được xây từ đầu thế kỷ 20.
Tòa nhà hình chóp nhọn ở giữa hình nằm ở ngã tư Tự Do – Ngô Đức Kế là Saigon Palace Hotel, ngày nay tòa nhà này là Grand Hotel, vẫn còn giữ được đường nét nguyên thủy.
___
Toàn cảnh công trường Mê Linh thập niên 1950. Đường dọc sông là Bến Bạch Đằng, phía trên là 2 đường Hai Bà Trưng – Thi Sách, những nhân vật lịch sử gắn liền với địa danh Mê Linh từ thế kỷ 1 trong công nguyên.
Ở chính giữa công trường Mê Linh mà chúng ta thấy trong hình là phần đế của một tượng đài. Từ năm 1877 cho đến năm 1954, vị trí này là tượng đài Rigault de Genouilly, và công trường này cũng mang tên là công trường Rigault de Genouilly. Tên này được đặt theo tên của một viên thủy sư đề đốc Pháp mang tên Charles Rigault de Genouilly.
Năm 1955, chính quyền đệ nhất cộng hòa dỡ bỏ tượng Genouilly, chỉ còn lại phần đế, đồng thời đổi tên công trường Rigault de Genouilly thành Công trường Mê Linh.
Năm 1962, tại phần đế tượng cũ này, chính quyền Ngô Đình Diệm xây dựng tượng đài Hai Bà Trưng, tuy nhiên bức tượng chỉ tồn tại được hơn 1 năm thì bị dỡ bỏ, thay vào đó là tượng đài Trần Hưng Đạo từ năm 1967 cho đến tận ngày nay.
Original pictures: manhhai flickr Colorized by chuyenxua.vn
Nếu nói về một ban nhạc danh tiếng nhất trong làng nhạc Sài Gòn trước năm 1975, hầu hết giới chuyên môn, giới ca sĩ, nhạc sĩ và khán giả đều công nhận đó là ban hợp ca Thăng Long, với nòng cốt là 3 tên tuổi đã trở thành bất tử: Ca sĩ Hoài Bắc (tức nhạc sĩ Phạm Đình Chương), danh ca Thái Thanh và ca sĩ Hoài Trung (tức Phạm Đình Viêm).
Từ trái qua: Hoài Bắc (Phạm Đình Chương) – Thái Thanh – Hoài Trung (Phạm Đình Viêm)
Trong 3 người thì Hoài Trung có vẻ kém danh tiếng hơn, nhưng khán giả vẫn chưa thể nào quên một giọng tenor với phong cách trình diễn đặc biệt, tiếng hát ngân dài và có khả năng giả tiếng ngựa hí hoặc các âm thanh khác khi hát bè trong hợp ca. Ông cũng có tài chọc cười nên cứ thấy ông xuất hiện trên sân khấu là khán giả đã cười ồ. Hoài Trung cũng là một diễn viên tham gia trong nhiều phim điện ảnh và thoại kịch.
Ngoài 3 cái tên chủ chốt này, thỉnh thoảng ban Thăng Long cũng có sự góp mặt của danh ca Thái Hằng, ca sĩ Khánh Ngọc (vợ Hoài Bắc) và cả nhạc sĩ Phạm Duy – là một trong những ca sĩ đầu tiên hát tân nhạc.
Đại gia đình Thăng Long: hàng trên: Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Hoài Trung, hàng dưới: Thái Hằng, Khánh Ngọc, Thái Thanh
Điều đặc biệt của ban Thăng Long là các thành viên đều là những anh chị em họ Phạm (hoặc dâu rể). Thân phụ của họ là ông Phạm Đình Phụng. Người vợ đầu của ông Phụng sinh được 2 người con trai: Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm (tức Hoài Trung của ban Thăng Long) và 1 người con gái đã không may qua đời sớm khi đi tản cư ở Sơn Tây.
Người vợ sau của ông Phạm Đình Phụng có 3 người con: trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy. Con trai thứ là nhạc sĩ Phạm Đình Chương và cô con gái út Phạm Thị Băng Thanh, tức ca sĩ Thái Thanh.
Khi đặt chân vào đến phương Nam, những anh chị em nhà họ Phạm muốn lập một ban nhạc gia đình để đi hát, họ đã chọn cái tên Thăng Long, gợi nhớ về vùng đất Hà Nội, là cố hương gốc gác của họ. Cái tên Thăng Long cũng gắn liền với thời thanh xuân của các anh chị em họ Phạm ở vùng tản cư.
Để nói rõ hơn về nguồn gốc của cái tên Thăng Long, hãy cùng đi ngược về quá khứ vào những năm đầu thập niên 1940, khi ông Phạm Đình Phụng còn ở Hà Nội và mở một cửa hàng bán mứt và ô mai ở phố Bạch Mai tên là Mai Lộc. Thuở đó có một câu bé mới 13 tuổi tên là Nguyễn Cao Kỳ thường đến Mai Lộc để ăn ô mai và đánh đàn mandoline với Phạm Đình Chương 14 tuổi, và Thái Thanh lúc đó mới 9 tuổi thường ngồi một bên để nghe mấy ông anh dạo đàn, thỉnh thoảng còn bị Phạm Đình Chương bắt hát để họ luyện đàn. Nguyễn Cao Kỳ sau đó thành tướng không quân, rồi phó tổng thống, nhưng luôn giữ một tình bạn thâm giao thuở thiếu thời với nhạc sĩ Phạm Đình Chương.
Đến năm 1946, bắt đầu thời kỳ loạn lạc, nhiều gia đình Hà Nội phải dắt díu nhau đi tản cư, ông bà Phạm Đình Phụng cùng 2 người con trai, 3 người con gái ra vùng Sơn Tây, sau đó dừng chân ở một vùng xuôi gọi là Chợ Đại. (Lúc này người con trai đầu là Phạm Đình Sỹ, cùng vợ là Kiều Hạnh, các con là Mai Hương, Bạch Tuyết cũng đã từ Huế ra miền thượng du phía Bắc). Tại Chợ Đại, ông Phụng mua lại một cái quán và đặt tên là Quán Thăng Long, bán các món phở và cà phê. Trong những người con của ông bà Phụng có cô gái tên là Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy sau này. (Sau này có người nói rằng Thái Hằng cùng với quán cà phê Thăng Long trở thành nhân vật chính trong ca khúc nổi tiếng Cô Hàng Cà Phê của nhạc sĩ Canh Thân).
Phạm Duy và Thái Hằng khi còn trong chιến khu
Trong hồi ký Phạm Duy, ông kể lại:
“Tại Quán Thăng Long, ông bà có ba người con để giúp đỡ trong việc nấu phở, pha cà phê và tiếp khách. Người con gái lớn tên là Phạm Thị Quang Thái, vào trạc 20 tuổi, biết hát và biết chơi cả đàn guitare hawaienne nữa. Nàng có một vẻ đẹp rất buồn, lại là người ít nói, lúc nào cũng như đang mơ màng nghĩ tới một chuyện gì xa xưa. Văn nghệ sĩ nào khi tới gần nàng thì cũng đều bị ngay một cú sét đánh. Thi sĩ Huyền Kiêu luôn luôn thích làm người tao nhã (galant) và có nhiều lúc, trịnh trọng cầm hoa tới tặng Nàng. Thi sĩ Đinh Hùng, rụt rè hơn, nhờ người chị ruột của tôi – đang tản cư ở Chợ Đại – làm mối. Còn anh họa sĩ hiền lành như bụt và có đôi mắt rất xanh là Bùi Xuân Phái thì ngày ngày tới Quán Thăng Long, ngồi đó rất lâu, im lặng… Ngồi, nhìn, chứ không vẽ. Ngọc Bích cũng soạn một bài hát tỏ tình…”
Chỉ một vài năm sau đó, tất cả các anh chị em họ Phạm là Phạm Đình Viêm, Phạm Đình Chương, Thái Hằng, Thái Thanh (lúc này đi hát với tên là Băng Thanh) đều gia nhập các ban văn nghệ quân đội Việt Minh của Liên Khu IV, hai ông bà chủ quán Thăng Long quyết định rời Chợ Đại di cư vào Thanh Hóa để được sống gần gũi các con. Hai ông bà tới một nơi gọi là Chợ Neo, thuê lại căn nhà lá và mở một quán phở, vẫn lấy tên là Quán Thăng Long.
Những anh chị em và dâu rể nhà Thăng Long. Hàng đứng, từ trái sang: Hoài Trung (Phạm Đình Viêm), Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), Phạm Đình Sỹ. Hàng ngồi: Phạm Duy, Thái Hằng, Kiều Hạnh, Thái Thanh
Tháng 5 năm 1951, đại gia đình họ Phạm quyết định “dinh tê” về Hà Nội. Lúc này Phạm Duy đã cưới Thái Hằng, và cùng đi chung còn có gia đình anh cả Phạm Đình Sỹ – Kiều Hạnh từ miền thượng du đi xuống. Chỉ 1 tháng sau, đại gia đình Thăng Long quyết định vào vùng đất hứa Sài Gòn để định cư. Tại đây những anh em nhà họ Phạm là Phạm Đình Viêm, Phạm Đình Chương, Thái Thanh thành lập ban nhạc lấy tên là Thăng Long, đặt theo tên quán phở gia đình ở vùng Chợ Đại, Chợ Neo trước đây.
Rồi cũng trong một tâm trạng lưu luyến về dĩ vãng chưa xa lắm, Phạm Đình Viêm lấy nghệ danh là Hoài Trung để nhớ về Khu 4, Phạm Đình Chương lấy nghệ danh là Hoài Bắc để nhớ về cố xứ. Còn cô út Băng Thanh chính thức lấy nghệ danh là Thái Thanh cho giống với người chị Thái Hằng.
Hoài Trung, Hoài Bắc và Thái Thanh
Lúc này Thái Hằng đã lập gia đình, bận bịu con nhỏ nên không thể theo hát cùng ban Thăng Long thường xuyên, mà chỉ thỉnh thoảng góp mặt. Tương tự là Khánh Ngọc – vợ của Hoài Bắc. Vì vậy nòng cốt của ban Thăng Long thành lập từ những năm 1950 cho đến năm 1975 là 3 người: Hoài Trung, Hoài Bắc và Thái Thanh. Thời gian đầu họ đến cộng tác với đài phát thanh Pháp Á ở đại lộ de La Somme (sau này là đại lộ Hàm Nghi) ở gần góc đường với đường Công Lý. Ban Thăng Long nhanh chóng đạt được thành công với lối hát khác biệt, có phần bè mới lạ và hấp dẫn. Họ lại có nguồn nhạc phong phú được sáng tác “cây nhà lá vườn” bởi 2 tên tuổi lừng danh là Phạm Duy và Phạm Đình Chương, mang được tính thời đại một cách sắc nét.
Thái Thanh – Hoài Bắc – Hoài Trung trong ban Thăng Long
Ngoài thù lao hát ở đài phát thanh và phòng trà vốn còn rất hạn chế ở Sài Gòn vào đầu thập niên 1950, thì ban Thăng Long kiếm sống chủ yếu là tiền thu thanh trong đĩa nhạc, lúc này vẫn còn là đĩa đá, chứ chưa có dĩa nhựa (vinyl) như sau này.
Ban Thăng Long cũng là một trong những ban nhạc/ca sĩ đầu tiên trình diễn theo hình thức phụ diễn ở rạp chiếu bóng. Nghĩa là các ca sĩ lên hát tân nhạc (gọi là phụ diễn) cho khán giả nghe trước khi phim bắt đầu được chiếu. Đầu tiên là rạp Nam Việt ở chợ cũ góc đường de la Somme và Chaigneau (sau này là Hàm Nghi – Tôn Thất Đạm), lối phụ diễn này của ban Thăng Long thành công ngay lập tức. Ngay sau đó là rạp Văn Cầm ở Chợ Quán, rạp Khải Hoàn và Thanh Bình ở khu chợ Thái Bình – Quận Nhứt liên tục mời ban hợp ca Thăng Long đến phụ diễn.
Ban Thăng Long và vợ chồng nhạc sĩ Văn Phụng – danh ca Châu Hà thập niên 1960
Thời điểm đó người Sài Gòn vẫn rất mê cải lương, nhưng tân nhạc bắt đầu được ưa chuộng, mà sân khấu đầu tiên chính là ở các rạp chiếu bóng, vì những người đi xem phim chiếu rạp như vậy đa số là dân Tây học rất thích tân nhạc, nên ban Thăng Long có dịp giới thiệu hàng loạt những sáng tác của Phạm Đình Chương, Phạm Duy và nhiều nhạc sĩ thời tiền chiến khác.
Ban Thăng Long lúc này có thêm Khánh Ngọc (áo đậm) và Thái Hằng (áo trắng)
Từ lối hát phụ diễn này, thừa thắng xông lên, ban Thăng Long tổ chức những Đại Nhạc Hội hát tân nhạc ở các rạp vốn được xem là “lãnh địa” của cải lương như rạp Nguyễn Văn Hảo hay Aristo. Lúc này không chỉ là hát phụ diễn nữa mà chương trình ca diễn của ban Thăng Long phong phú hơn nhiều. Các màn đơn ca, hợp ca, hay nhạc cảnh của ban Thăng Long cùng các nghệ sĩ khác được mời tới diễn chung, như Trần Văn Trạch, Phi Thoàn, Xuân Phát, và cả ban vũ Lưu Bình – Lưu Hồng (sau này gắn bó với Maxim’s của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ).
Từ trái qua: Khánh Ngọc, Hoài Bắc Phạm Đình Chương, Thái Hằng, Thái Thanh, Hoài Trung Phạm Đình Viêm
Click để nghe Ban Hợp Ca Thăng Long hát trong băng Sơn Ca 10 năm 1974
Với những hoạt động tân nhạc sôi nổi ngay từ khi mới chân ướt chân ráo đến Sài Gòn từ xứ Bắc, có thể nói ban hợp ca Thăng Long đã có những đóng góp lớn lao cho sự phát triển tân nhạc ở Sài Gòn thập niên 1950.
“Quái kiệt” Trần Văn Trạch – người có thời gian cộng tác cùng ban Thăng Long kể lại: “Mỗi xuất hiện của Ban Hợp Ca Thăng Long là một cơn nóng sốt đối với bà con khán giả miền Nam. Cách trình diễn, bài vở họ chọn, ngôn ngữ họ dùng… như một điều gì vừa gợi óc một tò mò, vừa mới mẻ, quyến rũ, lại cũng vừa thân thiết như một vật quý đã mất từ lâu, nay tìm lại được…”
Đạt được thành công to lớn ở phía Nam, những anh chị em nhà họ Phạm bắt đầu “Bắc tiến”, mà thực ra là sự trở về Thăng Long của ban nhạc mang tên Thăng Long, lúc này cùng theo đoàn hát mang tên là Gió Nam, với ý nghĩa là một làn gió mới đến từ phương Nam để đi trình diễn ở Hà Nội. Vì Nhà Hát Lớn giới hạn về không gian, nên rất nhiều thanh niên không mua được vé, phải trèo qua cửa sổ để nghe Gió Nam hát. Trong những người thanh niên đó có Lê Quỳnh, lúc đó hãy còn rất trẻ và hâm mộ tiếng hát Thái Thanh cuồng nhiệt. Đến sau này, khi di cư vào Sài Gòn năm 1954 và trở thành nam tài tử nổi tiếng bậc nhất Miền Nam, ông đến hỏi cưới Thái Thanh và được gia đình ông Phạm Đình Phụng đồng ý.
Ban Hợp Ca Thăng Long đứng trên đỉnh cao cho đến đầu thập niên 1960 thì có một sự cố đau lòng diễn ra trong nội bộ gia đình họ Phạm đã làm rúng động báo giới Sài Gòn. Vụ việc này có thể ai cũng đã rõ nên xin không tiện nói, chỉ biết rằng sau tai tiếng này, cuộc đời Phạm Đình Chương bước sang một giai đoạn khác. Chia tay vợ với vết thương lòng to lớn, ông sống những ngày gần như cắt đứt mọi sự liên lạc, chỉ tiếp xúc giới hạn với 1 vài bằng hữu thân thiết. Gia đình Phạm Duy cũng rời đại gia đình Thăng Long ở đường Bà Huyện Thanh Quan để về cư xá Chu Mạnh Trinh.
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương và Khánh Ngọc
Từ thập niên 1960 trở về sau, Hoài Bắc – Phạm Đình Chương sáng tác rất ít, nếu có thì cũng là những ca khúc u sầu như Người Đi Qua Đời Tôi, Khi Cuộc Tình Đã Chêt, hay Nửa Hồn Thương Đau. Nhiều người nói rằng ca khúc Nửa Hồn Thương Đau được ông viết ngay sau khi chia tay Khánh Ngọc, nhưng sự thật không phải vậy. Dư chấn của thảm kịch đã giảm thiểu mọi hoạt động của nhạc sĩ Phạm Đình Chương một thời gian khá dài, và ông chỉ sáng tác Nửa Hồn Thương Đau sau đó đúng 10 năm (1970) và được giới thiệu trong cuốn phim điện ảnh Chân Trời Tím qua tiếng hát Thái Thanh, được lồng vào phần trình diễn của minh tinh Kim Vui trong phim.
Cũng từ thập niên 1960, dù không hoạt động sôi nổi như trước, nhưng Ban Hợp Ca Thăng Long vẫn thu băng dĩa và trình diễn ở phòng trà Đêm Màu Hồng do Hoài Bắc Phạm Đình Chương mở ở Hotel Catinat có 2 mặt tiền đường, số 69 Tự Do và số 36 Nguyễn Huệ.
Hotel Catinat
Cuối năm 1974, ban Thăng Long cùng giọng ca Thái Thanh được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông thực hiện riêng một băng nhạc duy nhất, đó là Sơn Ca 10.
Sau năm 1975, thời cuộc đổi thay, mỗi người mỗi ngả. Thái Thanh kẹt lại ở Việt Nam trong 10 năm, từ 1975 đến năm 1985. Hoài Bắc – Phạm Đình Chương cũng đến năm 1979 mới sang đến Hoa Kỳ. Năm 1976, Hoài Trung cùng với nghệ sĩ Vũ Huyến (tức nhạc sĩ Vũ Minh, tác giả ca khúc Cô Hàng Nước, và cũng là thành viên AVT hải ngoại) và cô cháu ruột Mai Hương thành lập ban Thăng Long hải ngoại. Từ 3 người Thăng Long năm cũ, giờ chỉ còn một Hoài Trung, cùng cới 2 thành viên mới họ đã tái hiện lại ban hợp ca Thăng Long với những ca khúc đã gắn liền với tuổi, đặc biệt là bài Ngựa Phi Đường Xa ở dưới đây:
Click để xem Ban Thăng Long hải ngoại trình diễn
Trong bài Ngựa Phi Đường Xa bên trên, chúng ta có thể thấy ông Hoài Trung trình diễn tuyệt kỹ tiếng ngựa hí rất hay đã từng được khán giả tán thưởng nhiệt liệt.
Khi Hoài Bắc sang Mỹ năm 1979, nghệ sĩ Vũ Huyến trở lại AVT, nhường lại vị trí thành viên ban Thăng Long cho Hoài Bắc – Phạm Đình Chương.
Ban Thăng Long ở hải ngoại, với Mai Hương thay thế cô ruột là Thái Thanh
Năm 1991, Hoài Bắc Phạm Đình Chương qua đời ở tuổi 62
Năm 2002, Hoài Trung Phạm Đình Viêm qua đời ở tuổi 83
Đến năm 2020, cô em út Thái Thanh – linh hồn của ban hợp ca Thăng Long qua đời ở tuổi 86.
Tháng 11 cùng năm 2020, cô cháu gái của họ là Mai Hương – cũng là thành viên ban Thăng Long hải ngoại – đã về cõi vĩnh hằng. Tất cả những người đã tạo lập thành ban nhạc huyền thoại năm xưa nay đều đã thành người thiên cổ, nhưng tên tuổi và những đóng góp của họ dành cho tân nhạc vẫn trường tồn với thời gian.
Nhạc sĩ Lê Dinh là một trong những tên tuổi nổi tiếng nhất của dòng nhạc vàng trước 1975, với sức sáng tác bền bỉ và đa dạng. Những ca khúc nổi tiếng nhất của ông chủ yếu là thuộc dòng nhạc vàng, như Biển Dâu, Ga Chiều, Tình Yêu Trả Lại Trăng Sao… Một dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp của nhạc sĩ Lê Dinh là những tác phẩm viết chung với Minh Kỳ, Anh Bằng, hoặc viết chung 3 người trong nhóm Lê Minh Bằng.
Bộ ba Lê Minh Bằng: Anh Bằng – Minh Kỳ – Lê Dinh
Nhạc sĩ Lê Dinh tên thật là Lê Văn Dinh, sinh năm ngày 8/9/1934 tại làng Vĩnh Hựu, Gò Công. Thuở nhỏ ông học trường Gò Công; sau đó lên Mỹ Tho học trường Collège Le Myre de Vilers rồi học trường Cao Đẳng Vô Tuyến Điện (Ecole Supérieure de Radio Electricité) tại Saigon.
Trong thời gian theo học trường Cao Đẳng Vô Tuyến Điện, ông được học hàm thụ âm nhạc tại trường École Universelle de Paris, Pháp.
Năm 1954, Lê Dinh tốt nghiệp trường Cao Đẳng Vô Tuyến Điện, vì chưa tìm được việc làm ngay nên ông đi dạy Pháp văn và âm nhạc tại các trường tư thục ở Gò Công và Chợ Lớn.
Cũng nhờ dạy học ở Gò Công, ông gặp một cô giáo tên là Kim Quyên đang dạy ở đây. Sau một năm quen nhau thì họ nên duyên vợ chồng và sống hạnh phúc cho đến nay.
Năm 1956, Lê Dinh vào làm việc tại Đài Phát Thanh Saigon cho đến tháng tư năm 1975, với chức vụ Chủ Sự Phòng Sản Xuất (Production Section), sau đó Phòng Điều Hợp (On Air Section) của Đài. Ông chủ yếu phụ trách về mặt kỹ thuật tại đài, đúng với chuyên môn đã được đào tạo ở trường.
Nhạc sĩ Lê Dinh bắt đầu sáng tác nhạc từ lúc còn đi học, với ca khúc đầu tiên được thu thanh trên đài phát thanh đài Pháp Á là bài Quê Mẹ với tiếng hát Linh Sơn.
Khoảng năm 1956, ông có ca khúc đầu tiên được xuất bản là Làng Anh Làng Em, tiếp sau đó là những bài hát nổi tiếng là Ngày Ấy Quen Nhau, Ngang Trái, Xác Pháo Nhà Ai, Cánh Thiệp Hồng, Tấm Ảnh Ngày Xưa, Thương Đời Hoa, Ga Chiều, Tình Yêu Trả Lại Trăng Sao, Nỗi Buồn Châu Pha…
Vợ của nhạc sĩ Lê Dinh đã từng nói rằng ông có thói quen sáng tác lúc đêm khuya, khi mọi người trong nhà đều yên giấc ngủ, và lúc sáng sớm vừa thức dậy. Khi sáng tác, bên cạnh thường có tách cà phê sữa nóng.
Thời gian làm việc ở Đài Phát Thanh Saigon, nhạc sĩ Lê Dinh có quen biết với nhạc sĩ Minh Kỳ, sau này chơi thân và cùng nhau sáng tác những ca khúc nổi tiếng được ký tên Lê Dinh – Minh Kỳ là Tiếng Hát Mường Luông, Đường Chiều Sơn Cước, Đường Về Khuya, Cánh Thiệp Đầu Xuân, Hạnh Phúc Đầu Xuân…
Sau đó không lâu, nhạc sĩ Lê Dinh lại quen thân với nhạc sĩ Anh Bằng và cùng nhau sáng tác những ca khúc ký tên Lê Dinh – Anh Bằng: Nếu Ai Có Hỏi, Giấc Ngủ Cô Đơn, Chỉ Hai Đứa Mình Thôi Nhé, Nếu Hai Đứa Mình, Đôi Bóng, Bóng Đêm…
Sau khi đã hợp tác thành công với nhạc sĩ Minh Kỳ và Anh Bằng, nhạc sĩ Lê Dinh có ý định kết hợp 3 nhạc sĩ lại để trở thành nhóm sáng tác Lê Minh Bằng, trở thành nhóm sáng tác nổi tiếng đã trở thành một huyền thoại. Sự hợp tác này đã mang đến sản phẩm đầu tiên là ca khúc Đêm Nguyện Cầu được ký tên Lê Minh Bằng và ra mắt công chúng năm 1966.
Ngoài bút danh Lê Minh Bằng, 3 nhạc sĩ còn sử dụng rất nhiều bút danh khác nhau là Mạc Phong Linh, Mai Thiết Lĩnh, Mai Bích Dung, Dạ Cầm, Trúc Ly, Dạ Ly Vũ, Vũ Chương, Tôn Nữ Thụy Khương, Phương Trà, Giang Minh Sơn, Nhật Nguyệt Hồ,… để sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng: Chuyện Tình Lan Và Điệp, Mưa Trên Phố Huế, Đà Lạt Hoàng Hôn, Cô Hàng Xóm, Linh Hồn Tượng Đá, Tình Đời, Người Thợ Săn Và Đàn Chim Nhỏ…
Nhạc sĩ Lê Dinh nói rằng trong suốt 9 năm hợp tác của nhóm Lê Minh Bằng (1966-1975), cả 3 nhạc sĩ đều rất vui vẻ hoà thuận, không xảy ra tranh cãi nào lớn. Nhạc sĩ Lê Dinh người Nam, nhạc sĩ Minh Kỳ người hoàng tộc ở miền Trung, còn nhạc sĩ Anh Bằng thì quê ở ngoài Bắc sát biên giới Việt Trung. Bắc Trung Nam hợp thành một nhóm rất ăn ý.
Sau năm 1975, nhạc sĩ Lê Dinh kẹt lại trong nước, ngưng viết nhạc, nhưng vẫn nghĩ ra nhiều ý tưởng sáng tác ở trong đầu mà không ghi ra giấy. Đến năm 1978, cả gia đình Lê Dinh sang đến một đảo thuộc Đài Loan bằng con tàu nhỏ đánh cá. Hai tháng sau họ đến Hongkong, và sau đó chọn định cư ở Canada.
Sau khi định cư tại Montreal, Canada, nhạc sĩ Lê Dinh sáng tác những ca khúc chủ yếu là có nội dung nhớ về quê hương như là Thương Về Gò Công, Sao Anh Không Nhớ Gò Công, Chữ Tình, Huế Buồn,…
Cũng trong thời gian đó, ông bắt đầu làm việc cho hãng tàu chở hàng hóa đi khắp thế giới có tên là Federal Navigation (viết tắt là FEDNAV) của Canada ở thành phố Montréal trong 20 năm. Cũng chính con tàu hàng của hãng này đã cứu giúp con thuyền đánh cá 40 người mà gia đình ông lênh đênh trên biển 1 năm trước đó.
Sau khi nghỉ việc ở hãng tàu, nhạc sĩ Lê Dinh thành lập Đài Phát Tiếng Nói Việt Nam tại Montreal và trở thành chủ nhiệm kiêm chủ bút Nguyệt San Nghệ Thuật. Sau đó ông về hưu vì đã lớn tuổi.
Nhạc sĩ Lê Dinh đã qua đời vào ngày 9/11 năm 2020, hưởng thọ 86 tuổi.
Đối với một người nhạc sĩ, nếu sáng tác được vài bài hát (hoặc thậm chí là chỉ có 1 bài duy nhất) và được khán giả yêu thích, được sống cùng với năm tháng thì đã là một niềm vinh hạnh, tên tuổi người nhạc sĩ sẽ được nhắc đến mãi về sau này. Nhưng nhạc sĩ Lê Dinh làm được những điều vượt xa như vậy. Chỉ tính riêng những bài ông sáng tác một mình thì đã có hàng chục ca khúc được bất tử. Từ giữa thập niên 1960, ông còn hợp tác trong nhóm Lê Minh Bằng để sáng tác thêm hàng trăm ca khúc khác, và hầu hết đều nổi tiếng.
Sau đây, mời các bạn nghe lại những bài hát được yêu thích nhất của nhạc sĩ Lê Dinh. Nếu không tính những bài hát được sáng tác từ giữa thập niên 1960 trở về trước (khi chưa có nhóm Lê Minh Bằng), thì ông nổi tiếng nhất với những ca khúc:
Thương Đời Hoa
Bài nhạc tango buồn được nhạc sĩ Lê Dinh sáng tác dành cho một nữ sinh Gia Long bị “đánh ghen”. Cô gái này tên là Lan, chứ không phải là vũ nữ Cẩm Nhung như nhiều người lầm tưởng.
Click để nghe Thanh Thúy hát Thương Đời Hoa
Tấm Ảnh Ngày Xưa
Một ca khúc có giai điệu uyển chuyển, lời ca đong đầy kỷ niệm về một tình yêu đầu đã từng được gởi trao qua tấm ảnh chân dung người thiếu nữ. Dù có nhiều ca sĩ hát ca khúc này, nhưng có lẽ giọng hát liêu trai và thoang thoảng khói sương của Thanh Thúy là thích hợp nhất:
Click để nghe Thanh Thúy hát Tấm Ảnh Ngày Xưa
Tình Yêu Trả Lại Trăng Sao
Trong phần đề tựa khi phát hành bài hát, nhạc sĩ ghi: “Cho L.T.P, cảm thông nỗi đau buồn qua thi phẩm Tin Vui Đám Cưới nhà Ai”.
Thôi hết rồi người đã xa tôi Quên hết lời thề ngày xa xôi…
Ngàn đời qua trăng sao luôn hiện diện và chiếu rọi trên cao, nên những lời hứa trên đời luôn lấy trăng sao ra làm chứng nhân, đặc biệt là với các đôi lứa yêu nhau. Nhưng khi người đã rời xa, dấu yêu xưa chuyện tình cũ xin trả lại hết đến trăng sao.
Click để nghe Hoàng Oanh hát Tình Yêu Trả Lại Trăng Sao
Ga Chiều
Bài hát được nhạc sĩ sáng tác năm 1962, với lời đề tựa: “Mến trao các bạn học sinh trên đường về hè…”
Trong nhạc vàng, các chủ đề quen thuộc nhất là tình yêu đôi lứa, sân ga, con tàu, học sinh và mùa phượng. Tất cả những điều này đều có trong ca khúc Ga Chiều, nổi tiếng với giọng hát Thanh Thúy trước 1975:
Click để nghe Thanh Thúy hát Ga Chiều
Xác Pháo Nhà Ai
Trong lời đề tựa của bài hát, nhạc sĩ Lê Dinh trích 4 câu thơ của LTP:
Em chúc cho anh tròn hạnh phúc
Bên người vợ trẻ cưới hôm nay.
Còn em, một cánh chim cô độc
Xin trọn đời theo dõi bóng mây
Click để nghe Thanh Thúy hát Xác Pháo Nhà Ai
Chiều Lên Bản Thượng – Thương Về Xứ Thượng
Nhạc sĩ Lê Dinh có đến 5 bài hát nổi tiếng nhắc về vùng đất và con người xứ Thượng, đó là Nỗi Buồn Châu Pha (viết chung trong nhóm Lê Minh Bằng), Tiếng Hát Mường Luông (viết chung với Minh Kỳ), Người Em Xứ Thượng, Thương Về Xứ Thượng và Chiều Lên Bản Thượng:
Click để nghe Thanh Thúy hát Tiếng hát Mường Luông
Click để nghe Nhật Trường – Thanh Tuyền hát Chiều Lên Bản Thượng
Click để nghe Băng Châu hát Thương Về Xứ Thượng
Ngang Trái
Một bài hát tình buồn ngang trái được nữ ca sĩ Dạ Hương hát trước năm 1975.
Click để nghe Dạ Dương hát Ngang Trái
Những bài hát viết chung với nhạc sĩ Minh Kỳ
Khoảng đầu thập niên 1960, nhạc sĩ Lê Dinh làm việc ở đài phát thanh Sài Gòn. Tại đây ông đã gặp gỡ và thân thiết với nhạc sĩ Minh Kỳ, một cảnh sát kiêm nhạc sĩ, nổi tiếng nhất với ca khúc Xuân Đã Về được sáng tác từ thập niên 1950. Họ đã cùng nhau sáng tác nhiều ca khúc nhạc Xuân, trong đó nổi tiếng nhất là 3 bài Cánh Thiệp Đầu Xuân – Gác Nhỏ Đêm Xuân – Hạnh Phúc Đầu Xuân. Mời các bạn nghe lại:
Click để nghe Thanh Thúy hát Cánh Thiệp Đầu Xuân
Click để nghe Thanh Thúy hát Hạnh Phúc Đầu Xuân
Click để nghe Giao Linh hát Gác Nhỏ Đêm Xuân
Ngoài ra, Lê Dinh và Minh Kỳ còn hợp soạn ca khúc Đường Về Khuya:
Click để nghe Phương Dung hát Đường Về Khuya
Những bài hát viết chung với nhạc sĩ Anh Bằng
Một ngày đầu thập niên 1960, khi nhạc sĩ Lê Dinh ở công sở là đài phát thanh, có một nhạc sĩ dáng vẻ hiền lành, nói giọng Bắc đến găp ông và đưa một số bài hát nhờ lăng xê trên đài phát thanh. Người nhạc sĩ đó chính là Anh Bằng. Sau đó 2 người trở nên thân thiết và cùng hợp soạn ra nhiều bài hát, mà nổi tiếng nhất là chùm ca khúc về tình yêu, nhưng mang tính “chiêu hồi”, đó là Giấc Ngủ Cô Đơn, Đôi Bóng và Bóng Đêm:
Click để nghe Thanh Thúy hát Giấc Ngủ Cô Đơn
Click để nghe Hoàng Oanh hát Đôi Bóng
Click để nghe Thanh Lan hát Bóng Đêm
Ngoài ra Lê Dinh và Anh Bằng còn sáng tác 3 bài hát về tình yêu đôi lứa rất tình cảm là Nếu Ai Có Hỏi, Nếu Hai Đứa Mình và Chỉ Hai Đứa Mình Thôi Nhé:
Click để nghe Hoàng Oanh hát Nếu Ai Có Hỏi
Click để nghe Hoàng Oanh hát Nếu Hai Đứa Mình
Click để nghe Hoàng Oanh hát Chỉ Hai Đứa Mình Thôi Nhé
Từ nhiều năm qua, “khủng hoảng năng lượng” là một khái niệm quen thuộc với hầu hết mọi người, đặc biệt là trong tình trạng hiện nay, xăng dầu đang là thứ mà mọi người quan tâm hàng ngày, tầm ảnh hưởng của nó mang tính chất toàn cầu.
Ngoài ra, một khái niệm khác là “năng lượng hạt nhân” đang được nhắc tới hàng ngày và cũng đang có những cuộc khủng hoảng hạt nhân xảy ra trên thế giới.
Từ hơn 80 năm trước (năm 1940), báo chí ở Việt Nam đã nhắc tới những khái niệm bên trên, về mối lo ngại về những cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ diễn ra và ảnh hưởng tới cuộc sống của mỗi người, và sự ráo riết tìm cách khai thác nguồn năng lượng thay thế: Năng lượng nguyên tử. Xin nói thêm rằng thời điểm năm 1940, trên thế giới chưa chính thức tạo ra được điện từ năng lượng nguyên tử, và các nhà khoa học đang tập trung nghiên cứu về nó như là một loại năng lượng tiềm năng, là thứ vô tận nếu khai thác được, có thể thay thế cho xăng dầu, than đá, than trắng… nếu những thứ này bị cạn kiệt.
(Than trắng, hoặc “than đá trắng”, tiếng Pháp là houille blanche, là cách gọi của thủy điện thời đó, là năng lượng từ thác nước).
Vậy hơn 80 năm trước, báo Việt Nam đã nói gì về điện nguyên tử? Xin mời các bạn đọc một bài báo rất thú vị sau đây, đăng trên thời báo Trung Bắc Tân Văn.
Bài viết này giữ nguyên gốc văn phong báo chí quốc ngữ của đầu thế kỷ 20.
Thế giới đến ngày cạn hết cả than lẫn dầu thì sao?
Nhờ có văn minh khoa học đời nay, hầu hết mỗi nhà được hưởng những sự lợi-tiện của máy đèn, máy nước, máy hát điện, cho đến lò sưởi và bấp nấu ăn cũng là điện-khí. Ngoài đường thì xe hơi, tàu hỏa, máy bay, rầm rầm suốt ngày thâu đêm, rút ngắn đường sá và ngày giờ lại gang tấc. Còn biết bao nhiêu vật-dụng chế-tạo bởi cơ-khí. Đời con người ta sung sướng đủ thứ!
Xong chẳng biết có ai chịu khó nghĩ đến một ngày kia, cái ngày tất nhiên phải đến, nhà máy điện-khí phải ngừng, các mỏ dầu cạn hết, một cục than đá than củi gì cũng không còn thì sao? Cuộc đời văn minh lúc ấy sẽ tiêu-tàn ảm-đạm biết sao mà nói.
Tất có người bảo không sợ. Trong ruột trái đất còn chứa vô số mạch dầu và mỏ than, người ta đào lấy đến muôn ngàn đời chưa hết. Ví chăng có cạn dầu hết than, thì cũng còn than đá trắng là những thác nước chảy hùng dũng kia bao giờ hết được, vì còn có mặt trời hút lấy hơi nước biển làm ra mưa xuống núi nón thì còn có thác nước thao-thao bất tuyệt cho người ta tha-hồ lợi-dụng.
Ai tưởng như thế là lầm. Người ta đã bới đào khắp trong gan ruột quả-đất, tính ra than-đá còn được chừng 3.700 năm nữa, nhưng dầu-tây thì chỉ 20 năm nữa là cạn ráo. Ngay đến than trắng cũng chẳng phải là vật muôn năm bất tuyệt đâu, vì lần-hồi đây rồi có các cuộc hỏa-sơn, địa-chấn làm bằng-phẳng mất các núi non và thung lũng cao, tự nhiên sẽ không còn thác ghềnh gì nữa. Thác ghềnh không còn thì làm gì có than trắng?
Có người lại nói:
– Thế bây giờ người ta chẳng chế-tạo ra dầu xăng nhân-tạo được rồi và chẳng dùng hơi than củi để chạy máy được là gì!
Thưa quả có như thế! Nhưng các ngài nên biết cho rằng muốn chế ra dầu xăng nhơn-tạo, tất phải cần than đá làm gốc; muốn dùng hơi than củi thì tất phải có rừng cây cho nhiều. Hai món than đá và rừng cây, lâu nay người ra xài dữ quá, thế tất đến ngày cạn hết thì làm sao?
Bởi vậy, từ lâu, các nhà bác-học đã tiên-liệu cái nguy đến một ngày kia, các nguồn làm nên than trắng – Những thác nước ở trên núi non chảy xuống có sức rất mạnh. Lâu nay các xứ văn-minh đã tìm được cách thâu dụng cái sức mạnh thiên-nhiên ấy để chạy máy này máy kia, gọi là than-đá-trắng.
Sức mạnh đều khô hết cả, thì máy gì cũng hết chạy, xe tàu gì cũng phải nằm ụ, các cuộc thông tin và đàn hát bằng vô tuyến điện cũng phải câm.
Nhưng mà đứng trước cái nguy ấy, chỉ có phàm-nhân chúng ta la xo, chứ khoa-học không chịu khoanh tay bất lực. Khoa học cố tìm ra một nguồn sức mạnh khác để thay thế cho than, dầu và điện khí.
Sức mạnh ấy ở đâu cũng có, ở ngay trong một đồng xu con mà đi.
Một đồng xu có sức mạnh kéo nổi 40 toa xe lửa chạy vòng quanh trái đất 6 lần.
Các nhà vật-lý học, từ cuối thế-kỷ trước (thế-kỷ 19) đã tìm ra một nguồn sức mạnh không ngờ.
Té ra mỗi vật-chất gì, cũng bởi không biết bao nhiêu ức ức triệu triệu những cái hết sức bé nhỏ kết-hợp lại với nhau mà tạo nên. Những cái hết sức tinh-vi bé nhỏ ấy, khoa-học đặt tên nó là a-tôm (atomes) hay là nguyên-tử. Nó bé nhỏ đến đỗi trong một nét mực in để in một dấu đánh chấm câu trong bài chư vị độc giả đang đọc đây, cũng chứa không biết mấy ngàn triệu số ngàn triệu nguyên-tử mà nói.
Lạ nhứt là mỗi một nguyên-tử như thế, chính giữa có một cái hột tâm trụ cột, chung quanh cái hột ấy có hằng-hà sa-số điện-tử bao vây luân chuyển, y như mặt trời đứng giữa mà chung quanh có những tinh-tú bao bọc vậy.
Sau khi tìm kiếm cái nguồn sức mạnh thiên-nhiên quái dị ấy, các nhà bác-học mừng quá, gần muốn phát điên:
– “Ủa! té ra mỗi một nguyên-tử chính là một bố máy tự có sức mạnh và chạy mau ghê hồn! Ta có cách gì bắt lấy sức mạnh ấy mà dùng thì lợi biết mấy, chẳng tốn kém mảy may nào, vì bất cứ một vật-chất gì cũng có nó đầy rẫy kia mà”.
Quả thật, sức mạnh ấy nếu ta có cách bắt lấy mà dùng, khi ta hết sạch chẳng còn một cục than, một giọt dầu nào cũng chẳng lo. Đã nói trong vật-chất nào cũng chứa hằng-hà sa-số nguyên tử, tức là hằng-hà sa-số sức mạng. Ví dụ một đồng xu con, sức mạnh chứa trong mình nó bằng đốt 5.000 tấn than-đá, kéo nổi một chuyến xe lửa 40 toa, chạy vòng quay địa-cầu 6 lần. Ai bảo đồng xu là một vật bé-nhỏ, như cái dấu đánh chấm câu mới nói trên kia cũng chứa đủ sức mạnh để kéo nổi hai chiếc chiến-hạm khổng-lồ của nước Pháp, là Richelieu và Clémenceau, đặt lên trên chót núi Himalaya (núi ở Ấn-độ, cao nhứt thiên hạ), còn kéo thêm một chiếc tàu tuần dương 20.000 tấn nữa là khác.
Khoa-học đã lần mò ra cái sức mạnh thiên nhiên lạ thường ấy rồi, nhưng đến sự bắt lấy nó mà dùng không phải là dễ.
Ba nhà vật-lý học đại-danh của nước Pháp là ông Becquerel, cùng hai ông bà Pierre và Marie Curie, mấy chục năm trước, đã phát-minh ra phép làm cho nguyên-tử phải nổ bùng ra (radioactivité), hế nó có nổ thì mới bật sức mạnh ra cho người ta dùng.
Nhưng phải làm sao cho bao nhiêu nguyên-từ chứa trong một vật gì bất cứ, đồng thời phát nổ một lượt, mới có sức mạnh để mà dùng; trái lại, nếu cái nổ trước, cái nổ sau thì không có sức mạnh gì đáng kể.
Các bậc tiên-hiền Pierre và Marie Curie đành phải khoanh tay ở chỗ đó.
Vợ chồng Pierre và Marie Curie
Hai ngài qua đời, đã có con gái và chàng rể nối chí, thành-công.
Ấy là bà Irène-Curie và giáo sư Frédéric Joliot, hai nhà bác-học đã được phần thưởng Nobel về khoa vật-lý và nổi tiếng trong khoa-học fiowsi nước Pháp hiện giờ.
Coi chừng sức nóng có thể “rô-ti” cả nhân loại chín như lợn quay
Khoa-học đã tìm ra nguyên-tử và biết rằng hễ nguyên tử nổ bùng ra thì có muôn vàn sức nóng cho người ta dùng để chạy máy này máy kia, vừa nhiều vừa rẻ, chẳng cần gì đến than và dầu nữa. Nhưng chờ cho nguyên-tử tự nó phát nổ ra sức nóng mà dùng thì biết đến bao giờ?
Người ta không có cách gì bắn phá nguyên-tử phải nổ bùng lên ư?
Vợ chồng giáo-sư Joliot nói:
– Có!
Vợ chồng Irène Joliot-Curie và Frédéric Joliot
Từ năm 1934, cặp vợ chồng khoa-học đại danh này đã tìm ra cách dùng nhân-lực bắn nổ nguyên-tử (radioactivité artificielle). Chính hai nhà bác-học ấy chế-tạo ra thứ đạn riêng, bắn vào nguyên-tử, làm cho nguyên-tử nổ bật ra sức nóng.
Sau mấy năm cặm cụi nghiên-cứu, đến ngày 30 tháng 1 năm nay (1939), giáo-sư Joliot đem việc mình bắn phá nguyên-tử của chất ᴜɾaniᴜm trình bày trước viện Khoa-học nghiên cứu (Academic des Sciences) đại khái như sau này:
“Tôi đã thử bắn phá nguyên tử của chất ᴜɾaniᴜm, với những viên đạn gọi là neutrons (mảnh-mún của một chất kim-khí hết sức bé nhỏ, khoa-học có thể chế-tạo ra). Tôi nhìn thấy một hiện tượng rất lạ: Mỗi lần một viên đạn neutron bắn trúng vào một nguyên-tử thì nguyên-tử này nổ tung ra từng mảnh; ngay trong những mảnh ấy, có lẽ cũng chứa những đạn neutrons khác. Thành ra các nguyên-tử khác có thể đồng thời bị bắn trúng mà phát nổ, rồi chính nó đem đạn neutrons chứa sẵn trong mình nó mà bắn phá những nguyên-tử khác nữa cũng phải nổ. Nó bắn lẫn nhau như thế mãi. Thì ra viên đạn mình bắn đầu tiên, giống như một cây diêm, chỉ châm lửa vào một tí, đủ làm cháy bùng cả kho thuốc súng vậy”.
Nhưng, mặc dầu sự phát-minh quan hệ ấy, giáo-sư Joliot không khỏi có chỗ giật mình lo ngại xa xôi.
Lo ngại tất cả các nguyên-tử đồng thời phát nổ, thì thế-giới có thể phát sinh một cái tai hoa hết sức nguy hiểm.
Thật vậy, mình cốt bắn phá nguyên-tử của chất này, nhưng rồi nguyên-tử này lại tự bắn phá các nguyên-tử kia, cứ bắn phá truyền nhau như thế mãi; nó có thể bắn sang nguyên-tử bao nhiêu chất khác trong hoàn cầu, chừng đó sức nóng đồng-thời phát ra, e cả thế-giới nhân loại đều bị đốt tiêu nướng chín thì nguy.
Nhà khoa-học lo xa như thế, không phải là vô-lý.
Độc-giả đã nghe chuyện vua nước Ba-tư (roi des Perses) với hột lúa chưa? Chuyện lý thú lắm.
Anh Sessa sáng tạo ra bàn đánh cờ người (đây nói về jeu d’échces của Tây) [ngày nay gọi là cờ vua] rất hay, vua xứ Ba-tư thích lắm, ngài phán hỏi anh ta muốn được ban thưởng cách gì, tùy ý chọn lựa, để ngài ban thưởng cho.
Sassa nói:
– Tâu bệ-hạ, tiểu nhân chỉ xin bệ-hạ cho để vào ngăn thứ nhất của bàn ờ 1 hột lúa mì, ngăn thứ hai 2 hột, ngăn thứ ba 4 hột, ngăn thứ tư 8 hột v.v… cứ mỗi ngăn gấp đôi số lúa, cho hết 64 ngăn trong bàn cờ thì thôi.
Vua Ba-tư mừng rỡ, chịu liền, tưởng là sự ban thưởng ấy dễ dàng và không tốn kéo cho ngài bao nhiêu.
Một lát, các quan coi kho hốt hoảng chạy vào quỳ tâu:
– Bẩm Ngài-ngự, không thể nào ban thưởng Sassa bằng cách đó được, vì đến những ngăn sau cùng, tất cả lúa gặt trong địa-cầu cũng không đủ.
Thật vậy, nếu cứ nhân đôi số lúa ở mỗi ngăn của bàn cờ, thì đến ngăn thứ 64, phải để bấy nhiêu hạt lúa, biết là mấy ngàn ngàn triệu triệu:
18.446.744.073.709.551.615
Giả-tỉ một thước khối (métre-cube) có 20 triệu hột lúa mì, thì vua Ba-tư phải cho Sessa tới 922.337.203.685 thước khối, nghĩa là 8 lần nhiều hơn số lúa mì sản xuất trong Địa-cầu 1 năm, ấy là nói tất cả mặt đất đều trồng lúa mì thì mới được thế.
Ấy, việc bắn phá nguyên-tử mà giáo-sư Joliot phải xo la, cũng như vậy đó. Đầu tiên, mình bắn phá hột nguyên tử thứ 1, nó nổ tung ra nhiều mảnh mín, chính những mảnh mín ấy tự bắn phá bao nhiêu hột nguyên-tử khác nó cứ bắn truyền và nổ bùng liên tiếp như thế, chỉ trong khoảnh khắc của một cái tích-tắc đồng hồ, sức nóng phát lên gớm ghê, khí-hậu bỗng chóc tăng cao nhiệt-độ thế-gian dẽ bị nung nấu và cháy tàn hết còn gì!
Người ta đã nói một viên đạn nguyên tử của giáo-sư Joliot bắn ra có thể phá tan đốt cháy cả nước Đức, không phải là nói quá đáng. Có điều làm sao ngăn rào chung quanh nước Đức để nguyên-tử đừng bắn chuyền nhau mà cháy cả thiên-hạ.
Nay mai xe tàu máy móc đều chạy bằng nguyên tử.
Bởi vậy, muốn lợi-dụng được sức nóng của nguyên-tử và tránh cái tai-họa ghê gớm như đã nói trên, hiện nay Khoa-học đang tìm cách nào chứa giữ lấy sức nóng ấy mà dùng vào cơ-khí.
Việc này, tất nhiên khoa-học sẽ thành công kết quả.
Một ngày kia, chắc hẳn không lâu, sẽ thấy người ta trữ được sức nóng nguyên-tử để dùng nấu nồi sốt-de, quay các guồng máy và làm ra điện khí, khỏi cần đến than đá và dầu xăng như ngày nay nữa.
Người ta sẽ cất lên nhiều kho chứa nguyên-tử dể chuyển hơi nóng cho nhà máy này, nhà máy kia.
Lúc ấy, những tàu bể khổng lồ, những máy bay chở khách, những đầu máy xe lửa, các xưởng chế-tạo xong rồi giao trả những người đặt mua, đồng thời lại giao luôn mấy tấn ᴜɾaniᴜm để người ta đem về bắn phá nguyên-tử trong chất ấy ra lấy sức nóng mà chạy máy, có lẽ dùng đến mấy chục thế-kỷ cũng chưa hết. Chắc hẳn xe tàu máy móc hư hỏng trước, mà nguyên-tử chứa trong mấy tấn ᴜɾaniᴜm chưa hao hớt bao nhiêu!
Đã nói sức nóng thiên nhiên này ở đâu cũng có, vừa nhiều vừa rẻ hết sức. Chừng đó, chiếc tàu khổng lồ như Normandie chạy qua biển Đại-tây chỉ tốn kém một chút xíu nguyên-tử như ta bây giờ đổ mấy giọt dầu xăng vào trong một cái máy vậy thôi.