Khi còn học lớp 8, tôi ham mê nhất là vào giờ Quốc Văn (gồm Kim văn và Cổ văn), nhất là vào giờ học Cổ văn của giáo sư Trần Thị Mai, tôi ngồi hào hứng lắng nghe cô giáo giảng về sự nghiệp văn chương của hai vị Thi ông và Thi bá xứ Huế là Tùng Thiện vương và Tuy Lý vương: vừa là hai vị hoàng tử triều Nguyễn, vừa là hai thi sĩ nổi bật thời thi văn hưng thịnh của triều đình Huế.
Cô giáo đọc hai câu thơ của vua Tự Đức thời ấy đã tôn vinh văn thi tài của bốn nhân vật nổi tiếng một thời của Huế đã đi vào lịch sử văn học Việt Nam:
Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường.
“Siêu” là Nguyễn Văn Siêu, “Quát” là Cao Bá Quát, “Tùng” là Tùng Thiện vương – Nguyễn Phúc Miên thẩm, “Tuy” là Tuy Lý vương – Nguyễn Phúc Miên Trinh, con thứ mười và thứ mười một của vua Minh Mạng.
Hai ông hoàng thơ ca triều Nguyễn
Nói về bên Tàu thì đời Tiền Hán rất nổi tiếng về văn, nhất là văn chép sử: hai bộ sử lớn là Sử Ký của Tư Mã Thiên và Hán Thư của Ban Cố thời kỳ đó đã vang danh trên văn đàn thế giới. Còn thời Thịnh Đường thì rất nổi tiếng về thơ, thi phẩm đặc biết phát triển về lượng lẫn về phẩm. Đỗ Phủ là một thi thánh, Lý Bạch là một thi tiên, được tôn vinh là hai vì sao của thi đàn Trung Quốc.
Vậy mà nói đến văn của Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát thì không còn thấy văn chương thời Tiền Hán là trác tuyệt, nói đến thơ của hai vị Tùng Thiện vương và Tuy Lý vương thì thơ thời Thịnh Đường cũng theo không kịp.
Nghe cô giáo giảng giải về hai câu thơ trên, tôi vừa thu nạp được một ít từ tiếng Hán Việt, vừa khâm phục xứ Huế đã sản sinh ra hai thi sĩ có thi tài lừng lẫy đi vào văn học sử của nước nhà.
Và sau này khi về lại làng Vỹ Dạ nơi tôi sinh ra và lớn lên cho đến năm mười tuổi phải xa xứ, điều tôi ngạc nhiên và thú vị nhất là biết phủ của Tuy Lý Vương nằm trên đường Thuận An – Vỹ Dạ, chỉ cách nhà ngoại tôi 300m (bây giờ là đường Nguyễn Sinh Cung).
Bình phong phủ Tuy Lý Vương
Cái phủ này hồi còn bé tôi thường đi qua lại trước cái cổng tam quan có ba vòm cửa to lớn mà người dân xung quanh thường gọi là phủ Ba Cửa, ở bên trong ngó thấy dinh cơ to lớn uy nghiêm quá nên bọn trẻ chúng tôi không dám lẻn vào dù nghe tiếng ve cất lên inh ỏi trong vườn, chỉ dám đứng ngoài đưa cái cây bắt ve lên khoèo trái chín đỏ trên cây trứng cá trước phủ xòe tán che mát cả một góc đường.
Theo luật lệ của triều Nguyễn, chỉ những bậc hoàng thân quốc thích được vua phong tước “Vương” mới xây cổng ngõ phủ đệ có 3 cửa. Cửa lớn chính giữa chỉ mở ra trong ba ngày Tết Nguyên Đán, và chỉ dành riêng cho chủ nhân (vương gia) đi hoặc những lần tiếp đón vua đến thăm hỏi. Hai cửa phụ hai bên mở thường ngày cho gia nhân và khách vãng lai ra vào.
Trong lịch sử vương triều nhà Nguyễn, các vị vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị, đặc biệt là vua Tự Đức đều sáng tác văn chương và để lại kho tàng thi phẩm đồ sộ. Noi gương vua cha, các hoàng tử, công chúa cũng được đào tạo thấm nhuần Nho học và được khích lệ sáng tác thi ca. Phủ đệ của các ông hoàng bà chúa thi sĩ trở thành nơi hội tụ của giới văn nghệ sĩ đương thời, nơi gặp gỡ của các tao nhân mặc khách ngâm vịnh thi ca. Tuy Lý vương phủ là một địa chỉ đặc biệt vì Tuy Lý vương đã nổi tiếng thơ hay từ năm 13 tuổi và Thi bá đã được người đương thời gọi là “Ông hoàng thơ”. Người ta biết nhiều đến Tuy Lý vương phủ không vì đây là phủ của vương gia, mà trọng vọng “khu vườn thơ” của một thi sĩ danh tiếng tương đương với các danh sĩ Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát…
Những công trình kiến trúc xưa của Huế, ngoài cung vi trong Thành nội, các lăng tẩm đền đài của các vua ở hướng Tây kinh thành, thì những phủ đệ (phủ dành cho hoàng tử, đệ dành cho công chúa) của các vương tôn, công nương là những di sản độc đáo chỉ có ở chốn cố đô.
Cổng phủ Tuy Lý vương
Tiếc thay hiện nay nhiều phủ đệ đã hoang tàn đổ nát chỉ còn trơ lại cái cổng cũ hoang tàn đổ không ai phục dựng, vì chu vi khu vườn xưa đã bị xóa bỏ đi hàng rào chè tàu, “bức tường xanh” truyền thống lâu đời của Huế, và diện tích cũng chia năm xẻ bảy, vì con cháu của chủ vườn cắt bán hoặc bị người dân xung quanh lấn chiếm dần dần…
Đi ngang qua đây, không thể nào tránh khỏi cám cảnh một thời vang bóng của các phủ đệ Huế, những chủ nhân vốn thuộc dòng dõi quí tộc “hoàng phái” về lập vườn phủ sống giữa dân gian, tính cách họ cao ngạo nhưng tấm lòng rộng lượng, dễ hòa đồng với láng giềng xung quanh…
Hiện nay, trong số ít ỏi hơn 10 phủ đệ nguyên vẹn còn sót lại của Huế , Tuy Lý vương phủ là một phủ nổi tiếng được nhiều du khách và người yêu thơ đến tham quan. Phủ còn lưu giữ nhiều hiện vật quí, đặc biệt là 150 mộc bản khắc những tác phẩm thơ văn của Tuy Lý Vương.
Vì là một công trình có giá trị cao về lịch sử văn hóa và văn học học nghệ thuật nên phủ được công nhận là di tích quốc gia năm 1991.
Bây giờ mỗi lần về lại Huế, từ Đập Đá về đền gần chợ Vỹ Dạ, đi ngang qua phủ Tuy Lý vương, tôi bồi hồi trước “Ngõ cũ lâu đài bóng tịch dương” để nhớ mấy câu thơ hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan:
Mấy tòa sen rớt mùi hương ngự Năm thức mất phong nếp áo chầu Sóng lớp phế hưng coi đã rộn Chuông hồi kim cổ lắng càng mau Người xưa cảnh cũ nào đâu tá…
Bài viết sau đây được đăng trong Giai phẩm Giải Thanh Tâm năm 1964. Khi đó nghệ sĩ Diệp Lang 23 tuổi, đã đoạt Huy chương vàng Giải Thanh Tâm trước đó một năm. Trong Giải Thanh Tâm năm 1964, ông được trao Bằng Danh Dự.
Lão lang y Đinh Quốc Thống run lẩy bẩy, giọng nghẹn lại: – Thì bà… cứ coi cho kỹ! Nhìn coi ai… ai đang đứng trước mặt bà?!
Bà lão quê mùa, ốm yếu, nheo đôi mắt ướt nhòe ngước lên. Lão lang y đứng bất động. Chỉ có những sớ thịt trên mặt lay chuyển. Bà lão cũng thế. Họ ngó sững nhau. Môi mấp máy. Không một tiếng đờn. Không một lời nói. Sân khấu im lặng. Im lặng 100 phần trăm. Một thứ không khí chết. Projecteur thu nhỏ lại, rọi thẳng một chùm ánh sáng vừa đủ thấy hai người. Khán giả nín thở, mắt mở to ra…
Rồi người ta thấy bà lão chợt từ từ buông rơi cây gậy, chập choạng bước tới. Trên đôi môi héo hắt ấy, người ta vừa bắt gặp thoáng qua một nụ cười. Không! Dường như một cái khóc. Cũng không phải! Cả hai. Khóc và cười trong một tác động.
– Ông!
– Bà!
Lão lang y nấc lên, dang hai tay đỡ thân hình gầy guộc và ngã khuỵu dưới chân mình. Projecteur cho thấy rõ mấy giọt nước mắt của ông rươi xuống mãi tóc điểm bạc của bà lão. Nhạc rộn rã một đoản khúc vui tươi. Không khí chết sống lại. Và khán giả thở phào khoan khoái. Một tràng pháo tay vang động khán phòng.
Trên đây là một lớp diễn xuất của Diệp Lang và nữ nghệ sĩ Kim Cúc trong vở “Mùa Trăng Nhiều Nước Mắt”.
Một hình ảnh khác.
Tiếng kèn đồng rúc lên một hồi dài lanh lảnh. Hoàng tử… lạnh lùng giật bức màn the đậy kín tử thi ông vua già bịnh hoạn, và hấp tấp bước từng bước gọn gàng lên ngai. Hắn tìm một bộ ngồi cho thật bệ vệ. Hắn ngước cằm để cái nhìn được trang trọng và uy nghiêm. Toàn bộ mặt hắn rắn lại như khối đá. Chỉ một cái nhếch mép nửa bên miệng cho thấy sự sướng thỏa mà dù cố tình, hắn vẫn không che giấu hết. Hắn không ngó ngàng gì đến đám quần thần đang quì phục tung hô. Hắn dòm thẳng lên trời cao, “chỗ mà hắn định sẽ đi tới”. Hắn đã vừa thành công trong vụ án đầu độc cha ruột để soán ngôi.
Hắn là Diệp Lang trong vở “Giấc Mơ Không Đến Hai Lần”.
Gần đây hơn nữa.
Gã lái đò Vỹ Đào ôm xác cô gái giặt lụa Kiều Giang Quân trước Lã Băng Sơn, tình nhân của nàng và sứ quân Cát Định Công, chồng nàng. Gã cuối thấp đầu vì gã biết thân phận gã quá hèn mọn. Gió sông hái vài chiếc lá úa vàng rơi đáp trên đầu gã, rồi lăn nhẹ xuống vai. Đôi vai ấy đang run lên theo từng tiếng nấc.
Người chết trong tay gã chính là người gã đã yêu. Tình yêu đó gã không dám nói lên khi nàng còn sống. Bây giờ thì gã không còn gì phải sợ. Gã hãnh diện gào to tiếng yêu của bao nhiêu năm tháng câm lặng kia. Nếu người ta ghen tức mà hại gã, gã sẽ rất sung sướng chết theo nàng.
Ngày trước, người ta đã làm chủ cuộc đời nàng. Và người ta đã lầm lỗi đến biến nàng thành một xác chết. Giờ đây, hắn chỉ xin người ta cho gã được làm chủ cái xác đó, yêu cái xác đó. Gã sẽ cung nghinh cái xác đó đêm về bến sống xưa, đặt vào lòng khoan đò kỷ niệm. Khoan đò sẽ là mộ nàng. Náng sẽ ngủ yêu mãi mãi trên con đò mong manh phiêu bạt ấy.
Khán giả đi xem “Người Gọi Đò Bên Sông” có lẽ chưa quên được anh lái đò Diệp Lang bồng xác người yêu đi trong ánh nắng chiều.
Bước chân chậm chạp, khắc khổ của anh đủ làm một “coup rideau” nghệ thuật đúng mức.
Chỉ điểm qua ba vai trò nổi bật nhứt trong năm 1964, Diệp Lang đã chứng minh được một tiến bộ dài sau ngày chiếm Huy chương vàng Giải Thanh Tâm 63. Khán giả bao giờ cũng được mãn nguyện với anh trong bất cứ vở tuồng nào. Báo chí đã coi anh như một huy chương vàng sáng chói hơn hết, đã không làm suy giảm chút nào giá trị chiếc huy chương anh đang mang giữ.
Tôi đã đứng chung một bảng hiệu với người diễn viên trẻ ấy suốt một năm nay. Anh đã hát nhiều vở của tôi. Tôi đã tập tuồng với anh. Những ngày lưu diễn, nhiều lúc chúng tôi ở chung một khách sạn, ngủ chung một phòng. Và chúng tôi có dịp thường xuyên trao đổi những quan niệm về đời sống cũng như về nghề nghiệp. Chuyện tâm tình của anh, tôi cũng tạm hiểu được khá nhiều.
Trong phiên họp Tuyển Chọn của Giải Thanh Tâm kỳ nầy, anh là người duy nhứt trong 6 Huy Chương Vàng Giải Thanh Tâm 1963 được cấp Bằng Danh Dự Giải Thanh Tâm 64 với số phiếu thật cao: 9 trên 10.
Tại sao vậy? Câu giải đáp thích ứng hơn hết là đi sâu vào cuộc sống thường nhựt của anh, của nghệ sĩ Diệp Lang và của người con trai tên Dương Công Thuấn.
Nói đến nghệ sĩ Diệp Lang, ngày hôm nay người ta không còn coi ah như một “nghệ sĩ triển vọng” mà điều lệ giải Thanh Tâm đặt làm tiêu chuẩn tuyển chọn nữa. Chỉ sau một năn, ngày hôm nay anh đã là một “diễn viên lớn”, tài năng chín muồi, kiến thức nghề nghiệp vững chãi.
Tôi dám quả quyết, bất cứ một soạn giả khó tánh nào cũng phải hài lòng khi thấy Diệp Lang thủ diễn nhân vật mình tạo ra (Miễn nhân vật đó đừng ca vọng cổ hoặc những bài bản có hơi “ai” tương tợ). Bất cứ một đạo diễn nghiêm khắc nào cũng phải thích thú làm việc với Diệp Lang, con người thận trọng, diễn tập say mê, lãnh hội mau mắn và luôn luôn có một thái độ đứng đắn khi gặp những bất đồng cần tranh luận. Và tôi cũng dám quả quyết bất cứ một chủ nhân đoàn hát nào cũng phải mến chuộng Diệp Lang ở đức tính cần mẫn, ôn hòa, không gây những rối rắm phiền toái như chúng ta thường thấy.
Tôi suy luận, ngoài cái đặc chất trời cho, có lẽ một phần lớn còn nhờ ở hoàn cảnh khác biệt của anh. Đơn độc gặt hái thành công. Anh thành công bằng tất cả ý chí của bản thân mình nhiều hơn bằng sự nâng đỡ của người khác. Nó khó khăn, vất vả, chớ không nhanh chóng dễ dàng như một số đồng nghiệp vụt sáng nhờ một hơi ca. Nó đòi hỏi nhẫn nại. Nó dạy anh cố gắng. Cố gắng nhiều hơn nữa. Để đứng vững. Để đi lên.
Không có hơi ca ngọt, abg tranh thủ chỗ ngồi trong diễn xuất. Không đẹp trai hơn ai, anh tự tạo ra nét đẹp trong diễn xuất. Chỉ có diễn xuất. Anh miệt mài với diễn xuất. Anh chạy tìm diễn xuất. Say sưa! Cuồng tín! Bất cứ ở đâu! Trong ciné. Trong các bậc đàn anh. Trong các bạn hữu đương thởi. Trong các đồng nghiệp đến sau. Khiêm tốn. Phục thiện.
Tôi chưa thấy anh từ chối một vai trò nào. Cũng không miễn cưỡng với một vai trò nào. Lão, độc, mùi… hay gì gì nữa. Anh vui vẻ nhận hết. Và qua từng vai trò mới, anh không ngớt bươi đầu khám phá những nét diễn mới. Thế là anh đi lên.
Tuy nhiên, người ta chỉ thấy anh sở trường ở hai vị trí: lão và độc. Nhứt là lão.
Tâm hồn của nghệ sĩ Diệp Lang là vậy. Tâm hồn người con trai tên Dương Công Thuấn cũng chẳng khác gì hơn. Nó dung chứa bên trong một chiều hướng đi lên sôi nổi, xa rộng, không giống mảy may với cái vẻ dung dị, trầm lặng bên ngoài.
Một điều không thể phủ nhận là các anh kép trẻ đều có nhiều mối tình. Tôi đã chứng kiến những mối tình của Diệp Lang. Những người đến với anh và những người anh tìm đến. Những người đã đi rồi và những người trong hiện tại. Một vài người vừa mới mon men trên ngưỡng cửa đời anh. Có người làm anh đau khổ. Có người làm anh vui. Và có người làm anh bực bội.
Khá nhiều nhưng không thác loạn. Diệp Lang đáng khen ở chỗ đó. Anh như người khách đi giữa chợ chọn lựa một món hàng. Khách chưa dứt khoát vì chưa kiếm được món hàng mong đợi. Ví dụ này có hơi táo bạo nhưng sự thật là thế. Tôi nghĩ nó không khác nhau điểm nào cả. Tôi cũng nghĩ nó không có gì đáng trách. người con trai hoặc người con gái đều có quyền làm người khách vào chợ chọn lựa món hàng vừa ý mình. Thế vãn tốt hơn mua lầm rồi đổ tội cho người khác. Hay mua tất cả để rồi không giữ lại món nào.
Tôi mến Diệp Lang ở thái độ chọn lựa. Đường hoàng và trong sạch. Lãng mạn một chút nhưng không bừa bãi lăng nhăng.
Nhiều người phê phán Diệp Lang quá cầu toàn, thiếu thực tế. Anh cười xòa, đáp lại: “Tôi sẽ quyết định cưới vợ năm nay”. Nhưng rồi anh cứ vẫn cô đơn đến giờ nầy. Anh vẫn là người khách phân vân đứng giữa chợ…
Các bạn ơi, người con trai ấy trót đã vậy rồi. Từ một chú bé nghèo tìm ra kế sinh nhau trên sàn gỗ. từ một vệ sĩ vô danh dựng nên tên tuổi Diệp Lang. Hẳn nhiên anh ta phải có nhiều hoài bão lắm. Hoài bão ấy không biết sẽ đưa tài nghệ anh ta đi xa tới mức độ nào. Không biết sẽ đưa cuộc đời anh ta ghé đậu bến bờ nào.
Điều cần biết là anh ta vẫn tha thiết với chuyến đi. Vậy cứ để anh ta đi. Lạy trời cho anh ra toại nguyện.
Sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật, nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Diệp Lang đã qua đời ở tuổi 82 vào khoảng 6h ngày 11/3, tại California, Mỹ.
Nghệ sĩ Diệp Lang tên thật là Dương Công Thuấn, sanh năm 1941 tại Sa Đéc. Năm lên 8, ông theo cha là thầy đờn Ba Diệp theo đoàn cải lương Tam Phụng. Không muốn con trai nối nghiệp đàn, chỉ đứng sau sân khấu, cha ông tìm thầy dạy hát cho ông. Sau đó, nghệ sĩ Diệp Lang được đóng những vai nhỏ, khởi đầu là đoàn Kim Thoa.
Trong sự kiện đoàn Kim Thoa bị ném lựu đạn khi diễn vở Lấp Sông Gianh tại rạp Nguyễn Văn Hảo, cha con ông may mắn thoát chết. Năm đó ông 12 tuổi tham gia vở diễn với một vai nhỏ.
Nghệ sĩ Diệp Lang thời trẻ, với vợ cũ là nghệ sĩ Phượng Liên
Sau này, khi cha nghệ sĩ Diệp Lang bệnh nặng, qua đời ở quê nhà, ông quay lại Sài Gòn, tiếp tục theo nghiệp cầm ca, theo đoàn Việt Hùng – Minh Chí, Phụng Hảo – Ba Vân… nhưng đều chỉ diễn các vai phụ. Diệp Lang được giao vai chính đầu tiên là vai hoàng tử trong vở Chiếc Nhẫn Kim Cương ở đoàn Hoài Dung – Hoài Mỹ. Lúc đó ông 17 tuổi, được ông bầu Phước (soạn giả Nguyễn Huỳnh) chọn thế vai sau khi kép chánh bỏ tuồng. Cũng chính bầu Phước đã đặt nghệ danh Diệp Lang, với ý nghĩa là con của ông Ba Diệp.
Năm 1962, ông gia nhập đoàn Kim Chưởng và sau đó đã có nhiều vai diễn thành công như hội đồng Dư (Tiếng hò sông Hậu), hội đồng Thăng (Đời cô Lựu), Lê Quý (Tâm sự Ngọc Hân), Trung sĩ Tám (Tìm lại cuộc đời), Lê Xuân Giác (Tiếng sóng Rạch Gầm), ông nội (Cây lẻ bạn), ông Hai (Đàn ca tri kỷ), ba của The/Hương (Nửa đời hương phấn). Đặc biệt là với vai kép lão vở Người Anh Khác Mẹ trên sân khấu Kim Chưởng năm 1962, ông đã vinh dự đoạt giải Thanh Tâm danh giá năm 1963, cùng năm với Bạch Tuyết, Mộng Tuyền, Trương Ánh Loan, Tấn Tài.
Kể từ đó nghệ sĩ Diệp Lang nổi danh với những vai kép tính cách, kép độc, kép lão xuất sắc, khó ai thay thế. Ông ghi dấu ấn trong vở Tìm lại cuộc đời, hội đồng Dư trong Tiếng hò sông Hậu, hội đồng Thăng trong Đời cô Lựu, Lê Quý trong Tâm sự Ngọc Hân, Lê Xuân Giác trong Tiếng sóng Rạch Gầm…
Năm 1965, ông nhập ngũ theo lệnh của Nha Quân dịch. Sau năm 1975, ông gia nhập đoàn Cải lương tập thể Sài Gòn II. Đoàn của ông lưu diễn khắp nơi, kể cả những vùng chiến sự như: Phnôm Pênh, Xiêm Riệp, Mặt trận 479, sau đó trở thành trưởng đoàn hát 284 với chuyến lưu diễn ghi nhiều dấu ấn tại Pháp với vở Đời cô Lựu cùng các nghệ sĩ Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Minh Vương, Thanh Tòng…
Vào thời tái thịnh hành của sân khấu cải lương thập niên 1990, Diệp Lang là gương mặt quen thuộc với khán giả, nhưng sang đến thập niên 2000 thì ông bắt đầu ít xuất hiện do bệnh tật.
Năm 2005, Diệp Lang trải qua nhiều cuộc phẫu thuật sinh tử tại bệnh viện tim Sài Gòn, từ đó sức khỏe của yếu và quyết định ngừng hát. Năm 2009, đến lượt vợ của ông vướng phải bệnh hiểm nghèo. Các con của ông quyết định đưa cha mẹ sang Mỹ định cư, tiếp tục điều trị.
Những năm cuối đời, sức khỏe của nghệ sĩ Diệp Lang không tốt, lúc nhớ, lúc quên. Ông bị bệnh tim, vôi hóa mạch máu, phải uống thuốc hàng ngày, chứng Parkinson khiến tay, chân run rẩy. Ông qua đời 6h sáng ngày 11/3/2023.
Nhà báo Phan Khôi (1887-1959) là một trong những tác gia tiểu biểu của lịch sử báo chí, tư tưởng văn hóa Việt Nam thế kỷ 20. Trong số những vấn đề xã hội mà Phan Khôi đã đề xuất và lên tiếng trong dư luận báo chí ở Việt Nam từ những năm 1920, vấn đề phụ nữ, bình đẳng giới là một chủ đề quen thuộc. Ông là một nhà nho nhưng có những tư tưởng tiến bộ và vượt thời đại trong vấn đề này.
Sau đây là một câu chuyện được ông đăng trên tờ Phụ Nữ Tân Văn ở Sài Gòn năm 1929.
Câu chuyện kể về chuyện gia đình của ông, cụ thể là bà cố của ông (mẹ của ông nội), là một người đàn bà giỏi giang, nhưng vì cải giá (góa chồng và đi thêm bước nữa) nên không được con cháu đối xử công bằng khi thờ tự. Câu chuyện này được tác giả Phan Khôi kể lại nhằm lên án quan niệm cổ hủ của người Việt xưa đối với những người đàn bà cải giá, là vấn đề mà ngay đến thời hiện đại vẫn còn.
Xin giữ nguyên văn phong báo chí thời kỳ gần 100 năm trước và có chú thích với những từ ngữ ngày nay ít được sử dụng.
Chuyện Bà Cố Tôi – Một lá đơn kiện cái chế độ gia đình An Nam
Xưa nay không có ai viết báo mà lại giở đến việc của nhà mình ra. Nếu vậy thì đối với mình là “dởm”, mà đối với độc giả có lẽ là vô phép. Lần này người ta mới thấy tôi là một.
Tôi biết vậy mà tôi còn viết, là vì tôi biết chắc tôi sẽ được tha thứ mọi bề. Việc là việc riêng nhà tôi, song nó sanh ra là bởi cái chế độ chung của xã hội An Nam. Nó đã xảy ra ở nhà tôi, thì cũng có thể hay là có lẽ đã xảy ra ở nhiều nhà khác rồi. Vậy, tôi kiện cái chế độ ấy, chắc không có ai đang tâm mà bảo rằng tôi làm một việc tư kỷ. Và lại, thường tình, khi ai đem việc nhà mình ra mà nói là nói ròng chuyện tốt, có ý để khoe khoang với người ngoài. Còn việc nhà tôi đây, là chuyện mà người ta cho là không tốt, trong làng trong họ, những kẻ hay suy, hòng giấu đi cho nhà tôi không biết, mà tôi lại đem phô ra, – điều đó đủ cho độc giả càng tin cái khổ tâm của tôi, thật không phải vì chỉ việc riêng của mình vậy.
Họ Phan chúng tôi, ông thỉ tổ (thủy tổ) nguyên ở Nghệ An vào lập làng tại Quảng Nam, kêu là Bảo An. Một làng mà chia thành hai, Đông và Tây. Họ chúng tôi ở làng Đông; làng Tây thì ở hai họ Nguyễn và Ngô, mà hai vị thỉ tổ của hai họ ấy vốn là bạn đồng công lập nghiệp với ông thỉ tổ đằng chúng tôi. Ông thỉ tổ chúng tôi có năm người con trai, chia làm năm phái, chúng tôi thuộc về phái thứ nhì. Trước đây chừng vài trăm năm, ngang thời chúa Nguyễn, bốn phái kia phần nhiều giàu sang, lại có nhà đã gả con gái cho nhà chúa, nên quyền thế lừng lẫy lắm. Phái nhì chúng tôi đã nghèo đã dốt, lại thêm đời nào cũng độc đinh (mỗi đời chỉ có một trai nối dõi) người ít, thế kém, nê phải tách ra mà về ở làng Tây với hai họ Nguyễn, Ngô từ đó cho đến bây giờ.
Họ tôi, kể từ ông thỉ tổ cho đến đời tôi đây là 13 đời. Vậy ông cố tôi là đời thứ mười. Mà kể đến đời thứ tám thì đằng phái tôi cũng vẫn là độc đinh; còn cái nghèo và dốt thì đời thứ mười cũng chưa khỏi; duy ông cố tôi có đi học, đi thi mấy khoa mà không đậu.
Tôi đem gia phả phổ mục lục mà khai ra như vậy để cho độc giả biết rằng nhà tôi, hay là cả phái nhì tôi, bây giờ có hơi kha khá một chút, người có, của có, quan quyền cũng có, lăm le mở mặt với đời, nhưng kể từ trước kia cho đến đời ông cố tôi vốn là nhà bình dân nghèo hèn dốt nát, ấy rồi độc giả mới dễ mà đoán cho cái công vun trồng gây dựng là về ai; mà người có công đó, lâu nay ở trong cái cảnh ngộ thế nào, cái địa vị ra sao, sau đây độc giả thấy ra tưởng ai nấy cũng phải xỉ vào cái chế độ nặng nề kia mà khống cáo nó như tôi vậy.
Bà cố tôi, người làng Hóa Quê, gần cửa Hàn, sanh năm Tân Hợi (1791) 11 năm trước vua Gia Long lên ngôi; năm Kỷ tỵ, Gia Long thứ tám, về với ông cố tôi. Vợ chồng ở với nhau trong 15 năm mà sanh hạ được năm trai hai gái, đến năm Quý vị ông cố tôi vừa 37 tuổi thì qua đời.
Bấy giờ bà cố tôi 33 tuổi. Người con trai đầu 13 tuổi; còn con trai út, tức là ông nội tôi, mới có hai tuổi. Một nhà mẹ góa con côi, chín mười miệng ăn mà không có sào đất tấc nương chi hết, cũng chẳng có đồng vốn nào trong tay, vì cái nghèo là cái nghèo di truyền. Đừng tưởng rằng hồi đó rẻ ăn dễ sống mà lầm. Bà cố tôi bấy giờ tay không mà nuôi nổi chừng nấy con, sự đó chẳng phải dễ dàng chi.
Cái nghề nuôi con nhỏ còn là dễ; chớ đã trộng lên (lớn lên), thì ăn mặc thêm tốn, lại còn phải cho đi học nữa, còn phải lo cưới gả nữa, bà cố tôi ở vậy được 6 năm rồi, thấy đến cái ngày mình phải bó tay, dầu sớm khuya tần tảo cho mấy đi nữa mặc lòng. Năm Kỷ sửu, Minh Mạng thứ mười thì bà cố tôi 39 tuổi, phải cải giá, đi lấy chồng.
Bà cố tôi làm vợ kế một người ở làng Hội Vực, gần Hóa Quê, kêu là ông Đội Bốn. Ông nầy nhà khá. Bà cố có giao ước rằng lấy nhau thì phải lấy nhưng phải để mình đi đi về về nhà chồng trước mà trông nom con cái. Bởi vậy mấy người già khú trong làng tôi bây giờ, còn nhắc chuyện rằng hồi ấy đã trông thấy bà cố tôi cưỡi ngựa mà đi, từ Hội Vực về Bảo An hay Bảo An về Hội Vực, mà lần nào cũng có mang đồ vật trên cổ ngựa. Ông nội tôi và các ông tổ bá tôi cũng nhờ dịp ấy mà đi học được.
Về với ông Đội được sáu năm, sanh cho ông ấy một trai một gái, thì ông ấy mất, bà cố tôi góa chồng lần thứ hai. Ở Hội Vực mãn tang ông Đội rồi, bà cố tôi bèn đem hai con chồng sau trở về Bảo An ở chung với con chồng trước, một mình làm chủ hai cái gia đình trong một nhà.
Nguyên hồi bà cố tôi góa chồng lần trước, thì cất thân ra đi buôn gánh tại phố Hội An, cứ mua hàng nhà quê đem ra tỉnh bán, rồi mua hàng tỉnh về bán nhà quê. Đến lần này, trong tay đã có lưng vốn ít nhiều, bà cố tôi mới xoay ra buôn bán lớn với Khách trú cũng ở Hội An đó.
Số là, ở miền tôi, từ trước người ta đã có trồng mía và nấu ra đường, cát trắng. Song đường trong dân gian cứ đem bán cho quan, kêu là bán “hòa mãi”, cũng có kẻ lãnh tiền trước của quan rồi đến mùa đường thì đem nộp, kêu là bán “đường công bổn”. Vì bấy giờ nhà nước ta có tàu đi ra ngoài, và có đặt quan Bình chuẩn coi việc buôn, mua đường ấy rồi chở đi bán các miền Hương Cảng và Hạ Châu. Cái nghề buôn bán với quan là hại lắm, nhiều khi bị họ bóp thắt. Biết vậy nhưng chủ đường cũng phải chịu, không bán cho nhà nước thì cũng không bán cho ai được nữa.
Bà cố tôi khi ấy gần 50 tuổi rồi, làm quen với một người khách Quảng Đông, kêu là chú tàu Tùng, bắt đầu bày ra cuộc buôn đường.Ông nội tôi nhắc chuyện rằng hồi đó, dân nhà quê ta thấy Khách trú còn sợ lắm, nên dầu biết họ mua đường mà không ai dám đem bán. Bấy giờ tàu Khách, – tất nhiên là tàu buôn, – mỗi năm chỉ lại Hội An có một kỳ, vào hồi tháng Sáu tháng Bảy. Ông nội tôi đã đi học xa, mỗi khi về thăm nhà gặp hội bán đường, thì thấy thiên hạ ở tứ xứ chở đường tới bán cho bà cố tôi, hằng ngày tấp nập, đường ấy sẽ do tay bà cố tôi đem bán lại cho Khách. Cứ mỗi bao 100 cân là bà cố tôi ăn lời một quan tiền, mà mỗi ngày chở bán có chừng là 40 bao, ăn lời 40 quan. Bán cho đến bao giờ nhà quê hết đường mới thôi. Bà cố làm giàu mau lắm là nhờ đó; mà cả vùng quê lại đều cám ơn và khen ngợi, vì đã mở ra một con đường buôn bán, từ đó về sau khỏi bị ăn hiếp bởi cái cách hòa mãi và công bổn. Và cả làng tôi từ đó bắt chước chuyên nghề buôn đường cho đến ngày nay.
Đó rồi bà cố tôi chuyên luôn một nghề buôn đường mà làm nên giàu có. Trước sau mua được hơn 30 mẫu ruộng (ở Trung Kỳ đời xưa như vậy là ra mặt cự phú rồi), cất một sở nhà ngói hai cái, còn tiền mặt bấy giờ ăn tiền kẽm, cứ chứa từng gian buồng, rồi xúc mà cân, chớ không hơi sức nào đếm được.
Năm gần 70 tuổi, bà cố tôi chia gia tài, cả vừa con chồng trước chồng sau, mỗi người – đã cưới gả rồi hết – được hơn ba mẫu ruộng. Lại đặt hương hỏa cho ông cố tôi một mẫu, cho mẹ bà cố tôi một mẫu, và cho mình một mẫu hai sào, thêm vài mẫu làm của dưỡng lão tống chung (ma chay). Con trai thì mỗi người đều có vườn, nhà riêng. Có hai ông tổ bá tôi, một, kêu là ông hương đạo, sau trở nên giàu to, đến nỗi vùng đó đã có tiếng đồn rằng “Tiền Hương Đạo, gạo Quản Nghi”; một, kêu là ông Bá Đức, giàu bực trung phú.
Riêng phần ông nội tôi, chỉ vừa đủ ăn, nhưng từ hồi nhỏ đã học giỏi có tiếng, đậu cử nhân khoa Đinh vị, vào năm Thiệu Trị thứ bảy. Rồi đi làm quan ở Kinh và trải đi huyện, phủ, sau đến án sát Khánh Hòa, thì nhơn việc bị cách chức.
Thế là nhà tôi, mà kể cả đằng phái tôi nữa, cũng là từ bà cố tôi các ông mới bắt đầu có tiền, có tri thức, có danh giá và địa vị trong xã hội. Người ngoài có kẻ nói nhờ ngôi mả ông cố tôi phát phước song cả nhà chúng tôi mà nhứt là tôi tin rằng ấy là nhờ công đức của bà cố tôi.
Chẳng những một nhà tôi, mà trong phái tôi còn có ba bốn nhà nữa cũng bắt đầu phát đạt hồi đó. Có mấy ông ngang đời với ông nội tôi, nghĩa là kêu bà cố tôi bằng bác dâu, hoặc bằng thím, gặp hồi bà cố tôi buôn đường, thì các ông đến làm rẽ (làm ruộng và chia lợi tức với chủ ruộng) với bà cố tôi, kêu là làm “công xi”. Các ông ấy ban đầu cũng nghèo khó, nhưng sau rồi giàu cả, đến đời con các ổng cũng có người thi đậu và làm quan như nhà tôi vậy.
Bà cố tôi tuy là một bà góa mà hào hiệp có tiếng. Năm Tự Đức thứ 5, trong xứ đói kém, bà cố tôi quyên ra một ngàn quan tiền cho nhà nước để chẩn cấp cho kẻ nghèo, vì cớ ấy được vua ban cho cái biển bốn chữ “lạc quyên nghĩa môn”, mà bây giờ còn treo tại nhà thờ. Lúc về già, ông nội tôi đã đi làm quan, nên bà cố tôi cũng trở nên “bà cụ”. Nghe nói lại rằng bấy giờ người làng tôi phải đi lính trong Kinh, mà đến y cả một đội là 50 người, hễ khi họ “về ban” mà gặp ngày Tết, họ kéo nhau đến mừng tuổi, thế là bà cố tôi đãi cho họ no say, lại sai cân tiền mà cho họ xài tết cả thúng nọ thúng kia.
Năm Quý Hợi, Tự Đức thứ 16, ngày 14 tháng 10, bà cố tôi thất lộc, thọ được 73 tuổi. Bấy giờ ông nội tôi đương làm tri phủ Vĩnh Tường ngoài Bắc.
Bà cố tôi mất rồi thì thế nào? Theo lệ làng tôi, dầu là mẹ ông quan đi nữa mà cải giá rồi thì không được chôn đất công của làng, nên bà cố tôi phải chôn tại đất tư. Theo lẽ thì đàn bà cải giá không được hiệp táng với chồng trước, nên bà cố tôi phải chôn riêng một mình. Ngôi mộ bà cố tôi bằng đá nguyên phiến, theo giá bây giờ có đáng đôi ba ngàn bạc; song sự sang trọng xứng đáng ấy không làm cho chúng tôi là con cháu bớt tủi chút nào về hai cái điều kiện trên đó.
Nhưng sự đó còn bặm miệng mà chịu được. Vì theo lễ theo luật, mà điều dưới này đã làm nên một cái vết thương cho nhà chúng tôi. Từ đó cho đến bây giờ, ông cố tôi thờ riêng ở nhà ông tổ bá tôi, còn bà cố tôi thờ riêng ở nhà ông nội tôi. Mới năm trước đây, trong phái bàn đem hết thảy các vì tổ ngang đời thứ 11 trở lên vào nhà thờ phái, thì nhà nào cũng có ông có bà cả, chỉ có ông cố tôi là có ông không bà! Ấy là cái vết thương tôi đã nói mà tôi không biết bao giờ cho lành được.
Tôi hỏi: Giá như không có bà cố tôi thì gây dựng nên cái cơ nghiệp cho vừa phú vừa quý, mà bây giờ con cháu trở đi đoán phạt ông bà?
Tôi hỏi: Giá như bà cố tôi không cải giá thì làm thế nào mà nuôi con cho người nào cũng thành lập, lại nhỏ giọt đến kẻ khác nữa, mà bây giờ họ xúm nhau truất bỏ một người có công?
Không, không ai dám đâu. Cái đó là vì phải theo lễ thánh hiền, theo luật nhà nước, theo chế độ xã hội.
Lễ gì như vậy? Luật gì như vậy? Chế độ gì như vậy? Tôi phải kiện nó.
Không lẽ tôi vừa kiện vừa xử. Nhưng tôi xin chỉ ra cho quan tòa thấy rằng cái lễ đó, cái luật đó, cái chế độ đó, chẳng phải là đồ công bình. Đó chẳng qua là đồ của mấy người đàn ông ích kỷ đời xưa mà rồi ngày nay ta cũng noi theo.
Đại phàm cái chế độ gì trong xã hội mà nó còn có được là nhờ nó dính dấp với cái khác. Như cái luật bạc đãi người đàn bà cải giá đây, là nó nhờ cái thuyết tam cang mà thành lập. Tuy nói tam cang, chớ cái cốt yếu là cái cang quân thần. Nhờ cái cang ấy, ông vua mới lập luật ra mà binh vực hai cái cang kia, để cho người làm cha làm chồng cũng có quyền mà đè đầu con và vợ thế cho mình. Vì vậy, luật cũng chiều theo cái lòng ích kỷ của lũ đàn ông mà cấm đàn bà cải giá; liệu cấm không thể được thì họ ra mặt ngược đãi.
Chẳng có thánh hiền nào cấm đàn bà cải giá hết. Đức Khổng Tử cũng để vợ (ly hôn). Ngài để vợ rồi cưới vợ, tức là ngài thuận cho người vợ bị để đó cũng được lấy chồng khác. Hễ đàn bà bị để mà còn lấy chồng được, ấy là đàn bà góa cũng lấy chồng được. Bởi chồng chết mới lấy người khác, chớ có ai đã tuyệt cái nghĩa với chồng trước hay sao, mà luật không cho thờ chung?
Từ ông Trình Hy nhà Tống muốn cấm đoán bà góa lấy chồng, bày ra nói rằng “chết đói là việc nhỏ, thất tiết là việc lớn”. Rồi về sau người ta nương theo đó mà lập luận, khiến cho cái chế độ gia đình thêm nặng nề khó chịu, không biết bao nhiêu là người vợ hiền, mẹ lành, đàn bà có phước, mà phải chịu điều tủi nhục và đau xót!
Nay xin tòa án hãy đóng gông cái câu của ông Trình Tử lại trước hết, rồi sẽ phăng mà hỏi đến các kẻ bị cáo khác.
Vào năm 1936, chính quyền Nam kỳ có một dịch vụ công cộng để truyền bá kiến thức đến cộng đồng, đó là thư viện di động miễn phí, mang tri thức đến mọi người dân và khuyến khích họ đọc nhiều sách mở mang đầu óc.
Theo các tư liệu dựa trên báo chí thập niên 1930, thư viện lưu động này bao gồm các xe chở sách, lấy sách từ kho của chính phủ và đi đến các châu thành của Lục tỉnh để cho nhân dân đọc, mượn sách.
Trong một trang báo của tờ Sài Gòn phát hành ngày 21/2/1936 có lởi kêu gọi: “Anh em ở Mỹ Tho nên nhớ rằng 10h sáng thứ ba 25 Février chiếc xe hơi chở sách đến Mỹ Tho cho anh em mượn”. (Février nghĩa là Tháng 2, đó là thời điểm mà các tháng trong năm vẫn chưa có chữ quốc ngữ nên phải mượn tiếng Pháp).
Cũng trên tờ báo Sài Gòn, số ra ngày 2/6/1936, thông tin cho biết dịch vụ thư viện lưu động này đã có ở Cao Miên từ 2 năm trước đó và đăng hình ảnh chiếc xe chở sách như hình bên dưới. Tuy nhiên xe chở sách ở Cao Miên là mang đi bán, chứ không phải là cho mượn như dịch vụ ở Nam kỳ.
Báo Sài Gòn ra ngày 5/5/1937, đăng thời gian và địa điểm xe chở sách đi vòng quanh các tỉnh Nam kỳ từ ngày 3/5 đến ngày 12/5/1937, cụ thể như sau:
Xe cho mượn sách chạy vòng quanh Nam kỳ lần thứ 31.
Gò Công, trước Bungalow vào ngày 3 Mai 1937 từ 16 giờ tới 18 giờ.
Mỹ Tho, sân chơi trường học vào ngày 4 Mai 1937 từ 10h giờ tới 12 giờ 30.
Bến Tre, trước C.F.A vào ngày 5 Mai 1937, từ 7 giờ tới 11 giờ.
Sa Đéc, trước tòa bố hay trong nhà để xe sở Trường Tiền (nếu trời mưa) vào ngày 6 Mai 1937, từ 7 giờ tới 11 giờ.
Trà Vinh, trước hãng S.I.C.A.M vào ngày 7 Mai 1937 từ 7 giờ tới 11 giờ.
Vĩnh Long, trước Tòa bố hay nhà để xe trong tỉnh (nếu trơi mưa) vào ngày 7 Mai 1937 từ 16 giờ tới 18 giờ 30.
Tân An, trước C.F.A vào ngày 8 Mai 1937, từ 10 giờ tới 12 giờ.
Gia Định, sân chơi trường học vào ngày 11 Mai 1937 từ 7 giờ tới 9 giờ.
Bà Rịa, trước C.F.A vào ngày 12 Mai 1937 từ 7 giờ tới 9 giờ.
Biên Hòa, tại nhà thương điên vào ngày 12 Mai 1937 từ 15 giờ tới 15 giờ 30
Biên Hòa, trước tòa bố hay sân chơi trường học (nếu trời mưa) vào ngày 12 Mai 1937 từ 16 giờ tới 18 giờ.
Sau đó, dịch vụ công ích này có tên là “Kho sách vận chuyển Nam kỳ”, được nêu trong bài báo ngày 27/7/1939 như sau:
Ngày 31 Juillet này ‘Kho sách vận chuyển Nam kỳ’ sẽ đến các tỉnh kỳ 86 theo ngày giờ sau, vậy ai muốn mượn sách đọc hãy để ý tin này.
Xe chở sách thời gian này đi qua nhiều địa điểm hơn, đến hầu hết các tỉnh Nam kỳ, lần lượt qua Bạc Liêu, Bà Rịa, Bến Tre, Biên Hòa, Cai Lậy, Cà Mau, Cần Giuộc, Cần Thơ, Cao Saint Jacques (Vũng Tàu), Châu Đốc, Củ Chi, Gia Định, Gò Công, Hà Tiên, Hớn Quản, Lái Thiêu, Long Xuyên, Mỹ tho, Rạch Giá, Sa Đéc, Sóc Trăng, Tân An, Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Trà Vinh, Vĩnh Long. Mẩu tin chi tiết hơn ở trong hình bên dưới:
Hai ngày sau mẩu tin trên, ngày 29/7/1939, cũng trên tờ báo Sài Gòn có dòng tin vắn:
“Ai có mượn sách của ‘Kho sách Nhà nước’ ở Sài Gòn, hãy đem trả gấp để tiện làm inventaires (thư mục) và sửa sách hư hại”.
Dịch vụ thư viện lưu động này vẫn còn hoạt động thời thế chiến 2, ngay cả khi Nhật đã vào đóng quân ở Đông Dương. Tờ báo Sài Gòn ngày 11/4/1941 có đăng tin:
“Lời rao
Muốn cho tiện việc kiểm điểm và sửa chữa sách của ‘Kho sách vận chuyển xứ Nam kỳ’ xin mời những độc giả có mượn sách mau mau đem trả, do nơi quan chủ tỉnh cùng quan chủ quân nhứt định”.
Những năm thập niên 1930, xã hội và chính trị ở Sài Gòn có nhiều biến động và chuyển biến lớn. Các tờ báo chữ quốc ngữ xuất bản thường xuyên và lâu dài có các tờ Phụ nữ tân văn, Trung lập, Công luận, Lục tỉnh tân Văn, Sài Gòn, Đuốc nhà Nam, Điển tín…
Chữ quốc ngữ và văn học viết bằng chữ quốc ngữ tiêu biểu như các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, Lê Hoằng Mưu, Phú Đức…, được xuất bản và có ảnh hưởng sâu rộng. Vì vậy việc truyền bá kiến thức đến người dân thông qua sách đến thời điểm này đã được thuận lợi hơn khi chữ quốc ngữ đã trở nên phổ biến.
Theo Nguyễn Đức Hiệp (Sài Gòn Chợ Lớn – Đời sống Xã hội và Chính trị
Tầm ảnh hưởng của sân khấu cải lương đối với đời sống tinh thần của công chúng, vốn đã không còn mạnh mẽ từ những năm 1960, lại càng ảm đạm hơn kể từ sau năm 1975. Tuy nhiên từ khoảng đầu thập niên 1990, ánh đèn sân khấu cải lương bỗng nhiên sáng rực trở lại và có sức ảnh hưởng lớn trong làng nghệ thuật Việt Nam. Một trong những người góp công lớn nhất cho sự trở lại này của cải lương chính là nghệ sĩ Vũ Linh.
Vào thời vàng son của sân khấu cải lương đó, khi Báo Sân Khấu Thành Phố có lần tổ chức cho khán giả bình chọn “Đôi nghệ sĩ diễn chung trên sân khấu được yêu thích nhất”, thì Vũ Linh – Tài Linh xếp hạng thứ nhì (chỉ đứng sau cặp nghệ sĩ kỳ cựu Minh Vương – Lệ Thủy). Điều đó cho thấy, sức hút của Vũ Linh – Tài Linh trong giới mộ điệu cải lương là rất lớn.
Vũ Linh luôn là nghệ sĩ được khán giả quý mến bởi tài nghệ ca diễn xuất thần. Còn Tài Linh đã chiếm được vị trí “đào thương” trong lòng công chúng. Cả hai tạo nên một “mối tình sân khấu” ấn tượng. Mối đồng cảm lớn nhất của họ là sự phấn đấu không ngừng để được tồn tại lâu dài trên sân khấu.
Cải lương – Giọt Máu Oan Khiên
Vũ Linh và Tài Linh đã có 16 năm diễn chung trên sân khấu lẫn truyền hình. Một điều đặc biệt là đôi “Song Linh” này là khi đã trở thành “ngôi sao”, họ vẫn sống giản dị, chan hòa tình cảm với mọi người. Họ cũng không dễ dãi chấp nhận những vai diễn thiếu chiều sâu để đánh mất tên tuổi của mình.
Nói bằng ngôn từ của giới nghệ thuật thì Tài Linh – Vũ Linh được “tổ đãi”, bởi sự xuất hiện của họ trong bất kỳ vở diễn nào cũng được khán giả tán thưởng nồng nhiệt.
Thời mà Vũ Linh nổi danh ở các đoàn cải lương An Giang – Khánh Hồng, rồi Lâm Đồng, Sông Bé thì Tài Linh vẫn còn làm nhân viên bán vé ở Đoàn Sài Gòn 3. Sau đó, được vợ chồng nghệ sĩ Thanh Điền – Thanh Kim Huệ phát hiện và động viên, Tài Linh mới chập chững làm quen với nghề hát, rồi từng bước rèn luyện nghề nghiệp qua các sàn diễn: Nha Trang, Tiếng Ca Sông Cửu, Tây Ninh, Long Giang, Cửu Long 1…
Đến khi về Sân khấu Tuồng cổ Minh Tơ, cô mới nổi danh với vai Lý Thần Phi trong vở Bích Vân cung kỳ án. Khi Tài Linh nghỉ hát ở Minh Tơ thì lúc bấy giờ, Vũ Linh đang diễn cho Đoàn Trần Hữu Trang II. Khi ấy, đoàn đang dựng vở Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, chính Vũ Linh đã đề nghị với Trưởng đoàn là nghệ sĩ Lê Thiện mời Tài Linh về tăng cường, vì ông biết rằng Tài Linh có khả năng diễn tốt những vai tuồng cổ.
Vở Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài là vở diễn trong đó cặp Vũ Linh – Tài Linh xuất hiện lần đầu tiên trước khán giả và nhanh chóng trở thành một “hiện tượng” sân khấu.
Trích đoạn Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài năm 2011
Người thầy dẫn dắt Vũ Linh vào nghề là nghệ sĩ Diệu Hiền đánh giá rằng không ai vừa hát vừa diễn xuất sắc hơn ông với vai Lương Sơn Bá, đặc biệt trong phân cảnh Chúc Anh Đài lên xe hoa, làm lễ vu quy. Nét diễn tài hoa kết hợp lối hát nghẹn ngào, chất chứa tâm tình của Vũ Linh đi vào ký ức khán giả đương thời, trở thành chuẩn mực ca diễn cho nhiều thế hệ hậu bối.
Sau Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, đôi Song Linh còn tiếp tục đóng cặp trong vở xã hội Bản Tình Ca Còn Đó, Không Bán Tình Em, cũng “cháy vé”.
Khi cả hai cùng về đóng chánh cho Đoàn Minh Tơ qua các vở: Thanh Xà – Bạch Xà, Tôi Không Làm Hoàng Hậu, Chiêu Quân Cống Hồ, Nặng Gánh Giang Sơn, Gánh Cải Trạng nguyên… càng tạo nên “thương hiệu” lẫy lừng cho sân khấu này.
Ngoài ra, Vũ Linh – Tài Linh cùng xuất hiện rất nhiều trong các vở cải lương video, đình đám nhất phải kể đến vở Thần Nữ Dâng Ngũ Linh Kỳ.
Cải lương Thần Nữ Dâng Ngũ Linh Kỳ
Nghệ sĩ Thanh Tòng đã nhận xét:
“Sự hỗ trợ từ cách ca, cách diễn đến những “bài toán” vũ đạo đẹp mắt. Có xem vở mới thấy rõ nét sáng đẹp trong diễn xuất của họ. Trong vai diễn Thần Nữ, Tài Linh từ điệu bộ “chạy gối” đến những chiêu võ loạn phá “phủ soái” giải vây cho chàng Tiết Ứng Luông – Vũ Linh thật điêu luyện. Còn chàng võ tướng họ Tiết qua cách diễn của Vũ Linh đã lột tả được cái nét “đa tình” và khí phách của một trang dũng tướng. Còn trong các vai diễn “kiểu mẫu” thuộc dạng tuồng tâm lý xã hội thì sức thuyết phục của họ với người xem là sự vận dụng cái “duyên” của mình, tạo thành “đất dụng võ” có giá trị cho vai diễn. Ở đó họ như có sự hòa quyện với nhau, diễn xuất chân thật, tinh tế, điêu luyện nhưng không kém phần hồn nhiên giản dị”.
Ngoài ra, Vũ Linh – Tài Linh còn hát chung trên sân khấu tân nhạc với vai trò ca sĩ ở khắp các tụ điểm của thành phố qua các ca khúc như Chuyện Tình Ngưu Lang – Chức Nữ, Hoa Học Trò, Cô Thắm Về Làng, Giăng Câu, Nỗi Buồn Hoa Phượng, Tình Đời… cũng nhận được những tràn pháo tay của khán giả giống như trên sân khấu cải lương.
Năm 2003, nghệ sĩ Tài Linh định cư cùng gia đình tại Mỹ để lại sự luyến tiếc trong lòng người hâm mộ về một cuộc chia tay của đôi nghệ sĩ được cảm mến trên sân khấu Việt Nam.
Thời gian sau đó, thỉnh thoảng họ có tái hợp trên một vài sân khấu, nhưng lúc này thì sân khấu cải lương đã thoái trào, hiệu ứng mà đôi nghệ sĩ này mang lại đã không bao giờ có thể vang dội như thời vàng son nữa.
Nghệ sĩ cải lương nổi tiếng thời thập niên 1990 là Vũ Linh đã vừa qua đời vào trưa ngày 5/3/2023 tại nhà riêng ở Phú Nhuận sau thời gian chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Hưởng thọ 65 tuổi.
Từ năm 2019, nghệ sĩ Vũ Linh đã ngừng đi diễn do có không đủ sức khỏe. Ngoài bệnh đường ruột kéo dài lâu năm, ông còn mắc vấn đề cột sống, không thể đứng thường xuyên hay biểu diễn vũ đạo. Trước đó, Vũ Linh từng trải qua một cơn bạo bệnh nhưng may mắn qua khỏi.
Vũ Linh được xem là nam nghệ sĩ cải lương thành công nhất của thế hệ nghệ sĩ nổi tiếng sau năm 1975. Ông có vóc dáng cao ráo nho nhã, sáng đẹp, giọng hát nội lực vang sáng, trữ tình cùng với lối diễn xuất tinh tế, trở thành một anh kép đẹp hiếm có của cải lương miền Nam, nối tiếp thế hệ các nghệ sĩ thế hệ vàng đàn anh như Minh Phụng, Minh Vương, Thanh Sang…
Nghệ sĩ Vũ Linh tên thật là Võ Văn Ngoan, sinh ngày 10 tháng 12 năm 1958 trong gia đình có 6 anh chị em. Xuất thân trong gia đình nghèo nên việc học hành của cậu bé Ngoan bị dang dở, đến năm 13 tuổi được gia đình cho học hát ở trường Văn Phát, sau chuyển qua học ca cổ với danh cầm Văn Vĩ. Năm 14 tuổi, Vũ Linh được theo đoàn hát Đồng Ấu Hoa Thế Hệ đi lưu diễn ở các tỉnh, một thời gian sau về hát cho gánh Hoa Anh Đào Kim Chưởng và được các nghệ sĩ đàn chị là Diệu Hiền và Trương Ánh Loan tận tình hướng dẫn.
Sau đó, Vũ Linh lần lượt cộng tác với những đoàn hát khác là Khánh Hồng An Giang, Thiên Nga, Sơn Minh, gánh Minh Tơ, Huỳnh Long, Lâm Đồng… Đến năm 1988, ông cộng tác với Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang 2, đây cũng là thời điểm Vũ Linh thực sự bước lên đài vinh quang sau hơn 15 năm trong nghề, góp công lớn đưa nghệ thuật sân khấu cải lương tuồng cổ trở lại với quần chúng, bắt đầu bằng vở Xa Phu Đi Sứ. Không lâu sau đó là một loạt những tuồng cải lương Hồ quảng nổi tiếng khác như Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, Bàng Quý Phi, Thần Nữ dâng Ngũ Linh Kỳ, Chiêu Quân cống Hồ,… Vài năm sau ông cũng có về cộng tác với các gánh Sông Bé 2, Sông Bé 3.
Năm 1989, Vũ Linh đạt hạng nhì trong 10 diễn viên được ưa thích nhất trong năm, đến 1990 thì được hạng nhất trong 10 diễn viên được ưa thích nhất trong năm. Năm 1991, ông đoạt Huy Chương Vàng giải Triển Vọng Trần Hữu Trang, là nam nghệ sĩ duy nhất trong số 6 diễn viên đoạt giải năm đó, bao gồm Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Ngọc Huyền, Tài Linh, Phương Hồng Thủy, và Thanh Hằng.
Năm 1995, ông đoạt Huy chương Vàng giải xuất sắc Trần Hữu Trang. Đây là năm đầu tiên giải Trần Hữu Trang có phát thêm giải Diễn viên xuất sắc.
Trong suốt sự nghiệp lừng lẫy của mình, Vũ Linh đã quay trên 400 video cải lương hồ quảng và xã hội. Ngoài ra anh cũng tham gia rất nhiều trong những video ca nhạc như Duyên tình, Tình đời. Anh cũng tham gia diễn xuất trong 2 cuốn phim truyện, Cô Bé Mộng Mơ và Búp Bê Kỳ Quái. Vũ Linh đã diễn chung với nhiều nữ nghệ sĩ trên sân khấu cũng như trong video như: Phương Hồng Thủy, Tài Linh, Thanh Thanh Tâm, Ngọc Huyền, Thoại Mỹ, Thanh Hằng, Thanh Ngân, Hương Lan, Phượng Mai… Trong đó, cặp đôi Vũ Linh – Tài Linh đã gây được dấu ấn sâu sắc và có thể xem là cặp đào – kép nổi bật trong làng cải lương thập niên 1990.
Bệnh viện Đa Khoa Sài Gòn trên đường Lê Lợi hiện nay, nằm ở gần chợ Bến Thành, được xây dựng vào năm 1914, chỉ sau ngôi chợ này 2 năm.
Ban đầu, bệnh viện này được đặt tên là Dejean de la Bâtie, nằm trên đại lộ mang tên Bonard. Xin nhắc lại rằng đường Bonard trước đó chỉ dài từ Opera House tới đường Mac-Mahon. Đường Mac-Mahon sau 1955 là đường Công Lý (nay là NKKN). Đến năm 1914, khi chợ Bến Thành mới được xây dựng xong thì đại lộ Bonard cùng được nối dài từ quảng trường Francis Garnier (nay là công trường Lam Sơn) đến quảng trường Cuniac (nay là quảng trường Quách Thị Trang), và đó cũng là thời điểm bệnh viện Dejean de la Bâtie được xây dựng nằm trên đường Bonard đoạn vừa được nối dài đó.
Lịch sử bệnh viện Saigon bắt đầu từ bác sĩ Theodose Dejean de la Bâtie (Ông cũng là bác sĩ làm việc và sau đó làm giám đốc bệnh viện Chợ Quán). Từ tháng 4 năm 1903, ông đã tự bỏ tiền ra để lập phòng chữa bệnh miễn phí cho dân chúng Saigon-Gia Định ở đường Rue d’Adran (đường Võ Di Nguy, nay là Hồ Tùng Mậu).
Bác sĩ Bâtie mất năm 1912, khi mới 47 tuổi. Người thay thế ông điều hành phòng chữa bệnh là bác sĩ Montel đã vận động chính quyền được mở rộng quy mô phòng khám vì bệnh nhân mỗi lúc một đông.
Năm 1914, gia tộc Hui Bon Hoa đã hiến tặng mảnh đất gần chợ Bến Thành để xây bệnh viện (lúc này “Chú Hỏa” đã qua đời nên công ty Hui Bon Hoa do những người con của ông điều hành).
Hội đồng thành phố Sài Gòn đã thông qua việc dời phòng khám nhỏ của Montel đến địa điểm rộng rãi hơn do Hui Bon Hoa tặng bên đại lộ Bonard (đại lộ vừa được nối dài tới chợ Bến Thành mới xây), đồng thời quyết định lấy tên bác sĩ Dejean de la Bâtie đặt tên cho bệnh viện (Polyclinique Dejean de la Bâtie). Người Pháp thường gọi bệnh viện này bằng những cái tên khác nữa là Polyclinique du boulevard Bonard (Bệnh viện đa khoa trên đại lộ Bonard), Polyclinique du Marché (Bệnh viện đa khoa Chợ, vì nó gần Chợ Bến Thành).
Một số hình ảnh bên trong bệnh viện lúc nó vừa mới được xây dựng xong:
Phòng khám bệnh
–
Phòng băng vô trùng
–
Phòng băng
–
Phòng phẫu thuật
Từ lúc được xây dựng cho đến năm 1939, bệnh viện liên tục được nâng cấp và xây thêm, tổng chi phí là 185000 piastres (tiền Đông Dương), trong đó gia tộc Hui Bon Hoa ngoài hiến đất còn góp thêm 38000 piastres.
Ngoài ra, một nghị định năm 1938 của Đốc lý Sài Gòn đã đặt tên của bác sĩ Montel cho dãy nhà bên phải của bệnh viện, còn tên Hui Bon Hoa được đặt cho dãy nhà bên trái, để ghi công lao của 2 người này trong việc xây dựng và phát triển bệnh viện. Vì vậy, thời gian này người dân cũng quen gọi đây là Nhà thương Chú Hỏa.
Một số hình ảnh cựu hoàng Bảo Đại đến thăm bệnh viện:
Từ năm 1955, bệnh viện đổi tên chính thức thành Bịnh viện Sài Gòn, nhưng người dân vẫn quen gọi tên là Nhà Thương thí (vì nơi đây khám chữa bệnh hoàn toàn miễn phí). Ngoài ra Bịnh viện Sài Gòn còn thường được gọi bằng những cái tên khác là Y viện Sài Gòn hoặc Bịnh vện Đô Thành.
Bên trong bệnh viện năm 1965
Năm 1985, Bịnh viện Sài Gòn sáp nhập với Trung Tâm Cấp Cứu Thành phố. Năm 1999, Trung tâm này trở thành Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn với 250 giường.
Như sử sách đã ghi, vào năm 1858, liên quân Pháp-Tây Ban Nha đổ bộ và tấn công tại cửa biển Đà Nẵng rồi lần lượt đánh chiếm các tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Tương quan lực lượng không cân xứng, vũ khí còn thô sơ của quân nhà Nguyễn (thời vua Tự Đức) dễ dàng bị các khí tài tân tiến của Châu Âu đánh bại. Đại đồn Chí Hòa của tướng Nguyễn Tri Phương dày công xây dựng để ngăn đà tiến của liên quân Pháp – Tây Ban Nha cũng hoàn toàn sụp đổ, Đô đốc chỉ huy liên quân là Charner tiến quân chiếm tiếp Mỹ Tho. Lúc đầu Charner chỉ đưa ra đòi hỏi rằng phải cho giáo sĩ Pháp tự do truyền đạo, giao thương buôn bán, và nhượng một vài khu đất để mở thương điểm như Singapore, Hongkong của Anh.
Trong khi triều đình Huế còn nấn ná chưa chịu điều đình thì tháng 11/1861, Đô đốc Bonard thay thế Charner, đánh chiếm tiếp Biên Hòa và Côn Đảo, rồi Vĩnh Long, sau đó gửi thư cho triều đình Huế đề nghị lập hòa ước.
Lúc đó, hai ông Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp đều xin vào Nam để thương thuyết với Pháp. Vua Tự Đức bèn hạ chiếu phong Phan Thanh Giản làm Chánh sứ toàn quyền đại thần và Lâm Huy Hiệp làm phó sứ để vào Nam thương thuyết và ký kết Hòa ước Nhâm Tuất ngày 5 tháng 6 năm 1862 tại Sài Gòn.
Chánh sứ Phan Thanh Giản
Đàm phán bất thành, triều đình Huế phải ký với Pháp và Tây Ban Nha hòa ước ngày 5/6/1862 gồm 12 điều khoản, trong đó có nhiều điều khoản bất lợi cho Đại Nam, như là đạo ki-tô được tự do hoạt động (Khoản 2 Hiệp ước), 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và đảo Côn Lôn (Côn Đảo) phải nhượng cho Pháp (Khoản 3 Hiệp ước); triều đình phải trả cho Pháp và Tây Ban Nha một khoản bồi thường chiến phí là 4 triệu piastre trong 10 năm, mỗi năm 400.000 đồng (quy ra bạc là 288 nghìn lạng-Khoản 8 hiệp ước); chỉ có điều 11 được coi là một sự nhân nhượng của người Pháp, đó là sẽ trả lại tỉnh Vĩnh Long cho triều đình Huế, nhưng kèm theo điều kiện là triều đình phải có biện pháp chấm dứt các cuộc khởi nghĩa chống lại người Pháp ở các tỉnh.
Khi được tin 2 ông Phan, Lâm đã không hoàn thành sứ mạng vua trao là “đất đai quyết không thể nào cho được, tà giáo quyết không cho tuyên truyền”, triều đình xin luận tội 2 ông, nhưng theo Đại Nam thực lục, vua Tự Đức nói: “Bây giờ há có người hiền tài nào mà đổi hết được ru? Bèn cho Phan Thanh Giản lãnh tổng đốc Vĩnh Long, Duy hiệp lãnh tuần phủ Thuận Khánh cùng tướng nước Pháp biện bác để chuộc tội”.
Sau khi mất 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, vua trăn trở vì để mất Gia Định, muốn cử người sang Pháp để trực tiếp điều đình với Napoleon III.
Sự bộ Đại Nam sang Pháp – Tây Ban Nha do các vị Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản dẫn đầu phái đoàn 63 người.
Những người do triều đinh Huế cử:
Chánh sứ: Phan Thanh Giản, 68 tuổi, Hiệp biện Đại học sĩ
Phó sứ: Phạm Phú Thứ, 43 tuổi, Lại bộ Tả tham tri
Bồi sứ: Ngụy Khắc Đản, 47 tuổi, Án sát tỉnh Quảng Nam
Phụ trách lễ vật: Nguyễn Văn Chất, Công bộ Lang trưng
Hai thư ký: Hồ Văn Long (Binh bộ Viên ngoại lang), Trần Văn Cư (Hộ bộ Viên ngoại lang)
Bốn văn nhân: Hoàng Ky (Lễ bộ chủ sự), Tạ Huệ Kế (Hộ bộ chủ sự), Phạm Hữu Độ (Sứ bộ tư vụ), Trần Tế (Tư vụ)
Hai võ quan: Nguyễn Mậu Bình (Hiệp quản), Hồ Văn Huân (Hiệp quản)
Bốn võ quan tháp tùng: Nguyễn Hữu Tước (Suất đội), Lương Văn Thế (Suất đội), Nguyễn Hữu Thuận (Suất đội), Nguyễn Hữu Cấp (Suất đội)
Hai y sĩ: Nguyễn Văn Huy, Ngô Văn Nhuận
Một thông ngôn: Nguyễn Văn Trường
Kèm với 25 lính, 19 người giúp việc
Đoàn còn có những người Pháp cử theo:
Hai thông ngôn: Trương Vĩnh Ký (hạng nhất), Nguyễn Văn Sang (hạng nhì)
Hai học sinh trường d’Aran: Trần Văn Luông và Simon Của
Ba người giúp việc
Sứ đoàn Phan Thanh Giản tại Paris (hình chụp ngày 21-9-1863)
Việc chánh sứ Phan Thanh Giản dẫn đầu sứ bộ sang Pháp năm 1863 đánh dầu lần đầu tiên một phái đoàn đại diện chính thức chính quyền ở Đại Nam sang Tây Dương, và họ cũng được xem là những người Việt đầu tiên được chụp ảnh chân dung cá nhân như loạt ảnh sau đây.
Chân dung chánh sứ Phan Thanh Giản trong chuyến đi sứ qua Pháp năm 1863, năm đó cụ 68 tuổi
Chân dung phó sứ Phạm Phú Thứ, 43 tuổi:
Chân dung bồi sứ Ngụy Khắc Đản, 48 tuổi:
Vào thập niên 1920, ảnh của ba vị chánh sứ – phó sứ được Tập san Đô thành Hiếu cổ (Bulletin des Amis du Vieux Hue – BAVH) đăng tải trên số 1 năm 1926, kỹ thuật in tráng thời đó khiến ảnh trông không rõ nét.
Phạm Phú Thứ, Phan Thanh Giản, Ngụy Khắc Đản và 1 người hầu
Ngoài ba vị này, hầu như không ai nhìn thấy ảnh chân dung chụp riêng của các thành viên khác trong sứ bộ. Mãi đến gần đây, Thư viện quốc gia Pháp (BNF) mới công bố gần 70 bức ảnh chân dung của nhiều thành viên trong sứ bộ người Việt tại Pháp năm 1863 đã được một nhà nhiếp ảnh thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Paris thực hiện.
Sau đây là những hình ảnh khác của các thành viên trong sứ bộ:
Nguyễn Văn Chất, 40 tuổi, người tỉnh Quảng Trị, Quan văn Chánh tứ phẩm, người phụ trách lễ vật:
Hồ Văn Long, 50 tuổi, người tỉnh Quảng Trị – một trong hai thư ký của Sứ bộ:
Trần Văn Cư, 46 tuổi, sinh ở Huế – Quan văn Tòng ngũ phẩm, một trong hai thư ký của Sứ bộ:
Tạ Huệ Kế, 50 tuổi, sinh ở Huế. Quan văn Chánh lục phẩm:
Phạm Hữu Độ, 31 tuổi, người tỉnh Quảng Bình, Quan văn Chánh thất phẩm:
Trần Tế, 39 tuổi, sinh ở Nam Định – Quan văn Chánh lục phẩm:
Lương Văn Thể, 47 tuổi, người Quảng Nam – Quan võ, tòng ngũ phẩm. Sĩ quan tháp tùng:
Nguyễn Hữu Thận, quan võ, tòng Ngũ phẩm (30 tuổi, người Thừa Thiên):
Cui-Giant-Thenh, 47 tuổi, người Huế:
Hồ Văn Huân, quan võ:
Nguyễn Hữu Cấp, sinh ở Huế – Võ quan Tòng ngũ phẩm, sĩ quan tháp tùng:
Ngô Văn Huân, 53 tuổi, sinh ở Huế – Quan võ Tòng tứ phẩm:
Ngô Văn Nhuận, 42 tuổi, người Hà Tiên – Quan văn tòng Thất phẩm – Thầy thuốc:
Petrus Trương Vĩnh Ký – Thông ngôn hạng nhất:
Petrus Nguyễn Văn Sang, 35 tuổi, người miền Bắc – Thông ngôn hạng nhì:
Tôn Thọ Tường là một nhân vật lịch sử, từng cộng tác chặt chẽ với Pháp và sau này được người Pháp thăng chức đốc phủ sứ năm 1871, làm việc dưới quyền của Tổng Lãnh sự Pháp De Kergaradec ở Bắc Kỳ năm 1875.
Hạ sĩ Nguyên, 36 tuổi, người Thừa Thiên, tóc dài 1m58:
Ông Hiếu, 45 tuổi, sinh ở Huế:
Dân yaü, 27 tuổi, lính hầu sinh ở Huế:
Ông Tân 30 tuổi, nho sĩ người Quảng Nam:
Trần Quang Diệu, 20 tuổi, người giúp việc:
Cang 28 tuổi, người Gia Định, giúp việc:
D’a 24 tuổi, sinh ở Huế, người giúp việc:
Trong kho ảnh của Tập san Đô thành Hiếu cổ (Bulletin des Amis du Vieux Hue – BAVH) còn có 2 hình ảnh khác, dù không thuộc đoàn sứ bộ, nhưng cũng là trường hợp đặc biệt, đó là 2 du học sinh người Việt đầu tiên sang học ở Pháp, đó là:
Trần Văn Luông, 17 tuổi, sinh ở Saigon – Học sinh trường Adran:
Simon Của, 18 tuổi, người Nam Kỳ, học sinh trường Adran:
Trở lại với việc sứ bộ do Phan Thanh Giản dẫn đầu đoàn sứ bộ sang Pháp và Tây Ban Nha, với lời dặn dò kỹ lưỡng của vua Tự Đức được ghi chép như sau:
“Phải đòi cho bằng được sự nhượng lại những phần đất mà Pháp đã chiếm cứ. Trong trường hợp chính phủ Pháp từ chối, các khanh hãy kéo dài cuộc lưu trú tại Pháp để chờ có cơ hội thuận tiện mở lại cuộc thương thuyết. Phải cố gắng gây một dư luận thuận lợi cho chính phủ của ta. Các khanh cũng phải cố gắng làm cho chính phủ Pháp mềm lòng đối với số phận của xứ sở chúng ta”.
Trong quốc thư gửi Napoleon III, vua Tự Đức yêu cầu xét lại một số điều khoản của Hòa ước Nhâm Tuất, đặc biệt là điều khoản liên quan đến việc nhường đất. Nhà vua đề nghị, theo các nhà Thanh ký kết với người Anh, triều đình Huế sẵn sàng cho người Pháp thiết lập một số nhượng địa bao gồm Sài Gòn ở tỉnh Gia Định, một địa điểm nào đó trong tỉnh Định Tường ngoài thành Mỹ Tho, xứ Thủ Dầu Một thuộc tỉnh Biên Hòa và đảo Côn Lôn.
Lúc đó Đại Nam vẫn chưa có phương tiện băng qua đại dương trong nhiều tháng, nên đoàn sứ bộ di chuyển bằng tàu của Pháp, triều đình Huế lấy cớ là để đáp lễ Pháp hoàng đã phái người tới chúc mừng vua Tự Đức nhân dịp ký hoà ước 1862. Người Pháp bằng lòng cho mượn tàu Europeén và cử người đi theo hướng dẫn, nhưng phía Đại Nam phải trả mọi phí tổn.
Theo tài liệu ghi trong cuốn Đặc khảo về Phan Thanh Giản của Tập san Sử Địa, vào ngày 21-6-1863, trước khi sứ bộ ra đi, vua Tự Đức đối thoại với Phan Thanh Giản như sau:
– Ta nhất sơ thông sứ để mưu chuộc đất, ý quan Pháp thế nào?
– Ý họ thế nào tôi chưa biết rõ, nhưng gấp quá e chưa tất được.
– Vậy thì sai sứ đi có ích chi? Phan Thanh Giản còn không biết rõ huống hồ người khác. Các ngươi đi chuyến này liệu nói thế nào cho được, nếu không nghe, nên lưu lại cố nói, sao cho động lòng họ, chứ đi không về rồi hoặc bỏ mạng không về thì có ích gì cho nước?
Vua hỏi thêm:
– Trước kia ngươi bỏ Nam Kỳ chắc là đã có cân nhắc, vậy ngươi còn có ý gì nữa không?
– Xem kỹ thời thế, không thế không được. Tôi nay phụng mệnh đi sứ, xong việc hay không còn tuỳ được ở hai nước. Tôi chỉ biết hết lòng, hết sức mà thôi.
Vua rơi luỵ bảo các quan:
– Đất đai ấy, nhân dân ấy của tiền triều mở mang, nhóm họp để lại, nay các ngươi phải đồng tâm lo liệu sao cho ta khỏi hổ thẹn, khỏi lo lắng.
Rồi vua dặn dò sứ thần:
– Quốc thư phải đưa cho đến nơi, đừng để các quan đương sự ngăn đón, đừng chuyên tin lời người thông ngôn,… Sứ thần là người thay mặt vua, đừng lạy mà nhục quốc thể.
Khi tiễn chân ra cửa điện, vua còn hỏi thêm Phan Thanh Giản:
– Nếu người ta không cho chuộc thì ngươi có cách gì đối phó không?
Phan Thanh Giản tâu:
– Tôi xin nhận chân sứ mạng, dầu cuộc đàm phán bị bế tắc thì lũ tôi có thể duy trì mối tình thân thiện, để nuôi hy vọng về tương lai; nếu có thể “đem ngói đổi vàng” thì lúc nào lũ tôi cũng sẵn sàng, ngoài ra lũ tôi không có cách gì khác.
Vua Tự Đức vỗ vai Phan Thanh Giản và nói:
– Ngươi đã chịu hy sinh trước sứ mạng, thì ta cũng chắc được khỏi tội với đời sau; đất 3 tỉnh là xương máu của dân, chuộc lại là chuộc tội cho ta, để cho dân thoả lòng nguyện vọng.”
Biết rằng phải gánh nhiệm vụ to lớn, cụ Phan Thanh Giản có làm bài thơ rằng:
Chín tầng lồng lộng giữa trời thinh Phụng chỉ ra đi buổi sứ trình Lo nỗi nước kia còn phiến biến Thương bề dân nọ cuộc giao chinh
Nghìn trùng biển cả sang tây địa Muôn dặm đường xa thẳng đế kinh Mây nước sang qua cùng Pháp quốc Rước đưa mừng rỡ cuộc hòa minh
Sứ bộ vào Sài Gòn bằng tàu Cho, rồi tới Alexandrie bằng tàu Eurppéen, tới Toulon bằng tàu Labrador ngày 9-9-1863 và cập bến Marseille ngày 12-9-1863. Chiều ngày 13-9-1863, sứ bộ tới Paris bằng xe lửa. Tại Toulon, Marseille và Paris, sứ bộ được đón tiếp long trọng và đúng theo nghi cách. Trong lúc đó, Pháp hoàng Napoléon 3 đang lũ trú ở Biarritz nên hoạt động của sứ bộ là đi thăm viếng các thắng cảnh, quan sát các cơ sở kỹ nghệ và dự tiếp tân, viếng thăm xã giao nhiều sứ thần ngoại quốc tại Paris.
Suốt trong thời gian lưu trú tại Paris, sứ bộ tiếp xúc với Bộ Ngoại Giao Pháp nhiều nhất: ngày 18-9-1863 tiếp tân tại Bộ Ngoại Giao, 3 ngày sau, ông Drouyn De Lhuys – Tổng trưởng Ngoại giao tới khách sạn để đáp lễ và ngày 21-10-1863, cũng dự tiệc tại Bộ Ngoại Giao. Đặc biệt ngày 26-9-1863, sứ bộ tới nhà riêng của ông D. De Lhuys để thảo luận.
Ngày 7-11-1863, sứ bộ Việt Nam được vào bệ kiến Napoléon 3 tại điện Tuileries theo nghi lễ ngoại giao trọng thể.
Sau những nghi thức thông thường, Phan Thanh Giản đệ trình quốc thư lên Napoléon 3, rồi trình bày mục đích của sứ bộ là xin chuộc 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Nhưng cuộc gặp gỡ này không đi đến một kết quả cụ thể nào.
Ít hôm sau, Bộ Ngoại Giao Pháp mới sứ bộ tới và hứa “sẽ nghiên cứu rồi sửa lại Hiệp Ước 1862, sau đó sẽ ký kết với các ngài một hiệp ước khác”. Phan Thanh Giản cũng tuyên bố đại lược rằng: “Sứ bộ Việt Nam xin chuộc 3 tỉnh miền Đông và Việt Nam sẽ trả mỗi năm 2 hay 3 triệu vô hạn định hoặc sẽ trả 40 triệu trong 1 lần. Người Pháp có quyền cư trú tại 3 hải cảng của Việt Nam và tự do thương mại, đồng thời Việt Nam sẽ nhượng cho Pháp hải cảng Sài Gòn”.
Chính phủ Pháp chấp thuận việc sửa đổi Hoà ước 1862 nên soạn ra một bản dự thảo hoà ước mới. Bản văn này được trao cho sứ bộ Việt Nam trước khi lên đường sang Y Pha Nho (tức Tây Ban Nha).
Lý do chính phủ Pháp chấp nhận việc sửa đổi này là vấn đề ngân sách. Lúc đó ngân sách nước Pháp thâm thủng 972 triệu nên cả Pháp hoàng lẫn Tổng trường Tài chánh Achille Pould đều chủ trương giải pháp trao trả đất cho Việt Nam để lấy tiền bồi thường.
Như vậy, trên nguyên tắc, sứ mệnh của Phan Thanh Giản đã thành công.
Trong hai tháng ở Paris, sứ bộ đi thăm những cơ sở nông nghiệp ở kinh đô nước Pháp, học hỏi được những điều mới. Nhật ký ghi lại một chương trình khá bận rộn. Mỗi ngày điều có tiếp tân hoặc thăm viếng. Sứ bộ thấy nhiều, biết nhiều và ghi chép nhiều, đặc biệt là những điều có liên quan đến kỹ thuật. Ngược lại, họ có vẻ khá lạnh nhạt với các cuộc tiếp tân nồng hậu hay các buổi du hí, xem đua ngựa, kịch nghệ. Có lẽ vì trọng trách nặng nề nên các vị chỉ mong làm xong sớm nhiệm vụ rồi về nước.
Ngày 10-11-1863, sứ bộ lên đường sang Madrid để bệ kiến nữ hoàng Isabella của Y Pha Nho. Tại đây, sứ bộ cũng được đón tiếp long trọng như ở Pháp.
Sau khi xong việc, sứ bộ về Việt Nam, dọc đường gặp bão, nên mãi tháng 2 năm Giáp Tý (1864) mới về tới Huế.
Ngày 21-3-1864, Phan Thanh Giản tường trình kết quả lên vua Tự Đức. Vua Tự Đức và triều thần đều vui mừng và tán thưởng công lao của sứ bộ. Vua Tự Đức bèn phong Phan Thanh Giản (68 tuổi) làm Thượng thư bộ Lại như cũ.
Nhưng thực tế, triều đình Huế đã mừng hụt, vì phe thực dân đã vận động để chống lại việc cho chuộc đất. Đứng đầu phe này là các nhân vật thuộc Bộ Hải Quân và Thuộc Địa như Ch. Laubat, Bonard, De La Grandière,..
Vào năm 1864, khi phe thực dân chưa thắng thế thì quyển Vấn đề Nam Kỳ xét theo quyền lợi của Pháp của Rieunier – ký dưới bút hiệu H. Abel – được tung ra làm cho dư luận ủng hộ lập trường của phe thực dân.
Song song với sự biến chuyển dư luận đó ở Pháp, Aubaret tới Huế để đại diện Pháp ký kết với Phan Thanh Giản một hoà ước mới ngày 15 tháng 7 năm 1864, trong đó Pháp sẽ trả 3 tỉnh đã chiếm cho Việt Nam.
Nhưng luận cứ của phe thực dân đã làm Pháp hoàng xiêu lòng nên ngày 18-7-1864, Napoléon 3 đã ra lịnh cho Aubaret ngừng thương thuyết. Lịnh này tới Huế ngày 21-7-1864, thì hoà ước đã ký được 6 ngày rồi!
Thế là tại Pháp mọi sự phản đối nhằm vào hoà ước Aubaret. Tháng 11-1864, Ch. Laubat đệ lên Napoléon 3 một bản phúc trình thứ hai, dựa theo quan điểm của De La Grandière về các khía cạnh chính trị và tài chánh, đã xác định giá trị của sự thịnh vượng của thuộc địa Nam Kỳ và chỉ trích kịch liệt ý kiến chiếm đóng thu hẹp ở Nam Kỳ và đề nghị giữ nguyên hoà ước 1862.
Bản phúc trình này làm Napoléon 3 quyết định không cho chuộc đất ở Nam Kỳ. Tháng 2 – 1865, Aubaret tới Huế cho hay không có hoà ước mới và yêu cầu vua Tự Đức cho trả tiền chiến phí cùng cấm dân chúng chống Pháp.
Như thế việc chuộc đất hoàn toàn thất bại. Kết quả đó làm Tự Đức tức giận, cách lưu Phan Thanh Giản. (Đây là lần giáng chức thứ 6).
Số phận và tương lai của Việt Nam đã được định đoạt.
Tuêps theo 2 kỳ đầu của bộ sưu tập hình ảnh Sài Gòn thập niên 1990, sau đây là bài thứ 3 với những hình ảnh của cùng một nhiếp ảnh gia người Đức đi du lịch ở Việt Nam năm 1991.
Đến thăm Việt Nam vào đầu thập niên 1990, thời điểm có rất ít khách du lịch đến Việt Nam, Hans-Peter Grumpe – nhiếp ảnh gia người Đức, đã có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp “nguyên sơ”, chưa bị tác động nhiều bởi xu thế thương mại như sau này.
Theo lời kể của Grumpe, ông đã ngay lập tức bị quyến rũ bởi vẻ đẹp của cảnh quan cùng sự hiếu khách của người dân ngay trong lần đầu tiên đặt chân đến nơi đây. Ông nói rằng khi đó việc khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch tự túc vẫn rất hạn chế, cần có giấy phép để để thăm hầu hết các địa điểm. Khách sạn thì rất ít, khi đến vùng sâu vùng xa ông phải ở trong nhà nghỉ của UBND.
Nhiếp ảnh gia này đã ở Việt Nam tổng cộng 83 ngày, trải dài trong 3 năm 1991, 1992, 1993, ở tại 20 tỉnh thành, ông đã nhận xét về sự khác biệt giữa 2 miền Nam và Bắc của Việt Nam, đó là miền Nam có lối sống dường như hối hả hơn và năng động hơn. Ngược lại, ở miền Bắc có vẻ yên tĩnh hơn nhiều, đường vắng vẻ ít người qua lại.
Grumpe đặc biệt yêu thích Việt Nam và nói rằng đây là quốc gia ông đi du lịch nhiều nhất, cùng với đó là 1600 hình ảnh được ông thực hiện trong nhiều chuyến đi, và Sài Gòn cũng là nơi ông chụp nhiều hình ảnh nhất. Mời các bạn xem loạt hình ảnh Sài Gòn năm 1991, hơn 30 năm trước.
Hình ảnh UBND thành phố, vốn là Dinh Xã Tây thời Pháp và Tòa Đô Chánh thời VNCH:
Tòa nhà được xây dựng vào năm 1899, hoàn thành năm 1909, từ lúc đó cho đến nay, nó luôn được sử dụng cho mục đích một tòa nhà thị chính, nơi làm việc của quan chức thành phố. Thiết kế ᴄủa tòa nhà đượᴄ mô phỏnɡ thеᴏ kiểu nhữnɡ lầu ᴄhuônɡ ở miền Bắᴄ nướᴄ Pháp.
Cách tòa nhà UBND không xa là công trường Lam Sơn, nằm ở giữa Nhà Hát và Bùng binh Cây Liễu
–
Bên trái hình là Bùng binh Cây Liễu, nằm bên cạnh Thương Xá TAX, lúc này mang tên Cửa hàng Bách Hóa Tổng Hợp
–
Pa nô cổ động trên đường phố
–
Hình ảnh chùa Vĩnh Nghiêm năm 1991, tròn 20 sau khi được xây dựng (1971)
Sau đây là hình ảnh Nhà Thờ Đức Bà năm 1991, thời điểm hơn 100 năm sau khi được xây dựng:
Chùa Giác Lâm được xây dựng năm 1744 và là một trong những ngôi chùa cổ nhất Sài Gòn
–
Dinh Độc Lập năm 1991
–
Tòa nhà Đại sứ quán Mỹ cũ, thời điểm chưa bị đập bỏ để xây tòa nhà khác có quy mô nhỏ hơn
Tòa nhà này được xây dựng vào thập niên 1960, một khối vuông vức có 6 tầng được bao bọc bởi 7.800 viên đá Taredo, có 140 phòng với 200 nhân viên phục vụ và 60 lính gác thường trực. Tuy nhiên tòa nhà sứ quán này chỉ hoạt động được trong 8 năm cho đến năm 1975.
Sau 1975, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã sử dụng tòa nhà này làm cơ sở cho tới thập niên 1980. Năm 1995, Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ, toàn bộ khu vực này được trao trả lại cho phía Mỹ. Sau đó chính phủ Mỹ quyết định đập bỏ tòa nhà này để xây tòa lãnh sự quán mới như hiện nay, với quy mô nhỏ hơn.
Khách sạn nổi trên Bến Bạch Đằng thời điểm vừa mới được đưa vào khai thác ở Sài Gòn
Tên chính thức của tòa nhà nổi này là Kháᴄh sạn Sài Gòn, nhưng nhiều người dân thành phố quеn thuộᴄ với ᴄái tên “Kháᴄh sạn nổi” hay “Nhà hàng nổi 5 saᴏ”, ᴄòn kháᴄh nướᴄ ngᴏài thì thường gọi là “Thе Flᴏatеr” mỗi khi nhắᴄ đến tòa nhà 5 tầng nằm bên sông này Sài Gòn này. Thời thập niên 1990, khi chưa có nhiều khách sạn cao cấp ở Việt Nam thì khách sạn này từng là biểu tượng ᴄủa giới thượng lưu ở Sài Gòn.
Đây là kháᴄh sạn nổi đầu tiên trên thế giới, dài 89.2m, ᴄaᴏ 27.6m sᴏ với mựᴄ nướᴄ biển, là táᴄ phẩm thiết kế ᴄủa một người Ý tên là Dᴏug Tarᴄa. Kháᴄh sạn đượᴄ đóng tại Singapᴏrе và hᴏàn thiện vàᴏ năm 1988 với 201 phòng đủ tiêu ᴄhuẩn 5 saᴏ, sứᴄ ᴄhứa lên đến 356 kháᴄh ᴄùng lúᴄ, ᴄó phòng tập thể dụᴄ, sân tеnnis, hồ bơi, nhà hàng, bar, bãi trựᴄ thăng, đài quan sát dưới nướᴄ. Nội thất bên trᴏng kháᴄh sạn thời kỳ hᴏàng kim, hệ thống thang máy, đèn, lan ᴄan… sáng bóng, sang trọng.
Bưu điện Sài Gòn năm 1991. Đây cũng là năm tròn 100 tòa nhà này đi vào hoạt động
Bưu Điện Trung Tâm Sài Gòn là một trong số ít những công trình có tuổi hơn 100 năm vẫn còn tồn tại gần như nguyên vẹn đến ngày nay, nếu xét về mặt kiến trúc tổng thể.
Bưu điện Sài Gòn được xây dựng trong khoảng thời gian 1886 đến 1891, là công trình tiêu biểu sau cùng của kiến trúc sư Marie-Alfred Foulhoux (1840-1892), cũng là người đồng thời đã thiết kế những công trình vẫn còn tồn tại đến hiện nay là Dinh Thượng Thơ, Dinh Gia Long (cùng trên đường Lý Tự Trọng ngày nay), Tòa Pháp Đình (Tòa Án trên đường NKKN ngày nay), Tòa nhà Quan Thuế (được sửa lại từ nhà ông Wang Tai, đầu đường Hàm Nghi ngày nay)
Từ khách sạn Caravelle nhìn ra phía sông Sài Gòn. Bốn tháp nhọn là từ nhà thờ Hồi giáo Jamia Al-Musulman trên đường Đông Du
–
Từ trên sân thượng khách sạn Caravelle zoom ra xa thấy tàu thuyền trên cảng Ba Son – Sông Sài Gòn
–
Từ khách sạn Caravelle nhìn về phía bùng binh cây liễu, đại lộ Lê Lợi, nơi có khách sạn REX, bìa bên trái là một phần của thương xá TAX
Đây là góc ảnh quen thuộc của các nhiếp ảnh gia khi đến ở tại Carvelle. Bên dưới đây là 2 hình ảnh khác được chụp tại cùng một vị trí với hình trên, thời điểm trước 1975, cách hình bên trên hơn 20 năm:
–
Từ Caravelle nhìn xuống đường Đồng Khởi, bên dưới là Continental Palace, Eden, xa xa là Nhà Thờ
Đây cũng là 1 góc ảnh ưa thích của các nhiếp ảnh gia người Mỹ trước 1975. Sau đây là ảnh được chụp thập niên 1960: